Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

Bài thuốc đông y trị xuất huyết giữa chu kỳ kinh

Bài thuốc đông y trị xuất huyết giữa chu kỳ kinh

Xuất huyết giữa chu kỳ kinh tức là trong thời gian giữa chu kỳ kinh, xuất hiện chứng ra máu âm đạo với số lượng ít, có tính chu kỳ.

Xuất huyết giữa chu kỳ kinh có thể gặp trong chứng xuất huyết âm đạo thời kỳ rụng trứng liên quan đến giảm nồng độ estrogen. Cần phải loại trừ một số bệnh đường sinh dục như: loét cổ tử cung, polyd cổ tử cung, polyd nội mạc tử cung, u dưới niêm mạc tử cung…

Chẩn đoán:

Lâm sàng: giữa hai lần hành kinh, khoảng ngày 12 – 16 của chu kỳ kinh hoặc lần có kinh thứ hai trước ngày 16 thấy xuất huyết âm đạo có quy luật, số lượng kinh ít hơn, thời gian ra huyết 3 – 5 ngày và có tính chu kỳ; triệu chứng kèm theo thấy đau lưng, đau tức hai bên bụng dưới, số lượng bạch đới nhiều, màu sắc như lòng trắng trứng hoặc có màu thẫm.

Thăm khám phụ khoa: cổ tử cung bình thường, có ít sợi huyết ở niêm dịch cổ tử cung.

Kiểm tra thêm: đo biến động nhiệt độ cơ thể thường thấy cao và thấp thay thế nhau khi thấy xuất huyết âm đạo, soi tươi dịch âm đạo, siêu âm đánh giá thay đổi khi phóng noãn, xét nghiệm sinh hóa máu định lượng nội tiết tố estrogen, progesterone đều thấy giảm.

Chẩn đoán phân biệt:

Kinh nguyệt trước kỳ: thời gian xuất huyết của kinh trước kỳ không phải ở giữa kỳ kinh mà là trước kỳ kinh sau, số lượng kinh ra có thể bình thường hoặc hơi nhiều, nhiệt độ cơ thể từ cao hạ xuống thấp thì thấy ra kinh. Xuất huyết giữa kỳ kinh thì thấy số lượng kinh ít, quy luật thời gian xuất huyết phát sinh khi nhiệt độ cơ thể cao thấp thay thế nhau thì thấy xuất huyết.

Kinh nguyệt quá ít: trường hợp này chu kỳ kinh thường là bình thường, số lượng ít, nếu nặng thì thấy ra rỉ rả vài giọt. Xuất huyết giữa kỳ kinh thì thấy xuất hiện hai lần hành kinh trong một chu kỳ kinh.

Khí hư màu hồng (xích đới): xích đới ra không có chu kỳ, thời gian dài hay ngắn không có tính đặc thù, thỉnh thoảng lại tái phát, thường liên quan đến bệnh sử xuất huyết mang tính tiếp xúc, kiểm tra phần phụ thường thấy viêm loét cổ tử cung, viêm âm đạo. Xuất huyết giữa kỳ kinh thì có tính chu kỳ, 2 – 3 ngày huyết tự cầm.

Kinh lậu: kinh lậu là chứng xuất huyết âm đạo không có tính chu kỳ, có thể vài tháng không sạch. Xuất huyết giữa kỳ kinh mang tính chu kỳ rõ rệt, thường thấy ở giữa hai lần có kinh, kinh ra vài ngày tự sạch.

Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: quy luật biến hóa khí huyết âm dương trong thời gian giữa chu kỳ kinh là sau chu kỳ kinh từ âm chuyển dương, từ hư chuyển sang thịnh. Chu kỳ kinh xuất hiện là tiêu chí của một kết quả chu kỳ kinh, một chu kỳ kinh mới xuất hiện. Sau khi có kinh nguyệt thì huyết hải trống rỗng, âm tinh bất túc. Cùng với sự biến đổi chu kỳ kinh thì âm huyết dần dần tăng, tinh huyết sung thịnh, âm sinh trưởng đến sung thịnh. Tinh hóa thành khí, âm chuyển thành dương, manh nha trạng thái âm dương giao hội hòa hợp để đến thời kỳ rụng trứng. Đó chính là thời kỳ chuyển hóa trọng yếu của một chu kỳ kinh. Nếu chức năng điều tiết âm dương trong cơ thể bình thường thì cơ thể thích ứng và không có diễn biến bất thường. Nếu thận âm bất túc hoặc hư nhiệt nội uẩn, hoặc bào lạc ứ trệ, khi dương khí nội động, âm lạc bị tổn thương làm ảnh hưởng đến xung nhâm, rối loạn chức năng cố tàng của xung nhâm, huyết tràn ra ngoài gây chứng xuất huyết giữa kỳ kinh.

Thận âm hư: cố tàng bất túc; hoặc do sinh hoạt tình dục quá độ, sinh đẻ nhiều làm tổn thương thận; hoặc do lo nghĩ quá độ làm hỏa thiên thịnh, thận âm thiên hư, tinh hao huyết tổn, vào lúc âm dương hòa hợp mà dương khí nội động làm tổn thương đến âm lạc, xung nhâm bất cố gây nên xuất huyết.

Thấp nhiệt: thấp phân thành nội thấp và ngoại thấp. Nếu tinh vận hành không thông, can uất khí trệ, khắc chế tỳ vị quá mạnh gây rối loạn hóa sinh chất tinh vi của thủy cốc, ảnh hưởng đến nguồn sinh tinh huyết mà tụ lại thành thấp. Thấp tà đưa xuống dưới, uẩn kết sinh nhiệt; vào lúc âm dương hòa hợp, dương khí nội động, dẫn động nội nhiệt, nhiệt làm tổn thương xung nhâm gây nên xuất huyết giữa kỳ kinh.

Huyết ứ: thể chất hư nhược, sau khi sinh đẻ lại bị lưu ứ làm ứ trệ bào lạc, hoặc do thất tình nội thương làm khí trệ xung nhâm lâu ngày thành ứ. Đến thời kỳ âm dương hòa hợp, dương khí nội động, huyết ứ làm tổn thương xung nhâm gây nên xuất huyết giữa kỳ kinh.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng xuất huyết giữa kỳ kinh dựa vào số lượng huyết ra, màu sắc huyết, chất huyết với các triệu chứng toàn thân khác. Nếu xuất huyết số lượng ít, sắc huyết tươi, chất niêm dình thì thường do thận âm hư. Nếu xuất huyết hơi nhiều hoặc ít, kèm theo xích đới và bạch đới, chất kinh dính đặc thì thường do thấp nhiệt. Nếu xuất huyết số lượng ít, sắc kinh hồng thẫm hoặc thấy huyết cục thì thường do huyết ứ. Trên lâm sàng, còn phải chú ý đến thể chất, tình trạng toàn thân, chất lưỡi, rêu lưỡi, mạch, biến động nhiệt độ cơ thể để tiến hành phân tích.

Thận âm hư

Lâm sàng: xuất huyết giữa kỳ kinh, số lượng kinh ra ít hoặc hơi nhiều, sắc kinh hồng tươi, không có huyết cục, chóng mặt, đau lưng, ngủ hay mê, lòng bàn chân và tay nóng, đại tiện táo bón, nước tiểu màu vàng; hình thể lưỡi gọn, chất lưỡi hồng, mạch tế sáp.

Phân tích: thận âm hao tổn, vào thời gian âm dương hòa hợp, dương khí nội động làm tổn thương âm lạc, xung nhâm bất cố gây nên xuất huyết. Nguyên nhân không phải do tà nhiệt hun đốt nên thấy số lượng huyết ra không nhiều. Âm hư dương động nên thấy sắc kinh hồng tươi, lòng bàn chân và tay nóng. Thận âm hư nên thấy đau lưng, chóng mặt, khó ngủ. Âm dịch bất túc nên thấy đại tiện táo bón, nước tiểu màu vàng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận âm hư.

Pháp điều trị: tư thận dưỡng âm, chỉ huyết điều kinh.

Bài thuốc:

Lưỡng địa thang (Phó thanh chủ nữ khoa) hợp bài Nhị chí hoàn (Y phương tập giải)

Sinh địa 12g, Địa cốt bì 12g, Huyền sâm 12g, Bạch thược 12g, A giao 12g, Mạch môn 12g, Hạn liên thảo 12g, Nữ trinh tử 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa, địa cốt bì có tác dụng tư âm thanh nhiệt; huyền sâm, mạch môn có tác dụng bổ ích thận âm; bạch thược có tác dụng dưỡng âm liễm âm; a giao có tác dụng tư âm dưỡng huyết và chỉ huyết; nữ trinh tử, hạn liên thảo có tác dụng tư âm, chỉ huyết.

Nếu xuất huyết số lượng nhiều thì gia thêm địa du, ngẫu tiết.

Nếu thấy chứng tâ, can hỏa vượng gây bứt rứt, dễ cáu, mặt đỏ, đắng miệng thì gia sài hồ, chi tử.

Trường hợp âm tổn cập dương làm thận dương thiên hư, dương khí bất túc không cố nhiếp được huyết gây nên xuất huyết thfi thường thấy xuất huyết giữa kỳ kinh có số lượng ít, sắc kinh hồng nhợt, chóng mặt, đau lưng, mệt mỏi, đại tiện phân lỏng nát, tiểu đêm nhiều lần, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế. Lúc này, pháp điều trị dùng ích âm trợ dương, cố nhiếp chỉ huyết. Bài thuốc hay dùng là Dục lân châu trong cuốn Cảnh Nhạc toàn thư, bỏ đương quy, xuyên khung, xuyên tiêu; gia tục đoạn, hoàng kỳ.

Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 10g, Bạch thược 12g, Thỏ ty tử 12g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Lộc giác sương 12g, Hoàng kỳ 15g, Tục đoạn 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, bạch truật, bạch linh, hoàng kỳ, cam thảo có tác dụng ích khí trợ dương; bạch thược, thục địa có tác dụng dưỡng âm trấn tinh; đỗ trọng, tục đoạn, thỏ ty tử, lộc giác sương có tác dụng ôn bổ thận dương, cố nhiếp xung nhâm nên xuất huyết tự cầm.

Thấp nhiệt

Lâm sàng: xuất huyết giữa kỳ kinh số lượng ít hoặc nhiều, sắc kinh hồng thẫm, chất kinh dính nhớp, không thấy huyết cục hoặc thấy ra xích đới (khí hư sắc hồng), chân tay mỏi, đau nhức các khớp, bứt rứt, tức ngực, không muốn ăn, nước tiểu màu thẫm, số lượng ít, thường thấy đới hạ ra nhiều, màu vàng, chất dính; rêu lưỡi vàng nhớp, dầy ở gốc lưỡi, mạch tế huyền.

Phân tích: do dương khí động nên thấp nhiệt nhiễu loạn huyết hải gây xuất huyết hải gây xuất huyết giữa kỳ kinh, số lượng huyết ít, sắc kinh hồng. Thấp trọc với huyết đều đưa xuống dưới nên thấy chất dính nhớp hoặc như xích đới, xích bạch đới. Thấp và nhiệt hỗ kết, nếu nhiệt nhiều hơn thấp thì thấy huyết ra số lượng nhiều, bứt rứt, tức ngực, tiểu tiện màu vàng thẫm và số lượng ít; nếu thấp nhiều hơn nhiệt thì thấy chân tay mỏi, đau nhức các khớp, không muốn ăn, đới hạ ra nhiều, chất dính nhớp. Rêu lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thấp nhiệt.

Pháp điều trị: thanh lợi thấp nhiệt.

Bài thuốc: Thanh can chí lâm thang (Phó thanh chú nữ khoa) gia vị

Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Sinh địa 12g, Đan bì 10g, Hoàng bá 12g, Ngưu tất 12g, Hương phụ 12g, Hắc đậu 12g, Bạch linh 12g, Tiểu kế 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Bài Thanh can chỉ lâm thang là bài thuốc để điều trị chứng xích đới. Vì ăn uống kém, rêu lưỡi nhớp nên bỏ a giao, hồng táo. Trong bài thuốc tren thì bạch thược, đương quy, sinh địa, hắc đậu có tác dụng bổ thận, dưỡng huyết, nhu can; đan bì có tác dụng thanh can tả hỏa; hương phụ có tác dụng sơ can giải uất; hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, tiểu kế có tác dụng thanh nhiệt chỉ huyết; bạch linh có tác dụng lợi thủy thẩm thấp; ngưu tất có tác dụng đưa thuốc xuống dưới.

Nếu xuất huyết nhiều thì bỏ ngưu tất, đương quy và gia địa du, khiếm thảo căn, ô tặc cốt, địa du.

Nếu đới hạ ra nhiều thì gia bạch quả, mã xỉ hiện, thổ phục linh.

Nếu thấp thịnh thì gia ý dĩ nhân, thương truật.

Nếu ăn không ngon miệng, ăn xong đầy tức bụng thì bỏ bạch thược, sinh địa và gia hậu phác, mạch nha.

Nếu thấy đại tiện xong không thoải mái, cảm giác tức nặng hậu môn thì bỏ đương quy, sinh địa, và gia ý dĩ, bạch biển đậu.

Huyết ứ

Lâm sàng: xuất huyết giữa chu kỳ kinh có thể ít hoặc nhiều, sắc kinh ám đen, đau tức hoặc đau nhiều hai bên bụng dưới, bứt rứt, tức ngực; chất lưỡi hồng thẫm hoặc có ban ứ huyết, mạch tế huyền.

Phân tích: huyết ứ trở trệ bào lạc, do dương khí động nên huyết cũng động làm huyết hải không yên, lạc mạch tổn thương làm kinh ra sắc ám đen, bụng dưới đau tức hoặc đau nhiều, khí trệ không thông nên thấy bứt rứt, tức ngực. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng huyết ứ.

Pháp điều trị: hóa ứ chỉ huyết.

Bài thuốc: Trục ứ chỉ huyết thang (Phó thanh chủ nữ khoa) gia vị

Sinh địa 12g, Đại hoàng 06g, Đan bì 12g, Chỉ xác 10g, Quy bản 15g, Đào nhân 10g, Tam thất 06g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa, đại hoàng có tác dụng lương huyết khứ ứ chỉ huyết; đào nhân, đan bì có tác dụng hoạt huyết khứ ứ; chỉ xác có tác dụng hành khí để giúp cho khứ ứ chỉ huyết; tam thất có tác dụng khứ ứ chỉ huyết; quy bản có tác dụng dưỡng âm chỉ huyết. Bài thuốc có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, dưỡng âm chỉ huyết.

Nếu thấy huyết ra nhiều thì gia thêm bài Thất tiếu tán (bồ hoàng, ngũ linh chi).

Nếu đau nhiều bụng dưới thì gia diên hồ sách, ô dược, hương phụ.

Nếu kèm thấp nhiệt thì gia ý dĩ nhân, bại tương thảo, tri mẫu, hoàng bá.

Nếu thấy tỳ hư thì bỏ sinh địa, đào nhân, đại hoàng, gia bạch truật, trần bì, sa nhân.

Nếu thấy chứng thận hư thì gia tục đoạn, tang ký sinh, hoài sơn, thỏ ty tử.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Châm huyệt: huyết hải, tam âm giao, âm lăng tuyền, khí hải, quan nguyên, thận du, bàng quang du. Mỗi lầm châm lựa chọn 3 – 4 huyệt.

Nhĩ châm: điểm tử cung, nội tiết, thận, bàng quang.

Thuốc thành phẩm:

Nhị chí hoàn: dùng trong xuất huyết giữa kỳ kinh thể thận âm hư, mỗi lần 5g, ngày 3 lần, uống đến khi thấy nhiệt độ cơ thể tăng hơn sau 3 ngày thì dừng thuốc.

Tri bá địa hoàng hoàn: dùng trong xuất huyết giữa kỳ kinh thể âm hư hỏa vượng, mỗi lần 5 – 10g, ngày 2 lần, uống đến khi thấy nhiệt độ cơ thể tăng hơn sau 3 ngày thì dừng thuốc.

KẾT LUẬN

Xuất huyết giữa kỳ kinh phát sinh giữa hai kỳ kinh, là thời điểm âm dương hòa hợp (rụng trứng và có thể thụ thai), xuất hiện ra máu âm đạo, số lượng ít và có tính chu kỳ. Giữa chu kỳ kinh, do khí huyết âm dương biến hóa có quy luật đặc thù, là một giai đoạn chuyển hóa trọng yếu trong chu kỳ kinh. Nếu âm dương trong cơ thể điều tiết chức năng bình thường, cơ thể nhanh chóng thích ứng và không có biểu hiện bất thường. Nếu thận âm bất túc, hoặc do thấp nhiệt nội uẩn, hoặc ứ trệ bào lạc, khi dương khí nội động, bào lạc bị tổn thương, ảnh hưởng đến xung nhâm, rối loạn tàng trữ ở huyết hải, huyết tràn ra ngoài gây nên xuất huyết giữa kỳ kinh.

Biện luận triệu chứng chủ yếu dựa vào số lượng huyết ra, màu sắc, chất kinh, kết hợp với các triệu chứng toàn thân khác.

Bài thuốc đông y trị xuất huyết giữa chu kỳ kinh  mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *