Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH VIÊM GAN VIRUS

Bài thuốc đông y trị bệnh viêm gan virus

Viêm gan virus là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, do virus viêm gan gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa và đường máu với đặc trung là viêm lan tỏa và hoại tử tế bào gan. Bệnh điển hình thường qua hai thời kỳ nên tiên hoàng đản và hoàng đản. Đối với viêm gan B và C, bệnh có thể tiến triển từ cấp tính sang mạn tính và dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.

Nguyên nhân gây bệnh

Cho tới nay đã có ít nhất sáu loại virus viêm gan được ghi nhận với ký hiệu là:

HAV (hepatitis A virus): viêm gan virus A

HBV (hepatitis B virus): viêm gan virus B

HCV (hepatitis C virus): viêm gan virus C.

HDV (hepatitis D virus): viêm gan virus D.

HEV (hepatitis E virus): viêm gan virus E.

Trong đó, virus viêm gan A căn bản lây theo đường tiêu hóa, qua phân, nước tiểu, ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm… Viêm gan virus A thường diễn biến lành tính, khỏi hoàn toàn, không trở thành mạn tính. Viêm gan virus B có tính lây nhiễm cao, đường lây chủ yếu là đường máu, qua tiêm truyền, dụng cụ thủ thật và sinh hoạt tình dục. Mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Virus viêm gan B là tác nhân gây viêm gan quan trọng nhất trong các virus viêm gan, bệnh dễ trở thành mạn tính và là nguy cơ quan trọng dẫn đến ung thư gan. Virus viêm gan C lây truyền chủ yếu theo đường máu và là virus có khả năng né tránh đáp ứng miễn dịch của vật thể, vì vật dẫn đến tỷ lệ nhiễm HCV mạn tính cao; khi phối hợp với HBV thì nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan cao hơn gấp nhiều lần so với nhiễm 1 loại. Virus viêm gan D lây truyền chủ yếu theo đường máu, là một virus không hoàn chỉnh, vì thế mà không bao giờ HDV lại có thể độc lập gây bệnh được, khi đồng nhiễm với HBV dễ có nguy cơ thanh viêm gan ác tính cao.  Virus viêm gan E lây truyền theo đường tiêu hóa, bệnh thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ở người lớn đa số có miễn dịch bền vững.

Phân loại

Theo đường lây:

Viêm gan truyền nhiễm (lây theo đường tiêu hóa)

Viêm gan huyết thanh (lây theo đường máu, sinh hoạt tình dục).

Viêm gan virus (không xác định được đường lây).

Theo triệu chứng:

Thể ẩn.

Thể không vàng da.

Thể vàng da điển hình hoặc ứ mật.

Theo tiến triển:

Thể cấp tính.

Thể mạn tính hoặc tiến triển.

Theo tiên lượng: thể nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.

Thể thông thường điển hình của bệnh viêm gan virus cấp là thể có vàng da, có đầy đủ các thời kỳ và triệu chứng, diễn biến cấp tính và có thể khỏi trong vòng 1-2 tháng.

Chẩn đoán

Viêm gan virus cấp tính thể thông thường điển hình

Thời kỳ nung bệnh

Chưa có triệu chứng lâm sàng, phụ thuộc vào loại virus viêm gan:

Viêm gan A Viêm gan B Viêm gan C Viêm gan D Viêm gan E
1-6 tuần 1-6 tháng 1-6 tháng 1-3 tháng 1-2 tháng

Thời kỳ khởi phát

Thời kỳ khởi phát còn gọi là thời kỳ tiền hoàng đãn. Cách khởi phát của bệnh viêm gan virus rất đa dạng, thường thấy các khởi phát như sau:

Kiểu rối loạn tiêu hóa: bệnh nhân chán ăn, sợ mỡ, buồn nôn, nôn, đau bụng âm ủ và đôi khi rối loạn đại tiện; các triệu chứng trên xuất hiện cùng với sốt nhẹ và có thể kéo dài trong vòng một tuần.

Kiểu viêm khớp: đau và nhức các khớp nhưng không có biến đổi về hình dạng khớp.

Kiểu viêm xuất tiết (còn gọi là kiểu giả cúm): bệnh nhân đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, ho khan cùng với sốt.

Kiểu suy nhược thần kinh: bệnh nhân mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ.

Kiểu kết hợp: gồm nhiều triệu chứng lẫn lộn của các kiểu khởi phát trên.

Tất cả các kiểu khởi phát trên thường kèm sốt nhẹ hoặc vừa, đau tức hạ sườn phải. Đặc biệt, trong thời kỳ này là tình trạng mệt mỏi không tương xứng với sốt.

Tuy bệnh nhân sốt nhẹ nhưng lại cảm thấy mệt nhiều, không muốn đi lại, không muốn làm việc kể cả việc nhẹ…

   Khám trong thời kỳ khởi phát có thể thấy hàu hết bệnh nhân có gan to, nước tiểu vàng sẫm, xét nghiệm nước tiểu xuất hiện urobilinogen (+).

Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ này còn gọi là thời kỳ vàng da- hoàn đản.

Bắt đầu thời kỳ vàng da, bệnh nhân hầu như hết sốt. Ở mức độ nhẹ và vừa, bệnh nhận thường cảm thấy dễ chịu hẳn lên, ăn được, hết đau khớp. Ở mức độ nặng, các triệu chứng phát triển và nặng lên như gan to, đau; một số trường hợp có lách to, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa… Xét nghiệm thấy transamunase tăng cao (đặc biệt là SGPR), bilirubin máu toàn phần tăng mà chủ yếu là bilirubin trực tiếp, photphotase kiềm tăng ở những trường hợp tắc mật, urobilinogen nước tiểu đang từ (+) chuyển thành (-). Xét nghiệm công thức máu ít biến đổi.

Giai đoạn phát triển của vàng da rất nhanh, thường đạt mức tối đa trong vòng 2-5 ngày. Vàng da thường kéo dài từ 2-4 tuần. Trong thời kỳ này, các triệu chứng về lâm sàng và cận lâm sàng tăng lên tới mức tối đa. Những bệnh nhân vàng da nặng thì phân trắng như vôi hoặc giống như phân cò, nước tiểu ít và sẫm mày như nước vối đặc, bệnh nhân rất ngứa nên có nhiều vết gãi trên da.

Giai đoạn thoái lui và hồi phục

Thường bắt đầu bằng hiện tượng đi tiểu nhiều. Các triệu chứng lâm sàng cùng với các rối loạn sinh hóa bắt đầu giảm dần. Tuy vậy, cảm giác mệt mỏi và tức nặng vùng gan nhất là sau khi ăn còn có thể kéo dài.

Viêm gan virus cấp thể không vàng da

Bệnh khởi phát kéo dài. Bệnh nhân thường rất mệt, chán ăn, bụng trướng, đau vùng gan; có thể phát sốt và có các bieeuru hiện của viêm đường hô hấp trên. Gan to, ấn đau, xét nghiệm bilirubin máu toàn phần không tăng. Bệnh thường khỏi sau 3-6 tháng, tuy nhiên có một số ít chuyển thành mạn tính.

Viêm gan virus cấp thể ác tính.

Thể bệnh này còn gọi là loạn dưỡng gan cấp, viêm gan teo vàng cấp; thường xảy ra với viêm gan huyết thanh ở phụ nữ hoặc người lao động mệt nhọc, căng thẳng khi mắc bệnh mà không biết.

Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa và gan như thể thông thường điển hình, đột ngột gan và toàn thân xấu đi rất nhanh.

Vàng da tăng nhanh, trở nên rất sẫm màu; gan nhỏ lại, gõ vang; kèm theo hiện tượng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa. Fibrinigen giảm, tiểu cầu giam. Bệnh nhân đi vào tiền hôn mê, hôn mê: vật vã, nôn, mất ngủ, tư duy lẫn lộn, chậm chạp, hành vi bất thường trong vài ngày rồi đi vào hôn mê sâu, rối loạn cơ tròn. Bệnh kéo dài trong 1-2 tuần, thường chết do xuất huyết đường tiêu hóa.

1.1.4.4 Viêm gan virus mạn tính

    Viêm gan virus mạn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính đặc biệt là do các virus viêm gan B, C, D. Biểu hiện chủ yếu là viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài ít nhất 6 tháng.

Viêm gan virus mạn tính thể tồn tại: biểu hiện lâm sàng rất mờ nhạt như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Khám chỉ thấy gan to; ít thấy các triệu chứng của viêm gan mạn tính khác, men transaminase tăng nhẹ.

Viêm gan virus mạn tính thể hoạt động: lâm sàng và xét nghiệm hoàn toàn giống như viêm gan virus cấp tính, có thể thấy gan to chắc, lách to, sao mạch, tuần hoàn bàng hệ, xuất huyết dưới da, chảy amsu đường tiêu hóa. Xét nghiệm men trasansaminase, bilirubin máu tăng cao. Đặc biệt kháng nguyên australia (+) qua nhiều lần kiểm tra.

Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định

Dịch tễ: do tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan, khu vực đóngq uân có nhiều người mắc bệnh viêm gan, sau đợt tiêm chủng…

Lâm sàng: bệnh diễn biến qua hai thời kỳ rõ rệt.

Thời kỳ khởi phát thường có sốt và bước sang thời kỳ vàng da đồng thời với hết sốt. Các triệu chứng khác như nhiễm độc toàn thân, rối loạn tiêu hóa, gan to và mềm, vàng da và rất mệt… Bệnh diễn biến có chu kỳ thường kéo dài 1-2 tháng.

Xét nghiệm:

Bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính giảm, tốc độ máu lắng chậm Transaminase (SGOT, SGPT) tăng cao, trong đó SGPT thường cao hơn SGOT, chỉ số De Ritis <1, bilitubin máu tăng. Để chẩn đoán căn nguyên có thể tìm kháng nguyên hoặc kháng thể (markers) của các virus viêm gan.

Chẩn đoán phân biệt

Vàng da hoặ viêm gan do các nguyên nhân khác:

Viêm gan ứ mật: vàng da kéo dài, toàn thân và chức năng gan bình thường.

Viêm gan do nhiễm độc: có các biểu hiện của viêm gan kèm theo các triệu chứng nhiễm độc các loại thuốc, hóa chất khác nhau.

Vàng da do nguyên nhân cơ giới khác nhau: sỏi mật, ung thư đầu tụy…

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm gan virus thuộc phạm trù các chứng hiếp thống, hoàng đản, cổ trướng, tích tụ, dịch độc và uất chứng.

Nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh

Hiện nay, y học cổ truyền nhận thức về nguyên nhân gây bệnh nên còn có nhiều điểm chưa thống nhất nhưng đại đa số các học giả đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do thấp nhiệt. Tổn thương chủ yếu của bệnh ở các tạng như can, tỳ và thận. Biểu hiện lâm sàng trong từng giai đoạn bệnh có sự khác nhau. Ở giai đoạn đầu chủ yếu thấy biểu hiện của khí huyết, âm dương thất điều, bệnh kéo dài; tác nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Vì vậy, ở giai đoạn sau của bệnh thấy các biểu hiện thấp nhiệt và các biểu hiện của chứng can uất, tỳ thận khí huyết hư.

1. Thấp nhiệt

Cảm nhiễm phải thấp nhiệt, dịch độc: thấp nhiệt, dịch độc từ biểu nhập vào lý làm cho hoạt động của khí trong cơ thể bị trở ngại, khí uất ở trung tiêu gây rối loạn chức năng của tỳ, đồng thời thấp nhiệt hun đốt can và đởm gây nên bệnh.

     Thời kỳ cấp tính do thấp nhiệt uẩn kết, hóa độc bao phủ toàn bộ tam tiêu nên ảnh hưởng tới toàn bộ chức năng của tỳ, thận, can và đởm. Do thấp nhiệt uẩn kết ở can đởm gây trở ngại chức năng bài tiết dịch mẩ nên xuấ hiện chứng hoàng đản (thể bệnh này tương ứng vưới viêm gan cấp tính thể vàng da). Căn cứ vào mức độ nặng hay nhẹ của thấp và nhiệt để phân thành hai loại chứng dương hoàng và chứng âm hoàng. Nếu thấp làm ảnh hưởng tới chức năng của tỳ là chính, trong khi độ thấp uẩn kết ở can đởm không nặng, chưa làm ảnh hưởng tới chức năng bài tiết dịch mật thì trên lâm sàng không xuất hiện vàng da (thể bệnh này tương ứng với viêm gan cấp tính thể không vàng da của y học hiện đại). Trong giai đoạn này, nếu bệnh nhân không được điều trị, điều trị không đúng hoặc thể chất của người bệnh suy nhược (chính khí hao hư) thì bệnh dễ chuyển thành mạn tính.

Giai đoạn mạn tính, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chứng thấp nhiệt trung trở. Tuy nhiên, do tính chất của tác nhân gây bệnh khác nhau (thấp là âm tà, nhiệt là dương tà) nên trên lâm sàng tùy thuộc vào mức độ mạnh yếu của thấp và nhiệt mà có biểu hiện của chứng âm hư hoặc chứng dương hư. Do tính chất của thấp là dính trệ, dễ làm tổn thương tới tỳ, bệnh kéo dài dẫn đến tỳ vị bị hao hư. Tỳ vị là “hậu thiên chi bản”, là nguồn hóa sinh khí huyết của cơ thể. Khi tỳ vị bị hư nhược sẽ làm cho thận hư (hậu thiên lụy tới tiên thiên), vì vậy lâm sàng sẽ có biểu hiện của chứng tỳ thận dương hư. Nhiệt làm tổn thương can âm, do “can thận đồng nguyên” vì vậy bệnh lâu ngày cũng dẫn đến can thận âm hư. Thấp nhiệt xâm nhập vào huyết phận, huyết nhiệt làm tổn thương tới phần âm của cơ thể, làm cho sự lưu thông của huyết bị trở ngại dẫn đến chứng huyết ứ. Tuy nhiên, huyết ứ còn do khí hư không đủ sức để vận hành huyết.

2. Can uất

      Do can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt, sợ uất ức. Nếu tinh thần căng thẳng, uất ức hoặc nóng giận kéo dài sẽ làm tổn thương tới can dẫn đến tình trạng hoạt động của khí trong cơ thể không được thông thoát, can mất điều đạt làm cho chức năng sơ tiết bị trở ngại. Sách Kim quỹ yếu lược, chương Tạng phủ kinh lạc tiên hậu bệnh mạch chứng viết: “kiến can chi bệnh, tri can truyền tỳ” có nghĩa là can bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới tỳ. Do can khí uất kết, hoành nghịch phạm vào tỳ làm cho chức năng kiện vận của tỳ bị suy giảm, do đó không những không hóa được thấp mà còn làm cho đàm thấp nội sinh; đàm thấp uất lây ngày hoặc khí cơ uất trệ lâu ngày đều có thể hóa thành nhiệt; thấp nhiệt hỗ kết ở can đởm dẫn tới viêm gan. Khí và huyết có mối quan hệ mật thiết, trong khí khí là động lực thúc đẩy sự vận động của huyết; vì vậy nếu khí cơ không được thông thoát thì sự vận hành của huyết sẽ bị trở ngại dẫn đến tình trạng huyết bị ứ trệ ở kinh lạc.

Ăn uống

Ăn uống không đầy đủ, uống quá nhiều rượu đều có khả năng làm tổn thương tỳ vị, chức năng vận hóa của tỳ bị giảm sút làm cho thấp trọc nội sinh, đàm thấp uất trệ lâu ngày hóa nhiệt, hun đốt can đởm, làm rối loạn quá trình bài tiết dịch mật của can đởm gây nên vàng da. Sách Kim quỹ yếu lược, chương Hoàng đản bệnh mạch chứng tính trị có nêu: “cốc khí bất tiêu, vị trung khổ trọc, trọc khí hạ lưu, tiểu tiện bất thông… thân thể tận hoàng, danh viết cốc đản”.

Tỳ hư

Người bệnh sẵn có tỳ dương bị suy  yếu hoặc mắc bệnh mạn tính kéo dài, chức năng của tỳ dương bị suy giảm dẫn đến ngoại thấp hoặc nội thấp đều có thể hàn hóa. Hàn và thấp gây trở trệ trung tiêu, ảnh hưởng đến sự bài tiết và lưu thông của dịch mật gây nên vàng da.

Tóm lại, đại đa số các học giả đều thống nhất nguyên nhân chủ yếu của bệnh là thấp nhiệt dịch độc, bệnh thường xảy ra ở người có tỳ vị chính khí bất túc, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Tạng phủ bị bệnh là can, tỳ và thận. Phân biệt bản hư- tiêu thực trên lâm sàng, trong đó bản hư là tỳ thận hao hư và can thận âm hư, tiêu thực là thấp nhiệt tà độc và can uất huyết ứ.

Sơ đồ nguyên nhân, có chế bệnh sinh:

Thấp nhiệt dịch độc                 Nội trở trung tiêu      

Can khí uất kết                         Tỳ mấy kiện vận,      Thấp nhiệt hun                                                                                                                    thấp sinh đàm                                    đúc can đởm             Viêm

Ăn uống không                         Tổn thương tỳ                                         gan

Điều độ  vị, thấp trọc nội                                             truyền

                                                   sinh hóa nhiệt                                      nhiễm

Tỳ dương bất túc                     Thủy thấp nội            Hàn thấp trở trệ                                                   sinh thấp cùng         trung tiêu
hàn hóa

Sơ đồ tiêu thực chuyển hư:

Hàn tà trung                      Khốn trở tỳ            Tỳ mất

                                           dương                    kiện vận                         Tiên

                                                                                                                  Tỳ                thiên                   Tỳ

Can khí uất                       Hoành                                        khí               lụy                thận

kết                                      nghịch                    Tỳ khí         hao             tới                khí

                                           phạm tỳ vị              hao hư       hư               hậu                hư

Ăn uống không                 Tổn thương                                                   thiên

điều độ   tỳ vị                                                                                           

                                           Thấp tà thiên thịnh, tỳ mất                                                                    

Thấp nhiệt trung               kiện vận                                     Can

trở                                                                                                             thận

                                           Nhiệt tà thiên thịnh, nhiệt        hư

                                           Thương can âm, can thận

                                           đồng nguyên        

Sơ đồ bản hư chuyển thực:

Tỳ khí     Dễ cảm ngoại thấp                                              Uất lâu hóa Thấp

hao hư   hoặc thủy thấp nội                                               nhiệt            nhiệt

                                       sinh                                                                                       trung trở

 

Tỳ thận   Thủy thấp nội sinh,                                              Hàn thấp nội      

                                       thấp cùng hàn hóa                       trở

Tiên thiên                      Rối loạn phân bố                          Thủy thấp nội sinh                               

                                       thủy dịch

Biện chứng luận trị

Căn cứ biện chứng

Giai đoạn viêm gan cấp tính

Có vàng da:

Dương hoàng: da và niêm mạc mắt vàng tươi, nước tiểu vàng tươi, thể bệnh này do thấp nhiệt gây nên, bệnh thuộc thực chứng.

Âm hoàng: da và niêm mạc mắt vàng ám tối, không tươi; nước tiểu vàng thẫm, thể bệnh này do hàn thấp gây nên.

Cấp hoàng: bệnh khởi phát đột ngột, vàng da tăng nhanh, trở nên rất sẫm màu; kèm theo sốt, cảm giác bồn chồn, bứt rứt, rối loạn ngôn ngữ, thậm chí hôn mê.

Không có vàng da: bệnh chủ yếu thuộc chứng thấp nhiệt.

Giai đoạn viêm gan mạn tính

Giai đoạn này bệnh tương đối phức tạp, đặc điểm bệnh sinh chủ yếu là bản hư tiêu thực, do thực chuyển thành hư, hư chuyển thành thực hoặc hư thực thác tạp. Người bệnh đa phần có khí huyết lưỡng hư, thấp nhiệt chưa được trừ bỏ, bế uất chưa được giải, hư thực thác tạp.

Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc điều trị cơ bản là phù chính trừ tà, kết hợp chặt chẽ giữa trị tiêu và trị bản. Trừ tà cần căn cứ vào chủng loại, tính chất của tà khí để phân biệt và vận dụng phương pháp điều trị lợi thấp, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiết trọc và trừ đàm. Phù chính cần căn cứ vào mức độ tổn thương của chính khí để lựa chọn phương pháp ích khí, dưỡng huyết, tư âm cho phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị cần căn cứ vào diễn biến cảu bệnh là hoãn hay cấp, mức độ nặng nhẹ của tiêu hay bản, sự biến đổi của các triệu chứng lâm sàng để vận dụng các phương pháp điều trị một cách linh hoạt. Trong quá trình biện chứng điều trị cần nắm chắc ba khâu quan trọng là thanh trừ tà khí, điều lý khí huyết và phù chính bổ hư.

Do đặc điểm của bệnh là có viêm và tổn thương tế bào gan nên trong quá trình dùng thuốc cẩn thận trọng để tránh gây nên tổn thương mới. Khi dùng thuốc, người thầy thuốc cần chú ý đến nguyên tắc; không nên dùng thuốc để sơ tiết có tính hao tán mạnh, pháp kiện vận không nên dùng thuốc quá bổ, trừ thấp không nên dùng thuốc quá táo, thanh nhiệt không nên dùng thuốc quá hàn, khứ ứ không nên dùng thuốc phá ứ, bổ hư không nên để làm lưu tà, công tà không làm tổn thương tới chính khí.

Bài thuốc đông y trị bệnh viêm gan virus

PHÂN THỂ LÂM SÀNG

A. Viêm gan cấp tính

B.  Viêm gan thể hoàng đản

1. Thấp nhiệt hoàng đản (dương hoàng)

Triệu chứng: phát sốt, da, niêm mạc mất vàng tươi như nghệ, nước tiểu vàng đỏ, buồn nôn, chán ăn, sợ mỡ, đắng miệng, khô miệng.

Nếu thiên về nhiệt thì người bệnh sốt cao, miệng khô, khát nước, cảm giác bồn chồn bứt rứt, tiểu tiện nước ít màu sẫm như nước vôi, đại tiện phân khô hoặc mềm, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác.

Nếu thiên về thấp thì người bệnh sốt nhẹ hoặc không sốt, cảm giác nặng đầu, thân thể nặng nề, cảm thấy mệt nhiều, không muốn đi lại, không muốn làm việc, tức nặng vùng gan, khát nước nhưng không muốn uống, tiểu tiện khó, đại tiện phân nát, chất lưỡi trơn nhuận, rêu lưỡi dày nhờn, mạch hoãn.

Nếu thấp và nhiệt đều nặng, người bệnh sốt nhẹ, đau họng, vàng da toàn thân, tức ngực, chân tay mỏi rã rời, tiểu tiện ít nước, nước tiểu đó, đại tiện khó đi, phân nhão, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc khô nhờn hoặc vàng nhạt.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng.

Bài thuốc: căn cứ vào mức độ nặng nhẹ của thấp và nhiệt có thể dùng các bài thuốc khác nhau.

Nếu người bệnh có biểu hiện thiên nhiệt thì có thể dùng bài Nhân trần cao thang (Thương hàn luận) gia vị

Nhân trần  30g, Chi tử  15g, Đại hoàng  10g, Bạch linh  15g, Trư linh  15g, Hoạt thạch  20g, Sài hồ  12g, Uất kim  12g, Xuyên luyện tử   15g.

Bài thuốc trên sắc uống ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài Nhân trần cao thang (nhân trần, chi tử, đại hoàng) là bài thuốc chủ yếu để điều trị bệnh hoàng đản thấp nhiệt. Trong bài thuốc này, nhân trần có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi đởm, là vị thuốc chủ yếu để điều trị hoàng đản. Chi tử có vị đắng, tác dụng tả hỏa để thấp nhiệt theo đường tiểu tiện bài xuất ra ngoài. Đại hoàng có tác dụng thuận tràng tả hạ để đưa thấp nhiệt theo đường đại tiện mà xuống. Để tăng cường tác dụng thấm thấp lợi tiểu, bài thuốc trên gia thêm bạch linh, trư lịnh, hoạt thạch là những vị thuốc có tác dụng lợi tiểu thấm thấp. Do thấp nhiệt hun đốt vị và can đởm làm cho vị khí và đởm dịch thượng nghịch dẫn đến vùng thượng vị, hạ sườn đầy trướng, cảm giác bồn chồn bứt rứt nên gia sài hồ, uất kim, xuyên luyện tử để hành khí giải uất.

Bệnh nhân sốt cao thì gia hoàng cầm 12g, bản lam căn 20g, kim ngân hoa 20g, liêu kiều 12g để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Nếu người bệnh có biểu hiện thiên thấp thì dùng bài Nhân trần ngũ linh tán (Thương hàn luận).

Nhân trần  30g, Bạch truật   15g, Quế chi  10g, Bạch linh  15g, Trư linh  15g, Trạch tả  20g.

Bài thuốc trên sắc uống ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài Nhân trần ngũ linh tán được cấu tạo từ bài Nhân trần cao thang bỏ chi tử, đại hoàng, phối hợp với bài Ngũ linh tán. Đây là bài thuốc có tác dụng khứ thấp mà lợi tiểu tiện, thích hợp để điều trị chứng hoàng đản do thủy thấp đình tụ dẫn đến tiểu tiện bất lợi, phù thũng, tức ngực, khát nhưng không muốn uống nước. Trong bài thuốc này, nhân trần có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi đởm để điều trị hoàng đản. Trư linh, phục lin, trạch tả có tác dụng lợi thủy thấm thấp. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ để vận hóa thủy thấp làm cho thủy thấp không đình tụ được. Quế chi có vị cay tính ôn; có tác dụng thông dương hóa khí, giúp cho bàng quang khí hóa hành thủy đồng thời hỗ trợ cho các vị thuốc thấm thấp lợi thủy phát huy tác dụng. Vì thế, bài thuốc này chủ yếu có tác dụng lấy lợi tiểu để tiêu trừ thấp tà.

Nếu người bệnh có biểu hiện của thấp và nhiệt đều nặng có thể dùng bài Can lộ tiêu độc tan (Y hiệu bí truyền)

Nhân trần  30g, Hoạt thạch  15g, Mộc thông  10g, Hoàng cầm  10g, Bạch đậu khấu  12g, Ý dĩ  12g, Bối mẫu  12g, Hoắc hương  15g, Liên kiều   12g, Bạc hà  12g, Thạch xương bồ   10g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.      Bài thuốc trên dùng hoắc hương, bạch đậu khấu, thạch xương bồ để hóa thấp. Hoạt thạch, nhân trần, ý dĩ có tác dụng lợi thấp. Hoàng cầm, liên kiều có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Mộc thông để thanh lợi thấp nhiệt. Bối  mẫu có tác dụng hóa đàm và bạc hà để sơ tán ngoại tà.

Để tăng cường tác dụng thanh nhiệt lợi thấp thì gia cốt khí củ 20g, long đởm thảo 12g, xa tiền thảo 16g. Để tăng cường tác dụng giải độc thì gia sơn đậu căn 06g, bản lam căn 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, tử hoa địa dinh 15g. Để tăng cường tác dụng phương hương hóa trọc gia sa nhân 08g, thương truật 12g…

2. Hàn thấp (âm hoàng)

Triệu chứng: vàng da toàn thân, sắc da vàng tối, sợ lạnh, thích ấm, người lạnh, chân tay lạnh, bụng trướng, miệng nhạt, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt màu bè bệu, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm hoãn.

Pháp điều trị: kiện tỳ hòa vị, ôn hóa thấp tà.

Bài thuốc: Nhân trần truật phụ thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Nhân trần  30g, Thương truật  15g, Phụ tử  04g, Uất kim  12g, Xuyên bối mẫu  08g, Trạch tả  15g, Bạch linh  15g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc trên dùng nhân trần có tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi đởm và là vị thuốc chủ yếu để điều trị vàng da. Do nhân trần có vị đắng, tính lạnh, dễ làm tổn thương tỳ vị nên phối hợp với các vị thuốc có tính ôn nhiệt như thương truật, phụ tử để hạn chế tính lạnh. Do đó, bài thuốc trên có tác dụng lợi thấp thoái hoàng nhưng không làm tổn thương tới tỳ vị. Các vị thuốc như uất kim, bạch linh, bối mẫu, trạch tả để tăng cường tác dụng hành khí lợi thấp.

III. Viêm gan thế không có hoàng đản

1. Thấp trở tỳ vị

Triệu chứng: bụng trướng, không muốn ăn, người mệt mỏi ngại vận động, hoặc có phù toàn thân, miệng dính nhớp, đại tiện phân lỏng, sống phân, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi dầy nhớp, mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: phương hương hóa thấp.

Bài thuốc: Bình vị tán (Hòa tễ cục phương)

Hậu phác  12g, Thương truật  15g, Trần bì  12g, Cam thảo  10g, Sinh khương  06g, Đại táo  15g.

Bài thuốc trên sắc uống ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì thương truật có tác dụng táo thấp kiện tỳ. Hậu phác có tác dụng táo thấp, trừ trướng mãn. Trần bì có tác dụng lý khí hóa đàm thấp. Cam thảo, sinh khương, đại táo có tác dụng kiện tỳ hòa trung. Tác dụng của toàn bài là kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm.

Nếu có biểu hiện buồn nôn thì gia bán hạ 10g để tăng cường tác dụng tiêu đàm. Nếu nước tiểu ít thì gia xích linh 12g để tăng cường tác dụng thấm thấp lợi tiểu. Nếu chán ăn thì gia sơn tra 10g, thần khúc 12g, kê nội kim 10g để tăng cường tác dụng kiện vị tiêu thực.

2. Can uất khí trệ

Triệu chứng: mạn sườn trướng đau, dầy tức ngực, căng thẳng, dễ cáu gắt, chán ăn hoặc đắng miệng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, chất lưỡi hồng nhạt, rêu trắng, mạch huyền.

Pháp điều trị: sơ can lý khí.

Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư)

Trần bì  10g, Chỉ xác  10g, Xuyên khung  10g, Cam thảo  10g, Hương phụ  12g, Sài hồ  12g, Bạch thược  15g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng sơ can lý khí, phối hợp với bạch thược, cam thảo để hòa dinh chỉ thống. Chỉ xác có tác dụng tiêu đạo tích trệ, hành khí giải uất. Xuyên khung, hương phụ, trần bì có tác dụng lý khí sơ can và hoạt huyết chỉ thống.

Để tăng cường sơ can giải uất thì gia xuyên luyện tử 08g

Nếu có biểu hiện của can uất hóa hỏa thì dùng bài Đan chi tiêu dao tán.

Cam thảo  10g, Bạch thược  15g, Sài hồ  12g, Phục linh  12g, Bạch truật  15g, Đương quy  12g, Đan bì  12g, Chi tử  15g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

  Nếu có biểu hiện của tỳ hư thì không dùng bài Sài hồ sơ can tán mà thay bằng bài Sài thược lục quân tử thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) để tăng cường tác dụng kiện tỳ.

   Nhân sâm  09g, Bạch truật   15g, Trần bì  08g, Bạch linh  12g, Cam thảo  10g, Bán hạ  10g, Sài hồ  12g, Bạch thược  15g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Nếu bụng đầy, trướng thì gia qua lâu 12g, cát cánh 12g, sinh mạch nha 12g để kiện tỳ tiêu đàm.

C. Viêm gan mạn tính

1. Thấp nhiệt trung trở

Triệu chứng: mạn sườn đầy trướng, tức ngực, chán ăn, sợ mỡ, buồn nôn, vàng da toàn thân, sắc da vàng tươi, nước tiểu vàng, đắng miệng, nước bọt dính, đại tiện phân nát và dính hoặc đầu bãi thì táo cuối bãi nát, khát nước, chân tay nặng nề, người mệt mỏi ngại vận động, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác hoặc huyền hoạt.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp.

Bài thuốc: Long đởm tả can thang (Y phương tập giải) kết hợp với bài Tiểu sài hồ thang (Thương hàn luận) gia giảm

Long đởm thảo  12g, Hoàng cầm  15g, Chi tử  12g, Trạch tả  12g, Đương quy  12g, Sinh cam thảo  10g, Sinh địa  15g, Mộc thông  12g, Sài hồ  12g, Xa tiền tử  15g, Nhân sâm  06g, Sinh khương  06g, Bán hạ  10g, Đại táo  12g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo, sài hồ có tác dụng thanh can đởm thực hỏa, tả hỏa trừ thấp. Hoàng cầm, chi tử có tác dụng hỏa giải độc, táo thấp thanh nhiệt. Mộc thông, xa tiền tử, trạch tả có tác dụng thấm thấp lợi tiểu, dẫn nhiệt hạ hành, đưa thấp nhiệt theo đường tiểu tiện bài thoát ra ngoài. Bán hạ có tác dụng hòa vị giáng nghịch cầm nôn. Đương quy có tác dụng bổ huyết dưỡng can. Nhân sâm, cam thảo có tác dụng ích khí hòa vị. Sinh khương và đại táo có tác dụng điều hòa doanh vệ.

Để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc thì gai bản lam cân 15g, kê cốt thảo 12g.

Để sơ can hành khí giải uất thì gia chỉ thực 12g, uất kim 10g.

Nếu người bệnh nhân kiêm có tỳ vị hư nhược thì gia hoài sơn 12g, bạch truật 15g, bạch linh 12g để kiện tỳ ích khí.

2. Can uất tỳ hư

Triệu chứng: đau hai bên mạn sườn, đầy tức ngực, tình chí căng thẳng, dễ cáu gắt, chán ăn, nhạt miệng, cảm giác thiếu khí, hụt hơi, chân tay mỏi, ngại vận động, sắc mặt vàng bủng; đại tiện phân nát, có nhiều thức ăn chưa tiêu, dễ bị rối loạn tiêu hóa khi ăn thức ăn có nhiều chất đạm hoặc thức ăn sống lạnh; chất lưỡi nhạt màu, bè bệu có hằn răng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: sơ can kiện tỳ.

Bài thuốc: Tiêu dao tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương).

Cam thảo  15g, Đương quy   30g, Bạch linh  30g, Bạch thược  30g, Bạch truật  30g, Sài hồ  30g.

Bài thuốc trên tán bột, ngày uống 03 lần, mỗi lần uống 04-06g, uống với nước sắc sinh khương. Có thể cân đối liều vị thuốc để sắc uống, ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc này, sài hồ có tác dụng sơ can giải uất làm cho can khí điều đạt. bạch thược có tác dụng dưỡng huyết nhu can. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết. bạch truật, bạch linh, cam thảo có tác dụng kiện tỳ ích khí, tăng cường vận hóa của tỳ.

Nếu can khí uất trệ nhiều thì gia hương phụ 12g, uất kim 10g, xuyên khung 10g để tăng cường tác dụng sơ can giải uất.

Nếu can uất hóa hỏa thì gia đan bì 12g, chi tử 12g để thanh nhiệt tiết hỏa. Nếu nhiệt độc uẩn kết thì gia bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bản lam căn 15g để thanh nhiệt giải độc.

Nếu gan to, lách to thì gia miết giáp 20g, mẫu lệ 30g để nhuyễn kiên tán kết.

3. Can thận âm hư

Triệu chứng: người gầy, da sạm. hai mắt khô sáp, miệng khô, khát nước, đau mạn sườn phải, đau lưng, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, ngủ hay mơ hoặc sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, chảy máu chân răng, chảy máu cam, di tinh ở nam giới, kinh nguyệt không đều hoặc bế kinh ở nữ giới, lưỡi thon nhỏ, chất lưỡi hồng khô, rêu lưỡi ít, mạch tế sáp vô lực.

Pháp điều trị: dưỡng huyết nhu can, tư bổ can thận.

Bài thuốc: Nhất quán tiễn (Tục danh y loại án).

Sa sâm  15g, Mạch môn  12g, Sinh địa  15g, Kỷ tử  12g, Xuyên luyện tử  06g, Đương quy  15g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa và kỷ tử có tác dụng tư dưỡng can âm. Sa sâm, mạch môn có tác dụng dưỡng âm, sinh tân, nhuận táo. Đương quy có tác dụng dưỡng can, hoạt huyết. Xuyên luyện tử có tác dụng sơ can tiết nhiệt, hành khí chỉ thống.

Để thanh nhiệt lợi thấp thì gia hổ trượng 20g. Để thanh nhiệt giải độc và cầm máu thì gia quán chúng 12g, tiên hạc thảo 15g.

Để dưỡng can thì gia hà thủ ô 15g. Nếu gan to, lách to thì gia miết giáp 20g, mẫu lệ 30g để nhuyễn kiên tán kết.

Nếu hư nhiệt nội nhiễu gây bứt rứt, mất ngủ thì gia hoàng bá 12g, tri mẫu 12g để thanh hư nhiệt.

4. Huyết ứ trở lạc

Triệu chứng: da sạm, tím tái, đau hai mạn sườn, gan to, lách to, tuần hoàn bàng hệ, sao mạch, bàn tay sơn; phụ nữ đau bụng linh, sắc kinh đen, có máu cục; mạch trầm tế sáp.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, tán kết thông lạc.

Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm

Ngũ linh chi  06g, Đương quy  12g, Xuyên khung  10g, Đào nhân  10g, Đan bì  12g, Xích thược  15g, Diên hồ sách  10g, Cam thảo  10g, Hương phụ  12g, Hồng hoa  10g, Chỉ xác  10g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa, đan bì, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Ngũ linh chi, diên hồ sách có tác dụng hành khí hóa ứ. Hương phụ, chỉ xác có tác dụng lý khí.

Để tăng cường tác dụng hoạt huyết thì gia nga truật 10g, ích mẫu 15g, xương bất lưu hành 15g. Cũng có thể gia thêm các vị thuốc thanh nhiệt giải độc như cốt khí củ 20g, bán chi liên 15g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g.

5. Tỳ thận dương hư

Triệu chứng: cảm giác sợ lạnh, thích ấm, chân tay không ấm, người mệt mỏi, da sạm, đau lưng, đau bụng vùng hạ vị, gặp lạnh đau tăng, ăn kém, trướng bụng; đại tiện phân nát hoặc lỏng, có nhiều thức ăn chưa tiêu thậm chí có thể đại tiện lỏng kéo dài; đái rắt, đái són, phù hai chi dưới hoặc phù toàn thân, thậm chí có cổ trướng; chất lưỡi bệu, có hần răng, rêu lưỡi trắng hoặc nhờn, mạch trầm tế nhược.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích thận, ôn thận phù dương.

Bài thuốc: Phụ tử lý trung thang (Hòa tễ cục phương) kết hợp với bài Ngũ linh tán (Thương hàn luận).

Nhân sâm  06g, Bạch truật  12g, Cam thảo  10g, Phụ tử  12g, Can khương  10g, Trạch tả  15g, Trư linh  10g, Bạch linh  10g, Quế chi  12g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì can khương, phụ tử có tính vị cay, nóng; có tác dụng làm ôn ấm vùng trung tiêu và trừ hàn, đồng thời còn làm hưng phấn tỳ dương, khôi phục chức năng vận hóa và chuyển hóa của tỳ. Nhân sâm có tính vị ngọt, ấm; có tác dụng bổ khí kiện tỳ, thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Bạch truật có tính vị đắng, ấm; có tác dụng táo thấp kiện tỳ, cùng phối hợp với nhân sâm để khôi phục chức năng vận hóa, thăng thanh và giáng trọc của tỳ. Cam thảo có tính vị ngọt, ấm; có tác dụng bổ khí kiện tỳ, làm giảm các triệu chứng cấp tính và có tác dụng giảm đau. Trạch tả có tác dụng lợi thủy thấm thấp, phối hợp với các vị thuốc có tác dụng lợi thủy như bạch linh và trư linh để làm tăng tác dụng lợi thủy trừ thấp. Quế chi có tác dụng ôn thông dương khí, hỗ trợ bàng quang thực hiện chức năng khí hóa.

D. Viêm gan virus cấp thể ác tính (Cấp hoàng)

1. Nhiệt độc tích thịnh

Triệu chứng: bệnh khởi phát đột ngột, vàng da tăng nhanh, trở nên rất thẫm màu, sốt cao, vật vã, nên, ngực bụng đầy trướng, đại tiện bí, tiểu tiện nước tiểu đỏ, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thoái hoàng.

Bài thuốc: Nhân trần cao thang (Thương hàn luận), Hoàng liên giải độc thang (Ngoại trị bí yếu) kết hợp với bài Ngũ vị tiêu độc ẩm (Y tông kim giám) gia giảm

 Nhân trần  20g, Chi tử  12g, Hoàng cầm  12g, Hoàng bá  12g, Hoàng liên  12g, Bản lam căn  20g, Thạch xương bồ  10g, Sinh đại hoàng  10g, Kim ngân hoa  20g, Bồ công anh  15g, Tứ hoa địa đinh  20g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc này thì hoàng liên có tác dụng thanh tả tâm hỏa, đồng thời tả hỏa ở trung tiêu. Hoàng cầm có tác dụng thanh hỏa ở thượng tiêu. Hoàng bá, đại hoàng có tác dụng tả hỏa ở hạ tiêu. Chi tử thông tả tam tiêu, dẫn nhiệt hạ hành. Nhân trần phối hợp với đại hoàng có tác dụng tiết nhiệt trừ thấp thoái hoàng. Bồ công anh, kim ngân hoa, bản lam căn, từ hoa địa đinh có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Thạch xương bồ có tác dụng phương hương khái khiếu.

2. Nhiệt độc nội hãm

Triệu chứng: bệnh khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh; vàng da toàn thân tăng nanh, vàng như nghệ; sốt cao, bí tiểu tiện, đại tiện ra máu, xuất huyết dưới da, vật vã, nói nhảm, nếu nặng thì hôn mê, rối loạn ngôn ngữ, chất lưỡi đỏ, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi bẩn, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: thanh tâm giải độc, lương huyết cầu âm.

Bài thuốc: An cung ngưu hoàng hoàn hay Chí bảo đan.

  Có thể dùng sừng tê giác tán bột cho uống 01g hoặc dùng thủy ngưu giác 60g sắc uống. Nếu xuất huyết nghiêm trọng thì phối hợp dùng với sinh địa 15g, bạch mao căn 20g, tam thất 10g, tiên hạc thảo 15g sắc cho bệnh nhân uống.

  Chú ý, viêm gan virus thể ác tính (viêm gan teo vàng cấp) là thể bệnh có tiên lượng nặng, bệnh nhân dễ tử vong trong vòng 2-3 ngày. Vì vậy, không điều trị bằng y học cổ truyền đơn thuần mà phải phối hợp với y học hiện đại để cấp cứu tích cực nhằm cứu sống tính mạng người bệnh.

THAM KHẢO

Trong những năm gần đây, bệnh viêm gan truyền nhiễm đã được nghiên cứu một cách toàn diện, nhiều vấn đề về cơ chế bệnh sinh và điều trị đã được làm sáng tỏ, góp phân tích cực trong khống chế bệnh. Y học cổ truyền đã tập trung nghiên cứu về khái niệm, nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, chẩn đoán, biện chứng phân thể lâm sàng và điều trị nên bước đầu đã thu được những thành công nhất định.

Nghiên cứu về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Hiện nay, nhiều quan điểm về nguyên nhân gây bệnh của y học cổ truyền còn chưa thống nhất. Chủ yếu là học thuyết về tà độc, học thuyết về chính hư (sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm), học thuyết về huyết ứ và học thuyết về đa nhân tố. Trước mắt thấy học thuyết về đa nhân tố là khá toàn diện.

Ở giai đoạn khởi phát, cấp tính, viêm gan truyền nhiễm thể nặng và rất nặng thì cơ thể bệnh sinh chủ yếu là do thấp nhiệt dịch độc xâm phạm vào cơ thể. Bệnh khởi phát cấp tính, diễn biến ngắn và rầm rộ.

   Đối với viêm gan mạn tính thì cơ thể bệnh sinh còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nói chung, cho rằng khởi đầu của bệnh do thấp nhiệt dịch độc xâm phạm vào cơ thể, huyết nhiệt và độc tà uẩn kết ở bên trong, chính khí và tà khí giao tranh dẫn đến các chứng hoàng đản, hiếp thống và uất chứng. Do tác nhân gây bệnh chưa được trừ bỏ, chính khí bị hao tổn và bệnh kéo dài làm cho khí huyết thất điều, can uất tỳ hư, thủy khí hỗ kết và huyết mạch bị trở trệ. Cuối cùng dẫn đến can thận âm hư, chính khí hư, tà khí thực gây nên tích tụ và cổ trướng.

Nghiên cứu về biện chứng phân thể lâm sàng

Hội nghị Trung y toàn quốc lần thứ hai, chuyên đề về bệnh gan của Trung Quốc cho rằng các triệu chứng của bệnh viêm gan virus B có thể quy nạp thành ba chứng bệnh cơ bản. Thời kỳ khởi phát, bệnh chủ yếu biểu hiện của chứng can đởm thấp nhiệt, dịch độc uất kết. Thời kỳ toàn phát (trung kỳ), lam sàng biểu hiện của chứng can uất tỳ hư, đàm nhiệt trung trở. Giai đoạn lui bệnh, lâm sàng biểu hiện của chứng can thận âm hư, đàm ứ trở lạc.

Báo cáo tổng kết 2.421 trường hợp viêm gan virus B mạn tính của Học viện Trung y tỉnh Hồ Nam- Trung Quốc cho thấy bệnh biểu hiện gồm 46 chứng bệnh khác nhau trên cơ sở của năm chứng bệnh cơ bản là: thấp nhiệt, can uất, tỳ hư, huyết ứ và âm hư, tuy nhiên tần xuất gặp thể can uất tỳ hư tới 65%. Vì vậy, cho rằng can uất và tỳ hư là hai chứng bệnh chủ yếu của viêm gan virus B mạn tính.

Về đặc điểm của viêm gan virus C, các tác giả nhận thấy phần lớn bệnh nhân cớ biểu hiện của thấp tà, huyết ứ trở lạc và bệnh từ thực chứng chuyển thành hư chứng tương đối sớm. Trong hai thể can uất tỳ hư và can thận âm hư thấy anti HCV (+) đạt tần xuất cao, chiếm 70,5%. Về phân thể lâm sàng, có tác giả cho rằng thời kỳ cấp tính lấy thấp nhiệt làm chính, viên gan virus C mạn tính giai đoạn ổn định lấy khí hư, âm hư hoặc khí âm lưỡng hư làm chủ, giai đoạn hoạt động biểu hiện của hư thực thác tạp lấy khí huyết ứ trở lam chủ.

Về mối tương quan giữa xét nghiệm men transaminase (SGPT) và xét nghiệm miễn dịch (IgM) với hai thể bệnh của viêm gan virus B mạn tính (can kinh thấp nhiệt và can thận tỳ hao hư) thấy rõ thấp nhiệt tà thực và bệnh lý của can, tỳ, thận với sự suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch có mối tương quan mật thiết. Vì vậy, trong quá trình biện chứng phân phể lâm sàng có thể tham khảo các xét nghiệm của y học hiện đại làm tiêu chí chẩn đoán.

Nghiên cứu về điều trị và dùng thuốc

Đối với viêm gan virus cấp tính, phương pháp điều trị là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Đối với viêm gan virus B mạn tính, phương pháp điều trị cơ bản là thanh nhiệt độc, hành khí hoạt huyết và kiện tỳ ích thận.

Đối với thuốc y học cổ truyền, các nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu tác dụng dược lý dựa trên các tiêu chí kháng virus, điều tiết miễn dịch, khôi phục chức năng gan, cải thiện tuần hoàn vi mạch và chống xơ hóa tế bào gan.

Kháng virus: vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng ức chế sự phát triển của virus viêm gan gồm các nhóm thanh nhiệt giải độc có các vị thuốc như bản lam căn, quán chúng, bạch hoa xà nhiệt thảo, diệp hạ châu; nhóm lương huyết giải độc có huyền sâm…; nhóm tả hạ có đại hoàng, hổ trượng; nhóm hóa thấp có thổ phục linh, ý dĩ; nhóm lương huyết có bán chi liên, bán chi liên. Bài thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của virus viêm gan như bài Hoàng liên giải độc thang, Thăng ma cát căn thang. Ngũ vị tiêu độc ẩm.

Tác dụng điều tiết miễn dịch: vị thuốc có tác dụng tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch như nhân sâm, đẳng sâm, ngũ gia bì, hoàng kỳ, linh chi, câu kỷ tử, phục linh, kê huyết đằng, tang ký sinh, tiên mao, tiên linh tỳ, hà thủ ô, nữ trinh tử, bạch truật. Vị thuốc có tác dụng tăng cường chức năng của tế bào lympho B như nhục quế, tiên mao, thỏ ty tử, tỏa dương, tiên linh tỳ, hoàng tinh. Vị thuốc có tác dụng tăng cường chức năng của albumin miễn dịch như miết giáp, huyền sâm, thiên môn, mạch môn, sa sâm. Vị thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch như cam thảo, hoàng kỳ, uy linh tiên, đan bì, sinh địa, hồng hoa, đào nhân, đại hoàng, ích mẫu. Vị thuốc có tác dụng ức chế phức hợp miễn dịch như xích thược, đan bì, sinh địa, địa phu tử, bạch tiên bì. Vị thuốc có tác dụng ức chế phản ứng quá mẫn như hoàng kỳ, ô mai, phòng phong, tần cửu, địa phu tử, hậu phác, ma hoàng, chỉ thực. nhân sâm.

Vị thuốc có tác dụng thúc đẩy sự hồi phục của tế bào gan, cải thiện chức năng gan, chống xơ hóa tế bào gan như sơn đậu căn, ngũ vị tử, nhân sâm, hoàng kỳ, linh chi, đông trùng hạ thảo; các thuốc hoạt huyết hóa ứ như đào nhân, hồng hoa, đan sâm, tam thất, bách hợp, miết giáp… đều có tác dụng chống xơ hóa tế bào gan.

KẾT LUẬN

Viêm gan virus là bệnh khá phổi biến, có tính lây nhiễm cao, tần xuất phát bệnh rộng. Bệnh diễn biến phức tạp, để lại di chứng nặng nề như xơ gan, ung thư gan. Điều trị và khống chế bệnh nay còn gặp nhiều khó khăn. Theo y học cổ truyền các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm gan virus thuộc chứng hoàng đản, hiếp thống, uất chứng, tích tụ và cổ trướng.

Giai đoạn cấp tính chủ yếu là thấp nhiệt dịch độc xâm phạm vào cơ thể. Lâm sàng biểu hiện ở ba thể chính là thể có vàng da do thấp nhiệt (dương hoàng) hoặc do hàn thấp (âm hoàng), thể không có vàng da do thấp trở tỳ vị hoặc can uất khí trệ và thể ác tính do nhiệt độc tích thịnh hoặc nhiệt độc nội hãm. Viêm gan virus có thể ác tính, bệnh diễn biến nhanh, tiên lượng nặng; vì vậy không nên chỉ điều trị bằng thuốc y học cổ truyền mà phải kết hợp các phương pháp điều trị của y học hiện đại.

Đặc điểm bệnh sinh chủ yếu của viêm gan mạn tính là hư thực thác tạp. Hư là chức năng của các tạng phủ trong cơ thể đặc biệt là hai tạng can và thận giảm sút; thực là biểu hiện của ứ trệ cục bộ tại can, thấp nhiệt uẩn lưu không được giải trừ. Điều trị cần công bổ kiêm thi, trong đó chú ý khôi phục chức năng của các tạng phủ suy giảm, khôi phục chính khí, tăng cường sức đề kháng toàn thân, có lợi cho việc công tà. Công tà chủ yếu dùng thuốc hoạt huyết để thông lạc, tiêu ứ. Cần chú ý thực hiện tốt các nguyên tắc dùng thuốc trong điều trị bệnh gan.

Do bệnh có tính lây nhiễm cao vì vậy cần làm tốt công tác dự phòng để tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *