Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ HỘI CHỨNG THẮT LƯNG HÔNG

Bài thuốc đông y trị hội chứng thắt lưng hông

Hội chứng thắt lưng hông là chỉ đau ở vùng thắt lưng hông, lan xuống chi dưới. Đây là một hội chứng bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, làm tổn thương các rễ thần kinh thắt lưng và đám rối thắt lưng cung, gây rối loạn cảm giác và vận động do thần kinh chi phối, thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt của người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh bao gồm các yếu tố sau :

Chấn thương : có thể bị cấp tính do bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt; có thể chấn thương mạn tính kéo dài do đặc thù nghề nghiệp (lái xe tải trọng lớn, mang vác nặng).

Bệnh lý của cột sống và đĩa đệm: hay gặp nhất là các bệnh lý của cột sống như viêm cột sống (viêm cột sống dính khớp, lao cột sống), thoái hóa cột sống, gai đôi cốt sống, xẹp thân đốt sống, cùng hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp cùng chậu, thoát vị đĩa đệm, ung thư cột sống thắt lưng…

Bệnh của tổ chức phần mền quanh cột sống: viêm cơ đái chậu, áp xe phần mềm cạnh cột sống.

Do bệnh các cơ quan sau phúc mạc , chủ yếu là bệnh lý thận tiết niệu (sỏi tiết niệu, các khối u hệ tiết niệu, u sau phúc mạc).

Do bệnh lý ở vùng tiểu khung: bệnh phụ khoa, bệnh của đại tràng…

Do các khối u và ung thư: u và ung thư tại cột sống hoặc do di căn của ung thư từ các cơ quan khác (ung thư phổi, tiền liệt tuyến, đại tràng).

Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến các nguyên gây ra hội chứng thắt lưng hông thuộc phạm vi nội khoa (thoái hóa cột sống hay đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai đôi, viêm khớp cùng chậu…).

Chẩn đoán

Lâm sàng

Hội chứng cột sống: đau vùng cột sống thắt lưng lan theo đường đi của dây thần kinh, đau có tính chất cơ học, hạn chế vận động cột sống thắt lưng…

Hội chứng kích thích rễ thần kinh: đau thần kinh tương ứng với tổn thương của rễ và dây thần kinh, rối loạn cảm giác và vận động vùng thần kinh bị tổn thương chi phối.

Có thể có hội chứng đuôi ngựa dẫn đến rối loạn cơ vòng hậu môn, có thể bị liệt dương.

Nếu bệnh diễn biến kéo dài sẽ gây teo cơ vùng thần kinh chi phối bị tổn thương…

Cận lâm sàng

Chụp X quang cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng để phát hiện tổn thương hoặc dị dạng ở cột sống.

Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng để phát hiện thoát vị đĩa đệm và các khối u ở cột sống tủy sống và các tổn thương khác.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm cơ đái chậu.

Sỏi niệu quản.

Ung thư cột sống thắt lưng.

 Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, triệu chứng mô tả trong hội chứng thắt lưng hông thuộc phạm trù chứng yêu thống.

 Nguyên nhân bệnh sinh

Yêu thống do rất nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu do ngoại cảm và nội thương là hai nguyên nhân chính dẫn đến chính khí suy nhược, thận hư bất tú gây nên.

Do ngoại tà: khi thể chất suy nhược, phong hàn thấp tà xâm nhập cơ thể. Gần ngưng thấp trệ, phong hàn thấp làm kinh lạc bế trở, khí huyết vận hành không thông gây nên yêu thống hoặc thấp nhiệt độc xâm nhập vào kinh lạc hoặc hàn thấp uẩn tích lâu ngày hóa thấp nhiệt hoặc ăn quá nhiều đồ cay béo ngọt phát sinh thấp nhiệt nội sinh làm tổn thương kinh lạc, khí huyết bế trở gây nên bệnh.

Do khí trệ huyết ứ: do chấn thương gây tổn thương kinh mạch làm khí trệ huyết ứ hoặc do lao động nghề nghiệp làm cho tư thế cột sống bị thay đổi dẫn đến khí trệ huyết ứ hoặc do phẫu thuật phải nằm lâu gây khí huyết trở trệ, kinh lạc vùng thắt lưng thiếu nuôi dưỡng dẫn đến yêu thống.

Do thận hư tiên thiên bất túc, sinh hoạt tình dục quá độ gây tổn thương thận hoặc do bệnh mãn tính lâu ngày làm cơ thể suy nhược đều gây ra can thận bất túc, thận tinh hao tổn. Can chủ cân, thận chủ cốt, lưng là phủ của thận. Can thận bất túc ảnh hưởng đến vùng thắt lưng, kinh mạch thiếu nuôi dưỡng dẫn đến yêu thống. Ngoài ra, thận tinh bất túc kinh mạch không được nuôi dưỡng, hàn thấp ngưng trệ cũng dẫn đến yêu thống. Bệnh mạn tính lâu ngày làm tỳ vị hư nhược, khí huyết lưỡng hư, kinh mạch không được nuôi dưỡng, ngoại tà lưu trệ gây yêu thống. Hoặc phụ nữ sau khi sinh đẻ mất huyết quá nhiều làm cho kinh mạch thiếu nuôi dưỡng cũng gây nên yêu thống.

Biện Chứng Luận Trị

Căn cứ biện chứng

Biện chứng về yêu thống đầu tiên phải biện chứng về hàn và nhiệt, hư và thực. Nói chung, khi cảm phải ngoại tà thì đa số bệnh thuộc biểu, thuộc thực, khởi bệnh cấp tính, bệnh diễn biến ngắn; đối với người lớn tuổi thể chất hư nhược, thận tinh hư suy thì đa số thuộc lý, thuộc hư, bệnh diễn biến mạn tính kéo dài. Bệnh hay phát vào mùa thu đông, gặp lạnh thì đau tăng, khi chườm nóng lại dễ chịu thì bệnh thuộc hư hàn. Nếu bệnh phát về mùa hạ, đau có cảm giác nóng, khi gặp nhiệt lại đau tăng, nước tiểu sẫm màu, số lượng ít thì thuộc nhiệt. Nếu đau nhói, cảm giác như kim châm, đau cố định, không thích xoa nắn thì thuộc về huyết ứ. Khi bệnh diễn biến kéo dài, thể chất hư nhược, tiếp tục cảm phải ngoại tà thì bệnh thuộc hư thực thác tạ. Bệnh đau lưng diễn biến kéo dài không khỏi, ngày càng nặng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chi dưới ảnh hưởng đến vận động, cột sống biến dạng thì bệnh thuộc chính bất túc thận tinh hao tổn; nếu nặng, nguyên nhân gây bệnh xâm nhập vào cốt tủy, huyết ứ đàm trệ gây ứ kinh mạch, chính hư tà thực thì điều trị khó khăn.

Nguyên tắc điều trị

Nếu cảm phải ngoại tà cấp thì theo nguyên tắc cấp phải trị tiêu: chủ yếu là trừ tà và kết hợp với hoạt huyết hóa ứ. Pháp trừ tà chủ yếu dùng tàn hàn trừ thấp; thanh nhiệt hóa thấp thông lạc, lý khí.

Nếu bệnh mạn tính thì theo nguyên tắc hoãn trị bản. Pháp điều trị dùng bổ thận, thông kinh hoạt lạc.

Phân Thể Lâm Sàng

1. THỂ HÀN THẤP Ứ TRỆ

Lâm sàng: đau thắt lưng, cảm giác nặng nề, trở mình khó khăn, bệnh nặng dần, đau cố định, ban ngày đau nhẹ, ban đêm đau tăng, gặp lạnh đau tăng, khi nghỉ ngơi đau cũng không giảm, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm hoặc trì.

Pháp điều trị: tán hàn trừ thấp, ôn kinh thông mạch

Bài thuốc: Ô đầu thang (Kim quỹ yếu lược).

Ma hoàng 12g, Chế xuyên ô 12g, Bạch thược 20g, Hoàng kỳ 20g, Cam thảo 10g, Mật ong 10ml.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng chiều (sau khi sắc thuốc xong, chắt nước thuốc ra và cho mật ong vào hòa tan rồi uống).

Trong bài thuốc trên, chế xuyên ô kết hợp với ma hoàng có tác dụng tàn hàn, ôn thông kinh lạc. Bạch thược có tác dụng bổ can huyết. Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Hai vị thuốc mật ong, cam thảo không những có tác dụng trị phong thấp tý thống mà còn có tác dụng hòa hoãn độc tính của ô đầu.

Nếu thấp nhiều thì gia tỳ giải 15g, ý dĩ nhân 15g để kiện tỳ trừ thấp.

Nếu đau, tê bì nhiều vùng cẳng chân thì gia nhũ hương 05g, một dược 05g, lộ lộ thông 12g để khứ ứ giảm đau nhức.

Kinh nghiệm trị đau lưng của Tuệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh toàn tập): Đại hồi sao tán bột, mỗi lần uống 01 đồng cân với nước muối vào lúc đói. Bên ngoài, lấy gạo nếp rang nóng bọc vào túi vải chườm tạo chỗ đau.

Lê Hữu Trác dùng bài Huyền hồ tương đương quy quế tâm tán (Hải thượng y tông tâm lĩnh): huyền hồ, đương quy, quế tâm. Các vị thuốc trên dùng liều lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi lần dùng 06-09g, uống với rượu ấm.

Các biện pháp điều trị khác: ôn châm hoặc cứu các huyệt Thận du, Đại trường du, Trật biên, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn…

Một ngày 01 lần, thời gian 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

2. THỂ THẤP NHIỆT BẾ TRỞ

Lâm sàng: chân đau liên tục, có cảm giác nóng rát hoặc tê mỏi nặng nề, thời tiết nóng hoặc ẩm thấp đau tăng, sau vận động giảm nhẹ, tiểu rắt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, thông lạc chỉ thống.

Bài thuốc: Tứ diệu hoàn (Thành phương tiện đậu) gia vị.

Trương truật 12g, Hoàng bá 12g, Ngưu tất 15g, Ý dĩ nhân 30g, Mộc thông 12g, Mộc qua 12g, Nhẫn đông đằng 30g, Địa long 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên, thương truật có tác dụng táo thấp chỉ thống. Hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Ngưu tất có tác dụng hành huyết thông kinh, cường tráng gân cốt. Ý dĩ có tác dụng kiền tỵ trừ thấp. Mộc thông có tác dụng lợi niệu thông kinh. Mộc qua, nhẫn đông đằng có tác dụng trừ phong thấp. Địa long có tác dụng hoạt lạc chỉ thống, thanh nhiệt chỉ kinh.

Nếu thấp nhiều thì gia phong kỷ 12g, tàm sa 10g để trừ thấp chỉ thống.

Nếu miệng đắng thì gia hoàng cầm 12g, long đởm thảo 15g, để thanh tâm, tả can giáng hỏa.

Chữa chứng đau lưng (Hải thượng y tông tâm lĩnh): dùng uy linh tiên tán nhỏ, liều uống 03g, uống với rượu lúc đói, hễ hơi lợi tiểu được thì dừng thuốc.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt: Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường tu… bằng các thuốc vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng: Vitamin B12 500ug x 1 ống.

Vitamin B1 25mg x 1 ống.

Vitamin B6 25mg x 1 ống.

Lidocain 2% x 1 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

3. THỂ KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ

Lâm sàng: thời kì đầu thấy đau vùng thắt lưng, không thích xoa nắn; sau đó thấy đau lan dọc mặt sau ngoài đùi, cẳng chân; vận động hạn chế, co duỗi các khớp chi dưới khó khăn; ho, hắt hơi đau tăng; đau như kim châm, thường kèm theo có cảm giác tê bì, có thể có tiền sử chấn thương hoặc bị bệnh mạn tính lâu ngày không khỏi, chất lưỡi hồng bóng hoặc có ban ứ huyết, mạch trầm sáp hoặc trầm huyết.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống.

Bài thuốc: Thân thống trục ứ thang (Y lâm cải thác).

Đào nhân 10g, Xuyên khung 12g, Hồng hoa 10g, Tần cửu 10g, Đương quy 12g, Khương 06g, Cam thảo 06g, Địa long 06g, Ngũ linh chi 12g, Ngưu tất 12g, Hương phụ 12g, Một dược 06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 2 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, đào nhân, hồng hoa có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết hóa ứ. Ngũ linh chi, địa long có tác dụng khứ ú thông lạc. Xuyên khung, một dược có tác dụng hoạt huyết chỉ thống. Khương hoạt, tần cửu có tác dụng trừ phong thấp. Hương phụ có tác dụng lý khí chỉ thống. Ngưu tất có tác dụng hoạt huyết thông kinh, cường tráng gân cốt. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu đau dữ dội vùng thắt lưng thì gia toàn yết 06g hoặc ngô công 01 con. Nếu đau tại eo lưng và đùi thì gia ô tiêu sà (rắn cạp nong) 06g để hoạt lạc chỉ thống.

Nếu thiên hàn bỏ tần giao và gia xuyên ô chế để ôn dương.

Kinh nghiệm điều trị đau lưng do khí huyết ủng trệ của Tuệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh toàn tập): dùng hạt quýt bỏ sao, bìm bìm đem nửa ống và nửa sao; các vị thuốc dùng liều bằng nhau đem tán bột, mỗi lần uống 06 – 09g với rượu vào lúc đói.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt: Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường du… bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng:  Vitamin B12 500ug x 1 ống.

Vitamin B1 25mg x 1 ống.

Vitamin B6 25mg x 1 ống.

Lidocain 2% x 1 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

4. THỂ KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ

Lâm sàng: bệnh lâu ngày, vùng thắt lưng và cẳng chân thường xuyên tê đau, đau tăng về đêm và sau khi vận động, kèm theo có teo cơ cẳng chân, sắc mặt nhợt, vẻ mặt bơ phờ, ăn kém, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược vô lực.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng huyết, ôn kinh thông lạc.

Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang (Bị cấp thiên kim yếu phương).

Độc hoạt 10g, Tang ký sinh 12g, Đỗ trọng 10g, Ngưa tất 12g, Tần cửu 10g, Nhục quế 06g, Bạch linh 12g, Phòng phong 12g, Xuyên khung 12g, Cam thảo 06g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Sinh địa 12g, Tế tân 06g, Nhâm sâm 06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 2 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì độc hoạt có tác dụng khứ phong hàn xâm nhập vào sâu các khớp, đồng thời làm giảm đau lưng. Tế tân, nhục quế có tác dụng tán phong hàn thấp, ôn thông kinh lạc để giảm đau. Phòng phong có tác dụng sơ phong thắng thấp. Tang ký sinh, đỗ trọng, ngưu tất có tác dụng bổ can thận cường cân cốt. Nhâm sâm, bạch linh có tác dụng ích khí kiện tý để bổ cả khí vs huyết. Sinh địa, bạch thược, xuyên khung, đương quy có tác dụng bổ huyết điều huyết, phù chính khứ tà. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu hàn tà xâm nhập vào kinh lạc gây đau nhức nhiều thì gia chế xuyên ô 04g, địa long 06g, bạch hoa xà 12g để ôn thông kinh hoạt lạc, chỉ thống.

Nếu tỳ hư thấp nặng, đại tiện phân nhão thì bỏ sinh địa và gia thương truật 12g, sa nhân 10g để ôn trung kiện tỳ.

Nếu có huyết ứ thì gia đào nhân 10g, đan sâm 20g để hoạt huyết hóa ứ.

Nếu trung khí bất túc, hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, sợ gió thì gia sinh hoàng kỳ 30g để ích khí cố biểu.

Kinh nghiệm điều trị đau lưng của Tuệ Tĩnh (Tuệ Tịnh toàn tập): lộc nhung bôi sữa nướng vàng , tán bột, mỗi lần uống 03g với rượu.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt: Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường du… bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng:  Vitamin B12 500ug x 1 ống.

Vitamin B1 25mg x 1 ống.

Vitamin B6 25mg x 1 ống.

Lidocain 2% x 1 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

5. THỂ CAN THẬN ÂM HƯ, CÂN CỐT THẤT DƯỠNG

Lâm sàng: đau lưng, mỏi gối, đau tăng khi lao động, xoa bóp thì dễ chịu, đau lan xuống hai chi dưới, vận động khó khăn, mệt mỏi, mất ngủ, lòng bàn tay và bàn chân nóng, người gầy, nam giới di tinh, nữ giới kinh nguyệt ít, chất lưỡi hồng khô, rêu lưỡi ít, mạch trầm tế hoặc tế sắc.

Pháp điều trị: tư hổ can thận, mạnh gân cốt.

Bài thuốc: Tả quy hoàn gia giảm (Cảnh Nhạc toàn thư).

Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Kỳ tử 10g, Ngưu tất 15g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 10g, Quy bản 12g, Tang ký sinh 30g, Miết giáp 10g, Đương quy 12g, Cẩu tích 12g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì thục địa, quy bản, miết giác, kỷ tử, sơn thù có tác dụng tư bổ chân âm, dục âm tiềm dương. Thỏ ty tử, lộc giác có tác dụng bổ tinh huyết. Ngưu tất, tang ký sinh, cẩu tích có tác dụng bổ thận. Đương quy có tác dụng bổ huyết. Tác dụng chung của bài là tư bổ can thẩn, ích tinh tủy, cường tráng gân cốt.

Nếu bệnh diễn biến kéo dài, kèm theo huyết ứ thì gia ô tiêu sà 30g, đan sâm 20g, địa long 20g để hoạt huyết hóa ứ, thông kinh lạc.

Nếu kèm theo phong thấp, toàn thân nặng nề, vận động khớp hạn chế thì gia phòng kỷ 15g, tần giao 15g, uy linh tiên 10g để khu phong trừ thấp.

Nếu kèm theo thấp nhiệt, rêu lưỡi vàng nhớt thì gia ý dĩ nhân 20g, thổ phục linh 20g, mộc qua 10g để thanh lợi thấp nhiệt, thông lạc chỉ thống.

Nếu âm hư nội nhiệt thì gia nữ trinh tử 20g, hạn liên thảo 15g, tăng liều sinh địa lên 30g để dưỡng âm thanh nhiệt.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường du… bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng:  Vitamin B12 500mg x 01 ống.

Vitamin B1 25mg x 01 ống.

Vitamin B6 25mg x 01 ống.

Lidocain 2% x 01 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

6. THỂ TỲ THẬN DƯƠNG HƯ, HÀN NGƯNG KINH MẠCH

Lâm sàng: đau âm ỉ vùng thắt lưng, thích chườm ấm và xoa bóp, hai chân lạnh, gặp lạnh hoặc lao động nặng thì đau tăng, nghỉ ngơi thì đỡ đau, đầy bụng, đại tiện phân nát, người mệt mỏi; lưỡi nhợt bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng mỏng,mạch trầm trì.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận, tán hàn chỉ thống.

Bài thuốc: Dương hòa thang (Ngoại khoa toàn sinh tập).

Phụ tử 15g, Nhục quế 10g, Thục địa 20g, Lộc giác 10g, Can khương 10g, Ma hoàng 10g, Thiên niên kiện 15g, Đỗ trọng 10g, Thỏ ty tử 15g, Tục đoạn 20g, Cẩu tích 15g, Bạch thược 15g, Cam thảo 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 2 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì phụ tử, nhục quế có tác dụng ôn dương tán hàn, thông lạc chỉ thống. Thục địa, lộc giác, thỏ ty tử có tác dụng bổ thận ích tủy, ôn mà không táo. Phụ tử, can khương có tác dụng ôn bổ tỳ thận, bổ âm hòa dương, ôn thông kinh mạch. Thiên niên kiện, đỗ trọng, cẩu tích có tác dụng bổ can thận cường cân cốt, trừ phong thấp, thông lạc chỉ thống. Ma hoàng có tác dụng giải biểu tán hàn. Bạch thược, cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống.

Nếu kèm theo hàn thấp thì gia ý dĩ nhân sao 20g, phòng kỷ 15g, bạch giới tử 10g để trừ thấp, thông lạc chỉ thống.

Nếu huyết ứ thì gia xích thược 15g, xuyên sơn giáp 10g, thủy diệt 10g, ngô công 02 con để hoạt huyết hóa ứ, thông lạc chỉ thống.

Nếu đau nhiều thì gia xuyên ô 10g, thanh long đằng 15g, uy linh tiên 10g để ôn kinh thông lạc chỉ thống.

Kinh nghiệm trị đau lưng (Tuệ Tĩnh toàn tập): gạc hươu đẽo lấy 03 lạng, sao tán bột, mỗi lần uống 03g vớ rượu vào lúc đói, ngày dùng 02.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường du… bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng:  Vitamin B12 500ug x 01 ống.

Vitamin B1 25mg x 01 ống.

Vitamin B6 25mg x 01 ống.

Lidocain 2% x 01 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

7. THỂ THẬN TINH BẤT TÚC, ĐÀM Ứ TRỞ LẠC

Lâm sàng: đau thắt lưng mạn tính, vận động hạn chế, teo cơ, cột sống biến dạng, hình thể người gầy, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, sợ lạnh, ra mồ hôi trộm; chất lưỡi đỏ, có ấn răng, ít rêu lưỡi, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: bổ ích thận tinh trừ đàm hóa ứ, thông lạc chỉ thống.

Bài thuốc: Đối pháp lập phương.

Lộc giác 10g, Quy bản 10g, Miết giáp 10g, Phá cố chỉ 10g, Đỗ trọng 15g, Bá kích 15g, Sơn thù nhục 10g, Thục địa 15g, Hoàng kỳ 30g, Xích thược 20g, Một dược 06g, Bạch giới tử 10g, Tạo giác thích 30g, Xuyên sơn giáp 10g, Ngô công 02 con, Thủy diệt 04g, Thổ miết trùng 10g, Ngưu tất 15g.  

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang , chia làm 2 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên, lộc giác, quy bản, miết giáp có tác dụng bổ thận ích tinh tủy. Đỗ trọng, ba kích, sơn thù, thục địa trợ giúp cho quy bản, miết giáp, lộc giác để diều bổ âm dương, bổ thận, mạnh gân cốt. Phá cố chỉ, ngưu tất có tác dụng bổ can thận, thông lạc chỉ thống. Xích dược, một dược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Bạch giới tử, tạo giác có tác dụng trừ đàm tán kết thông lạc, chỉ thống. Xuyên sơn giáp, thủy diệt, ngô công, thổ miết trùng có tác dụng thông kinh lạc hóa chỉ thống.

Nếu kèm khí hư thì gia hoàng kỳ 30g để bổ khí thông dương. Nếu khí trệ thì gia hương phụ 10g, thanh bì 10g để hành khí giải uất.

Nếu âm hư nội nhiệt nặng thì gia hoàng bá 10g, tri mẫu 20g để thanh nhiệt tư âm tả hỏa.

Nếu đau nhiều thì gia xuyên ô 10g, tục đoạn 30g, tế tân 06g để ôn kinh chỉ thống.

Chữa đau lưng do thận khí hư yếu (Hải Thượng y tông tâm lĩnh).

Phá cố chỉ tẩm rượu sao 03g đồng cân, đỗ trọng 03g cạo bỏ vỏ tẩm nước gừng sao, hồ đào nhục bỏ vỏ 10 quả. Các vị thuốc trên đều tán nhỏ, dùng 01 lạng tỏi giã nát luyện thành viên bằng hạt đậu, mỗi lần uống 20 viên với rượu lúc đói, phụ nữ thì uống với dấm nhạt.

Các biện pháp điều trị khác:

Điện châm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Trật biên, Ủy trung, Túc tam lý, Huyền chung, Thừa sơn… ngày 01 lần 20 phút. Một đợt điện châm 7 – 10 ngày.

Thủy châm các huyệt: Thứ liêu, Yên du, Thận du, Đại trường du… bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6, lidocain…

Liều lượng:   Vitamin B12 500ug x 01 ống.

Vitamin B1 25mg x 01 ống.

Vitamin B6 25mg x 01 ống.

Lidocain 2% x 01 ống (thử phản ứng trước khi châm).

Ngày thủy châm 01 lần, mỗi lần châm 2 – 3 huyệt, mỗi huyệt 1 – 2 ml. Một liệu trình thủy châm khoảng 7 – 10 ngày.

Xoa bóp, bấm huyệt vùng thắt lưng, chi dưới ngày 01 lần 20 phút, một đợt làm 7 – 10 ngày.

KẾT LUẬN

Hội chứng thắt lưng hông là một bệnh thường gặp trên lâm sàng, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên biểu hiện lâm sàng phong phú. Kh biện chứng luận trị cần phải chú ý đến nguyên nhân sinh bệnh, thể trạng người bệnh mới có thể đưa ra pháp điều trị đạt hiệu quả tốt.

Bệnh sinh ra một mặt do ngoại tà xâm nhập, mặt khác do chính khí hư nhược dẫn đến tà khí (phong, hàn, thấp) thừa hư xâm phạm vào khắp cơ nhục, kinh lạc, xương khớp… làm khí huyết không lưu thông được gây bệnh. Vì thế, khi kê đơn thuốc điều trị phong thấp thì ngoài cái vị thuốc có tác dụng khu phong tán hàn, trừ thấp ra; còn phải kiêm dùng các vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết thông dương, bổ ích can thận. Đồng thời còn phải kết hợp với các biện pháp điều trị khác như châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, kéo giãn cột sống thắt lưng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *