Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH UNG THƯ PHỔI

Bài thuốc đông y trị bệnh ung thư phổi

Ung thư phế quản nguyên phát (gọi tắt là ung thư phổi) là một trong những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới hiện này và trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại. Ung thư phổi nguyên phát là chỉ những khối u của tế bào niêm mạc phế quản và phế nang. Trong những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện bệnh ung thư không ngừng tăng cao, đặc biệt là ung thư phổi.

Tại Trung Quốc, những năm 80 của thế kỷ XX chủ yếu gặp ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư tử cung nhưng từ sau năm 1985, tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng lên nhanh chóng. Năm 2000, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở thành phố Thượng Hải – Trung Quốc là 65,7/100.000 người đối với nam và 22,5/100.000 người đối với nữ.

Căn cứ vào hình thể và vị trí khối u thì ung thư phổi chia thành ba thể: thể trung tâm, thể ngoại vi và thể lan tỏa. Căn cứ vào tổ chức học phân chia ung thư phổi thành hai thể là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thử phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC).

Điều trị ung thư phổi hiện nay chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, can thiệp mạch chọn lọc… đơn thuần hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Nếu được phát hiện sớm ngay ở thời kỳ đầu (giai đoạn I, II) thì có thể phẫu thuật triệt để sau đó kết hợp với với hóa trị và xạ trị sẽ có hiệu quả khả quan. Nhưng trên thực tế lâm sàng, 70 – 80% bệnh nhân ung thư phổi khi được chẩn đoán xác định thì đã ở giai đoạn muộn, khả năng điều trị bằng phẫu thuật là rất ít, chủ yếu điều trị bằng hóa trị và xạ trị nhưng thường gây ra phản ứng nhiễm độc nặng và các phản ứng không mong muốn khác nên cũng không thật thích hợp ứng dụng trong giai đoạn muộn của bệnh.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ung thư phổi cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình hình thành và phát bệnh liên quan mật thiết với những yếu tố sau:

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc nhưng vài người trong số họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc là). Trong số bệnh nhân ung thư phổi thì có đến 90% bệnh nhân đã hút hơn 10 điếu thuốc lá /ngày trong 20 năm.

Những công nhân tiếp xúc với bui silic có nguy cơ bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá. Những tiếp xúc nghề nghiệp khác liên quan tới ung thư phổi bao gồm tiếp xúc với quá trình luyện thép, niken, crôm và khí than.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư, trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Ô nhiễm không khí: các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư phổi và sự phơi nhiễm với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định, ví dụ như các sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình đốt dầu và những nhiên liệu hóa thạch khác. Tuy nhiên, mối quan hệ này vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy ung thư phổi có liên quan yếu tố gen.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của ung thư phổi rất đa dạng, giai đoạn sớm của bệnh hầu như không có triệu chứng; giai đoạn sau biểu hiện chủ yếu là ho kéo dài, ho có đờm lẫn máu, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau ngực, đau xương, tức ngực; có thể phát sốt, tràn dịch màng phổi, người gầy sút, mệt mỏi, ăn uống không có cảm giác ngon miệng.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ phát triển và di căn của bệnh mà không có các triệu chứng của các cơ qun khác:

Chèn ép tĩnh mạch chủ trên: nhức đầu, tím mặt, phù, tĩnh mạch cổ và tĩnh mạch dưới lưỡi nổi, tĩnh mạch bàng hệ phát triển,

Chèn ép thực quản: nuốt khó, vướng.

Chèn ép thần kinh.

Thần kinh quặt ngược trái: nói khàn, mất giọng, giọng đôi.

Thần kinh giao cảm cổ: đồng tử co, khe mắt nhỏ, mắt lõm sâu làm khe mắt như sụp xuống, gò má đỏ bên tổn thương (hội chứng Claude Bernard Horner).

Thần kinh giao cảm lưng: tăng tiết mồ hôi một bên.

Thần kinh phế vị: hồi hộp, nhịp tim nhanh.

Thần kinh hoành: nấc, khó thở do liệt cơ hoành.

Đám rối thần kinh tay: đau va lan ra mặt trong cánh tay, có rối loạn cảm giác (hội chứng Pancoast Tobias).

Tổn thương tim: tràn dịch màng tim, loạn nhịp tim.

Hạch thượng đòn.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm tế bào học của dịch đờm tìm tế bào ung thư chỉ có tỷ lệ kết quả 1/3 dương tính.

X quang, CT scanner, MRI có thể phát hiện hình ảnh khối u.

Nội soi kết hợp sinh thiết làm tế bào học có thể phát hiện ung thư tỷ lệ tới 90%.

Định lượng dấu ấn ung thư: CEA 19-9, Cyfra 21-1, NSE.

Chẩn đoán phân biệt

Lao phổi, áp xe phổi, viêm phổi.

U phổi lành tính.

Ung thư tế bào lympho trung thất.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y cổ truyền, các triệu chứng của bệnh ung thư phổi thuộc phạm trù phế nham, phế tích, khái thấu, khái huyết, hung thống. Các chứng bệnh này đã được mô tả trong các y văn như “Tố vấn. Kỳ bệnh luận”, “Linh khu. Tà khí tạng phủ bệnh hình” …

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Y học cổ truyền cho rằng nhân tố chủ yếu phát sinh ra bệnh là chính hư, tà thực. Thường thì do ăn uống không điều độ, mệt mỏi quá mức, tinh thần uất ức… làm cho âm dương của tạng phủ mất điều hòa, chính khí bị hư tổn; sau đó tà khí lục dâm thừa hư xâm phạm vào phế, tà uất trong ngực lam phế khí uất trệ, khí mất tuyên giáng, khí cơ không thông lợi làm trở ngại đến vận hành huyết dịch; tân dịch không luận chuyển được tích lại thành đàm, đàm ngưng khí trệ gây ứ trở lạc mạch: khí, huyết, đàm giao kết lâu ngày kết thành khối trong phế.

Do đó, phế nham là do hư mà dẫn đến bệnh, do hư mà dẫn đến thực. Bản chất bệnh là bản hư và tiêu thực: bản hư là âm hư và khí âm lưỡng hư; tiêu thực là khí trệ, huyết ứ, đàm ngưng, độc tích. Trong quá trình phát sinh bệnh có liên quan mật thiết đến phế, tỳ và thận.

Ngoại tà xâm nhập phế: phế là tạng mềm yếu (kiều tạng) nên dễ bị ngoại tà xâm nhập làm cho phế khí mất tuyên giáng, khí cơ không thông lợi, cản trở huyết vận hành, khí trệ huyết ứ lâu ngày kết thành khối.

Do ăn uống không điều độ và mệt mỏi quá độ làm tổn thương đến tỳ vị. Tỳ mất kiện vận, vị mất hòa giáng nên thủy cốc không thể hóa sinh thành vật chất dinh dưỡng, tụ lại thành đàm. Phế lại là cơ quan tàng chứa đàm, đàm thấp uẩn phế làm cho khí huyết vận hành không thuận lợi, kết hợp với đàm kết lâu ngày thành khối.

Do tình chí mất điều hòa dẫn đến rối loạn chức năng tạng phủ, ảnh hưởng vận hành khí cơ làm cho tân dịch phân bố không bình thường, trở trệ ở mạch lạc, tích lại lâu ngày hình thành khối.

Do tạng phủ hư tổn: người già, cơ thể suy nhược, thận khí không đầy đủ hoặc do bị bệnh phổi lâu ngày không được chữa khỏi làm hao khí thương tân, tổn thương tỳ phế. Bệnh lâu ngày liên đới tới thận; kết hợp với ngoại tà thừa hư xâm phạm làm trở ngại khí cơ và sự vận hành huyết dịch, lâu ngày tụ lại thành khối.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Căn cứ vào nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng khi biện chứng cần phân biệt rõ tà thực là chủ yếu hay chính hư là chủ yếu. Từ đó đưa ra pháp điều trị lấy khứ tà là chủ hay phù chính là chủ. Tà thực chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của chứng khí trệ huyết ứ, nhiệt độc tích thịnh, đàm thấp uẩn phế, đàm độc ứ trệ… Chính hư chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của khí âm bất túc, âm hư nội nhiệt, khí huyết hao tổn, phế tỳ khí hư, phế thận lưỡng hư…

Nguyên tắc điều trị

Phát hiện sớm và điều trị sớm bằng phẫu thuật kết hợp với hóa trị liệu pháp, phòng xạ liệu pháp và thuộc y học cổ truyền.

Khi ứng dụng thuốc y học cổ truyền cần tuân thủ nguyên tắc:

Trị bệnh cầu bản.

Cần phân biệt rõ tiêu bản, hoãn cấp để ưu tiên xử lý.

Phù chính trừ tà.

Điều hòa âm dương.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ.

Triệu chứng: ho khạc có đờm đặc hoặc trong đờm có máu sẫm màu, thở nhanh nóng; đau tức ngực, điểm đau cố định, đau như kim châm hoặc dùi đâm; môi, móng tay chân tím, chất lưỡi tím hoặc có ban ứ huyết, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền hoặc tế sáp.

Pháp điều trị: hành khí hóa trệ, hoạt huyết tán ứ, nhuyễn kiên tán kết.

Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm.

Đương quy  15g, Sinh địa  15g, Xích thược  15g, Đan sâm  15g, Đào nhân  10g, Bạch thược  15g, Chỉ xác  10g, Uất kim  10g, Xuyên luyện tử  10g, Miết giáp  15g, Đởm nam tinh  15g, Hải tảo  30g, Lộ phong phòng  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, sinh địa, bạch thược có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Đan sâm, xích thược, đào nhân có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, kết hợp với các vị thuốc bổ huyết nêu trệ vừa có tác dụng bổ huyết lại vừa có tác dụng hoạt huyết khứ ứ. Chỉ xác, uất kim, xuyên luyện tử có tác dụng hành khí giải uất. Miết giáp có tác dụng dưỡng âm. Đởm nam tinh có tác dụng trừ đàm. Hải tảo có tác dụng nhuyễn kiên tán kết.

Nếu xuất huyết tái phát nhiều lần, máu sẫm màu thì gia bồ hoàng 10g, ngẫu tiết 20g, tiên hạc thảo 15g, tam thất 06g, khiếm thảo căn 15g để cầm máu.

Nếu miệng khô, lưỡi khô thì gia sa sâm 12g, thiên hoa phấn 15g, huyền sâm 15g, tri mẫu 12g để dưỡng âm sinh tân.

Nếu ăn ít,mệt mỏi, thở yếu thì gia hoàng kỳ 20g, đảng sâm 12g, bạch truật 15g kiện tỳ ích khí.

2.NHIỆT ĐỘC TÍCH THỊNH

Lâm sàng: sôt cao, thở nhanh chóng, ho khạc đờm màu vàng dính hoặc đờm có lẫn máu, đau tức ngực, miệng khô và đắng, khát nước, thích uống nước, đại tiện phân khô cứng, nước tiểu ít và sẫm màu, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch đại sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt tả hỏa, giải độc tiêu thũng.

Bài thuốc: Bạch hổ thừa khí thang (Thương hàn luận) gia giảm.

Thạch cao  30g, Tri mẫu  10g, Đại hoàng  10g, Hoàng liên  10g, Ngư tinh thảo  30g, Thanh đại diệp  15g, Tiên hạc thảo  15g, Qua lâu  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì thạch cao, tri mẫu có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa sinh tâm nhuận táo. Đại hoàng có tác dụng tả hỏa công tích, thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết giải độc, trục ứ thông kinh. Hoàng liên, hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Ngư tinh thảo, thanh đại diệp có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Tiên hạc thảo có tác dụng thu liễm chỉ huyết. Qua lâu có tác dụng trừ đàm.

Nếu ho ra máu nhiều thì gia đại kế 15g, tiểu kế 15g, bạch mao căn 15g, tam thất bột 05g để cầm máu.

Nếu sốt cao hôn mê thì dùng viên An cung ngưu hoàng hoàn, ngày uống 1 – 2 viên.

3.ĐÀM THẤP UẨN PHẾ

Lâm sàng: ho, khạc nhiều đờm màu trắng hoặc trắng lẫn vàng, đờm đặc dính, tức ngực, khó thở, đau ngực, người mệt mỏi, không muốn ăn uống, đại tiện loãng, chất lưỡi xám, rêu lưỡi trắng nhớp hoặc vàng nhớp, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: hành khí hóa đàm, kiện tỳ táo thấp, giải độc thanh phế.

Bài thuốc: Nhị trần thang (Hòa tễ cục phương) phối hợp với Qua lâu giới bạch bán hạ thang (Kim quỹ yếu lược) gia giảm.

Khương bán hạ  10g, Phục linh  12g, Đởm nam tinh  10g, Qua lâu  15g, Giới bạch  06g, Trần bì  10g, Chỉ thực  10g, Bán chi liên  30g, Thanh đại diệp  30g, Thạch kiến xuyên  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài Nhị trần thang (trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo) là bài thuốc cổ phương có tác dụng táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung rất hay dung Bài Qua lâu giới bạch bán hạ thang (qua lâu, giới bạch, bán hạ) có tác dụng thông dương tán kết, hành khí hóa đàm. Bán chi liên, thanh địa diệp có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Thạch kiếm xuyên có tác dụng nhuyễn kiên tán kết.

Nếu có tràn dịch màng phổi gây tức ngực khó thở, ho nhiều thì kết hợp với bài Đình lịch đại táo tả phế thang (bạch quả, ma hoàng, tô tử, cam thảo, khoảng đông hoa, hạnh nhân, tang bạch bì, hoàng cầm, bán hạ).

Nếu do đàm uất hóa nhiệt, khạc đờm nhiều màu vàng dính thì gia hỉa cáo xác 15g, ngư tinh thảo 20g, hoàng cầm 08g để thanh nhiệt hóa thấp.

Nếu đau ngực nhiều thì gia uất kim 12g, xuyên khung 10g, diên hồ sách 12g để hành khí hoạt huyết giảm đau.

Nếu người mệt mỏi, ăn uống kém thì gia đảng sâm 12g, bạch truật 15g, kê nội kim 10g để kiện tỳ tiêu thực.

4.THỂ ĐÀM ĐỘC Ứ TRỆ

Lâm sàng: ho, khạc đờm nhiều, đờm dính hoặc nôn, khạc ra đờm lẫn mủ, đau ngực, tức ngực, phát sốt, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt hóa đàm, hoạt huyết giải độc tiêu u.

Bài thuốc: Thiên kim vĩ kinh thang (Ngoại khoa chính trị toàn sinh tập) gia giảm.

Vĩ kinh  15g, Đông qua nhân  15g, Ý dĩ nhân  30g, Đào nhân  10g, Cát cánh  06g, Bán hạ  10g, Qua lâu nhân  15g, Xích thược  12g, Bạch thược  12g, Đương quy  12g, Đan sâm  15g, Long quỳ  30g, Bán chi liên  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì vĩ kinh (thân sậy) có tác dụng thanh tiết phế nhiệt, lợi khiếu hóa đàm bài nùng. Đông qua nhân có tác dụng tiêu đàm bài nùng, thanh nhiệt lợi thấp. Qua lâu nhân, bán hạ có tác dụng trừ đàm. Đương quy, bạch thược có tác dụng bổ huyết tư âm. Đan sâm, đào nhân, xích thược có tác dụng hoạt huyết tiêu u. Ý dĩ nhân có tác dụng kiện tỳ lợi thấp. Bán chi liên, long quỳ có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu u.

Nếu ho khạc nhiều đờm thì gia ngư tinh thảo 30g, hạnh nhân 10g, đởm nam tinh 20g.

Nếu có sốt nhẹ thì gia thanh hao 15g, hoàng cầm 08g.

5.KHÍ ÂM LƯƠNG HƯ

Lâm sàng: ho tiếng nhỏ yếu, thở nhanh nóng, khạc ít đờm hoặc khạc đờm đặc dính, trong đờm có thể có lẫn máu, người mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn ót, người gầy sút, sợ gió, tự ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm, miệng cảm giác khô nhưng không muốn uống nước, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, giải độc tiêu u.

Bài thuốc: Tứ quân tử thang (Thánh tễ tổng lục) hợp với Sa sâm mạch đông thang (Y môn pháp luật) gia giảm.

Hoàng kỳ  15g, Đảng môn  10g, Bạch truật  10g, Sa sâm  15g, Mạch môn  10g, Bách bộ  12g, Qua lâu bì  15g, Ngũ vị tử  06g, Trần bì  09g, Bán chi liên  30g, Long quỳ  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Sa sâm, mạch môn có tác dụng dưỡng phế âm, thanh phế nhiệt. Bách bộ có tác dụng chỉ khái hóa đàm. Qua lâu, trần bì có tác dụng trừ đàm. Bán chi lien, long quỳ vừa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, vừa có tác dụng lơi thủy thông u.

Nếu thiên về âm hư thì gia thiên môn 12g, huyền sâm 15g, bách hợp 10g để dưỡng âm sinh tân.

Nếu khạc đờm khó khăn, đờm ít, dính thì gia bối mẫu 10g, hạnh nhân 10g.

Nếu phế thận đồng bệnh, âm tổn cập dương xuất hiện dương khí hư thì có thể gia tiên mao 12g, dâm dương hoắc 15g, ba kích 12g, nhục thung dung 10g, bổ cốt chỉ 08g.

Nếu trong đờm có máu thì gia tiên hạc thảo 12g, tiểu kế 10g, a giao 10g.

6.ÂM HƯ NỘI NHIỆT

Lâm sàng: ho, không đờm hoặc đờm ít mà dính hoặc có đờm vàng khó khạc, trong đờm có thể có lẫn máu, đôi khi khạc máu liên tục, thở nhanh nông, đau ngực, buồn bực, mất ngủ, miệng khô, khát nước, đại tiện táo, sốt nhẹ hoặc sốt không cao nhưng nhiều ngày không hạ, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi đỏ hoặc bóng rêu lưỡi ít hoặc mất rêu, mạch tế sác hoặc sác đại.

Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuyễn kiên tán kết.

Bài thuốc: Sa sâm mạch đông thang (Y môn pháp luật) phối hợp với Bách hợp cố kim thang (Trân trai di thư) gia giảm.

Nam sa sâm  30g, Bắc sa sâm  30g, Thiên môn  15g, Mạch môn  15g, Hạnh nhân  09g, Bách hợp  15g, Sinh địa  15g, Huyền sâm  15g, Qua lâu  15g, Hạ khô thảo  12g, Sinh mẫu lệ  30g, Bách hộ  12g, Xích thược  10g, Bạch thược  10g, Bát nguyệt trát  15g, Thạch kiến xuyên  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì nam bắc sa sâm, mạch môn, thiên môn, bách hợp có tác dụng dưỡng âm thanh hư nhiệt trừ phiền. Huyền sâm, sinh địa, bạch thược có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết. Qua lâu, bách bộ có tác dụng hóa đàm chỉ khái. Xích thược có tác dụng hoạt huyết. Hạ khô thảo, mẫu lệ, bát nguyệt trát, thạch kiến xuyên có tác dụng nhuyễn kiên tán kết.

Nếu ho khạc ra máu không ngừng thì gia bạch mao căn 20g, tiên hạc thảo 20g, khiếm thảo căn 15g, tam thất 04g để chỉ huyết.

Nếu bí đại tiện, phân khô cứng thì gia đào nhân 10g.

Nếu có sốt nhẹ kèm ra mồ hôi trộm thì gia địa cốt bì 12g, bạch vi 12g, ngũ vị tử 08g.

7.TỲ PHẾ KHÍ HƯ

Lâm sàng: ho, khạc như không có sức, ho có đờm, tức ngực, thở nông, sắc mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi, hình thể gầy sút, ăn ít, không muốn ăn, chất lưỡi nhợt có ấn răng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích phế, hóa đàm tiêu u.

Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang (Nội ngoại thương biện hoặc luận) gia giảm.

Hoàng kỳ  15g, Đảng sâm  12g, Phục linh  12g, Bạch truật  10g, Sa sâm  12g, Hoàng tinh  10g, Hoài sơn  15g, Sinh mẫu lệ  30g, Hạ khô thảo  12g, Xà lục cốc  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm có tác dụng bổ khí, kiện tỳ. Phục linh có tác dụng kiện tỳ táo thấp. Hoài sơn có tác dụng kiện tỳ, bình bổ can thận. Sa sâm, hoàng kỳ có tác dụng dưỡng phế âm, tiêu đàm. Sinh mẫu lệ, hạ khô thảo, xà lục cốc có tác dụng nhuyễn kiên tán kết.

Nếu ho khạc nhiều đờm thì gia trần bì 10g, bán hạ 10g để lý khí hóa đàm.

Nếu ho lâu ngày, thở yếu thì gia nhân sâm 10g, tắc kè 05g để bổ khí, bổ thận dương nạp thận khí.

8.PHẾ THẬN LƯỠNG HƯ

Lâm sàng: ho, khó thở, hễ vận động thì ho và khó thở tăng lên, đau tức ngực, sắc mặt nhợt nhạt, đau lưng, mỏi gối, người mệt mỏi như không có sức, sợ lạnh, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: ôn thận tư âm, tiêu u tán kết.

Bài thuốc: Nhị tiêu thang phối hợp với Sa sâm mạch đông thang gia giảm.

Tiên mao  10g, Tiên linh tỳ  12g, Nhục thung dung  10g, Tỏa dương  10g, Hoàng tinh  10g, Sa sâm  15g, Thiên môn  12g, Sơn đậu căn  10g, Bạch thược  12g, Xích thược  12g, Thạch kiến xuyên  30g, Thiết thụ diệp  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì tiên mao, tiên linh tỳ, nhục thung dung, tỏa dương có tác dụng ôn bổ thận dương. Hoàng tinh, sa sâm, thiên môn, bạch thược, xích thược có tác dụng tư âm. Thạch kiến xuyên, thiết thụ diệp có tác dụng nhuyễn kiên tán kết. Sơn đậu căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi hầu tiêu thũng.

Nếu thiên về phế âm hư thì phối hợp với bài Mạch vị địa hoàng hoàn để bổ can thận âm.

Nếu thiên về thận dương hư thì phối hợp với bài Hữu quy hoàn để bổ thận dương.

ĐÔNG TÂY Y KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ung thư. Mục đích điều trị ung thư nói chng và ung thư phổi nói riêng là kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, trì hoãn và giảm nhẹ các biến chứng.  Các phương pháp điều trị của y học hiện đại chú trọng điều trị cục bộ như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị… và thường có nhiều tác dụng phụ, độc tính cao. Điều trị bằng y học cổ truyền chủ yếu chú trọng đến điều chỉnh chỉnh thể, nhất là điều chỉnh chức năng tạng phủ khí huyết, việc ức chế sự phát triển khối u cũng như tiêu diệt tế bào ác tính thường chậm. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, việc kết hợp điều trị bằng y học hiện đại với y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ cho nhau, hạn chế nhược điểm của mỗi phương pháp. Tuy nhiên, trên thực tế điều trị lâm sàng, cần căn cứ vào từng bệnh nhân cụ thể, từng giai đoạn của bệnh mà phối hợp cho hợp lý.

KẾT HỢP UỐNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI PHẪU THUẬT

Điều trị bằng thuốc y học cổ truyền trước khi phẫu thuật:

Thường áp dụng pháp điều trị “phù chính” để điều chỉnh và sửa chữa sự mất cân bằng âm dương của cơ thẻ, cải thiện chức năng của cơ quan tạng phủ, nâng cao sức đề kháng của cơ thể; do đó có thể làm giảm các biến chứng của phẫu thuật, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể. Giai đoạn này dùng thuốc y học cổ truyền chỉ mang tính chất phụ trợ.

Điều trị bằng thuốc y học cổ truyền sau khi phẫu thuật:

Sau khi phẫu thuật, căn cứ vào biện chứng luận trị cụ thể trên từng bệnh nhân để dùng thuốc, mục đích là thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau phẫu thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các phương pháp điều trị kết hợp tiếp theo như xạ trị, hóa trị, đồng thời cũng làm giảm nhẹ các biến chứng sau phẫu thuật. Y học cổ truyền cho rằng phẫu thuật sẽ làm hao khí tổn thương huyết dịch; sau khi phẫu thuật thường biểu hiện tình trạng khí huyết lưỡng hư, tỳ vị mất điều hòa; xuất hiện các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, ra mồ hôi, ăn uống giảm sút, đầy trướng bụng…; thông qua các pháp điều trị như kiện tỳ lý khí, ích khí dưỡng âm… có thể đạt được hiệu quả tốt.

KẾT HỢP UỐNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI ĐIỀU TRỊ BẰNG PHÓNG XẠ

Điều trị bằng phóng xạ là phương pháp rất hay được ứng dụng trong điều trị ung thư, có thể khống chế sự phát triển khối u và tiêu diệt tế bào ác tính nhưng nó cũng thường hay gây phản ứng phụ và để lại di chứng. Dùng thuốc y học cổ truyền kết hợp có thể làm giảm nhẹ tác dụng phụ, đồng thời tăng cường hiệu quả điều trị của xạ trị. Y học cổ truyền cho rằng phương pháp xạ trị gây cho cơ thể tình trạng nhiệt độc quá thịnh làm cho âm dịch hao tổn, khí huyết bất hòa, tỳ vị mất điều hòa. Bởi vậy, pháp điều trị kết hợp chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, dương âm sinh tân, ích khí hòa huyết, kiện tỳ khai vị…

KẾT HỢP UỐNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI ĐIỀU TRỊ BẰNG HÓA CHẤT

Điều trị bằng hóa chất cũng là phương pháp rát hay được ứng dụng trong điều trị ung thư, đây là phương pháp điều trị tại chỗ và toàn thân, có thể kết hợp với phẫu thuật và xạ trị hoặc đơn độc, có tác dụng khống chế sự phát triển khối u và tiêu diệt tế bào ác tính. Tuy nhiên, hóa trị có nhược điểm là không có tính chọn lọc; trong khi diệt tế bào ác tính thì nó cũng gây tổn thương cho cơ thể. Thuốc y học cổ truyền có thể làm giảm nhẹ độc tính, bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương cho các cơ quan lành, đồng thời cũng còn có tác dụng nâng cao hiệu quả điều trị của hóa chất. Y học cổ truyền cho rằng hóa trị làm tổn thương đến khí huyết, tỳ vị, can thạn, đồng thời làm cho khí dưỡng huyết, kiện tỳ hòa vị, tư bổ can thận, thanh nhiệt giải độc để kết hợp điều trị.

KẾT HỢP UỐNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI ĐIỀU TRỊ BẰNG MIỄN DỊCH

Điều trị bằng miễn dịch là dùng các thuốc miễn dịch để nâng cao chức năng điều chỉnh và bảo vệ cơ thể nhằm hạn chế sự phát triển của khối u cũng như sự di căn của chúng. Các thuốc phù chính của y học cổ truyền với điều trị bằng miễn dịch có nhiều điểm tương đồng. Thuốc phù chính của y học cổ truyền đều có tác dụng nâng cao hoặc điều chỉnh chức năng miễn dịch của cơ thể.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

CHÂM

Chọn huyệt: Trung phủ, Thái châu, Phế du, Tâm du, Cao hoang du, Liệt khuyết, Chiếu hải. Nếu đau ngực, tức ngực thì phối hợp châm huyệt Đản trung, Nội quan; nếu ho ra máu thì phối hợp với Xích trạch; nếu đàm nhiều thì phối hợp với Phong lonh; nếu có khí hư thì châm thêm Quan nguyên, Khí hải.

Phương pháp: châm tả, mỗi lần chọn 6 – 7 huyệt, ngày châm 01 lần, khi châm nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệu quả.

DÙNG THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN GÂY HOẠI TỬ CỤC BỘ KHỐI U

Là phương pháp đưa thuốc y học cổ truyền có nồng độ cao bằng các con đường khác nhau vào tổ chức khối u để gây hoại tử và giết tế bào ác tính. Phương pháp này được Trung Quốc ứng dụng từ những năm 80 của thế kỷ XX và cho kết quả khả quan.

Dùng thuốc y học cổ truyền thông qua đường mạch máu gây tắc động mạch chọn lọc nuôi dưỡng khối u. Các thuốc thường dùng là bạch cập, dầu nha đảm tử, dầu nga truật.

Dưới sự hỗ trợ của siêu âm, CT scanner, bơm trục tiếp thuốc y học cổ truyền vào khối y làm cho khối u ngưng kết, biến tính và hoại tử, từ đó làm teo nhỏ và tiêu trừ khối u. Các thuốc thường dùng là hoạt chất chế từ ban miêu, dầu nga truật và một số phương thuốc kháng nham của y học cổ truyền.

KẾT LUẬN

Ung thư phổi là một trong những ung thư thường gặp và gây tỷ lệ tử vong cao, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình phát sinh bệnh liên quan mật thiết với các yếu tố như hút thuốc lá, hóa chất, ô nhiễm môi trường, chất phóng xạ…

Bệnh cảnh lâm sàng của ung thư phổi đa dạng, việc điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh, phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao nhưng thường khi phát hiện ra bệnh thì đã muộn, không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do vậy, việc phòng và phát hiện sớm bệnh có vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ phát bệnh cũng như nâng cao hiệu quả điều trị.

Những năm gần đây, có rất nhiều công trình nghiên cứu dùng thuốc y học cổ truyền điều trị ung thư phổi cho kết quả khả quan. Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị ung thư bước đầu đem lại kết quả tốt, nhất là trong lĩnh vực năng cao chất lượng cuộc sống, giảm nhẹ và trì hoãn biến chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Đó cũng chính là mục tiêu trước mắt trong điều trị ung thư hiện nay nên cần được nghiên cứu, ứng dụng.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *