Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH VIÊM DẠ DÀY MẠN TÍNH

Bài thuốc đông y trị bệnh viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng tổn thương có tính chất kéo dài, có thể lan tỏa hoặc khu trú tại một vũng của dạ dày, dần dần dẫn tới teo niêm mạc dạ dày.

Sợ biến đổi hình thái niêm mạc dạ dày thường có kèm theo những dấu hiệu lâm sàng và những rối loạn chức phận vận động và tiết dịch của dạ dày.

Bệnh có thể xảy ra ở hang vị, môn vị, tâm vị hoặc viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày. Lúc đầu là viêm phì đại, về sau là viêm teo.

Nguyên nhân gây bệnh:

Do nhiễm độc rượu

Do thuốc kháng viêm steroid, non- steroid

Do dịch mật trào ngược

Do các yếu tố nhiễm khuẩn mạn tính trực tiếp gây nên viêm dạ dày mạn tính hoặc duy trì viêm dạ dày mạn tính (nhiễm khuẩn răng, tai mũi họng, viêm phế quản mạn tính).

Do vi khuẩn Helicobacter pylori.

Do vai trò của thức ăn, hóa chất, thiếu dinh dưỡng.

Do yếu tố miễn dịch.

       Các nguyên nhân kể trên thường tác động trong một thời gian dài gây nên tổn thương mãn tính cho niêm mạc dạ dày.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Cảm giác nặng bụng, trướng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đại tiện phân táo lỏng thất thường.

Nóng rát vùng thượng vị: xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau ăn uống một số thứ như bia rượu, gia vị cay, chua hoặc ngọt; sau ăn mỡ xuất hiện nóng rát có thể do trào ngược dịch mật vào dạ dày, có một số trường hợp nóng rát xuất hiện muộn sau bữa ăn.

Đau vùng thượng vị: không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ĩ thường xuyên, đau tăng lên sau ăn.

Khám thực thể: thể trạng bình thường hoặc gây sút cân ít, da khô tróc vẩy, lưỡi bự trắng, đau tức vùng thượng vị khi gõ hoặc ấn sâu.

Cận lâm sàng

Chụp X quang dạ dày: có hình ảnh các niêm mạc thô không đều, bờ cong lớn nham nhở, hình răng cưa.

Nội soi:

Viêm nóng: có những mảng màu đỏ, các nếp niêm mạc còn nguyên vẹn, có thể có hình ảnh phù nề hoặc các vết trợt loét.

Viêm teo: niêm mạc dạ dày nhợt nhạt, bề mặt nhẫn bóng, có thể thấy hệ thống mạch máu dưới niêm mạc. Ngoài ra, có thể thấy những đảo dạng u vàng, giả polyp.

Sinh thiết dạ dày:

Hình ảnh mô học của viêm dạ dày mạn tính thể nông: lớp đệm sung huyết phù nề, xâm nhiễm tế bào viêm, tróc biểu mô. Các tuyến vẫn bình thường về số lượng và hình thái.

Thể viêm teo dạ dày: nhiều bạch cầu trong tổ chức đệm, giảm số lượng tuyến và các tuyến teo nhỏ.

Nếu các tế bào tuyến của dạ dày có hình thái giống như tế bào tuyến của ruột (loạn sản ruột) thì đó là mộ thể nặng hơn của viêm teo dạ dày.

Xét nghiệm dịch vị:

Trong viêm dạ dày nhẹ: nồng độ acid chlohydric giảm nhưng khối lượng dịch tiết bình thường hoặc hơi tăng.

Trong viêm teo dạ dày: lượng dịch tiết và nồng độ acid chlohydric giảm nhiều dần dần tiến tới vô toan.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tụy cấp: amylase máu và nước tiểu tăng cao.

Thủng dạ dày: X quang ổ bụng thấy liềm hơi.

Viêm túi mật cấp tính: sốt, sờ thấy túi mật to.

Cơn đau cấp của loét dạ dày- tá tràng: X quang có ổ loét dạ dày- tá tràng.

Tiến triển và biến chứng

Viêm dạ dày mạn tính tiến triển từ từ, hình thái niêm mạc thay đổi dần dần từ viêm phì đại đến viêm teo thể đơn thuần, thể teo có loạn sản.

Bệnh có thể gây ung thư dạ dày, xuất hiện tiêu hóa, viêm túi mật mạn tính, viêm tụy mạn tính.

Y học cổ truyền.

Khái niệm

Viêm dạ dày mạn tính thuộc chứng vị quản thống, bĩ mãn, noãn khí. Vị trí bệnh tại trung tiêu tỳ vị, có liên quan tới can, đờm, thận.

Giai đoạn sớm thường do tà khí gây rối loạn chức năng tỳ vị làm cho thăng giáng thất thường, bệnh tại phần khí và thường là thực chứng.

Giai đoạn sau tỳ vị bị tổn thương, vận hóa thất thường làm cho khí huyết âm dương bị tổn thương, lâu ngày gây nên huyết ứ.

Viêm dạ dày mạn tính luôn biểu hiện chính hư tà thực, điều trị thường dùng phương pháp thư can lý khí, hòa vị, giáng nghịch, tiêu thực đạo trệ. Giai đoạn đầu là tà thực hiệp hư, giai đoạn sau là hư trung hiệp thực, điều trị thường dùng phương pháp ôn trung kiện tỳ ích khí, dưỡng vị sinh tân tư âm, hoạt huyết hóa ứ thông lạc.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh

 Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh là do ăn uống không điều độ và tỳ vị hư nhược. Bệnh có liên quan tới các yếu tố như tình chí bị tổn thương, lao động quá mức, lục dâm táo là các nhân tố phát bệnh.

Ăn uống không điều độ: do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, ăn nhiều đồ cay nóng gây tổn thương tỳ vị, hóa thấp sinh nhiệt làm cho tỳ vị vận hóa thường; bệnh lâu ngày không điều trị khởi dẫn tới viêm dạ dày mạn tính.

Tỳ vị hư nhược: do thể chất hư nhược hoặc bệnh từ các tạng phủ khác dẫn tới làm cho tỳ vị hư nhược, chức năng vận hóa trở ngại, phân tiết bị rối loạn gây nên bệnh.

Rối loạn tình chí: giận dữ thì hại can, dẫn tới can khí uất trệ; ưu tư thì tổn thương tỳ, làm cho tỳ hư vị nhược; can mộc khắc tỳ thổ dẫn tới chứng can tỳ, can vị bất hòa, chức năng phân tiết của vị trường, rối loạn chức năng tiêu hóa; can khí uất trệ gây nên đởm khí thượng nghịch, dịch mật trào ngược gây nên bệnh.

Lao động quá mệt nhọc: lao động quá sức làm hao thương nguyên khí, tỳ vị hư làm ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa, khí trệ huyết ứ, ảnh hưởng tới chức năng của vị trường, rối loạn chức năng phân tiết gây nên bệnh.

Vị là bể của thủy cốc, chủ thu nạp và làm ngấu nhừ thức ăn, có tương quan biểu lý của tỳ; tỳ có chức năng vận hóa tinh hoa của thủy cốc di dinh dưỡng toàn thân, thăng thanh giáng trọc. Can chủ sơ tiết và điều hòa khí cơ của tỳ vị. Can mộc khắc tỳ thổ nên nếu can sơ tiết thất thường sẽ gây ảnh hưởng tới tỳ vị gây chứng can khí phạm vị, can khí hoành nghịch dẫn tới bệnh của tỳ vị. Bệnh tiến triển từ chổ bệnh ở khí dẫn tới huyết, từ thực chuyển hành hư, hư thực thác tạp, hàn nhiệt thác tạp. Bệnh thường kéo dài làm cho tỳ vị khí hư, bản hư tiêu thực, khí hư không thúc đẩy được huyết vận hành làm cho can uất khí trệ, huyết ứ trở trệ. Tỳ vị hư hàn, lại ăn nhiều đồ béo ngọt làm cho thấp nhiệt uẩn kết gây nên tính trạng hàn nhiệt thác tạp.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Giai đoạn viêm nóng: đau vùng thượng vị, nôn, buồn nôn, bụng trướng, ăn ít, miệng đắng, đại tiện phân táo, lưỡi bệu có ấn răng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch trầm hoạt.

Tỳ chủ vận hóa, vị chủ thu nạp; nếu nạp – hóa bình thường, thăng giáng điều hào thì chất tinh vi của thủy cốc được đưa đi nuôi dưỡng toàn thân. Nếu do ăn uống không điều độ làm cho thức ăn bị đình trệ, không được tiêu hóa đầy đủ gây tổn thương trung khí hoặc ăn nhiều thức ăn cay, nóng, béo, ngọt sinh ra thấp nhiệt ở tỳ vị dẫn tới trướng, đau tức, ăn không ngon miệng. Lưỡi bệu có ấn răng, rêu lưỡi nhớp là biểu hiện tỳ vị thấp nhiệt. Thấp tà uất lâu ngày hóa nhiệt, tà nhiệt gây tổn thương vị cho nên có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, cảm giác nóng rát, miệng đắng, họng khô, đại tiện táo kết.

   Giai đoạn viêm nông có biểu hiện của vị nhiệt nên chất lưỡi đỏ, rêu từ trắng chuyển sang vàng, dính nhớp. Giai đoạn viêm teo biểu hiện chính khí hư, hình ảnh lưỡi biến đổi nhiều như lưỡi gọn hồng, ít tân dịch thì thuộc âm hư; chất lưỡi nhợt, bệu, mềm thì thuộc dương hư. Giai đoạn ổn định chất lưỡi nhợt hồng, rêu lưỡi trắng nhuận.

Theo ngũ hành thì tỳ vị thuộc thổ, nếu can mộc không được thư thái dẫn tới tình chí uất giận, can khí uất kết phạm vị làm cho vị mất hòa giáng, can khí thượng nghịch thì gây nên tình trạng bụng trướng, nôn, buồn nôn. Tà khí không lưu thông, bệnh lâu ngày nhập vào lạc có thể gây huyết ứ, biểu hiện lâm sàng là đau, vị trí đau cố định ít di chuyển.

Thể viêm nông có liên quan tới thất tình hoặc ăn uống không điều độ; cơ chế bệnh sinh là do khí uất tại trung tiêu, thăng giáng của tỳ vị không điều hòa làm khí cơ trở trệ.

Giai đoạn viêm teo thường xảy ra ở người cao tuổi, chính khí dần dần hư hao. Tỳ chủ cơ nhục, chủ tứ chi, thần chí chủ ưu tư. Lao động mệt nhọc gây tổn thương khí, ưu tư suy nghĩ nhiều hại tỳ nên biểu hiện lâm sàng là chứng tỳ vị khí hư, âm huyết hư làm vị âm không đầy đủ. Khí hư không thể hành huyết, huyết hư thì lạc mạch không sung túc dẫn đến huyết ứ trệ. Tóm lại, bệnh do tỳ vị hư nhược khí huyết không đầy đủ và huyết ứ trệ.

Nguyên tắc điều trị

Viêm dạ dày mạn tính thường tiến triển lâu ngày, hay tái phát, mỗi giai đoạn của bệnh có phương pháp điều trị khác nhau.

Khi bệnh đang tiến triển thì dùng pháp sơ can, thanh nhiệt, lý khí, trừ thấp tiêu trướng.

 Khi giai đoạn ổn định thì dùng pháp điều lý tỳ vị, kiện tỳ bổ khí hoặc dưỡng âm ích vị, tiêu trừ thấp nhiệt đàm ứ.

PHÂN THỂ LÂM SÀNG

Bài thuốc đông y trị bệnh viêm dạ dày mạn tính

Mass Image Compressor Compressed this image. https://sourceforge.net/projects/icompress/ with Quality:80

I. Viêm nông

1. Tỳ vị thấp nhiệt

Triệu chứng: đau tức vùng thượng vị, bụng trướng, nôn, buồn nôn, ăn uống kém, miệng khô dính, khát nước nhưng không muốn uống, người bệu trệ, đại tiện phân nát, rêu lưỡi vàng nhớp hoặc trắng dính, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh hóa hòa trung, thông giáng vị khí.

Bài thuốc: Ôn đởm thang gia vị (Thiên kim phương)

Trần bì  10g, Bán hạ chế  12g, Phục linh bì  12g, Chỉ xác  10g, Trúc nhự  10g, Sinh cam thảo  06g, Sinh khương  12g, Chi tử sao  10g, Hà diệp  12g, Đông qua bì  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì trần bì, bán hạ chế có vị hơi đắng, tính ôn, có tác dụng kiện tỳ hóa thấp. Trúc nhự, chi tử có tác dụng thanh tiết vị nhiệt (nếu biểu hiện nhiệt không nhiều thì dùng trúc nhự 15g, không dùng chi tử; nhiệt nặng dùng trúc nhự 30g, chi tử 06-10g). Phục linh bì, đông qua bì vị ngọt đạm, hơi mát, có tác dụng thấm thấp thanh nhiệt. Sinh khương có tính vị cay ấm, hà diệp chất nhẹ; hai vị này phối hợp với nhau làm thăng phát tỳ khí. Chỉ các có vị đắng làm thông giáng vị khí, thăng giáng cùng dùng nên có tác dụng điều hào khí cơ, thanh nhiệt hóa thấp.

Tỳ vị cùng ở trung tiêu, tỳ là tạng thuộc âm, vị là phủ thuộc dương; tỳ ưa táo ghét thấp, vị ưa thấp ghét táo; bệnh của tỳ thường liên quan tới thấp, bệnh của vị thường liên quan tới nhiệt. Tỳ vị có quan hệ biểu lý nên bệnh tình thường biểu hiện tỳ thấp vị nhiệt khó phân biệt rõ ràng. Khi dùng thuốc điều trị, cần chú ý các vị thuốc có tác dụng táo thấp mà không gây tổn thương vị nhiệt, có tác dụng thanh nhiệt mà không gây tổn thương tỳ thấp.

     Nếu bệnh mưới mắc hoặc giai đoạn viêm cấp tính có biểu hiện nhiệt rõ (lưỡi khô, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng dính, mạch hoạt sác) thì gia bồ công anh 15g, liên kiều 12g, bạch hoa xà nhiệt thảo 15g, bán chi liên 121g, phục linh 12g, bại tương thảo 12g để thanh nhiệt giải độc, trừ viêm cấp tính.

Nếu bệnh lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt khó tiêu trừ dẫn tới thấp nhiệt nặng (biểu hiện miệng khô, không muốn uống nước hoặc thích uống nước ấm, đầu nặng tức, rêu lưỡi trắng dính) thì dùng bài thuốc trên, trọng dụng phục linh bì, đông qua bì đề lợi thấp và gia thương truật 12g, hậu phác 12g, thảo đậu khấu 12g, hoắc hương 10g là các vị thuốc có tính vị đắng lạnh táo thấp và phương hương hóa thấp.

Nếu thấp nhiệt uẩn kết ở tỳ vị ảnh hương tới chức năng vận hóa thì gia kê nội kim 12g, la bạc tử 10g.

2. Can khí phạm vị

Lâm sàng: bụng trướng trệ, đau mạn sườn xuyên ra sau lưng, tinh thần không thoải mái, dễ bị kích thích, dễ cáu giận, ngủ ít, hay mê, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch huyền khẩn.

Pháp điều trị: thư can hòa vị, lý khí hóa thấp.

Bài thuốc: Sài bình thang gia giảm

Sài hồ  12g, Bạch thược  15g, Chỉ xác  10g, Trần bì  10g, Hậu phác  12g, Thương truật  12g, Huyền hồ  10g, Cam thảo  06g, Phật thủ  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc Sài bình thang được cấu tạo từ bài Tứ nghịch tán (Thương hàn luận) gia giảm tạo thành. Trong bài thuốc này thì sài hồ có tác dụng sơ can giải uất. Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết nhu can. Chỉ xác có tác dụng hạ khí giáng nghịch cùng với sài hồ (một vị thăng một vị giáng) để điều hòa khí cơ của can vị. Cam thảo và bạch thược có tác dụng hóa âm, hoãn cấp chỉ thống. Do can vị bất hòa, khí cơ trở trệ nên gia thương truật, hậu phác, trần bì có tác dụng hóa thấp, khai tán uất kết; phật thủ có tác dụng lý khí chỉ thống. Bài thuốc trên có tác dụng tiêu viêm, cải thiện chức năng vận hóa của trường vị.

Nếu khí uất lâu ngày hóa hỏa sinh nhiệt thì gia đan bì 12g, chi tử 15g, xuyên luyện tử 12g, thạch quyết minh 20g để thanh nhiệt ở can, vị.

Nếu ợ chua thì gia ô tặc cốt 12g, hải cáp xác 15g để ức toan chỉ thống.

Nếu khí uất lâu ngày dẫn tới huyết ứ, bụng đau cố định ít lan xuyên, chất lưỡi tím tối hoặc có điểm ứ huyết thì dùng bài Thất tiếu tán hoặc Đan sâm ẩm để hoạt huyết hóa ứ chỉ thống.

II. Thể viêm teo

1. Tỳ khí hư

Lâm sàng: bụng trướng, đau hoặc không đau, ăn uống kém, thích ấm, sợ lạnh, sau lao động hoặc ưu tư thì bệnh nặng lên, người mệt mỏi, sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng nhợt, chân tay lạnh, người lạnh; chất lưỡi bệu nhợt, có ấn răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí.

Bài thuốc: Hương sa lục quân tử thang gia vị (Trương thị y thông)

Đảng sâm  15g, Hoàng kỳ  15g, Bạch truật  12g, Ô mai  15g, Trần bì  08g, Phục linh  12g, Bán hạ chế  12g, Mộc hương  06g, Sa nhân  06g, Cam thảo  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật có tác dụng ích khí bổ hư. Mộc hương có tác dụng lý khí đạo trệ, làm cho thuốc bổ mà không trệ. Sa nhân, ô mau có tác dụng tỉnh tỳ khai vị, tăng cường khả năng ăn nuống. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Bài thuốc được xây dựng theo nguyên tắc có bổ, có thông. Tỳ vị khí hư thì cần bổ khí (dùng đảng sâm, hoàng kỳ, phục linh, bạch truật) nhưng nếu chỉ dùng nguyên thuốc bổ thì gây trở trệ tỳ vị, ăn uống khó tiêu nên phải dùng với thuốc kiện tỳ ích khí. Các vị trần bì, bán hạ chế, mộc hương có tác dụng lý khí thông trệ, tăng cường chức năng vận hóa của tỳ vị; phối hợp với sa nhân, ô mau làm tăng kiện vận, tăng cường chức năng tiêu hóa.

Khí hư lâu ngày thì khí tổn cập dương dẫn tới người lạnh, chân tay lạnh, đại tiện phân nát (là biểu hiện của trung dương hư nhược) thì gia phụ tử chế 06g, can khương 06g để ôn trung tán hàn.

Nếu tỳ vị khí hư, ăn uống thất thường, bụng trướng trệ thì gia chỉ xác 10g, hậu phác 12g, lai phục tử 12g.

Nếu có biểu hiện thiểu toan thì ngoài ô mai có thể gia nhục quế 04g, hoắc hương 10g là các vị thuốc có tính vị tân ôn phương hương để kích thích tăng tiết toan và gia mạch nha 12g, kê nội kim 12g để tiêu thực đạo trệ.

2. Vị âm hao hư

Lâm sàng: bụng trướng đau, nóng rát, ăn uống kém, đói mà không muốn ăn, miệng khô lưỡi táo, lòng bàn chân và bàn tay nóng, đại tiện táo, người gầy sút, chất lưỡi gọn đỏ, ít rêu lưỡi, mạch tế sác.

Pháp điều trị: dưỡng vị sinh tân.

Bài thuốc: Dưỡng vị thang gia giảm (Ôn bệnh điều biện)

Sa sâm  15g, Mạch môn  15g, Sinh địa  15g, Thạch hộc  12g, Thái tử sâm  12g, Ngọc trúc  12g, Biển đậu  12g, Liên nhục  12g, Sơn tra  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên mạch môn, sinh địa, ngọc trúc có tính vị ngọt lạnh để dưỡng âm sinh tân thanh nhiệt. Bệnh chủ yếu do tỳ vị hư tổn dẫn tới vị âm hư, khi điều trị ngoài dùng các vị có tác dụng dưỡng âm sinh tân ra còn phải kiện tỳ vị cho nên gia thái tử sâm phối với sa sâm có tác dụng song bổ khí âm, tư bổ âm tân của vị mà không gây tổn thương dương khí của tỳ. Biển đậu, liên nhục có tính vị ngọt nhạt để dưỡng tỳ, không táo không nhiệt, không lạnh, không mát phù hợp với chứng âm hư của bệnh.

Trong điều trị nên chú ý đặc điểm sinh lý của tỳ vị. Khi dùng các vị thuốc có tính hàn lương phải gây nê trệ, khi dùng các vị thuốc dưỡng âm không gây tổn thương tỳ, có như vậy thì âm hư được phục hồi mà không gây tổn thương tỳ khí.

 Nếu âm hư gây tổn thương tân dịch có thể sinh nội nhiệt (biểu hiện là nhiên nhiệt, lưỡi đỏ, mạch sác) thì trọng dụng sinh địa, mạch môn để tư âm thanh nhiệt, có thể dùng sinh thạch cao 20g, tri mẫu 12g, địa cốt bì 12g để tăng cường tác dụng thanh nhiệt. Nếu tỳ khí hư nhược thì bỏ sinh địa, mạch môn và gia hoàng tinh 12g, hoài sơn 12g, kỷ tử 10g, có tác dụng song bổ khí âm.

3. Huyết ứ trở lạc

Lâm sàng: đau dữ dội vùng thượng vị, đau chói, vị trí đau cố định, sắc mặt sạm tối; chất lưỡi tím, có ban điểm ứ huyết, mạch sáp:

Pháp điều trị: hoạt huyết thông lạc.

Bài thuốc: Thất tiếu tán phối hợp với Đan sâm ẩm gia giảm

Bổ hoàng  10g, Ngũ linh chi  10g, Đan sâm  15g, Nga truật  10g, Sa nhân  10g, Hoàng kỳ  20g, Hải tảo  12g, Vương bất lưu hành  12g, Chỉ xác  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

  Trong bài thuốc trên thì đan sâm có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết. Bổ hoàng, ngũ linh chi có tác dụng hoạt huyết khứ ứ. Vương bất lưu hành, nga truật, hải tảo có tác dụng thông lạc phá tích, nhuyễn kiên tán kết. Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí. Chỉ xác có tác dụng hành khí khai uất, khí hành thì huyết hành.

  Trên lâm sàng, ít khí chỉ biểu hiện huyết ứ đơn thuần mà thường kèm theo khí âm bất túc, khí hư thì không thể hành được huyết, huyết hư thì mạch không sung túc, đó là nguyên nhân gây nên huyết ứ nên chú ý dùng thuốc điều khí và thuốc bổ khí. Nếu khí hư thì gia đảng sâm 12g; khí trệ thì gia sài hồ 12g, huyền hồ 12g, hương phụ 12g, âm huyết bất túc thì gia đương quy 12g, bạch thược 15g.

\Giai đoạn viêm tao chia làm bà thể nhưng lên lâm sàng thì thể khí âm hao hư và huyết ứ trở lạc thường phối hợp với nhau. Biểu hiện là giảm sút chức năng tiêu hóa, khi điều trị thường dùng phương pháp ôn bổ để hồi phục chức năng tiêu hóa: (ôn bổ thường phối hợp với hoạt huyết hóa ứ). Vị là phủ, tích thích nhuận mà ghét táo, lấy thông làm thuận, chức năng chủ thu nạp thủy cốc, trên lâm sàng thường có biểu hiện thực trệ, uất nhiệt, âm thương; khi điều trị cần phải dùng pháp tiêu trệ, giải uất nhiệt.

Thực nghiệm đã chứng minh phương pháp hoạt huyết hóa ứ có tác dụng ức chế quá trình viêm.

MỘT SỐ BÀI THUỐC KHÁC

Ích vị hoạt huyết thang: sa sâm 15g, mạch môn 15g, mộc qua 15g, sơn tra 15g, kỷ tử 10g, đương quy 10g, bạch thược 15g, xuyên khung 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, đan sâm 15g, tam lăng 10g, nga truật 10g, cam thảo 06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, điều trị thể viêm tao có biểu hiện vị hư huyết ứ.

Ích trung hoạt huyết thang: đảng sâm 115g, hoàng kỳ 30g, ngô thù du 10g, tế tân 04g, quế chi 10g, đan sâm 30g, tam lăng 10g, nga truật 10g, bồ hoàng 10g, ngũ linh chi 10g, xích thược 10g, đương quy 10g, xuyên khung 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, chỉ xác 10g, bán hạ chế 10g, khương hoàng 10g, cam thảo 06g.

  Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Ngực sườn đầy tức, đau nhiều thì gia huyền hồ 10g, xuyên luyện tử, uất kim mộc hương đều 10g; bụng đau tức kèm rối loạn tiêu hóa thì gia cốc nha, mạch nha, sơn tra, la bặc tử đều 10g; ợ hơi, nôn nước trong thì gia bán hạ chế, phục linh đều 15g; bụng đầy, táo bón, lưỡi loét thì đại hoàng (sống), hậu phác đều 10g.

Lý khí dưỡng vị thang: bạch truật, xích thược, kê nội kim, chỉ xác, huyền hồ đều 10g; sa nhân, chích cam thảo đều 06g, bạch thược 15g, ô mai 20g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Tỳ hư thì gia đảng sâm 12g, bạch linh 12g; vị âm hư thì gia sa sâm 15g, mạch môn 15g, thạch hộc 12g; trung tiêu tích nhiệt thì gia hoàng liên 12g, ngân hoa 20g; đàm thấp thịnh ở trung tiêu thì gia trần bì 10g, bán hạ 10g; khí hư nặng thì gia hoàng kỳ 20g; nghi ung thư hóa thì gia bạch hoa xà nhiệt thảo 30g, bán chi liên 12g.

Vị viêm phiến: cam thảo, bạch thược, quế chi, cao lương khương, hoàng liên, sài hồ, liều lượng theo tỷ lệ 2 :2: 1:1:0,5: 0,3, tán bột mịn, trộn đều, làm viên hoàn.

Mỗi lần uống 04g trước khi ăn 1 giờ, ngày 03 lần, 03 tháng là một liệu trình.

Vị viêm cao: đảng sâm, bạch linh, hương phụ đều 10g; bạch truật, đan sâm đều 15g, cao lương khương, cam thảo đều 05g, thanh đại 01g. Bảy vị đầu sắc cô thành 200ml, cho bột thanh đại vào trộn đều. Ngày uống 03 lần, mỗi lần 10ml hoặc ngày 02 lần, mỗi lần 15ml, uống trước lúc ăn (điều trị chứng viêm nông dạ dày)

Hoàng bồ vị viêm khang: hoàng kỳ 30g, bồ công anh, bạch hợp, bạch thược đau sâm đều 20g; ô dược, cam thảo, thần khúc (sao), sơn tra (sao), mạch nha (sao) đều 10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Hoạt huyết hóa ứ thang: hoàng kỳ 20g, đương quy, xuyên khung, chỉ thực đều 15g, lương khương, nhũ hương, một dược, chích cam thảo đều 10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Đau nhiều thì gia huyền hồ 15g; bụng đầy nhiều gia hậu phác, thanh bì đều 10g; rối loạn tiêu hóa thì gia mạch nha, thần khúc, sơn tra đều 15g.

Thanh tâm dưỡng vị thang: sa sâm, ngọc trúc, thanh hộc, liên tử, biển đậu, phục linh đều 15g; sinh địa, thông thảo, chi tử đều 09g; thạch hộc 12g; cam thảo, trúc diệp đều 06g; đảng tâm 1,5g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Ăn kém thì gia kê nội kim 12g; bụng đầy tức chỉ xác 12g, hậu phác 12g; nôn, buồn nôn thì gia trúc nhự 12g; miệng khát thì gia mạch môn 15g, thiên hoa phấn 12g; khó ngủ thì gia hợp hoan bì 10g, dạ giao đằng 15g; đau tức vùng gan thì gia bạch tật lê 12g.

Ích vị bách hợp thang: bạch hợp 30g, ô dược 09g, bạch thược 15g, cam thảo 05g, sơn dược 20g, hoàng kỳ 20g, hồng hoa 15g, trần bì 10g, hoàng liên 03g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

KẾT LUẬN

Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh thường gặp trên lâm sàng, thuộc chứng vị quản thống, bĩ mãn của y học cổ truyền. Bệnh tại trung tiêu tỳ vị, có liên quan mật thiết tới can, đờm, thận.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh là do ăn uống không điều độ và tỳ vị hư nhược. Bệnh có liên quan tới các yếu tố như tình chí bị tổn thương, lao động quá mức, lục dâm táo tà là các nhân tố phát bệnh.

Điều trị bệnh cần căn cứ vào từng giai đoạn của bệnh để biện chứng luận trị, kết hợp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc và các biện pháp phòng bệnh.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *