Bài thuốc đông y trị bệnh lỵ amip
Bệnh do amip là bệnh nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, bệnh gây tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng. Ngoài ra, amip có khả năng gây ra các ổ áp xe ở những cơ quan khác như gan, phổi, não… Bệnh có xu hướng kéo dài và mãn tính nếu không được điều trị tích cực. Khoảng 90% các trường hợp nhiễm amip là không có triệu chứng.
Nguyên nhân gây bệnh
Amip là đơn bào Entamoeba histolytica thuộc họ Entamoebidae, bộ Amoebida, ngành Protozoa. Chu kỳ sống của amip chia làm hai thời kỳ; thời kỳ hoạt động và thời kỳ nghỉ (kén). Amip lỵ có ba thể.
Thể hoạt động lớn (Entamoeba histolytica forma magna) bắt được ở phận, chỗ nhiều nhầy máu của bệnh nhân amip ruột, kích thược 15-30μm. Trong bào tương của amip có nhiều hồng cầu.
Thể hoạt động nhỏ (Entamoeba histolytica forma minuta) sống trong lòng đại tràng, kích thước 8-25μm. Trong tế bào tương không có hồng cầu.
Thể kén (Entamoeba histolytica forma cystica) được tạo thành từng thể hoạt động nhỏ, kích thước 10-14μm, được bọc bởi hai lớp vỏ.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Lỵ amip cấp tính:
Thời kì khởi phát: bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn kém, đau bụng, sức khỏe tương đối bình thường, hội chứng nhiễm trùng độc không rõ ràng, bệnh nhân thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, bạch cầu không tăng.
Thời kỳ toàn phát với biểu hiện đặc trưng là hội chứng lỵ: đau quặn vùng hố chậu phải, mót rặn và “đi ngoài giả”, đi ngoài nhiều lần, lúc đầu thường phân không có bã phân, về sau phận chỉ thấy có nhầy trong và máu tách biệt.
Lỵ amip mạn tính:
Lỵ cấp tính kéo dài 4-6 tuần, nếu không được điều trị đặc biệt thì sẽ chuyển sang lỵ amip mạn tính. Sau thời kỳ cấp tính, mặc dù không được điều trị nhưng bệnh nhân cảm thấy đỡ dần, số lần đi ngoài giảm dần, có những đợt tái phát cấp tính.
Dịch tễ: tiếp xúc với người bệnh sống trong vùng đang có dịch.
Cận lâm sàng
Chẩn đoán quyết định phải dựa vào việc xác định Entamoeba histolytica ở trong phân, mủ các ổ áp xe của bệnh nhân.
Chẩn đoán phân biệt
Lỵ trực khuẩn: hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc rõ, sốt 38-39oC thấy có gai rét, đau đầu, ngủ kém, người mệt mỏi; xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu, bạch cầu đa nahan trung tính tăng.
Hội chứng lỵ: đau bụng âm ỉ dọc khung đại trường, vùng hạ vị; xen kẽ có cơn đau quặn, mót rặn; không có biểu hiện” đi ngoài giả”, đại tiện ra nhầy máu lẫn lộn, màu sắc có lúc như nước rửa thịt lẫn với nhầy.
Hội chứng mất nước điện giải rõ: bệnh nhân khát nước, khô miệng, nước tiểu ít nhưng mạch và huyết áp vẫn bình thường; khi đại tiện nhiều thì xét nghiệm máu thấy giảm Na*, Cl; K+…
Soi thực tràng: toàn bộ niêm mạc trực tràng sung huyết, phù nề, nhiều ổ loét trợt nông.
Xét nghiệm: soi phân có nhiều hồng cầu, bạch cầu đa nhân trung tính, cấy phân thấy trực khuẩn shigella.
Bệnh Crohn, bệnh loét đại tràng, loạn khuẩn ruột, các khối u đại trực tràng…
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh lỵ amip thuộc phạm vị chứng lỵ tật. Bệnh lỵ amip thường lây qua đường ăn uống, tổn thương chủ yếu ở đại trường, bệnh biểu hiện với các triệu chứng đau quặn bụng, mót rặn, phân có nhầy máu, dễ biến thành mạn tính, hay tái phát.
Nguyên nhân sinh bệnh
Do ăn uống không vệ sinh nên thấp nhiệt, dịch độc xâm nhập vào trường vị, thấp nhiệt ứ trệ ở trường vị và đại trường làm rối loạn chức năng tỳ vị, khí trệ huyết ứ gây đại tiện ra nhầy máu. Nếu thấp thịnh hoặc do ăn thức ăn sống lạnh làm tổn thương tỳ khí, tỳ dương dẫn đến thấp nội sinh, thực tích đình trệ gây đau bụng, đại tiện phân lỏng, phân nhầy máu. Nếu bệnh kéo dài không khỏi làm chính khí hư suy, tà khí lưu trệ dẫn đến tỳ vị khí hư hoặc vị âm hư.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Đặc điểm biện chứng
Y học cổ truyền phân bệnh lỵ amip thành thời kỳ cấp tính và mạn tính.
Thời kỳ cấp tính bao gồm cả thời kỳ bệnh khởi phát và đợt cấp của thời kỳ mạn tính; nguyên nhân bệnh chủ yếu là do thấp nhiệt, dịch độc xâm nhập gây nên; thời kỳ này chủ yếu là thực chứng.
Thời kỳ mạn tính: nguyên nhân do bệnh kéo dài, làm chính khí hư suy, tà khí lưu trệ gây nên; thời kỳ này là hư thực thác tạp.
Nguyên tắc điều trị
Thời kỳ cấp tính: pháp điều trị chủ yếu là thanh nhiệt hóa thấp, lương huyết giải độc hoặc kiện tỳ hóa thấp, điều khí hòa doanh.
Thời kỳ mạn tính: dùng pháp kiện tỳ hòa vị, hóa thấp chỉ tả hoặc pháp dưỡng âm ích vị, giáng nghịch hạ khí.
Bài thuốc đông y trị bệnh lỵ amip
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
I. Thời kỳ cấp tính
1. Thể thấp nhiệt ủng trệ
Lâm sàng: đau bụng, mót rặn, đại tiện ra máu nhầy sắc sẫm đỏ, phân có mùi tanh, đau mỏi toàn thân, buồn nôn và nôn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền hoạt.
Pháp điều trị: thanh nhiệt hóa thấp, lương huyết giải độc.
Bài thuốc: Bạch đầu ông thang gia vị (Thương hàn luận)
Bạch đầu ông 15g, Trần bì 12g, Hoàng liên 06g, Hoàng bá 12g, Hậu phác 12g, Hoắc hương 12g, Nha đàm tử 01g, Cam thảo 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì bạch đầu ông có tính hàn vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lỵ. Hoàng bá, hoàng liên, trần bì giúp bạch đầu ông thanh nhiệt giải độc, trừ thấp nhiệt. Hậu phác, nha đảm tử, hoắc hương có tác dụng tăng cường công năng trừ thấp chỉ lỵ. Cam thảo có tác dụng hòa vị chỉ thống, điều hòa tính dược. Tác dụng chung của bài thuốc là thanh nhiệt hóa thấp, lương huyết giải độ chỉ lỵ.
Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông (trong Y tông tâm lĩnh, tập VI, quyền tốn 54)
Bài 1: hoàng liên, ngô thù du, mỗi thứ đều 02 lạng.
Các vị thuốc trên sao và tán nhỏ, luyện với cơm nguội làm viên to bằng hạt bắp.
Nếu đại tiện ra máu là chính thì uống viên hoàng liên với nước sắc cam thảo, nếu đại tiện ra nhầy là chính thì uống viên ngô thù du vưới nước gừng, nếu đại tiện ra nhầy máu mủ thì uống mỗi thứ 15 viên với nước cơm.
Bài 2: khổ luyện tử, nha đảm tử đều bỏ vỏ, ngũ bội tử sao vàng, khô phàn, mỗi thứ 01 lạng hoàng liên 03 phân.
Các vị thuốc trên tán nhỏ luyện viên bằng hạt bắp, uống mỗi lần 10 viên khi đói với nước cơm.
2. Thể hàn thấp khổn tỳ
Lâm sàng: đợt tiến triển cấp của lỵ amip mãn tính, đau bụng, đại tiện ra nhầy máu hoặc nhầy mũi là chủ yếu; đau quặn, mót rặn không điển hình; mệt mỏi ăn uống kém, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch tế.
Pháp điều trị: kiện tỳ hóa thấp, điều khí hòa doanh.
Bài thuốc: Liên lý thang gia giảm
Đảng sâm 20g, Bạch truật 15g, Hoàng liên 12g, Mộc hương 10g, Thương truật 12g, Phục linh 15g, Trích thảo 12g, Xích thược 12g, Đương quy 15g, Địa du 15g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang
Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, bạch truật, thương truật, phục linh, cam thảo có tác dụng bổ khí kiện tỳ, vận thấp. Đương quy, xích thược có tác dụng bổ huyết hòa doanh. Hoàng liên, địa du có tác dụng giải độc, táo thấp chỉ lỵ. Các vị thuốc trên phối hợp với nhau có tác dụng kiện tỳ hóa thấp, điều khí hòa doanh chỉ lỵ.
Hải Thượng Lãn Ông (trong Y tông tâm lĩnh, tập VI, quyển tốn 54)
Bài 1: xuyên tiêu 01 lạng, thương truật 01 lạng; hai vị tán nhỏ, lấy dấm khuấy hồ làm viên to bằng hạt đậu xanh; ngày uống 20 viên với nước ấm.
Bài 2: hòe hoa, khổ luyện (ép bỏ dầu), hai vị bằng nhau tán nhỏ luyện hồ làm viên, chu sa làm áo; nấu quả chuối xanh lấy nước làm thang để uống.
II. Thời kỳ mạn tính
1. Tỳ vị khí hư
Lâm sàng: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tái phát nhiều lần; khi ăn thức ăn tanh, lạnh thì đau bụng, đi ngoài nhiều lần phân nát hoặc kèm theo nhầy, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. mạch hoãn hoặc tế nhược.
Pháp điều trị: kiện tỳ hòa vị, hóa thấp chỉ tả.
Bài thuốc: Hương sa lục quân tử thang gia giảm (Cổ kim danh y phương luận)
Nhân sâm 09g, Phục linh 12g, Cam thảo 10g, Sa nhân 08g, Bạch truật 15g, Mộc hương 10g, Đương quy 15g, Kha tử 15g.
Bài thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Tứ quân tử thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo) là bài thuốc đại biểu cho phương thuốc kiện tỳ ích khí và gia thêm đương quy có tác dụng điều bổ khí huyết hòa doanh, mộc hương, kha tử có tác dụng lý khí chỉ lỵ.
2. Vị âm hư
Lâm sàng: đại tiện phân nát kéo dài, bụng trướng, đau, nôn khan, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng khô, mạch tế sác.
Pháp điều trị: dưỡng âm ích vị, giáng nghịch hạ khí.
Bài thuốc: mạch môn đông thang gia giảm (Kim quỹ yếu lược)
Nhân sâm 12g, Mạch môn 15g, Thạch hộc 15g, Sa nhân 12g, Bạch thược 15g, Hoài sơn 15g, Trúc nhự 12g, Cam thảo 10g, Bán hạ chế 06g, Đại táo 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì mạch môn có tính vị ngọt lạnh; có tác dụng dưỡng âm sinh tân, nhuận táo. Bạch thược, thạch hộc trợ giúp mạch môn dưỡng âm ích vị. Nhân sâm, hoài sơn, đại táo có tác dụng ích khí sinh tân. Bán hạ, trúc nhự, sa nhân có tác dụng giáng nghịch, hóa đàm hạ khí. Cam thảo có tác dụng điều hòa tính dược.
THAM KHẢO KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC
Điều trị bằng thụt giữ thuốc y học cổ truyền.
Bài thuốc 1:
Rau sam 30g, Khổ sâm 30g, Liên kiều 15g, Bạch đầu ông 30g.
Các vị thuốc trên sắc lấy 150ml, thụt giữ đại tràng, ngày 01 lần, liệu trình 7-10 ngày.
Bài thuốc 2:
Bạch hoa xà thiệt thảo 50g, Bạch đầu ông 30g.
Các vị thuốc trên sắc lấy 150ml, thụt giữ đại tràng, ngày 01 lần, liệu trình 7-10 ngày.
Bài thuốc 3: nha đảm tử 30 hạt, giã nát, hòa với 200ml dung dịch Na2CO3 1%, thụt giữ đại tràng, ngày 01 lần, liệu trình 7-10 ngày.
KẾT LUẬN
Lỵ amip thuộc phạm trù chứng lỵ tật của y học truyền. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn uống không vệ sinh làm thấp nhiệt, dịch độc xâm nhập vào trường vị, thấp nhiệt ứ trệ trường vị và đại trường làm rối loạn chức năng tỳ vị, khí trệ huyết ứ hoặc thấp thịnh làm tổn thương tỳ khí, tỳ dương dẫn đến thấp nội sinh, thực tích đình trệ gây đau bụng, đại tiện phân nhầy máu. Nếu bệnh kéo dài không khỏi, chính khí hư suy, tà khí lưu trệ dẫn đến tỳ khí hư hoặc vị âm hư.
Lỵ amip được phân thành thời kỳ cấp mạn tính. Thời kỳ cấp tính bao gồm cả thời kỳ bệnh khởi phát và đợt cấp của thời kỳ mạn tính; nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do thấp nhiệt, dịch độc xâm nhập; thời kỳ này chủ yếu là thực chứng. Thời lỳ mạn tính, do bệnh kéo dài làm chính khí hư suy, tà khí lưu trệ; thời kỳ này là hư thực thác tạp.
Nguyên tắc điều trị:
Thời kỳ cấp tính thì pháp điều trị chủ yếu là thanh nhiệt hóa thấp, lương huyết giải độc hoặc kiện tỳ hóa thấp, điều khí hòa doanh.
Thời kỳ mạn tính thì dùng pháp kiện tỳ hòa vị, hóa thấp chỉ tả hoặc pháp dưỡng âm ích vị, giáng nghịch hạ khí.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com