Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

Bài thuốc đông y trị băng lậu

Bài thuốc đông y trị băng lậu

Băng lậu là tên bệnh danh của y học cổ truyền, biều hiện triệu chứng thấy kinh nguyệt ra không đúng kỳ, số lượng kinh ra rất nhiều hoặc ra rỉ rả không cầm. Do khi hành kinh đột nhiên mất một lượng máu lớn nên còn gọi là “băng trung”; do mất máu rỉ rả kéo dài nên gọi là “lậu hạ”. Hai cách gọi tuy khác nhau về tình trạng xuất huyết, nhưng trong quá trình phát triển và diễn biến bệnh có thể thay thế lẫn nhau – tức là do băng kinh lâu ngày làm hao thương khí huyết dần dần gây nên chứng lậu hạ; lậu hạ lâu ngày không cầm, bệnh ngày càng tiến triển có thể chuyển thành chứng băng kinh. Vì vậy, trên lâm sàng thường hay gọi chung là chứng băng lậu.

Bệnh danh băng lậu thấy từ rất sớm, trong cuốn “Tố vấn – Âm dương biệt luận” có nêu: âm hư dương bác gọi là băng; sau này, Trương Trọng Cảnh trong cuốn “Kim quỹ yếu lược – Phụ khoa tạp bệnh mạch chứng tính trị” có nêu khái niệm về “lậu hạ”, “băng trung hạ huyết”.

Chứng băng lậu có thể xảy ra ở khoảng thời gian mới bắt đầu thấy kinh cho đến khi mãn kinh. Khi xuất hiện chứng này thường thấy kinh ra ồ ạt làm cho khí huyết cực hư. Nếu không điều trị kịp thời dễ làm khí huyết quyết thoát, gây nên chứng bệnh nguy hiểm.

Nguyên nhân: chứng băng lậu có thể gặp trong xuất huyết tử cung chức năng không phóng noãn. Một số bệnh gây xuất huyết âm đạo không có quy luật như viêm nhiễm đường sinh dục, khối u phần phụ cũng có thể tham khảo để điều trị.

Chẩn đoán:

Lâm sàng: chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, số lượng kinh đều bị rối loạn nghiêm trọng. Rối loạn chu kỳ kinh, thường ở lúc hết kinh vài tuần đến vài tháng lại thấy xuất huyết, kinh ra số lượng rất nhiều và không cầm; hoặc kinh ra rỉ rả không dừng, thậm chí nhiều tháng không hết. Nếu thấy huyết ra số lượng nhiều, kéo dài nhiều ngày thì có thể gây chứng thiếu máu.

Thăm khám phụ khoa: thường không thấy thay đổi rõ rệt, khi đang ra huyết có thể thất tử cung hơi to hơn, mềm hơn bình thường.

Kiểm tra thêm: nhiệt độ cơ bản cơ thể không thay đổi có ý nghĩa (thường thì sau khi sạch kinh đo nhiệt độ thường thấp (khoảng 36,5°C), giai đoạn rụng trứng thì nhiệt độ tăng hơn (khoảng 37°C), khi chuẩn bị có kinh thì nhiệt độ lại trở về bình thường).

Vài ngày trước khi xuất huyết, lấy niêm dịch cổ tử cung phết kính, sau khi khô đem soi kính hiển vi thấy dạng kết tinh dương xỉ (ferning tets); dịch phết tế bào âm đạo thấy biểu hiện ảnh hưởng là trung hay cao độ hoặc thấp và trung độ; xét nghiệm định lượng hormone sinh dục thấy estradiol E2 tăng cao, progesterone P giảm thấp; tăng sinh nhiều nội mạc tử cung.

Chẩn đoán phân biệt:

Kinh nguyệt trước kỳ, kinh nguyệt quá nhiều, thời gian hành kinh kéo dài: ba chứng này với chứng băng lậu đều căn cứ và sự thay đổi chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, số lượng kinh làm triệu chứng chủ yếu để chẩn đoán. Tuy vậy, phát sinh triệu chứng của kinh nguyệt trước kỳ, kinh nguyệt quá nhiều, thời gian hành kinh kéo dài đều có quy luật nhất định: số lượng kinh nhiều, thời gian hành kinh kéo dài nhưng tình trạng ra huyết có thể tự cầm. Xuất huyết trong chứng băng lậu thì không có quy luật và không thể tự cầm.

Kinh nguyệt trước sau không định kỳ: cả băng lậu và kinh nguyệt trước sau không định kỳ đều thấy chu kỳ kinh nguyệt trước sau không cố định. Chu kỳ của kinh nguyệt trước sau không định kỳ đều trong một phạm vi nhất định để thấy kinh trước hoặc có sau kỳ kinh, đồng thời chu kỳ kinh vẫn bình thường; còn băng lậu thì thời gian xuất hiện ra huyết không có quy luật.

Xuất huyết giữa kỳ kinh: chứng bệnh này không phải là ra huyết của kỳ kinh bình thường nhưng có triệu chứng biểu hiện gần giống như lậu hạ. Chứng xuất huyết giữa kỳ kinh thường xuất hiện giữa hai lần thấy kinh, số lượng huyết ra ít, thời gian khoảng 2 – 5 ngày thì thường tự cầm; còn xuất huyết giữa kỳ kinh với hành kinh của kỳ kinh đều theo thứ tự một lần thấy ra ít rồi đến một lần thấy ra nhiều, cứ như vậy thay nhau xuất hiện.

Thai lậu, tức là xuất huyết âm đạo khi có thai: xuất huyết của thai lậu và lậu hạ đều thấy xuất hiện sau khi thấy mất kinh một thời gian. Phụ nữ vốn dĩ kinh nguyệt trước sau không định kỳ khi thấy thai lậu thì cần hết sức chú ý. Thai lậu thì xét nghiệm thấy β – HCG (β λ) tăng cao, siêu âm tử cung thấy có khối thai và tim thai.

Sẩy thai không hết: triệu chứng khi sẩy thai không hết thấy âm đạo ra huyết không cầm, số lượng huyết ra có thể nhiều, có thể ít hoặc ra rỉ rả không cầm, gần giống như băng lậu. Thăm khám phụ khoa, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm sản phẩm bệnh lý khi nạo tử cung … cũng giúp cho chẩn đoán.

Chửa ngoài tử cung: chửa ngoài tử cung và lậu hạ đều thấy chứng xuất huyết âm đạo không cầm; nhưng chửa ngoài tử cung thường gây đau bụng tùy mức độ còn xuất huyết trong lậu hạ thường không gây đau bụng. Cần định lượng β – HCG, siêu âm ổ bụng giúp để chẩn đoán xác định.

Phù nhau thai: phù nhau thai thấy khi xuất hiện ra máu âm đạo, không thấy đau bụng nên dễ chẩn đoán nhầm là băng lậu. Khi thăm khám phụ khoa, siêu âm ổ bụng, định lượng β – HCG … cũng giúp cho chẩn đoán.

Xuất huyết do chấn thương bộ phận sinh dục ngoài và âm đạo: có tiền sử chấn thương hoặc hành vi sinh hoạt tình dục thô bạo gây xuất huyết bộ phận sinh dục ngoài và âm đạo, máu chảy ra có màu hồng tươi, kiểm tra thấy có vết tổn thương gây chảy máu.

Xích đới: nguyên nhân gây xích đới là do viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, polyd cổ tử cung, xuất hiện khi lao động nặng hoặc sau khi giao hợp, thấy dịch máu lẫn niêm dịch; triệu chứng gần giống như lậu hạ. Khi kiểm tra phụ khoa sẽ chẩn đoán phân biệt được.

Khối u gây xuất huyết: u thành tử cung, polyd tử cung, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung … gây ra máu âm đạo rất giống băng lậu. Cần phải thăm khám phụ khoa, soi âm đạo, dịch phết tế bào tử cung, sinh thiết cổ tử cung và niêm mạc tử cung, nội soi tử cung, siêu âm tử cung phần phụ, chụp CT – MRI để xác định chẩn đoán.

Nguyên nhân bệnh sinh thei y học cổ truyền: nguyên nhân cơ chế bệnh sinh chủ yếu của chứng băng lậu là huyết nhiệt, thận hư, huyết ứ làm tổn thương xung nhâm, không chế ước được kinh huyết gây ra huyết không đúng trong chu kỳ kinh. Trong cuốn “Giả bệnh nguyên hậu luận – Lậu hạ tật” có nêu: khí của xung nhâm hư tổn, không thể khống chế được kinh mạch làm huyết ra không đúng thời.

Thận dương hư: do tàng trữ bất túc, thận khí hư nhược, thiên quý chưa đến, xung nhâm chưa xung thịnh, thận dương bất túc; hoặc trước và sau khi sạch kinh, thận khí dần suy, thiên quý kiệt, thận không cố tàng; hoặc do sinh hoạt tình dục quá độ làm tổn thương khí của thận dương làm thận dương hư nhược, rối loạn tàng trữ, xung nhâm bất cố không chế ước được kinh huyết gây nên băng lậu.

Thận âm hư: vốn dĩ cơ thể phần âm bất túc, hoặc do bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến thận làm hao thương thận âm; hoặc do phụ nữ đến tuổi 7 x 7 = 49 nên thiên quý kiệt, thận âm hao tổn làm âm hư, tướng hỏa động huyết gây chứng băng lậu.

Huyết nhiệt: vốn dĩ cơ thể dương thịnh, can hỏa dễ vong động; hoặc vốn dĩ ức uất, uất lâu ngày hóa hỏa; hoặc do cảm phải nhiệt tà, hoặc ăn quả nhiều chất cay nóng làm trợ dương thành chứng thực hỏa; nhiệt nhiễu xung nhâm bức kinh vong hành gây nên chứng băng lậu.

Tỳ hư: lo lắng quá độ, ăn uống không điều độ, lao động quá sức làm tổn thương tỳ khí, khí không nhiếp huyết, xung nhâm bất cố không chế ước được kinh huyết gây nên chứng băng lậu. Hoặc do băng lậu làm hao thương khí huyết, khí hư gây rối loạn khả năng tàng nạp của xung nhâm với tử cung gây nên chứng băng lậu.

Huyết ứ: tình chí không thoải mái, can khí không sơ tiết làm khí trệ huyết ứ; hoặc trong thời kỳ hành kinh, sau khi sinh mà huyết ra mãi không cầm, lại cảm phải hàn nhiệt làm cho huyết bị hàn ngưng, nhiệt bị hun đốt thành ứ, làm ứ trệ xung nhâm tử cung, huyết không quy được về kinh gây thành chứng băng lậu; hoặc do chứng lậu lâu ngày gây nên ứ, huyết ứ không được tống đi, huyết mới không được đưa tới gây thành chứng băng lậu.

Tóm lại, nguyên nhân bệnh sinh của chứng băng lậu liên quan đến thận dương hư, thận âm hư, huyết nhiệt, hư nhiệt, tỳ hư, huyết ứ nhưng đều do hao tổn khí huyết, lâu ngày dần dần chuyển thành khí huyết đề hư, hoặc khí âm lưỡng hư, hoặc âm dương đều hư. Bất luận là bệnh khởi phát từ tạng nào thì cuối cùng cũng đều gây tổn thương thận. Băng lậu lâu ngày không khỏi mà lại cảm phải tà khí, hoặc do chứng lậu lâu ngày thành ứ, hư thực thác tạp thì bệnh tái phát khó điều trị khỏi. Nguyên nhân bệnh sinh chứng băng lậu rất phức tạp, thường là nguyên nhân và hậu quả của bệnh liên quan đến nhau, khí huyết đồng bệnh, nhiều tạng cùng tổn thương cho nên là chứng bệnh khó chữa và nặng trong bệnh phụ khoa.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Triệu chứng chủ yếu của chứng băng lậu là triệu chứng về huyết, khi phân tích cần chú ý về số lượng, màu sắc, thay đổi về chất, kết hợp các triệu chứng toàn thân, mạch và lưỡi, xu thế phát bệnh để đánh giá tình trạng hư thực, hàn nhiệt. Nếu kinh huyết ra không đúng lúc, số lượng rất nhiều, sắc kinh nhợt, chất loãng thì thường thuộc hư chứng. Nếu kinh ra nhiều không cầm hoặc ra rỉ rả không dứt, sắc kinh hồng thẫm hoăc ám tím, chất đặc thì thường thuộc huyết nhiệt. Nếu kinh ra rỉ rả không cầm, sắc kinh hồng tươi, chất đặc thì thường thuộc hư nhiệt. Nếu kinh lúc ra lúc không, lúc bế kinh lúc thì lại băng kinh, sắc kinh thẫm đen, có huyết cục thì thường thuộc huyết ứ; trong băng lậu thường gặp chứng hư, ít gặp chứng thực; thường gặp chứng nhiệt, ít gặp chứng hàn. Trong chứng băng lậu thì có khi băng là chính, có khi lậu là chính hoặc băng và lậu thay thế nhau xuất hiện, hoặc hết kinh vài ngày lại đột nhiên thấy ra máu âm đạo nhiều. Băng lâu ngày thường là hư, lậu lâu ngày thường là ứ. Băng có thể chuyển thành lậu, lậu có thể chuyển thành băng.

Chứng băng lậu xuất hiện ở các giai đoạn tuổi không giống nhau. Nói chung, thời kỳ thanh niên thường liên quan đến tiên thiên thận khí bất túc, xung nhâm chưa xung thịnh; thời kỳ sinh sản thường liên quan đến huyết nhiệt, tổn thương xung nhâm. Thời kỳ hết kinh thường liên quan đến hao tổn can thận, tỳ khí hư nhược, xung nhâm bất cố.

Do chứng băng lậu khi phát bệnh hoan và cấp khác nhau, tình trạng xuất huyết cũng khác nhau nên nguyên tắc chug điều trị băng lậu là cấp trị tiêu, hoãn trị bản, linh hoạt sử dụng các pháp sau:

Chỉ huyết: là nguyên tắc khẩn cấp để điều trị băng lậu. Nếu kinh huyết ra ồ ạt thì phải chỉ huyết phòng thoát. Khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, khí huyết tương hỗ lẫn nhau, mất huyết quá nhiều sẽ gây nên khí hư, khí hư không nhiếp được huyết gây nên xuất huyết mới. Nếu kinh huyết ra ồ ạt, khí không có nơi nương tựa gây nên tình trạng nguy hiểm là huyết kiệt khí thoát. Vì vậy, chỉ huyết chính là một nguyên tắc đầu tiên trong điều trị băng lậu. Nếu huyết ra ồ ạt không cầm thì phải nhanh chóng kết hợp y học hiện đại để xử lý cấp cứu.

Biện chứng cầu nhân, thẩm nhân luận trị: đây cũng là giai đoạn trọng yếu trong điều trị băng lậu. Nói chung, sau khi dùng các thuốc có tác dụng chỉ huyết, khi huyết ra đã giảm hoặc cầm thì lúc này căn cứ vào nguyên nhân bệnh sinh để biện chứng luận trị, lựa chọn vận dụng các pháp thanh nhiệt, bổ thận, tư thận, ích khí, kiện tỳ, khứ ứ.

Cố bản: sau khi huyết cầm thì sử dụng pháp trị bản là điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Trên lâm sàng, cần hết sức linh hoạt để phối hợp ba pháp trên. Điều trị băng nên thăng đề cố sáp, không nên dùng các vị thuốc có tính ẩm, vị cay để hành huyết. Điều trị lậu nên dùng pháp dưỡng huyết lý khí, không nên thiên về cố sáp. Bệnh nhân ở tuổi thanh xuân nên coi trọng bổ ích thận khí, cố nhiếp xung nhâm. Bệnh nhân thời kỳ sinh sản nên coi trọng thư can dưỡng can, điều lý xung nhâm. Bệnh nhân thời kỳ hết kinh nên coi trọng tư thận trợ tỳ, điều nhiếp xung nhâm.

Thận dương hư

Lâm sàng: ra huyết không có chu kỳ, số lượng nhiều hoặc rỉ rả không dứt, sắc kinh nhợt, chất loãng, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt ám tối, đau lưng mỏi gối, nước tiểu số lượng nhiều và màu sắc trong; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.

Phân tích: thận khí bất túc, thận dương hư nhược, rối loạn chức năng tàng trữ, xung nhâm không chế ước nên thấy kinh ra không đúng kỳ, số lượng nhiều hoặc rỉ rả không dứt. Dương hư nên chân hỏa bất túc, kinh huyết không được ôn ấm gây nên sắc kinh nhợt, chất kinh loãng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng dương hư.

Pháp điều trị: ôn thận cố xung, chỉ huyết điều kinh.

Bài thuốc: Hữu quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) bỏ nhục quế, đương quy; gia hoàng kỳ, nhân sâm, phúc bồn tử, xích thạch chỉ.

Phụ tử chế 06g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Sơn thù 12g, Lộc giác giao 15g, Thỏ ty tử 12g, Hoàng kỳ 15g, Nhân sâm 06g, Phúc bồn tử 12g, Xích thạch chi 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì phụ tử chế có tác dụng ôn bổ mệnh môn hỏa để cường tráng thận khí; đỗ trọng, thỏ ty tử có tác dụng ôn bổ thận dương; lộc giác có tác dụng ôn thận khí, dưỡng thận tinh, cố xung nhâm; thục địa, sơn thù, kỷ tử có tác dụng bổ dưỡng tinh huyết; hoài sơn có tác dụng bổ tỳ cố khí; hoàng kỳ, nhân sâm có tác dụng bổ khí nhiếp huyết; phúc bồn tử, xích thạch chi có tác dụng cố thận sáp huyết.

Nếu bệnh nhân tuổi còn trẻ, thận khí bất túc thì gia dâm dương hoắc (tiên linh tỳ), nhục thung để tăng cường bổ thận ích xung.

Nếu thấy phù thung, ăn uống kém, chân tay không ấm thì gia bạch linh, sa nhân, bào khương để ôn trung kiện tỳ.

Nếu thấy sắc kinh thẫm, có huyết cục là do dương hư hiệp ứ thì gia nhũ hương, một dược, ngũ linh chi để ôn kinh khứ ứ chỉ huyết.

Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông (Hành giản trân nhu): phòng phong nướng sém, bồ hoàng sao cháy, sa nhân, ích trí nhân và quế nhục đề sao tán nhỏ rồi hòa với nước cơm để uống.

Thận âm hư

Lâm sàng: rối loạn chu kỳ kinh, lượng huyết ra rỉ rả không cầm hoặc ra số lượng nhiều, sắc kinh hồng tươi, chất hơi đặc, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, lòng bàn chân và tay nóng hoặc thấy bứt rứt không yên; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Phân tích: thận thủy bất túc, xung nhâm bất cố nên thấy rối loạn chu kỳ kinh, số lượng kinh nhiều hoặc kinh ra rỉ rả không dứt. Âm hư huyết nhiệt nên thấy sắc kinh hồng tươi, chất kinh hơi đặc. Thận âm bất túc không thể đưa lên trên nên thấy chóng mặt, ù tai. Tinh hao nên thấy đau lưng, mỏi gối. Thận thủy bất túc làm hư nhiệt nội sinh nên thấy lòng bàn chân và tay nóng. Thủy và hỏa không ký tế làm hư hỏa nhiễu tâm gây bứt rứt không yên. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng thận âm hao hư.

Pháp điều trị: tư âm ích thận, cố xung chỉ huyết.

Bài thuốc:

Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) bỏ ngưu tất, phối hợp với Nhị chí hoàn (Y phương tập giải)

Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 15g, Quy bản 15g, Hạn liên thảo 12g, Nữ trinh tử 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết; quy bản có tác dụng ích âm liễm huyết; kỷ tử, sơn thù, thỏ ty tử, hoài sơn, hạn liên thảo, nữ trinh tử có tác dụng tư can thận, ích xung nhâm; lộc giác giao có tác dụng ôn dưỡng tinh huyết.

Nếu can âm bất túc, kèm theo thấy khô họng, chóng mặt thì gia hạ khô thảo, sinh mẫu lệ.

Nếu tâm âm bất túc, kèm theo thấy bứt rứt, giảm thị lực thì gia ngũ vị tử, phù tiểu mạch.

Nếu thấy âm hư sinh nội nhiệt gây gò má đỏ, lòng bàn chân và bàn tay nóng, khô miệng, nước tiểu màu vàng và số lượng ít, đại tiện táo bón, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch tế sác thì nên dùng pháp tư âm thanh nhiệt, lương huyết chỉ huyết. Bài thuốc đại biểu là Báo âm tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia vị

Sinh địa 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 15g, Hoài sơn 12g, Tục đoạn 12g, Hoàng cầm 12g, Hoàng bá 12g, Cam thảo 10g, Đại kế 10g, Tang diệp 12g, Tam thất 06g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa có tác dụng dưỡng âm lương huyết; thục địa, bạch thược có tác dụng tư âm dưỡng huyết; hoàng cầm, hoàng bá có tác dụng thanh nhiệt chỉ huyết; tục đoạn có tác dụng ích thận chỉ huyết; hoài sơn, cam thảo có tác dụng bổ tỳ cố khí hòa trung. Bài thuốc trên gia đại kế, tang diệp, tam thất có tác dụng lương huyết khứ ứ chỉ huyết.

Kinh nguyệt của Hải Thượng Lãn Ông (Hành giản trân nhu): hòe hoa sao cháy, phục long can, a giao, tàm sa sao tán nhỏ, mỗi lần uống 8 – 10g với rượu vừa đủ.

Huyết nhiệt

Lâm sàng: kinh ra không đúng kỳ, số lượng nhiều hoặc ra rỉ rả không dứt, sắc kinh thẫm hoặc tím thẫm, chất dính, khát nước, bứt rứt hoặc có thể thấy sốt, đại tiện táo bón, nước tiểu màu vàng; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng hoặc vàng nhớp, mạch hồng sác hoặc hoạt sác.

Phân tích: nhiệt thịnh ở xung nhâm nên huyết hải bị hun đốt làm bức huyết vong hành gây tình trạng kinh ra không đúng kỳ với số lượng nhiều hoặc ra rỉ không dứt, sắc kinh thẫm hoặc tím thẫm, chất kinh dính. Nhiệt nhiễu loạn tâm thần gây bứt rứt; nhiệt làm tổn thương vị tân nên thấy khát nước; nhiệt tà nội uẩn nên thấy phát sốt. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng huyết nhiệt; nếu thấy rêu lưỡi nhớp là kèm thêm chứng của thấp tà.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết điều kinh.

Bài thuốc: Thanh nhiệt cố kinh thang (Giản minh trung y phụ khoa)

Sinh địa 12g, Hoàng cầm 12g, Chỉ tử 12g, Địa cốt bì 12g, Địa du 12g, A giao 12g, Sinh ngẫu tiết 15g, Tông lư thán 10g, Quy bản 15g, Mẫu lệ 15g, Cam thảo 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì hoàng cầm, chi tử, địa du, sinh ngẫu tiết có tác dụng thanh nhiệt chỉ huyết; sinh địa, địa cốt bì có tác dụng tư âm lương huyết chỉ huyết; a giao có tác dụng dưỡng huyết chỉ huyết; quy bản, mẫu lệ có tác dụng dục âm liễm huyết; tông lư thán có tác dụng thu sáp chỉ huyết; cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu thấy chứng can kinh hỏa tích gây đau tức bụng dưới và hai bên mạng sườn, bứt rứt, dễ cáu giận, mạch huyền thì dùng pháp thanh can tả nhiệt, sử dụng bài thuốc trên gia long đởm thảo để thanh tả can hỏa, hạ khô thảo để thanh can nhiệt, ích mẫu thảo để háo huyết ứ.

Nếu rêu lưỡi vàng nhớp, đau tức bụng dưới, kèm theo chứng mệt mỏi, ngại nói, hụt hơi thì gia thái tử sâm để tăng cường bổ khí.

Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông (Hành giản trân nhu): hoàng cầm tán nhỏ, mỗi lần lấy 3g hào với rượu vừa đủ để uống.

Tỳ hư

Lâm sàng: kinh ra không đúng kỳ, kinh ra nhiều, liên tục rỉ rả không dứt, sắc kinh nhợt, chất loãng, mệt mỏi, hụt hơi, sắc mặt trắng hoặc phù thũng, chân tay không ấm hoặc thấy ăn uống kém; chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hoãn nhược hoặc trầm nhược.

Phân tích: tỳ hư khí hãm, rối loạn chức năng thống nhiếp nên thấy tự nhiên kinh ra ồ ạt rồi dần dần thành băng lậu. Khí hư hỏa hao nên thấy sắc kinh nhợt và loãng. Trung khí hư nên thấy mệt mỏi, hụt hơi. Tỳ dương hao hư nên thấy chân tay không ấm, ăn uống kém, sắc mặt trắng. Tỳ hư, rối loạn vận hóa nên thấy phù thũng. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí hư, tỳ dương bất túc.

Pháp điều trị: bổ khí kiện tỳ, nhiếp huyết cố xung.

Bài thuốc: Cố bản chỉ băng thăng (Phó thanh chủ nữ khoa) gia vị

Nhân sâm 06g, Hoàng kỳ 15g, Bạch truật 12g, Thục địa 12g, Thăng ma 12g, Hắc khương 06g, Sơn nẫm căn 12g, Ô tặc cốt 15g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thàng.

Chú ý: sơn nẫm căn hay cương nẫm căn, hơi, tên khoa học là Radix rhodomyrti; bộ phận dùng là rễ cây đào kim lương (Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk); có tác dụng thư can thông lạc, chỉ huyết chỉ thống; thuộc nhóm thuốc hành khí.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, bạch truật, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí bồi nguyên, cố bản nhiếp huyết; thục địa có tác dụng dưỡng huyết tư âm; can khương sao đen có tác dụng ôn trung chỉ huyết; thăng ma có tác dụng thăng đề khí cơ; sơn nẫm căn, ô tặc cốt có tác dụng chỉ huyết cố xung.

Nếu thấy chứng huyết hư thì gia hà thủ ô, quế nhục, tang ký sinh.

Nếu kinh ra rỉ rả không cầm, đau tức bụng dưới thì gia kinh giới sao đen, ích mẫu thảo, mộc hương.

Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông (Hành giản trân nhu): lá ngải cứu 1 nắm, can khương 3g sắc lấy nước; sau đó, lấy 15g a giao đã sao phồng tán nhỏ hòa với nước thuốc uống.

Huyết ứ

Lâm sàng: kinh ra không đúng kỳ, lúc ra lúc không hoặc ra kinh rỉ rả không dứt, hoặc bế kinh lâu ngày nhưng đột nhiên lại thấy băng kinh, huyết ra rỉ rả liên tục khong ngừng, sắc kinh ám tím, có huyết cục, bụng dưới căng tức và đau; chất lưỡi ám tím hoặc có ban điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch sáp.

Phân tích: xung nhâm ứ trệ, huyết dịch rối loạn thay cũ đổi mới gây kinh ra không đúng kỳ, huyết rời khỏi kinh mạch không theo tuần hành bình thường nên thấy kinh lúc ra lúc không. Huyết ứ gây nên sắc kinh ám tím, có huyết cục. Ứ trệ khí huyết không lưu thông gây nên bụng dưới căng tức và đau. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng ứ trệ.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, chỉ huyết điều kinh.

Bài thuốc: Trục ứ chỉ huyết thang (Phó thanh chủ nữ khoa), phối hợp Thất tiểu tán; bỏ đương quy, xích thược.

Sinh địa 12g, Đại hoàng 08g, Đan bì 12g, Chỉ xác 12g, Đào nhân 12g, Quy bản 12g, Bồ hoàng 10g, Ngũ linh chi 16g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì bồ hoàng, ngũ linh chi, đào nhân, chỉ xác có tác dụng hoạt huyết hóa ứ chỉ huyết; sinh địa, đại hoàng, đan bì có tác dụng thanh nhiệt lương huyết chỉ huyết; quy bản có tác dụng tư âm liễm huyết.

Nếu thấy khí trệ gây đau tức hai bên mạng sườn và bụng dưới thì gia xuyên luyện tử, kinh giới sao đen.

Nếu thấy ra huyết rỉ rả không cầm thì gia tam thất, huyết kiệt.

Nếu thấy chứng ứ hóa nhiệt gây khô miệng, đắng miệng, kinh ra có màu hồng và số lượng nhiều, rêu lưỡi trắng mỏng thì gia tiên hạc thảo, địa du, hạ khô thảo.

Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông (Hành giản trân nhu): lấy 3g tam thất bột hòa với 1 chén cơm rượu, pha với nước sắc bài Tứ vật thang (xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược)để uống.

XỬ TRÍ CẤP CỨU

Chứng băng lậu là chứng bệnh nặng của bệnh phụ khoa. Nếu thấy ra huyết nhiều mà không cầm thì cần phải kết hợp với y học hiện đại để xử trí cấp cứu.

Thuốc cầm máu của y học hiện đại.

Thuốc thành phẩm của y học cổ truyền có tác dụng cầm máu:

Thuốc tiêm bắp: trân châu tinh mẫu (dùng trong chứng thận âm hư gây băng lậu), mỗi lần 4ml, ngày 2 lần.

Cố kinh hoàn (dùng trong chứng thận âm hư gây băng lậu), mỗi lần uống 6 – 10g, ngày 3 lần.

Viên nang huyết kiệt (dùng trong chứng xuất huyết tử cung cơ năng), mỗi lần 4 viên, ngày 3 lần.

Châm cứu cầm máu:

Huyết đoạn hồng (là huyệt ngoài kinh, gian đốt bàn 2 – 3 phía mu tay, ngay trên huyệt bát tà): châm xong rồi cứu, lưu kim 20 phút, ngày châm cứu 2 lần.

Cứu các huyệt: thần khuyết, ẩn bạch, đại đôn, ngày 2 lần, mỗi lần 10 phút

Nạo sinh thiết niêm mạc tử cung vừa cầm máu, vừa có thể lấy bệnh phẩm chẩn đoán.

KẾT LUẬN

Băng kinh là một trong những chứng bệnh kinh nguyệt, gây rối loạn nghiêm trọng về chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, số lượng huyết ra.

Nguyên nhân bệnh sinh thường do thận hư, tỳ hư, huyết nhiệt, hư nhiệt, huyết ứ làm rối loạn xung nhâm, không chế ước được kinh huyết làm kinh ra không đúng kỳ. Những người bị ra huyết nhiều dễ gây nên huyết kiệt khí thoát, bệnh tiến triển nặng, cần lưu ý xử trí cấp cứu. Nếu huyết ra kéo dài rỉ rả không dứt cũng dễ làm cho khí huyết hư. Trên lâm sàng, căn cứ vào diễn biến của số lượng, màu sắc, chất kinh huyết ra, phối hợp với triệu chứng lưỡi, mạch, toàn thân để mà biện chứng luận trị phù hợp. Ngoài ra, cần chú ý chẩn đoán phân biệt với một vài chứng bệnh rối loạn kinh nguyệt khác, bệnh sản khoa.

Nguyên tắc điều trị băng lậu là cấp trị tiêu, hoãn trị bản. Trị tiêu trong chứng băng lậu là phải nhanh chóng cầm máu. Khi máu đã cầm lúc đó mới theo nguyên tắc biện chứng cầu nhân, thẩm nhân luận trị để lựa chọn pháp thanh nhiệt, khứ ứ, bổ thận, kiện tỳ.

Bài thuốc đông y trị băng lậu mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *