Bài thuốc đông y trị bệnh ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng (nasopharyngeal carcinoma: NPC) là loại ung thư thường gặp. Trên thế giới, ung thư vòm họng (UTVH) xuất hiện nhiều ở Trung Quốc, châu Phi và một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là vùng Quảng Đông (Trung Quốc) (nên người ta còn gọi ung thư vòm họng là “u Quảng Đông”) gặp nhiều với tỷ lệ 30 – 45/100.000 dân/năm, rất hiếm gặp ở châu Âu và châu Mỹ.
Ở nước ta, ung thư vòm họng có tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao, khoảng 9 – 10/100.000 dân/năm; hay gặp ở nam giới, tỷ lệ nam/nữ là 2 – 3/1; thường xuất hiện từ 40 – 65 tuổi, sau 65 tuổi thì tỷ lệ bệnh giảm dần, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ, đứng hàng thứ năm trong các bệnh ung thư nói chung.
Triệu chứng của ung thư vòm họng thường không điển hình, hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận như tai, mũi, thần kinh, hạch… do đó, việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Điều trị ung vòm họng hiện nay chủ yếu là xạ trị, hóa trị, phẫu thuật và miễn dịch. Trong giai đoạn đầu, điều trị bằng phóng xạ là ưu tiên hàng đầu cho ung thư vòm họng; thể ung thư biểu mô không biệt hóa (undifferenciated carcinoma nasopharynngeal type: UCNT) chiếm 75% – 85%, có tính mẫn cảm với phóng xạ tương đối cao. Giai đoạn giữa, thường kết hợp xạ trị với hóa trị, giai đoạn cuối chủ yếu điều trị bằng hóa chất, điều trị bằng phẫu thuật chỉ áp dụng với trường hợp không đáp ứng điều trị bằng phóng xạ hoặc sau điều trị bằng phóng xạ lại tái phát.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ung thư vòm họng cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát bệnh liên quan nhiều đến yếu tố khu vực và di truyền, quá trình hình thành và phát bệnh liên quan mật thiết với những yếu tố sau:
Yếu tố môi trường: bao gồm điều kiện vi khí hậu, bụi khỏi, tình trạng ô nhiễm và tập quán ăn uống (ăn cá muối, tương, cà và những thực phẩm bị mốc… do những thứ này chứa nitrosamin gây ung thư).
Do virus Eptein Barr (EBV): đây là loại virus ở người thuộc nhóm Herpes là nguyên nhân gây bệnh u lympho Burkitt ở trẻ em. Những năm gần đây, người ta hay nói đén sự liên quan giữa UTVH với EBV do phát hiện được bộ gen của EBV trong tế bào khối u vòm họng với trong huyết thanh người bệnh ung thư vòm họng, hiệu giá kháng thể IgA kháng VCA – EBV rất cao, trong khi đó lại rất thấp hoặc không có ở huyết thanh người bình thường hoặc bị các bệnh ung thư khác.
Yếu tố gen di truyền: gần đây có một số tác giả cho rằng những người cùng huyết thống có khả năng cùng mắc bệnh UTVH. Ngành di truyền học đã tìm thấy khoảng 30 gen ung thư nội sinh. Những gen này bình thường ở trạng thái tự động đóng lại và nằm im nhưng nếu có một cơ chế cảm ứng nào đó, gen ung thư sẽ thức dậy và gây nên hiện tượng phát triển vô tổ chức tạo ra ung thư.
Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng căn nguyên của ung thư vòm họng không phải là đơn độc mà do nhiều yếu tố cùng tác động gây nên. Vì vậy, công tác phòng chống ung thư vòm họng phải làm ở nhiều khâu, nhiễu lĩnh vực khác nhau mới mang lại kết quả.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của ung thư vòm họng thường mơ hồ và thường mượn các triệu chứng của các cơ quan lân cận.
Giai đoạn đầu: các triệu chứng âm thầm nên rất khó phát hiện. Đau đầu là triệu chứng sớm, thường đau nửa đầu, từng cơn hoặc âm ỉ. Dùng các thuốc giảm đau ít có tác dụng.
Giai đoạn khu trú:
Triệu chứng thần kinh: hay gặp nhất là đau đầu, đau nửa đầu hoặc đau sâu hốc mắt, vùng thái dương và xuất hiện tổn thương các dây thần kinh sọ não trong trường hợp bệnh nhân đến muộn như có cảm giác tê bì ở miệng và vùng mặt cùng với bên đau đầu do dây thần kinh tam thoa bị chèn ép.
Triệu chứng mũi – xoang: ngạt mũi một bên, cùng với bên đau đầu, lúc đầu ngạt không thường xuyên sau ngạt liên tục. Hay gặp nhất là chảy máu nhầy, có thể chảy máu mủ do viêm xoang phối hợp, thỉnh thoảng có nhầy lẫn máu.
Triệu chứng tai (khối u xuất phát từ thành bên họng mũi, loa vòi): có cảm giác tức như bị nút ráy tai cùng bên với đau đầu, ù tai, nghe kém thể dẫn truyền đơn thuần (do bị tắt vòi Eustache). Có thể gặp viêm tai giữa cùng bên do bội nhiễm.
Triệu chứng hạch cổ và hạch dưới hàm: phần lớn bệnh nhân đến khám vì xuất hiện hạch cổ, thường hạch cổ cùng bên với khối u. Dễ chẩn đoán nhầm là ung thư hạch tiên phát. Hạch điển hình hay nhìn thấy ở sau góc hàm, dãy hạch cảnh trên; hạch lúc đầu nhỏ sau to dần, cứng, ấn không đau, không có viêm quanh hạch, di động hạn chế dần, sau cố định vào cơ và da.
Soi mũi trước không có gì đặc biệt, soi mũi sau có thể thấy khối u sùi hoặc thâm nhiễm ở nóc vòm hay thành bên vomg, ở gờ loa vòi Eustache.
Sờ vòm bằng tay hay thăm bằng que bông có rớm máu.
Giai đoạn lan tràn: thể trạng đã suy giảm, kém ăn, mất ngủ, gầy sút, thiếu máu, da màu rơm, hay vị sốt do bội nhiễm, tùy theo hướng lan của khối u sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau.
Lan ra phía trước: thường gặp khối u ở nóc vòm, cửa mũi sau, u lan vào hốc mũi gây nên ngạt tắc mũi. Lúc đầu, ngạt một bên, về sau khối u phát triển lấp kím cửa mũi sau gây ngạt tắc hai bên mũi, nói giọng mũi; chảy mũi mủ có mùi hôi rõ thường lẫn tia máu, có khi chảy máu cam. Khám mũi thấy khối u sùi, ở sâu sát cửa mũi sau, thường có loét hoại tử, dễ chảy máu.
Lan ra hai bên: khối u ở loa vòi, lan theo vòi Eustache ra tai giữa, có triệu chứng ù tai, nghe kém một bên rõ rệt, đau trong tai lan ra vùng xương chũm, chảy mủ tai lẫn máu, có mùi thối, có khi lẫn mảnh tổ chức hoại tử; soi tai thấy màn nhĩ thủng, có u sùi, hoại tử, dễ chảy máu, u có thể qua hòm nhĩ và lan ra ống tai ngoài.
Lan xuống dưới: u lan xuống dưới đẩy phồng màn hầu là ảnh hưởng đến giọng nói (giọng mũi hở), nuốt hay bị sặc, có thể gặp hội chứng Trotter (điếc, khít hàm, liệt màn hầu).
Lan lên trên: khối u lan lên nền sọ gây các hội chứng nội sọ như tăng áp lực nội sọ và các hội chứng thần kinh khu trú:
Hội chứng khe bướm: liệt các dây thần kinh III, VI và nhánh mắt của dây V gây liệt các cơ vận nhãn, đau nhức vùng trán và ổ mắt.
Hội chứng mỏm đá: liệt các dây thần kinh V, VI gây lác trong, khít hàm, tê bì nửa mặt.
Hội chứng đá – bướm hay hội chứng Zacod: liệt các dây thần kinh: liệt các dây thần kinh II, III, IV, V, VI gây mù mắt, liệt toàn bộ nhãn cầu, liệt cơ nhai, gây tê bì nửa mặt.
Hội chứng lổ rách sau hội chứng Vernet: liệt các dây thần kinh IX, X, XI gây liệt họng, liệt màn hầu, có dấu hiệu vén màn hầu, giọng nói đôi, liệt cơ ức đòn chũm, cơ thang.
Hội chứng lồi cầu – lỗ rách sau hay hội chứng Collet – Sicard: liệt các dây thần kinh IX, X, XI, XII và liệt lưỡi.
Hội chứng Garcin: toàn bộ 12 đôi dây thần kinh sọ não một bên bị liệt.
Cận lâm sàng
Sinh thiết khối u chẩn đoán giải phẫu bệnh lý: là yếu tố chẩn đoán xác định.
Chẩn đoán tế bào học có ý nghĩa định hướng (tế bào tại vòm họng hoặc tại hạch cổ).
Chẩn đoán huyết thanh: phương pháp này dựa vào mối liên quan của EBV với UTVH, có thể tiến hành trên hàng loạt người để phát hiện sớm ngay triệu chứng lâm sàng chưa rõ. Nhưng cũng không có giá trị chẩn đoán xác định mà vẫn phải dựa vào kết quả giải phẫu bệnh lý.
Chẩn đoán X quang tư thế Hirtz.
CT canner, MRI vùng vòm họng, nền sọ: đánh giá sự lan tràn và phá hủy của khối u lên nền sọ.
Chẩn đoán phóng xạ có thể chẩn đoán sớm được kích thước khối u, chẩn đoán được tính trạng di căn xa của bệnh.
Chẩn đoán phân biệt
U xơ vòm mũi họng.
Polyp mũi sau.
Tồn dư tổ chức VA.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh ung thư vòm họng thuộc chứng tỵ huyết, loa lịch, đầu thống, tỵ châu. Các chứng bệnh này được mô tả trong “Ngoại khoa chính tông”, “Dương khoa tinh hoa” …
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Bệnh giai đoạn đầu, nguyên nhân chủ yếu là do ngoại cảm lục dâm làm phế mất tuyên giáng hoặc tinh thàn uất ức kết hợp với phục tà gây nên biểu hiện chủ yếu là thực chứng. Giai đoạn sau chủ yếu là hư chứng; biểu hiện của âm tân hư tổn, khí âm lưỡng hư, can thận bất túc…
Ngoại cảm lục dâm: phong tà nhiệt độc xâm phạm vào phế, phế nhiệt đàm hỏa uẩn kết, phế khí không thông làm tà hỏa thuận theo tái âm kinh vào mũi họng, tích tụ thành khối u.
Do tình chí mất điều hòa làm khí cơ rối loạn, khí uất hóa hỏa, kết hợp với can đởm hỏa độc thượng nghịch, thiêu đốt tân dịch thành đàm gây trở trệ kinh mạch, khí huyết bất thông, đàm ứ giao kết hình thành khối u.
Đàm thấp ngưng trệ: do tỳ vị vốn hư nhược hoặc do ăn uống không điều độ làm vận hóa suy giảm, đàm thấp nội sinh, khí trệ đàm ngưng mà phát sinh khối u.
Bẩm thụ bất túc: âm tân hư tổn, tiên thiên bẩm thụ bất túc, hậu thiên tỳ vị mất điều hòa làm cho nguồn hóa sinh hao kiệt hoặc do đàm nhiệt đởm hỏa làm hao thương âm tân dẫn đến phế vị âm hư, can thận bất túc, âm hư hỏa vượng hun đốt dịch thành đàm, đàm độc ngưng trệ kết lại thành khối u.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Những điểm trọng yếu trong biện chứng
Căn cứ vào nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng khi biện chứng có thể phân thành tà thực là chủ yếu hay chính hư là chủ yếu. Bản chất bệnh là bản hư tiêu thực, hư thực thác tạp. Tà thực chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của chứng khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng… Chính hư chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của chứng âm tân hao tổn, khí âm lưỡng hư, can thận bất túc.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị bằng phóng xạ là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, là phương pháp lựa chọn đầu tiên khi mà chưa có biểu hiện di căn của khối u nguyên phát. Phóng xạ trị liệu có thể áp dụng phương pháp điều trị triệt để hoặc điều trị trì hoãn tùy từng bệnh nhân cụ thể. Điều trị triệt để chủ yếu đối với những khối u có ranh giới khu trú tương đối rõ ràng, không có di căn từ xương đòn trở xuống và hạch lympho to không quá 08cm. Điều trị trì hoãn thường dùng để giảm đau, cầm máu hoặc chống cứng hóa cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân đã có một khối u di căn xan hoặc hạch lympho ở cổ lớn hơn 08cm cũng có thể áp dụng liệu pháp phóng xạ trì hoãn. Sau khi điều trị bằng phóng xạ vẫn còn khối u sót lại hoặc tái phát thì áp dụng phẫu thuật. Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối hoặc đã di căn nhiều nơi thì nên áp dụng hóa trị liệu. Có thể áp dụng hóa trị, phóng xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật và kết hợp với thuốc đông y theo biện chứng luận trị.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.TÀ ĐỘC PHẾ NHIỆT
Triệu chứng: tắc mũi, chảy nước mũi, trong nước mũi có lẫn máu; cảm giác khô mũi, nóng trong xoang mũi; đau đầu, đau vòm họng, ho, nuốt vướng, nổi hạch ở vùng cổ, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác hoặc tế sác.
Pháp điều trị: tuyên phế thanh nhiệt, tiêu đàm tán kết.
Bài thuốc: Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều biện) gia giảm.
Kim ngân hoa 30g, Liên kiều 30g, Cát cánh 06g, Thương nhĩ tử 12g, Sơn đậu căn 15g, Hạ khô thảo 12g, Sinh mẫu lệ 30g, Bối mẫu 12g, Dã cúc hoa 30g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì kim ngân hoa, liên kiều, dã cúc hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Thương nhĩ tử có tác dụng sơ phong thanh nhiệt. Hạ khô thảo, sinh mẫu lệ, có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, tán kết tiêu thũng. Bối mẫu, cát cánh có tác dụng thanh phế trừ đàm. Sơn đậu căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng.
Nếu sợ lạnh phát sốt thì gia bạc hà 12g, kinh giới 12g.
Nếu ho nhiều thì gia hạnh nhân 10g, qua lâu bì 10g.
Nếu chảy máu mũi thì gia bạch mao căn 15g, tiên hạc thảo 15g.
Nếu đau đầu nhiều thì gia bạch chỉ 10g, tắc mũi nhiều gia tân di 10g.
2.CAN UẤT HỎA VƯỢNG
Triệu chứng: đau đầu, đau họng, ù tai, tắc mũi, chảy nước mũi hoặc chảy máu mũi, khô miệng, đắng miệng, khát nước, buồn bực dễ cáu giận, đại tiện táo, phân khô cứng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc vàng dày, mạch sác.
Pháp điều trị: thanh can tả hỏa.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang (Y phương tập giải) gia giảm.
Long đởm thảo 10g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Sinh địa 15g, Sơn đậu căn 15g, Sơn từ cô 15g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Uất kim 10g, Phật thủ 10g, Thổ phục linh 30g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo có tác dụng tả can đởm thực hỏa, thanh thấp nhiệt hạ tiêu. Hoàng cầm chi tử có tác dụng tiết hỏa giải độc, táo thấp thanh nhiệt. Sinh địa có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm sinh tân. Sơn đậu căn, sơn từ cô, bạch hô xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng. Uất kim, phật thủ có tác dụng sơ can lý khí giải uất. Thổ phục linh có tác dụng thanh nhiệt táo thấp.
Nếu đại tiện phân khô cứng thì gia sinh địa hoàng 06g.
Nếu ăn kém thì gia cốc nha 15g, mạch nha 15g, kê nội kim 12g.
3.KHÍ UẤT ĐÀM NGƯNG
Triệu cứng: vùng cổ nổi khối u rõ rệt, tắc mũi, đờm nhiều dính, chảy nhiều nước mũi đặc hoặc dính, tinh thần u uất, ù tai hoặc điếc, rêu lưỡi dày nhớp, mạch hoạt.
Pháp điều trị: hóa đàm giải uất, nhuyễn kiên tán kết.
Bài thuốc: Hải tảo ngọc bình thang (Ngoại khoa chính tông) gia giảm.
Hạ khô thảo 12g, Sinh mẫu lệ 30g, Bán hạ 10g, Hải tảo 15g, Sơn từ cô 15g, Bối mẫu 10g, Bán chi liên 30g, Sơn đậu căn 12g, Uất kim 10g, Hương phụ 08g, Thưỡng nhĩ tử 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì hải tảo, hạ khô thảo, sơn từ cô, sinh mẫu lệ có tác dụng nhuyễn kiên tán kết, trừ đàm. Bán hạ, bối mẫu có tác dụng trừ đàm. Hương phụ, uất kim có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng. Thương nhĩ tử có tác dụng thông mũi họng, trừ phong thấp, giảm đau.
Nếu vùng cổ nổi khối cứng không di động thì gia vương bất lưu hành 15g, miêu qua thảo 15g.
Nếu ho có nhiều đờm thì gia đởm nam tinh 10g, thiên trúc hoàng 10g.
Nếu ăn uống kém thì gia phục linh 12g, ý dĩ nhân 20g, kê nội kim 12g.
4.KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ
Triệu chứng: tắc mũi, chảy nước mũi có dính máu sẫm màu, đau đầu dữ dội và đau tăng về đêm, ù tai, chất lưỡi đỏ tím, rìa lưỡi có ban ứ huyết, rêu lưỡi mỏng, mạch sác.
Pháp điều trị: hóa ứ tán kết, lý khí thông khiếu.
Bài thuốc: Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác) gia giảm.
Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Xích thược 15g, Bạch thược 15g, Bát nguyệt trát 15g, Uất kim 10g, Thương nhĩ tử 15g, Thanh đại diệp 30g, Khiếm thảo căn 30g, Phong phòng 09g, Địa long 30g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc trên thì đương quy, bạch thược có tác dụng bổ huyết. Đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, xích thược, địa long có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Uất kim có tác dụng sơ can lý khí giả uất. Thương nhĩ tử có tác dụng thông mũi họng, trừ phong thấp, giảm đau. Thanh đại diệp có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu ban. Khiếm thảo diệp tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu ban. Khiếm thảo có tác dụng lương huyết hoạt huyết, chỉ huyết thông kinh. Phong phòng, bát nguyệt trát có tác dụng hoạt huyết thông u.
Nếu đau đầu dữ dội thì gia ngô công 02 con, bạch cương tàm 12g, cảo bản 10g.
Nếu chảy máu mũi nhiều thì gia huyết dư thán 06g, ngẫu tiết 15g, tiểu kế 15g, tiên hạc thảo 15g.
5.KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ
Triệu chứng: chảy máu mũi màu đỏ tươi, miệng mũi họng khô, thích uống nước, ho khan ít đờm, người mệt mỏi như không có sức, chất lưỡi đỏ, không có rêu lưỡi hoặc ít rêu, mạch tế sác.
Pháp điều trị: ích âm thanh nhiệt, ích khí sinh tân.
Bài thuốc: Sa sâm mạch đông thang (Ôn bệnh điều biện) gia giảm.
Sa sâm 30g, Mạch môn 15g, Thiên môn 15g, Thiên hoa phấn 30g, Ngọc trúc 12g, Thạch hộc 30g, Huyền sâm 30g, Sinh địa 30g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, Thải tử sâm 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì sinh địa, ngọc trúc, thạch hộc, mạch môn, thiên môn, thiên hoa phấn, huyền sâm, sa sâm đều là những vị thuốc có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt nên có tác dụng bổ âm rất mạnh. Thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc còn có tác dụng sinh tân chỉ khát. Bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu thũng. Thái tử sâm có tác dụng bổ khí.
Nếu cảm giác khô miệng khát nước nhiều do tân dịch hư tổn thì gia lô căn 15g, thiên hoa phấn 12g, tri mẫu để dưỡng âm sinh tân chỉ khát.
Nếu ăn uống kém thì gia sơn tra 10g, kê nội kim 12g..
Nếu đại tiện táo bón thì gia qua lâu nhân 12g, hỏa ma nhân 15g để nhuận tràng thông tiện.
Nếu khí hư rõ thì gia hoàng kỳ 30g (hoặc tây dương sâm 10g), đảng sâm 15g để bổ khí.
6.CAN THẬN ÂM HƯ
Triệu chứng: chóng mặt, hoa mắt, ù tai, miệng khô thích uống nước, bàn tay và bàn chân nóng, người gầy sút, chất lưỡi đỏ, ít rêu lưỡi, mạch tế hoặc trầm tế.
Pháp điều trị: tư bổ can thận.
Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang (Ma chẩn toàn thư) gia giảm.
Sinh địa 12g, Thục địa 12g, Sơn thù 10g, Kỷ tử 12g, Bạch cúc hoa 15g, Đan bì 09g, Hạn liên thảo 30g, Nữ trinh tử 12g, Thỏ ty tử 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì sinh địa, thục địa, sơn thù, kỷ tử, thỏ ty tử có tác dụng bổ can thận âm. Thỏ ty tử có tác dụng ôn bổ thận dương. Đan bì có tác dụng dưỡng âm thanh hư nhiệt. Hạn liên thảo có tác dụng thanh nhiệt lương huyết chỉ huyết. Bạch cúc hoa có tác dụng thanh can sáng mắt.
Nếu lưng gối tê mỏi thì tang ký sinh 15g, tục đoạn 15g, ngưu tất 12g để bổ can thận cường gân cốt.
Nếu tai ù, tai điếc thì gia linh từ thạch 10.
Nếu tự ra mồ hôi hoặc ra mồ trộm nhiều thì gia hoàng kỳ 30g, ngũ vị tử 10g.
Nếu kiêm có thận dương hư thì gia dâm dương hoắc 15g, ba kíc 12g để bổ thận dương.
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
CHÂM
Chọn huyệt: Toản trúc, Thượng tinh, Nghinh hương, Hợp cốc.
Nếu đầu đau tức thì phối hợp với Bách hội, Thái dương; nếu ù tai, tai điếc thì phối hợp với Thính cung, Ế phong; nếu chảy máu mũi thì phối hợp với Thiên phủ.
Phương pháp: châm tả, mỗi lần chọn 6 – 7 huyệt, châm ngày 01 lần, khi châm nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệu quả.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP KHÁC
Tham khảo bài ung thư phổi.
KẾT LUẬN
Ung thư vòm họng là một trong những ung thư thường gặp ở Việt Nam, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình phát sinh bệnh liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường, nhiễm virus, di truyề… Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, việc điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh, nếu được phát hiện sớm thì điều trị bằng xạ trị đạt được kết quả khả quan.
Những năm gần đây có rất nhiều công trình nghiên cứu dùng thuốc y học cổ truyền điều trị ung thư vận họng trên cơ cở biện chứn luận trị theo y lý cổ truyền cho kết quả tốt, nhất là trong lĩnh vực cải thiện triệu chứng lâm sàng. Việc kết hợp cổ truyền với y học hiện đại trong điều tri ung thư bước đầu đem lại kết quả khả quan và đó cũng chính là mục tiêu trước mắt trong điều trị ung thư hiện này nên cần được nghiên cứu sâu thêm, vận dụng một cách hợp lý.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com