Bài thuốc đông y trị bệnh nhược cơ
Nhược cơ (myasthenia gravis) là bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh- cơ mắc phải có tính tự thân miễn dịch; biểu hiện lâm sàng đặc trưng là cơ xương của một bộ phận hoặc toàn thân suy yếu gây nên triệu chứng xệ mặt, nhìn đôi, nhai nuốt khó khắn, nói như không có hơi, phát âm không rõ… thường sau khi vận động thì tăng lên, nghỉ ngơi giảm nhẹ.
Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4,3 – 6,4/10000 người, nữ thường bị nhiều hơn nam với tỷ lệ khoảng 3 : 2. Tuổi nào cũng có thể mắc nhưng hay gặp ở lứa tuổi là 20 – 40 ở nữ và 40 – 60 ở nam, bệnh nhân thường kèm theo có u tuyến ức.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Bệnh thường khởi phát âm thầm, bắt đầu biểu hiện ở nhóm cơ nào đó suy yếu dần dần ảnh hưởng đến các nhóm cơ khác.
Biểu hiện ban đầu hay gặp nhất là cơ bám da mặt và cơ vận nhãn suy yếu ở những mức độ khác nhau làm cho phía trên mặt xệ xuống, vận động nhãn cầu bị hạn chế gây nên hiện tượng nhìn đôi. Cơ vận nhãn suy yếu có thể bắt đầu ở một bên mắt, sau đó lan sang mắt còn lại hoặc hai mắt cùng phát bệnh nhưng mức độ tổn thương không đối xứng.
Khoảng 40% bệnh nhân sau vài tháng đến 2 năm sẽ ảnh hưởng đến cơ toàn thân gây tình trạng nói không lưu loát, vận động lưỡi không linh hoạt, nhai nuốt khó khăn, uống nước hay sặc, thời gian ăn uống kéo dài, sau khi nói thường mệt mỏi.
Thời kỳ sau thường có biểu hiện lối mắt, bộ mặt đau khổ; có tứ chi suy yếu, đặc biệt là cơ gốc chi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, nếu nặng không thể đi lại được phải nằm tại chỗ. Các triệu chứng trên thường nhẹ vào buổi sáng, sau khi vận động nặng thêm, nghỉ ngơi có thể phục hồi ở những mức độ khác nhau.
Nếu cơ hô hấp bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến hô hấp khó khăn, cơ tim bị ảnh hưởng có thể dẫn đến tử vong.
Một số trường hợp bệnh có thể tự khỏi sau 2 – 3 năm nhưng đa số bệnh kéo dài 3 -10 năm, dựa vào thuốc để duy trì chức năng vận động của cơ.
Khoảng 10 – 20% bệnh nhân có kèm theo u tuyến giáp, một số bệnh nhân có kèm theo cường chức năng tuyến giáp, lipus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ, viêm khớp dạng thấp, hen khí phế quản…
Một số bệnh nhân nhược cơ đột ngột xuất hiện hô hấp khó khăn, không có khả năng nuốt, không thể duy trì chức năng sống cơ bản, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, gọi là nhược cơ kịch phát, tỳ lệ phát bệnh khoảng 9,8 – 26,7%.
Cận lâm sàng
Kiểm tra huyết dịch:
Tế bào lympho T máu ngoại vi: tế bào lympho T ức chế (Ts) giảm thấp, tế bào lympho T hỗ trợ (Th) tăng cao, tỷ lệ Th/Ts tăng cao.
Kháng thể AchR – Ab tăng cao ở 80% bệnh nhân.
Khoảng 2/3 bệnh nahan có IgG tăng cao.
Điện cơ: biểu thị sức cơ giảm, biên độ nhỏ.
Siêu âm, CT scanner, MRI: khoảng 90% bệnh nhân có tăng sinh tuyến ức hoặc u tuyến ức.
Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng Lambert- Eaton.
Liệt chu kỳ ngoại vi,
Viêm đa cơ.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh nhược cơ thuộc phạm trù ủy chứng.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của ủy chứng rất phức tạp. Các nguyên nhân như tình chí nội thương, ngoại cảm tà bệnh, lao động và sinh hoạt quá sức ảnh hưởng tới tinh khí nội tạng đều dẫn đến kinh mạch mất nuôi dưỡng phát sinh bệnh.
Tỳ hư khí nhược: là một trong những điều kiện nội tại chủ yếu để phát sinh bệnh. Tỳ vị là nguồn sinh hóa của khí huyết, tỳ chủ cơ nhục, khai khiếu ở miệng. Một số người bệnh cơ thể vốn bị tỳ vị hư nhược hoặc ăn uống không điều độ (no đói thất thường) làm tổn thương đến tỳ vị hoặc ăn quá nhiều chất béo ngọt gây tích trệ trường vị hoặc do ưu tư quá độ làm ảnh hưởng đến tỳ khí… đều làm cho tỳ vị hư nhược, khí huyết suy hư không thể tư dưỡng cơ nhục gây nên bệnh. Bệnh lâu ngày, tỳ hư mất kiện vận làm thủy thấp đình trệ, tụ lại sinh đàm trọc gây nên chứng tứ chi nặng nề, yếu mỏi.
Thận tinh bất túc: chức năng thận chủ tàng tinh, chủ tủy, thông với não; thận là gốc của tiên thiên, hóa sinh ra khí huyết. Nếu bẩm thụ bất túc hoặc do lao động quá sứ làm hao thoát thận tinh hoặc tỳ hư cập thận khí bất túc sẽ gây nên bệnh.
Can âm bất túc: chức năng can tàng huyết, chủ căn. Bệnh lâu ngày, thể chất hư nhược, âm huyết nội thoát, tình chí mất điều hòa, hóa hỏa thương âm… đều làm âm tinh hư tổn không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên bệnh.
Lục dâm ứ trệ: phong, hàn, thấp tà xâm phạm vào cơ thể, bế trở kinh mạch làm cho khí huyết trở trệ gây tê bì ngoại da, chân tay yếu mỏi. Thử nhiệt hỏa thịnh làm tổn thương tân dịch, hao khí thì âm huyết càng hư làm cho cơ mất nuôi dưỡng nên suy nhược càng tăng.
Tình chí mất điều hòa làm khí huyết vận hành không thông, lâu ngày dẫn đến khí trệ huyết ứ, cơ nhục mất nuôi dưỡng dẫn đến phát sinh thành bệnh.
Bản chất bệnh là do chính khí hư; trong đó chủ yếu là tỳ thận can hư, khí huyết bất túc. Thời kỳ đầu chủ yếu do tỳ bị tổn thương, sau đó sẽ ảnh hưởng đến can thận. Lục dâm, mệt mỏi, lao động quá độ, tinh thần căng thẳng đều là các nguyên nhân tố thuận lợi gây bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Những điểm trọng yếu trong biện chứng
Cần đánh giá mức độ bệnh để tiến hành xử lý, nếu bệnh nhân trong giai đoạn cấp cứu, bệnh nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng như hô hấp thì cần nhanh chóng cấp cứ, khôi phục hô hấp cho bệnh nhân như đặt nội khí quản, mở khí quản… Khi bệnh qua giai đoạn nguy hiểm mới tiến hành biện chứng luận trị và điều trị theo thể bệnh.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh chưa rõ ràng, biểu hiện bệnh lý phức tạp, triệu chứng lâm sàng đa dạng, hư thực thác tạp; cho nên trong quá trình biện chứng cần phải biện rõ tiêu bản, hoãn cấp, vị trí chủ yếu của bệnh để đề ra phương pháp điều trị thích hợp.
Các triệu chứng của bệnh chủ yếu do tỳ khí hư nhược hoặc đàm trọc nội trở gây nên; các biểu hiện như mắt nhìn đôi, mắt xếch, thị lực giảm chủ yếu do can thận âm hư hoặc tỳ thận âm lưỡng hư gây nên; hai chân đột nhiên yếu mỏi, kèm theo miệng đắng, tức ngực, rêu lưỡi vàng nhớp là hiện tượng thấp nhiệt xâm phạm; trong quá trình diễn biến bệnh, nếu thấy hô hấp khó khăn là hiện tượng của thận khí phù vượt lên trên, phế hư đàm ủng trệ.
Nguyên tắc điều trị
Bản chất bệnh chủ yếu là bản hư, tiêu thực. Trên lâm sàng, khi điều trị cần phải biện chứng rõ bệnh ở giai đoạn nào và tạng phủ nào hư tổn để dùng pháp phù chính có trọng tâm trọng điểm.
Thời kỳ đầu của bệnh thường dùng pháp kiện tỳ ích khí là chính; thời kỳ giữa lấy kiện tỳ ích thận là chính; giai đoạn cuối lấy tư dưỡng can thận, dưỡng âm ích khí là chính. Bên cạnh đó cũng cần kiêm trừ tà như sơ phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt, lý khí, hóa ứ thông lạc để thực hiện tiêu bản kiêm thi.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.TỲ VỊ KHÍ HƯ
Triệu chứng: sụp mi, mệt mỏi như không có sức, sắc mặt nhợt nhạt, tự ra mồ hôi, chân tay gầy và yếu, ăn uống kém, trướng bụng, đại tiện phân lỏng và loãng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng; mạch tế, nhược, vô lực.
Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí, bổ trung thăng đề.
Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang gia giảm (Tỳ vị luận).
Đảng sâm 20g, Hoàng kỳ 20g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Hoài sơn 15g, Đương quy 12g, Sài hồ 10g, Thăng ma 06g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật là những vị thuốc có tác dụng chủ yếu là kiện tỳ ích khí. Phục linh, cam thảo, hoài sơn để tăng cường tác dụng bổ khí kiện tỳ. Sài hồ, thăng ma có tác dụng đưa khí thăng đề. Đương quy có tác dụng bổ huyết.
Nếu ăn ít, đại tiện phân loãng thì gia ý dĩ nhân 20g, kê nội kim 10g để kiện tỳ tiêu thực, thấm thấp.
Nếu sợ lạnh thì gia bổ cốt chỉ 10g, phụ tử 10g để ôn bổ thận dương.
Nếu đầy tức ngực bụng, chân tay cảm giác nặng nề thì gia thương truật 10g, hậu phác 10g để trừ thấp.
2.CAN THẬN ÂM HƯ
Triệu chứng: toàn thân mệt mỏi như không có sức lực, thị lực giảm hoặc nhìn đôi, buổi chiều tăng nặng, vận động thì làm bệnh nặng hơn, chân tay gầy, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, đau lưng, mỏi gối, tai ù, tai điếc, di tinh, di niệu, kinh nguyệt không đều, hai gò má đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, khô miệng và họng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Pháp điều trị: tư dưỡng can thận.
Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm (Tiểu nhi dược chứng trực quyết).
Sơn thù 12g, Sinh địa 15g, Phục linh 12g, Đan bì 06g, Hoài sơn 15g, Trạch tả 12g, Đảng sâm 15g, Kỷ tử 12g, Thỏ ty tử 15g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì bài LỤc vị địa hoàng hoàn (Thục địa, hoài sơn, đan bì, trạch tả, sơn thù, phục linh) là bài thuốc điển hình có tác dụng bổ can thận. Kỷ tử để tăng cường tác dụng bổ thận âm. Đảng sâm có tác dụng tăng cường bổ khí. Thỏ tỳ tử có tác dụng bổ thận dương. Mục đích để kết hợp bổ khí và bổ dương làm cho bổ âm nhưng không nê trệ và không phạt dương.
Nếu bệnh nhân ra mồ hôi trộm nhiều thì gia phù tiểu mạch 15g, sơn thù 10g để liễm hãn chỉ hãn.
Nếu miệng khô, họng khô nhiều thì gia thiên hoa phấn 15g, thạch hộc 10g để dưỡng âm sinh tân chỉ khát.
Nếu thấy gò má đỏ, người cảm giác buồn bực, bứt rứt thì gia quy bản 20g, miết giáp 20g, ngưu tất 15g để tăng cường tác dụng dưỡng âm, thanh hư nhiệt.
3.KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ
Triệu chứng: toàn thân mệt mỏi như không có sức, nói nhỏ, ngại nói, hơi thở yếu, khi vận động các biểu hiện trên tăng nặng, chây tay tê bì, sắc mặt vàng tối, đau đầu, chóng mặt, ăn ít, ăn không có cảm giác ngon miệng, mất ngủ, ngủ hay mơ; môi,móng tay chân nhợt màu; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế, vô lực.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng huyết.
Bài thuốc: Bát trân thang gia giảm (Chính thể loại yếu)
Đảng sâm 30g, Bạch truật 15g, Bạch linh 12g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Lộc giác giao 10g, Bạch thược 12g, Cam thảo 06g, Nhân sâm 03g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Tứ vật thang và bài Tứ quân tử thang. Trong đó, bài Tứ quân thang (Đảng sâm, bạch truật, bạch linh, cam thảo có tác dụng bổ khí, lại thêm nhân sâm là vị thuốc có tác dụng đại bổ nguyên khí nên càng tăng cường tác dụng bổ khí. Bài Tứ vật thang (thục địa, xuyên khung, bạch thược, đương quy) có tác dụng bổ huyết. Lộc giác giao là bài thuốc có tác dụng đại bổ huyết nên càng tăng cường tác dụng bổ huyết.
Nếu ăn ít thì bỏ nhân sâm và gia thêm kê nội kim 10g, sơn tra 15g để tăng cường tác dụng tiêu thực.
4.TỲ THẬN DƯƠNG HƯ
Triệu chứng: sức cơ vùng đầu và cổ yếu, tức ngực, thở nông, nuốt khó, đờm nhiều khó khạc, không thể nằm ngửa, cảm giác sợ lạnh, chân tay lạnh, phù tay chân, tiểu tiện trong và số lượng nhiều, đại tiện lỏng vào sáng sớm, chất lưỡi bè, mạch trầm trì.
Pháp điều trị: kiện tỳ, ôn thận.
Bài thuốc: Phụ tử lý trung thang gia giảm (Tam nhân phương)
Phụ tử chế 15g, Nhân sâm 10g, Can khương 10g, Bạch truật 12g, Cam thảo 06g, Lộc giác giao 10g, Bổ cốt chỉ 12g, Nhục quế 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì phụ tử, nhục quế, can khương, bổ cốt chỉ là những vị thuốc có tính đại nhiệt, có tác dụng ôn bổ thận dương. Nhân sâm, bạch truật, cam thảo có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Để tăng cường tác dụng tư bổ thận âm thì gia lộc giác giao làm cho bổ dương mà không lấn âm.
Nếu hơi thở ngắn, nói nhỏ thì gia thêm chích hoàng kỳ 30g để bố khí.
Nếu hồi hộp, trống ngực thì dùng quế chi 12g (thay nhục quế) và gia đan sâm 20g để hoạt huyết, dưỡng huyết, ôn thông tâm khí.
5.PHẾ THẬN LƯỠNG HƯ
Triệu chứng: khó thở, hơi thở ngắn, tiếng nói nhỏ yếu, ho khẽ, khó khạc đờm, người gầy, tự ra mồ hôi, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt và hồng; mạch tế, sác.
Pháp điều trị: tư thận ích phế.
Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi được chứng trực quyết) phối hợp với Sinh mạch tán (Nội ngoiaj thương biện cảm luận) gia giảm.
Thục địa 15g, Sơn thù nhục 12g, Hoài sơn 15g, Mẫu đan bì 12g, Phục linh 10g, Ngũ vị tử 10g, Tây dương sâm 10g, Mạch môn 12g, Đông trùng hạ thảo 03g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì bài Lục vị địa hoàng hoàn (thục đại, hoài sơn, đan bì, trạch tả, sơn thù, phục linh) có tác dụng bổ thận âm, kết hợp với bài Sinh mạch tán (nhân sâm, mạch môn, ngũ vị) để dưỡng phế âm. Đông trùng hạ thảo để tăng cường tác dụng bổ ích phế thận.
Nếu hen, khó thở rõ thì gia ngưu tất 10g, tử hà xa 12g.
Nếu ra mồ hôi trộm nhiều thì gia quy bản 12g để tăng tác dụng dưỡng âm.
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Châm cứu
Thể châm:
Pháp điều trị: kiện tỳ bổ thận.
Châm huyệt: Tỳ dư, Thận du, Can du, Túc tam lý, Trung quản, Khí hải, Tam âm giao, Thái khê…
Phương pháp: dùng bổ pháp, mỗi lần chọn 5-6 huyệt, sau châm nên cứu, ngày 01 lần. Nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệt quả. Nếu có sụp mi, có thể phối hợp châm các huyệt Toản trúc, Ngư yêu, Dương bạch, Thái dương.
Nhĩ châm: châm có điểm tỳ, thận, can, nội tiết, giao cảm, mắt.
Cao dán
Dùng sinh hoàng kỳ, nhân sâm, sinh mã tiền tán thật mịn, chế thành cao; dán vào các huyệt Túc tam lý, Tam âm giao, Tỳ du, Thận du. Mỗi huyệt dán cao đường kính khoảng 1cm, cách 2 – 3 ngày thay thuốc một lần, 10 ngày là một liệu trình.
Chế độ ăn phối hợp
Cháo nhân sâm miết giáp: lấy nhân sâm 05g, miết giáp 30g tán mịn, dùng 01kg gạo nếp nấu thành cháo loãng, ngày ăn 100g.
Cháo bồ hư chính khí: dùng hoàng kỳ, nhân sâm, đảng sâm, gạo nếp nấu thành cháo ăn.
KẾT LUẬN
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh nhược cơ đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh liên quan đến các yếu tố tự thân miễn dịch.
Điều trị bằng các thuốc Tây y còn gặp nhiều khó khăn. Y học cổ truyền cũng đã đi sâu nghiên cứu về nguyên nhân cũng như cơ chế bệnh sinh từ đó phân thành các thể để điều trị nên có những kết quả khả quan.
Trong điều trị, cần kết hợp thuốc uống theo biện chứng luận trị, đồng thời nên kết hợp với phương pháp điều trị khác như châm cứu, can dán… để tăng cường hiệu quả điều trị.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com