Bài thuốc đông y trị thống kinh
Đau bụng kinh (thống kinh) biểu hiện triệu chứng thấy đau bụng có tính chu kỳ, hoặc đau lan ra sau lưng, có thể đau kịch liệt trước trong và sau khi thấy kinh. Nếu chỉ thấy triệu chứng đau nhẹ, cảm giác căng tức bụng dưới hoặc đau lưng âm ỉ ở trước hoặc trong những ngày đầu của chu kỳ kinh thì là hiện tượng sinh lý binh thường.
Nguyên nhân và phân loại:
Đau bụng kinh nguyên phát: đau bụng kinh không liên quan đến bệnh lý của cơ quan sinh dục. Phát sinh đau bụng kinh liên quan đến hàm lượng PGF2a tăng cao, làm cho cơ trơn tử cung, co thắt mạch máu dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu oxy gây nên.
Đau bụng kinh thứ phát: đau bụng kinh liên quan đến bệnh lý của cơ quan tổ chức vung tiểu khung như lạc nội mạc tử cung, viêm nùng hố chậu nhỏ, hẹp eo cổ tử cung, loạn sản tử cung, tác dụng phụ sau đặt dụng cụ tránh thai, căng thẳng tâm lý, hoạt động quá sức …
Đau bụng kinh thường gặp ở lứa tuổi thanh niên. Phạm vi bài này chỉ đề cập đến đau bụng kinh nguyên phát.
Chẩn đoán:
Lâm sàng: trong kỳ kinh hoặc trước sau kỳ kinh thấy đau bụng dưới có tính chất chu kỳ, đau dữ dội và khó chịu làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.
Thăm khám: không thấy biến đổi bệnh lý cơ quan sinh dục nữ.
Chẩn đoán phân biệt:
Đau bụng kinh thứ phát: triệu chứng tương đối giống nhau, thường gặp sau khi kết hôn hoặc sau sinh đẻ, đau bụng kinh dần dần tăng mạnh. Phân biệt là: có hay không có thay đổi bệnh lý của tổ chức cơ quan sinh dục. Thông qua kiểm tra phần phụ, siêu âm, nội soi xem có thấy tình trạng viêm vùng tiểu khung, lạc nội mạc tử cung … gây nên đau bụng kinh.
Thai ngoài tử cung, động thai, sẩy thai sớm, sẩy thai muộn: tình trạng đau bụng kinh xảy ra khi thấy tắt kinh một thời gian, cần phân biệt với kinh nguyệt sau kỳ có đau bụng kinh. Khi có thai thì xét nghiệm HCG có phản ứng (+) hoặc thấy bài tiết các sản phẩm liên quan đến thai, còn đau bụng trong kinh nguyệt sau kỳ thì các xét nghiệm đó không có ý nghĩa.
Vỡ hoàng thể: thường xuất hiện trước khi thấy kinh, kèm theo thấy ra máu âm đạo, dễ lẫn với đau bụng kinh. Kiểm tra phụ khoa, chọc hút cùng đồ sau hoặc mở nội soi ổ bụng có thể giúp cho chẩn đoán.
Viêm ruột thừa: đau bụng có tính chất di chuyển từ trên bên phải xuống dưới, kèm theo sốt, xét nghiệm huyết học thấy BC tăng cao. Đau bụng kinh không thấy các dấu hiệu trên.
Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: nguyên nhân gây đau bụng kinh có thể do tiên thiên bẩm tố bất túc, tình chí bị tổn thương, sinh hoạt hàng ngày không kiêng cữ hoặc lục dâm xâm nhập…; đồng thời quan hệ mật thiết đến trước sau chu kỳ kinh có sự thay đổi khí huyết của xung nhâm, tử cung. Trước kỳ kinh thì khí huyết đưa xuống xung nhâm, tử cung tàng mà không tiết, lúc này khí huyết xung nhâm xung thịnh, tử cung chứa đầy. Nếu khí trệ huyết ứ hoặc hàn tà xâm nhập làm khí huyết ủng trệ ở xung nhâm và tử cung, khí huyết không thông thì sẽ gây đau bụng kinh (bất thông tắc thông). Khi huyết hải tràn đầy, tử cung sẽ tả mà không tàng, kinh huyết sẽ bài xuất, lúc này khí huyết ở tử cung và xung nhâm sơ thông, thông tắc bất thống nên đau bụng kinh giảm và hết. Nếu tà khí không được khứ trừ, lại đưa xuống uẩn tụ ở xung nhâm và tử cung để đến chu kỳ kinh sau tiếp tục phát tác gây bệnh, hình thành nên đau bụng dưới có tính chất chu kỳ khi đến kỳ kinh. Nếu do tiên thiên thận khí bất túc, hậu thiên can thận hư tổn hoặc khí huyết hư nhược thì mỗi lần có kinh, khí huyết tổn thương nặng càng làm cho khí huyết can thận tổn thương nặng thêm, rối loạn nhu dưỡng tử cung và xung nhâm nên sau khi hành kinh lại gây đau bụng. Nếu như khí huyết, can thận hư tổn không hồi phục thì đến chu kỳ kinh sau đau bụng kinh lại tái phát.
Khí trệ huyết ứ: vốn dĩ tình chí ức uất hoặc trước và sau chu kỳ kinh lại bị tổn thương do tình chí làm can khí uất kết, lại nhân lúc trước kỳ kinh, trong kỳ kinh xung nhâm, tử cung khí thực huyết thịnh, khí cơ trở trệ, bất thông tắc thống nên gây đau bụng kinh.
Hàn ngưng bào trung: nguyên nhân gây nên hàn ngưng bào trung thường thấy trong khi hành kinh mà dầm mưa, lội nước, bơi lội hoặc sinh sống ở nơi ẩm thấp làm hàn thấp nội sinh; hoặc ăn nhiều đồ sống lạnh làm hàn thấp nội sinh; hoặc người vốn dĩ dương hư, âm hàn nội thịnh. Hàn thấp trú ở xung nhâm, lại gặp lúc trước và trong kỳ kinh, khí huyết ủng thịnh ở xung nhâm và tử cung nên hàn tà với huyết tương kết, ngưng trệ không thông gây nên thống kinh.
Khí huyết hư nhược: vốn dĩ tỳ vị hư nhược làm mất nguồn sinh khí huyết, hoặc bị bệnh nặng, bệnh lâu ngày, mất máu nhiều làm khí huyết đều hư nên xung nhâm khí hư huyết thiếu, sau kỳ kinh, huyết theo kinh bài xuất nên huyết hải hao hư, tử cung và xung nhâm không được nhu dưỡng gây nên đau bụng kinh.
Can thận hư tổn: tiên thiên tàng trữ bất túc, sinh hoạt tình dục quá độ, sinh đẻ nhiều đều làm tổn thương đến can thận. Tinh hao huyết thiếu, sau khi hành kinh càng làm tinh huyết hao hư, xung nhâm bất túc, tử cung không được nhu dưỡng gây nên đau bụng kinh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Biện chứng về đau bụng kinh chủ yếu dựa vào thời gian đau, vị trí đau, tính chất đau, kết hợp với chu kỳ kinh, số lượng và màu sắc của kinh; biểu hiện của mạch, lưỡi, thể trạng bệnh nhân … để phân biệt được hàn hay nhiệt, hư hay thực. Bệnh thuộc thực chứng thấy đau trước và trong khi hành kinh; bệnh thuộc hư thường đau sau khi sạch kinh; bệnh thuộc huyết ứ thấy đau nhiều hơn căng tức, sắc kinh tím thẫm, có huyết cục; bệnh thuộc hàn thấy đau nhói, gặp lạnh đau tăng, chườm ấm dễ chịu; bệnh thuộc nhiệt thấy đau buốt, gặp nóng đau tăng; bệnh liên quan đến can thấy đau bụng dưới, kèm theo đau tức hai vú; bệnh liên quan đến thận thấy đau lưng lan xuống cùng cụt, đau đầu, chóng mặt, ù tai.
Khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: đau căng tức bụng dưới trước kỳ kinh hoặc sau khi thấy kinh 1 – 2 ngày, đau không thích xoa nắn, nếu nặng thấy đau dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn, đau tức hai bên mạng sườn; hoặc thấy kinh ra số lượng ít, kinh ra không thông thoát, sắc kinh tím thẫm, có huyết cục, khi ra được huyết cục thì đau giảm, khi sạch kinh thì hết đau; chất lưỡi tím, có ban điểm huyết ứ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền hoặc huyền hoạt.
Phân tích: chức năng của can là tàng huyết, chủ quản huyết hải, chủ sơ tiết; nếu can khí điều đạt thì huyết hải lưu thông. Khi uất ức về tình chí, can mất điều đạt càng làm cho khí thực huyết thịnh trước khi hành kinh, khí huyết xung nhâm không lưu lợi, ứ trệ ở bào mạch nên cản trở bài xuất kinh huyết cho nên thấy đau tức bụng dưới trước khi hành kinh hay trong khi hành kinh, đau không thích xoa nắn; hoặc thấy số lượng kinh ít, hoặc kinh ra nhưng không thông thoát. Kinh huyết bị ứ trệ nên thấy sắc kinh tím thẫm, có huyết cục. Khi huyết cục đã bài xuất thì ứ trệ giảm hơn, khí huyết lưu thông tốt hơn nên thấy đau giảm. Ứ trệ theo kinh huyết bài xuất ra ngoài nên sau hành kinh thì hết đau bụng. Nếu ứ trệ không được tiêu trừ thì đến chu kỳ kinh sau đau bụng lại tái phát. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng ứ trệ.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, hành khí chỉ thống.
Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác)
Ngũ linh chi 06g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Đào nhân 10g, Đan bì 12g, Xích thược 12g, Diên hồ sách 10g, Hồng hoa 10g, Cam thảo 10g, Hương phụ 12g, Chỉ xác 10g, Ô dược 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì hồng hoa, đào nhân có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, thông lợi huyết mạch nên là quân dược. Diên hồ sách, ngũ linh chi có tác dụng hóa ứ chỉ thống nên là thần dược. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết hòa huyết; xuyên khung, xích thược, đan bì có tác dụng hoạt huyết hành ứ để giúp quân dược nên các vị này đều là tá dược. Ô dược, chỉ xác, hương phụ có tác dụng hành khí tán kết, sơ đạt khí cơ; cam thảo điều hòa các vị thuốc nên các vị này đều là sứ dược.
Nếu thấy đắng miệng, rêu lưỡi vàng, kinh nguyệt kéo dài, sắc kinh tím thẫm, chất kinh đặc và dính là do can uất hóa nhiệt thì nên dùng pháp thanh can nhiệt. Khi điều trị thì dùng bài thuốc trên gia hạ khô thảo, chi tử, ích mẫu thảo.
Nếu can uất thừa tỳ, gây tức ngực, ăn kém thì dùng pháp kiện tỳ hành khí. Khi điều trị thì dùng bài thuốc trên gia kê nội kim, bạch linh, trần bì.
Nếu thấy đau bụng dữ dội, kèm theo buồn nôn và nôn là do can khí và xung khí phạm vị, nên dùng pháp hòa vị giáng nghịch. Khi điều trị thì dùng bài thuốc trên gia ngô thù du, sinh khương.
Hàn ngưng bào trung
Dương hư nội hàn
Lâm sàng: đau lạnh bụng dưới trong kỳ hoặc sau kỳ kinh, xoa nắn thấy dễ chịu hơn, chườm ấm giảm đau, số lượng kinh ít, sắc kinh tìm nhợt hoặc thấy kinh lẫn mảng niêm mạc, đau lưng, mỏi gối, số lượng nước tiểu nhiều và trong; chất lưỡi nhợt bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch trầm.
Phân tích: thận là gốc của xung nhâm, hệ thống bào mạch ở thận liên lạc với bào trung. Thận dương hư nhược, hư hàn nội sinh nên xung nhâm, bào cung không được ôn ấm, huyết bị hàn ngưng nên khí huyết ở bào mạch vận hành không thông gây nên đau lạnh bụng dưới trong kỳ hay sau kỳ kinh, số lượng kinh ít, sắc kinh tím nhợt. Hàn được nhiệt hóa nên chườm ấm thấy dễ chịu. Nếu dương hư kết hợp với đàm trọc thì thấy đau bụng nhiều và kinh ra lẫn các mảng niêm mạc. Thận dương bất túc, không nuôi dưỡng được ngoại phủ nên thấy đau lưng, mỏi gối. Thận hư không khí hóa được bàng quang gây nước tiểu số lượng nhiều và màu trong. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng hư hàn.
Pháp điều trị: ôn kinh phù dương, ấm cung chỉ thống.
Bài thuốc: Ôn kinh thang (Kim quỹ yếu lược) gia vị
Ngô thù du 06g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 12g, Nhân sâm 06g, Quế chi 12g, Sinh khương 10g, Đan bì 12g, Bán hạ 10g, Cam thảo 10g, Phụ tử chế 06g, Ngải diệp 12g, Tiểu hồi hương 08g.
Các vị thuốc trên sắc uống khi thuốc vẫn còn ấm, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì ngô thù du, quế chi có tính ấm nóng, vị cay để tán hàn, chỉ thống; đương quy, xuyên khung, đan bì có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết điều kinh; bạch thược phối hợp với cam thảo có tác dụng bình can kiện tỳ, liễm âm chỉ hàn, hoãn cấp chỉ thống; nhân sâm, sinh khương, bán hạ có tác dụng kiện tỳ ích khí, ôn ấm trung tiêu, hóa đàm tán kết. Bài thuốc này vốn dĩ có tác dụng ôn kinh phù dương, tán hàn khứ ứ nên gia phụ tử chế, ngải diệp, tiểu hồi hương để tăng cường tác dụng ôn thận ấm cung, tán hàn chỉ thống.
Nếu dương hư làm thấp trọc nội sinh, kết hợp với huyết ứ uẩn kết đình trệ ở bào trung làm cho kinh ra có huyết cục, đau bụng nhiều thì khi điều trị sẽ dùng bài thuốc trên, thay quế chi bằng quế nhục, đồng thời gia tam lăng và nga truật để tăng cường bổ thận ôn dương, trục tán ứ kết.
Hàn thấp ngưng trệ
Lâm sàng: đau lạnh bụng dưới trước hoặc trong khi hành kinh, chườm ấm dễ chịu, xoa nắn thấy đau hơn, số lượng kinh ít, sắc kinh thẫm đen hoặc có huyết cục, sợ lạnh, đau nhức mình mẩy; chất lưỡi tím nhợt, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch trầm khẩn.
Phân tích: tà khí hàn thấp có tình trọc ngưng trệ. Trước khi hành kinh thì khí huyết xung nhâm ủng thịnh. Hàn thấp xâm nhập xung nhâm, tử cung kết hợp với kinh huyết làm cho kinh huyết vận hành không thông gây nên đau lạnh bụng trước khi hành kinh hoặc trong khi hành kinh. Huyết bị hàn ngưng nên thấy kinh sắc hồng thẫm, có huyết cục. Khi gặp ôn ấm thì ngưng trệ sẽ giảm nên thấy giảm đau. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của hàn thấp nội trệ, khí huyết ứ trệ.
Pháp điều trị: ôn kinh tán hàn, hóa ứ chỉ thống.
Bài thuốc: Thiếu phúc trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia vị
Tiểu hồi hương 05g, Can khương 05g, Diên hồ sách 10g, Một dược 06g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Quế nhục 06g, Xích thược 12g, Quế nhục 06g, Xích thược 12g, Bồ hoàng 10g, Ngũ linh chi 06g, Thương truật 12g, Bạch kinh 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhục quế, tiểu hồi hương, can khương có tính ấm nóng, vị cay tán, có tác dụng ôn kinh tán hàn nên đều là quân dược. Diên hồ sách, ngũ linh chi, bồ hoàng, một dược có tác dụng hóa ứ chỉ huyết, hoạt huyết chỉ thống nên là thần dược. Đương quy, xuyên khung, xích thược có tác dụng bổ huyết hoạt huyết điều kinh; thương truật có tác dụng táo thấp kiện tỳ hóa đàm, bạch linh có tác dụng lợi niệu thấm thấp nên các vị thuốc này đều là tá và sứ dược.
Nếu thấy đau bụng dữ dội, chân tay không ấm, ra mồ hôi lạnh là do hàn tà ngưng bế dương khí thì gia phụ tử chế, tế tân để ôn tráng dương khí, làm tăng cường vận hành huyết dịch.
Khí huyết hư nhược
Lâm sàng: đau âm ỉ bụng dưới sau khi thấy kinh 1 – 2 ngày hoặc trong thời gian hành kinh; hoặc thấy tức nặng bụng dưới và sinh dục ngoài, thích xoa nắn, số lượng kinh ít, sắc kinh nhợt, chất loãng, hoặc thấy mệt mỏi, sắc mặt không tươi nhuận, ăn kém, đại tiện phân lỏng nát; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược.
Phân tích: khí huyết bất túc nên xung nhâm hư nhược, sau khi thấy kinh thì huyết thuận theo kinh thoát nên huyết hải trống rỗng, huyết hư không nhu dưỡng, khí hư nên huyết hành bị trì trệ gây nên chứng đau âm ỉ bụng dưới sau khi có kinh 1 – 2 ngày, đau thích xoa nắn. Sau khi sạch kinh vài ngày, khí huyết xung nhâm dần hồi phục nên thấy hết đau bụng. Nếu cơ thể hư nhược chưa hồi phục, khi hành kinh làm mất huyết thương khí không sung thịnh, huyết hư làm tinh huyết hao hư nên thấy số lượng kinh ít, sắc kinh nhợt, chất loãng, sắc mặt không tươi nhuận. Khí huyết hư nhược, tỳ dương bất túc nên thấy mệt mỏi, ăn kém, đại tiện phân lỏng nát. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí huyết lưỡng hư.
Pháp điều trị: ích khí bổ huyết, hòa doanh chỉ thống.
Bài thuốc: Thánh dũ thang (Mạch nhân chứng trị) gia vị
Nhân sâm 05g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 15g, Xuyên khung 12g, Diên hồ sách 10g, Bạch thược 15g, Hương phụ 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí kiện tỳ nên là quân dược; xuyên khung, đương quy, bạch thược có tác dụng bổ huyết hoạt huyết điều kinh nên là thần dược; hương phụ, diên hồ sách có tác dụng hoạt huyết hành khí chỉ thống nên đều là tá và sứ dược.
Nếu huyết hư kèm theo chứng can uất gây đau tức hai bên mạng sườn và vú, kèm theo căng tức bụng dưới thì gia xuyên luyện tử, sài hồ, tiểu hồi hương, ô dược để tăng cường sơ can giải uất, lý khí hào trung, chỉ thống.
Nếu huyết hư nặng gây chóng mặt, hồi hộp, ngủ kém thì gia kê huyết đằng, đại táo, hà thủ ô, toan táo nhân, viễn chí để tăng cường bổ khí dưỡng huyết, an thần định chí.
Nếu bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến thận, hoặc bẩm tố thận hư gây đau lưng, mỏi gối thì gia đỗ trọng, thỏ ty tử, tục đoạn, tang ký sinh để tăng cường ôn bổ thận dương.
Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông: khi đã thấy kinh ra rồi mà vẫn đau bụng thì thường do khí huyết lưỡng hư gây nên, điều trị nên dùng bài Bát trân thang. Nếu triệu chứng biểu hiện thiên về khí trệ thì dùng bài Tứ vật thang gia mộc hương.
Can thận hư tổn
Lâm sàng: sau khi sạch kinh 1 – 2 ngày thấy đau âm ỉ bụng dưới, đau lưng, mỏi gối, sắc kinh màu tím nhợt, số lượng kinh ít, chất loãng, hoặc thấy nóng từng cơn, ù tai; chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch tế nhược.
Phân tích: can thận bất túc hoặc hao tổn làm xung nhâm đều hư, tinh huyết vốn đã bất túc nên sau khi hành kinh, huyết hải trống rỗng làm nuôi dưỡng bào mạch càng kém gây đau âm ỉ bụng dưới sau kỳ kinh, sắc kinh tìm nhợt, số lượng kinh ít, chất loãng. Thận hư nên đau lưng, mỏi gối, ù tai. Âm hư sinh nội nhiệt nên thấy nóng từng cơn. Rêu lưỡi vàng mỏng, mạch tế nhược là biểu hiện của chứng tinh huyết hao hư.
Pháp điều trị: ích thận dưỡng can, hoãn cấp chỉ thống.
Bài thuốc: Điều can thang (Phó thanh chủ nữ khoa)
Sơn thù 10g, Ba kích 12g, Bạch thược 15g, Đương quy 12g, A giao 12g, Hoài sơn 12g, Cam thảo 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sơn thù, ba kích có tác dụng dưỡng can thận, ích xung nhâm nên là quân dược; đương quy, bạch thược có tác dụng dưỡng huyết nhu can, phối hợp với cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống nên các vị thuốc này đều là thần dược; a giao có tác dụng tư bổ âm huyết, hoài sơn có tác dụng kiện tỳ ích khí bổ thận nên đều là tá và sứ dược.
Nếu thấy đau bụng lan ra sau lưng thì gia tục đoạn, đỗ trọng, cẩu tích.
Nếu đau hai bên mạng sườn, hai bên tiểu khung là do can uất gây nên thì nên dùng pháp sơ can lý khí. Khi điều trị thì dùng bài thuốc trên gia xuyên luyện tử, diên hồ sách, uất kim, tiểu hồi hương.
Nếu thấy chứng tử cung nhi hóa thì cần phải phân tích thật cẩn thận để phối hợp lý, có thể gia các vị có nguồn gốc thuộc tinh chất của huyết nhục như tử hà sa, lộc nhung, cáp giới … để tăng cường bổ thận, trấn tinh, dưỡng huyết.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Phương pháp kích thích lỗ tai: nghiền mịn băng phiến, dùng lượng thích hợp hòa tan trong cồn 75°. Khi thấy xuất hiện đau bụng kinh thì đổ dung dịch trên vào lỗ tai ngoài, lấy bông y tế nút lỗ tai ngoài lại để không cho dung dịch trên chảy ra. Khi thấy giảm đau bụng kinh thì lấy bông nút tai ra. Đây là một trong những phương pháp điều trị đau bụng kinh, thông qua dịch thuốc kích thích vào lỗ tai, tạo nên phản xạ tới bào cung nên giảm được đau.
Châm:
Thực chứng: châm tả huyệt trung cực, thứ lieu, địa cơ hoặc hoặc túc tam lý, tam âm giao; lưu kim 20 phút, ngày châm 1 – 2 lần.
Hư chứng: châm bổ quan nguyên, trung cực hoặc túc tam lý 2 bên, tam âm giao 2 bên; lưu kim 20 phút, ngày châm 1 – 2 lần.
Nhĩ châm: điểm tử cung, nội tiết, giao cảm, thận; mỗi lần sử dụng 2 – 3 huyệt, kích thích mạnh.
KẾT LUẬN
Đặc điểm chủ yếu của đau bụng kinh là xuất hiện đau khi thấy kinh, thường gặp trước hay trong khi có kinh 1 – 2 ngày. Đau bụng kinh có liên quan mật thiết đến những thay đổi sinh lý của chu kỳ kinh. Dưới sự tác động của nguyên nhân bệnh làm xung nhâm, khí huyết vận hành không thông; hoặc do khí huyết bất túc, không nuôi dưỡng được gây nên đau. Bệnh liên quan đến xung nhâm, tử cung, thay đổi diễn biến của bệnh là do khí huyết.
Chẩn đoán đau bụng kinh chủ yếu căn cứ vào thời gian, vị trí, tính chất của đau, tình trạng kinh nguyệt, biến đổi lưỡi và mạch.
Nguyên tắc điều trị căn bản là điều lý xung nhâm khí huyết, còn cần lưu ý đến tiêu bản, hoãn cấp để áp dụng cấp trị tiêu, hoãn trị bản. Cần tư vấn cho bệnh nhân lưu ý vấn đề điều nhiếp tinh thần, thích nghi với nóng lạnh, không nên lao động quá sức …
Bài thuốc đông y trị thống kinh mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com