Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH BASEDOW

 Bài thốc đông y trị bệnh basedow

Basedow (graves) là bệnh viêm nhiễm độc tuyến giáp lan tỏa đặc hiệu có  tính chất tự thân miễn dịch, biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng cường chức năng tuyến giáp (do cơ thể tăng tiết quá nhiều T3, T4) như ăn nhiều, gầy sút, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi, mạch nhanh, tuyến giáp sưng to, lồi mắt, phù niêm trước thời kỳ kinh nguyệt và to đầu chi…

Bệnh chiếm khoảng 85% các trường hợp gây cường chức năng tuyến giáp, tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 20 – 40, tỷ lệ mắc bệnh nữ/nam là 4 – 6/1. Bệnh mang tính di truyền, một số trường hợp phát bệnh sau khi bị sang chấn về tinh thần hoặc nhiễm virus cấp tính.

 Chẩn đoán

Lâm sàng

Các triệu chứng của tăng chuyển hóa: sợ nóng, chảy nhiều mồ hôi, da nóng ẩm, người mệt mỏi như không có sức, gầy sút.

Các triệu chứng của hệ thống thần kinh: tinh thần dễ bị kích động, nói nhiều, khó tập trung tư tưởng, hay quên, thậm chí xuất hiện ảo tưởng hoặc tâm thần phân liệt, mất ngủ, khi ngủ hay mơ mộng; thường có biểu hiện run tay, run lưỡi, mắt lồi, tăng phản xạ gân xương …

Các triệu chứng hệ tim mạch: hồi hộp, trống ngực, mạch nhanh, tức ngực, mạch không đều, tim co, có tiếng thổi tâm thu, nếu nặng có thể thấy suy tim.

Các triệu chứng hệ tiêu hóa: ăn nhiều, số lần đại tiện tăng, trong phân thường có lẫn thức ăn chưa tiêu; nếu nặng có thể thấy gan to, men gan tăng.

Các triệu chứng hệ cơ xương: chân tay yếu mỏi, hoặc teo gầy, run tay; có thể xuất hiện nhược cơ và thưa xương.

Các triệu chứng hệ nội tiết: phụ nữ kinh nguyệt ít, loãng hoặc bế kinh, phù niêm trước kỳ kinh, nam giới có thể thấy liệt dương hoặc phì đại tuyến vú.

Tuyến giáp thường sưng to đối xứng, lan toảm chất mềm, di động theo nhịp nuốt, khi nghe trên tuyến giáp có thể thấy tiếng thổi, mức độ to của tuyến giáp không liên quan triệu chứng nặng nhẹ trên lâm sàng.

Các triệu chứng về mắt: 25 – 30% bệnh nhân có các biểu hiện về mắt như mắt lồi ra trước nhưng thường không quá 18mm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn đôi, một số bệnh nhân cảm giác trong mắt như có dị vật, mắt tức đau; các nghiệm pháp Stellwag (+), Von Graefe (+), Joffroy (+), Rosenbach (+).

Cận lâm sàng

Xét nghiệm huyết thanh: T3(TT3), T4(TT4) tăng cao; FT3, FT4 tăng cao; TSH giảm.

Kiểm tra kháng thể kháng giáp: 85% số bệnh nhân có kháng thể TSAb (+); 50 – 90% số bệnh nhân có kháng thể TGAb, TMAb hoặc TPO – Ab (+).

Đo độ hấp thu I131: tỷ lệ hấp thu tăng cao và đỉnh di chuyển về trước.

Nghiệm pháp ức chế T3: để phân biệt với bướu cổ đơn thuần.

Siêu âm, CT scanner, MRI có tác dụng giúp chẩn đoán xác định và mức độ.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tuyến giáp mạn tính thể Hashimoto.

Nhiễm độc do ung thư tuyến giáp.

Bướu cổ địa phương.

Rối loạn thần kinh chức năng.

Hội chứng tiền mãn kinh.

Viêm tuyến cận giáp.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh Basedow thuộc phạm trù chứng anh bệnh, anh khí, tâm quý …

 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Tình chí tổn thương: tinh thần căng thẳng, u uất quá mức làm rối loạn chức năng sơ tiết của can dần đến khí trệ, đàm ngưng hoặc do khí uất hóa hỏa, hun đốt tân dịch thành đàm làm đàm khí ứ trở kết ở vùng trước cổ hình thành “anh bệnh”.

Yếu tố thể chất: do thể chất cơ thể vốn sẵn âm hư hoặc phụ nữ sau khi đẻ khí âm hư hoặc phụ nữ phát dục không đầy đủ đều có thể dẫn đến can, thận âm huyết bất túc. Khi trạng thái tinh thần của cơ thể căng thẳng, kích động sẽ dẽ gây nên khí trệ đàm kết, can uất hóa hỏa mà gây ra các biểu hiện của bệnh cường giáp.

Lao động mệt mỏi quá mức: thường xuyên mệt mỏi hoặc lao động quá sức làm tổn thương tâm tỳ; tâm tỳ hư tổn thì âm huyết không đầy đủ, huyết hành không thông lợi, dẫn đến đàm thấp nội sinh; kết hợp với tà bệnh từ bên ngoài xâm phạm vào càng làm cho tình trạng trên nặng thêm mà phát sinh thành bệnh.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Trên phương diện biện chứng chủ yếu của căn cứ vào bốn phương diện: khí, đàm, hỏa, ứ để biện luận: can uất, đàm kết, can hỏa, tâm can âm hư hoặc khí trệ đàm ngưng, đàm ứ tương hỗ, dương cang động phong … Tính chất bệnh là âm thì bất túc mà dương lại hữu dư nên biểu hiện các triệu chứng chủ yếu là nhiệt chứng, hư thực thác tạp, bản hư tiêu thực. Bản hư chủ yếu là âm hư, dần dần ảnh hưởng đến khí hư. Tiêu thực là sự kết hợp của tà vô hình và hữu hình, thường bắt đầu là do khí uất, uất quá hóa hỏa nên thực chứng chủ yếu là biểu hiện của nhiệt chứng.

Nguyên tắc điều trị

 Nguyên tắc điều trị chủ yếu là tư âm, giáng hỏa, giải uất và căn cứ vào tình trạng của từng người bệnh cụ thể để phối hợp với pháp an thần định chí, dưỡng huyết tức phong, hóa đàm tán kết, lương huyết tán ứ, ích khí kiện tỳ.

Đồng thời, nên phối hợp với thuốc y học hiện đại để tăng cường hiệu quả điều trị. Đối với một số vị thuốc của y học cổ truyền có chứa hàm lượng iod tương đối cao như côn bố, hải tảo thì có thể dùng trong giai đoạn đầu của bệnh nhưng không nên dùng kéo dài. Vì iod trong thuốc tuy có thể ức chế tuyến giáp giải phóng ra hormone tuyến giáp nhưng lại không có khả năng ứ chế sự tạo thành hormone tuyến giáp. Nếu dùng lâu dài sẽ không có lợi cho quá trình điều trị.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.KHÍ UẤT ĐÀM NGƯNG

Triệu chứng: tuyến giáp sưng to, tinh thần u uất, dễ tức giận, tức ngực, ăn uống giảm sút, buồn nôn, ợ chua, đại tiện lỏng loãng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoặt huyền hoạt (thường gặp ở giai đoạn đầu của bệnh).

Pháp điều trị: lý khí giải uất, hóa đàm tiêu anh.

Bài thuốc: Tứ hải sơ uất hoàn (Dương y đại toàn) gia giảm

Hải cáp phấn  15g, Hải tảo  15g, Hải phiêu tiêu  15g, Sài hồ  12g, Côn bố 12g, Xích thược  10g, Trần bì  10g, Phật thủ 10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sàng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sài hồ, phật thủ, trần bì có tác dụng sơ can lý khí giải uất. Xích thược có tác dụng hoạt huyết nhuyễn kiên làm giảm thể tích bướu cổ. Côn bổ, hải tảo, hải cáp phấn, hải phiêu tiêu có tác dụng hóa đàm, nhuyễn kiên, tán kết, tiêu anh.

Nếu đau tức ngực sườn thì gia hương phụ  12g, uất kim 10g để tăng cường lý khí giải uất làm giảm đau, tức.

Nếu có biểu hiện buồn nôn, nôn thì gia bán hạ  12g, sinh khương 03 lát để giáng nghịch, chỉ ẩu.

Nếu bụng trướng, đại tiện loãng thì gia bạch truật  15g, bạch biển đậu 12g, đại phúc bì 12g để kiện tỳ, ích khí.

Nếu bướu cổ tương đối cứng thì gia hoàng dược tử 06g, lộ phòng phong 10g để giải độc hóa đàm, tán kết tiêu anh.

2.CAN HỎA CANG THỊNH

Triệu chứng: bướu cổ mức độ nhẹ hoạc vừa, chất mềm, không có chân; người cảm giác buồn bực, dễ cáu giận, sợ nóng, tự chảy mồ hôi, mặt đỏ, miệng cảm giác khô và đắng, ăn nhiều, mắt lồi, tay run, đại tiện lượng nhiều; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: thanh can, tả hỏa.

Bài thuốc: Chi tử thanh can thang (Tạp bệnh luận) gia giảm.

Chi tử  15g, Phục linh  15g, Sài hồ  15g, Đan bì  15g, Bạch thược  15g, Đương quy  10g, Xuyên khung  10g, Ngưu bàng tử  10g, Cam thảo  05g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì chi tử, đan bì có tác dụng thanh can tả hỏa. Sài hồ, bạch thược có tác dụng sơ can giải uất. Phục linh, cam thảo có tác dụng kiện tỳ hòa trung. Đương quy, xuyên khung có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết. Ngưu bàng tử có tác dụng thanh nhiệt lợi hầu.

Nếu dễ tức giận thì gia long đởm thảo 15g, hạ khô thảo 15g, hoàng cầm 10g để thanh tả can hỏa.

Nếu tay run nhiều thì gia bạch tật lê 30g, câu đằng 15g, thạch quyết minh 30g để bình can tức phong.

Nếu ăn nhiều, mau đói thì phối hợp với bài Bạch hổ thang (thạch cao, tri mẫu, cam thảo, ngạnh mễ) để thanh tả vị hỏa, ích vị hộ tán.

3.TÂM CAN ÂM HƯ

Triệu chứng: bướu cổ to hoặc nhỏ, chất mềm, da trên bướu bóng, hồi hộp, trống ngực, cảm giác buồn bực, khi ngủ hay mơ nhiều, hoa mắt, run tay, ăn nhiều, mau đói, gầy sút nhiều, miệng khô, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư âm dưỡng huyết, ninh tâm nhu can.

Bài thuốc: Thiên vương bổ tâm đan (Nhiếp sinh bị phẫu) gia giảm

Sinh địa  12g, Thiên môn  12g, Mạch môn  12g, Huyền sâm  12, Đương quy  12g, Ngũ vị tử  10g, Táo nhân  10g, Viễn chí  10g, Nhân sâm  05g, Bá tử nhân  15g, Đan sâm  15g, Phục linh  12g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa, huyền sâm, thiên môn, mạch môn có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt. Nhân sâm, ngũ vị tử, phục linh, đương quy có tác dụng ích khí sinh huyết. Đan sâm, toan táo nhân, bá tử nhân, viễn chí có tác dụng dưỡng âm an thần.

Nếu tay run nhiều thì gia câu đằng 15g, bạch thược 15, bạch tật lê 12g để bình can tức phong.

Nếu đại tiện loãng, số lần đi nhiều thì gia bạch truật 20g, ý dĩ nhân 15g để kiện tỳ chỉ tả.

Nếu lồi mắt rõ thì gia mật mông hoa 10g, thanh tương tử 10g để thanh nhiệt tả hỏa, sáng mắt, giảm lồi mắt.

4.TÂM THẬN ÂM HƯ

Triệu chứng: bướu cổ to, lồi mắt, tay run, miệng cảm giác khô, mắt khô sáp, hồi hộp trống ngực, hoảng hốt, ăn mau đói, ăn nhiều, phụ nữ kinh nguyệt không đều hoặc bế kinh, nam giới liệt dương, tình dục giảm súc, đau lưng mỏi gối, chất lưỡi đỏ, không có rêu lưỡi hoặc ít rêu, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: tư âm dưỡng tinh, bổ tâm ích thận.

Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) phối hợp với Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận)

Thục địa  10g, Phục linh  10g, Sơn thù  10g, Hoài sơn  10g, Đan bì  10g, Trạch tả 10g, Hoàng liên 08g, Kê tử hoàng 01 cái.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chi 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì thục địa, hoài sơn, sơn thù có tác dụng bổ thận ích tinh. Đan bì, trạch tả, phục linh có tác dụng thanh nhiệt lương huyết lợi thủy. Bạch thược, a giao, kê tử hoàng có tác dụng tư âm, dưỡng huyết. Hoàng cầm, hoàng liên có tác dụng thanh tâm hỏa.

Nếu có biểu hiện ù tai, lưng và gối đau mỏi thì gia tang ký sinh 15g, ngưu tất 15g để tăng cường bổ thận, cường cân cốt.

Nếu phụ nữ kinh nguyệt ít hoặc bế kinh thì gia hà thủ ô 15g, ích mẫu thảo 30g để dưỡng huyết hoạt huyết.

Nếu nam giới liệt dương thì gia tiên linh tỳ 10g, tiên mao 10g để tráng dương cường thận.

5.TỲ THẬN DƯƠNG HƯ

Triệu chứng: thể này ít gặp, thường thấy ở người cao tuổi. Biểu hiện chủ yếu là bướu cổ to, chất mềm, tinh thần lãnh đạm hoặc vô cảm, người mệt mỏi như không có sức, sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn ít, bụng trướng, chóng mặt, hoa mắt, đau lưng, mỏi gối; có thể thấy mặt phù, chân tay phù; chất lưỡi có ấn răng, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc nhờn, mạch trầm tế nhược hoặc trầm trì.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận, tán kết tiêu anh.

Bài thuốc: Quế phụ bát vị hoàn (kim quỹ yếu lược)

Thục địa  15g, Phục linh  15g, Sơn thù  15g, Hoài sơn 15g, Đan bì  15g, Trạch tả  15g, Phụ tử  10g, Nhục quế 05g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần sáng và tối.

Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng tư âm, bổ tủy. Sơn thù có tác dụng dưỡng can, thận, cố tinh. Hoài sơn có tác dụng bổ ích tỳ dương, đồng thời cố thận. Trạch tả có tác dụng tuyên tiết thận trọc, thông tai, sáng  mắt. Đan bì, phục linh có tác dụng thanh tả can hỏa, thấm thấp lợi niệu. Phụ tử, nhục quế có tác dụng ôn bổ thận dương.

Nếu bụng trướng nặng thì gia mộc hương 10g, sa nhân 10g để lý khí hành trệ.

Nếu có phù nặng thì gia xa tiền tử 20g để lợi thủy.

Nếu ăn ít, đại tiện loãng thì gia dâm dương hoắc 10g, ba kích 12g, bổ cốt chỉ 05g để ôn bổ tỳ thận.

Nếu lưng đau, gối mỏi nhiều thì gia tang ký sinh 15g, đỗ trọng 15g để ôn thận, tráng cốt.

Nếu bướu to thì gia đào nhân 10g, hồng hoa 10g, bối mẫu 08g có tác dụng khứ ứ, hóa đàm, tán kết.

ĐIỀU TRỊ BẰNG CHÂM

Chọn huyệt: lấy các huyệt Giáp tích (từ C3 – C5), Giản sử, Tam âm giao là chính phối hợp với huyệt Âm khích, Phục lưu, Thái xung, Nội quan.

Phương pháp: mỗi lần chọn 4 – 5 huyệt, châm ngày 01 lần, nên thay đổi huyệt để tăng cường hiệu quả.

KẾT LUẬN

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh bệnh Basedow đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Y học hiện đại điều trị chủ yếu dùng thuốc kháng giáp như MTU, PTU; đồng thời có thể kết hợp với điều trị bằng phóng xạ, phẫu thuật hoặc thắt mạch máu cục bộ nhưng các phương pháp này đều có những hạn chế nhất định.

Y học cổ truyền căn cứ vào biện chứng luận trị, điều trị các thể bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan và ngày càng có nhiều nghiên cứu ứng dụng thuốc y học cổ truyền vào điều trị bệnh Basedow.

Việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền vào điều trị Basedow cũng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng và đạt được hiệu quả nhất định.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *