Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY

Bài thuốc đông y trị bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là chỉ khối u ác tính nguyên phát của dạ dày, là một trong những loại ung thư thường gặp nhất. Ung thư dạ dày có thể phát triển ở bất cứ phần nào của dạ dày, có thể lan ra khắp dạ dày và đến các cơ quan khác của cơ thể; đặc biệt là thực quản, phổi, hạch bạch huyết và gan. Ung thư dạ dày mỗi lăn có thể gây ra 800.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới.

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày chiếm đa số ở đàn ông, có nơi tỷ lệ mắc ở đàn ông/phụ nữ là 3/1. Hormon oestrogen có thể giúp bảo vệ phụ nữ giảm được căn bệnh này.

Ung thư dạ dày thường không có triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầy. Khi triệu chứng xuất hiện thì lúc đó ung thư nhìn chung đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Đó là một trong những lý do chính gây khó khăn trong việc chẩn đoán sớm bệnh.

Điều trị ung dạ dày hiện nay chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nhiệt trị và miễn dịch; có thể áp dụng đơn thuần hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Điều trị bằng phẫu thuật là phương pháp chủ yếu có thể điều trị khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm ngay ở thời kỳ đầu. Cho nên, khi được chẩn đoán ung thư dạ dày cần tranh thu phẫu thuật triệt để thật sớm. Đối với ung thư dạ dày thì hóa trị có hiệu quả thấp và thường chỉ ứng dụng điều trị bổ trợ.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh ung thư dạ dày cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình hình thành và phát bệnh có liên quan mật thiết với những yếu tố sau:

Ăn uống: ăn uống là yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh ung thư dạ dày, đặc biệt là các thức ăn có chứa nitrosamin, polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH).

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân của đa số các loại ung thư dạ dày. H. pulori là yếu tố nguy cơ chính ở 65 – 80% bệnh nhân ung thư dạ dày nhưng chỉ có 2% số người bị nhiễm vi khuẩn này; còn các bệnh viêm dạ dày teo màng lót tự nhiên, chuyển sản ruột (intestinal metaplasis)… là các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ tương quan giữa thiếu hoặc thừa iod, bướu cổ do thiếu iod và ung thư dạ dày; cũng đã có chứng báo cáo về việc giảm tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày khi thực hiện tốt việc bổ sung iod dự phòng. Cơ chế tác động có thể là do icon iod có tác dụng như chất khử để chống oxy hóa trong màng nhầy dạ dày, do đó làm giảm tác hại của các yếu tố oxy hóa.

Khoảng 10% các bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến yếu tố di truyền.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của ung thư dạ dày thường mơ hồ và không điển hình.

Triệu chứng sớm:

Khó tiêu hoặc chứng ợ chua.

Mất ngon miệng, đặc biệt là đối với món thịt.

Triệu chứng muộn:

Đau bụng hay cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị.

Buồn nôn và nôn.

Tiêu chảy hay táo bón.

Đầy bụng sau khi ăn.

Giảm cân.

Yếu và mệt mỏi.

Xuất huyết (nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen), có thể dẫn đến thiếu máu.

Khó nuốt, có thể là dấu hiệu của u ở vùng tâm vị hoặc sự lan tỏa của u dạ dày lên thực quản.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm tế bào học của dịch dạ dày.

X quang, CT scanner, MRI có thể phát hiện hình ảnh khối u.

Nội soi kết hợp sinh thiết làm tế bào học có thể phát hiện ung thư dạ dày với tỷ lệ chính xác cao.

Chẩn đoán phân biệt

Loét lành tính dạ dày.

Polyp dạ dày.

Y học cổ truyên

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh ung thư dạ dày thuộc phạm trù vị quản thống, vị nham, tích tụ, ế cách, phục lương. Các chứng bệnh này đều được mô tả trong “Tố vấn”, “Kim quỹ yếu lược”, “Cảnh Nhạc toàn thư” …

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Y học cổ truyền cho rằng chính hư, tà thực là hai nhân tố chủ yếu phát sinh ra bệnh. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chủ yếu thể hiện trên mấy phương diện sau:

Ăn uống không điều độ: ăn uống quá nóng hoặc quá lạnh, ăn no đói thất thường, ăn nhiều thức ăn béo ngọt, uống nhiều rượu, hút thuốc lá… đều làm tổn thương tỳ vị hoặc làm cho chức năng tạng phủ mất điều hòa, tỳ mất hiện vận, vị mất hòa giáng, tụ thấp sinh đàm; huyết hành không thông, hóa sinh ứ độc ở vị quản, lâu ngày hình thành tích tụ.

Do tình chí mất điều hòa dẫn đến chức năng tạng phủ, khí cơ rối loạn làm cho tân dịch phân bố không bình thường, ngưng tụ thành đàm, đàm ứ trệ lâu ngày dẫn đến khí trệ huyết ứ gây nên khối u.

Lao động quá mệt mỏi làm cho tỳ khí hư nhược, không thể chuyển hóa thức ăn thành vật l chất dinh dưỡng, ngược lại hình thành đàm trọc thủy thấp, làm cho khí cơ không thông, khí trệ thì huyết ứ; kết hợp với thực tích, đàm trệ hình thành khối u.

Tỳ thận lưỡng hư: người già cơ thể suy nhược hoặc mắc bệnh lâu ngày dẫn đến tỳ thận lưỡng hư, khí huyết mất điều hòa. Tỳ hư thì vận hóa mất bình thường, làm cho đàm thấp tích tụ lại ở bên trong, thận và mệnh môn hỏa suy làm cho thủy thấp đình trệ hình thành bệnh.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Căn cứ vào nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng khi biện chứng luận trị cần phân biệt rõ tà thực là chủ yếu hay chính hư là chủ yếu. Tà thực chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của chứng can vị bất hòa, khí trệ huyết ứ, đàm khí giao trử… Chính hư chủ yếu biểu hiện các triệu chứng của vị âm bất túc. Tỳ vị khí hư, tỳ vị hư hàn và khí huyết đều suy.

Nguyên tắc điều trị

Cần phát hiện sớm và phẫu thuật triệt để ngay từ thời kỳ đầu, sau đó nếu kiểm tra giải phẫu bệnh lý không thấy tế bào ung thư thì có thể không cần áp dụng hóa trị liệu và kết hợp dùng thuốc y học cổ truyên. Thời kỳ thứ hai, sau khi đã phẫu thuật nên kết hợp đơn hóa trị liệu với thuốc y học cổ truyền. Thời kỳ thứ ba, sau khi phẫu thuật triệt để cần phối hợp điều trị bằng phóng xạ, hóa chất và thuốc y học cổ truyền. Thời kỳ thứ tư nên dùng thuốc giảm đau kết hợp với phẫu thuật có chọn lọc và các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, sau khi phẫu thuật vẫn có thể áp dụng hóa trị kết hợp với thuốc y học cổ truyền.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

Mass Image Compressor Compressed this image. https://sourceforge.net/projects/icompress/ with Quality:80

1.CAN VỊ BẤT HÒA

Triệu chứng: vùng thượng vị đầy tức và đau, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc thấy đau tức hai bên mạn sườn, nấc, ăn uống kém, chất lưỡi hồng nhợt hoặc có ban ứ huyết, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch huyền.

Pháp điều trị: sơ can lý khí, hòa vị giáng nghịch.

Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán (Y học thông chi) gia giảm.

Sài hồ  15g, Chỉ xác  12g, Uất kim  10g, Bán hạ  10g, Xuyên khung  10g, Đan sâm  15g, Bạch thược  15g, Chích cam thảo  06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sài hồ, uất kim, chỉ xác có tác dụng sơ can lý khí. Đan sâm, xuyên khung có tác dụng hoạt huyết khứ ứ. Bán hạ có tác dụng trừ đàm, giáng nghịch chỉ nôn. Bạch thược có tác dụng hòa vị, kết hợp với cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống.

Nếu buồn nôn nhiều thì gia hoắc hương 12g, trần bì 10g.

Nếu ợ chua nhiều thì gia ngô thù du 08g, hoàng liên 08g.

Nếu đau nhiều vùng thượng vị và hai bên mạn sườn thì gia xuyên luyện tử 12g, diên hồ sách 12g, sa nhân 08g, tam thất bột 04g.

2.KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ

Triệu chứng: đau vùng thượng vị, dư dội, điểm đau cố định, cự án, bụng đầy chướng, không muốn ăn uống, buồn nôn và nôn ra thức ăn, sợ ăn dầu mỡ, khám vùng thượng vị, có thể sờ thấy khối u, môi xanh tím, chất lưỡi tím tối hoặc có ban ứ huyết, mạch tế sáp.

Pháp điều trị: sơ can lý khí hành trệ, hoạt huyết hóa ứ giảm đau.

Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm.

Đương quy  12g, Xuyên khung  10g, Hồng hoa  06g, Chỉ xác  10g, Uất kim  12g, Đan bì  12g, Diên hồ sách  12g, Đào nhân  10g, Bạch thược  15g, Xích thược  10g, Chích cam thảo  06g, Hương phụ  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, bạch thược có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Xích thược, đào nhân, hồng hoa, diên hồ sách là những vị thuốc có tác dụng hoạt huyết khứ ứ càng làm tăng cường tác dụng hoạt huyết khứ ứ giảm đau. Hương phụ, chỉ xác, uất kim có tác dụng sơ can lý khí giải uất. Đan bì có tác dụng dưỡng âm. Chích cam thảo có tác dụng bổ khí, điều hòa các vị thuốc.

Nếu sờ nắn phát hiện thấy khối u rõ ràng thì bỏ xuyên khung, đan bì và hoa tam lăng 12g, nga truật 12g để tăng cường tác dụng phá huyết ứ thông u.

Nếu nôn ra thức ăn nhiều thì bỏ hương phụ, uất kim và gia hậu phác 12g, lai phục tử 10g, sơn tra 10g để giáng khí cầm nôn, tiêu thực.

Nếu nôn ra máu, sợ ăn dầu mỡ thì gia tam thất bột 05g, bạch cập 12g, tiên hạc thảo 12g để chỉ huyết.

3.ĐÀM KHÍ GIAO TRỞ

Triệu chứng: vùng thượng vị có khối u, đau, không thích xoa nắn, tức hai mạn sườn hoặc đầy tức vùng dưới tim, nuốt có cảm giác khó khăn, có thể nôn ra dịch tiêu hóa, nhạt miệng, mất cảm giác vị giác, ăn ít, không muốn ăn, trướng bụng, đại tiện phân lỏng loãng, rêu lưỡi trắng nhớt dày hoặc vàng nhớt, mạch huyền hoạt.

Pháp điều trị: kiện tỳ hóa thấp, lý khí hóa đàm, khoan trung tán kết.

Bài thuốc: Nhị trần thang (Hòa tễ cục phương) phối hợp với Hải tảo ngọc bình thang (Ngoại khoa chính tông) gia giảm

Trần bì  10g, Uất kim  10g, Bán hạ  10g, Hải tảo  10g, Côn bố  10g, Bối mẫu  10g, Phục linh  12g, Qua lâu  15g, Cam thảo  06g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài Nhị trần thang (trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo) là bài thuốc cổ phương có tác dụng kiện tỳ táo thấp trừ đàm điển hình. Bài Hải tảo ngọc bình thang (hải tảo, côn bố, bối mẫu, qua lâu) vừa có tác dụng trừ đàm, lại có tác dụng nhuyễn kiên tán kết. Uất kim, trần bì có tác dụng sơ can giải uất, lý khí khoan hung.

Nếu nôn, buồn nôn nhiều thì gia toàn phúc hoa 12g, đại trả thạch 12g để giáng khí lợi thủy hóa đàm, giáng nghịch cầm nôn.

Nếu bụng đầy trướng, ăn không tiêu thì gia lai phục tử 12g, sơn tra 10g, kê nội kim 10g để tiêu thực dẫn trệ.

Nếu bụng đầy hơi thì gia sài hồ 12g, hậu phác 10g, đại phúc bì 12g để lý khí giáng khí.

4.TỲ VỊ KHÍ HƯ

Triệu chứng: sắc mặt úa vàng, mệt mỏi, thở nông, chân tay yếu như không có sức, không muốn ăn uống, sau ăn cảm giác đầy tức vùng thượng vị, cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn, sau khi nôn dễ chịu, đại tiện phân lỏng, người gầy sút, chất lưỡi tím nhợt, bè, có ấn răng; rêu lưỡi trắng nhờn hoặc không rêu, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích vị, tiêu thực hóa ứ.

Bài thuốc: Hương sa lục quân tử thang (Cổ kim danh y phương luận) gia giảm.

Đảng sâm  12g, Hoàng kỳ  12g, Trần bì  10g, Bán hạ  10g, Chỉ xác  10g, Mộc hương  06g, Bạch truật  12g, Phục linh  12g, Sơn tra  10g, Kê nội kim  12g, Sa nhân  06g, Chích cam thảo  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Bài thuốc trên thì đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật có tác dụng kiện tỳ ích khí. Trần bì, chỉ xác có tác dụng lý khí khoan trung. Bán hạ kết hợp với trần bì có tác dụng trừ đàm. Mộc hương, sa nhân có tác dụng tỉnh tỳ táo thấp, tiêu đao. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Sơn tra, kê nội kim có tác dụng tiêu thực dẫn trệ làm thức ăn được tiêu hóa dễ dàng.

Nếu đầy bụng, ăn uống khó tiêu, nôn nhiều thì gia lai phục tử 12g, hậu phác 09g, bạch thược 12g và bỏ chỉ xác, mộc hương.

Nếu thấy chất lưỡi tím tối tương đối rõ thì gia thêm bột tam thất 05g, xích thược 12g để hoạt huyết hóa ứ đề phòng ứ huyết do khí hư.

Nếu thủy thấp không được vận hóa, ngưng lại thành đàm ứ ở vị quản thì gia ý dĩ nhân 30g, nhục đậu khấu 12g, hoắc hương 10g để kiện tỳ phương hương hóa thấp.

5.VỊ ÂM BẤT TÚC

Triệu chứng: đau nóng rát hoặc đau nhói vùng thượng vị như bị đàm, cảm giác đói nhưng không muốn ăn, bụng đầy tức, ăn vào đau tăng, miệng khô thích uống nước mát, đại tiện táo, sốt liên tục không giảm, chất lưỡi đỏ bóng, rêu lưỡi vàng dày nhớp hoặc mặt lưỡi nứt nẻ, mạch tế sác hoặc hư sác.

Pháp điều trị: ích vị dưỡng âm, thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc: Mạch môn đông thang (Kim quỹ yếu lược) phối hợp với Ích vị thang gia giảm

Sinh địa  10g, Ngọc trúc  10g, Thạch hộc  10g, Bạch biển đậu  12g, Cốc nha  12g, Mạch môn  10g, Bán hạ  10g, Kê nội kim  10g, Đan bì  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thnag, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa, ngọc trúc, thạch hộc, mạch môn, mẫu đan bì có tác dụng ích vị âm, dưỡng âm thanh nhiệt giải độc để tiêu trừ cảm giác đau nóng rát vùng thượng vị. Bạch biển đậu, cốc nha, kê nội kim có tác dụng kiện tỳ tiêu thực dẫn trệ làm cho tiêu hóa thuận lợi, giảm trướng bụng. Bán hạ có tác dụng trừ đàm.

Nếu cảm giác khô miệng, khát nước nhiều do tân dịch hư tổn thì gia lô căn 15g, thiên hoa phấn 12g, tri mẫu 10g để dưỡng âm sinh tân chỉ khát.

Nếu nhiệt độc nội uẩn nặng biểu hiện sốt cao liên tục không dứt thì gia kim ngân hoa 15g, huyền sâm 12g, trúc nhự 12g, hoàng liên 10g.

Nếu nhiệt đốt vị lạc gây xuất hiện thì gia tiên hạc thảo 15g, trắc bá diệp 12g, thạch cao 20g và bỏ bạch biển đậu.

Nếu kiêm có khí hư thì gia thái tử sâm 12g (hoặc tây dương sâm 10g), hoàng kỳ 20g để bổ khí.

6.TỲ VỊ HƯ HÀN

Triệu chứng: đau vùng thượng vị, thích chườm ấm và day xoa, nôn từng cơn ra thức ăn chưa tiêu hoặc nôn ra toàn nước trong, người lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, đại tiện phân lỏng hoặc đại tiện lỏng lúc sáng sớm (ngũ canh tiết tả), nước tiểu trong và số lượng nhiều, chất lưỡi nhợt có ấn răng, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch trầm tế hoặc trầm hoãn.

Pháp điều trị: ôn trung tán hàn, ôn thận trợ dương.

Bài thuốc: Phụ tử lý trung thang (Hòa tễ cục phương) gia giảm.

Phụ tử  09g, Đảng sâm  10g, Bạch truật  10g, Bán hạ  09g, Thảo đậu khấu  04g, Can khương  04g, Trư linh  15g, Bổ cốt chỉ  09g, Trần bì  09g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, bạch truật có tác dụng ích khí kiện tỳ. Phụ tử, bổ cốt chỉ, can khương có tác dụng ôn dương bổ thận. Trư linh, thảo đậu khấu có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Trần bì, bán hạ có tác lý khí hóa đàm, tiêu thực.

Nếu có biểu hiện hàn ngưng huyết ứ thì gia kê huyết đằng 15g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, quế chi 10g để ôn kinh tán hàn hoạt huyết giảm đau.

Nếu hàn ngưng khí trệ thì gia ô dược 10g, mộc hương 10g để lý khí hành trệ.

Nếu thận dương hư nặng thì bỏ can khương, thảo đậu khấu gia nhục thung dung 10g, đỗ trọng 10g.

7.KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ

Triệu chứng: sắc mặt nhợt nhạt, môi và móng tay chân trắng nhợt, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, có thể có sốt nhẹ; khám có thể thấy khối u vùng thượng vị, ấn đau; sau ăn cảm giác đầy trướng bụng, người mệt mỏi, hễ vận động là thở gấp, người gầy sút, chất lưỡi nhợt hoặc có ban ứ huyết, mạch hư hoặc trầm tế.

Pháp điều trị: khí huyết song bổ, hành khí hoạt huyết, giải độc hóa ứ.

Bài thuốc: Bát trân thang (Thụy trúc đương kinh nghiệm phương) gia giảm,

Đảng sâm  10g, Hoàng kỳ  10g, Bạch truật  12g, Phục linh  12g, Đương quy 12g,  Xuyên khung  12g, Bạch thược  15g, Thục địa  12g, Chỉ xác        10g, Nhục quế  04g, Thỏ ty tử  10g, Kỷ tử  12g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Bài thuốc trên được cấu tạo bởi hai bài Tứ quân và bài Tứ vật, trong đó bài Tứ quân (bạch truật, đảng sâm, phục linh, cam thảo) là bài thuốc cổ phương điển hình có tác dụng bổ khí, lại gia thêm hoàng kỳ nên tác dụng bổ khí càng mạnh. Bài Tứ vật (thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung) là bài thuốc cổ phương điển hình có tác dụng bổ huyết. Nhục quế, thỏ ty tử có tác dụng ôn phương bổ thận. Kỷ tử có tác dụng bổ âm huyết. Chỉ xác có tác dụng hành khí.

Nếu khí hư nặng thì thay đảng sâm bằng nhân sâm 05g hoặc gia tây dương sâm 08g, phụ tử 08g.

Nếu huyết ứ nặng thì gia tam lăng 12g, nga truật 12g, trần bì 10g để hoạt huyết khứ ứ.

Nếu ứ độc nội trở kết thành khối thì gia sơn từ cô 08g, bán chi liên 12g, thổ phục linh 12g, nga truật 12g, toàn yết 05g, ngô công 02 con.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Châm

Chọn huyết: Cự khuyết, Thượng quản, Trung quản, Thiên khu, Nội quan, Công tôn, Vị du, Can du, Tỳ du.

Phương pháp: chậm tả, mỗi lần chọn 6 – 7 huyệt, châm ngày 01 lần, khi châm nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệu quả.

Nếu đau do tỳ vị hư hàn thì kết hợp cứu huyệt Túc tam lý.

Các biện pháp điều trị kết hợp khác

Tham khảo biện pháp điều trị ung thư phổi.

KẾT LUẬN

Ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp và gây tỷ lệ tử vong cao, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng quá trình phát sinh bệnh liên quan mật thiết với yếu tố như ăn uống, nhiễm khuản Helicobactery pylori… Bệnh cảnh lâm sàng thường nghèo nàn, việc điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh, nếu được phát hiện sớm thì điều trị bằng phẫu thuật triệt để có thể khỏi được 90%.

Những năm gần đây có rất nhiều công trình nghiên cứu dùng thuốc y học cổ truyền điều trị ung dạ dày trên cơ sở biện chứng luận trị theo y lý cổ truyền cho kết quả tốt, nhất là trong lĩnh vực nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nhẹ và trì hoãn biến chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị ung thư bước đầu đem lại kết hợp khả quan và đó cũng chính là mục tiêu trước mắt trong điều trị ung thư hiện nay nên cần được nghiên cứu sâu thêm, ứng dụng một cách hợp lý.  

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *