Bài thuốc đông y trị hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một chứng bệnh hay gặp trong bệnh phụ khoa, do bác sĩ phụ sản người Mỹ Stein – Leventhal công bố năm 1935, nên còn gọi là hội chứng Stein – Leventhal. Phát sinh chứng bệnh liên quan đến trục hạ khâu não – tuyến yên – buồng trứng, kết hợp với rối loạn bài tiết hormone tuyến thượng thận làm cho buồng trứng không thể phóng noãn. Triệu chứng chủ yếu trên lâm sàng là bế kinh, kinh thưa hoặc xuất huyết tử cung không có quy luật, không thụ thai, rậm lông mu, béo phì, siêu âm thấy 2 buồng trứng có nhiều nang tăng sinh. Về điều trị, giai đoạn đầu dùng phương pháp phẫu thuật để giải phóng các nang noãn, sau này sử dụng các loại thuốc kích thích rụng trứng. Y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để dùng thuốc có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, tăng cường khả năng sinh dục thấy có hiệu quả tương đối tốt.
Tuy y học hiện đại đã có nhiều nghiên cứu về hội chứng buồng trứng đa nang nhưng cũng chưa ró nguyên nhân gây nên bệnh. Trước mắt, liên quan đến rối loạn chức năng trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng, kết hợp với rối loạn quá trình bài tiết hormone của buồng trứng, liên quan đến nồng độ insulin cao, kháng insulin và bất thường nhiễm sắc thể.
Chẩn đoán:
Lâm sàng: rối loạn chu kỳ kinh, kinh thưa, bế kinh hoặc thấy hành kinh nhưng số lượng ít và không có quy luật; hoặc sau khi hết kinh lại thấy kinh ra số lượng lớn rồi dần dần thành bế kinh. Triệu chứng này gặp trong rối loạn kinh thưa có phóng noãn hoặc rối loạn chức năng hoàng thể. Ngoài ra, có thể thấy chứng mọc lông nhiều, béo phì, khó thụ thai …
Thăm khám phụ khoa: lông mu rậm, tử cung bình thường hoặc hơi nhỏ, có thể sờ thấy buồng trứng hơi to hơn bình thường.
Kiểm tra thêm: đo nhiệt độ cơ thể thấy không có thay đổi giống như là khi có rụng trứng. Trước khi thấy kinh hoặc sau khi hành kinh 6 giờ, nạo niêm mạc tử cung làm giải phẫu bệnh không thấy thay đổi như kỳ hành kinh và kỳ phân tiết. Định lượng trong máu thấy FSH giảm, LH tăng, LH/FSH ≥ 2,5 – 3; testosterone và androstenedione tăng cao, định lượng estradiol không thấy hiện tuoejng tăng cao dần trước và sau khi rụng trứng. Siêu âm thấy tử cung có thể hơi nhỏ và hoặc bình thường, buồng trứng hai bên to hơn và thấy có nhiều ổ giảm âm ở xung quanh hoặc bên trong buồng trứng. Soi ổ bụng thấy buồng trứng to, màng dày, bề mặt trơn và có màu xám nhợt, không thấy hiện tượng rụng trứng; sinh thiết tổ chức buoofngf trứng giúp cho chẩn đoán.
Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: y học cổ truyền căn cứ vào đặc điểm lâm sàng của hội chứng buồng trứng đa nang cho rằng nhân tố chủ yếu gây bệnh là rối loạn sinh khắc chế hóa giữa thận – xung nhâm – tử cung. Thận hư nên thiên quý đến chậm, tỳ hư gây đàm thấp nội sinh làm ứ trệ xung nhâm, bào mạch không thông, ứ trệ huyết vận hành gây bế kinh, kinh thưa, số lượng kinh ít hoặc rối loạn kỳ kinh.
Thận hư: tiên thiên bất túc, suy giảm tàng trữ, hoặc thời niên thiếu mắc nhiều bệnh làm âm dương thất điều, rối loạn phát triển sinh dục, thiên quý đến chậm, xung nhâm không xung thịnh, huyết hải không tràn đầy gây nên kinh nguyệt đến sau kỳ, số lượng ít, nếu nặng gây bế kinh và khó thụ thai.
Đàm thấp: hình thể béo bệu, đàm ứ trệ ở mạch lạc bào cung, kinh lạc bị trở trệ, xung nhâm không thông, đàm thấp gây khốn trở huyết hải nên kinh huyết không hành hoặc có nhưng số lượng ít, chất kinh loãng, nếu nặng thì khó thụ thai.
Khí trệ huyết ứ: tình chí nội thương, can khí uất kết nên khí trệ làm ảnh hưởng đến huyết hành; hoặc khi có kinh, sau khi sinh giữu gìn vệ sinh không tốt (tà khí xâm nhập, sinh hoạt tình dục không điều độ) nên tà khí với huyết dư kết hợp làm ứ trệ ở xung nhâm gây kinh không hành hoặc có kinh nhưng số lượng ít, chất lưỡng, khó thụ thai.
Can kinh thấp nhiệt: can uất thương tỳ, tỳ hư nên không vận hóa được làm thấp trọc nội sinh; can uất hóa nhiệt, thấp và nhiệt hỗ kết đưa xuống xung nhâm làm cản trở lưu thông khí cơ kinh mạch gây không thấy hành kinh, đới hạ nhiều, khó thụ thai.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Thận chủ sinh dục nên nguyên nhân bệnh sinh gây rối loạn kinh nguyệt là do thận gây nên, vì vậy khi điều trị đều nhằm vào thận. Tuy nhiên, nguyên nhân bệnh sinh gây hội chứng buồng trứng đa nang còn liên quan đến đàm thấp, khí trệ huyết ứ, can uất, tỳ hư.
Thận hư
Lâm sàng: lần đầu có kinh thấy kinh nguyệt muộn, kinh sau kỳ, sau đó số lượng ít dần, sắc kinh nhợt, chất loãng, dần dần gây bế kinh; ngẫu nhiên thấy băng lậu không cầm hoặc chu kỳ kinh kéo dài. Triệu chứng toàn thân thấy hình thể gầy yếu, sắc mặt không tươi, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, mệt mỏi, sợ lạnh, đại tiện phân nát, đới hạ ra số lượng ít, khô âm đạo, kết hôn nhiều năm không thấy thụ thai. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm tế.
Phân tích: thận khí hư, tinh huyết bất túc nên thiên quý đến muộn, xung nhâm không thông nên kinh nguyệt đến kỳ mà không thấy hoặc có nhưng số lượng ít, nếu nặng thấy bế kinh nên không thể nhiếp tinh thành thai. Thận hư nên tinh huyết không sung thịnh nên thấy sắc mặt không tươi nhuận, chóng mặt, ú tai, đau lưng, mỏi gối. Thận hư dương khí không ôn ấm gây mệt mỏi, sợ lạnh, đại tiện phân nát. Thận hư nên âm tinh tân dịch không đưa xuống dưới gây đới hạ số lượng ít, âm đạo khô. Tinh huyết bất túc nên không thể nhiếp tinh thành thai. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận hư.
Pháp điều trị: Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư)
Nhục quế 06g, Phụ tử chế 06g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Sơn thù 12g, Lộc giác giao 15g, Thỏ ty tử 12g, Đương quy 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu âm tinh bất túc, thận âm và thận dương đều hư thì bỏ các vị thuốc cay nóng thương âm như phụ tử, quế nhục; gia thêm a giao, tục đoạn, tang ký sinh, đan sâm.
Nếu đàm thấp trở trệ mạch lạc, không thấy có kinh thì gia bán hạ, trần bì, bối mẫu, hương phụ.
Nếu thấy huyết trệ thì gia thêm đào nhân, đan sâm, quyển bá.
Đàm thấp
Lâm sàng: kinh nguyệt sau kỳ, số lượng ít, nếu nặng thấy bế kinh; đới hạ số lượng nhiều, kết hôn lâu ngày không thấy có thai; hình thể bệu trệ, lông mọc nhiều, tức ngực, chóng mặt, đờm khò khè, chân tay tê nhức và mỏi; chất lưỡi bệu nhợt, rêu lưỡi dày nhớp, mạch trầm hoạt.
Phân tích: đàm thấp ứ trệ xung nhâm, khí cơ bào mạch không thông gây kinh nguyệt đến chậm và số lượng ít, bế kết không thông. Đàm thấp nội nhiễu tử cung nên không nhiếp tinh thành thai. Tỳ hư nên đàm thấp không hóa, đưa xuống dưới gây đới hạ nhiều. Đàm thấp nội trệ, thanh dương không thăng, trọc âm không giáng gây chóng mặt, tức ngực, khò khè đờm trong họng. Đàm thấp lưu trệ ở kinh mạch gây nên đau nhức và mỏi chân tay. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng đàm thấp nội thịnh.
Pháp điều trị: hóa đàm trừ thấp, thông lạc điều kinh.
Bài thuốc: Thương phụ đạo đàm hoàn (Vạn thị phụ nhân khoa)
Thương truật 12g, Hương phụ 12g, Đởm nam tinh 10g, Chỉ xác 10g, Bán hạ 10g, Trần bì 10g, Bạch linh 10g, Cam thảo 10g, Sinh khương 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì bán hạ, đởm nam tinh, trần bì có tác dụng hóa đàm trừ thấp; thương truật, bạch linh có tác dụng lợi thủy táo thấp; hương phụ, chỉ xác có tác dụng lý khí hành trệ; cam thảo, sinh khương phối hợp có tác dụng hoá đàm trừ thấp, lý khí thông lạc, kiện tỳ thông kinh.
Nếu ngoan đàm bế tắc, không thấy kinh nguyệt thì gia bối mẫu, hải tảo, thạch xương bồ để nhuyễn kiên tán kết, hóa đàm khai khiếu.
Nếu đàm thấp đã hình thành, huyết trệ không hành thì gia xuyên khung, đương quy để hoạt huyết thông lạc.
Nếu tỳ hư không hóa được đàm thấp thì gia bạch truật, đảng sâm.
Nếu thấy đầy tức ngực bụng thì gia thêm uất kim, thông bạch
Khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: kinh ra sau kỳ, số lượng ít, có huyết cục, nếu nặng thấy bế kinh, không thụ thai; kèm theo tinh thần ức uất, bứt rứt, dễ cáu giận, đau tức bụng dưới, không thích xoa nắn hoặc thấy đau tức hai bên mạng sườn, căng tức tuyến vú; chất lưỡi hồng thẫm, có ban điểm huyết ứ, mạch trầm huyền sáp.
Phân tích: tinh chí nội thương hoặc do ngoại tà xâm nhập làm khí cơ uất kết, kinh mạch bị ứ trệ, ảnh hưởng đến xung nhâm gây kinh ra sau kỳ, hoặc thấy bế kinh, khó thụ thai. Tình chí làm tổn thương can, can khí uất kết nên thấy tinh thần uất ức, bứt rứt, dễ cáu giận, hai bên mạng sườn đau tức, đau tức bụng dưới. Huyết bị ứ trệ làm kinh mạch không thông gây đau mà không thích xoa nắn. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí trệ huyết ứ.
Pháp điều trị: hanh khí hoạt huyết, khứ ứ thông kinh.
Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác)
Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Xích thược 12g, Đan bì 12g, Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Diên hồ sách 10g, Cam thảo 10g, Hương phụ 10g, Chỉ xác 10g, Ngũ linh chi 10g, Ô dược 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì đương quy, xuyên khung, xích thược có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết; đào nhân, hồng hoa, diên hồ sách, ngũ linh chi, đan bì có tác dụng hoạt huyết trục ứ; hương phụ, ô dược, chỉ xác có tác dụng sơ thông khí cơ kinh mạch; cam thảo điều hòa các vị thuốc.
Bài thuốc này rất có hiệu quả trong điều trị các chứng khí trệ huyết ứ gây bế kinh, đau bụng kinh, kinh nguyệt ra ít.
Nếu sau khi dùng thuốc mà vẫn thấy có kinh thì gia ngưu tất, quyển bá, trạch lan, đại hoàng để tăng cường hành huyết thông kinh.
Nếu thấy huyết ứ, lạnh bụng dưới, chân tay không ấm thì gia quế nhục, ba kích, tiên linh tỳ.
Can kinh thấp nhiệt
Lâm sàng: kinh nguyệt đến thưa, số lượng ít, nếu nặng thấy bế kinh hoặc rối loạn chu kỳ kinh, băng lậu; kèm theo thấy lông mọc nhiều, mặt mọc mụn, trước khi ra kinh thấy căng tức hai bên mạng sườn, tuyến vú và chân tay; đại tiện phân táo, nước tiểu màu vàng, đới hạ nhiều, ngứa phần sinh dục ngoài; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng dày, mạch trầm huyền hoặc huyền sác.
Phân tích: can khí uất kết, thấp nhiệt nội thịnh làm can không điều đạt thăng phát, sơ tiết không đúng lúc gây nên rối loạn kinh nguyệt, kinh ra trước hoặc sau chu kỳ, hoặc ra rỉ rả không dứt, hoặc thấy kinh bế. Thấp nhiệt kinh can thượng nghịch lên trên gây mọc mụn ở mặt. Can kinh uất thượng nghịch lên trên gây mọc mụn ở mặt. Can kinh uất kết, không phát tán được nên thấy căng tức hai bên mạng sườn, tuyến vú và chân tay. Can nhiệt nội thịnh làm thương tân dịch nên thấy đại tiện táo bón. Thấp nhiệt đưa xuống dưới nên thấy nước tiểu vàng, ngứa phần sinh dục ngoài, đới hạ ra số lượng nhiều. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng can kinh thấp nhiệt.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, sơ can điều kinh.
Bài thuốc:
Long đởm tả can thang (Y tông kim giám)
Long đởm thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Trạch tả 12g, Mộc thông 12g, Xa tiền tử 12g, Đương quy 12g, Sài hồ 12g, Cam thảo 10g, Sinh địa 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo có tác dụng thanh tả thấp nhiệt ở can kinh nên là quân dược. Hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh tả can hỏa; mộc thông, trạch tả, xa tiền tử có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, đưa thấp nhiệt qua đường tiểu tiện ra ngoài nên các vị này đều là thần dược. Sinh địa, đương quy có tác dụng bổ huyết dưỡng can, hoãn giải các vị thuốc có tính vị đắng lạnh nên đều là tá dược. Sài hồ có tác dụng sơ can dẫn kinh, cam thảo điều hòa các vị thuốc nên đều là sứ dược. Bài thuốc này cấu tạo rong tả có bổ, thanh nhiệt giáng hỏa mà lại lợi thấp, can khí điều đạt, sơ tiết bình thường làm cho kinh nguyệt đến đúng kỳ.
Nếu táo bón thì gia đại hoàng.
Nếu đau tức ngực sườn thì gia uất kim, vương bất lưu hành.
Nếu không thấy kinh thì gia sơn tra, đan bì.
Nếu can khí uất kết, can hỏa nội thương, kinh nguyệt không hành, không rõ các triệu chứng của thấp tà thì có thể dùng bài Thanh can đạt uất thang (Trọng đính thông tục thương hàn luận)
Chi tử sao 12g, Sinh bạch thược 12g, Đương quy 12g, Sài hồ 12g, Đan bì 12g, Cam thảo 10g, Trần bì 12g, Bạc hà 12g, Cúc hoa 10g, Quất diệp tươi 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Bài thuốc trên có tác dụng sơ can uất, thanh can hỏa, thông điều kinh nguyệt.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Châm:
Huyệt chính: tam âm giao, quan nguyên.
Phối hợp với: túc tam lý, huyết hải, thận du.
Nhĩ châm: huyệt tử cung, nội tiết, buồng trứng, dưới vỏ, thần môn, giao cảm; liệu trình: mỗi lần 20 phút, ngày châm 1 lần.
Cần kết hợp với y học hiện đại để chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp: giảm cân, dùng thuốc kích thích rụng trứng, điều trị phẫu thuật như cắt góc buồng trứng, xẻ múi cam, đốt điểm buồng trứng qua nội soi …
KẾT LUẬN
Hội chứng buồng trứng đa nang là một chứng bệnh liên quan đến trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng, kết hợp với rối loạn bài tiết hormone tuyến thượng thận làm cho buồng trứng không thể phóng noãn. Triệu chứng chủ yếu trên lâm sàng là bế kinh, kinh thưa hoặc xuất huyết tử cung không có quy luật, không thụ thai, rậm lông mu, béo phì, siêu âm thấy 2 buồng trứng có nhiều nang tăng sinh.
Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền là do rối loạn sinh khắc chế hóa giữa thận – xung nhâm – tử cung. Thận hư nên thiên quý đến chậm, tỳ hư gây đàm thấp nôi sinh làm ứ trệ xung nhâm, bào mạch không thông, ứ trệ huyết vận hành gây bế kinh, kinh thưa, số lượng kinh ít hoặc rối loạn kỳ kinh.
Kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại để xác định chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com