Bỏng là tổn thương mô tế bào do sức nhiệt, luồng điện, hóa chất, bức xạ.
Cơ chế gây bỏng do mỗi tác nhân có những đặc điểm khác nhau. Với bỏng nhiệt, mức độ tổn thương bỏng phụ thuộc vào mức nhiệt và thời gian tác động lên mô tế bào. Nếu nhiệt độ dưới 430C thì không gây tổn thương mô tế bào. Nhiệt độ 44 – 450C thì sự sống của mô tế bào bị đe dọa, nhiệt độ 46 – 470C thì mức độ tổn thương tế bào tăng lên và lượng ATP của tế bào giảm 50%, ở nhiệt độ 500C thì thấy tổn thương nguyên sinh chất, thời gian tiếp xúc ngắn có thể hồi phục. Khi nhiệt độ 60 – 700C thì mô tế bào bị hoại tử nguyên sinh chất bị đông vón, callagen bị biến mất.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Chẩn đoán diện tích tổn thương bỏng: diện tích bỏng được tính bằng tỷ lệ phần trăm vùng da bị tổn thương và tổng số diện tích da cơ thể. Diện tích bỏng càng rộng thì tiên lượng càng nặng và ngược lại.
Có nhiều cách tính diện tích bỏng dựa trên cách đo diện tích da từng phần của cơ thể và diện tích da toàn bộ cơ thể. Đối với người lớn có thể kết hợp ba phương pháp sau:
Phương pháp số 9 của Pulaski E.J, Tenison C.W và Wallace A.
Phương pháp đo diện tích bỏng bằng gan tay của bệnh nhân của tác giả Blokhin N.N và Glumov, mỗi gan bàn tay tương ứng 1 – 1,25% diện tích cơ thể.
Phương pháp dựa theo con số 1, 3, 6, 9, 18 của Lê Thế Trung.
Chẩn đoán độ sâu tổn thương bỏng: dựa trên triệu chứng lâm sàng và tiến triển của tổn thương bỏng. Có rất nhiều cách phân loại độ sâu của tổn thương bòng.
Hiện nay, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác áp dụng cách phân chia độ sâu bỏng của tác giả Lê Thế Trung (1965) chia làm hai nhóm chính (bỏng nông và bỏng sâu): bỏng nông độ I, II, III; bỏng sâu độ IV, V.
Chẩn đoán vị trí và nguyên nhân gây bỏng dựa vào khám lâm sàng.
Chẩn đoán thời kỳ và giai đoạn bỏng giựa vào thời gian và diễn biến lâm sàng.
Cận lâm sàng
Làm tất cả các xét nghiệm, công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu, chụp X quang tim phổi, cấy khuẩn dịch tiết tổn thương bỏng, cấy máu khi cần thiết… phục vụ cho điều trị và theo dõi, đánh giá và tiên lượng bệnh.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh bỏng thuộc phạm vi chứng hỏa thương hay thiêu thương.
Nguyên nhân bệnh sinh
Nguyên nhân gây bỏng do nước sôi, lửa làm cháy nát da thịt và làm cho khí trệ huyết ứ, thấp nhiệt, khí huyết lưỡng hư. Trong cuốn “Nội kinh. Cơ bệnh” có nêu: bỏng do ngoại nhân nhưng không phải chỉ là bệnh tại chỗ mà còn liên quan đến sự thịnh suy của khí huyết và công năng tạng phủ. Vì thế, khi biện chứng luận trị cần quan tâm đến khí huyết và chức năng tạng phủ, phân biệt hư và thực, tại chỗ ảnh hưởng đến toàn thân và các cơ quan tạng phủ khác.
Tuệ Tĩnh cho rằng bỏng là do nước sôi, lửa làm cháy nát da thịt, đau xót, nóng rát khó chịu nên khi chữa cần ngăn không cho nhiệt độc vào sâu làm tổn hại đến gân cốt.
Hải Thượng Lãn Ông cho rằng những trường hợp bỏng bên ngoài rộng, khí huyết bên trong cũng bị tổn thương nhiều, bệnh kéo dài làm cho khí huyết đại suy, khí huyết ngưng trệ, huyết không ra nuôi dưỡng da thịt làm da thịt hoại tử. Mặt khác, ứ trệ thấp độc kết hợp, ấp ủ lâu ngày mà hóa nhiệt, nhiệt độc gây hoại tử, gây loét, khí huyết đại suy kiệt dẫn đến loét lâu liền.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Căn cứ vào nguyên nhân gây ra bỏng, diện tích tổn thương bỏng, độ sâu tổn thương bỏng, vị trí tổn thương bỏng, thể trạng của bệnh nhân, diễn biến lâm sàng từng thời kỳ của bỏng để biện chứng hư hay thực, hàn hay nhiệt, biểu hay lý, âm hay dưỡng và đưa ra phương pháp điều trị cho phù hợp.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị toàn diện, kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân, kết hợp thuốc uống và thuốc dùng ngoài. Thuốc uống thường sử dụng pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống, thanh nhiệt táo nhấp, thanh nhiệt lương huyết, bài nùng, ích khí dưỡng âm sinh cơ. Thuốc dùng ngoài chủ yếu là rửa, thuốc đắp dạng hồ hay cao mềm hoặc thuốc bột nhằm mục đích thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, khứ mủ, bài nùng sinh cơ để tạo điều kiện cho vết bỏng nhanh liền.
Tùy theo giai đoạn và thời kỳ của bỏng để kết hợp điều trị bằng y học hiện đại và y học cổ truyền.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.ÂM HƯ DƯƠNG THOÁT
Lâm sàng: tại chỗ thoát huyết tương thành nốt phồng hoặc hoại tử sâu, bứt rứt, đái ít, bí đái, tinh thần hoảng hốt, thở nhanh nông, sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh, huyết áp hạ, rêu lưỡi khô, mạch vi tế có khí muốn tuyệt.
Thể này tương ứng với thời kỳ sốc bỏng nên phải điều trị y học hiện đại, có thể kết hợp điều trị y học cổ truyền.
Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, hồi dương cố thoát.
Bài thuốc: Sâm phụ thang phối hợp Sinh mạch tán gia giảm.
Nhân sâm 20g, Phụ tử chế 08g, Mạch môn 15g, Ngũ vị tử 08g, Huyền sâm 15g, Sinh địa 15g, Chích cam thảo 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, phụ tử chế, ngũ vị tử, chích cam thảo có tác dụng bổ nguyên khí, hồi dương cố thoát. Mạch môn, sinh địa, huyền sâm có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt.
Nếu tại chỗ nhiễm trùng nặng thì dùng bài Hoàng liên giải độc thang (hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, chi tử) để thanh nhiệt giải độc.
Huyết nhiệt nặng thì phối hợp với bài Tế giác địa hoàng thang (tê giác, đan bì, bạch thược, sinh địa) để thanh nhiệt lương huyết.
2.TÀ NHIỆT THƯƠNG ÂM
Lâm sàng: nhiễm trùng nhẹ tại chỗ, sốt, mặt đỏ, khát nước, chán ăn, nước tiểu ít, màu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch trầm sác.
Thể này tương ứng với thời kỳ đầu của bỏng, bệnh nhân không có sốc bỏng.
Pháp điều trị: tư âm thanh nhiệt.
Bài thuốc: Đại bổ âm thang phối hợp Thanh doanh thang.
Tê giác 04g, Sinh địa 15g, Huyền sâm 15g, Trúc diệp 12g, Đan sâm 15g, Kim ngân hoa 20g, Liên kiều 15g, Quy bản 15g, Hoàng bá 12g, Tri mẫu 10g, Sinh cam thảo 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì quy bản có tác dụng tư âm. Tê giác (có thể thay bằng thủy ngưu giác 20g), sinh địa, huyền sâm có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, sinh tân trừ phiền. Trúc diệp, tri mẫu để thanh nhiệt tả hỏa, ngăn ngừa nhiệt thịnh. Kim ngân hoa, liên kiều có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Cam thảo có tác dụng giải độc, điều hòa tính dược.
Nếu sốt cao thì gia thạch cao 20g, tăng liều tri mẫu 15g, trúc diệp 15g.
3.HỎA CỰC THỊNH
Lâm sàng: vết bỏng nhiễm trùng nặng, chảy nước vàng, dịch mủ nhiều, sốt cao, rét run, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, bứt rứt, bụng trướng, nước tiểu ít có khi vô niệu, có thể nhiệt nhập tâm bào gây hôn mê, co giật, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dày bẩn, mạch vi tế sác.
Thể này tương ứng với thời kỳ nhiễm trùng nhiễm độc của bỏng, có thể nhiễm khuẩn huyết nên phải điều tri bằng y học hiện đại và có thể kết hợp điều trị y học cổ truyền.
Pháp điều trị: thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết giải độc.
Bài thuốc: Thanh ôn bại độc ẩm.
Thạch cao 40g, Sinh địa 15g, Sinh cảm thảo 12g, Hoàng liên 12g, Chi tử 12g, Cát cánh 12g, Hoàng cầm 12g, Tri mẫu 15g, Xích thược 12g,Huyền sâm 15g, Liên kiều 12g, Sinh trúc diệp 08g, Đan bì 12g, Tê giác 02g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì thạch cao, tri mẫu, sinh trúc diệp, chi tử có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa. Tê giác (thay bằng thủy ngưu giác 20g) sinh địa, huyền sâm, đan bì có tác dụng thanh nhiệt ở doanh huyết, lương huyết. Hoàng liên có tác dụng tả hỏa và khi phối hợp với hoàng cầm thì tăng tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Liên kiều có tác dụng giải độc. Cam thảo có tác dụng giải độc và phối hợp với cát cánh để điều hòa dẫn thuốc.
Nếu sốt cao, nhiệt nhập tâm bào gây hôn mê co giật thì có thể dùng viên An cung ngưu hoàng hoàn, mỗi viên 03g, uống mỗi lần 01 viên, ngày 02 lần hoặc dùng viên Chí bảo đan, mỗi viên 03g, uống mỗi lần 01 viên, ngày 02 lần hoặc dùng viên Chí bảo đan, mỗi viên 03g, uống mỗi lần 01 viên, ngày 02 lần phối hợp với viên Tử tuyết đan, mỗi lọ 1,5g, uống mỗi lần 01 – 02 lọ, ngày 02 lần.
4.KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: mệt mỏi, tinh thần lo lắng, ăn uống kém, thở nhanh nông, thể trạng gầy yếu, da xanh, niêm mạc nhợt. Tại chỗ tổn thương bỏng đang ở giai đoạn liền vết thương hoặc vết thương đã liền sẹo.
Thể này tương ứng với thời kỳ suy mòn bỏng và thời kỳ hồi phục của bỏng.
Pháp điều trị: bổ khí huyết.
Bài thuốc: Thập toàn đại bổ thang.
Nhân sâm 15g, Bạch truật 15g, Bạch linh 15g, Cam thảo 08g, Thục địa 15g, Bạch thược 15g, Xuyên khung 08g, Đương quy 15g, Hoàng kỳ 20g, Nhục quế 04g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên gồm có bài Tứ quân tử thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo) có tác dụng bổ khí và bài Tứ vật thang (xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược) có tác dụng bổ huyết. Hoàng kỳ, nhục quế để tăng tác dụng ôn bổ khí huyết.
Nếu thiên về nhiệt thì bỏ nhục quế, thiên về hàn thì tăng liều nhục quế 08g. Nếu có biểu hiện âm hư thì gia thêm mạch môn 15g, sa sâm 12g, kỷ tử 12g để dưỡng âm sinh tân.
Nếu mất ngủ, vật vả thì gia toan táo nhân 12g, bá tử nhân 12g để dưỡng tâm an thần.
Tại chỗ bỏng ngứa nhiều thì gia phòng phong 12g, địa phu tử 12g, hà thủ ô đỏ 20g.
ĐIỀU TRỊ TẠI CHỖ TỔN THƯƠNG BỎNG
Việc điều trị tại chỗ nên kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.
Dưới đây giới thiệu một số thuốc y học cổ truyền dùng trong điều trị tại chỗ tổn thương bỏng:
Cao mỡ vàng có tác dụng tốt với bỏng và vết loét lâu liền.
Cao sến có tác dụng tốt với bỏng sâu và vết loét lâu liền.
Gel plumbgin 0,02% (chiết ừ cây bạch hoa xà) có tác dụng làm sạch vết thương, ức chế vi khuẩn và nhanh liền vết thương.
Cream alocasia 2% (flaconoid từ củ ráy) có tác dụng kháng khuẩn, kích thích biểu mô, liền vết bỏng.
Cream samderan 2% (chiết xuất từ cây xuân hoa và cây tiếp cốt thảo) có tác dụng làm sạch vết thương, ức chế vi khuẩn, nhanh liền vết thương.
Ngoài ra, còn rất nhiều cây thuốc và bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng tốt trong điều trị tổn thương bỏng như lá mỏ quạ, tinh dầu tràm, cây bạch đồng nữ, cây cỏ lào, hồ thanh đại, củ nghệ…
Theo Hải Thượng y tông tâm lĩnh – Hành giảm chân như. Quyển 57:
Bị phỏng nước sôi phỏng lửa:
Dùng đất sét và phèn chua, tán nhỏ, trộn với dấm mà đắp vào sẽ khỏi đau.
Phương khác: đại hoàng, cam thảo, mài với mật ong mà bôi, chẳng những khỏi đau mà còn làm lành vết thẹo thần hiệu.
Bị bỏng vì dầu sôi, lửa, đau nhức dữ:
Thạch cao tán nhỏ, trộn với mật ong mà bôi.
Bị phỏng nước sôi hoặc phỏng lửa, sưng đau:
Bạch cập với vôi tán nhỏ trộn dầu dừa mà bôi.
Bị phỏng lửa nước sôi rát đau sưng đỏ lở loét:
Dùng bài thuốc sau đây sẽ sinh được dạ non, giải được nhiệt độc, khỏi đau đớn: đương quy 01 lạng cho vào 04 lạng dầu mè, nấu đến khi đương quy biến màu đen, lọc bỏ bã rối cho sáp ong vào đúc thành cao để tán.
KẾT LUẬN
Bỏng là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, điều trị không đúng sẽ để lại di chứng nặng nề về sức khỏe cũng như thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe lao động của người bị bỏng, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
Hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tai nạn bỏng trở thành chương trình quốc gia. Công tác điều trị bỏng tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã đạt được nhiều thành tựu với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến củ y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền nên đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, bỏng sâu diện tích lớn, giảm thiểu di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức lao động cũng như kinh tế xã hội.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com