Đông y trị xuất huyết tử cung chức năng
Xuất huyết tử cung chức năng tức là xuất huyết tử cung bất thường do rối loạn bài tiết nội tiết tố. Bệnh không liên quan đến các bệnh lý của cơ quan tổ chức, thường gặp ở lứa tuổi thanh niên và tiền mãn kinh, có thể gặp trong thời kỳ sinh sản.
Phân loại: chứng bệnh này phân thành hai loại lớn là xuất huyết tử cung không phóng noãn (gặp chủ yếu, chiếm 80 – 90%) và xuất huyết tử cung phóng noãn.
Triệu chứng của xuất huyết tử cung không phóng noãn theo y học cổ truyền mô tả thuộc phạm trù băng lậu.
Xuất huyết tử cung phóng noãn chia thành 2 loại là rối loạn chức năng hoàng thể và teo hoàng thể. Chứng bệnh này mô tả trong y học cổ truyền thuộc phạm trù kinh trước kỳ, kinh kéo dài.
XUẤT HUYẾT TỬ CUNG KHÔNG PHÓNG NOÃN
Nguyên nhân bệnh sinh
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân bệnh sinh của xuất huyết tử cung không phóng noãn là do tổn thương xung nhâm nên không chống chế được kinh huyết. Nguyên nhân gây tổn thương xung nhâm là rất nhiều, thường liên quan đến tỳ thận dương hư, can thận âm hư.
Tỳ thận dương hư: thiếu nữ có bẩm tố tiên thiên bất túc, thiên quý mới đến, thận khí hư nhược, thận dương bất túc, xung nhâm chưa xung thịnh; hoặc do mắc bệnh nặng, bệnh lâu ngày gây tổn thương thận; hoặc do sinh hoạt tình dục quá độ, thai sản nhiều gây tổn thương thận khí; hoặc do tuổi cao thận suy, thận dương hư tổn; hoặc do ăn uống không điều độ, lao động quá sức làm cho tỳ thận lưỡng hư, rối loạn chức năng tàng trữ, không thống nhiếp, xung nhâm bất cố không khống chế được kinh huyết.
Can thận âm hư: do vốn dĩ cơ thể hư nhược (bẩm tố bất túc), hoặc sinh hoạt tình dục quá độ, kết hôn sớm, chửa đẻ nhiều làm tổn thương chân âm; hoặc do bệnh lâu ngày làm tổn thương thận, thận tinh hao hư; hoặc đến tuổi 7 x 7 = 49 nên thận khí dần hư, thiên quý dần hao, lại cảm phải nguyên nhân sinh hoạt tình dục quá độ, ăn uống đồ cay nóng tích ở bên trong nên càng làm tổn thương âm tinh; hoặc bản tính vốn dễ ức uất, uất lâu ngày hóa hỏa gây tổn thương âm tinh; hoặc bản tính vốn dễ ức uất, uất lâu ngày hóa hỏa gây tổn thương can âm. Can thận âm hư, hư hỏa động huyết làm bức huyết vong hành.
Chẩn đoán
Lâm sàng: rối loạn về chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, số lượng kinh ra. Nếu rối loạn về chu kỳ kinh, lúc dài hay lúc ngắn, số lượng kinh ra khi nhiều khi ít, nếu nặng có thể ngất khi ra máu quá nhiều. Một số bệnh nhân có thể thấy trước đó là bế kinh, sau đó là thấy xuất huyết âm đạo với số lượng nhiều, có thể kéo dài 2 – 3 tuần hoặc hơn mà không tự cầm. Đó là biểu hiện âm đạo xuất huyết không có quy luật, hoặc chu kỳ kinh chuẩn nhưng lượng kinh ra rất nhiều hay thời gian có kinh kéo dài. Xuất huyết nhiều và thời gian kéo dài có thể gây chứng thiếu máu. Một số bệnh nhân thấy sưng đau tuyến vú, đau âm ỉ bụng dưới, tinh thần dễ bị kích động.
Thăm khám phụ khoa: không thấy bất thường.
Kiểm tra thêm: đo nhiệt độ cơ bản cơ thể thì không có sự biến đổi có ý nghĩa giống như trước và sau khi rụng trứng, phế kính tế bào âm đạo thấy thay đổi không mang tính chu kỳ, trước khi xuất huyết lấy dịch cổ tử cung phết kính thấy kết tinh dạng xương xỉ, định lượng estradiol E2 tăng cao, progesterone P giảm thấp, sinh thiết niêm mạc tử cung trước hoặc trong kỳ kinh thấy hình ảnh tăng sinh tùy mức độ.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh máu: bao gồm xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu do cơ quan tạo máu do cơ quan tạp máu, bệnh bạch cầu … thì ngoài việc thấy xuất huyết âm đạo ra, còn thấy xuất huyết ở các vị trí khác trên cơ thể, thông qua phân tích công thức máu, tế bào tùy xương có thể giúp cho chẩn đoán.
Rối loạn chức năng tuyến nội tiết: bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến thượng thận … đều có thể gây xuất huyết âm đạo. Thông qua kiểm tra chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận sẽ giúp chẩn đoán xác định.
Bệnh sản khoa:
Sẩy thai, thai ngoài tử cung … đều có thể gây xuất huyết tử cung không theo quy luật. Tuy vậy, bệnh nhân phải có lịch sử tắt kinh, HCG niệu (+).
Rau không bong, sót nhau, tử cung co không tốt … đều có thể gây xuất huyết tử cung không có quy luật. Tuy vậy, phải dựa vào bệnh nhân có tiền sử nạo thai, dùng thuốc ra thai, sau sinh. Siêu âm phụ khoa cũng giúp cho chẩn đoán.
Viêm phần phụ: viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung cấp hoặc mạn tính … đều gây xuất huyết tử cung, bệnh nhân thấy đau bụng dưới, có thể sốt, thăm khám tử cung thấy ấn đau, xét nghiệm thấy BC tăng cao.
Khối u bộ phận sinh dục: u tử cung, u nội mạc tử cung, u nang buồng trứng … đều có thể gây xuất huyết âm đạo. Thăm khám tử cung sờ thấy tử cung to, cừng; sờ thấy khối u ở buồng trứng. Ngoài ra, siêu âm, MRI cũng giúp cho chẩn đoán.
Sử dụng thuốc: bệnh nhân dùng thuốc nội tiết không phù hợp (thuốc tránh thai, thuốc nội tiết khác) đều có thể gây xuất huyết tử cung không có quy luật.
Biện chứng luận trị
Tỳ thận dương hư
Lâm sàng: kinh loạn không có chu kỳ, số lượng kinh ra nhiều hoặc ra rỉ rả không cầm, hoặc bế kinh vài tháng sau đó lại thấy kinh ra ồ ạt không cầm; sắc kinh hồng nhợt hoặc ám tối, chất kinh loãng, sắc mặt ám tối, người lạnh, chân tay lạnh, đau lưng, ăn kém, mệt mỏi, đại tiện phân nát, nước tiểu trong và nhiều, đái đêm nhiều lần; chất lưỡi nhợt bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch trầm tế vô lực.
Phân tích: tỳ thận dương hư, rối loạn chức năng tàng trữ, huyết không được thống nhiếp, xung nhâm bất cố gây rối loạn kinh không có chu kỳ, số lượng kinh ra nhiều hoạc rỉ rả không tự cầm. Dương khí bất túc, kinh huyết không được ôn ấm nên thấy kinh nhợt hồng hoặc ám tối. Dương khí không sung thịnh, giảm khả năng ôn ấm nên tinh thần không hưng phấn, người lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt xạm tối. Thận hư không ôn ấm ngoại phủ nên thấy đau lạnh lưng; bàng quang không được ôn hóa nên thấy tiểu tiện nhiều và trong. Tỳ hư nên rối loạn vận hóa gây ăn kém, đại tiện phân nát. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của tỳ thận bất túc.
Pháp điều trị: ôn thận kiện tỳ, cố xung chỉ huyết.
Bài thuốc: Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia giảm, phối hợp với Lý trung hoàn (Thương hàn luận)
Phụ tử chế 06g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Sơn thù 12g, Lộc giác giao 15g, Thỏ ty tử 12g, Bạch truật 15g, Nhân sâm 06g, Bào khương 06g, Cam thảo 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì phụ tử, đỗ trọng, thỏ ty tử có tác dụng ôn bổ thận dương; lộc giác giao có tác dụng ôn thận khí, dưỡng tinh huyết, cố xung nhâm; thục địa, sơn thù, kỷ tử có tác dụng bổ dưỡng tinh huyết, âm trung cầu dương; nhân sâm, bạch truật, hoài sơn, cam thảo có tác dụng bổ tỳ cố khí nhiếp huyết; bào khương có tác dụng ôn trung để chỉ huyết.
Nếu xuất huyết nhiều thì gia thêm lộc giác sương, bổ cốt chỉ, ngải diệp thán.
Nếu thấy kinh ra màu hồng thẫm, có huyết cục, lạnh đau bụng dưới thì gia một dược, tam thất.
Nếu xuất huyết lượng ít, ra rỉ rả không sạch thì gia ngải diệp, kinh giới thán.
Nếu bệnh nhân ở tuổi thanh niên thì gia tiên mao, dâm dương hoắc để tăng cường tác dụng bổ thận ích xung.
Can thận âm hư
Lâm sàng: kinh loạn không có chu kỳ, kinh ra rỉ rả không cầm, hoặc bế kinh vài tháng, sau đó lại thấy kinh ra ồ ạt không cầm; sắc kinh hồng tươi, chất kinh đặc, chóng mặt, ù tai, đau lưng, lòng bàn chân và tay nóng, đêm ngủ hay mơ; chất lưỡi hồng hoặc có vết nứt, rêu lưỡi ít hoặc không có rêu lưỡi, mạch tế sác.
Phân tích: can thận bất túc, hư hỏa nội tích làm nhiệt nhiễu xung nhâm, bức huyết vong hành gây kinh loạn không có chu kỳ, số lượng kinh ra lúc nhiều lúc ít, rỉ rả không dứt. Âm hư sinh nội nhiệt, nhiệt hun đốt huyết dịch nên thấy kinh ra màu hồng tươi, chất kinh đặc. Can thận bất túc, tinh huyết suy thiếu không đủ nuôi dưỡng thanh khiếu nên thấy chóng mặt, ù tai. Âm hư không thể liễm dương nên hư dương đưa ra ngoài gây nóng lòng bàn chân và bàn tay, đêm ngủ hay mơ. Thận hư không nuôi dưỡng được ngoại phủ nên thấy đau lưng. Chất lưỡi, mạch là biểu hiện của can thận âm hư.
Pháp điều trị: tư dưỡng can thận, cố kinh chỉ huyết.
Bài thuốc: Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) phối hợp Nhị chí hoàn (Y phương tập giải) gia vị
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 15g, Quy bản 15g, Hạn liên thảo 12g, Nữ trinh tử 12g, Hà thủ ô 12g, Bạch thược 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa, hoài sơn, kỷ tử, sơn thù có tác dụng tư dưỡng can thận, bồi bổ tinh huyết; thỏ ty tử có tác dụng bổ thận khí, ích thận tinh để đạt được đương sinh âm trưởng; quy bản có tác dụng dục âm chỉ huyết; lộc giác có tác dụng bổ thận trấn tinh để đạt mục đích trong dương có âm; phối hợp với nữ trinh tử, hạn liên thảo để tư dưỡng can thận, dưỡng âm chỉ huyết; hà thủ ô, bạch thược có tác dụng dưỡng huyết nhu can.
Nếu xuất huyết ít, rỉ rả không dứt thì gia tang diệp, đại kế, tiểu kế.
Nếu xuất huyết nhiều thfi gai khiếm thảo căn, ô tặc cốt, tăng liều hạn liên thảo lên 30 – 50g.
Nếu thấy khô miệng, chóng mặt thì gia huyền sâm, hạ khô thảo, mẫu lệ.
Nếu tâm âm bất túc gây bứt rứt, mất ngủ thì gia ngũ vị tử, toan táo nhân, bá tử nhân.
RỐI LOẠN KINH CÓ PHÓNG NOÃN
Rối loạn kinh có phóng noãn thường gặp ở tuổi còn sinh đẻ, nhất là sau sinh hoặc sau sẩy thai. Mặc dù có phóng noãn nhưng là rối loạn chức năng hoàng thể hoặc hoàng thể teo nhỏ.
Nguyên nhân bệnh sinh
Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do thận hư không thể trữ tàng, khí hư không nhiếp huyết được, huyết nhiệt bức huyết vong hành, ứ trệ kinh mạch làm huyết không tuần hành theo kinh mạch.
Thận hư huyết ứ: vốn dĩ tiên thiên bất túc, hoặc bệnh nặng, bệnh lâu ngày, hoặc sinh hoạt tình dục quá độ, thai sản nhiều làm tổn thương thận khí. Ngoài ra, vốn dĩ tình chí uất làm can khí uất kết, khí trệ huyết ứ; hoặc sau khi sinh, huyết dư không hết mà không kiêng cữ sinh hoạt tình dục làm tá trú ở bào cung kết hợp nhau thành ứ, thận hư ứ trệ làm huyết không quy kinh.
Tỳ khí hư nhược: vốn dĩ cơ thể hư nhược, hoặc lao động quá sức, ăn uống không điều độ, hoặc lo nghĩ nhiều làm tổn thương tỳ khí nên trung khí hư nhược, xung nhâm bất cố không chống chế được kinh huyết.
Âm hư huyết nhiệt: vốn dĩ âm hư, hoặc bệnh nặng, bệnh lâu ngày, mất huyết làm thương âm; hoặc lo lắng quá độ làm doanh âm hao hư; thủy hao hỏa vượng, hư nhiệt nội nhiễu làm huyết hải không yên.
Căn cứ chẩn đoán
Lâm sàng: chu kỳ kinh ngắn lại, thời gian hành kinh kéo dài có thể trên dưới 10 ngày, số lượng kinh ra nhiều, thường kèm theo tiền sử không thụ thai hoặc sẩy thai.
Thăm khám phụ khoa: không thấy bất thường.
Kiểm tra thêm: đo nhiệt độ cơ bản của cơ thể thấy thay đổi có ý nghĩa (trước khi rụng trứng thì nhiệt độ thấp hơn, khi rụng trứng thì nhiệt độ cơ thể cao hơn); kiểm tra nội mạc tử cung thấy phản ứng phân tiết bất thường.
Biện chứng luận trị
Thận hư huyết ứ
Lâm sàng: kinh đến trước kỳ, số lượng kinh có thể nhiều, có thể ít, sắc kinh ám tối, có huyết cục, thời gian hành kinh kéo dài, đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ú tai, hoặc khi hành kinh thấy đau bụng dưới nhưng không thích xoa nắn; chất lưỡi xạm tối hoặc có thể ban điểm ứ huyết, mạch trầm sáp.
Phân tích: thận khí bất túc, xung nhâm bất cố nên thấy kinh đến trước kỳ, số lượng kinh ít, sắc kinh nhợt. Thận hư làm não hải, lưng không được nuôi dưỡng gây chóng mặt, ù tai, mỏi gối, đau lưng. Huyết ứ ở xung nhâm làm huyết mới không được thay đổi gây nên thời gian hành kinh kéo dài, số lượng kinh có thể nhiều hoặc có thể ít. Huyết ứ trở trệ làm khí huyết vận hành không thông gây đau bụng dưới khi hành kinh nhưng không thích xoa nắn, kinh ra có huyết cục. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận hư huyết ứ.
Pháp điều trị: bổ thận hoạt huyết, khứ ứ chỉ huyết.
Bài thuốc: Quy thận hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) phối hợp Thất tiếu tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)
Thỏ ty tử 12g, Đỗ trọng 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Hoài sơn 15g, Bạch linh 10g, Bồ hoàng 10g, Ngũ linh chi 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thỏ ty tử, đỗ trọng có tác dụng bổ ích thận khí; kỷ tử, sơn thù, thục địa, đương quy có tác dụng tư thận dưỡng can; hoài sơn, bạch linh có tác dụng kiện tỳ ích khí, bổ hậu thiên để dưỡng tiên thiên; bồ hoàng, ngũ linh chi để khứ ứ chỉ huyết chỉ thống.
Nếu kinh huyết ra nhiều thì gia lộc giác sương, ô tặc cốt để cố sáp chỉ huyết.
Nếu thời gian hành kinh kéo dài thì gia khiếm thảo căn, huyết ứ thán để khứ ứ chỉ huyết.
Nếu thấy khí trệ gây đau tức ngực bụng thì gia xuyên luyện tử, hương phụ.
Tỳ khí hư nhược
Lâm sàng: hành kinh trước kỳ, số lượng nhiều, sắc kinh nhợt, chất kinh loãng, mệt mỏi, hụt hơi, ngại nói, ăn kém, cảm giác tức nặng bụng dưới; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhược vô lực.
Phân tích: tỳ khí hư nhược, rối loạn chức năng thống nhiếp, xung nhâm bất cố gây nên hành kinh trước kỳ, số lượng nhiều. Khí hư hỏa suy, huyết không được ôn ấm nên thấy sắc kinh nhợt, chất kinh loãng. Tỳ hư nên trung khí bất túc gây nên mệt mỏi, hụt hơi, cảm giác tức nặng bụng dưới. Tỳ hư nên rối loạn vận hóa gây ăn kém, bụng đầy. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện chứng khí hư.
Pháp điều trị: bổ khí nhiếp huyết, cố xung điều kinh.
Bài thuốc: Quy tỳ thang (Hiệu chú phụ nhân lương phương) gia giảm
Nhân sâm 06g, Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Phục thần 12g. Long nhãn 12g, Viễn chí 08g, Táo nhân 10g, Mộc hương 10g, Cam thảo 10g, Sinh khương 10g, Đại táo 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo có tác dụng kiện tỳ bổ khí nhiếp huyết; long nhãn, đại táo phối hợp có tác dụng dưỡng tâm an thần; sinh khương, mộc hương phối hợp có tác dụng hành khí tỉnh tỳ.
Nếu kinh ra nhiều thì tăng cường liều hoàng kỳ để bổ khí nhiếp huyết; gia thêm ngải diệp, a giao, ô tác cốt để chỉ huyết cố nhiếp.
Nếu kinh ra rỉ không dứt, đau tức bụng dưới thì gia kinh giới sao đen, ích mẫu thảo.
Nếu đại tiện phân lỏng nát thì hoài sơn, sa nhân, ý dĩ để tăng cường phù tỳ chỉ tả.
Âm hư huyết nhiệt
Lâm sàng: kinh ra trước kỳ, số lượng ít, sắc kinh hồng, chất đặc, mặt đỏ, gò má đỏ, lòng bàn chân và tay nóng, khô miệng, có thể thấy mcoj mụn ở miệng và lưỡi; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Phân tích: âm hư sinh nhiệt, nhiệt nhiễu xung nhâm nên bức huyết vong hành gây kinh ra trước kỳ. Thùy hao nên hỏa vượng gây kinh ra ít, sắc kinh hồng và chất đặc. Hư hỏa đưa lên trên gây mặt đỏ, gò má đỏ, khô miệng hoặc có thể thấy mọc mụn ở miệng và lưỡi. Âm hư tân hao nên thấy khô miệng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng âm hư nội nhiệt.
Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt điều kinh.
Bài thuốc: Lưỡng địa thang (Phó thanh chủ nữ khoa)
Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g, Mạch môn 12g, Bạch thược 12g, A giao 12g, Địa cốt bì 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sinh địa có tác dụng thanh nhiệt lương huyết; địa cốt bì có tác dụng tả thận hỏa, thanh hư nhiệt; huyền sâm, mạch môn có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, tráng thủy để chế hỏa; a giao có tác dụng tư âm chỉ huyết; bạch thược có tác dụng dưỡng huyết liễm âm.
Nếu kinh ra quá nhiều thì gia nữ trinh tử, hạn liên thảo, địa du để tư âm thanh nhiệt chỉ huyết.
Nếu kinh ra số lượng ít thì gia kỷ tử, hà thủ ô để tư thận sinh huyết.
Nếu thấy chóng mặt, dễ cáu gắt thì gia thêm quy bản, mẫu lệ.
Nếu lòng bàn chân và tay nóng thì gia bạch vi, quy bản để dục âm tiềm dương, tăng cường thanh hư nhiệt.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Bài thuốc kinh nghiệm: tam thất bột 3g, đỗ trọng thán 6g, kinh giới thán 6g, trắc bá thán 6g, địa du thán 6g. Các vị thuốc trên trộn đều, mỗi lần uống 3g, ngày uống 2 lần với nước cháo loãng.
Châm cứu: châm huyệt đoạn hồng rồi cứu khoảng 20 phút, có tác dụng chỉ huyết.
Nhĩ châm: lựa chọn các điểm tử cung, buồng trứng, nội tiết, thượng thận, can, thần môn. Mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, lưu kim 30 – 60 phút.
KẾT LUẬN
Xuất huyết tử cung chức năng là xuất huyết tử cung bất thường do rối loạn bài tiết nội tiết tố. Bệnh không liên quan đến các bệnh lý của cơ quan tổ chức, thường gặp ở lứa tuổi thanh niên và tiền mãn kinh, có thể gặp trong thời kỳ sinh đẻ.
Khi biện chứng luận trị chứng bệnh này phân thành hai loại lớn và xuất huyết tử cung không phóng noãn và xuất huyết tử cung phóng noãn.
Xuất huyết tử xung không phóng noãn là do tổn thương xung nhâm nên không khống chế được kinh huyết. Nguyên nhân bệnh sinh thường liên quan đến tỳ thận dương hư, can thận âm hư.
Rối loạn kinh có phóng noãn thường gặp ở tuổi còn sinh đẻ, nhất là sau sinh hoặc sau sẩy thai. Nguyên nhân bệnh sinh là do thận hư không thể tữ tàng, khí hư không nhiếp huyết được, huyết nhiệt bức huyết vong hành, ứ trệ kinh mạch làm huyết không tuần hành theo kinh mạch.
Trên lâm sàng cần phải căn cứ vào biện chứng luận trị để đưa ra pháp điều trị và phối hợp sử dụng thuốc hợp lý. Phối hợp với y học hiện đại để có chẩn đoán xác định và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com