Bài thuốc đông y trị chứng bệnh trước và sau mãn kinh
Chứng bệnh trước và sau khi mãn kinh là trong khoảng thời gian này, người phụ nữ thường hay thấy các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, cảm giác nóng bức vã mồ hôi, bứt rứt dễ cáu giận, bốc hỏa gây mặt đỏ bừng, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, mất ngủ, đau lưng, phù nề mắt, chân và tay, cảm giác kiến bò ngoài da, tâm trạng bất an … Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng này và thời gian xuất hiện là không giống nhau, ngắn thì một vài tháng, dài thì có thể vài năm.
Y học hiện đại mô tả đây thuộc hội chứng tiền mãn kinh. Nguyên nhân do suy giảm chức năng buồng trứng, sau phẫu thuật cắt 2 bên buồng trứng hoặc sau điều trị phóng xạ làm tổn thương buồng trứng …
Chẩn đoán:
Lâm sàng: tuổi thường gặp là 45 – 55, kinh nguyệt hết hoặc thấy rối loạn kinh, cảm giác nóng bức vã mồ hôi, bứt rứt dễ cáu giận, tâm trạng bất an, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, mất ngủ, đau lưng, phù nề mắt và chân tay, cảm giác kiến bò ngoài da …
Thăm khám phụ khoa: tử cung bình thường hoặc hơi nhỏ hơn so với tuổi.
Cận lâm sàng: định lượng huyết thanh thấy nồng độ FSH, LH tăng, sau khi mãn kinh thì FSH có thể tăng gấp 20 lần, LH tăng 5 – 10 lần, tỷ số FSH/LH > 1; nồng độ estradionl E2 thay đổi không còn có tính chu kỳ nữa.
Chẩn đoán phân biệt:
Khối u phần phụ: ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung giai đoạn sớm thường thấy triệu chứng ra nhiều bạch đới, đến giai đoạn muộn hơn thì thấy ra huyết âm đạo. Lúc này dễ nhầm với chứng viêm âm đạo thời kỳ mãn kinh, rối loạn kinh. Khi kiểm tra phụ khoa, nội soi âm đạo và tử cung, sinh thiết tổ chức niêm tử cung và cổ tử cung sẽ có chẩn đoán xác định.
Tăng huyết áp nguyên phát và bệnh mạch vành: giai đoạn trước sau mãn kinh thường thấy triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tức ngực, hồi hộp … nên dễ làm che đậy một số triệu chứng của bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Vì vậy, nên kiểm tra huyết áp, điện tâm đồ, siêu âm tim … sẽ giúp cho chẩn đoán.
Y học cổ truyền mô tả các triệu chứng bệnh lý này trong phạm trù chứng bệnh nội khoa như “tâm quý”, “thất miên”, “huyễn vựng”, “tạng táo”, “bách hợp bệnh”, “niên lão huyết băng”.
NGUYÊN NHÂN BỆNH SINH
Phụ nữ trước và sau mãn kinh thì thận khí dần suy, thiên quý dần kiệt, hai mạch xung nhâm hư suy làm kinh nguyệt thưa dần và hết hẳn, khả năng sinh sản giảm dần và hết. Đây là những biểu hiện thay đổi suy giảm sinh lý thường gặp ở phụ nữ. Nhưng do cơ thể mỗi người một khác, quá trình thận hư, thiên quý kiệt có liên quan chặt chẽ với công việc và hoàn cảnh công tác, làm cho mất cân bằng âm dương, khí huyết – tạng phủ không hiệp đều cho nên xuất hiện một loạt các triệu chứng của thận khí dần suy. Chứng bệnh này chủ yếu là do thận hư, có thể thiên về âm hư hoặc dương hư, đồng thời ảnh hưởng đến tâm, can, tỳ. Trong quá trình diễn biến của bệnh, do rối loạn chức năng của tạng phủ nên có thể thấy kèm theo các triệu chứng của đàm thấp, ứ huyết, khí uất.
Thận âm hư: thiên quý dần kiệt, thận âm bất túc. Bẩm tố âm hư hoặc do sinh đẻ nhiều, sinh hoạt tình dục quá độ làm huyết hao hư nên có thể thấy chứng thận âm hao hư, dương không tiềm tàng. Nếu thận thủy bất túc không hàm dưỡng được can mộc làm can thận âm hư thì dễ gây chứng can dương thượng cang. Nếu tình chí không được như ý thì có thể gây chứng khí uất, khí không đưa xuống dưới gây nên chứng huyết ứ nội trệ.
Tâm thận bất giao: tâm thuộc quân hỏa, thận chủ nguyên âm. Thận thủy bất túc nên không đưa lên tâm làm cho tâm hỏa cang thịnh, nhiệt nhiễu tâm thần, thần minh bất an, dần dần gây nên chứng tâm thận bất giao. Tâm thận bất giao, thủy và hỏa không tương tế, âm dương mất cân bằng, khí huyết – tạng phủ không hiệp điều gây nên một loạt các triệu chứng rối loạn chức năng tạng phủ.
Thận dương hư: thời kỳ mãn kinh, thận khí dần suy. Nếu bẩm tố dương hư hoặc quá lạm dụng chất mát lạnh có thể làm cho thận dương hư cấp. Tỳ là gốc của hậu thiên, không ngừng hóa sinh chất tinh của thủy cốc để nuôi dưỡng tiên thiên. Nếu mệnh môn hỏa suy, không ôn ấm được tỳ dương, hoặc do lao động quá sức làm tổn thương tỳ dương thì sẽ gây nên chứng tỳ thận dương hư. Nếu tỳ thận dương hư, khí không hóa được thủy, lâu dần làm thấp tụ thành đàm gây nên chứng bệnh đàm thấp; hoặc do dương khí hư nhược nên không hành được huyết sẽ gây nên chứng huyết nội đình.
Thận âm dương lưỡng hư: trong khoảng thời gian trước và sau khi hết kinh thì tinh huyết hao hư, thận dương dần suy, chân âm và chân dương đều bất túc nên không ôn ấm được tạng phủ, ảnh hưởng đến hóa sinh khí huyết, các hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể mất cân bằng mà gây nên một loạt các triệu chứng trên.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Thận âm hư
Lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, ù tai, cảm giác bốc nóng từng cơn lên vùng đầu mặt, vã mồ hôi, lòng bàn chân và bàn tay nóng, đau nhức lưng, đau nhức các gân cơ. Kinh nguyệt ra trước kỳ hoặc thấy ra trước – sau không định kỳ, sắc kinh hồng tươi, số lượng kinh ra có thể nhiều hoặc ít; có thể thấy da khô ráp, ngứa ngáy, khô miệng, đại tiện táo bón, nước tiểu màu vàng; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Phân tích: thận âm hư nên không đưa lên nuôi dưỡng vùng đầu mặt, não tủy nên thấy đau đầu, chóng mặt, ù tai. Âm không khống chế được làm cho hư dương đưa lên trên gây nên cảm giác bốc nóng từng cơn lên vùng đầu mặt, vã mồ hôi, lòng bàn chân và bàn tay nóng. Thận hư nên thấy đau nhức lưng và các gân cơ. Thận âm hư, xung nhâm thất điều gây nên kinh nguyệt ra trước kỳ hoặc thấy ra trước – sau không định kỳ, số lượng kinh ra có thể nhiều hoặc ít. Âm hư nên huyết táo sinh phong, gây nên chứng da khô ráp, ngứa ngoài da. Âm hư sinh nội nhiệt gây nên khô miệng, đại tiện táo bón, nước tiểu màu vàng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng âm hư.
Pháp điều trị: tư dưỡng thận âm, tăng cường tiềm dương.
Phương thuốc:
Tả quy ẩm (Cảnh Nhạc toàn thư) gia vị
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Bạch linh 10g, Cam thảo chích 10g, Hà thủ ô 12g, Quy bản 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa, kỷ tử, sơn thù, hà thủ ô có tác dụng bổ dưỡng can thận, bổ tinh huyết để tư bổ tiên thiên; hoài sơn, bạch linh, cam thảo chích có tác dụng kiện tỳ hòa trung, tư bổ hậu thiên để dưỡng tiên thiên; quy bản có tác dụng dục âm tiềm dương, bổ ích xung nhâm
Nếu thấy ngứa ngoài da nhiều thì gia thuyền thoái, phòng phong, hải đồng bì, ngọc trúc để tăng cường nhuận táo sơ phong.
Nếu thấy đau đầu, chóng mặt nhiều thì gia thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh để bình can tức phong; hoặc gia ngưu tất, tang ký sinh để dẫn huyết hạ hành.
Nếu can thận âm hư gây hai mắt khô sáp thì pháp điều trị nên dùng tư thận dưỡng can, bình can tiềm dương; bài thuốc thường dùng là Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia vị
Thục địa 10g, Sơn thù 10g, Hoài sơn 10g, Bạch linh 15g, Đan bì 12g, Kỷ tử 10g, Cúc hoa 10g, Bạch thược 15g, Hạ khô thảo 12g, Thảo quyết minh 15g, Miết giáp 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa, sơn thù, hoài sơn, kỷ tử tư dưỡng can thận âm; bạch thược có tác dụng dưỡng huyết liễm âm; cúc hoa, hạ khô thảo, thảo quyết minh, miết giáp có tác dụng bình can tư âm tiềm dương; đan bì có tác dụng lương huyết; bạch linh có tác dụng hòa trung.
Nếu đau đầu, chóng mặt nhiều thì gia thiên ma, câu đằng để tăng cường tác dụng bình can tức phong.
Tâm thận bất giao
Lâm sàng: đau lưng, chống mặt, ù tai, cảm giác nóng bừng và vã mồ hôi, hồi hộp, bứt rứt, mất ngủ, ngủ hay mê, có thể thấy tình hình tahy đổi như bất thường; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít hoặc rêu lưỡi mỏng, mạch tế sác.
Phân tích: thận hư tinh hao nên thấy đau lưng, chóng mặt, ù tai. Thận thủy không đưa lên tâm hỏa nên tâm hỏa cang thịnh, nhiệt nhiễu tâm thần gây nên hồi hộp, bứt rứt, mất ngủ, ngủ hay mê, tính tình thay đổi bất thường. Âm hư nội nhiệt nên thấy cảm giác nóng bừng và vã mồ hôi. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng tâm thận bất giao.
Pháp điều trị: tư thận ninh tâm an thần.
Phương thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) hợp Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận) gia vị
Thục địa 10g, Sơn thù 10g, Hoài sơn 10g, Bạch kinh 15g, Đan bì 12g, Trạch tả 12g, Hoàng liên 12g, Bạch thược 15g, A giao 12g, Viễn chí 10g, Liên tử tâm 10g, Mạch môn 12g, Bạch hợp 10g, Ngũ vị tử 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thục địa, sơn thù có tác dụng tư bổ thận, trấn tinh ích thủy, cố sáp tinh khí; hoài sơn, lương huyết trừ phiền; trạch tả, bạch linh có tác dụng lợi thấp tiết trọc; hoàng liên, liên tử tâm có tác dụng thanh giáng âm hỏa; a giao, bạch thược có tác dụng dưỡng huyết tư âm; mạch môn, bách hợp có tác dụng thanh tâm để an thần; viễn chí, ngũ vị tử có tác dụng giao thông tâm thận, an thần ích trí.
Nếu mất ngủ nhiều thì gia trân châu mẫu để tăng cường trấn tĩnh an thần.
Nếu tính tình thay đổi thì gia cảm thảo chích, hoài tiểu mạch (tiểu mạch đã chín, ngâm vào nước thì chìm, có tác dụng dưỡng tâm an thần), đại táo có tính vị ngọt nhuận để dưỡng tâm thần.
Thận dương hư
Lâm sàng: sắc mặt ám tối, tinh thần uể oải, người lạnh, chân tay lạnh, lưng lạnh đau, kinh ra số lượng nhiều, hoặc thấy băng trung bạo hạ, sắc kinh nhợt hoặc ám tím, có huyết cục, phù mặt, phù chân tay, ăn kém, bụng đầy, đại tiện phân lỏng nát, đi tiểu đêm nhiều lần hoặc không nhịn được tiểu, có thể thấy đới hạ chất trong loãng; chất lưỡi nhợt bệu, có ấn răng, mạch trầm tế vô lực.
Phân tích: thận dương hư tổn, mệnh môn hỏa suy nên dương khí không đưa được ra bên ngoài, kinh mạch không được ôn ấm nên thấy sắc mặt ám tối, tinh thần uể oải, người lạnh, chân tay lạnh, lưng lạnh đau. Thận dương hư nên không ôn ấm được tỳ dương, tỳ mất kiện vận gây ăn kém, đầy bụng, đại tiện phân lỏng nát. Thận hư, xung nhâm bất cố gây ra kinh số lượng nhiều hoặc thấy băng trung bạo hạ. Thận có quan hệ biểu lý với bàng quang nên khi thận hư làm rối loạn khí hóa bàng quang gây nên chứng đi tiểu nhiều lần hoặc không nhịn được tiểu, tiểu đêm nhiều lần. Chứng phù mặt, phù chân tay, biểu hiện của chất lưỡi đều là của chứng thận dương hư.
Pháp điều trị: ôn thận phù dương.
Phương thuốc: Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia vị
Nhục quế 06g, Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Đỗ trọng 12g, Sơn thù 10g, Lộc giác giao 12g, Thỏ ty tử 12g, Tiên mao 12g, Tiên linh tỳ 12g, Phúc bồn tử 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa, sơn thù, kỷ tử có tác dụng tư bổ thận âm để đạt mục đích âm trung cầu dương; lộc giác giao, thỏ ty tử, đỗ trọng, tiên mao, tiên linh tỳ (dâm dương hoắc) có tác dụng ôn thận trấn tinh; nhục quế có tác dụng ôn bổ thận dương; phúc bồn tử có tác dụng ôn thận để giảm đi tiểu.
Nếu thấy kinh ra số lượng nhiều hoặc băng trung lậu hạ thì gia lộc giác sương, xích thạch chi, bổ cốt chỉ để tăng cường ôn thận cố xung chỉ băng.
Nếu thấy lạnh và đau lưng nhiều thì gia xuyên tiêu, ba kích để ôn thận phù dương, ôn bổ đốc mạch.
Nếu tỳ thận dương hư gây ăn kém, đại tiện phân lỏng nát vào sáng sớm, mặt phù, chân tay phù thì nên dùng pháp điều trị ôn thận kiện tỳ; bài thuốc Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) hợp Lý trung hoàn (Thương hàn luận) gia vị
Nhục quế 06g, Phụ tử 06g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Sơn thù 10g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 12g, Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Cam thảo chích 10g, Can khương 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thục địa , sơn thù, kỷ tử có tác dụng tư bổ thận âm; phụ tử, nhục quế, can khương, lộc giác giao, thỏ ty tử, đỗ trọng có tác dụng ôn bổ thận dương; đảng sâm, bạch truật, hoài sơn, cam thảo chích có tác dụng kiện tỳ ích khí.
Nếu thấy đi lỏng không cầm thì dùng nước sắc phục long can thay nước để sắc thuốc nhằm tăng cường kiện tỳ ôn dương chỉ tả.
Thận âm dương lương hư
Lâm sàng: chóng mặt, ù tai, hay quên, lúc nóng lúc lạnh, gò má đỏ, ra mồ hôi, sợ gió lạnh, lưng lạnh đau; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm nhược.
Phân tích: thận âm dương đều hư, rối loạn bình hằng, thận hư tinh hao nên não tủy không được nuôi dưỡng đầy đủ gây chóng mặt, ù tai, hay quên. Âm dương bất điều, doanh vệ bất hòa nên thấy lúc nóng lúc lạnh, gò má đỏ, sợ gió lạnh, ra mồ hôi. Thận dương bất túc nên thấy lưng lạnh đau. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận âm dương lưỡng hư.
Pháp điều trị: âm dương song bổ.
Phương thuốc: Nhị chí hoàn (Y phương tập giải) hợp Nhị tiên thang (phụ sản khoa học) gia vị
Hạn liên thảo 12g, Nữ trinh tử 10g, Tiên mao 12g, Tri mẫu 12g, Hoàng bá 12g, Đương quy 12g, Hà thủ ô 12g, Sinh long cốt 15g, Sinh mẫu lệ 15g.
Các vị thuốc trên thì tiên mao, tiên linh tỳ, ba kích có tác dụng ôn thận dương, bổ thận tinh; hạn liên thảo, nữ trinh tử, hà thủ ô chế có tác dụng bổ thận dục âm; sinh long cốt, sinh mẫu lệ có tác dụng tư âm tiềm dương liễm hãn; tri mẫu, hoàng bá có tác dụng tư thận âm mà tả hư hỏa, đương quy có tác dụng dưỡng huyết nhu can để làm sung thịnh huyết hải.
Nếu đại tiện phân lỏng nát thì bỏ đương quy, gia bạch linh, bạch truật để tăng cường kiện tỳ chỉ tả.
Nếu lưng lạnh đau nhiều thì gia xuyên tiêu, tang ký sinh, đỗ trọng để tăng cường ôn thận mạnh gân gốt.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Châm: pháp bình bổ bình tả, lưu kim 20 phút, mỗi ngày một lần, liệu trình châm 6 ngày.
Huyệt chính: thận du, túc tam lý, tam âm giao.
Phối hợp huyệt: thái xung, bách hội để bổ can thận.
Nếu mất ngủ thì thêm huyệt nội quan, thần môn để trấn tĩnh an thần.
Nếu ăn xong đầy bụng thì thêm huyệt tỳ du, quan nguyên để bổ tỳ ích khí.
Thuốc thành phẩm:
Tiêu dao hoàn: mỗi lần 06g, ngày uống 2 – 3 lần.
Kỷ cúc địa hoàng hoàn: mỗi lần 9g, ngày 2 – 3 lần.
KẾT LUẬN
Chứng mãn kinh là thời kỳ đặc thù của phụ nữ, thường ở tuổi trên dưới 50. Nguyên nhân do thận khí dần suy, thiên quý dần kiệt, hai mạch xung nhâm hư suy nên thấy kinh nguyệt ra dán đoạn, các nhân tố kích thích bên ngoài cũng không thích ứng được, làm cho âm dương mất cân bằng, tạng phủ khí huyết bất điều nên thấy xuất hiện một loạt các triệu chứng đặc thù.
Khi xuất hiện thì chủ yếu thấy biểu hiện thận hư, có thể là âm hư, dương h hoặc âm dương lưỡng hư nên gây các triệu chứng không giống nhau. Ngoài ra, chứng bệnh này còn ảnh hưởng đến tâm, can, tỳ.
Trong quá trình diễn biến bệnh, do rối loạn chức năng khí huyết tạng phủ gây nên chứng đàm thấp, huyết ứ, khí uất kèm theo.
Pháp điều trị chủ yếu là ích thận ninh tâm, kết hợp biện chứng để có pháp điều trị thích hợp các chứng bệnh kèm theo. Ngoài ra, cần lưu ý đến pháp điều trị tâm lý để hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com