Bất mị, hay thường gọi là thất miên, là một chứng bệnh có biểu hiện đặc trưng thấy vào giấc ngủ khó khăn, nguyên nhân do dương không nhập âm gây nên. Trường hợp nhẹ thì bệnh nhân vào giấc ngủ khó, khi đã ngủ được lại dễ tỉnh giấc, tỉnh rồi khó ngủ lại; trường hợp nặng thì mất ngủ cả đêm.
Trong “Nạn kinh – Nạn 46” đã nêu bệnh danh bất mị: người già mà bất mị (không ngủ được) là do khí huyết suy, cơ nhục không trơn chu, doanh vệ bị tắc trệ. Trong “Linh khu – Đại hoặc luận” có nêu: nguyên nhân sinh bệnh của chứng mất ngủ là do vệ khí không nhập âm mà thường lưu ở dương. Vệ khí lưu ở dương nên dương khí mãn, làm cho dương kiểu thịnh; vệ khí không nhập âm làm âm khí hư nên mắt không nhắm được. Vệ dương thịnh ở bên ngoài mà donh âm hư bên trong, vệ dương không nhập vào âm gây ra mất ngủ. Đời Tùy, Sào Nguyên Phương trong “Chư bệnh nguyên hậu luận – Đại bệnh hậu bất đăc miên hậu” có nêu: sau khi mắc bệnh nặng làm cho chức năng tạng phủ hư, doanh vệ bất hòa nên sinh ra nóng lạnh. Âm khí hư làm vệ khí tuần hành đơn độc ở dương, không nhập vào âm nên không ngủ được; nếu thấy người bứt rứt, khó ngủ là do tâm nhiệt; nếu chỉ buồn bực mà mất ngủ là do đởm lạnh. Vì vậy, nguyên nhân sinh bệnh chủ yếu của chứng bất mị là rối loạn chức năng tạng phủ, doanh vệ bất hòa, vệ dương không thể nhập âm. Đời Minh, Trương Giới Tân trong cuốn “Cảnh Nhạc toàn thư – Tạp chứng mạt – Bất mị” có nêu chứng bất mị tuy là gặp ở các bệnh khác nhau nhưng đều liên quan đến hai nhân tố là chính và tà. Che chở cho giấc ngủ nhờ vào gốc ở âm và thần làm chủ. Thần mà an thì ngủ được, thần không an thì mất ngủ. Nguyên nhân gây thần không yên là do tà khí nhiễu loạn và do doanh khí không đầy đủ. Bệnh do tà khí gây nên thì thường là thuộc thực chứng, không phải do tà thì thường là thuộc hư chứng. Khái niệm về tà và vô tà ở đây chủ yếu là rối lạn chức năng của khí huyết tạng phủ trong cơ thể hoặc do ảnh hưởng của đàm nhiệt; đồng thời đưa ra pháp biện chứng của chứng bệnh này là do hư hay thực. Trong điều trị cũng đưa ra bàn luận: nếu tinh huyết hao hư mà kiêm có đàm khí nội uẩn gây hồi hộp, ngủ không yên thì khi điều trị dùng bài Toan táo nhân thang; nếu nặng thì dùng bài Thập vị ôn đởm thang.
Về phương diện điều trị, Trương Cảnh Nhạc đời Hán trong “Thương hàn luận – Biện thiếu âm bệnh mạch chứng tính trị” có nêu: chứng bệnh thiếu âm, thấy bứt rứt, nằm ngồi không yên thì nên dùng bài Hoàng liên a giao thang. Điều đó cho thấy, chứng bệnh thiếu âm, nhiệt hóa thương âm làm cho âm hư hỏa vượng. Trong “Kim quỹ yếu lược” có nêu: “Hư lao, hư phiền mà ngủ không được thì nên dùng bài Toan táo nhân thang; pháp điều trị và bài thuốc này vẫn được dùng cho đến ngày nay. Vì vậy, người thầy thuốc khi điều trị mất ngủ thì nên chú trọng điều trị ở nội tạng và áp dụng các pháp: điều bổ tâm tỳ, tư âm giáng hỏa, ích khí ninh thần, hòa vị hóa đàm.
Chứng bất mị thường kèm theo thấy: chóng mặt, đau đầu, hồi hộp, hay quên, bứt rứt không yên.
Đối chiếu với y học hiện đại, các triệu chứng mô tả trong bất mị thuộc hội chứng tiền mãn kinh, bệnh tiêu hóa mạn tính, hội chứng thiếu máu, vữa xơ động mạch, hội chứng phân ly… gây triệu chứng chủ yếu là mất ngủ đều có thể tham khảo chứng bệnh này để điều trị.
NGUYÊN NHÂN BỆNH SINH
Giấc ngủ sinh lý thường dựa vào: âm bình dương bí, chức năng tạng phủ điều hòa, khí huyết sung túc, tâm thần an định, tâm huyết yên tĩnh, vệ dương nhập âm. Vệ dương thông qua mạch âm kiểu và mạch dương kiểu mà ban ngày tuần hành ở dương, ban đêm lại về âm. Do âm tỳ lưỡng hư làm nguồn hóa sinh không đầy đủ, hoặc do âm bị tổn thương gây nên âm hư hỏa vượng, hoặc do tâm đởm khí hư, hoặc do thực đình trệ hóa nhiệt mà nhiễu loạn vị, hoặc do can hỏa nhiễu thần… đều làm cho tâm thần bất an, tâm huyết không yên tĩnh, âm dương thất điều, doanh vệ bất hòa, dương không nhập âm gây mất ngủ.
Nguồn hóa sinh bất túc, tâm thần thất dưỡng: lo lắng và mệt mỏi làm tổn thương tâm và tỳ. Tâm bị tổn thương thì âm huyết hao hư, thần không có nơi trú ngụ; tỳ bị tổn thương gây nên ăn uống kém, nguồn hóa sinh giảm làm cho huyết hư không đưa được lên tâm, tâm không được nuôi dưỡng làm tâm thần bất an và tâm huyết không yên tĩnh gây mất ngủ. Như vậy, tâm tỷ bất túc gây chứng mất ngủ thì mấu chốt là do huyết hư.
Âm hư hỏa vượng, âm không liễm dương: vốn dĩ cơ thể hư nhược, sinh hoạt tình dục quá độ, hoặc mắc bệnh lâu ngày… làm cho thận tinh hao thương, thủy không chế được hỏa nên tâm dương đơn độc cang thịnh, tâm âm dần dần hao hư, hư hỏa nhiễu loạn tâm thần bất an, dương không nhập âm gây mất ngủ.
Tâm hư đởm khiếp, tâm thần bất an: tâm hư làm thần không có nơi nương tựa, đởm hư làm khí của thiếu dương không được thăng phát, khả năng quyết đoán rối loạn làm cho can uất và tỳ mất kiện vận, đàm trọc nội sinh gây nhiễu động thần minh. Cho nên khi gặp bức xúc dễ cáu giận, thần hồn không yên sẽ gây mất ngủ.
Đàm nhệt thực hỏa nhiễu động tâm thần: các nguyên nhân ăn uống không điều độ làm tổn thương tỳ vị, thức ăn đình trệ tạo nên nhiệt đàm và đưa lên trên nhiễu loạn tâm thần; hoặc do tình chí nội thương, can uất hóa hỏa; hoặc do ngũ chí quá cực, tâm hỏa nội tích… đều gây nhiễu động tâm thần cho tâm huyết không yên tĩnh, dương không nhập âm gây chứng mất ngủ.
Chứng bất mị có liên quan mật thiết đến các tạng tâm, can, tỳ, thận. Do nguồn của huyết được hóa sinh từ đồ ăn thức uống (thủy cốc), đưa lên tâm làm tâm được nuôi dưỡng, được thu tàng ở can thì can nhu hòa, được thống nhiếp ở tỳ thì hóa sinh không ngừng, điều tiết điều hòa rồi hóa lại thành tinh và tàng trữ ở thận. Thận tinh lại đưa lên tâm, tâm khí lại đưa xuống thận nên âm tinh có nơi trú ngụ, vệ dương bảo vệ bên ngoài, âm dương hiệp điều làm cho thần chí được yên.
Nếu lo lắng, lao động quá sức làm tổn thương các tạng, tinh huyết hao hư, tâm thần khồn được nuôi dưỡng làm thần không có nơi trú ngụ, dương không nhập âm sẽ gây nên chứng mất ngủ (bất mị). Nếu khí huyết hư, tâm thần không được nuôi dưỡng, đám khí uất kết, đàm trọc nội trệ ở tâm khiếu gây trệ bít thần minh mà thành chứng điên. Nếu can uất hỏa làm đàm hỏa thượng nhiễu thần minh gây nên chứng cuồng.
CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng chủ yếu là mất ngủ; trường hợp nhẹ thấy vào giấc ngủ khó hoặc khi ngủ dễ bị tỉnh giấc, sau tỉnh giấc khó ngủ lại; trường hợp nặng thấy cả đêm không ngủ được; thời gian mất ngủ liên tục trên 03 tuần.
Triệu chứng kết hợp: hồi hộp, chóng mặt, hay quên, bứt rứt…
Kiểm tra cận lâm sàng không thấy bất thường.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
Chứng không nằm được (Bất đắc ngọa): người bị bệnh không nằm được, nằm là lên cơn khó thở, nguyên nhân do thủy khí gây nên; hoặc người bị thủy bệnh, không nằm được, nằm là kinh sợ, kinh sợ là gây ho nặng. Các chứng bệnh này đều gây không thể nằm thẳng được; nguyên nhân do âm hao hỏa vượng gây bứt rứt, mất ngủ; điều trị dùng Hoàng liên a giao thang. Chứng bệnh này cũng thuộc phạm trù bất mị, thường do phế ủng trệ gây nên, trên lâm sàng cần chú ý để phân biệt.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
5.1. Căn cứ biện chứng
Hư chứng thường do tỳ mất kiện vận, nguồn hóa sinh huyết không đầy đủ làm cho tâm tỳ lưỡng hư, tâm thần không được nuôi dưỡng gây chứng ngủ hay mê và dễ tỉnh, hồi hộp, trống ngực, hây quên. Hoặc do thận âm bất túc làm tâm thận bất giao, hư nhiệt nhiễu thần gây chứng buồn bực, mất ngủ, hồi hộp không yên. Hoặc do tâm đởm khí hư, đàm trọc nội sinh nhiễu loạn tâm thần gây chứng mất ngủ, ngủ hây mê, dễ giật mình tinhrh giấc. Tóm lại, chứng mất ngủ thuộc hư chứng do chức năng các tạng tâm, can, tỳ, thận rối loạn và tâm không được nuôi dưỡng gây nên; bệnh tương đối kéo dài, khởi phát thường chậm.
Thực chứng thường do cáu giận làm tổn thương can, khí uất hóa hỏa làm nhiễu loạn tâm thần gây dễ bực, dễ cáu, mất ngủ, ngủ hay mê; hoặc do thực tích đình trệ, đàm thấp hóa nhiệt, đàm nhiệt thượng nhiễu gây đầu căng nặng, mất ngủ, đờm dãi nhiều, tức ngực. Tóm lại, chứng mất ngủ thuộc thực chứng do hỏa tà nhiễu tâm, tâm thần không yên gây nên; bệnh diễn biến ngắn, khởi phát nhanh.
5.2. Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị chủ yếu là hư bổ thực tả, điều chỉnh âm dương; kết hợp các vị thuốc có tác dụng an thần.
Nếu thuộc hư chứng (thường do âm huyết bất túc, hoặc khí huyết hóa hư) thì khi điều trị nên dùng pháp tư bổ can thận hoặc ích khí dưỡng huyết.
Nếu thuộc thực chứng thì điều trị nên dùng pháp thanh hỏa hóa đàm, tiêu đạo hòa trung. Thực chứng lâu ngày có thể chuyển thành hư chứng.
Trường hợp chứng bệnh thuộc hư thác tạp thì đầu tiên điều trị về thực chứng, sau đó là bổ hư hoặc áp dụng pháp vổ tả kiêm thi.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
6.1. Tâm tỳ lưỡng hư
Lâm sàng: ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, hồi hộp, hay quên; kèm theo thấy hoa mắt, chóng mặt, mỏi chân tay, ăn không ngon miệng, sắc mặ không tươi nhuận; hoặc đầy tức bụng, chán ăn; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trơn nhớp, mạch tế nhược hoặc nhu hoạt.
Phân tích: do tâm tỳ lưỡng hư, doanh huyết bất túc không nuôi dưỡng được tâm thần làm cho tâm thần không yên gây nên mất ngủ, ngủ hay mê, hay quên, dễ tỉnh giấc, tỉnh dậy khó ngủ lại. Huyết không dưỡng được tâm nên sinh ra hồi hộp. Khí huyết hư nhược không đưa lên não làm thanh dương không thăng gây hoa mắt và chóng mặt. Tâm chủ huyết, vinh nhuận ra mặt, do huyết hư không nuôi dưỡng đầu mặt nên thấy sắc mặt không tươi nhuận. Tỳ khí hư nên ăn uống không ngon miệng; nguồn hóa sinh bất túc làm huyết thiếu khí hư nên thấy mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược. Nếu tỳ hư thấp thịnh, tỳ dương không kiện vận, đàm thấp nội sinh sẽ thấy bụng đầy tức, chán ăn, rêu lưỡi trơn nhớp, mạch nhu hoạt.
Pháp điều trị: bổ dưỡng tâm tỳ để sinh khí huyết.
Bài thuốc: Quy tỳ thang (Chính thể loại yếu)
Bạch truật 15g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 15g, Nhân sâm 06g, Phục thần 10g, Long nhãn 12g, Táo nhân 10g, Viễn chí 06g, Cam thảo 10g, Mộc hương 06g, Sinh khương 12g, Đại táo 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo có tác dụng bổ khí kiện tỳ; đương quy, long nhãn có tác dụng tư dưỡng doanh huyết; phục thần, táo nhân, viễn chí có tác dụng dưỡng tâm an thần; mộc hương có tác dụng lý khí tỉnh tỳ, bổ mà không trệ; sinh khương, đại táo có tác dụng điều hòa tỳ vị, giúp cho tăng cường hóa sinh. Bài thuốc này có tác dụng bổ khí kiện tỳ để sinh huyết, làm cho tỳ vượng thì có nguồn hóa để hóa sinh khí huyết.
+ Nếu mất ngủ tương đối nặng thì gia dạ giao đằng, hợp hoan hoa, bá tử nhân để dưỡng tâm an thần.
+ Nếu tỳ mất hiện vận, đàm thấp nội trệ gây đầy bụng, ăn kém, rêu lưỡi trơn nhớp, mạch nhu hoạt thì gia trần bì, bán hạ, phụ linh, nhục quế để ôn vận tỳ ương, hóa đàm thấp.
6.2. Âm hư hỏa vượng
Lâm sàng: bứt rứt, mất ngủ, hồi hộp không yên; kèm theo thấy đau đầu, ù tai, hay quên, đau lưng, mộng tinh, lòng bàn chân và bàn tay nóng, miệng khô; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít hoặc không thấy rêu lưỡi, mạch tế sác.
Phân tích: thận âm bất túc, tâm thận bất giao làm thủy hỏa không tương tế; tâm thận âm hư, quân hỏa thượng nhiễu gây nhiễu loạn tâm thần làm bứt rứt khó ngủ, hồi hộp không yên, hay quên. Thận âm bất túc, não tủy không được nuôi dưỡng đầy đủ, tướng hỏa vong động gây nên đau dầu, chóng mặt, ù tai, mộng tinh. Lưng là ngoại phủ của thận, thận âm hư làm vùng lưng không được nuôi dưỡng gây đau lưng. Miệng khô, lòng bàn chân và tay đều nóng, rêu lưỡi ít, mạch tế sác đều là biểu hiện của chứng âm hư hỏa vượng.
Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần.
Bài thuốc:
+ Bài Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận)
Hoàng liên 12g, Hoàng cầm 10g, Bạch thược 12g, A giao 10g, Lòng đỏ trứng gà 02 cái.
Sắc ba vị hoàng liên, hoàng cầm, bạch thược, sau khi sắc xong thì cho a giao và lòng đỏ trứng gà quấy đều rối uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì hoàng liên, hoàng cầm có tác dụng thanh từ nhiệt; bạch thược, a giao, lòng đỏ trứng gà có tác dụng tư thận âm mà dưỡng huyết; trong đó, bạch thược giúp cho a giao để bổ thận âm mà liễm âm khí, lòng đỏ trứng gà giúp hoàng liên và hoàng cầm để tả tâm hỏa, bổ âm huyết làm cho tâm thận tương giao, thủy thăng hỏa giáng. Bài thuốc trên thiện về tác dụng tư âm thanh hóa, dùng để điều trị chứng tâm phiền mất ngủ do âm hư hỏa vượng hoặc sau khi mắc nhiệt bệnh gây nên.
Nếu mặt nóng, sắc mặt hơi hồng, chóng mặt, ù tai thì gia mẫu lệ, quy bả, từ thạch để giúp trọng trấn tiềm dương, làm cho dương thăng ổn định nhập âm thì mới ngủ được.
+ Hoặc dùng bài Chu sa an thần hoàn (Nội ngoại thương biện hoặc luận)
Chu sa 15g, Hoàng liên 18g, Đương quy 08g, Sinh địa 08g, Cam thảo 16g.
Các vị thuốc trên tán nhỏ, riêng chu sa nghiền mịn rồi thủy phi để làm bao viên. Các vị thuốc làm thành viên hoàn nhỏ bằng hạt vừng, mỗi lần uống khoảng 15 hạt, uống trước khi đi ngủ.
Bài Chu sa an thần hoàn thiên về tác dụng trọng trấn an thần; dùng để điều trị chứng âm hỏa cang thịnh, âm huyết bất túc. Trong bài thuốc này thì chu sa có độc, không nên uống nhiều hay uống kéo dài.
+ Trường ợp âm hư mà hỏa không quá vượng thì có thể dùng pháp tư âm dưỡng huyết, bài thuốc đại biểu là Thiên vương bổ tâm đan (Hiệu chú phụ nhân lương phương)
Sinh địa 15g, Mạch môn 12g, Nhân sâm 05g, Đan sâm 15g, Đương quy 12g, Huyền sâm 12g, Thiên môn 12g, Bạch linh 10g, Cát cánh 06g,Ngũ vị 10g, Viễn chí 06g, Bá tử nhân 12g, Táo nhân 12g.
Hiện nay, vận dụng để sắc uống, ngày 01 thang.
6.3. Tâm đởm khí hư
Lâm sàng: mất ngủ, ngủ hay mê, dễ kinh sợ làm tỉnh giấc; kèm theo thấy hốt hoảng, hồi hộp, hụt hơi, mệt mỏi, nước tiểu trong và số lượng nhiều; hoặc thấy bứt rứt khó ngủ, người gầy, sắc mặt nhợt nhạt, dễ mỏi mệt; hoặc thấy hồi hộp, mất ngủ, bứt rứt không yên, hoa mắt, chóng mặt, miệng khô; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc thấy chất lưỡi hống, mạch huyền tế hoặc huyền nhược.
Phân tích: tâm đởm khí hư làm đờm trọc nội nhiễu tâm khiếu nên tâm thần không yên gây mất ngủ, ngủ hay mê, dễ bị kinh sợ, hồi hộp, trống ngực. Khí hư nên thấy hụt hơi, mệt mỏi, uể oải, nước tiểu trong và số lượng nhiều. Chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế đều là biểu hiện của chứng khí huyết bất túc. Nếu sau khi bị bệnh mà làm huyết hư, sẽ thấy xuất hiện chứng bồn chồn không yên, mất ngủ, người gầy. Sắc mặt trắng nhợt, dễ mỏi mệt, mạch huyền nhược là biểu hiện củ chứng khí huyết bất túc. Nếu can huyết bất túc, hồn không có nơi trú ngụ, tâm không được nuôi dưỡng đầy đủ thì sẽ thấy bồn chồn mất ngủ, hồi hộp không yên. Huyết hao âm hư dễ gây nội nhiệt, hư nhiệt nội nhiễu nên thấy bồn chồn không yên, miệng khô, chất lưỡi hồng. Hoa mắt, chóng mặ, mạch huyền tế đều do huyết hư can vượng gây nên.
Pháp điều trị: ích khí trấn kinh, an thần định chí.
Bài thuốc:
+ An thần định chí hoàn (Y học tâm ngộ)
Nhân sâm 05g, Bạch linh 12g, Phục thần 10g, Viễn chí 08g, Thạch xương bồ 15g, Long sỉ 15g.
Hiện nay, vận dụng để sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí; phụ thần, long sỉ, viễn chí có tác dụng định kinh an thần; bạch linh có tác dụng lợi niệu kiện tỳ để hóa đàm; thạch xương bồ có tác dụng khứ đàm trọc ở tâm khiếu để an thần.
+ Nếu khi huyết bất túc gây bồn chồn mất ngủ, người gầy thì có thể dùng phối hợp với bài Quy tỳ thang (Chính thể loại yếu) gia vị để ích khí dương huyết, an thần, trấn tĩnh.
Nhân sâm 05g, Bạch linh 12g, Phục thần 10g, Viễn chí 06g, Thạch xương bồ 15g, Long sỉ 15g, Bạch truật 15g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 15g, Táo nhân 10g, Mộc hương 06g, Cam thảo 10g, Long nhãn 12g, Đại táo 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
+ Nếu âm huyết hư gây bồn chồn, mất ngủ, hồi hộp, không yên, hoa mắt, chóng mặt, khô miệng, chất lưỡi hồng, mạch huyền tế thì nên dùng bài Toan táo nhân thang (Kim quỹ yếu lược) để điều trị chứng mất ngủ do can huyết hao hư, âm hư nội nhiệt gây nên.
Táo nhân 12g, Bạch linh 10g, Tri mẫu 12g,Xuyên khung 10g, Cam thảo 10g
Các vị trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì toan táo nhân dùng liều cao có tác dụng dưỡng huyết bổ can, ninh tâm an thần; bạch linh có tác dụng hóa đàm ninh tâm; tri mẫu có tác dụng thanh đởm ninh thần, phối hợp với toan táo nhan để tăng cường an thần trừ phiền; xuyên khung có tác dụng điều huyết sơ can; cam thảo có tác dụng hoãn cấp hòa trung. Các vị thuốc phối hợp có tác dụng dưỡng can huyết để an tâm thần, thanh nội nhiệt để trừ hư phiền.
6.4. Đàm nhiệt nội nhiễu
Lâm sàng: mất ngủ, đầu căng nặng, tức ngực, đờm dãi nhiều, bứt rứt; kèm theo thấy buồn nôn, ợ hơi, đắng miệng, hoa mắt hoặc đại tiện táo, mất ngủ cả đêm; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạc hoạt sác.
Phân tích: do thực tích đình trệ làm tỳ ủng mộc uất, can đởm không sơ tiết, do uất hóa nhiệt nên sinh ra đàm nhiệt. Đàm nhiệt thượng nhiễu gây nên bứt rứt, mất ngủ, đắng miệng, hoa mắt; đàm nhiệt uất trệ làm khí cơ không thông thoát, vị không hóa giáng gây nên đầu căng nặng, tức ngực, buồn nôn, ợ hơi. Chất lưỡi hồng, rêu vàng nhớp, mạch huyền sác đều là biểu hiện của chứng hư nhiệt. Nếu đàm nhiệt tương đối thịnh, đàm hỏa đưa lên nhiễu loạn tâm thần có thể gây nên mất ngủ cả đêm. Đại tiện táo bón là do nhiệt tà gây tổn thương tân dịch gây nên.
Pháp điều trị: thanh hóa nhiệt đàm, hòa trung an thần.
Bài thuốc:
+ Ôn đởm thang (Tam nhân cực – Bệnh chứng phương luận) gia vị
Trần bì 12g, Bán hạ 10g, Bạch linh 05g, Trúc nhự 12g, Cam thảo chích 10g, Chỉ thực 10g, Qua lâu nhân 12g, Hoàng liên 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì bán hạ, trúc nhự có tác dụng hóa đàm giáng nghịch, thanh nhiệt hòa vị, cầm nôn trừ phiền; chỉ thực, trần bì có tác dụng lý khí hóa đàm làm cho khí thuận thì đàm tiêu; bạch linh có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, thấp trừ thì đàm không sinh; qua lâu nhân, hoàng liên phối hợp với bán hạ (là vị thuốc có tính vị cay đắng và có tính hạ giáng) để tăng cường tác dụng thanh nhiệt điều đàm; cam thảo có tác dụng ích khí kiện tỳ, điều hòa vị các vị thuốc.
Nếu hồi hộp và hay hoảng hốt thì có thể gia các vị thuốc trong trấn an thần như chu sa, trân châu mẫu để trấn kinh định chí.
+ Nếu đàm nhiệt thịnh, đàm hỏa đưa lên nhiễu loạn tâm thần gây mất ngủ cả đêm, đại táo bón thì nên dùng pháp tả hỏa trục đàm; bài thuốc dùng Mông thạch cổn đờm hoàn (Dưỡng sinh chủ luận) gia vị
Mông thạch nung 10g, Đại hoàng 06g, Hoàng cầm 12g, Trầm hương 01g, Phác tiêu 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì mông thạch nung có tác dụng công trục đàm tà, làm cho mộc bình khí hạ, đàm tích được thông lợi; đại hoàng, phác tiêu có tính vị đắng lạnh, có tác dụng khứ nhiệt tà, đưa đàm hỏa xuống dưới; hoàng cầm tính vị đắng lạnh, có tác dụng tả hỏa, thanh nhiệt ở thượng tiêu; trầm hương có tác dụng giáng nghịch hạ khí. Bài thuốc có ý nghĩa trị đàm thì đầu tiên nên lấy thuận khí là chính, các vị phối hợp có tác dụng tả hỏa trục đàm tương đối mạnh, làm cho đàm tích được tiêu trừ qua đường tiêu hóa, đàm hỏa khứ thì tâm thần được an tĩnh.
+ Nếu thực tích tương đối nặng gây ợ chua nồng, bụng đầy trướng thì có thể dùng bài Bảo hòa hoàn (Đan Khê tâm pháp) để tiêu đạo hòa trung n thần.
Bán hạ 10g, Bạch linh 12g, Liên kiều 10g, Trần bì 10g, Sơn tra 10g, Thần khúc 10g, Lai phục tử 10g
Hiện nay, vận dụng để sắc uống, ngày 01 thang.
6.5. Can uất hóa hỏa
Lâm sàng: mất ngủ, bực bội dễ cáu giận, nếu nặng thì mất ngủ cả đêm; kèm theo thấy đau tức mạng sườn, khát nước và thích uống,không muốn ăn, miệng khô và đắng, mắt đỏ, ù tai, nước tiểu thẫm màu; hoặc hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, đại tiện táo bón; chất lưỡi hống, rêu lưỡi vàng hoặc vàng khô, mạch huyền hoạt sác hoặc hoạt sác.
Phân tích: cáu giận làm thương can, can uất hóa hỏa, hỏa thăng bốc lên trên nhiễu loạn tâm thần gây rối loạn giấc ngủ và dễ cáu giận. Can khí uất kết nên thấy đau tức ngực sườn. Can khí phạm vị nên thấy không muốn ăn. Can uất hóa hỏa nên càng khắc chế tỳ vị mạnh hơn làm cho vị nhiệt gây khát nước và thích uống. Hỏa nhiệt nhiễu loạn lên trên gây đắng miệng, mắt đỏ, ù tai. Tiểu tiện ít và thẫm màu, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sắc đều là biểu hiện của chứng can hỏa nội nhiễu. Nếu can uất hóa hỏa, can đởm thực nhiệt, can dương thượng cang thì sẽ gây đau đầu dữ dội, chóng mặt, cả đêm mất ngủ. Nhiệt tà hun đốt tân dịch gây đại tiện táo bón. Chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng khô, mạch huyền hoạt sác đều là biểu hiện của chứng thực nhiệt nội thịnh (chứng của can uất hóa hỏa mức độ nặng).
Pháp điều trị: thanh can tá hỏa để an thần.
Bài thuốc:
+ Long đởm tả can thang (Y phương tập giải)
Long đởm thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Đương quy 12g, Trạch tả 15g, Mộc thông 12g, Sinh địa 12g, Sài hồ 12g, Xa tiền tử 12g, Sinh cảm thảo 06g.
Hiện nay, vận dụng để sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh trừ thanh nhiệt kinh can, đưa nhiệt xuống dưới làm cho nhiệt tà theo đường tiểu tiện ra ngoài; đương quy, sinh địa có tác dụng dưỡng âm huyết hòa can làm cho tà được trừ mà không bị tổn thương chính; sài hồ có tác dụng sơ khí can đởm; cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.
+ Nếu can đởm thực hỏa, can thượng viêm gây mất ngủ cả đêm, đau đầu dữ dội, hoa mắt, chóng mặt, đại tiện táo bón thì có thể dùng bài Đương quy long hội hoàn (Đan Khê tâm pháo) để thanh tà can đởm thực hỏa.
Đương quy 12g, Long đởm thảo 12g, Hoàng liên 12g, Chi tử 12g, Hoàng bá 12g, Hoàng cầm 10g, Lô hội 10g, Đại hoàng 06g, Thanh đại 10g, Mộc hương 10g.
Các vị thuốc trên tán mịn với mật ong làm viên hoàn, mỗi lần uống 09g.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo, lô hộ, thanh đại,chi tử, hoàng liên đều có tác dụng thanh tả thực hỏa ở kinh can; hoàng cầm có tác dụng thanh táo hỏa ở thượng tiêu; hoàng bá có tác dụng thanh thấp hỏa ở hạ tiêu; đại hoàng có tác dụng thông phủ và tả nhiệt; mộc hương có tác dụng điều khí, hành trệ; đương quy có tác dụng dưỡng huyết hòa huyết.
KẾT LUẬN
Mất ngủ (bất mị) là chứng bệnh có vị trí ở tâm, chủ yếu là nói về chức năng tâm chủ thần minh; có quan hệ mật thiết đến các tạng can, đởm, tỳ, vị, thận.
Chứng bệnh này phân thành hai loại là hư chứng và thực chứng; trong đó, hư chứng thường hay gặp hơn, bệnh lây ngày thường thuộc hư trung hiệp thực. Mức độ nhẹ thì bệnh diễn biến ngắn. Khi bệnh léo dài thì thường khí điều trị và hay tái phát.
Nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu là dương không nhập âm. Bệnh phát sinh thường do tổn thương tình chí, mệt mỏi quá độ, bệnh lâu ngày, cơ thể hư nhược, ăn uống không điều độ, ngũ chí quá cực gây nên. Biểu hiện lâm sàng của thể nhẹ thì ngủ hay tỉnh giấc, thể nặng thì mất ngủ cả đêm.
Nguyên nhân gây mất ngủ trong hư chứng thường do tâm tỳ lưỡng hư, âm hư hỏa vượng, tâm đởm khí hư; khi điều trị thì nên dùng pháp bổ ích tâm tỳ, tư âm giáng hỏa, ích khí trấn kinh và phối hợp với các thuốc dưỡng tâm an thần; bài thuốc đại biểu là Quy tỳ thang, Hoàng liên a giao thang, An thần định chí hoàn.
Nguyên nhân gây mất ngủ trong thực chứng thường do can uất hóa hỏa, đàm nhiệt nội nhiễu; khi điều trị nên dùng pháp thanh can tả hỏa, thanh nhiệt hóa đàm và thường dùng kết hợp với thuốc trọng trấn an thần; bài thuốc đại biểu là Long đởm tả can thang, Ôn đởm thang.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com