Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH VIÊM BẾ THẬN MẠN TÍNH

 Bài thuốc đông y trị bệnh viêm bế thận mạn tính

Viêm bể thận mạn tính là bệnh nhiễm khuẩn bể thận gây ra những tổn thương viêm và phát sinh các biến chứng. Lâm sàng biểu hiện phức tạp, nhiều giai đoạn khác nhau. Chủ yếu là cấy khuẩn nước tiểu dương tính (có thể thường xuyên hoặc mang tính giai đoạn).

Chẩn đoán lâm sàng khó khăn, tỷ lệ phát bệnh chưa rõ ràng; chẩn đoán giải phẫu bệnh có tỷ lệ 0,23 – 9,5%, có thể cao tới 33%; tiến triển mạn tính dẫn đến suy thận chiếm khoảng 2% tổng số bệnh nhân suy thận.

Viêm bể thận mạn tính chia làm ba loại: viêm bể thận ngược dòng, viêm bể thận do ứ tắc và một số ít viêm bể thận đặc hiệu.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Dựa vào bệnh sử: trên 50% số bệnh nhân có tiền sử viêm bể thận cấp tính.

Triệu chứng lâm sàng: đái buốt, đái rắt, đái đau, đau vùng thắt lưng tái phát nhiều lần, điều trị không khỏi hẳn; một bộ phận bệnh nhân có sỏi tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu. Bệnh tiến triển kéo dài có thể xuất hiện đa niệu, thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận.

Cận lâm sàng

Nước tiểu thường quy: nước tiểu có bạch cầu, hồng cầu, vi lượng protein niệu không thường xuyên.

Cấy khuẩn nước tiểu vi khuẩn > 105/ml.

Định lượng β2 ꭚ globulin nước tiểu tăng cao.

Dựa vào X quang thận thường, chụp X quang thận thuốc.

Dựa vào xạ đồ thận.

Dựa vào siêu âm thận: xác định kích thước thận, phát hiện sỏi thận, giãn đài bể thận, thận tích nước.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm cầu thận mạn tính.

Lao thận.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm bể thận mạn tính thuộc phạm vi chứng lao lâm.

Nguyên nhân bệnh sinh

Theo “Chư bệnh nguyên hậu luận” thì nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của lâm chứng chủ yếu là do thận hư, bàng quang thấp nhiệt. Bệnh thuộc bản hư tiêu thực. Trong đó, bản hư là do thận hư, tiêu thực là do bàng quan thấp nhiệt. Lao lâm chính là lao thương thận khí, sinh ra nhiệt thành lâm chứng. Thận khí thông với âm, ảnh hưởng khí hóa dẫn đến đau vùng hạ vị, tiểu tiện không thông, lâu ngày tái phát nhiều lần dẫn đến hư lao.

Theo Lưu Hà Gian trong “Tố vấn huyền cơ nguyên bệnh thức” thì nguyên nhân chủ yếu là do cảm thụ thấp nhiệt. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do nhiệt nhập tạng thận, uất kết dẫn đến khí huyết mất tuyên thông gây ra.

Chu Đan Khê trong “Đan Khê tâm pháp” cho rằng tạng phủ (tâm – tiểu trường) có quan hệ mật thiết trong tiến triển bệnh, tâm hỏa đưa nhiệt xuống tiểu trường gây bệnh.

Tôn Tư Mạo trong “Chứng trị quyết yếu” cho rằng diễn biến của ngũ lâm (huyết, thạch, khí, cao, lao lâm) rất phức tạp, không phân thanh trọc, thận khí không điều hòa, uất kết dẫn đến lâm chứng. Hoặc do lao tâm quá độ, tiểu trường là phủ của tâm, tạng phủ hiệp bệnh hoặc tâm thận bất giao, thận khí không thông suốt, tân dịch ứ trở hoặc ra mồ hôi, mất huyết quá nhiều, tân dịch hư hao đều dẫn đến lao tâm.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Khí huyết bất túc thường gặp nên chú ý phù chính. Các thể bệnh viêm bể thận mạn tính theo y học cổ truyền thường do chính hư tà thực. Trong đó, chính hư chủ yếu khí âm lưỡng hư, tà thực là do tháp nhiệt độc uất kết hạ tiêu.

Thấp nhiệt bệnh tiến triển kéo dài thường có đợt bàng quang thấp nhiệt tiến triển kéo dài điều trị không khỏi.

Lao thương, cảm thụ phong hàn, thất tình (uất nộ, tư lự), lao quyện nội thương đều làm bệnh dễ tái phát.

Nguyên tắc điều trị

Lao lâm chủ yếu là tỳ lao và thận lao, có thể kết với tâm lao. Lâm lâm là bệnh thuộc bản hư tiêu thực. Tùy theo tiến triển của bệnh mà áp dụng nguyên tắc công bổ kiêm thi, phù chính trừ tà cho phù hợp.

Nguyên tắc điều trị chủ yếu là kiện tỳ ích thận, thanh nhiệt giải độc, lơi thấp thông lâm.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.THẤP NHIỆT HẠ TIÊU

Lâm sàng: có thể sốt, rét run kèm theo đái buốt, đái rắt nước tiểu vàng, đau tức vùng hạ vị, đau vùng thắt lưng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ tím, rêu lưỡi vàng, mạch đới sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, giải độc thông lâm.

Bài thuốc: Bát chính tán gia giảm.

Cù mạch  20g, Biển xúc  20g, Thông thảo  15g, Xa tiền tử  15g, Hoạt thạch  15g, Chi tử  10g, Đại hoàng  06g, Bồ công anh 30g, Bạch hoa xà thiệt thảo  30g, Cam thảo  15g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì cù mạch, biển xúc, thông thảo, xa tiền tử, hoạt thạch có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi thủy thông lâm. Các vị thuốc này, khi phối ngũ cùng chi tử để đạt tác dụng thanh tiết thấp nhiệt ở tam tiêu. Đại hoàng có tác dụng điều hòa tính dược. Bồ công anh, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy thông lâm.

Nếu đầy bụng, đại tiện táo thì gia chỉ thực 12g và tăng liều đại hoàng 10g; nếu đầy bụng, đại tiện phân nát thì bỏ đại hoàng.

Đau cứng vùng hạ vị thì gia xuyên luyện tử 08g, ô dược 12g để sơ can khí.

Đái máu đại thể hoặc vi thể thì gia bạch mao căn 20g, tiểu kế 15g, sinh địa 15g để lương huyết chỉ huyết.

Nếu đau lưng thì gia thục địa 15g, câu kỷ tử 15g, ý dĩ nhân 20g, đỗ trọng 15g để bổ thận lợi thấp.

2.ÂM HƯ THẤP NHIỆT

Lâm sàng: thường không sốt, đái buốt, đái rắt, nước tiểu vàng, số lượng ít, đại tiện phân táo, lòng bàn chân và tay nóng, miệng khô, khát nước, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi tím, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: tư âm thanh nhiệt.

Bài thuốc: Tri bá địa hoàng thang gia giảm

Tri mẫu  20g, Hoàng bá  15g, Thục địa  20g, Kỷ tử  20g, Sơn dược  20g, Đan bì  15g, Phục linh  15g, Trạch tả  15g, Xa tiền tử  15g, Thạch vĩ  20g, Bồ công anh  30g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g.

Các vị thuốc thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì thục địa, kỷ tử có tác dụng tư âm ích thận. Tri mẫu, đan bì, phục linh, trạch tả có tác dụng thấm thấp tiết trọc, thanh hư nhiệt. Hoàng bá tính vị đắng lạnh, có tác dụng táo thấp. Xa tiền tử, thạch vĩ có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy thông lâm. Bạch hoa xà thiệt thảo, bồ công anh để thanh nhiệt, lợi thủy thông lâm.

Nếu đái buốt, đái rắt nhiều thì gia cù mạch 12g, biển xúc 12g để lợi niệu thông lâm.

Đau lưng nhiều thì gia đỗ trọng 15g, thỏ ty tử 10g, ngưu tất 15g để bổ thận.

Đầy trướng vùng hạ vị thì gia hồi hương 06g, ô dược 12g để lý khi tiêu thũng.

Nếu phát sốt, sợ lạnh có thể dùng bài Ma hoàng thang, Quế chi thang.

Đái máu thì gia bạch mao căn 20g, tiểu kế 12g, tiên hạc thảo 16g để lương huyết chỉ huyết.

Âm hư thì gia nữ trinh tử 15g, sinh địa 15g để dưỡng âm thanh nhiệt.

3.TỲ THẬN LƯỠNG HƯ TÀ CHƯA THANH

Lâm sàng: mệt mỏi, ăn uống kém chậm tiêu, thể trạng gầy yếu, đau lưng, mỏi gối, đại tiện phân nát, tiểu tiện thất thường, rêu lưỡi ít, chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế nhược.

Pháp điều trị: bổ tỳ ích thận, thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm.

Bài thuốc: Vô tỷ sơn dược thang gia giảm.

Thục địa  20g, Sơn dược  20g, Phục linh  15g, Trạch tả  15g, Bạch truật  15g, Ba kích  15g, Thỏ ty tử  15g, Đỗ trọng  15g, Ngưu tất  15g,Nhục dung  15g, Bồ công anh  30g, Xa tiền tử  15g, Tri mẫu  15g, Cam thảo  15g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sơn dược, phục linh, trạch tả, bạch truật có tác dụng kiện tỳ lợi thấp. Thục địa, ba kích, thỏ ty tử, đỗ trọng, ngưu tất, nhục dung có tác dụng bổ thận ích tinh. Tri mẫu, bồ công anh, xa tiền tử, bạch hoa xà thiệt thảo để thanh nhiệt lợi thấp thông lâm. Cam thảo có tác dụng điều hòa và giải độc.

Nếu vùng hạ vị đầy trướng, tiểu tiện nhỏ giọt thì phối hợp với bài Bổ trung ích khí thang để ích khí thăng dương.

Nếu sắc mặt hồng, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi hồng, mạch tế sác thì gia hoàng bá 12g, mẫu đan bì 12 để dưỡng âm thanh nhiệt.

Sắc mặt trắng bệch, chi lạnh sợ lạnh thì gia tiên mao 15g, tiên linh bì 12g để ôn bổ thận dương.

BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Thuốc thành phẩm

Tham khảo thuốc thành phẩm Trung Quốc.

Viên nén Tam Kim, mỗi lần uống 05 viên, ngày 03 lần sau mỗi bữa ăn. Một liệu trình dùng trong 6 tuần.

Viên nén Phụ khoa thiên kim, mỗi lần uống 06 viên, ngày 03 lần sau mỗi bữa ăn. Một liệu trình dùng trong 4 tuần.

Đại bổ âm hoàn, mỗi lần uống 01 viên hoàn 10g, ngày 03 lần.

Tư thận thông quan hoàn, mỗi lần uống 01 viên hoàn 06g, ngày 03 lần.

Tế sinh thận khí hoàn, mỗi lần uống 01 viên hoàn 10g, ngày 03 lần.

Thủy lục nhị tiên đan, mỗi lần uống 01 viên hoàn 10g, ngày 03 lần.

Đơn phương nghiệm phương

Giải độc thông lâm phương: thạch vĩ 30g, hoàng bá 15g, tri mẫu 12g xa tiền tử 30g, ngân hoa 30g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều. Bài thuốc này dùng trong viêm bể thận mạn tính đợt tiến triển cấp.

Thanh thận thang: đảng sâm 20g, bạch truật 20g, hoàng tinh 30g, ngũ vị tử 25g, hoàng cầm 30g, sài hồ 30g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều. Bài thuốc này dùng trong viêm thận mạn tính tiến triển kéo dài. Nếu chính khí suy tổn kèm theo thấp nhiệt nặng thì gia hoàng cầm 15g.

Tam tử tứ thảo thang: ngũ vị tử 12g, nữ trinh tử 12g, xa tiền tử 12g, hạn liên thảo 30g, ích mẫu thảo 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 15g, ngư tinh thảo 15g. Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều. Bài thuốc này dùng trong viêm bể thận mạn tính thể thấp nhiệt kèm thận âm bất túc.

Linh uyển thấu cách thang: sinh hoạt thạch nghiền nhỏ, mỗi lần 06g, ngày 02 lần, liệu trình 2 tuần. Bài thuốc này dùng trong ngũ lâm chứng (lao lâm, huyết lâm, nhiệt lâm, khí lâm, thạch lâm).

Thực trị liệu

Cháo hoạt thạch: dùng nước sắc hoạt thạch 30g, cù mạch 10g và gạo tấm 60g nấu cháo ăn lúc đói.

Trà đông qua căn: đông qua căn 30g, xa tiền tử 15g pha trà uống hàng ngày.

Châm cứu

Công thức 1: Thận du, Bàng quang du, Trung cực, Tam âm giao phối hợp với Tam tiêu du.

Nếu dương hư thì cứu, nếu tiểu không thông thì phối hợp Dương lăng tuyền, nếu đái nhiều thì gia Chiếu hải; ngày châm bổ 3 – 5 huyệt, lưu kim 15 – 30 phút, liệu trình 10 ngày.

Công thức 2: Thận du, Bàng quang du, Tỳ du, Túc tam lý. Các huyệt vị trên dùng trong thể thích hợp với tỳ thận lưỡng hư: châm bổ, lưu kim 20 phút, ngày 01 lần, ngày 10 một liệu trình.

Nếu thiên về tỳ hư thì cứu Trung quản, châm Công tôn, Ẩn bạch. Nếu thiên về thận hư thì cứu Mệnh môn, Quan nguyên, châm Tam âm giao, Chương môn.

KẾT LUẬN

Viêm bể thận mạn tính chẩn đoán và điều trị khó khăn, bệnh thường tiến triển kéo dài xen kẽ những đợt ổn định và tiến triển cấp tính.

Tùy theo tình trạng và diễn biến của bệnh mà biện chứng luận trị cho phù hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh, vận dụng tổng hợp các biện pháp với nhau, khi cần phải kết hợp với y học hiện đại để điều trị ngăn ngừa tiến triển dẫn đến suy thận.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *