Bài thuốc đông y trị bệnh viêm bì thần kinh
Viêm bì thần kinh hay còn gọi là lichen giản đơn mạn tính vidal (hay sần ngứa khu trú Darier). Bệnh viêm da do rối loạn chức năng thần kinh mang tính chất cục bộ và đối xứng. Biểu hiện viêm da mạn tính với những đợt bột phát ngứa, sần da. Nguyên nhân, cơ chế bệnh còn chưa rõ ràng nhưng có liên quan nhiều đến yếu tố chà xát, gãi và các yếu tố kích thích ngoại lai.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Bệnh hay gặp ở tuổi thanh niên, trung niên: lúc đầu ngứa nhiều, sau đó tổn thương da không xuất tiết; sần da nổi cao bề trên mặt da, màu sắc hơi sạm hoặc bạc trắng.
Vị trí hay gặp là hai bên cổ, tứ chi, vùng cùng cụt, quanh hậu môn, cơ quan sinh dục.
Bệnh tiến triển mạn tính,hay tái phát
Cận lâm sàng
Sinh thiết đa chẩn đoán giải phẫu bệnh lý đánh giá tổn thương mô học da.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh vẩy nến.
Bệnh Eczema mạn tính.
Bệnh Amiloidosis da.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm bì thần kinh, thuộc phạm trù chứng ngưu bì tiên hoặc nhiếp cảnh sang. Bệnh do phong thấp uẩn kết ở bì phu làm cho kinh khí không thông gây ra. Bệnh hay gặp ở hai bên cổ, tứ chi, vùng cùng cụt, quanh hậu môn, cơ quan sinh dục.
Nguyên nhân bệnh sinh
Trong cuộn “Ngoại khoa chính tông” nêu: ngưu bì tiên giống như cổ trâu, dày và cứng, sờ như gỗ mục.
Trong sách “Chư bệnh nguyên hậu luận” nêu: nhiếp cảnh sang phát sinh ở cổ da dày như vân màu bạc.
Nguyên nhân bệnh chủ yếu do nội thân, thất tình nội thương, tâm phiền hóa hỏa gây ra. Bệnh mới phát, da sần màu đỏ, ngứa nhiều là do rôi sloanj chức năng chủ huyết mạch của tâm, tâm hỏa thịnh phục ở doanh huyết làm cho huyết nhiệt, nhiệt sinh phong, phong thịnh gây táo; bệnh lâu ngày da dày lên thô ráp là do phong thịnh, huyết hư phong táo.
Bệnh phát sinh còn liên quan đến phế kinh phong độc, tỳ kinh thấp nhiệt, ngoại cảm phong nhiệt, huyết hư phong táo, bì phu thất dưỡng gây nên.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Căn cứ vào diễn biến thời gian mắc bệnh, tổn thương tại chổ, nguyên nhân gây bệnh để biện chứng biểu hay lý, hư hay thực, hàn hay nhiệt, ảnh hưởng của bệnh đến tạng phủ khí huyết. Nói chung, nguyên nhân bệnh ính của chứng bệnh ngưu bì tiên chủ yếu do phong nhiệt, huyết hư, phong táo và có liên quan đến tâm phế và tỳ.
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị chủ yếu là bổ huyết trừ phong, tùy theo diễn biến mà kết hợp với khu phong thanh nhiệt, khu phong nhuận táo và thanh tiết táo thấp; phối hợp với kiện tỳ ích phế, dưỡng tâm an thần.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.PHONG THẤP NHIỆT
Lâm sàng: da tổn thương thành từng đám dày lên màu hồng, ngứa nhiều nhất là ban đêm, lưỡi rêu trắng dày hoặc trắng nhớt, mạch nhu hoãn.
Pháp điều trị: khu phong thanh nhiệt, khu phong chỉ dương.
Bài thuốc: Tiêu phong tán gia giảm.
Đương quy 15g, Sinh địa 15g, Phòng phong 12g, Thuyền thoái 10g, Khổ sâm 15g, Sài hồ 15g, Kinh giới 12g, Thương truật 12g, Ngưu bàng tử 12g, Thạch cao 12g, Mộc thông 12g, Cam thảo 07g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì phòng phong, kinh giới, thuyền thoái có tác dụng khu phong thanh nhiệt giảm ngứa. ĐƯơng quy có tác dụng bổ huyết để khu phong. Sinh địa có tác dụng lương huyết. Khổ sâm để thanh nhiệt táo thấp. Thương truật có tác dụng trừ phong thấp. Sài hồ, ngưu bàng tử để giải độc thăng thanh. Thạch cao có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, phối hợp với mộc thông để tiết nhiệt thấm thấp. Cam thảo có tác dụng điều hòa tính dược, giải độc.
Nếu phong nhiệt thịnh thì gia kim ngân hoa 20g, liên kiều 15g.
Nếu thấp nhiệt thịnh gia chi tử 12g, địa phu tử 12g, xa tiền tử 15g.
Nếu huyết nhiệt thì gia đan bì 12g, xích thược 15g, tử thảo 15g.
2.HUYẾT HƯ PHONG TÁO
Lâm sàng: tổn thương tại chỗ da dày lên thô ráp, màu nhạt hoặc bạc màu, mệt mỏi, hồi hộp, trống ngực, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, lưỡi ít rêu, chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế.
Pháp điều trị: ích huyết nhuận táo, khu phong chỉ dương.
Bài thuốc: Tứ vật tiêu phong ẩm gia giảm.
Sinh địa 15g, Đương quy 12g, Kinh giới 08g, Phòng phong 12g, Xích thược 15g, Xuyên khung 08g, Bạch tiên bì 12g, Thuyền thoái 12g, Bạc hà 08g, Độc hoạt 12g, Sài hồ 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì đương quy có tác dụng bổ huyết. Sinh địa, xích thược có tác dụng lương huyết, sinh tân nhuận táo. Kinh giới, phòng phong, thuyền thoái có tác dụng khu phong. Bạc hà, sài hồ có tác dụng tân lương giải biểu. Độc hoạt để trừ phong thấp. Xuyên khung có tác dụng hoạt huyết trừ phong. Bạch tiên bì có tác dụng giải độc giảm ngứa, tăng cường tác dụng khu phong giảm ngứa của kinh giới, phòng phong, thuyền thoái.
Nếu người mệt mỏi, hồi hộp, trống ngực thì gia linh chi 12g, sinh hoàng kỳ 20g, toan táo nhân 12g.
Nếu kinh nguyệt ra nhiều thì gia bạch cập 10g, địa du 20g, hạn liên thảo 20g.
Nếu huyệt nhiệt thì gia đan bì 12g, tử thảo 15g.
3.TỲ HƯ THẤP THỊNH
Lâm sàng: da dày màu sắc ám tối, đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện phân nát, chất lưỡi bệu, hai bên rìa lưỡi có ấn răng, rêu lưỡi trắng dày, mạch nhu hoãn.
Pháp điều trị: kiện tỳ trừ thấp.
Bài thuốc: Trừ thấp vị linh thang gia giảm.
Thương truật sao 12g, Hậu phác 12g, Trần bì 12g, Trư linh 12g, Trạch tả 15g, Xích phục linh 12g, Bạch truật 15g, Hoạt thạch 12g, Phòng phong 12g, Chi tử 12g, Mộc thông 12g, Nhục quế 03g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc tên thì thương truật, bạch truật có tác dụng kiện tỳ trừ thấp. Hậu phác, trần bì có tác dụng phương hương, hành khí hóa thấp. Trư linh, trạch tả, xích phục linh, mộc thông, hoạt thạch đều có tác dụng lợi niệu thấm thấp. Phòng phong, chi tử để khu phong thanh nhiệt. Nhục quế có tác dụng ôn dương để hóa thấp. Cam thảo có tác dụng điều hòa tính dược.
Nếu ngứa nhiều thì gia bạch tiên bì 12g. Nếu thấp trệ rõ thì gia binh lang 06g hoặc phục long can 06g.
4.CAN UẤT HÓA HỎA.
Lâm sàng: tại chỗ tổn thương màu hồng hoặc đỏ, bứt rứt, hồi hộp, trống ngực, dễ cáu gắt, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, hay mê, đắng miệng, chất lưỡi đỏ, gai lưỡi nhọn, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền hoạt.
Pháp điều trị: sơ can giải uất, thanh nhiệt dưỡng huyết.
Bài thuốc: Tả can an thần hoàn (hoặc Đan chi tiêu giao hoặc Dương trảm thang gia giảm).
Long đởm thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Trân châu mẫu 60g, Mẫu lệ 15g, Long cốt 15g, Bá tử nhân 12g, Toan táo nhân 15g, Viễn chí 10g, Đương quy 12g, Sinh địa 15g, Mạch môn 15g, Tật lê 12g, Phục linh 15g, Xa tiền tử 15g, Trạch tả 15g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì long đởm, hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa. Trân châu mẫu, mẫu lệ, long cốt, bá tử nhân, toan táo nhân, viễn chí có tác dụng dưỡng tâm, trọng trấn an thần. Đương quy có tác dụng bổ huyết. Sinh địa, mạch môn có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm sinh tân. Tật lê có tác dụng bình can tức phong. Phục linh, xa tiền tử, trạch tả có tác dụng lợi niệu thấm thấp. Cam thảo điều hòa vị thuốc.
Nếu ngứa nhiều thì gia bạch tiên bì 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g.
Nếu huyết nhiệt thì gia tử thảo 15g, đan bì 12g, xích thược 15g.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Đơn nghiệm phương
Viêm bì thần kinh 1: bạch tiên bì, khổ sâm, địa phu tử, sà sàng tử 30g sắc đặc, rửa tổn thương.
Viêm bì thần kinh 2: long lão, băng ngâm cồn 75%, bôi tổn thương.
Thực trị liệu
Công thức 1: lạc cả vỏ 90g, đậu đỏ 60g, đại táo 60g, tỏi 60g nấu cháo ăn, ngày 02 lần.
Công thức 2: đậu xanh 20g, bạch hợp 100g, ý dĩ 50g, gạo nếp 50g nấu cháo ăn, ngày 02 lần.
Châm cứu
Tùy theo vị trí tổn thương da mà chọn huyệt có thể áp dụng hào châm, điện châm và nhĩ châm.
Chọn huyệt hoạt huyết thông lạc khu phong: Khúc trì, Hợp cốc, Huyết hải, Tam âm giao, Túc tam lý, Âm lăng tuyền và A thị huyệt.
KẾT LUẬN
Viêm bì thần kinh là một bệnh ngoài da mạn tính, viêm da do rối loạn chức năng thần kinh, thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên.
Biểu hiện chủ yếu là ngứa và sần da mang tính chất đối xứng, tiến triển mạn tính hay tái phát.
Điều trị phải kết hợp giữa điều trị tại chỗ và toàn thân, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để đem lại hiệu quả cao và ít tái phát.