Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

Bài thuốc đông y trị bệnh kinh nguyệt quá ít

Bài thuốc đông y trị bệnh kinh nguyệt quá ít

Kinh nguyệt quá ít là khi chu kỳ kinh vẫn bình thường, nhưng mỗi lần hành kinh thấy số lượng kinh ra ít hơn hẳn so với bình thường hoặc thời gian hành kinh rút ngắn lại còn 1 – 2 ngày đã sạch kinh và số lượng kinh giảm, nếu nặng chỉ thấy ra vài giọt là đã sạch kinh.

Kinh nguyệt quá ít gặp trong chứng tử cung nhi hóa, loạn sản tử cung, người thường xuyên dùng thuốc tránh thai, suy chức năng buồng trứng sớm, tổn thương nội mạc tử cung do phẫu thuật tử cung hoặc sau nạo thai, điều tiết ăn uống quá mức trong giảm béo, căng thẳng tâm lý …

Chẩn đoán:

Lâm sàng: số lượng kinh ra ít, mỗi lần hành kinh thấy tổng số lượng kinh huyết giảm hẳn, không quá 30ml, nếu nặng thì chỉ thấy ra vài giọt đã sạch kinh; hoặc thấy thời gian có kinh rút ngắn lại, ra chỉ 1 – 2 ngày đã sạch kinh, số lượng kinh ra giảm hẳn.

Thăm khám phụ khoa và cận lâm sàng: thời kỳ dậy thì hoặc tiền mãn kinh nên thăm khám phụ khoa hoăc siêu âm ổ bụng để phát hiện chứng tử cung nhỏ. Khi sinh nở, cần phải kiểm tra xem có bị tooen thương nội mạc tử cung không. Nội soi tử cung có thể phát hiện tổn thương nội mạc tử cung.

Chẩn đoán phân biệt:

Kích kinh (chảy máu thai kỳ): thời kỳ đầu mang thai, đến chu kỳ kinh vẫn thấy ra một ít máu gọi là kích kinh. Nói chung, đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Kích kinh không giống như kinh nguyệt ra ít. Kích kinh gặp ở phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sau khi kết hôn thấy đột nhiên lượng kinh giảm hẳn, có thể là phản ứng sớm của có thai, cần phải đi kiểm tra thai sản để phân biệt.

Xuất huyết giữa kỳ kinh: lượng huyết mất trong xuất huyết giữa kỳ kinh dễ bị chẩn đoán nhầm là kinh nguyệt quá ít. Nói chung, người bị kinh nguyệt quá ít thường hay thấy có quy luật, mỗi lần thấy kinh đều thấy số lượng giảm. Xuất huyết giữa kỳ kinh thường thấy vào thời kỳ rụng trứng, biểu hiện quy luật là kinh ra một lần nhiều, một lần ít, khi đo biến động nhiệt độ cơ thể cũng thấy thay đổi từ thấp rồi đến cao hơn.

Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: chứng kinh ra quá ít phân thành hư hoặc thực.

Bệnh thuộc hư thường do thận khí bất túc hoặc doanh huyết hao hụt, khí huyết xung nhâm không được xung thịnh, huyết hải không tràn đầy.

Bệnh thuộc thực thường do hàn tà nội thịnh, hoặc do đàm ẩm ứ trệ kinh mạch, bào mạch không thông, kinh huyết tử cung không đầy đủ gây nên kinh huyết sáp trệ, số lượng ít.

Huyết hư: bệnh nặng, bệnh lâu ngày, sẩy thai, sinh nở nhiều lần tổn thương huyết; hoặc do ăn uống kém, lao động nặng nhọc, lo nghĩ buồn phiền làm tổn thương tỳ vị, rối loạn nguồn hóa sinh, huyết hải đầy mà không sung mãn gây nên chứng hành kinh số lượng giảm.

Thận hư: thận khí tiên thiên bất túc; hoặc hậu thiên thai sản tình dục quá độ làm tổn thương thận nguyên, thận tinh hao tổn, tinh huyết không sung thịnh, xung nhâm bất túc, huyết hải sung nhưng không thịnh gây nên hành kinh số lượng ít.

Huyết ứ: khi xuất hiện hành kinh sau sinh, ngoại hàn thừa lúc cơ thể hư nhược mà xâm nhập vào trong, hàn trú ở xung nhâm huyết hải làm ngưng trệ huyết; hoặc do khí cơ uất trệ, huyết ứ nội đình, trệ tắc bào mạch, huyết hành bị trở ngại, đền kỳ kinh vẫn không đưa được xuống dưới gây nên kinh ra số lượng ít.

Đàm thấp: hình thể bệu trệ làm đàm ứ trệ kinh mạch hoặc tỳ khí bất túc nên thấp khí không hóa làm thấp tụ thành đàm. Đàm thấp trở trệ ở xung nhâm làm trở ngại cho huyết hành gây nên kinh ra số lượng ít.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ 

Căn cứ chủ yếu để biện chứng kinh nguyệt ra quá ít là dựa vào màu sắc kinh, chất lượng kinh và kết hợp với phân tích các triệu chứng toàn thân.

Nói chung, từ lúc bắt đầu thấy kinh đến sau này luôn thấy lượng kinh ra số lượng ít, khó thụ thai thì thường thuộc thận hư. Nếu bệnh lâu ngày, cơ thể hư nhược, số lượng kinh từ nhiều chuyển thành ít thì thường thuộc huyết hư. Nếu khi hành kinh thấy đau bụng dưới, màu sắc kinh thẫm hoặc đen thfi thường thuộc huyết ứ. Nếu thể trạng béo bệu, đới hạ ra số lượng nhiều, chất lưỡi bệu thì thường thuộc đàm thấp.

Khi điều trị trọng dụng pháp dưỡng huyết hành huyết điều kinh, Trường hợp hư chứng thì dùng pháp bổ thận dưỡng huyết điều kinh. Trường hợp thực chứng thì dùng pháp sơ thông kinh mạch, hóa ứ tán kết để thông huyết hành.

Huyết hư

Lâm sàng: số lượng kinh ra ít, màu sắc kinh hồng nhợt, chất kinh loãng; sắc mặt ám vàng, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, hụt hơi, khi hành kinh thấy bụng dưới đau âm ỉ; chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế nhược.

Phân tích: âm huyết hao hư, khí huyết xung nhâm bất túc, huyết không được tràn đầy gây nên kinh ra số lượng ít, màu sắc kinh hồng nhợt, chất kinh loãng. Huyết hư không nuôi dưỡng cơ phu nên thấy sắc mặt ám vàng. Huyết hư không đưa lên trên để nuôi dưỡng thanh khiếu nên thấy chóng mặt, hoa mắt; tâm thần không được nuôi dưỡng gây hồi hộp, hụt hơi; không nuôi dưỡng bào mạch gây nên đau âm ỉ bụng dưới. Chất lưỡi, rêu lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng huyết mạch hư tổn bất túc.

Pháp điều trị: dưỡng huyết điều kinh.

Bài thuốc: Tư huyết thang (Chính trị chuẩn thằng)

Nhân sâm 06g, Hoài sơn 12g, Hoàng kỳ 15g, Bạch linh 10g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Thục địa 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì bài Tứ vật thang (thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược) có tác dụng dưỡng huyết hành huyết; nhân sâm, hoàng kỳ, hoài sơn, bạch linh đều là những vị thuốc có tác dụng bổ khí kiện tỳ để tăng cường nguồn hóa sinh, khí huyết cùng bổ, khí sinh thì huyết trưởng nên tăng cường tác dụng sinh huyết điều kinh. Bài thuốc này có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, dưỡng huyết điều kinh.

Nếu thấy sắc mặt trắng bệch, tình trạng thiếu máu nặng thì tăng liều hoàng kỳ để tăng cường bổ khí, khí cố thì huyết sinh.

Nếu tỳ hư gây ăn kém, chán ăn thì gia sa nhân, kê nội kim, trần bì để tăng cường tiêu thực.

Nếu thấy kinh chỉ ra vài giọt rồi ngừng thì gia sơn thù, kỷ tử, a giao để dưỡng huyết trấn tinh.

Nếu thấy chứng hồi hộp, mất ngủ thì gia toan táo nhân, ngũ vị tử.

Thận hư

Lâm sàng: số lượng kinh ra ít, màu sắc kinh ám đen; sắc mặt hốc hác, chóng mặt, ù tai, lạnh đau vùng thắt lưng cùng cụt, lạnh bụng dưới, tiểu đêm nhiều lần, tử cung nhỏ; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế vô lực.

Phân tích: tiên thiên bất túc, thận khí hư suy, thiên quý đến nhưng không thịnh, tinh huyết bất túc gây nên kinh ra số lượng ít, sắc kinh nhợt, tử cung nhỏ. Tinh huyết suy thiếu, não tủy không được nuôi dưỡng đầy đủ nên thấy chóng mặt, ù tai. Lưng là ngoại phủ của thận. Thận dương hư, mệnh môn hỏa suy làm thận phủ không được ôn ấm gây đau lạnh vùng thắt lưng cùng cụt; bàng quang, bụng dưới không được ôn ấm nên thấy lạnh bụng dưới avf đi tiểu đêm nhiều lần. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận hư.

Pháp điều trị: bổ thận trấn tinh, dưỡng huyết điều kinh.

Bài thuốc: Quy thận hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư)

Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Bạch linh 10g, Đương quy 12g, Kỷ tử 10g, Đỗ trọng 12g, Thỏ ty tử 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng bổ thận nên là quân dược. Sơn thù, kỷ tử, thỏ ty tử, đỗ trọng giúp cho quân dược trấn tinh bổ thận nên là thần dược. Bạch linh, hoài sơn có tác dụng kiện tỳ ích thận; đương quy có tác dụng dưỡng huyết điều kinh nên đều là tá và sứ dược.

Vốn dĩ bài Quy thận hoàn dùng để điều trị chứng chân âm thận thủy bất túc, tinh suy huyết thiếu, hình thể tiều tụy. Trên lâm sàng, khi vận dụng để điều trị chứng thận hư kinh thiếu thì nên tuân theo triệu chứng của bệnh để gia giảm cho phù hợp.

Nếu thấy đau và lạnh bụng dưới, chân và tay không ấm thì gia dâm dương hoắc, ba kích, nhục quế để tăng cường ôn bổ thận dương.

Nếu thấy đi tiểu đêm nhiều thì gia ích trí nhân, tang phiêu tiêu để thu liễm cố sáp.

Nếu thấy lòng bàn chân và bàn tay nóng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít thì gia nữ trinh tử, huyền sâm, quy bản để tăng cường tư âm.

Nếu thấy miệng khô, nóng bức từng cơn thò bỏ đỗ trọng, gia thiên hoa phấn, tri mẫu, hoáng bá để tăng cường tư âm thanh nhiệt.

Huyết ứ

Lâm sàng:  kinh nguyệt ra ít, sắc kinh hồng thẫm hoặc đen, có nhiều huyết cục, đầy tức bụng dưới, đau lưng, đau tức hai bên mạng sườn, khi kinh đã ra thì đau tức bụng dưới giảm; chất lưỡi ám tím, có ban điểm ứ huyết, mạch trầm sáp.

Phân tích: huyết ứ bên trong nên kinh mạch bị trở trệ, vận hành huyết không thông nên thấy kinh ra số lượng ít, sắc kinh ám tím hoặc có huyết cục; ứ trệ ở bụng dưới làm khí cơ vận hành không thông gây đau tức bụng dưới, sau khí sinh ra thì ứ trệ hoãn giải nên giảm đau bụng; ứ trệ hai bên mạng sườn và thắt lưng nên gây đau tức hai bên mạng sườn và thắt lưng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng huyết ứ trở trệ.

Pháp điều trị: hoạt huyết khứ ứ, dưỡng huyết điều kinh.

Bài thuốc: Đào hồng ứ vật thang (Y tông kim giám)

Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Thục địa 12g.

Các vị thuốc trên thì đào nhân, hồng hoa nhập vào huyết phận, có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, hành huyết điều kinh; xuyên khung có tác dụng hoạt huyết hành khí; bạch thược có tác dụng dưỡng huyết chỉ thống; thục địa có tác dụng huyết sinh tinh; đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết điều kinh. Bài thuốc này có tác dụng hoạt huyết khứ ứ nhwung không làm hao huyết, bổ huyết mà không gây nê trệ.

Nếu đau tức hai bên mạng sườn và bụng dưới thì gia chỉ xác, hương phụ, xuyên luyện tử để tăng cường hành khí điều kinh.

Nếu lạnh đau bụng dưới thì gia quế nhục, bào khương để tăng cường ôn ấm tỳ thận.

Nếu khô đắng miệng, người nóng thì gia hoàng cầm, đan bì có tăng cường thanh hư nhiệt.

Nếu thấy mệt mỏi, chân tay rã rời thì gia hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật để tăng cường bổ khí kiện tỳ.

Đàm thấp

Lâm sàng: kinh ra số lượng ít, sắc kinh hồng nhợt, chất kinh dính nhớp hoặc lẫn niêm dịch, người bêu trệ, cảm giác đầy tức ở ngực bụng, mệt mỏi, đới hạ ra số lượng nhiều; chất lưỡi bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch huyền hoạt.

Phân tích: đàm trệ gây ứ trệ kinh mạch, thủy thấp không vận hành mà lưu tụ lại thành đàm thấp hoặc do thấp khí khốn tỳ, thủy thấp không hóa sinh mà tụ lại thành đàm. Đàm theo huyết hành nên thấy kinh ra dính nhớp hoặc lẫn niêm dịch. Đàm thấp ủng thịnh nên thấy người bệu trệ. Đàm thấp đình lưu ở kinh mạch gây trở ngại vận hành khí cơ nên thấy ngực bụng đầy tức, mệt mỏi. Thủy thấp đưa xuống dưới nên thấy đới hạ ra số lượng nhiều. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng đàm thấp nội đình.

Pháp điều trị: táo thấp hóa đàm, lý khí điều kinh.

Bài thuốc: Nhị trần gia khung quy thang (Vạn thị phụ nhân khoa)

Trần bì 10g, Bạch linh 10g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Hương phụ 12g, Chỉ xác 10g, Bán hạ 10g, Cam thảo 10g, Hoạt thạch 15g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì trần bì, bán hạm bạch linh, cam thảo (Nhị trần thang) có tác dụng táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung; chỉ xác, hương phụ giúp cho các vị thuốc trên hành khí, khí hành thì đàm được hóa sinh; hoạt thạch có tác dụng hóa thấp, thấp khứ thì khí hành; xuyên khung, đương quy có tác dụng dưỡng huyết hành huyết. Bài thuốc trên có tác dụng táo thấp hóa đàm, lý khí điều kinh. Khi đàm hóa thấp trừ, kinh mạch sơ thông, tỳ khí kiện vận, huyết không thiếu hụt thì kinh nguyệt hồi phục về bình thường.

Nếu thấy bạch đới ra số lượng nhiều thì gia thương truật, xa tiền tử để lợi thủy trừ thấp.

Nếu thấy đau tức bụng dưới, kinh ra số lượng ít thì gia đan sâm, ích mẫu thảo, diên hồ sách.

KẾT LUẬN

Kinh nguyệt quá ít tuy không phải là chứng bệnh nặng nề nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai nên cần phải lưu ý.

Khi điều trị phải chú ý biện chứng luận trị để đưa ra pháp điều trị phù hợp, có thể là bổ huyết, bổ thận, hóa đàm, hóa ứ để đạt được mục đích là điều tiết khí cơ của xung nhâm, hồi phục chức năng tàng trữ và tiết tả của bào cung, tăng cường số lượng kinh huyết. Thận chủ sinh dục, là nguồn sinh huyết; tỳ là hậu thiên chi bản, vận hóa chất tinh vi của ngũ cốc. Vì vậy, khi điều trị, cần chú ý đến pháp bổ thận kiện tỳ để tăng cường nguồn hóa sinh kinh huyết.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *