Bài thuốc đông y trị sỏi đường tiết niệu
Sỏi tiết niệu do nhiều nguyên nhân và yếu tố phức tạp gây nên và liên quan đến các muối khoáng hòa tan trong nước tiểu. Khi gặp điều kiện thuận lợi như rối loạn sinh lý bệnh học, giảm lưu lượng nước tiểu, viêm nhiễm đường tiết niệu, di dạng đường niệu, yếu tố di truyền… thì các muối hòa tan sẽ kết tinh tạo thành sỏi.
Đa số sỏi tiết niệu là sỏi có calci (chiếm 90%), nguyên nhân chính là do nước tiểu bão hòa muối calci do tăng hấp thu calci trong thức ăn hoặc tăng tái hấp thu calci ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ calci tăng cao (bình thường thận đào thải 300mg/24 giờ).
Nguyên nhân tiếp theo là nước tiểu bão hòa oxalat (do ăn thức ăn, uống thuốc có đại hoàng, ngộ độc vitamin C, người bị viêm ruột non hoặc cắt đoạn ruột non; rối loạn men chuyển hóa ở gan gây tăng bài xuất acid oxalat).
Nước tiểu bão hòa acid uric tạo điều kiện gây sỏi urat, sỏi oxalat.
Giảm citrat niệu (citrat có tác dụng ức chế kết tinh muối calci) làm nước tiểu bão hòa muối calci gây sỏi.
Sỏi không có calci: sỏi cystin, sỏi acid uric, sỏi stuvit (MgNH4PO4). Các loại sỏi này không cản quang.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Tiền sử đái ra sỏi hoặc có biểu hiện viêm nhiễm đường niệu gây đái buốt, đái rắt, đái đục…
Đau nhói hoặc đau âm ỉ hoặc đau dữ dội (cơn đau quặn thận) lan theo đường sinh dục, có khi lan ra sau lưng, kèm theo buồn nôn và nôn, nếu sỏi gây bít tắc cổ bàng quang thì có thể gây bí đái.
Sốt tùy mức độ, kèm theo rét run.
Đái máu vi thể hoặc đại thể; có thể đái buốt, đái rắt, đái đục…
Cận lâm sàng
Xét nghiệm nước tiểu: tế bào mủ, vi khuẩn niệu; định lượng calci niệu, acid uric, cystin, cặn oxalat…
X quang; chụp thận thường để phát hiện sỏi cản quan. Chụp thận thuốc (urographie intra veinesue: UIV) để đánh giá chức năng bài tiết của thận, hình ảnh đường tiết niệu, sỏi không cản quang. Chụp thận ngược dòng (urotero pyebgraphie retrograde: UPR) khi cần thiết để xác định vị trí sỏi và sỏi không cản quang.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh sỏi đường tiết niệu thuộc chứng thạch lâm, sa lâm.
Nguyên nhân
Do thấp nhiệt uẩn kết ở hạ tiêu, hun đốt tạp chất trong nước tiểu dần dần tạo thành sỏi, sỏi nhỏ gọi là sa lâm, sỏi to gọi là thạch lâm.
Ăn uống quá nhiều đồ béo ngọt hoặc ăn uống không điều độ, dễ làm tổn thương tỳ vị, thấp nhiệt nội sinh, uẩn kết ở hạ tiêu, nước tiểu bị hun đốt lâu ngày làm cho các tạp chất trong nước tiểu tụ lại thành sỏi.
Hoặc do tình chí nội thương, can khí uất kết lâu ngày hóa nhiệt, di nhiệt xuống thận và bàng quang, hun đốt nước tiểu lâu ngày tạo nên sỏi.
Hoặc do thận hư, rối loạn khí hóa bàng quang làm cho nước tiểu không được lưu thông thuận lợi, lâu ngày làm tạp chất tụ lại thành sỏi.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện luận
Triệu chứng chủ yếu của bệnh sỏi tiết niệu là đau âm ỉ hoặc đau từng cơn dữ dội vùng thắt lưng; kèm theo đái khó, đái buốt, đái ra sạn sỏi, đái ra máu…
Giai đoạn đầu của bệnh thường là do thấp nhiệt, khí trệ huyết ứ, giai đoạn sau của bệnh thường do tổn thương âm huyết chính khí, thận âm và thận dương đều hư gây chứng hư trung hiệp thực.
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc chủ đạo là bài thạch thông lâm. Nếu kèm theo chứng thấp nhiệt hạ tiêu thì dùng pháp thanh nhiệt hóa thấp, nếu kèm theo chứng khí trệ huyết ứ thì dùng pháp hành khí phá ứ; nếu kèm theo thận hư thì dùng pháp bổ thận tinh, tư dưỡng thận âm hoặc ôn bổ thận dương; nếu kèm theo chứng tỳ hư thì dùng pháp kiện tỳ ích khí.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1. THẤP NHIỆT UẨN KẾT
Lâm sàng: đau lưng, tiểu tiện buốt đau, tiểu tiện ra máu hoặc di tiểu ngắt quãng, tiểu nhiều lần, nước tiểu màu vàng hoặc đỏ thẫm, đại tiện táo bón, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm bài thạch.
Bài thuốc: thạch vĩ tán gia vị.
Thạch vĩ 15g, Mộc thông 15g, Xa tiền tử 20g, Cù mạch 12g, Hoạt thạch 12g, Đông quy tử 12g, Cam thảo 08g, Phục linh 12g, Du bạch bì 08g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thạch vĩ, mộc thông, xa tiền tử, cù mạch, hoạt thạch, đông quỳ tử có tác dụng lợi niệu thông lâm, thanh nhiệt thấm thấp. Phục linh có tác dụng lợi niệu trừ thấp, kiện tỳ an thần. Cam thảo có tác dụng bổ khí hòa trung. Du bạch bì (vỏ rễ cây bạch du) có tác dụng lợi tiểu thông lâm.
Nếu đau nhiều thì gia vị hoạt huyết phá ứ như diên hồ sách 08g, đào nhân 08g. Nếu tiểu tiện ra máu thì gia đại kế 10g, tiểu kế 10g, bạch mao căn 30g.
Hoặc dùng bài Đạo xích tán gia vị.
Sinh địa 15g, Cam thảo 08g, Mộc thông 15g, Kim tiền thảo 30g, Xa tiền tử 20g, Kê nội kim 12g, Đạm trúc diệp 15g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì mộc thông, kim tiền thảo, xa tiền tử có tác dụng lợi thủy thông lâm. Sinh địa tính vị lạnh ngọt nhuận, có tác dụng thanh tâm lương huyết tư âm. Kê nội kim có tác dụng thông lâm hóa thạch. Trúc diệp ngọt nhạt có tác dụng dẫn nhiệt xuống dưới. Cam thảo điều hòa các vị thuốc.
Nếu đái máu thì gia hạn liên thảo 12g, tiểu kế 12g. Nếu đau nhiều thì gia diên hồ sách 06g, uất kim 12g.
Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện 103 đã áp dụng bài thuốc Bài thạch thông lâm đạt hiệu quả nhất định.
Kim tiền thảo 30g, Cỏ bợ 20g, Mạch môn 15g, Bông mã đề 20g, Râu mèo 20g, Mía giò 15g, Ngưu tất 15g, Kê nội kim 12g, Ngải cứu tươi 50g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang. Sau khi uống thuốc thì châm điện huyệt Duy đạo xuyên Quy lai hai bên, mỗi lần 20 phút.
Châm tả: Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Duy đạo, Quy lai, Túc tam lý.
Nhĩ châm: điểm giao cảm, thận, bàng quang.
2. KHÍ HUYẾT Ứ TRỆ
Lâm sàng: đau quặn lưng và bụng, đau lan xuống bộ phận sinh dục ngoài, nước tiểu lẫn máu cục hoặc máu sẫm, tiểu xót, tiểu rắt, chất lưỡi ám hồng hoặc có điểm ứ huyết, mạch vi sáp.
Pháp điều trị: lý khí hoạt huyết, hóa ứ thông lâm.
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị.
Thục địa 12g, Bạch thược 15g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Đào nhân 08g, Hồng hoa 10g, Chỉ thực 10g, Đại phúc bì 12g, Uất kim 12g, Kê nội kim 12g, Liên kiều 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng bổ huyết tư âm. Đương quy có tác dụng bổ huyết dưỡng can, hòa huyết điều kinh, tăng cường tác dụng bổ huyết của thục địa. Bạch thược có vị chua ngọt, có tác dụng hoạt huyết, khai uất kết, thông lạc mạch. Đào nhân, hồng hoa có tác dụng hoạt huyết phá ứ. Uất kim có tác dụng hoạt huyết chỉ thống kiêm hành khí. Liên kiều có tác dụng thanh nhiệt giải khổ, tán kết. Chỉ thực, đại phúc bì có tác dụng hành khí, lợi niệu. Kê nội kim có tác dụng thông lâm hóa thạch.
Hoặc dùng bài Thiếu phúc trục ứ thang gia vị.
Tiểu hồi hương 06g, Can khương 06g, Diên hồ sách 06g, Một dược 06g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Quế nhục 05g, Xích thược 12g, Bồ hoàng 12g, Ngũ linh chi 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu đau bụng và lưng nhiều thì gia đào nhân 06g, ngưu tất 15g để tăng cường khứ ứ chỉ thống.
Nếu đái ra máu nhiều thì gia thạch mao căn 30g, trắc bá diệp sao 20g để lương huyết chỉ huyết.
Châm tả: Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Duy đạo, Quy lai, Túc tam lý.
Nhĩ châm: điểm giao cảm, thận, bàng quang.
3. THẬN KHÍ HAO HƯ
Lâm sàng: đau bụng và lưng âm ỉ, đi tiểu thì tia nước tiểu yếu, bụng dưới tức đau, mệt mỏi; nếu nặng thì sợ lạnh, chân và tay lạnh; chất lưỡi nhợt bệu, mạch nhược.
Pháp điều trị: bổ thận ích khí, lợi niệu thông lâm.
Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn gia vị.
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đan bì 12g, Bạch linh 10g, Trạch tả 15g, Phụ tử 06g, Quế chi 06g, Xa tiền tử 20g, Ngưu tất 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì phụ tử có tính vị cay nóng, có tác dụng thông dương hóa khí. Thục địa có tác dụng tư âm, bổ thận để tăng cường sinh tinh. Sơn thù, hoài sơn tử có tác dụng dưỡng can kiện tỳ để sinh tinh hóa khí. Trạch tả, bạch linh, xa tiền tử có tác dụng lợi thủy thấm thấp. Quế chi có tác dụng ôn hóa đàm ẩm. Đan bì có tác dụng thanh nhiệt lương huyết. Ngưu tất có tác dụng hoạt huyết tán ứ, phối hợp quế chi để hành huyết trệ.
Để tăng cường ôn thận lợi thủy thì gia kim tiền thảo 30g, hải kim sa 12g.
Nếu phù mặt thì gia tang ký sinh 12g, tế thái 12g.
Châm các huyệt: Thận du, Tỳ du, Túc tam lý, Quan nguyên, Khí hải.
4. THẬN ÂM HƯ
Lâm sàng: do sỏi lâu ngày gây nên đau bụng, đau lưng, lúc đau lúc không, hoa mắt, ù tai, buồn bực, miệng khô, tiểu ít hoặc đái rắt, chất lưỡi hồng, ít rêu lưỡi, mạch vi sác.
Pháp điều trị: tư âm bổ thận, thông lâm bài thạch.
Bài thuốc: Tả quy hoàn gia vị.
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 12g, Kỷ tử 10g, Ngưu tất 12g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 12g, Quy bản 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng tư âm bổ thận, trấn tinh sinh tủy. Quy bản có tính vị ngọt, mặn, lạnh; có tác dụng bổ can thận âm và đồng thời vừa để tiềm dương. Lôc giác có tính vị ngọt, ấm; có tác dụng ích tinh bổ huyết, ôn bổ thận dương. Sơn thù có tác dụng cố sáp, dưỡng can thận. Hoài sơn có tác dụng kiện tỳ ích khí. Kỷ tử có tác dụng bổ thận ích tinh, dưỡng can minh mục. Thỏ ty tử có tác dụng cố thận sáp tinh. Ngưu tất có tác dụng hoạt huyết, ích thận dưỡng can.
Để tăng cường tác dụng bài thạch thông lâm thì gia kim tiền thảo 30g, kê nội kim 12g.
Nếu ngũ tâm phiền nhiệt (âm hư) thì gia huyền sâm 12g, hạn liên thảo 12g, để tư âm thanh nhiệt.
Châm các huyệt: Thận du, Tỳ du, Túc tam lý, Quan nguyên, Khí hải.
Chú ý: đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, dựa vào kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm sinh hóa, X quang, siêu âm để tiên lượng. Nếu không đỡ thì phải chuyển điều trị ngoại khoa.
PHƯƠNG PHÁP TỔNG CÔNG BÀI NIỆU
Khoa A9 – Bệnh viện 103 áp dụng phương pháp tổng công bài niệu từ nhiều năm cho thấy đạt hiệu quả cao trong điều trị sỏi tiết niệu có chỉ định điều trị nội khoa. Chỉ định điều trị nội khoa khi kích thước sỏi < 1 cm, chức năng bài tiết hai thận cơ bản bình thường, không có biểu hiện của hẹp niệu quản, sức khỏe của bệnh nhân cho phép.
7 giờ: uống 500ml nước.
8 giờ 30 phút: uống 500ml nước.
9 giờ: uống thuốc sắc bài thạch.
10 giờ: điện châm huyệt Duy đạo xuyên Quy lai hai bên, thời gian châm 20 phút.
10 giờ 30 phút: nhảy dây.
KẾT LUẬN
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh sỏi đường tiết niệu thuộc chứng thạch lâm, sa lâm.
Nguyên nhân gây bệnh liên quan mật thiết đến các nhân tố thấp nhiệt uẩn kết ở hạ tiêu, ăn uống không điều độ, rối loạn tình chí hoặc do thận hư gây rối loạn khí hóa bàng quang… làm cho nước tiểu không được lưu thông thuận lợi, lâu ngày làm tạp chất tụ lại thành sỏi.
Nguyên tắc điều trị: bệnh cấp trị liệu, bệnh hoãn trị bản.
Trên lâm sàng, thường hay gặp thể thấp nhiệt uẩn kết và khí trệ huyết ứ. Trong quá trình điều trị phải căn cứ vào triệu chứng của bệnh nhân để gia giảm thuốc cho phù hợp. Chú ý, vận dụng kiến thức của y học hiện đại để đánh giá và tiên lượng.
Hiện nay, một số bệnh viện áp dụng biện pháp đông tây y kết hợp. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể và uống bài thuốc TKT (kim tiền thảo, trạch tả, kê nội kim, hoạt thạch, uất kim, râu mèo) cho thấy hiệu quả về giảm đau, cầm máu và đái ra sỏi tương đối cao.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com