Bế kinh phân thành hai loại là bế kinh nguyên phát và bế kinh thứ phát. Bế kinh nguyên phát tức là phụ nữ qua 16 tuổi vẫn không thấy có kinh nguyệt; bế kinh thứ phát tức là phụ nữ sau khi xuất hiện có kinh nguyệt bình thường, trước tuổi hết kinh nguyệt sinh lý mà lại thấy mất kinh trên 6 tháng; hoặc kinh nguyệt đến thưa, căn cứ theo chu kỳ kinh vốn có của bản thân mà kinh nguyệt lại dừng trên 3 chu kỳ kinh.
Phụ nữ trong thời kỳ thai sản, cho con bú hoặc tuổi dần cao mà thấy không có kinh thì hiện tượng sinh lý bình thường, không thuộc trạng thái bệnh lý. Thiếu nữ giai đoạn đầu có kinh nguyệt, trong vòng 2 năm đầu mà thấy bế kinh, không có triệu chứng khó chịu gì khác thì cũng không cần điều trị. Khi cơ thể dần dần trưởng thành thì kinh nguyệt sẽ trở về bình thường.
Bế kinh thuộc một trong 36 chứng bệnh khó chữa của phụ nữ. Bế kinh là một chứng bệnh thường gặp trong nhiều bệnh phụ khoa.
Nguyên nhân: bất thường về di truyền hoặc lỳ mắc phải rối loạn chức năng của buồng trứng, tử cung đều gây bế kinh.
Bế kinh nguyên phát thường gặp trong chứng không có tử cung, chứng tử cung nguyên thủy, hội chứng Turner.
Bế kinh thứ phát gặp trong hội chứng Asherman, xuất hiện sau nạo thai hay nạo tử cung sau sinh; hội chứng Sheehan, xảy ra khi phụ nữ bị mất lượng máu lớn thì kinh, huyết áp rất thấp khi sinh; hội chứng tuyến vú tiết sữa, thấy bế kinh, tiết sữa nhưng ngoài thời gian có thai; buồng trứng đa nang; suy chức năng buồng trứng sớm; lao đường sinh dục, yếu tố tâm lý gây rối loạn chức năng điều tiết hormone của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.
Tổn thương tổ chức hoặc khiếm khuyết bộ phận sinh dục gây bế kinh cơ năng cũng có thể căn cứ theo biện chứng bế kinh để điều trị.
Chẩn đoán:
Lâm sàng: tuổi thanh xuân, nữ giới quá 16 tuổi mà không thấy có kinh nguyệt là thuộc bế kinh nguyên phát. Nữ giới tuổi sinh đẻ, đã có kinh bình thường tự nhiên thấy không có kinh trên 6 tháng, hoặc kinh nguyệt đến thưa rồi chậm kinh trên 3 chu kỳ kinh gọi là bế kinh thứ phát.
Thăm khám phụ khoa: thăm khám cơ quan sinh dục để phát hiện khiếm khuyết, tổn thương, teo nhỏ, rụng lông… Nếu tiên thiên bẩm tố bất túc thấy tử cung nhỏ so với tuổi. Nếu bế kinh thứ phát thấy tử cung teo nhỏ, sung huyết niêm mạc âm đạo…
Cận lâm sàng: siêu âm, CT, MRI, chụp càn quang tử cung vòi trứng, định lượng hormone sinh dục nữ cũng giúp cho xác định chẩn đoán.
Chẩn đoán phân biệt:
Có những người hành kinh 1 năm 1 lần nhưng vẫn có khả năng sinh đẻ. Còn những người bị bế kinh thì không thấy kinh, thường không có khả năng sinh đẻ, kết hợp với các triệu chứng bất thường khác.
Chứng ám kinh: chứng này suốt đời không thấy kinh nhưng vẫn có khả năng thụ thai. Bế kinh nguyên phát thì khám thấy thiếu khuyết tử cung, tử cung nguyên thủy, dị dạng cơ quan sinh dục. Xác định chẩn đoán cần thông qua kiểm tra về siêu âm, xét nghiệm.
Giai đoạn đầu khi có thai: thời kỳ đầu mang thai thấy không có kinh, thường kèm theo chứng ngộ độc thai nghén như sợ mùi cơm, buồn nôn và nôn… Bế kinh thì thấy kinh nguyệt không có quy luật, tự nhiên bế kinh một thời gian. Kiểm tra nước tiểu, định lượng HCG máu, siêu âm… giúp cho chẩn đoán.
Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: nguyên nhân bệnh sinh bế kinh rất phức tạp, xét theo hư thực, chủ yếu gặp hai nguyên nhân bệnh sinh lớn.
Bệnh thuộc thực chứng: do xung nhâm bào mạch bị ứ trệ làm kinh huyết không đưa được xuống dưới. Nguyên nhân bệnh sinh bế kinh thực chứng chủ yếu do huyết ứ khí trệ gây trở trệ xung nhâm, đàm thấp trở trệ làm bào mạch không thông gây nên.
Bệnh thuộc hư chứng: do tinh huyết bất túc, huyết hải hao hư nên không có đủ huyết đưa xuống dưới. Nguyên nhân bệnh sinh bế kinh thuộc hư chứng thường là do tiên thiên bẩm tố bất túc làm tổn thương can thận hoặc do hậu thiên bất túc làm khí huyết hư nhược, âm hư huyết táo gây nên.
Can thận hư tổn: tiên thiên bất túc, thận khí không sung thịnh, tinh khí không sung; hoặc do khi trưởng thành sinh hoạt tình dục quá độ, sinh đẻ nhiều, bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến can thận gây rối loạn chức năng làm can không tàng huyết, thận không hóa sinh, xung nhâm hao tổn, huyết hải không tràn đầy, bào cung không có huyết để đưa xuống gây nên chứng bế kinh.
Khí huyết hao hư: bẩm tố bất túc, hoặc ăn uống không đầy đủ, lao động quá sức, lo nghĩ quá độ, lâu ngày làm tổn thương tỳ vị gây hao tâm huyết, huyết không có nguồn hóa sinh nên doanh huyết bất túc; hoặc do mắc bệnh trầm trọng, bệnh lâu ngày, bệnh trùng tích làm hao huyết thương tân, huyết hải trống rỗng gây nên chứng bế kinh.
Âm hư huyết táo: mất huyết thương âm, hoặc bệnh lâu ngày làm hao huyết, hoặc thích ăn đồ cay nóng làm hun đốt tân huyết làm cho huyết hải khô kiệt gây nên huyết khô kinh bế. Nếu bệnh lâu ngày không khỏi, âm huyết hao tổn, huyết hải khô kiệt, âm huyết hao thiếu, hư hỏa nội tích gây âm hư huyết nhiệt làm bế kinh.
Huyết ứ khí trệ: hành kinh sau sinh, bào mạch trống rỗng, cảm phải ngoại tà phong hàn thấp, nội thương hàn lương sinh lạnh, huyết bị hàn ngưng làm cho ứ trệ không hành, bế trệ ở bào cung mạch lạc gây nên bế kinh. Hoặc do thất tình nội thương, can khí uất kết, khí không được thăng phát, khí trệ làm huyết hành cũng ứ trệ gây nên bế kinh.
Đàm thấp trở trệ: thể trạng béo bệu, đàm trọc bế tắc ở bào mạch xung nhâm; hoặc do tỳ dương hư suy, tỳ khí không kiện vận làm thủy thấp đình lưu, tụ lại thành ẩm, ẩm ngưng thành đàm, lưu cữu ở kinh lạc làm bế tắc tử cung gây nên bế kinh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Y văn cổ xếp kinh thuộc chứng bất nguyệt, kinh bế, nguyệt thủy bất thông, huyết bế, nguyệt bế …
Khi biện chứng luận trị bế kinh phải phân biệt được bệnh hư hay thực. Bệnh thuộc hư chứng thường thấy ở nữ giới trên 16 tuổi mà chưa thấy có kinh, hoặc chứng kinh sau kỳ tiến triển thành chứng bế kinh, kèm theo các triệu chứng của hư chứng. Bệnh thuộc thực chứng gặp trong trước đó thấy kinh bình thường, đột nhiên không thấy kinh nhiều tháng, kèm theo các triệu chứng thuộc thực chứng.
Nguyên tắc điều trị là hư thì bổ để thông, thực thì tả để thông. Trong quá trình điều trị, thầy thuốc nên chọn lựa các vị thuốc có tác dụng hòa hoãn và pháp điều trị phải kinh hoạt. Căn cứ vào triều chứng để phối thuốc phù hợp, dùng công để bổ, dùng bổ để công nhưng cũng phải cân nhắc không nên quá lạm dụng công, chỉ nên hòa hoãn. Khi khí huyết của bệnh nhân hồi phục, chức năng tạng phủ bình hằng, mạch đạo thông thoát thì kinh huyết tự hành. Một vài chứng bệnh toàn thân xuất hiện khi bế kinh cũng nên phân tích rox nguyên nhân để kịp thời điều trị thì kinh nguyệt cũng có khi hồi phục, tranh ngộ nhận phá huyết thông kinh mà căng làm hao thương thêm tinh huyết. Nếu không biện chứng luận trị chính xác thì sẽ khó đạt được hiệu quả điều trị bệnh, căng dễ làm tổn thương chức năng sinh lý của tạng phủ và làm cho bệnh nặng hơn.
Can thận hư tổn
Lâm sàng: tuổi thanh niên, kinh nguyệt mãi không thấy, hoặc thấy kinh sau kỳ mà số lượng ít, dần dần gây nên bế kinh; kèm theo thể chất hư nhược, sắc mặt tiều tụy, da dẻ không tươi nhuận, chóng mặt, ù tai, đau lưng, khô âm đạo, lông mu thưa và dễ rụng; chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi ít, mạch trầm huyền tế.
Phân tích: can thận đồng nguyên nên can bị bệnh sẽ làm tổn thương thận và thận bị bệnh sẽ làm tổn thương can. Khi can thận hư tổn làm tinh huyết hao hư, xung nhâm không xung thịnh gây nên kinh đến chậm hoặc bế kinh. Tinh huyết không nuôi dưỡng tốt nên thấy da dẻ không tươi nhuận, cơ nhục teo nhẽo, sắc mặt tiều tụy. Tinh huyết bất túc, không nuôi dưỡng được não tủy nên thấy chóng mặt, ù tai, đau lưng. Âm huyết không tư nhuận được tiền âm nên thấy lông mu thưa và dễ rụng. Biểu hiện của lưỡi và mạch là chứng can thận hư tổn.
Pháp điều trị: bổ ích can thận, dưỡng huyết thông kinh.
Bài thuốc: Quy thận hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư)
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Bạch linh 12g, Đương quy 12g, Đỗ trọng 12g, Thỏ ty tử 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Bài thuốc trên có tác dụng bổ thận âm, dưỡng can huyết, kiêm kiện tỳ, dưỡng huyết, điều kinh.
Nếu tinh huyết bất túc, sắc mặt trắng, sắc da không tươi nhuận thì gia hà thủ ô, a giao, kê huyết đằng.
Nếu mệt mỏi vô lực thì gia nhân sâm, bạch truật.
Nếu lạnh bụng dưới, tiểu đêm nhiều lần thì gia ích trí nhân, tiên mao, tiên linh tỳ.
Nếu đau lưng nhiều thì gia thêm mộc qua, tục đoạn, quy bản.
Khí huyết hao hư
Lâm sàng: chu kỳ kinh nguyệt dần dần kéo dài, thời gian hành kinh kéo dài, số lượng kinh ra ít, sắc kinh nhợt, dần dần gây nên bế kinh; sắc mặt ám vàng, tinh thần mệt mỏi, ăn uống kém, hồi hộp, hụt hơi, tóc không tươi nhuận hoặc bạc sớm; chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế vô lực.
Phân tích: mất huyết từng đợt, hoặc do trùng tích gây hao huyết, haowcj do tỳ vị hư tổn làm nguồn hóa sinh bất túc gây huyết hư khí nhược nên xung nhâm không sung thịnh, huyết hải không tràn đầy, kinh nguyệt ra loãng và ít, dần dần thì bế kinh. Huyết hư không nuôi dưỡng được da (bì phu( gây da ám vàng, mệt mỏi, tóc không tươi nhuận. Huyết không dưỡng tâm gây hồi hộp, hụt hơi. Khí huyết bất túc, tỳ không vận hóa gây ăn uống kém. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí huyết hao hư.
Pháp điều trị: bổ trung ích khí, dưỡng huyết điều kinh.
Bài thuốc:
Nhân sâm dưỡng vinh thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)
Nhân sâm 06g, Bạch thược 12g, Đương quy 12g, Hoàng kỳ 15g, Bạch linh 10g, Thục địa 12g, Trần bì 10g, Cam thảo chích 10g, Ngũ vị tử 10g, Nhục quế 05g, Bạch truật 12g, Viễn chí 08g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí nên là quân dược. Hoàng kỳ, bạch truật, bạch linh, cam thảo chích, trần bì có tác dụng bổ trung ích khí; thục địa, đương quy, bạch thược dưỡng huyết điều kinh nên các vị này đều là thần dược. Ngũ vị tử có tác dụng ích khí dưỡng tâm; viễn chí có tác dụng ninh tâm an thần; quế nhục có tác dụng ôn dương hòa danh, chấn hưng dương khí nên đều là tá và sứ dược. Bài thuốc này có tác dụng bổ khí sinh huyết, làm cho dương sinh âm trường, khí sung huyết vượng nên kinh nguyệt sẽ đến đung kỳ.
Nếu thấy biểu hiện các chứng bệnh thiếu máu, bệnh giun sán (trùng tích), bệnh ở vị trường và đại trường liên quan đến dinh dưỡng không đầy đủ làm cho khí huyết hư nhược thì cần phải tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Khi thiếu máu hồi phục thì gia ngưu tất, sơn tra để hành huyết thông kinh làm thúc đẩy kinh nguyệt phục hồi.
Nếu âm tinh bất túc, doanh huyết hao tổn, xung nhâm hư suy, suy giảm ham muốn tình dục, tử cung teo nhỏ thì gia lộc giác giao.
Nếu sôi bụng, người lạnh thì gia bào khương, tiểu hồi hương.
Nếu bụng đầy trướng thì gia sa nhân, hương phụ.
Nếu đại tiện phân lỏng nát thì giảm đương quy.
Nếu thấy kèm theo chứng khí huyết hư nhược, huyết hải bất túc, không thấy kinh nguyệt thì khi điều trị nên dùng pháp dưỡng huyết thông kinh; bài thuốc hay dùng là Bá tử nhân hoàn (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Bá tử nhân 10g, Thục địa 12g, Trạch lan 12g, Tục đoạn 12g, Quyền bá 10g.
Lưu ý: quyền bá (Selaginella tamariscina (Beauv.) spring) là dùng toàn bộ cây quyền bá (Herba selaginellae), có tác dụng hoạt huyết thông kinh.
Các vị thuốc trên vận dụng sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Bá tử nhân hoàn có tác dụng bổ thận dưỡng huyết, hoạt lạc thông kinh.
Để tăng cường tác dụng hoạt huyết thông kinh thì gia đương quy, kê huyết đằng.
Nếu bào mạch khí trệ, huyết lưu thông không hoạt lợi thì gia hương phụ.
Nếu lạnh đau bụng dưới thì gia tiểu hồi hương.
Âm hư huyết táo
Lâm sàng: kinh nguyệt ra ít rồi dần dần bế kinh, gò má đỏ, lòng bàn chân và tay nóng, môi khô, ra mồ hôi nhiều hoặc thấy đạo hãn, nếu nặng thấy nóng nhức trong xương, ho khạc đờm lẫn máu; chất lưỡi hồng thẫm, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Phân tích: âm huyết hao tổn lâu ngày không hồi phục nên hư nhiệt nội sinh làm thương tân gây khô miệng, huyết hải dần dần khô cạn nên thấy số lượng kinh ít dần và dẫn đến bế kinh. Nhiệt nhiễu loạn tâm thần nên thấy bứt rứt, mất ngủ; hư nhiệt nội nhiễu hun đốt tân dịch ngoại tiết nên thấy ra mồ hôi nhiều là đạo hãn, nóng nhức trong xương. Hư nhiệt hun đốt bốc lên vùng đầu mặt nên thấy gò má đỏ, môi khô. Nhiệt làm tổn thương phế nên thấy ho, khạc đờm lẫn máu. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng âm hư nội thương.
Pháp điều trị: tư âm nhuận táo, ích tinh thông kinh.
Bài thuốc: Gia giảm nhất âm tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia hoài sơn
Thục địa 12g, Sinh địa 12g, Bạch thược 12g, Mạch môn 15g, Tri mẫu 12g, Địa cốt bì 12g, Cam thảo chích 10g, Hoài sơn 12g.
Các vị thuốc trên thì sinh địa, tri mẫu có tác dụng tư bổ thận âm nên là quan dược; mạch môn có tác dụng dưỡng tâm âm, bạch thược có tác dụng dưỡng can âm, hoài sơn có tác dụng kiện tỳ, thục địa có tác dụng ích tinh dưỡng huyết nên các vị thuốc này đều là thần dược; địa cốt bì có tác dụng lương huyết, thanh hư nhiệt nên là tá và sứ dược; cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc. Bài thuốc này có tác dụng tư âm nhuận táo, ích tinh dưỡng huyết nên kinh huyết tự điều.
Nếu hư nhiệt không hết, nóng bức từng cơn thì gia miết giáp, thanh hao để tăng cường tư âm thanh hư nhiệt.
Nếu ra mồ hôi nhiều thì gia mẫu lệ
Nếu thấy đạo hãn thì gia phù tiểu mạch.
Nếu khó ngủ thì gia hợp hoan bì, hoàng liên.
Nếu thấy hồi hộp, bứt rứt thì gia bá tử nhân, trân châu mẫu.
Nếu thấy ho khạc ra máu thì gia tang diệp, bách hợp, bạch cập.
Huyết ứ khí trệ
Lâm sàng: không thấy kinh nguyệt, đau nhiều bụng dưới nhưng không thích xoa nắn, đau lưng, tinh thần uể oải, ức uất, đau tức ngực, bứt rứt, dễ cáu, mình mẩy nặng nề; chất lưỡi ám tím, có ban điểm ứ huyết, mạch trầm huyền hoặc trầm sáp.
Phân tích: khí cơ uất kết làm ứ trệ huyết hành, huyết ứ khí trệ, xung nhâm không lưu thông, huyết hải không tràn đầy gây nên bế kinh. Khí huyết trở trệ tử cung bào lạc, bào lạc liên quan đến thận nên khi khí cơ mạch lạc ứ trệ không thông, bất thông tắc thống nên thấy đau bụng dưới và thắt lưng. Khí trệ nên không tuyên giáng, thăng phát gây nên tinh thần uất ức, uể oải, đau tức ngực, bứt rứt, dễ cáu. Khí huyết không lưu thông nên cơ bắp, da dẻ không được nuôi dưỡng gây mình mẩy nặng nề, nếu nặng thấy xuất hiện ban đỏ dưới da. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí huyết ứ trệ.
Pháp điều trị: hoạt huyết lý khí, khứ ứ thông kinh.
Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác)
Đương quy 12g, Sinh địa 12g, Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Xuyên khung 12g, Xích thược 12g, Cam thảo 10g, Chỉ xác 10g, Sài hồ 12g, Ngưu tất 12g, Cát cánh 08g.
Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, xích thược có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, đương quy, sinh địa có tác dụng hoạt huyết dưỡng huyết làm khứ huyết ứ mà không gây hao huyết; sài hồ, chỉ xác có tác dụng sơ can lý khí, sơ thông khí cơ kinh mạch; cát cánh có tác dụng khai hung tuyên khí; ngưu tất có tác dụng phá ứ thông kinh, đưa huyết xuống dưới; cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống, khai thông bách mạch để điều hòa các vị thuốc.
Nếu thấy lạnh bụng dưới và đau lưng thì bỏ sinh địa, hồng hoa, gia tiểu hồi hương, nhục quế, ngũ linh chi.
Nếu đau nhiều bụng dưới, không thích xoa nắn thì gia diên hồ sách, khương hoàng, tam lăng.
Nếu thấy bụng dưới nóng đau thì gia bại tương thảo, đan bì, đại hoàng.
Nếu thấy mình mẩy nặng nề thì gia thêm nhân sâm, hoàng kỳ.
Điều trị lâu ngày vẫn không thấy kinh nguyệt thì gia ngô công, toàn yết.
Đàm thấp trở trệ
Lâm sàng: kinh nguyệt loãng và ít, dần dần thành bế kinh. Triệu chứng toàn thân thấy thể trạng bệu trệ, đầy tức ngực, buồn nôn, đờm dãi nhiều, mệt mỏi, ngủ nhiều, ngại nói, mặt và mắt nề, đới hạ ra nhiều và loãng; chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dày nhớp, mạch trầm hoạt.
Phân tích: đàm thấp lưu trú ở xung nhâm làm bế trệ mạch lạc tử cung, khí huyết ứ trệ gây nên bế kinh. Đàm thấp nội thịnh, tràn lan ra cơ phu gây thể trạng béo bệu. Đàm thấp trở trệ vùng ngực gây đầy tức ngực, buồn nôn, khạc đờm nhiều. Thấp tà đưa lên trên làm ứ trệ thanh khiếu gây nên mệt mỏi, thích ngủ, ngại nói, mặt và mắt nề. Đàm thấp đưa xuống dưới, lưu ở tiền âm gây nên đới hạ số lượng nhiều, chất loãng. Biểu hiện lưỡi và mạch là của chứng đàm thấp nội thịnh.
Pháp điều trị: kiện tỳ trừ thấp, hóa đàm thông kinh.
Bài thuốc: Đan khê trị thấp đàm phương (Đan khê tâm pháp)
Thương truật 12g, Bán hạ 10g, Hoạt thạch 12g, Bạch linh 10g, Bạch truật 12g, Hương phụ 12g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì thương truật, bán hạ có tác dụng táo thấp hóa đàm; bạch truật, bạch linh có tác dụng kiện tỳ lợi thấp; hoạt thạch có tác dụng thấm thấp lợi thủy, đưa thấp tà ra ngoài qua đường tiểu tiện; hương phụ, đương quy, xuyên khung có tác dụng lý khí hành huyết để thông kinh.
Nếu đàm thấp đã hóa mà kinh nguyệt vẫn chưa có thì ra quyền bá, ngưu tất, trạch lan, hồng hoa.
Nếu thấy đầy tức ngực bụng thì qua lâu, chỉ xác.
Nếu thấy phù nề chân tay thì gia ích mẫu thảo, trạch tả, trạch lan.
Nếu mệt mỏi thì gia nhân sâm, hoàng kỳ.
Nếu ngủ nhiều thì gia xương bồ.
Nếu đới hạ ra nhiều thì gia xa tiền tử, hoàng bá.
Nếu đại tiện bí thì gia tàm sa, lai phục tử.
ĐIỀU TRỊ KHÁC
Châm:
Huyệt chủ yếu: túc tam lý, tam âm giao, âm lăng tuyền, thần khuyết.
Phối hợp với: khí hải, quan nguyên, huyết hải.
Phương pháp: châm bổ, mỗi ngày châm 1 lần, mỗi lần 15 – 20 phút.
Nhĩ châm: điểm buồng trứng, nội tiết, tử cung.
Thuốc thành phẩm:
Đại hoàng miết trùng hoàn: dùng trong thể huyết ứ, mỗi lần 1 viên, ngày 2 lần, uống với nước ấm.
Ô kê bạch phượng hoàn: dùng trong thể khí huyết lưỡng hư, mỗi lần 1 viên, ngày 2 lần, uống với nước ấm.
KẾT LUẬN
Trong y văn cổ, dựa trên khái niệm về huyết khô, huyết cách để phân hư thực trong chẩn đoán và điều trị bế kinh, cho đến nay vẫn có ý nghĩa hết sức trọng yếu trên lâm sàng.
Trường hợp huyết khô thì sử dụng pháp điều trị là bổ hư. Huyết khô thuộc hư chứng, khí huyết bất túc, nên trên lâm sàng không cần phải nhanh chóng thông kinh mà đầu tiên nên bổ khí dưỡng huyết, điều chỉnh rối loạn chức năng tạng phủ trở về bình thường; khi âm dương, khí huyết cân bằng sẽ điều chỉnh hành huyết để thông kinh.
Trường hợp huyết cách thì pháp điều trị là thông trệ. Căn cứ vào nguyên nhân bệnh sinh để sử dụng pháp điều trị là sơ can giải uất, hoặc hoạt huyết hóa ứ, hoặc hóa đàm trừ thấp để thông kinh. Khi kinh mạch thông, huyết hành theo trình tự thì kinh nguyệt sẽ ồi phục về bình thường.
Bài thuốc đông y trị bế kinh mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com