Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

Bài thuốc đông tri trị kinh nguyệt sau kỳ

Bài thuốc đông tri trị kinh nguyệt sau kỳ

Kinh nguyệt sau kỳ tức là chu kỳ kinh đến muộn, bị kéo dài. Thời gian thấy ra kinh chậm hơn chu kỳ kinh trước trên 7 ngày, nếu nặng có thể 3 – 5 tháng mới thấy hành kinh 1 lần, còn gọi là kinh trì, kinh thủy hậu kỳ.

Y học hiện đại gọi chứng bệnh này là kinh thưa trong bệnh rối loạn kinh nguyệt.

Nếu kinh chỉ chậm hơn 3 – 5 ngày, hoặc ngẫu nhiên thấy chậm chu kỳ kinh một lần, hoặc ở giai đoạn tuổi mới dậy thì có kinh mà không thấy có triệu chứng gì khó chịu kèm theo thì không cần phải điều trị.

Nguyên nhân gây kinh nguyệt sau kỳ:

Mang thai.

Giảm cân quá nhiều, thể thao quá mức làm ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, cơ thể không sản xuất đủ lượng estrogen cần thiết cho chu kỳ kinh.

Stress: buồn, căng thẳng, lo lắng, cáu giận, sợ hãi … ảnh hưởng đến sự ức chế rụng trứng làm trứng rụng muộn nên chu kỳ kinh đến muộn.

Tác dụng phụ một số loại thuốc: kháng sinh dài ngày, thuốc nội tiết, thuốc chống đông, thuốc giảm cân, thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc chống trầm cảm, corticosteroid, thuốc dùng trong hóa trị …

Uống rượu nhiều, hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến hormone sinh sản.

Bệnh phụ khoa: viêm lộ tuyến tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, viêm buồng trứng…

Bệnh lý của tuyến giáp như: suy giáp, nhược giáp và cường giáp.

Chẩn đoán:

Lâm sàng: chu kỳ kinh vượt quá 35 ngày, có thể 3 – 5 tháng mới thấy hành kinh một lần, liên tục xảy ra kinh sau kỳ trên hai chu kỳ kinh liêp tiếp; thời gian có kinh, số lượng kinh ra cơ bản không thay đổi.

Thăm khám phụ khoa: nói chung không có thay đổi bất thường.

Kiểm tra thêm: đo biến động nhiệt độ cơ thể trong chu kỳ kinh, xét nghiệm nội tiết tố, siêu âm ổ bụng cũng giúp cho chẩn đoán.

Chẩn đoán phân biệt:

Kinh nguyệt trước sau không định kỳ: chu kỳ kinh ngắn lại hoặc kéo dài không định kỳ, có thể thay nhau xuất hiện rất phức tạp. Đối với bệnh nhân hành kinh sau kỳ thì chu kỳ kinh nguyệt có quy luật biểu hiện kéo dài, thỉnh thoảng lại phát sinh, không xuất hiện trước kỳ. Nếu thỉnh thoảng lại xuất hiện trước kỳ thì kinh nguyệt trước sau không định kỳ.

Thời kỳ đầu thai: khi có thai thì phụ nữ sẽ ngừng hành kinh, nhất là người bị hành kinh thưa, có thai ở phụ nữ hành kinh không có quy luật thì cần phân biệt với hành kinh sau kỳ. Sau khi có thai thường xuất hiện các triệu chứng thai nghén; kiểm tra nước tiểu thấy HCG (+), HCG máu tăng cao. Siêu âm tùy theo tuần tuổi thai mà thấy tử cung to lên, khoang tử cung có túi thai, mầm thai, thai cử động …

Tịnh nguyệt, cư kinh:

Tịnh nguyệt là hiện tượng hành kinh sinh lý có tính chất đặc thù của phụ nữ trong thời kỳ sinh sản (hai tháng thấy kinh một lần) và khoảng ảnh hưởng đến khả năng sinh dục.

Cư kinh cũng là hiện tượng sinh lý bình thường, kinh nguyệt 3 tháng có 1 lần, không ảnh hưởng đến khả năng có thai. Bệnh nhân hành kinh sau kỳ là bệnh thường gặp trong phụ khoa, kèm theo các triệu chứng bất thường, có thể khso thụ thai và điểm không giống như tịnh nguyệt hay cư kinh.

Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền:

Chứng kinh sau kỳ phân thành hư và thực: hư chứng thường liên quan đến thủy cốc không hóa sinh tinh huyết, hoặc do mất huyết hao huyết làm mạch đạo trống rỗng, huyết hải không thể sung mãn đúng thời kỳ; thực chứng thường do trở trệ khí cơ, kinh huyết trì trệ không thể đúng kỳ mà tràn đầy xung nhâm gây nên chu kỳ kinh kéo dài.

Huyết hàn: sau khi có kinh, rối loạn điều nhiếp, ăn nhiều đồ lạnh, hoặc dãi dầm mưa làm hàn tà xâm nhập, hàn trú ở xung nhâm. Huyết bị hàn ngưng làm kinh mạch ứ trệ, huyết vận hành chậm gây nên kinh nguyệt sau kỳ.

Hư hàn: vốn dĩ cơ thể hư yếu, dương khí hư nhược, hoặc bệnh tật lâu ngày làm tổn thương dương khí gây thận dương hư suy, mệnh môn hỏa suy, tạng phủ không được ôn dưỡng, hóa sinh khí huyết vận hành trì trệ, khí hư huyết thiếu, xung nhâm bất túc, huyết hả không tràn đầy làm kinh huyết không thể định kỳ đưa xuống gây nên kinh sau kỳ.

Huyết hư: vốn dĩ cơ thể khí huyết bất túc; hoặc ăn uống, lao động gây tổn thương, trung khí bất túc nên nguồn hóa sinh bất túc; hoặc do bệnh lâu ngày, sinh đẻ nhiều làm tổn thương huyết, huyết hải trống rỗng, không thể tràn đầy đúng kỳ gây nên kinh nguyệt sau kỳ.

Khí trệ: vốn dĩ tình chí hay ức uất, hoặc hay cáu giận ưu tư, tình chí nội thương nên khí cơ uất trệ, huyết hành không thông làm ứ trệ ở xung nhâm, huyết hải không tràn đầy đúng kỳ gây nên kinh đến sau kỳ.

Đàm thấp: vốn dĩ cơ thể béo bệu, đàm trệ tích nhiều ở tử cung và bào mạch, hoặc tỳ hư không kiện vận làm thủy thấp đình lưu, ngưng trệ thành đàm, đàm thấp đưa xuống xung nhâm gây trệ tắc bào mạch, rối loạn vận hành khí huyết làm huyết hải không tràn đầy gây nên kinh sau kỳ.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện luận kinh nguyệt sau kỳ dựa vào đặc điểm số lượng kinh, màu sắc kinh, chất lượng kinh, mạch, lưỡi để phân tích về cơ chế bệnh hư hay thực. Nguyên tắc điều trị chủ đạo là hòa huyết hành trệ, ôn kinh dưỡng huyết, sơ thông khí cơ kinh mạch. Khi vận dụng trên lâm sàng, thầy thuốc căn cứ vào các biểu hiện triệu chứng của bệnh nhân để áp dụng nguyên tức hư thì bổ, thực thì tả, hàn thì ôn, đàm thì hóa để đạt mục đích dơ thông kinh mạch điều kinh. Phụ nữ trong độ tuổi thanh niên thì thường thấy biểu hiện của huyết hư hoặc đàm thấp; trong thời kỳ sinh đẻ thường biểu hiện của hàn chứng, ứ chứng hoặc kết hợp cả đàm và ứ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Nếu trì hoãn việc điều trị có thể phát triển thành chứng bế kinh. Trong quá trình điều trị nên tham khảo điều trị chứng bế kinh, chứng khó thụ thai để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Chứng huyết hàn (thực hàn)

Lâm sàng: chu kỳ kinh kéo dài hơn, số lượng kinh ra nhiều, sắc kinh đen thẫm hoặc có huyết cục; đau lạnh bụng khi hành kinh, đau gối, lạnh chân tay, thích ấm, sợ lạnh, sắc mặt trắng, nước tiểu trong và số lượng nhiều; chất lưỡi hồng thẫm, rêu lưỡi trắng, mạch trầm khẩn hoặc trầm trì.

Phân tích: hàn tà trú ở mạch xung nhâm, huyết bị hàn ngưng nên kinh huyết vận hành không thông gây chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, kinh lẫn huyết cục. Hàn trú ở bào cung mạch lạc, kinh hành không bị chế ước nên ra kinh số lượng nhiều. Hàn có tính chu dẫn, trở trệ ở mạch xung nhâm, mạch đốc gây đau lạnh bụng và lưng. Hàn tá bó ở biểu, dương khí không đưa được ra ngoài gây đau gối, lạnh chân tay, thích ấm, sợ lạnh, sắc mặt trắng. Bàng quang không được ôn ấm gây nên tiểu tiện trong và số lượng nhiều. Biểu hiện của mạch và lưỡi là chứng của hàn tà ngưng trệ.

Pháp điều trị: ôn kinh tán hàn, hành huyết điều kinh.

Bài thuốc: Ôn kinh thang (Phụ nhân đại toàn lương phương).

Nhân sâm 06g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Bạch thược 15g, Quế nhục 06g, Nga truật 12g, Đan bì 12g, Ngưu tất 12g, Cam thảo 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì quế nhục có tác dụng ôn kinh tán hàn, đương quy có tác dụng dưỡng huyết điều kinh, xuyên khung có tác dụng hành khí trong huyết; ba vị thuốc này phối hợp có tác dụng ôn kinh tán hàn điều kinh. Nhân sâm có tính ẩm, vị ngọt, có tác dụng bổ nguyên khí; giúp cho đương quy, xuyên khung, quế nhục thông dương khí để tán hàn tà. Nga truật, đan bì có tác dụng hoạt huyết khứ ứ; ngưu tất có tác dụng đưa huyết xuống dưới để tăng cường tác dụng hoạt huyết thông kinh; bạch thược, cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống. Bài thuốc này có tác dụng ôn kinh tán hàn, ích khí thông dương, điều kinh chỉ thống.

Nếu số lượng kinh ra ít thì gia kê huyết đằng, đan sâm, ích mẫu thảo, hồng hoa để tăng cường dưỡng huyết hoạt huyết điều kinh.

Nếu số lượng kinh ra quá nhiều thì bỏ nga truật, ngưu tất, gia bào khương thán, ngải diệp thán, khiếm thảo căn để tăng cường ôn kinh chỉ huyết.

Nếu cảm giác đau lạnh bụng thì gia tiểu hồi hương, hương phụ, diên hồ sách để tăng cường tác dụng tán hàn hành trệ chỉ thống.

Nếu đau lưng thì gia tang ký sinh, tục đoạn, cẩu tích để ôn thận mạnh gân cốt.

Nếu đại tiện phân lỏng nát thì gia bạch truật, thần khúc để tăng cường kiện tỳ ích vị.

Nếu thấy chứng khí trệ gây đầy trướng bụng thì gia hương phụ, ô dược để hành khí thông trệ.

Hư hàn

Lâm sàng: chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ra ít, sắc kinh nhợt, chất kinh loãng, sắc mặt nhợt, chóng mặt, hụt hơi, mỏi lưng, giảm ham muốn tình dục, đau âm ỉ bụng dưới, thích ấm, thích xoa nắn, đại tiện phân lỏng nát, tiểu tiện trong và số lượng nhiều; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì vô lực.

Phân tích: dương khí bất túc, mệnh môn hỏa suy, âm hàn nội thịnh, tạng phủ hư hàn, khí huyết sinh hóa bất túc, xung nhâm huyết hải không thể xung thịnh làm cho chu kỳ kinh nguyệt kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ít, sắc kinh nhợt, chất kinh loãng. Dương hư làm bào cung mạch lạc không được ôn ấm gây đau âm ỉ bụng dưới, thích ấm, thích xoa nắn. Dương hư nên tinh khí thiếu hụt không nuôi dưỡng bên ngoài gây sắc mặt nhợt, chóng mặt, hụt hơi, mỏi lưng. Mệnh môn hỏa không được ôn ấm, dương khí không được ra ngoài gây giảm ham muốn tình dục, tiểu tiện trong và số lượng nhiều. Dương khí hư suy làm rối loạn chức năng tỳ dương gây đại tiện phân lỏng nát. Biểu hiện của lưỡi và mạch là của chứng hư hàn.

Pháp điều trị: ôn kinh khứ hàn, dưỡng huyết điều kinh.

Bài thuốc: Đại doanh tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư)

Thục địa 12g, Kỷ tử 10g, Cam thảo chích 10g, Đương quy 12g, Ngưu tất 12g, Quế nhục 06g, Đỗ trọng 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì đương quy và thục địa có tác dụng tư âm bổ huyết, hoạt huyết điều kinh; kỷ tử, đỗ trọng có tác dụng trấn tinh bổ thận; nhục quế có tác dụng ôn kinh khứ hàn, bổ mệnh môn hỏa; ngưu tất có tác dụng hoạt huyết điều kinh, đưa huyết xuống dưới; cam thảo chích có tác dụng ôn kinh lợi khí huyết, điều hòa các vị thuốc. Bài thuốc có tác dụng ôn kinh khứ hàn, dưỡng huyết điều kinh.

Nếu khí hư gây mệt mỏi vô lực thì gia nhân sâm, hoàng kỳ để tăng cường bổ khí.

Nếu chân và tay lạnh thì gia bào phụ tử, can khương.

Nếu do chứng tỳ vị hư hàn gây đau và lạnh bụng thì gia bào khương, nhục đậu khấu để ôn trung trừ hàn.

Nếu thấy đại tiện phân lỏng nát thì gia bạch truật, bổ cốt chỉ để ôn thận kiện tỳ.

Nếu nước tiểu tiện trong, số lượng nhiều thì gia ích trí nhân, hoài sơn để kiện tỳ cố sáp.

Nếu thấy đau bụng khi hành kinh thì gia tiểu hồi hương, ô dược, ba kích, hương phụ để ôn kinh hành trệ.

Huyết hư

Lâm sàng: chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ra ít, sắc kinh nhợt, chất kinh loãng, không có huyết cục, khi ra kinh thấy đau bụng dưới âm ỉ, sắc mặt nhợt hoặc ám vàng, da và móng chân tay không tươi nhuận, chóng mặt, hoa mắt, mỏi chân tay, hồi hộp, mất ngủ; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng,mạch tế nhược.

Phân tích: doanh huyết thiếu hụt, xung nhâm không được sung túc, huyết hải không tràn đầy đúng kỳ gây nên chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ra ít, sắc kinh nhợt, chất kinh loãng. Huyết hư nên bào cung mạch lạc không được nuôi dưỡng gây đau bụng dưới âm ỉ; huyết không đưa lên trên đầu mặt được nên gây chóng mặt, hoa mắt; cơ phu tứ chi không tươi nhuận gây sắc mặt nhợt hoặc ám vàng, da và móng chân tay không tươi bóng; làm tâm thần không được nuôi dưỡng gây hồi hộp, mất ngủ. Huyết hư khí nhược gây mỏi chân tay. Biểu hiện của lưỡi và mạch là của chứng huyết hư.

Pháp điều trị: Đại bổ nguyên tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia vị

Nhân sâm 06g, Hoài sơn 12g, Thục địa 12g, Đỗ trọng 12g, Đương quy 12g, Sơn thù 10g, Kỷ tử 10g, Cam thảo chích 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, khí sinh thì huyết trưởng; hoài sơn, cam thảo có tác dụng bổ ích tỳ khí, giúp cho nhân sâm để bổ nguồn hóa sinh khí huyết; thục địa, đương quy, kỷ tử, sơn thù có tác dụng sinh tinh ích huyết, tư bổ thận âm; xuyên khung có tác dụng hoạt huyết hành trệ. Bài thuốc này có tác dụng bổ khí sinh tinh, dưỡng huyết điều kinh, khí sinh thì huyết sẽ sung túc làm cho kinh nguyệt hồi phục về đúng chu kỳ.

Nếu khí hư gây mệt mỏi thì gia hoàng kỳ chích, bạch truật để bổ khí kiện tỳ.

Nếu ăn ít, đại tiện phân nát thì bỏ đương quy; gia sa nhân, bạch linh, bổ cốt chỉ để ôn thận kiện tỳ.

Nếu tỳ thận dương hư thì gia bào phụ tử, bào khương để tăng cường ôn dương trừ hàn.

Nếu hồi hộp, mất ngủ thì gia toan táo nhân, viễn chí để tăng cường dưỡng tâm an thần.

Khí trệ

Lâm sàng: chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, kinh ra không thông, số lượng kinh ra ít, sắc kinh thẫm, có huyết cục, bụng dưới đầy tức hoặc đau tức hai bên mạng sườn và vú, tinh thần uất ức, thích thở dài; chất lưỡi hồng thẫm, rêu lưỡi trắng, mạch huyền hoặc sáp.

Phân tích: tinh chí nội thương, khí cơ uất kết nên huyết vận hành trì trệ gây kinh ra sau kỳ, số lượng kinh ít, sắc kinh thẫm và có huyết cục. Khí cơ trở trệ làm khí huyết vận hành không thông gây đau căng tức hai bên mạng sườn và vú. Tình chí bị tổn thương, khí cơ vận hành không thông gây tình chí uất ức, thích thở dài. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của khí cơ trở trệ.

Pháp điều trị: khai uất hành khí, hòa huyết điều kinh

Bài thuốc: Gia vị ô dược thang (Y tông kim giám) gia đương quy, xuyên khung.

Ô dược 12g, Sa nhân 10g, Mộc hương 10g, Diên hồ sách 10g, Hương phụ 12g, Cam thảo 10g, Binh lang 10g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì ô dược, hương phụ có tác dụng sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống; sa nhân, mộc hương có tác dụng hành khí chỉ thống; diên hồ sách có tác dụng hoạt huyết hành khí chỉ thống; binh lang có tác dụng tiêu tích hành khí lợi thủy; cam thảo điều hòa các vị thuốc; đương quy, xuyên khung có tác dụng bổ huyết hoạt huyết điều kinh. Bài thuốc có tác dụng khai uất hành khí, sơ thông khí cơ ở xung nhâm, hòa huyết điều kinh để giảm đau.

Nếu đau tức nhiều hai bên mạng sườn và vú thì gia sài hồ, uất kim, xuyên luyện tử để tăng cường sơ can giải uất.

Nếu số lượng kinh ra ít thì gia kê huyết đằng, đan sâm ngưu tất để dưỡng huyết hoạt huyết.

Nếu bụng dưới lạnh thì gia ngải diệp, nhục quế để tăng cường ôn ấm hạ tiêu.

Nếu biểu hiện chứng khsi trệ huyết ứ gây hành kinh ra nhiều huyết cục, đau bụng nhiều, chất lưỡi ám tím thì dùng bài Qua kỳ ẩm (Chính trị chuẩn thằng – Nữ khoa)

Thục địa 12g, Bạch thược 15g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Hương phụ 12g, Hồng hoa 10g, Đào nhân 10g, Nga truật 12g, Mộc thông 12g, Cam thảo 10g, Nhục quế 06g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Đàm thấp

Lâm sàng: chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ra ít, sắc kinh nhợt hoặc lẫn lộn niêm dịch, giữa kỳ kinh ra nhiều đới hạ trong và loãng; hình thể bếu trệ, chóng mặt, hồi hộp, tức ngực, buồn nôn, miệng nhớp, ho khạc đờm nhiều; chất lưỡi bệu, hai bên rìa có ấn răng, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch huyền hoạt.

Phân tích: tỳ khí hư làm rối loạn vận hóa nên thấp tụ thành đàm, đàm thấp trở trệ ở xung nhâm và bào mạch làm khí huyết vận hành trở trệ, huyết hải không được tràn đầy đúng thời kỳ gây nên chu kỳ kinh kéo dài sau kỳ, số lượng kinh ra ít. Đàm thấp đi theo kinh huyết xuống dưới làm cho sắc kinh nhợt, kinh lẫn niêm dịch. Thấp tà lưu tán ở cơ phu nên thấy hình thể bệu trệ; ứ trệ ở thanh khiếu gây chóng mặt, hồi hộp; đình trệ hai bên sườn và bụng gây đầy tức mạng sườn, buồn nôn, miệng nhớp, ho có nhiều đờm. Chất ưỡi và mạch là biểu hiện của đàm thấp nội thịnh.

Pháp điều trị: táo thấp hóa đàm, kiện tỳ điều kinh.

Bài thuốc: Lục quân tử gia quy khung thang (Vạn thị phụ nhân khoa)

Nhân sâm 06g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Trần bì 10g, Bán hạ 10g, Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Cam thảo chích 10g, Hương phụ 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên trần bì, bán hạ có tác dụng lý khí kiện tỳ, táo thấp hóa đàm; nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (Tứ quân tử thang) có tác dụng ích khí kiện tỳ, tăng cường vận hóa thủy thấp để triệt nguồn sinh đàm; xuyên khung, đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết điều kinh; hương phụ có tác dụng sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống. Bài thuốc này có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp hóa đàm, hành huyết thông kinh.

Nếu thấy đầy tức bụng, buồn nôn thì gia sa nhân, chỉ xác để tỉnh tỳ hành trệ.

Nếu thấy bạch đới ra số lượng nhiều thì gia thương truật, xa tiền tử để lợi thủy trừ thấp.

KINH NGHIỆM CỦA HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

Trong cuốn “Phụ đạo xán thiên” Hải Thượng Lãn Ông có nêu:

Kinh đến chậm sau kỳ thường là do hỏa suy, hư hàn, đàm uất nên khi điều trị thường dùng bài Bổ trung ích khí gia ngải cứu, hương phụ, bán hạ; nếu thấy kinh ra sắc nhợt thì gia nhục quế.

Trước khi hành kinh mà thấy đại tiện phân lỏng nát là do tỳ thận hư, khi điều trị nên dùng bài Quy tỳ tahng gia các vị thuốc có tác dụng ôn bổ tỳ thận.

KẾT LUẬN

Kinh nguyệt sau kỳ tức là thời gian xuất hiện kinh bị trì hoãn, chu kỳ kinh bị kéo dài ngày. Ngẫu nhiên mà thấy kinh muộn sau kỳ thì phải chú ý phân biệt với có thai giai đoạn sớm.

Khi điều trị cần chú ý biện chứng về hư hay thực, Bệnh nhân thuộc hư chứng khi điều trị nên dùng pháp ôn kinh dưỡng huyết; bệnh nhân thuộc thực chứng khi điều trị nên dùng pháp hoạt huyết hành trệ. Nếu cả hư và thực đều xuất hiện thì phải phân biệt thể bệnh nào nặng hơn để chọn pháp điều trị phù hợp; đồng thời phải căn cứ vào chức năng của can, tỳ, thận để lựa chọn bài thuốc cho phù hợp.

Bài thuốc đông tri trị kinh nguyệt sau kỳ mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *