Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ VIÊM TẮC ĐỘNG MẠCH CHI

Bài thuốc đông y trị viêm tắc động mạch chi

Viêm tắc động mạch là một bệnh của hệ thống động mạch, trong đó có biểu hiện bệnh lý nổi bật là tình trạng co thắt của động mạch, gây rối loạn dinh dưỡng và đưa đến hoại tử vùng tổ chức do các động mạch đó chi phối.

Về mặt danh pháp, tuy còn nhiều vấn đề chưa được hoàn toàn thống nhất nhưng danh từ “viêm tắc động mạch” đã được Winiwater đưa ra từ cuối thế kỷ XIX và đã được nhiều tác giả công nhận.

Bệnh thường gặp ở nam giới và thường phát triển ở chi dưới nhưng đôi khi cũng thấy ở các động mạch chi trên, động mạch vành, động mạch não…

Cơ chế bệnh sinh

Cho đến nay đã có rất nhiều giả thuyết đưa ra để giải thích cơ chế bệnh sinh của bệnh.

Các yếu tố kích thích của ngoại cảnh riêng lẻ hay tổng hợp như khí hậu lạnh và ẩm thấp kéo dài, người nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin, các căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý… tác động lớn hệ thống thần kinh trung ương cũng như hệ thần kinh giao cảm, từ đó gây các phản ứng cơ thắt ở động mạch.

Tình trạng co thắt kéo dài của động mạch sẽ gây thiếu máu cục bộ và đau đớn kéo dài ở vùng tổ chức phía ngoại vi. Chính những yếu tố này lại trở thanh các kích thích nội sinh tác động trở lại hệ thống thần kinh trung ương và hệ thần kinh giao cảm, từ đó lại làm động mạch bị co thắt nặng thêm.

Kết quả của vòng phản xạ bệnh lý nói trên sẽ làm cho tình trạng co thắt động mạch trở nên liên tục và dẫn đến các biển đổi ngày càng nặng của hệ thống động mạch: lớp cơ của thành động mạch tăng sinh, lớp nội mạc động mạch dày lên, xuất hiện những hiện tượng thoái hóa trong hệ thần kinh giao cảm của thành động mạch, lòng động mạch bị hẹo lại và dần dần tạo nên các cục nghẽn…

Quá trình trên tăng lên dần dần dẫn tới tắc hoàn toàn động mạch. Vùng tổ chức phía ngoại vi bị thiếu máu nuôi dưỡng nặng dần dẫn tới hoại tử tổ chức, gây đau đớn kéo dài và nhiễm trùng độc cho bệnh nhân.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Bệnh thường gặp ở chi dưới, có thể một bên hoặc cả hai bên.

Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều, chấn thương, chi thể bị nhiễm lạnh. Lúc đầu là đau và lạnh ngọn chi, căng tê, vận động nhiều đau tăng, nghỉ ngơi lại giảm, mạch mu chân yếu. Sau đó có tính chất đặc thù, đoạn chi và da sờ thấy lạnh, thống chân xuống thấy chân bị tím sẫm hoặc xanh tím, da khô, lông rụng, móng chân dầy lên, teo cơ, mất mạch mu chân.

Bệnh phát triển thêm thấy hoại tử khô, đau dữ dội, mất ngủ. Thời kỳ loét sẽ thấy phần chi bị sưng và đau buốt.

Bệnh viêm tắc động mạch thường gặp ở tuổi trung niên, bệnh vựa xơ động mạch thường gặp ở tuổi già. Căn cứ quá trình phát bệnh có thể phân thành ba thời kỳ.

Thời kỳ thứ nhất (thời kỳ thiếu máu cục bộ):

Chi thể lạnh, bệnh nhân sợ lạnh, tê buốt, đau, vận động đi lại sẽ thấy dâu hiệu chân căng trướng và đau, khả năng chịu lạnh giảm, mùa đông bệnh nặng thêm.

Sau đó sẽ thấy dâu hiệu đau cách hồi. Một số bệnh nhân thấy dấu hiệu viêm hệ thống tĩnh mạch nông.

Mạch mu chân và ống gót yếu hoặc mất.

Thời kỳ thứ hai (thời kỳ rối loạn dinh dưỡng):

Chân tay lạnh, sợ lạnh, tê buốt, đau nhức và đau cách hồi khi vận động,có khi thở nhẹ cũng đau, ban đêm đau tăng, bệnh nhân thường ngồi bó gối suốt đêm, cả đêm mất ngủ. Chân không thấy ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi rất ít, móng chân tay mọc rất chậm, khô mà dầy, dễ gãy, thay đổi hình dạng móng, da khô bong vảy nhiều, nẻ, lông tơ rụng; chi thể hồng sẫm, tím sẫm, xanh tím hoặc trắng nhợt, kèm theo teo cơ ở một mức độ nhất định.

Rối loạn dinh dưỡng nghiệm trọng, có thể thấy chứng viêm thần kinh thiếu máu, có thể thấy cảm giác bỏng rát như điện giật, có khi giảm cảm giác nông.

Không sờ thấy mạch đập.

Thời kỳ thứ ba (thời kỳ hoại thư):

Do rối loạn nghiêm trọng về tuần hoàn huyết dịch, ngón chân tay hoặc toàn chân tay sẽ xuất hiện loét hoặc hoại thư. Đầu tiên, thường thấy là tổn thương ngón cái, lúc đầu ở đầu ngón, sau đó lan dần lên gốc ngón, có thể ảnh hưởng đến các ngón khác. Thông thường, bệnh giới hạn tổn thương ở các ngón là chính, kéo dài có thể ảnh hưởng đến các khớp trên, ở dưới thì gót chân và cẳng chân ít gặp.

Bệnh nhân chỉ loét vùng ngón chân tay, mu chân tay đơn độc, thường do nguyên nhân là chấn thương hoặc da bị khô, nứt nẻ mà bị viêm nhiễm gây nên.

Sau khi loét, đau dữ dội; có thể thấy sốt, ăn kém; bệnh nhân dần dần suy nhược, gầy sút, mệt mỏi, có thể gây nên thiếu máu tràm trọng hoặc thiếu K+. Sau khi rụng ngón thì rất dễ phát sinh viêm tủy hoặc hoại tử tổ chức xung quang, thường tạo thành những ổ loét bề mặt rất lâu liền.

Cận lâm sàng

Đo dao động động mạch: xác định được mức độ giảm biên độ dao động củ động mạch bị viêm tắc ở chi tổn thương.

Soi mao mạch: xác định thấy giảm số lượng và đường kính các mao mạch ở chi tổn thương, tốc độ di chuyển của hồng cầu trong mao mạch cũng bị giảm.

Đo nhiệt độ da: xác định thấy nhiệt độ da của chi bị tổn thương giảm đi rõ rệt so với bên lành.

Siêu âm động mạc và nghiên cứu Doppler động mạch:

Siêu âm động mạch: xác định được tình trạng thành động mạch dày lên, nội mạc động mạch dày, có các cục nghẽn mạch…

Nghiên cứu Doppler: xác định được các biến đổi của dòng máu lưu thông trong động mạch bị viêm tắc (giảm tốc độ dòng máu, giảm lưu lượng máu, xuất hiện các dòng chảy rối do có các cục nghẽn…).

Chụp động mạch cản quang:

Xác định được hình dạng và mức độ co thắt của các động mạch bị viêm tắc, hình các cục nghẽn trong động mạch, mức độ lưu thông của dòng máu trong động mạch…

Xác định được tình trạng hệ tuần hoàn bên của chi có động mạch chín bị viêm tắc.

Chụp CT scanner, chụp MRI động mạch:

Ngoài việc xác định được các biến đổi về hình thái của động mạch bị viêm tắc, chụp CT scanner và MRI còn xác định được cả tương quan giải phẫu cũng như các thay đổi về hình thái các cơ quan tổ chức xung quanh.

Chẩn đoán phân biệt

Hội chứng Raynaud;

Lâm sàng: khi gặp lạnh, tinh thần kích thích… gây nên co thắt các động ở ngọn chi từng cơn; sắc da phần ngọn chi thay đổi màu sắc từ trắng bệch, tím sẫm, hồng sẫm, trở về bình thường.

Bệnh thường gặp ở giới nữ, tuổi 20 – 40. Thông thường, mạch ở chi vẫn đập bình thường.

Biến chứng đái thao đường:

Bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của bệnh đái tháo đường. Chân tay tê, đau nhức, đau cách hồi, có thể gặp hoại tử đầu ngón chân tay. Bệnh tiến triển nhanh, có thể gây tắc mạch chi dưới hoặc bàn chân, thường gặp hoại tử ướt. Nếu nặng có thể gặp triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân.

Xét nghiệm máu thấy glucose tăng cao, nước tiểu tháy glucose niệu.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm tắc động mạch chỉ thuộc phạm trug chứng thoát thư, thoát ung, thoát cốt thư, thoát cốt đinh. Cuốn “Tố vấn. Bình nhân khí tượng luận” có nêu: mạch sáp gây tê buốt. Cuốn “Tố vấn. Tê luận” có nêu: những bệnh nhân bị chứng tâm trệ tắc thì mạch không thông, các nhân tố phong hàn thấp phối hợp gây trệ tắc thì nếu ứ trệ ở xương khớp gây chưng tý còn ứ trệ ở mạch làm ngưng trệ huyết mạch. Điều đó cho thấy nguyên nhân của chứng tê buốt là do phong hàn thấp gây nên, cơ chế bệnh sinh liên quan đến huyết mạch ngưng trệ không thông, biểu hiện lâm sàng là mạch sáp. Cuốn “Kim quỹ yếu lược” có nêu: chứng huyết tê thì thấy mạch vi sáp. Cuốn “Trung tàng kinh” có nêu: chứng huyết tê thấy mạch ở thốn khẩu kết hoặc không thấy mạch.

Bệnh thường gặp ở nam giới, vị trí bệnh thường ở ngọn chi (chi dưới gay gặp hơn), vùng có khí hậu hàn thấp gặp tỷ lệ cao hơn, người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người không hút.

Nguyên nhân bệnh sinh

Vị trí bệnh tại huyết mạch.

Nguyên nhân gây bệnh:

Do hàn, sống lâu ở nơi ẩm thấp làm hàn và thấp từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, hàn ngưng trệ gây bệnh.

Do phòng lao quá độ, dùng thuốc bổ dương bừa bãi làm thận hư hỏa vượng hun đốt âm dịch, độc tụ lại ở ngọn chi gây bệnh.

Do tình chí rối loạn, lo lắng thương tỳ, dần dần gây khí huyết hao hư, huyết vận hành chậm hình thành nên huyết ứ.

Do ăn quá nhiều đồ cay nóng, chất béo… làm cho đàm trọc đình tụ, tích trệ lâu ngày thành độc, lưu trệ ở cân mạch.

Cơ chế bệnh sinh: thận hư hàn ngưng, huyết mạch trở trệ.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng

Chứng bệnh này từ khí mới vị cho đến các giai đoạn sau đều biểu hiện của chứng huyết ứ nội trệ. Vì vậy, pháp điều trị xuyên suốt trong toàn bộ quá trình là hoạt huyết hóa ứ.

Nguyên tắc điều trị

Bệnh mới phát hoặc đợt cấp của bệnh mãn tính thì pháp điều trị nên dùng khứ tà là chính hoặc tán hàn thông lạc hoặc thanh lợi thấp nhiệt hoặc thanh nhiệt giải độc.

Thời kỳ ổn định thì nên dùng pháp bổ hư hoạt huyết là chính hoặc dùng pháp ích khí hoạt huyết hoặc dùng ôn dương hoạt huyết hoặc dùng tư âm tiềm dương hoặc dùng tư âm thanh nhiệt.

Chữa bệnh tiểu đường bằng những bài thuốc đông y cổ truyền

Bài thuốc đông y trị viêm tắc động mạch chi

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ 

Thể mạch lạc hàn ngưng

Lâm sàng: đầu ngón chân tay lạnh, thích ấm, sợ lạnh, sắc da trắng nhợt, sờ thấy lạnh, đau nhức, tê buốt, gặp lạnh đau tăng, dấu hiệu đau cách hồi, đi lại nhiều đau tăng, bàn chân căng tức, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch mu chân yếu hoặc không bắt được.

Pháp điều trị: ôn kinh tán hàn, hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc: Dương hòa thang.

Thục địa  30g, Bạch giới tử  06g, Lộc giác giao  10g, Nhục quế  03g, Bào khương  04g, Ma hoàng   10g, Sinh cam thảo  06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

 Trong bài thuốc này, thục địa có tác dụng ôn bổ doanh huyết, trấn tinh ích tủy. Lộc giác giao có tác dụng sinh tinh bổ tủy, dưỡng huyết trợ dương, cường cân tráng cốt, được phối hợp với thục địa để ích tinh huyết, trợ dương khí, bổ can thận. Nhục quế và bào khương có tác dụng ôn dương tán hàn để thông lợi huyết mạch. Ma hoàng có tính vị cay ấm tuyên tán, dùng liều nhỏ để phát tán dương khí, khia tiết tấu lý để tán hàn ngưng ở cơ beieur. Bạch giới tử để tiêu đàm ở cơ biểu. Sinh cam thảo có tác dụng giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Nếu tại chỗ có biểu hiện àn nặng thì gia phụ tử 04g để hồi dương tán hàn.

Nếu bệnh thuộc chi trên thì gia quế chi 15g để ôn kinh hòa doanh và đưa thuốc lên trên. Nếu bệnh thuộc chi dưới thì gia ngưu tất 12g để hoạt huyết phía dưới.

Nếu huyết ứ (có ban ứ huyết) thì gia hồng hoa 10g, địa long 08g, thổ miết trùng 06g để hoạt huyết khứ ứ.

Nếu huyết hư thì gia đương quy 12g. Nếu khí hư thì gia hoàng kỳ 20g, đảng sâm 12g.

Thể mạch lạc huyết ứ

Lâm sàng: đầu ngón chân tay buốt nhiều, bước đi nặng nề, khó khăn. Màu sắc da đầu ngón chân ta từ trắng nhợt chuyển thành ám tím, thõng chân tay xuống thấp càng tím, giơ lên cao thì trắng nhợt; chi dưới thấy hồng ban, nổi cục hoặc cộm cứng, đau dữ dội, đêm mất ngủ do đau, chất lưỡi ám hồng hoặc ứ ban, rêu lưỡi trắng, mạch huyền hoặc sáp, mạch mu chân mất.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, thông lạc chỉ thống.

Bài thuốc: Hoạt huyết thông mạch thang phối hợp với Cố bộ thang.

 Đương quy  12g, Xích thược  12g, Thổ phục linh  15g, Đào nhân  06g, Kim ngân hoa  30g, Xuyên khung  12g, Tử hoa địa đinh  15g, Bồ công anh  30g, Hoàng kỳ  15g, Thạch hộc  12g, Ngưu tất  12g, Cúc hoa           10g, Nhân sâm  06g, Cam thảo  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Viện Y học cổ truyền Trung ương dùng bài Trục ứ hoạt huyết đan (HHĐ):

Hồng hoa  07g, Đào nhân  5.6g,  Xích thược  11.8g, Xuyên khung  6.3g, Đan sâm  18.7g, Đương quy  18.7g, Sinh địa   18.7g, Kim ngân hoa  17.6g, Thổ phục linh  17.6g, Hoàng kỳ  16.6g, Ngưu tất  17.6g, Cam thảo  5.8g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Thể mạch lạc ứ nhiệt

Lâm sàng: da khô, rụng lông; đầu chi nóng và sưng đau, gặp nóng thì đau tăng; teo cơ, hoại tử khô đầu ngón chân tay, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sáp.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc: Tứ diệu dũng an thang.

 Huyền sâm   30g, Đương quy  15g, Kim ngân hoa  30g, Cam thảo  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc này, kim ngân hoa có tính vị ngọt lạnh thơm, có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Huyền sâm có tính vị lạnh ngọt đắng mặn, chất nhuận; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tiết hỏa giải độc, tư dưỡng âm dịch, nhuyễn kiên tán kết, được phối hợp với kim ngân hoa để thanh nhiệt khí phận, giải độc huyết phận. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết để hành huyết ngưng trệ, hóa ứ thông mạch để giảm đau, được phối hợp với huyền sâm có tác dụng dưỡng huyết tư âm để sinh tân dịch. Cam thảo giúp cho thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.

Nếu chân tay nóng thì gia chi tử 12g, hoàng cầm 12g để thanh nhiệt táo thấp giải độc. Nếu ứ trệ thì gia xích thược 12g, trạch lan 12g, địa long 10g để hoạt huyết thông mạch.

Nếu thấp nhiệt khó trừ thì gia xích linh 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 20g, trư linh 12g để tăng cường thanh nhiệt lợi thủy trừ thấp.

Thể mạch lạc nhiệt độc

Lâm sàng: đau dữ dội chân và tay, đau nhiều về đêm, thích mát và sợ nóng; đầu chi sưng nề, da tại chỗ ám tím, dần dần chuyển thành tím đen, loét thấm tiết dịch, mùi hôi; nếu nặng thì bệnh chuyển cả 5 đầu ngón chân tay, có thể kèm theo sốt; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết hoạt huyết.

Bài thuốc: Tứ diệu dũng an thang gia vị.

Nếu nhiệt độc nặng (sốt cao, khát nước, dịch xuất tiết ra nhiều) thì dùng bài Giải độc thông mạch thang (kim ngân hoa 30g, tử hoa địa đinh 30g, bồ công anh 30g, đan sâm 30g, xích thược 15g, cam thảo 15g, thạch hộc 12g, thục địa 10g, huyền sâm 10g, liên kiều 10g, đương quy 10g, hồng hoa 10g, ngưu tất 10g).

Nếu có biểu hiện nhiễm độc toàn thân thì dùng Thanh doanh thang:

Thủy ngưu giác  30g, Sinh địa  15g, Mạch môn  12g, Đan sâm  15g, Trúc diệp  08g, Ngân hoa  20g, Liên kiều  12g, Hoàng liên  10g, Huyền sâm  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

 Trong bài thuốc này, thủy ngưu giác có vị đắng mặn, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết giải độc, vị hàn nhưng không gây trở trệ nên có tác dụng tán ứ. Sinh địa có tác dụng lương huyết tư âm. Mạch môn có tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm sinh tân. Huyền sâm có tác dụng tư âm giáng hỏa giải độc. Ngân hoa và liên kiều đều có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tính nhẹ nên thấu tà làm cho tà thuộc doanh phận đưa ra khí phận mà giải trừ. Trúc diệp để thanh tâm nhiệt. Hoàng liên có tính vị khổ hàn để thanh tâm tả hỏa. Đan sâm có tác dụng thanh tâm và lương huyết hoạt huyết.

     Để tăng cường tác dụng thanh nhiệt thì có thể gia chi tử 12g, hoàng cầm 12g, tử hoa địa đinh 12g hoặc dùng kết hợp với viên An cung ngưu hoàng hoàn, mỗi ngày uống 01 viên.

Khí huyết lưỡng hư

Lâm sàng: sắc mặt u ám, da sạm, người gầy, tinh thần uể oải. Tổ chức loét lâu ngày không liền, bờ viền ám tím hoặc hồng nhợt mà không tươi, chất lưỡi nhợt bệu, mạch tế vô lực.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết chỉ thống.

Bài thuốc: tùy theo thể bệnh mà lựa chọn các bài thuốc như Bát trân thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Quy tỳ thang hoặc Cố bộ phục mang thang.

Nếu tâm tỳ lưỡng hư thì dùng bài Quy tỳ thang sắc uống, ngày 01 thang:

Bạch truật  15g, Đương quy  12g, Phục thần  10g, Hoàng kỳ  15g, Long nhãn  06g, Viễn chí  06g,  Táo nhân  10g, Mộc hương  05g, Cam thảo  06g, Nhân sâm  03g.

 Trong bài thuốc này thì nhân sâm có tác dụng “bổ ngũ tạng, an tinh thần, định hồn phách” để bổ khí sinh huyết, dưỡng tâm ích tỳ. Long nhãn có tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần. Hoàng kỳ, bạch truật giúp nhân sâm ích khí kiện tỳ. Đương quy giúp long nhãn dưỡng huyết bổ tam. Phục thần, viễn chí, táo nhân để ninh tâm an thần. Mộc hương để lý khí tỉnh tỳ, phối hợp với thuốc bổ khí dưỡng huyết làm cho bổ mà không nê trệ ở vị. Cam thảo ích khí bổ trung và điều hòa các vị thuốc. Khi sắc thuốc thì cho thêm sinh khương, đại táo để điều hòa tỳ vị và giúp cho tăng cường tiêu hóa và hấp thu.

Nếu sắc mặt ám vàng, gầy sút, vết loét lâu liền thì dùng Bát trân thang hoặc Nhân sâm dưỡng vinh thang.

Bài Bát trân thang:

 Đương quy  30g, Xuyên khung  30g, Thục địa  30g, Bạch thược  30g, Nhân sâm  30g, Cam thảo  30g, Bạch linh  30g, Bạch truật  30g.

Các vị trên tán thô, mỗi lần sắc 09g, gia 05 lát gừng và 01 táo quả. Hiện nay, người ta cân đối liều để sắc uống.

Trong bài thuốc này thì nhân sâm phối hợp thục địa có vị ngọt ấm, có tác dụng ích khí bổ huyết. Bạch truật hiệp trợ với nhân sâm để ích khí bổ tỳ. Đương quy giúp thục địa bổ ích âm huyết. Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết liễm âm. Xuyên khung có tác dụng hoạt huyết hành khí làm cho bổ mà không trệ. Hại vị thuốc này phối hợp với thục địa, đương quy để tăng cường bổ huyết. Bạch linh có tác dụng kiện tỳ thấm thấp. Cam thảo có tác dụng ích khí bổ trung, phối hợp với nhân sâm, bạch truật để tăng cường ích tỳ, điều hòa vị thuốc. Khi sắc thuốc cho thêm sinh khương, đại táo để điều tỳ vị và điều hòa các vị thuốc.

Bài Nhân sâm dưỡng vinh thang:

Hoàng kỳ  30g, Đương quy  30g, Quế tâm  30g, Cam thảo  30g, Trần bì  30g, Bạch truật  30g, Nhân sâm  30g, Bạch thược  90g, Thục địa  20g, Ngũ vị tử  20g, Bạch linh  20g, Viễn chí  15g.

Các vị thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần uống 12g; hòa với nước sắc sinh khương 03 lát, đại táo 02 quả.

Nếu kiêm thận âm hư thì gia sơn thù 10g, kỷ tử 12g.

Nếu hư thực kiêm thi thì dùng Cố bộ phục mạch thang.

Sinh hoàng kỳ  30g, Đương quy  30g, Kim ngân hoa  20g, Thạch hộc  15g, Xích thược  15g, Thục địa  12g, Ngưu tất  12g, Đảng sâm  12g, Bạch truật  15g, Xuyên khung  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Phẫu thuật

Trường hợp hoại tử mà điều trị nội khoa không hiệu quả, căn cứ tình hình cụ thể mà có chỉ định tháo khớp hoặc phẫu thuật cắt cụt. Chú ý, phải không chế được viêm nhiễm, tổ chức hoại tử và tổ chức lạnh có ranh giới rõ ràng mới phẫu thuật.

Châm cứu

Hào châm: sơ thông kinh lạc, điều lý khí huyết để đạt mục đích giảm đau, giảm tình trạng thiếu máu, thúc đẩy liền sẹo, tăng cường thể chất bệnh nhân; thường dùng trong thời kỳ đầu, thời kỳ hồi phục. Thận trọng dùng khi viêm nhiễm hoại tử đang tiến triển nặng lên.

Chi trên: Khúc trì, Nội quan, Hợp cốc, Trung chữ.

Chi dưới: Túc tam lý, Tam âm giao, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt, Giải khê.

Châm kích thích mạnh, sau khi đắc khí lưu kim 30 – 60 phút, liệu trình 15 – 30 lần. Có thể dùng điện châm.

Nhĩ châm: Thần môn, Nội tiết, Thận, Giao cảm. Kích thích mạnh, ngày châm vài lần.

Cứu: Túc tam lý, Tam âm giao, Khúc trì, Nội quan. Mỗi lần cứu 1 – 2 huyệt, mỗi huyệt cứu 30 phút.

DỰ PHÒNG

Bệnh nhân nên mặc quần áo rộng, giữ ấm, tránh căng thẳng. Mùa đông nên chú ý giữ ấm tứ chi, đề phòng chấn thương.

Cấm hút thuốc (chất nicotin kích thích tuyến thượng thận tăng tiết, giảm độ ấm của da, làm cho huyết quản co lại, bệnh tình nặng thêm).

KẾT LUẬN

Y học cổ truyền xếp bệnh viêm tắc động mạch chi thuộc phạm trù thoát thư, thoát cốt thư, thoát ung.

Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến các nhân tố hàn ngưng, thấp trệ, rối loạn tình chí, ăn uống không điều độ… gây nên.

Cơ chế sinh bệnh chủ yếu là thận hư hàn ngưng, huyết mạch ứ trệ.

Trong quá trình biện chứng để điều trị phải căn cứ vào giai đoạn bệnh, biểu hiện lâm sàng để chọn lựa pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt lưu ý đến nhân tố thấp nhiệt trong các đợt bùng phát của bệnh.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *