Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Bài thuốc đông y trị viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một bệnh thường gặp do vi sinh vật gây nên. Tùy theo vị trí, có thể chia ra viêm đường tiết niệu trên (viêm ống thận, viêm bể thận, viêm niệu quản) và viêm đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, viêm niệu đạo).

Tỷ lệ phát bệnh khoảng 0,9 – 1,2% dân số, gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, thường gặp ở phụ nữ đã kết hôn.

Bệnh có liên quan chặt chẽ với các yếu tố như cơ địa mẫn cam, vi khuẩn, sức đề kháng, phản ứng miễn dịch và yếu tố di truyền. Bài viết này đề cập đến viêm bàng quang.

Viêm bàng quang là viêm chỉ giới hạn tại bàng quang, chủ yếu là viêm do vi khuẩn, chiếm 50 – 70% tổng số viêm đường tiết niệu, hay gặp ở phụ nữ đã kết hôn, sau phẫu thuật, sau kỳ kinh, tuổi già.

Viêm bàng quang bao gồm viêm cấp tính và viêm mạn tính. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đái buốt, đái rắt, đau tức vùng hạ vị, ít khi có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân, nước tiểu có bạch cầu, 30% có đái máu, có thể thấy đái máu đại thể.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Đái buốt, đái rắt, đái đau, đau tức vùng hạ vị, nước tiểu có khi có máu.

Ít khi có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu, có thể có hồng cầu.

Xét nghiệm cấy khuẩn nước tiểu thấy số lượng vi khuẩn > 105/ml.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm đường tiết niệu cao.

Hội chứng niệu đạo.

Lao thận.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm đường tiết niệu thuộc phạm trù chứng nhiệt lâm, huyết lâm, lao lâm.

Nguyên nhân bệnh sinh

Sào Nguyên Phương trong sách “Chư bệnh nguyên hậu luận” có nêu nguyên nhân gây lâm chứng do thận hư và bàng quang thấp nhiệt gây ra; thận hư gây tiểu tiện nhiều, bàng quang thấp nhiệt gây tiểu tiện khí và cảm giác khó chịu. Trong đó thì thận hư thuộc bản, bàng quang nhiệt thuộc tiêu.

Lưu Hà Gian trong sách “Tố vấn huyền cơ nguyên bệnh thức” có đề cập nhiệt nhập vào thận ảnh hưởng đến quyết âm làm khí huyết không tuyên thông.

Chu Đan Khê trong sách “Đan Khê tâm pháp” có nêu tiểu trường nếu khí tắc thì gây tiểu tiện dài, nếu huyết tắc thì gây tiểu tiện sáp, tiểu trường có nhiệt gây tiểu tiện đau buốt; lâm chứng tạng phủ (tâm, tiểu trường) có liên quan mật thiết với tiến triển của bệnh, tâm di nhiệt đưa xuống tiểu trường gây bệnh.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Thấp nhiệt uất kết ở bàng quang nên hay gặp thực chứng, đái buốt, đái rắt, đái khó, khởi phát cấp tính, thời gian tiên triển ngắn, tuổi cao, suy nhược, điều trị không hợp lý dẫn đến bệnh kéo dài, hay tái phát làm chính khí suy, tà khí uất kết, ảnh hưởng đến khí hỏa của bàng quang gây ra đái buốt, đái rắt, đái đau.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm, hành khí giải uất, thanh tâm hỏa. Nếu có khí hư hạ hãm thì bổ khí thăng đề; nếu dương hư thì ôn bổ mệnh môn hỏa, dẫn hỏa quy nguyên.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.BÀNG QUANG THẤP NHIỆT

Lâm sàng: tiểu tiện buốt, rắt, khó đi, cảm giác nóng; có khi tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu vàng thẫm, đau vùng hạ vị, đau lưng nhưng không thích xoa nắn; chất lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm tả hỏa.

Bài thuốc: Bát chính tán gia giảm

Cù mạch  20g, Biển xúc  20g, Thông thảo  15g, Xa tiền tử  15g, Hoạt thạch  15g, Chi tử  10g, Đại hoàng  04g, Bồ công anh  30g, Bạch hoa xà thiệt thảo  30g, Cam thảo  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì cù mạch, biển xúc, thông thảo, xa tiền tử, hoạt thạch, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi thủy thông lâm. Chi tử có tác dụng thanh tiết thấp nhiệt ở tam tiêu. Đại hoàng có tác dụng thông phủ tiết nhiệt, thanh trừ thấp nhiệt qua đường nhị tiện. Cam thảo có tác dụng điều hòa tính dược. Bồ công anh, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy thông lâm.

Nếu đầy bụng, đại tiện táo thì gia chỉ thực 12g, tăng liều đại hoàng 08g. Nếu đầy bụng, đại tiện phân nát thì đại hoàng.

Đau cứng vùng hạ vị thì gia xuyên luyện tử 08g, ô dược 12g để sơ can khí. Nếu đái máu đại thể hoặc vi thể thì gia bạch mao căn 20g, tiểu kế 12g, sinh địa 15g.

Nếu đau lưng thì gia thục địa 15g, câu kỷ tử 12g, ý dĩ nhân 20g, đỗ trọng 15g để bổ thận lợi thấp.

2.CAN ĐỞM UẤT NHIỆT

Lâm sàng: đái buốt, đái khó và nhỏ giọt, đái đau, đau vùng hạ vị, chán ăn, buồn nôn, lúc sốt rét, nước tiểu vàng, miệng khô, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: thanh lợi can đởm thấp nhiệt.

Bài thuốc: Long đởm tả can thang.

Long đởm thảo  15g, Hoàng cầm  15g, Chi tử  12g, Trạch tả  15g, Thông thảo  15g, Xa tiền tử  15g, Đương quy  15g, Sài hồ  15g, Sinh địa  20g, Cam thảo  15g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa ở can đởm; khi phối ngũ với chi tử, hoàng cầm để tăng tác dụng tả hỏa. Sài hồ có tác dụng sơ can giải nhiệt. Trạch tả, thông thảo, xa tiền tử có tác dụng tả hỏa, lợi thấp thông qua đường tiểu tiện. Đương quy, sinh địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết, phong can hỏa làm tổn hao tân dịch.

Đại tiện táo kết thì gia sinh hoàng bá 12g, trúc diệp 15g, hoạt thạch 15g.

BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Thuốc thành phẩm

Tham khảo thuốc thành phẩm của Trung Quốc.

Bát chính hợp tễ, mỗi lần uống 20ml, 03 lần/ngày, dùng trong trường hợp bàng quang thấp nhiệt.

Dung dịch Thanh khai linh, mỗi lần uống 01 ống, ngày 03 lần, dùng trong trường hợp bàng qunag thấp nhiệt.

Dung dịch Ngư tinh thảo, lấy 40 – 60ml pha với glucose 5% hoặc 10% hoặc NaCl 0,9% x 250 – 500ml, truyền tĩnh mạch ngày 01 lần, dùng trong trường hợp bàng quang thấp nhiệt.

Châm cứu

Huyệt chủ yếu: Trật biên, Quan nguyên.

Huyệt phối hợp: Tam âm giao, Thái khê.

Thường châm Trật biên phối hợp với Tam âm giao, Quan nguyên với Thái khê luân phiên, lưu kim 30 phút, ngày 01 lần, liệu trinh 7 – 10 ngày.

KẾT LUẬN

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm đường tiết niệu thuộc phạm trù chứng nhiệt lâm, huyết lâm, lao lâm.

Nguyên nhân gây lâm chứng do thận hư và bàng quang thấp nhiệt gây ra; thận hư gây tiểu tiện nhiều, bàng quang thấp nhiệt gây tiểu tiện khó và cảm giác khí chịu. Trong đó thì thận hư thuộc bản, bàng quang nhiệt thuộc tiêu.

Nguyên tắc điều trị chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm, hành khí giải uất, thanh tâm hỏa. Nếu có khí hư hạ hãm thì bổ khí thăng đề; nếu dương hư thì ôn bổ mệnh môn hỏa, dẫn hỏa quy nguyên.

Viêm bàng quang là bệnh thường gặp có thể điều trị khỏi hoàn toàn đến 90%. Viêm bàng quang cấp tính khi cần thiết có thể dùng kháng sinh điều trị kết hợp. Nếu điều trị không kịp thời, không đúng, bệnh có thể tiên triển thành mạn tính, khi đó cần phối hợp nhiều biện pháp điều trị.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *