Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH XƠ CỨNG BÌ HỆ THỐNG

Bài thuốc đông y trị bệnh xơ cứng bì hệ thống

Xơ cứng bì hệ thống là bệnh của tổ chức liên kết toàn thân; có đặc điểm tổn thương da, các màng, động mạch ở bàn tay và bàn chân tiến triển xơ hóa; tổn thương nội tạng như thực quản, đại tràng, phổi, tim, thận và tuyến giáp trạng với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Bệnh nặng thì toàn bộ da bị xơ hóa và dày tiến triển nhanh, tổn thương nhiều nội tạng và gây tử vong. Bệnh nhẹ chỉ khu trú ở bàn tay hoặc ở mặt, tiến triển kéo dài mới dẫn đến tổn thương nội tạng.

Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh còn chưa rõ ràng, chủ yếu là cơ chế tự miễn dịch. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở độ tuổi 20 – 50.

Tỷ lệ mắc bệnh ở Mỹ là 2,7/1.000.000 dân. Ở Trung Quốc khoảng 5 -10/10.000 dân. Nữ mắc nhiều hơn nam (tỷ lệ khoảng 3 – 11/1). Nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Dựa theo tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp Mỹ năm 1998.

Tiêu chuẩn chính: da bàn tay và các khớp ngón bàn dày lên và xơ cứng, tổn thương này có thể xảy ra ở toàn bộ chi thể, vùng mặt, cổ, ngực, bụng.

Tiêu chuẩn phụ:

Da dày và xơ cứng chỉ giới hạn ở bàn tay.

Sẹo nhỏ đầu ngón tay và mất tổ chức dưới da đầu ngón tay.

Xơ phổi ở nền hai đáy phổi.

Khi có một tiêu chuẩn chính và hai tiêu chuẩn phụ thì chẩn đoán xác định xơ cứng bì hệ thống. Nhược điểm của tiêu chuẩn này là chẩn đoán.

Để khắc phục nhược điểm này, hiện nay dựa theo tiêu chuẩn châu Âu và Canada năm 2004:

Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp thấy lắng đọng IgG, kháng thể kháng DNA dương tính, kháng thể kháng Sel (systmic sclerosis) dương tính.

Xơ hóa ở nền hai đáy phổi.

Khớp ngón tay co quắp hoặc có dấu hiệu Prayer: hạn chế vận động khớp ngón tay hoặc ngón tay không thể đối chiếu.

Da dày lên và xơ hóa.

Da calci hóa.

Có hội chứng Raynaud.

Giảm vận động thực quản, viêm thực quản trào ngược.

Xơ cứng và dày da ở các ngón tay.

Giãn mao mạch đầu chi.

Khi có tối thiểu ba tiêu chuẩn thì chẩn đoán xác định xơ cứng bì hệ thống.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu, sinh hóa, nước tiểu, chụp X quang tim phổi, siêu âm tim, điện tim, chức năng hô hấp, chụp X quang thực quản – da dày, xét nghiệm kháng thể kháng DNA, kháng thể kháng Scl 70, sinh thiết da.

Chẩn đoán phân biệt

Các bệnh hề thống khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ.

Bệnh phù cứng ở người trưởng thành.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, căn cứ vào đặc điểm lâm sàng thì bệnh xơ cứng bì hệ thống thuộc phạm trù chứng bì tê bệnh hoặc bì tê thư bệnh.

Nguyên nhân bệnh sinh

Bệnh khởi phát từ từ, tiến triển kéo dài, có những đợt tiến triển cấp. Bệnh do chính khí suy nên tà khí thừa cơ xâm nhập bì phu, trở trệ mạch lạc, làm rối loạn chức năng của tâm, phế, vị, thực quản, thận và nhiều tạng phủ khác.

Chính khí hư tà khí xâm nhập: tiên thiên bất túc, tỳ thận khí huyết hư, tỳ thận dương hư làm vệ ngoại bất cố, tấu lý sơ hở nên phong, hàn, thấp thừa cơ xâm nhập, ngưng trệ ở tấu lý bì phu và cơ nhục làm vận động bất lợi. Bệnh tà lâu ngày xâm nhập kinh lạc làm lạc mạch bế trở, huyết ứ không thông, cơ phu không được nuôi dưỡng, tạng phủ thất điều.

Huyết ứ: trong cuốn “Cảnh Nhạc toàn thư” có nêu khí huyết suy bị tà khí làm cho bế trở gây chứng bì tê; trong sách “ Tố vấn. Ngũ tạng sinh thành” nêu huyết thành bị ứ trệ, huyết ngưng ở bì phu gây chứng bì tê.

Thất tình và mệt mỏi: mệt mỏi quá độ, tinh thần thương tổn làm phát bệnh bì tê và làm cho bệnh tiến triển; khí suy, ngoại tà bế trở kinh lạc, tình chí uất kết, khí cơ không thông, khí trệ huyết ứ làm bệnh tiến triển ngày càng nặng.

Nhiệt độc: chính khí suy, ngoại cảm phong nhiệt hoặc huyết ứ đàm trệ lâu ngày hóa nhiệt làm hao tổn tân dịch, huyêt sáp ngưng trệ. Cơ phu thất dưỡng làm da cứng, sắc đen, tạng phủ thiếu máu dẫn đến bì tê, ngoại cảm phát sốt làm bệnh sẽ nặng hơn.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Bệnh xơ cứng bì hệ thống thuộc bản hư tiêu thực. Trong đó, bản hư là khí huyết hư, tỳ thận dương hư; tiêu thực tức huyết ứ. Chính khí suy nhược, tà khí (phong, hàn, thấp) thừa cơ xâm nhập, ngưng ở tấu lý, trở trệ mạch lạc gây nên bệnh. Giai đoạn đầu, khí huyết không thông, dinh vệ bất hòa, tấu lý thất dưỡng, ứ lâu hóa nhiệt; có thể kèm theo sốt, đau khớp, ngón chân và ngón tay có thể hoại tử loét. Bệnh kéo dài làm tà khí nhập vào tạng phủ gây rối loạn chức năng tạng phủ. Giai đoạn muộn, khí huyết hư tổn, bì phu thất dưỡng làm bì phu, cơ nhục bị teo, xơ hóa, cơ thể gầy đét.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị chủ yếu là ích khí ôn thận, hoạt huyết thông lạc.

Tùy theo giai đoạn và tiến triển của bệnh mà biện chứng luận trị.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.HÀN NGƯNG TẤU LÝ, TỲ THẬN DƯƠNG HƯ

Lâm sàng: da mặt và tay căng cứng, hạn chế vận động vào buổi sáng, da căng nề cứng và ấn không lõm, chân tay lạnh, sợ lạnh, đau lưng mỏi gối, đầy bụng, đại tiện phân nát, ù tai, tóc rụng, không khát nước, lưỡi bệu có ấn răng, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế nhu.

Pháp điều trị: ôn thận kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc: Nhị tiên thang phối hợp Đào hồng tứ vật thang gia giảm

Tiên mao  15g, Dâm dương hoắc  15g, Lộc giác sương  15g, Quế chi  09g, Hoàng kỳ  15g, Đương quy  15g, Đan sâm  30g, Đào nhân  12g, Kê huyết đằng  15g, Bạch truật  15g, Sinh địa  20g, Phục linh bì  12g, Cam thảo  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì tiên mao, dâm dương hoắc, lộc giác sương có tác dụng ôn bổ thận dương. Quế chi có tác dụng ôn kinh hoạt lạc. Hoàng kỳ, đương quy có tác dụng bổ khí sinh huyết. Bạch truật, phục linh để kiện tỳ táo thấp. Đan sâm, đào nhân, kê huyết đằng có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Sinh địa có tác dụng lương huyết sinh tân, ngăn ngừa dương dược gây hao tổn tân dịch làm huyết ứ sẽ tăng lên. Cam thảo có tác dụng giải độc điều hòa tính dược.

Nếu sợ lạnh, chân tay quyết lạnh thì gia phụ tử chế 10g.

Da căng nề rõ thì gia mã tiên thảo 30g.

Khi gặp hội chứng Raynaud nặng thì gia thổ miết trùng 06g, xuyên khung 10g.

2.KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ

Lâm sàng: ngón tay và ngón chân xanh tím, hội chứng Raynaud; da đen sạm, cứng từng mảng, tê ngứa và đau, cứng khớp, hạn chế vận động, rối loạn kinh nguyệt, bồn chồn, mệt mỏi, ăn uống kém, đầy trướng bụng, chất lưỡi tím, dưới lưỡi ứ huyết xanh tím, rêu lưỡi mỏng, mạch tế sáp.

Pháp điều trị: ích khí hoạt huyết, khu phong thông lạc.

Bài thuốc: Tứ quân tử thang phối hợp Huyết phủ trục ứ thang gia giảm.

Hoàng kỳ  30g, Đẳng sâm  15g, Bạch truật  15g, Đan sâm  30g, Đương quy  15g, Kê huyết đằng  15g, Đào nhân  10g, Xuyên khung  10g, Thổ miết trùng  06g, Ô tiêu xà  09g, Linh chi  15g, Phục linh bì  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật có tác dụng ích khí kiện tỳ. Đương quy có tác dụng bổ huyết và phối hợp cùng với hoàng kỳ thì tăng tác dụng bổ khí sinh huyết. Đào nhân, xuyên khung, kê huyết đằng có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Thổ miết trùng, ô tiêu xà để khu phong thông lạc. Linh chi có tác dụng dưỡng tâm an thần giải độc. Phục linh bì để thấm thấp lợi niệu.

Nếu ăn uống không ngon miệng, chậm tiêu thì gia mạch nha 15g, chỉ xác 10g, mộc hương 10g.

Kinh nguyệt không đều thì gia ích mẫu thảo 30g.

Khi gặp hội chứng Raynaud thì tăng liều thổ miết trùng 10-15g.

Ngứa nhiều thì gia kinh giới 12g, phòng phong 12g, địa phu tử 10g, bạch tiêu bì 12g, diên hồ sách 15g.

3.NHIỆT ĐỘC ĐÀM THẤP, HUYẾT Ứ TRỞ TRỆ.

Lâm sàng: phát sốt, ho, khó thở, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, chân tay lạnh, loét ở tay, chân đau nhiều, da xơ cứng tiến triển nhanh, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch tế sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc: Thanh nhiệt địa hoàng thang gia giảm.

Thủy ngưu giác 30g, Bồ công anh  30g, Sinh địa  30g, Đan bì  10g, Xích thược  15g, Bạch thược  15g, Uy linh tiên  30g, Nhũ hương  09g, Hoàng kỳ  20g, Một dược  10g, Đan sâm  30g, Kê huyết đằng  25g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Đào nhân  10g, Thổ miết trùng  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì thủy ngưu giác, bồ công anh, sinh địa, đan bì, bạch hòa xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết. Xích thược, bạch thược để dưỡng âm, lương huyết hoạt huyết. Nhũ hương, một dược, đan sâm, đào nhân, kê huyết đằng có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Thổ miết trùng, uy linh tiên để thông kinh lạc. Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí, phù chính để trừ tà.

Đau khớp nhiều thì gia độc hoạt 12g, khương hoạt 10g, ngưu tất 20g.

Sốt nhẹ thì gia địa cốt bì 12g, thạch cao 12g; sốt cao thì gia sinh thạch cao 30g, thùy bồn thảo 30g, khổ sâm 15g, bạch truật 20g.

Nếu kèm theo viêm thành mạch thì gia tử thảo 20g, sinh hòe hoa 10g.

Nếu ho nhiều thì gia ngư tinh thảo 30g, xuyên bối mẫu 06g, tang bạch bì 12g.

4.KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ, HUYẾT Ứ TRỞ LẠC.

Lâm sàng: người gầy, da cứng bọc xương, vận động tay chân khó khăn, sắc mặt đen sạm, mệt mỏi, hụt hơi, hồi hộp trống ngực, ăn uống kém, bụng trướng, đau đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: ích khí bổ huyết, hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc: Quy tỳ thang phối hợp Đào hồng tứ vật thang gia giảm.

Đảng sâm  10g, Hoàng kỳ  30g, Đương quy  10g, Hà thủ ô  15g, Đan sâm  30g, Kê huyết đằng  30g, Dâm dương hoắc  10g, Thổ miết trùng  06g, Ô tiêu xà  10g, Linh chi  15g, Bạch truật sao  10g, Đào nhân  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, hoàng kỳ, đương quy,hà thủ ô có tác dụng ích khí bổ huyết. Đan sâm, kê huyết đằng, đào nhân có tác dụng hoạt huyết. Thổ miết trùng, ô tiêu xà có tác dụng hoạt huyết thông lạc. Dâm dương hoắc, bạch truật sao để ôn bổ tỳ thận. Linh chi có tác dụng dưỡng tâm an thần.

Nếu ho khan thì gia tang bạch bì 15g, thiên môn đông 15g.

Nếu ăn kém, đầy bụng thì gia mạch nhu 15g, tô ngạnh 10g.

Nếu bị hồi hộp, trống ngực thì bỏ đảng sâm và gia nhân sâm 10g, phục linh bì 12g, trạch tả 15g, xa tiền tử 15g.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Đơn phương nghiệm phương

Tham khảo thuốc thành phần của Trung Quốc.

Đan sâm tiêm: 15-20ml pha với 250ml glucose 5% truyền tĩnh mạch chậm ngày 01 lần, liệu trình 14 ngày, điều trị 3-6 liệu trình.

Viêm Tử tuyết: mỗi lần 24mg, ngày uống 03 lần.

Viên Bạch linh: mỗi lần 03 viên, ngày uống 03 lần.

Thuốc dùng ngoài

Khi có loét ngoài da thì dùng nước sắc đại hoàng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm để ngăm rửa vết thương hàng ngày.

Thuốc xông hơi: dùng các thuốc thư cãn giải cơ, hoạt huyết thông lạc để xông hơi với nhiệt độ khoảng 300oC, thời gian 20 phút, ngày 01 lần, liệu trình 30 ngày.

Châm cứu

Tùy theo tổn thương xơ cứng bì mà tuần kinh thủ huyệt, áp dụng hào châm, lưu kim 20 phút, liệu trình 20 ngày.

KẾT LUẬN

Xơ cứng bì hệ thống là bệnh tự miễn dịch, tổn thương ở da và các cơ quan nội tạng mang tính chất lan tỏa, da dày lên và xơ cứng.

Điều trị bệnh hiện còn gặp khó khăn. Bệnh mạn tính và tiến triển kéo dài, gây nhiều biến chứng, có thể dẫn đến suy tim, suy thận, xơ hóa phổi, nhiễm trùng sau hô hấp dẫn đến tử vong.

Nếu điều trị sớm và kịp thời, kết hợp chặt chẽ giữa y học hiện đại và y học cổ truyền thì bệnh sẽ ổn định và tiên lượng tương đối tốt.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *