Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH XUẤT HUYẾT DO GIẢM TIỂU CẦU

Bài thuốc đông y trị bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu

Xuất huyết do giảm tiểu cầu (idiopathic thrombocytopenic purpura: ITP) là bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu mang tính tự miễn; biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết rộng rãi tại da, niêm mạc và nội tạng; giảm số lượng và thời gian sống của tiểu cầu ở mạch máu ngoại vi, xuất hiện kháng thể tự thân kháng glucoprotein màng tiểu cầu, đồng thời liên quan đến sự trở ngại quá trình trường thành tế bào nhân lớn của tủy xương.

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh thường gặp, tỷ lệ phát bệnh chiếm 5-10/100000 dân, tỳ lệ mắc bệnh có xu thế tăng cao ở tuổi 65 tuổi trở lên. Trên lâm sàng có thể phân thành thể cấp tính và thể mạn tính. Thể cấp tính thường hay gặp ở lứa tuổi nhi đồng, thể mạn tính hay gặp ở người lớn tuổi, tỷ lệ nam nữ tương đương. Trong thời kỳ phát dục, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ thường cao hơn ở nam.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ITP cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình hình thành và phát bệnh liên quan chủ yếu đến những yếu tố sau:

Cảm nhiễm: nhiễm khuẩn và nhiễm virus có liên quan mật thiết với ITP. Bệnh nhân ITP cấp tính, khoảng 2 tuần trước khi phát bệnh thường có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp trên, bệnh mạn tính khi có cảm nhiễm thường tăng nặng.

Yếu tố miễn dịch: đem huyết thanh của bệnh nhân ITP truyền cho người khỏe mạnh có thể gây giảm nhất thời số lượng tiểu cầu. 50-70% số bệnh nhân ITP trong huyết thanh có kháng thể kháng glucoprotein màng tiểu cầu. Hiện nay, người ta cho rằng cơ chế bệnh sinh chủ yếu của ITP là do hệ thống đại thực bào đơn nhân lớn tăng cường nuốt phức bộ gắn kết giữa men kháng thể tự nhân gắn với tiểu cầu làm cho số lượng tiểu cầu giảm đi nhanh chóng.

Lách: là nơi chủ yếu sản sinh ra kháng thể tự thân và cũng là nơi phá hủy tiểu cầu.

Các nguyên nhân khác: hormon androgen có khả năng ức chế sự hình thành tiểu cầu và kích thích tác dụng nuốt của đại thực bào đối với phức bộ kháng thể tiểu cầu.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Thể cấp tính: hơn nửa số bệnh nhân gặp ở tuổi nhi đồng với biểu hiện:

Khởi phát: đa số thường phát bệnh sau 1-2 tuần bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, đặc biệt là nhiễm virus, khởi phát cấp tính; một số bệnh nhân có biểu hiện sợ lạnh, rùng mình, phát sốt.

Xuất huyết:

Xuất huyết dưới da và niêm mạc thành từng điểm hoặc ban, thậm chí thành màng, đôi khi hình thành bọc máu nhỏ, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết niêm mạc miệng là biểu hiện thường gặp.

Xuất huyết nội tạng: khi tiểu cầu giảm xuống dưới 20 x 109/l có thể gây xuất huyết nội tạng, biểu hiện như nôn ra máu, đại tiện phân đen, khạc ra máu, đi tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo… Nếu có xuất huyết nội so sẽ gây đau đầu dữ đội, rối loạn ý thức, liệt và co giật là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong.

Các biểu hiện khác: xuất huyết quá nhiều có thể dẫn đến thiếu máu, hạ huyết áp và choáng.

Thể mạn tính: thường gặp ở người trường thành.

Khởi phát thường âm thầm, đôi khi phát hiện bệnh khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Xuất huyết: thường nhẹ và cục bộ nhưng hay tái phát. Thường biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc thành từng điểm hoặc ban ở miệng, vết thương chảy máu không cầm; cũng có thể chảy máu mũi, chảy máu chân răng; nặng có thể gây xuất huyết nội tạng nhưng hiếm gặp. Bệnh thường nặng lên khi có bội nhiễm.

Biểu hiện khác: phụ nữa thấy kinh nguyệt số lượng nhiều và kéo dài. Bệnh kéo dài trên nửa năm thường xuất hiện lách to.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm tiểu cầu: số lượng giảm, thể tích tăng.

Thời gian đông máu kéo dài.

Chức năng tiểu cầu đa số bình thường.

Thể cấp tính: làm tủy đồ thấy tế bào đơn nhân lớn thường tăng nhẹ; hoặc bình thường, thể mạn tính khi làm tủy đồ tế bào đơn thuần rõ rệt. Đại thực bào đơn nhân thể tích thường nhỏ, ty lạp thể trong bào tương nhỏ, hồng cầu và bạch cầu bình thường.

Thời gian sống của tiểu cầu rút ngắn rõ rệt.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Có biểu hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc và nội tạng.

Xét nghiệm nhiều làn có giảm số lượng tiểu cầu.

Lách không to.

Đại thực bào hoặc bình thường.

Loại trừ các nguyên nhân tiểu cầu thứ phát.

Chẩn đoán phân biệt

Các bệnh gây giảm tiểu cầu thứ phát như suy giảm chức năng cơ quan tạo máu, cường chức năng lách, MIDS, bệnh bạch cầu, SLE, giảm tiểu cầu miễn dịch do thuốc.

Xuất huyết quá mãn.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu (hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào khác) thuộc chứng xuất huyết.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Do lục dâm: nguyên nhân ngoại cảm (phong, nhiệt, táo) tổn thương đến huyết phận, nhiệt bức huyết vong hành làm huyết tràn ra khỏi lòng mạch hoặc huyết trào ngược lên thanh khiếu gây nên chảy máu mũi, xuất huyết ở cơ nhục…

Do thất tình: giận dữ thái quá sẽ tổn thương đến can làm cho rối loạn chức năng tăng huyết; tình chí uất kết, khí uất hóa hỏa, tư lự quá độ làm tổn thương đến tỳ làm cho tỳ không thống nhiếp được huyết dịch hoặc hư hỏa vọng động đều có thể gây nên xuất huyết.

Do ăn uống không đều độ: ăn quá nhiều chất cay, táo làm cho nhiệt uẩn ở vị, bức huyết vong hành gây nên chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Do lao động quá sức: làm tổn thương đến tỳ khí, tỳ không thống được huyết, khí không nhiếp được huyết nên huyết không quy được về nguồn mà tràn ra ngoài gây xuất huyết hoặc thượng nghịch lên trên gây chảy máu mũi, nôn ra máu hoặc xuất ra ngoài gây xuất huyết.

Ứ huyết ở bên trong: huyết ứ gây lên mạch lạc tắc trở, lưu hành không thông làm huyết không tuần hành theo kinh mạch, tràn ra ngoài gây xuất huyết. Nếu tình trạng xuất huyết ứ không được điều trị thì xuất huyết cũng khó cầm.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Khi biện chứng bệnh xuất huyết cần phân biệt rõ bản chất bệnh thuộc hư hay thực; do tổn thương khí hay huyết, hay do ứ trệ. Khi biện chứng, người thầy thuốc cần phải xem màu sắc của ban điểm xuất huyết, số lượng nhiều hay ít, khởi phát cấp tính hay mạn tính, xuất huyết cục bộ hay toàn thân để tiến hành phân tích.

Bệnh thuộc thực nhiệt: xuất huyết màu đỏ tươi, số lượng nhiều, thể bệnh cấp tính, chủ yếu xuất huyết ở phía trên và thường kèm theo có biểu hiện của nhiệt chứng (rêu lưỡi vàng, mạch sác có lực), sau khi uống chế được xuất huyết thì ít khi tái phát.

Bệnh thuộc hư chứng: xuất huyết số lượng thường ít, thể bệnh hòa hoãn, âm thấm, thường xuất huyết ở phía dưỡi và rất hay tái phát.

Nếu xuất huyết do âm hư hỏa nhiệt thì thường kèm theo các biểu hiện của âm hư (sốt nhẹ, ngũ tâm phiền nhiệt, hai gò má đỏ, đạo hãn, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác…)

Nếu xuất huyết do khí hư thì máu ra thường có màu hồng nhạt, kèm theo có mệt mỏi, tự hãn, mặt trắng, người lạnh, sợ lạnh, đại tiện phân loãng, chất lưỡi nhợt bè, mạch tế vô lực.

Nếu xuất huyết do ứ huyết thì máu ra thường có màu tím đen hoặc có máu cục, ngoài da có ban tím, sắc mặt ám tím, chất lưỡi ám tím.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị cơ bản là phải chỉ huyết và tùy từng nguyên nhân gây xuất huyết để lựa chọn các thuốc chỉ huyết cho phù hợp. Ví dụ: xuất hiện do nhiệt thì phải dùng các thuốc thanh nhiệt lương huyết chỉ huyết, nên xuất huyết do ứ huyết thì phải dùng các vị thuốc hoạt huyết chỉ huyết….

Ngoài ra, nếu có hư chứng thì cần kết hợp với các thuốc bổ hư để tăng cường hiệu quả cầm máu.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.HUYẾT NHIỆT VONG HÀNH

Triệu chứng: phát bệnh cấp tính, thời kỳ đầu có biểu hiện lúc sốt lúc rét; ban xuất huyết dưới da thường có màu đỏ thẫm, lượng nhiều hoặc tụ lại thành mảng; thường có chảy máu mũi, chảy máu chân răng mức độ nhẹ, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều; bệnh nặng có thể đái ra máu hoặc xuất huyết tiêu hóa, vị trí xuất huyết thường xuất huyết ở phía trên cơ thể, máu ra màu đỏ tươi và thường kèm theo khát nước; buồn nôn, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng khô, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết.

Bài thuốc: Tê giác địa hoàng thang (Bị cấp thiên kim yếu phương) gia vị.

Tê giác  03g, Sinh địa  15g, Xích thược  12g, Đan bì  10g, Huyền sâm  15g, Từ thảo  15g, Đại thanh diệp  15 lát, Tiên hạc thảo  15g, Bạch mao căn  15g.

Bài thuốc trên có thể thay tê giác bằng bột sừng trâu 30g, sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì tê giác nhập thẳng vào huyết phận, có tác dụng thanh tâm lương huyết giải độc làm cho nhiệt được thanh giải và huyết được yên. Huyền sâm, sinh địa có tác dụng thanh nhiệt lương huyết tư âm, vừa trợ giúp tê giác thanh nhiệt ở huyết phận, vừa có tác dụng khôi phục âm huyết tổn thương, lại kiêm có tác dụng chỉ huyết. Xích thược, đan bì, đại thanh diệp có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết tán ứ. Từ thảo, tiên hạc thảo, bạch mao căn để lương huyết chỉ huyết.

Nếu xuất huyết nặng thì gia ngẫu tiết 15g, địa du 15g để tăng cường tác dụng chỉ huyết.

Nếu xuất huyết số lượng lớn, kèm theo mạch vi tế, sắc mặt nhợt nhạt, tứ chi lạnh ngắt, mồ hôi chảy ra từng giọt là biểu hiện của khí theo huyết thoát thì khẩn cấp phối hợp y học hiện đại để điều trị, có thể kết hợp dùng bài Độc sâm thang để ích khí cố thoát.

Nếu khát nước, thích uống nước, chảy mồ hôi, mạch hồng đại (thuộc chứng vị nhiệt tích thịnh) thì gia thạch cao 30g, tri mẫu 12g để thanh vị nhiệt.

Nếu buồn bực, dễ tức giận, đại tiện phân khô cứng và khó đi, rêu lưỡi vàng khô, mạch trầm thực (thuộc về dương minh phủ chứng) thì gia đại hoàng 10g để thông phủ.

2.ÂM HƯ NỘI NHIỆT

Triệu chứng: ban xuất huyết ngoài da thường tản mát, màu sắc đỏ tím, thường xuất hiện ở chân, lúc có lúc không; thường có chảy mũi, chảy máu chân rằng mức độ nhẹ, phụ nữ kinh nguyệt lượng nhiều; kèm theo có đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, sốt nhẹ, ra mồ hôi trộm, lòng bàn chân và tay nóng, chất lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư âm lương huyết, thanh nhiệt chỉ huyết.

Bài thuốc: Đại bổ âm hoàn (Đan khê tâm pháp) gia giảm.

Thục địa  15g, Quy bản  10g, Tri mẫu  10g, Hoàng bá  10g, Khiếm thảo  15g, Trắc bá diệp  15g, Hạn liên thảo  15g, Nữ trinh tử  12g, A giao  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng ích tủy điều tinh. Quy bản vừa bổ tinh huyết, lại vừa tiềm dương. Hai vị này phối hợp có tác dụng đại bổ chân âm, tráng thủy chế hỏa. Hoàng bá, tri mẫu có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, tư thủy lương kim để trị tiêu. Khiếm thảo, trắc bá diệp, a giao, hạn liên thảo có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết. Nữ trinh tử để tăng cường tác dụng bổ âm.

Nếu có biểu hiện sốt từng cơn, nóng nhức trong xương thì gia địa cốt bì 12g, ngân sài hồ 12g để thoái nhiệt tiêu trung.

Nếu ho ra máu, khạc ra máu số lượng nhiều thì gia hạn liên thảo 15g, bạch mao căn 20g để lương huyết chỉ huyết.

3.TỲ THẬN LƯỠNG HƯ

Triệu chứng: ban xuất huyết thường có màu xanh nhạt và không rõ, xuất huyết nhiều và xu thế xuất huyết phía dưới như đại tiện ra máu, kinh nguyệt số lượng nhiều, tái phát từng đợt, khi cơ thể suy nhược thì tăng lên; ngoài ra còn có biểu hiện sắc mặt vàng, tinh thần mệt mỏi, váng dầu, không muốn ăn uống; chất lưỡi nhợt, mạch nhu hoàn.

Pháp điều trị: kiện tỳ bổ thận, dẫn huyết quy nguyên.

Bài thuốc: Quy tỳ thang (Chính thể loại yếu) phối hợp với Lục vị địa hoàng thang (Tiểu nhi dược chứng chân quyết) gia giảm.

Đảng sâm  12g, Hoàng kỳ  20g, Bạch truật  15g, Phục linh  12g, Đương quy  15g, Bạch thược  10g, Thục địa  15g, Đan bì  10g, Nữ trinh tử  10g, Hoài sơn  15g, Cam thảo  05g, Hạn liên thảo  15g, Tiên hạc thảo  12g, Đại táo  03 quả.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài Quy tỳ thang (đảng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, phục linh, đương quy, cam thảo…) có tác dụng điều trị chứng tâm tỳ khí huyết lưỡng hư mà chủ yếu là tỳ hư không có khả năng thống nhiếp huyết dịch gây nên chứng xuất huyết. Bài thuốc Lục vị địa hoàng thang (thục địa, hoài sơn, đan bì…) chủ yếu có tác dụng bổ thận âm. Hai bài thuốc trên phối hợp có tác dụng kiện tỳ ích thận, dẫn huyết về nguồn do đó mà có tác dụng chống xuất huyết.

Nếu bị bệnh lâu ngày, có biểu hiện của tỳ thận dương hư thì gia thêm phụ tử 06g, tiên linh tỳ 10g, ba kích 12g để tăng cường tác dụng bổ dương.

4.Ứ HUYẾT NỘI TRỞ

Triệu chứng: xuất huyết dưới da và cơ, màu sắc xanh tím, có khạc ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu màu sắc tím đen, phụ nữ hành kinh ra máu có cục; lông tóc khô, dễ gãy, sắc mặt tối, dưới mi mắt có quầng thâm, chất lưỡi ám tím hoặc có ban điểm ứ huyết, mạch tế hoặc huyền.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, chỉ huyết.

Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang (Ngọc cơ vi nghĩa) gia giảm.

Đương quy  15g, Hồng hoa  10g, Thục địa  15g, Xích thược  12g, Kê huyết đằng  15g, Ngưu tất  15g, Tiên hạc thảo  15g, Xuyên khung  10g, Khiếm thảo  15g, Tam thất  05g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, xích thược, thục địa, xuyên khung có tác dụng bổ huyết hoạt huyết. Trong bài thuốc này thì dùng xích thược thay bạch thược để tăng cường tác dụng hoạt huyết; kết hợp với hồng hoa, kê huyết đằng, ngưu tất có tác dụng hoạt huyết làm cho huyết hết ứ trở. Khiếm thảo, tiên hạc thảo, tam thất có tác dụng hoạt huyết chỉ huyết làm cho huyết không xuất ra khỏi lòng mạch.

Hoặc có thể dùng bài Huyết phủ trọc ứ thang gia giảm.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Châm

Thể châm: mỗi lần chọn 6 – 7 huyệt, châm ngày 01 lần, khi châm nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệu quả.

Chi trên: Ngoại quan, Hợp cốc, Thần môn, Đại lăng, Bát tà.

Chi dưới: Tam âm giao, Giải khê, Thái xung, Huyền chung, Lâm khấp, Chiếu hải, Bát phong.

Nhĩ châm: châm các điểm ngón tay, ngón chân, giao cảm, tuyến thượng thận.

Thủy châm

Chọn huyệt: Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Hợp cốc, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tam âm giao, Huyền chung.

Phương pháp: mỗi lần tùy vị trí bệnh chọn 2 – 4 huyệt, thay nhau sử dụng. Thuốc thủy châm dùng vitamin B12, mỗi huyệt thủy châm 01ml, ngày 01 lần.

Tham khảo cách thủy châm của Trung Quốc: dùng bơm tiê, 10ml lấy 02ml dịch đan sâm và 02ml dịch đương quy với 02-04ml dung dịch đường glucose 10% để thủy châm, mỗi ngày thủy châm 01 lần, 10 ngày là một liệu trình.

KẾT LUẬN

Bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu (ITP) là bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu mang tính tự miễn; biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết rộng rãi tại da, niêm mạc và nội tạng do giảm số lượng và thời gian sống của tiểu cầu ở mạch máu ngoại vi, đồng thời liên quan đến sự trở ngại quá trình trưởng thành tế bào nhân lớn của tủy xương.

Điều trị bằng thuốc y học hiện đại còn gặp nhiều khó khăn do không có thuốc đặc hiệu.

Những năm gần đây, có rất nhiều công trình nghiên cứu dùng thuốc y học cổ truyền điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Các nghiên cứu này đã đi sâu vào cơ chế điều tiết miễn dịch của cơ thể (mà chủ yếu là bổ khí huyết, kiện tỳ thận) kết hợp với các thuốc thanh nhiệt lương huyết chỉ huyết đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Việc kết hợp y cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu cũng đang là xu hướng được nhiều thầy thuốc quan tâm, nghiên cứu.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *