Bài thuốc đông y trị suy thận mạn tính
Suy thận mạn tính (hay còn gọi là suy chức năng thận mạn tính) do nhiều nguyên nhân gây ra như bệnh thận nguyên phát và thứ phát; giai đoạn cuối làm tổn thương đơn vị chức năng thận làm ảnh hưởng đến chức năng bài tiết, sự ổn định nội môi và chức năng nội tiết gây ra hội chứng rối loạn trên lâm sàng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, thiếu máu, thiểu niệu, phù thũng, rối loạn điện giải.
Nguyên nhân suy thận mạn tính bao gồm:
Bệnh thận nguyên phát: viêm cầu thận mạn tính (là nguyên nhân hay gặp nhất), viêm khe thận, những bệnh thận mạn tính khác.
Bệnh thận thứ phát: bao gồm những bệnh toàn thân, nhiễm độc gây tổn thương thận thứ phát như bệnh tiểu đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh gút, bệnh tăng huyết áp và nhiều loại thuốc gây tổn thương thận. Trong đó, suy thận do bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ cao nhất.
Cơ chế gây bệnh có liên quan đến các yếu tố sau: thay đổi huyết động học ở tiểu cầu thận, thay đổi tính thẩm thấu ở màng lọc cầu thận, tổn thương ở khe thận, rối loạn chuyển hóa lipid và xơ hóa tiểu cầu thận; thay đổi các hormon như GH, corticoid, TGF – β, renin, hormon tuyến cận giáp trạng đều có tác dụng điều tiết chức năng thận; ảnh hưởng của lượng protein đưa vào, chế độ ăn giảm protein làm chậm quá trình suy thận.
Những năm gần đây, sử dụng thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và thuốc ức chế thụ cảm thể angiotensin II (AngII RA) không những khống chế được huyết áp mà còn có tác dụng bảo vệ cơ quan đích, trong đó có thận; yếu tố erythropoietin không những cải thiện thiếu máu do thận mà còn làm chậm tiến triển của suy thận.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Bệnh sử: có tiền sử bệnh thận mạn tính như viêm cầu thận mạn tính, bệnh tiểu đường…
Triệu chứng chủ yếu: không mang tính đặc thù như ăn uống kém, đau lưng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, có thể thiểu niệu, vô niệu, có xu hướng xuất huyết.
Triệu chứng toàn thân: tăng huyết áp, phù, tràn dịch các màng (cổ trướng, tràn dịch màng phổi và màng tim…), thiếu máu.
Biến chứng có thể gặp: viêm cơ tim, suy tim, xuất huyết đường tiêu hóa.
Cận lâm sàng
Chức năng thận: urê (BUN) và creatinine (Scr) máu tăng cao, Scr > 133 µmol/l, mức lọc cầu thận < 80 ml/phút.
Xét nghiệm nước tiểu thường quy: có thể xuất hiện protein niệu, creatinin niệu, hồng cầu niệu, trụ hình niệu, giảm tỷ trọng nước tiểu.
Xét nghiệm máu thường quy: biểu hiện thiếu máu ở các mức độ khác nhau.
Xét nghiệm điện giải: tăng K+, giảm Ca++.
Siêu âm: hay gặp hai thận teo nhỏ.
Chẩn đoán xác định
Độ thanh thải creatinine (Cre < 80 ml/phút).
Creatinine huyết thanh (Scr > 133 µmol/l).
Có bệnh thận mạn tính hoặc bệnh hệ thống gây viêm thận.
Chẩn đoán giai đoạn suy thận
Chẩn đoán giai đoạn suy thận dựa vào mức lọc cầu thận là lượng cầu tiểu đầu trong một phút (glomerular filtration rate GFR). Trên lâm sàng, mức lọc cầu thận (MLCT) được đo bằng độ thải sạch creatinin nội sinh. Theo Nguyễn Văn Xang thì phần giai đoạn suy thận theo bảng sau:
Mức độ suy thận | MLCT (ml/phút) | Creatinin máu (mg/dl) | Creatinin máu (µmol/l) | Chỉ định điều trị |
Bình thường | 120 | 0,8 – 1,2 | 70 – 110 | Bảo tồn |
Suy thận độ I | 60 – 41 | < 1,5 | < 130 | Bảo tồn |
Suy thận độ II | 40 – 21 | 1,5 – 3,4 | 130 – 299 | Bảo tồn |
Suy thận độ IIa | 20 – 11 | 3,5 – 5,9 | 300 – 499 | Bảo tồn |
Suy thận độ IIIb | 10 – 5 | 6,0 – 10 | 500 – 900 | Lọc máu |
Suy thận độ IV | < 5 | > 10 | > 900 | Lọc máu bắt buộc hoặc ghép thận |
Chẩn đoán phân biệt
Suy thận cấp.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh suy thận mạn tính thuộc phạm trù của chứng long bế, quan cách, thận phong, thận lao…
Nguyên nhân bệnh sinh
Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh rất phức tạp nhưng chủ yếu do thận nguyên hư suy, thấp trọc nội uẩn gây nên. Các yếu tố như cảm thụ ngoại tà, ăn uống không điều độ, mệt mỏi quá độ, dùng thuốc gây tổn thương thận sẽ làm cho bệnh tiến triển và nặng lên. Do bệnh thận mạn tính, thận nguyên hư suy, tỳ mất kiện vận, khí hóa rối loạn, rối loạn khai hạp, thăng giáng, rối loạn cố tàng và bài tiết, hình thành chứng bản hư tiêu thực. Thủy dịch đình trệ dẫn đến phù thũng, cổ trướng. Thận không cố nhiếp làm chát tinh vi hạ tiết gây đái máu, đái ra protein. Thấp uẩn thành trọc, rối loạn thăng thanh giáng trọc gây thiểu niệu, buồn nôn, nôn.
Cảm thụ ngoại tà: ngoại tà xâm nhập, đặc biệt là phong hàn và phong nhiệt làm cho bệnh tiến triển và nặng lên. Khi cảm phải ngoại tà, phế vệ bất hòa, phế mất tuyên phát, rối loạn chức năng thông điều thủy đạo nên thủy thấp và thấp trọc uẩn kết, tổn thương tỳ thận làm cho chính khí hư và tà khí càng thực.
Ăn uống không điều độ làm tổn thương tỳ vị, rối loạn vận hóa, thấp tụ thành trọc, thủy thấp ủng thịnh, thấp uẩn hóa nhiệt thành thấp nhiệt.
Mệt mỏi quá độ: lao động mệt nhọc, tình dục thái quá làm thận tinh hư suy, tỳ thận khí hư, thủy dịch nội đình gây nên chứng thận lao, quan cách. Thận tinh hư suy, can âm bất túc, can dương thượng xug dẫn đến can phong nội động.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Bệnh suy thận mạn tính thuộc bản hư và tiêu thực. Bản hư là do thận nguyên hư suy. Tiêu thực là do thấp nhiệt, huyết ứ, thấp trọc và thủy khí gây nên.
Nguyên tắc điều trị
Căn cứ vào nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh suy thận mạn tính là do bản hư tiêu thực nên nguyên tắc điều trị là công bổ kiêm trị, phù chính trừ tà.
Trong đó, nguyên tắc phù chính là bổ ích thận khí, trấn tinh sinh tủy, điều lý tỳ vị, dưỡng huyết hòa doanh cố bản; nguyên tắc trừ tà là trừ thấp hóa đàm, tiêt trọc, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ thông lạc, thông phủ tiết nhiệt, lợi thấp.
Đồng thời, trong quá trình điều trị phải chú ý đến chế độ ăn uống, lao động, sinh hoạt hợp lý, tinh thần lạc quan thoải mái, tránh ngoại cảm phong, hàn, thử, thấp…
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.TỲ THẬN KHÍ HƯ
Lâm sàng: mệt mỏi như không có sức, đau lưng, mỏi gối, ăn uống kém, đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng nát; chất lưỡi nhợt, có ăn răng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
Pháp điều trị: bổ khí kiện tỳ, ích thận.
Bài thuốc: Lục quân tử thang gia giảm.
Đảng sâm 15g, Trần bì 12g, Lục nguyệt tuyết 15g, Hoàng kỳ 15g, Ý dĩ 20g, Khiếm thực 10g, Bạch truật 15g, Tục đoạn 20g, Cam thảo 06g, Phục linh 15g, Thỏ ty tử 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí kiện tỳ, bồi bổ hậu thiên. Bạch truật, phục linh, ý dĩ, trần bì có tác dụng kiện tỳ lợi thấp. Tục đoạn, thỏ ty tử, khiếm thực có tác dụng bổ ích thận khí, cố bản. Lục nguyệt tuyết (mãn thiên tinh, toái diệp đông thanh) có tác dụng trừ thấp, tiết trọc. Cam thảo điều hòa các vị thuốc.
Tác dụng của bài thuốc là kiện tỳ bổ thận, ích khí hóa thấp.
Nếu tỳ hư thấp đình trệ thì gia thương truật 12g, hoắc hương 10g, bội lan 12g, hậu phác 12g để hóa thấp kiện tỳ.
Nếu tỳ hư gây đại tiện phân nát thì gia biển đậu sao 20g để kiện tỳ, nếu đại tiện táo bón thì gia đại hoàng 08g để thông phủ tiết nhiệt.
Nếu phù thũng rõ thì gia xa tiền tử 15g, trạch tả 20g để lợi thủy tiêu thũng.
2.TỲ THẬN DƯƠNG HƯ
Lâm sàng: mệt mỏi vô lực, hụt hơi, ngại nói, chân tay lạnh, đau lưng, mỏi gối, ăn uống kém, đầy bụng chậm tiêu, lạnh bụng, đại tiện phân nát, tiểu đêm nhiều lần; chất lưỡi nhợt, bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm nhược.
Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận.
Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn.
Phụ tử 06g, Hoài sơn 15g, Xa tiền tử 30g, Nhục quế 06g, Trạch tả 15g, Ngưu tất 15g, Thục địa 15g, Đan bì 15g, Phục linh 15g, Sơn thù 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài thuốc Thận khí hoàn gia thêm ngưu tất và xa tiền tử. Trong bài Thận khí hoàn có ba vị bổ là thục địa, hoài sơn, sơn thù có tác dụng tư dưỡng can thận âm; ba vị tả là phục linh, đan bì, trạch tả, có tác dụng hóa thấp hòa lạc; phụ tử, nhục quế ôn bổ thận dương. Ngưu tất, xa tiền tử lợi niệu tiêu thũng.
Tác dụng của bài thuốc là tư thận ôn dương, hóa thấp lợi niệu.
Nếu dương khí kém, tỳ vị hư hàn gây lạnh bụn, đại tiện phân nát thì gia can khương 12g, phá cố chỉ 12g để ôn dương trừ hàn.
Nếu phù toàn thân thì gia trư linh 20g, trạch tả 20g để lợi niệu tiêu thũng.
3.TỲ THẬN KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: mệt mỏi vô lực, đau lưng, mỏi gối, miệng khô, khát nước, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đại tiện táo bón, tiểu đêm nhiều lần, chất lưỡi nhợt có ấn răng, rêu lưỡi ít, mạch trầm tế.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, kiện tỳ bổ thận.
Bài thuốc: Sâm kỳ địa hoàng thang gia giảm.
Thái tử sâm 30g, Sơn thù 12g, Hà thủ ô 20g, Sinh hoàng kỳ 15g, Hoài sơn 20g, Phục linh 15g, Sinh địa 15g, Đan bì 15g, Trạch tả 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Lục địa hoàng thang gia thêm thái tử sâm, hà thủ ô, hoàng kỳ. Trong đó, sinh hoàng kỳ, thái tử sâm có tác dụng bổ khí kiện tỳ, sinh tân nhuận táo. Sinh địa, sơn thù, hoài sơn có tác dụng dưỡng can, tỳ, thận âm. Phục linh, trạch tả, đan bì có tác dụng kiện tỳ hóa thấp, lợi niệu tiêu thũng.
Nếu tâm khí, tâm âm bất túc gây hồi hộp, trống ngực, hụt hơi thì gia mạch môn 12g, ngũ vị tử 06g, đan sâm 15g, chích cam thảo 12g để ích khí dưỡng tâm.
Nếu đại tiện táo thì gia ma nhân 20g, đại hoàng 08g để thông phủ tiết trọc.
4.CAN THẬN ÂM HƯ
Lâm sàng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau lưng, mỏi gối, miệng khô, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đại tiện táo bón, tiểu tiện nước tiểu vàng và ít, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch trầm tế hoặc huyền tế.
Pháp điều trị: tư thận bình can.
Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm.
Thục địa 15g, Trạch tả 15g, Tật lê 15g, Sơn thù 12g, Đan bì 12g, Ngưu tất 15g, Hoài sơn 15g, Kỷ tử 15g, Cúc hoa 12g, Phục linh 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng tư thận trấn tinh, sơn thù có tác dụng dưỡng can sáp tinh, hoài sơn có tác dụng bổ ích tỳ âm và cố tinh. Ba vị thuốc này có tác dụng bổ tam âm. Phục linh có tác dụng kiện tỳ lợi thấp, bổ hậu thiên trợ tiên thiên; trạch tả có tác dụng thanh tiết thận hỏa, lợi niệu hóa thấp; đan bì có tác dụng thanh tiết can hỏa, hoạt huyết hòa lạc. Ba vị thuốc này có tác dụng tả, trừ tà. Kỷ tử, cúc hoa có tác dụng tư bổ can thận, bình can minh mục. Tật lê có tác dụng tư dưỡng thận âm. Ngưu tất có tác dụng bổ thận, hòa lạc, dẫn thuốc đi xuống.
Nếu đau đầu, chóng mặt, ù tai, huyết áp tăng cao thì gia câu đằng 20g, hạ khô thảo 15g, thạch quyết minh 15g để thanh tả can hỏa.
5.ÂM DƯƠNG LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: sợ lạnh, chân tay lạnh, lòng bàn tay và bàn chân nóng, khô miệng, đau lưng mỏi gối, tiểu đêm nhiều lần, đại tiện táo bón, chất lưỡi bệu nhợt có ấn răng, rêu lưỡi ít, mạch trầm tế.
Pháp điều trị: ôn phù nguyên dưỡng, bổ ích trấn âm.
Bài thuốc: Toàn lộc thang gia giảm.
Lộc giác phiến 12g, Nhân sâm 10g, Thục địa 15g, Ba kích 15g, Bạch truật 15g, Đương quy 12g, Thỏ ty tử 15g, Phục linh 15g, Ngưu tất 15g, Nhục thung dung 15g, Hoàng kỳ 20g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lầ sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì lộc giác, ba kích, thỏ ty tử, nhục dung có tác dụng ôn bổ nguyên dưỡng. Nhân sâm, bạch truật, hoàng kỳ, phục linh có tác dụng bổ khí kiện tỳ, hóa thấp, cố nhiếp hậu thiên, hóa sinh khí huyết, bổ thận ích tinh. Thục địa, đương quy có tác dụng bổ thận trấn tinh, dưỡng huyết tư âm. Ngưu tất có tác dụng bổ thận cường gân cốt, hoạt huyết thông lạc.
Nếu buồn nôn, nôn, chán ăn, bụng đầy trướng thì gia hoài sơn sao 15g, phục linh 15g, ý dĩ 15g, bán hạ chế 12g, mạch nha 12g, cốc nha 12g, thần khúc 12g để kiện tỳ hóa đàm tiêu đạo.
6.THẤP TRỌC
Lâm sàng: buồn nôn và nôn, mệt mỏi, chân tay nặng nề, ăn kém, đầy bụng, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dày nhớt, mạch trầm hoạt hoặc trầm sáp.
Pháp điều trị: hòa trung giáng nghịch, hóa thấp tiết trọc.
Bài thuốc: Tiểu bán hạ gia phục linh thang gia giảm.
Bán hạ 12g, Trần bì 12g, Cam thảo 06g, Phục linh 15g, Tô diệp 10g, Bạch truật 20g, Sinh khương 08g, Trúc nhự 12g, Đại hoàng 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì bạch truật, sinh khương, bán hạ có tác dụng kiện tỳ táo thấp, hòa trung. Phục linh có tác dụng kiện tỳ hóa thấp để giáng nghịch chỉ nôn. Trần bì, trúc nhự, tô diệp có tác dụng lý khí hóa trung, giáng nghịch chỉ nôn. Đại hoàng có tác dụng thông phủ tiết nhiệt, hóa trọc. Cam thảo có tác dụng hòa trung.
Nếu thấp nặng gây mệt mỏi, toàn thân nặng nề, trướng bụng, nôn nhiều thì gia thương truật 12g, ý dĩ 15g, hậu phác 12g để kiện tỳ táo thấp, hành khí hóa thấp.
Nếu tiểu tiện ít thì gia trạch tả 15g, xa tiền tử 15g để lợi thủy tiết trọc.
7.THẤP NHIỆT
Lâm sàng: khô miệng, đắng miệng, buồn nôn, mệt mỏi, toàn thân nặng nề, ăn uống kém, đầy bụng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch tế sác.
Pháp điều trị: nếu trung tiêu thấp nhiệt thì dùng pháp thanh hóa hòa trung.
Nếu thấp nhiệt hạ tiêu thì dùng pháp thanh lợi thấp nhiệt.
Bài thuốc:
Trung tiêu thấp nhiệt: Hoắc hương tả kim thang.
Hoắc hương 12g, Hoàng liên 08g, Thương truật 12g, Ngô thù du 06g, Tô diệp 12g, Bán hạ 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì hai vị thuốc hoàng liên và ngô thù du (là bài thuốc Tả kim hoàn) có tác dụng thanh vị tả hỏa. Hoắc hương, tô diệp có tác dụng lý khí hòa trung. Thương truật, bán hạ có tác dụng kiện tỳ táo thấp.
Hạ tiêu thấp nhiệt: Nhị diệu hoàn gia giảm.
Hoàng bá 12g, Ý dĩ 20g, Bồ công anh 20g, Tri mẫu 12g, Trạch tả 15g, Kim ngân hoa 15g, Thương truật 12g, Xa tiền tử 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì thương truật, hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Tri mẫu, kim ngân hoa, bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa giải độc. Trạch tả, xa tiền tử, ý dĩ có tác dụng lợi niệu trừ thấp.
Khi dùng hai bài thuốc trên, nếu đại tiện táo bón thì gia đại hoàng 06 – 10g để thông phủ tiết nhiệt, dùng liều sao cho duy trì đại tiện phân nát ngày 02 – 03 lần, không nên công hạ thái quá.
8.THỦY KHÍ
Lâm sàng: phù toàn thân, cổ trướng, có thể tràn dịch da màng, chất lưỡi nhợt bệu, ấn răng, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch trầm tế.
Pháp điều trị: lợi niệu tiêu thũng.
Bài thuốc: Ngũ linh tán gia giảm.
Phục linh bì 30g, Trư linh 15g, Xa tiền tử 30g, Bạch truật 15g, Trạch tả 15g, Trần bì 12g, Ý dĩ 20g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì phục linh có tác dụng kiện tỳ, lợi thủy thấm thấp. Bạch truật, ý dĩ có tác dụng kiện tỳ ích khí, lợi thủy thấp, bồi bổ hậu thiên. Trư linh, trạch tả, xa tiền tử có tác dụng lợi niệu tiêu thũng. Trần bì có tác dụng lý khí để trừ thấp.
Nếu kèm theo huyết ứ thì gia ích mẫu thảo 15g, trạch lan 15g để hoạt huyết hóa ứ, lợi thủy.
9.HUYẾT Ứ
Lâm sàng; sắc mặt ám tối, đau lưng, da khô bong vẩy, tê bì chân tay, chất lưỡi ám tím, có ban điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc tế sáp.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang gia giảm.
Đào nhân 12g, Xuyên khung 10g, Thục địa 12g, Hồng hoa 12g, Xích thược 15g, Tam thất bột 05g, Đương quy 15g, Đan sâm 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài thuốc Tứ vật thang (xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược) gia thêm đào nhân, hồng hoa. Trong đó, đương quy, xuyên khung, xích thược, thục địa có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết, khứ ứ mà không thương âm. Đào nhân, hồng hoa có tác dụng phá huyết hóa ứ. Đan sâm có tác dụng dưỡng huyết hóa ứ, hòa lạc. Tam thất có tác dụng hoạt huyết chỉ huyết.
Nếu khí trệ huyết ứ thì gia hoàng kỳ 40g để ích khí hoạt huyết.
Nếu bệnh kéo dài thì dẫn đến ứ trệ thì gia các loại động vật như ngô công 10g, toàn yết 06g, manh trùng 06g, thủy diệt 08g để khu phong thông lạc, hoạt huyết.
10.PHONG ĐỘNG
Lâm sàng: triệu chứng chủ yếu là chuột rút ở chân và tay, run cơ, co giật, chất lưỡi hồng, lưỡi run, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền sáp.
Pháp điều trị: trấn can tức phong.
Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm gia giảm.
Thiên ma 15g, Mẫu lệ 30g, Hạ khô thảo 15g, Câu đằng 20g, Ngưu tất 20g, Tri mẫu 12g, Thạch quyết minh 30g, Đỗ trọng 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh có tác dụng bình can tiềm dương. Ngưu tất, đỗ trọng có tác dụng bổ can thận. Mẫu lệ có tác dụng trọng trấn an thần, tiềm dương. Hạ khô thảo, tri mẫu có tác dụng thanh can tả hỏa.
Nếu can âm hư thì gia kỷ tử 15g, sơn thù du 12g, hà thủ ô đỏ 15g, bạch thược 15g, miết giáp 15g để tư bổ can thận, dưỡng âm tức phong.
Các thể bệnh trên nếu có điều kiện đều có thể gia thêm đồng trùng hạ thảo mỗi ngày 03 – 05g tán bột hòa vào thuốc để uống.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Thuốc thành phẩm
Tham khảo thuốc thành phẩm của Trung Quốc.
Thận phục khang (thành phần chủ yếu gồm thổ phục linh, hòe hoa, bạch mao căn, ích mẫu thảo, hoặc hương) có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thích hợp với suy thận mạn tính để huyết ứ, mỗi lần uống 04 viên x 03 lần/ngày.
Viên nang Bách linh hoặc Kim thủy bảo (thành phần chính là đông trùng hạ thảo) có tác dụng bổ ích phế thận, thích hợp với suy thận mạn tính thận nguyên bất túc, mỗi lần uống 04 viên x 03 lần/ngày.
Dung dịch tiêm hoàng kỳ có tác dụng bổ khí cố bản, thích hợp với suy thận mạn tính thể khí hư, mỗi lần dùng 20 – 40ml pha với 250ml glucose 5%, truyền tĩnh mạch chậm/ngày x 14 ngày.
Dung dịch Mạch lạc ninh (thành phần chủ yếu gồm huyền sâm, ngưu tất, kim ngân hoa, đảng sâm, thạch hộc…) có tác dụng thanh lợi hóa thấp, hoạt huyết hòa lạc, thích hợp với suy thận mạn tính thể thấp ứ nội uẩn, mỗi lần dùng 20 – 30ml pha với 250ml glucose 5%, truyền tĩnh mạch chậm/ngày x 14 ngày.
Dung dịch tiêm xuyên khung có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thích hợp với siu thân mạn tính huyết ứ, mỗi lần dùng 120 – 160ml pha với 250ml glucose 5%, truyền tĩnh mạch chậm/ngày x 14 ngày.
Dung dịch tiêm đan sâm có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thích hợp với suy thận mạn tính thể huyết ứ, mỗi lần dùng 20 – 40ml pha với 250ml glucose 5%, truyền tĩnh mạch chậm/ngày x 14 ngày.
Đơn phương nghiệm phương
Thổ phục linh thang: thổ phục linh 60g, đậu xanh 30g, phòng kỷ 30g, cam thảo 10g, sắc uống ngày 01 thang. Bài thuốc này thích hợp với suy thận mạn tính thể thấp nhiệt độc thịnh.
Bảo nguyên cường thận thang: bột đại hoàng 05g, hồng sâm 06g, phụ tử chế 06g, tiên linh bì 15g, đan sâm 15g, xuyên khung 10g, sinh địa 15g, nhục quế 04g. Bài thuốc này sắc uống, ngày 01 thang; có tác dụng hạ urê và creatinie máu, điều chỉnh thiếu máu.
Ích thận giải độc thang: hoàng kỳ 40g, sinh địa 15g, sơn thù du 12g, hoài sơn 20g, phục linh 15g, hoàng bá 12g, đan sâm 15g, lục nguyệt tuyết 15g, sinh đại hoàng 06 – 10g. Bài thuốc này sắc uống, ngày 01 thang: có tác dụng ích khí dưỡng âm, thanh nhiệt hóa trọc, hoạt huyết hóa ứ.
Thực trị liệu
Cháo hoạt thạch: dùng sắc hoạt thạch 30g, cù mạch 10g và gạo tấm 60g nấu cháo ăn lúc đói.
Trà đông qua căn: đông qua căn 30g, xa tiền tử 15g, pha uống hàng ngày.
Châm cứu
Điều chỉnh chức năng toàn thân: chọn nhóm huyệt Trung quản, Khí hải, Khổng tối, Túc tam lý, Tam âm giao, Thận du, Tam tiêu du, Tâm du, Phong trì.
Kích thích bài tiết nước tiểu: chọn nhóm huyệt Quan nguyên, Trung cực, Thận du, Tam tiêu du.
Tăng lưu huyết đến thận: chọn nhóm huyệt Trung quản, Thận du, Tam tiêu du, Tâm du.
Điều chỉnh huyết áp: chọn nhóm huyệt Bách hội, Kiên tỉnh, Phong trì, Thái xung, Tam âm giao.
Tùy theo triệu chứng và diễn biến của bệnh mà lựa chọn huyệt theo nguyên tắc nếu hư thì châm bổ, thực thì châm tả, châm ngày 01 lần, lưu kim 20 phút, liệu trình 10 ngày.
Nhĩ châm: nếu buồn nôn và nôn thì châm điểm vị, can, não, thần môn. Nếu phù thũng thì châm điểm can, tỳ, thận, não, bàng quang. Nếu tiểu ít, khó đi tiểu châm diểm bàng quang, niệu đạo, tam tiêu. Mỗi ngày châm 01 lần, liệu trình 10 ngày.
Cứu: chọn nhóm huyệt Khí hải, Thiên du, Tỳ du, Túc tam lý. Nếu nôn nhiều thì gia Nội quan. Nếu đại tiện phân nát thì gia Quan nguyên. Cứu ngày 01 lần, mỗi lần 3 – 5 phút, liệu trình 10 ngày.
Thủy châm: dùng các vitamin nhóm B để thủy châm các huyệt Túc tam lý, Chỉ dương, Linh đài; mỗi huyệt thủy châm 2ml, ngày 01 lần, liệu trình 10 ngày.
Thuốc thụt đại tràng
Thuốc dùng: đại hoàng 30g, bồ công anh 30g, sinh mẫu lệ 30g, lục nguyệt tuyết 30g, cam thảo 10g. Sắc lấy 300ml, thụt giữ đại tràng 30 phút đến 1 giờ, ngày 01 lần, liệu trình 15g ngày, cách 5 ngày điều trị liệu trình tiếp theo.
Thuốc dùng ngoài
Bài thuốc dùng xông: ma hoàng, quế chi, quế tân, phụ tử, hồng hoa, địa phu tử, khương hoạt, độc hoạt; tất cả tán bột thô, đun nước sôi cho thuốc vào, sau đó xông khoảng 30 phút để cho ra mồ hôi mức độ vừa phải, ngày 01 lần, liệu trình 15 ngày.
Dự phòng
Dự phòng cấp 1: phát hiện và điều trị sớm bệnh thận và những bệnh khác gây tổn thương thận, ngăn ngừa suy thận mạn tính.
Dự phòng cấp 2: khi suy thận mạn tính, tích cực diều trị dự phòng các nguyên nhân làm cho suy thận tiến triển và nặng hơn, điều trị bệnh nguyên phát, kiểm soát huyết áp, điều chỉnh cân bằng nước và điện giải, cân bằng kiềm toan, làm chậm tiến triển của suy thận.
Dự phòng cấp 3: suy thận đoạn cuối, tích cực điều trị và dự phòng tăng K+ máu, suy tim và các biến chứng khác.
KẾT LUẬN
Suy thận mạn tính do nguyên nhân gây ra, do bệnh thận nguyên phát hoặc thứ phát, nhiễm độc, dùng thuốc gây tổn thương thận dẫn đến suy chức năng thận.
Chẩn đoán suy thận mạn tính không khí nhưng việc điều trị gặp nhiều khó khăn và hiệu quả hạn chế, cuối cùng bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Suy thận mạn tính ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế và xã hội. Vì vậy, dự phòng và điều trị suy thận mạn tính có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm gánh nặng về kinh tế, và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng đối với kinh tế, xã hội.