Bài thuốc đông y trị lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là do các mảnh nội mạc tử cung sinh trưởng phát triển ở các vị trí khác ngoài vùng niêm mạc bao phủ trong tử cung (endometriois – EMS). Lạc nội mạc tử cung có thể gặp ở rất nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như đường tiêu hóa, đường tiểu tiện … nhưng thường thấy ở vùng tiểu khung, buồng trứng, vòi trứng.
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh thường gặp trong bệnh phụ khoa gây vô sinh, xuất huyết bất thường tử cung, đau bụng kinh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30 – 40.
Nguyên nhân: hiện chưa rõ nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Tuy vậy, có một số tác nhân sau:
Trào ngược kinh nguyệt: máu kinh chứa các tế bào nội mạc tử cung chảy ngược lại qua ống dẫn trứng vào trong khoang chậu và bề mặt các cơ quan vùng chậu.
Sự tăng trưởng tế bào phôi thai: tế bào phôi tạo ra các tế bào lót trong khoang bụng. Khi một hoặc nhiều vùng nhỏ của màng bụng phát triển thành mô nội mạc tử cung hình thành nên bệnh.
Bệnh lý về hệ miễn dịch khiến cơ thể không nhận ra và phá hủy các mô nội mạc tử cung đang phát triển ở ngoài tử cung.
Chẩn đoán:
Lâm sàng: bệnh tiến triển từng đợt, dần dần gây nên đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, đau nhói, tức nặng hậu môn hoặc kèm theo vô sinh, một số bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt.
Thăm khám phụ khoa: tử cung ngả sau, không di động, sờ dây chằng tử cung – cùng hoặc túi cùng Douglas thấy đau, có thể sờ thấy nang ở phần phụ.
Cận lâm sàng: siêu âm hố chậu nhỏ, buồng trứng có thể thấy vị trí, kích thước ổ dạng nang tuyến niêm mạc tử cung lạc chỗ; nội soi ổ bụng cũng giúp chẩn đoán, phân giai đoạn lạc nội mạc tử cung, ngoài ra có thể định lượng huyết thanh chỉ số CA125 – EMAb cũng giúp cho chẩn đoán.
Chẩn đoán phân biệt:
Bệnh lạc màng trong cơ tử cung (adenomyosis): tình trạng đua bụng kinh có thể còn dữ dội hơn lạc nội mạc tử cung, nhưng thấy tử cung to đều, sờ thấy cứng hơn tử cung bình thường, ấn đau, khi hành kinh ấn đau rõ rệt.
Khối viêm hố chậu: có tiền sử viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính, đau không giới hạn trong kỳ kinh, dùng thuốc chống viêm đạt hiệu quả.
U ác tính buồng trứng: bệnh tiến triển, suy sụp toàn thân, khối u ở tiểu khung cứng, kèm theo tràn dịch ổ bụng, xét nghiệm kháng nguyên bề mặt ung thư buồng trứng CA125 tăng cao hơn; sinh thiết làm giải phẫu bệnh giúp xác định chẩn đoán.
Đối với y học hiện đại, việc điều trị lạc nội mạc tử cung thường dùng thuốc nội tiết, phẫu thuật.
Nguyên nhân bệnh sinh theo y học cổ truyền: căn cứ theo biểu hiện triệu chứng của bệnh thì y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu của lạc nội mạc tử cung là do huyết ứ. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, có thể liên quan đến rối loạn tình chí, khí uất huyết kết, sẩy thai sớm, sẩy thai muộn, can thiệp ngoại khoa làm huyết tràn ra ngoài mạch, uẩn tụ ở bào cung; hoặc do thận khí tiên thiên bất túc, huyết ứ trở trệ ở xung nhâm làm vận hành khí huyết không thông gây nên rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, khối tích tụ, vô sinh …
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Theo y học cổ truyền, căn cứ vào biện chứng để xếp thuộc phạm trù thống kinh, trưng hà, bất dục, kinh nguyệt bất điều …
Biện chứng luận trị chứng lạc nội mạc tử cung chủ yếu dựa vào thời gian đau, tính chất đau, kích thước nang tuyến; kết hợp với thời gian có kinh, số lượng kinh, màu sắc kinh, chất kinh; kèm theo các chứng về mạch, lưỡi … để phân biệt được bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, bệnh nặng hay nhẹ, tình hòa hoãn cấp tính. Nói chung, đau bụng kinh mức độ nhẹ, hòn khối nhỏ thì thường thuộc bệnh nhẹ, tính chất hòa hoãn; nếu đau bụng kinh nhiều, hòn khối to, tình trạng toàn thân kém thì thường thuộc bệnh cấp, bệnh nặng.
Phương pháp điều trị cơ bản đối với bệnh nhẹ, thế bệnh hòa hoãn thì dùng pháp hoạt huyết hóa ứ, tiêu trưng tán kết; kết hợp với tính chất hàn hay nhiệt, hư hay thực để dùng pháp bổ thận, bổ khí, hành khí, tán hàn, tiêu đàm. Khi vỡ các nang nội mạc tử cung buồng trứng lạc chỗ sẽ thấy tự nhiên đau dữ dội, thuộc chứng bệnh cấp tính, cần phải kết hợp với y học hiện đại để lựa chọn phương án điều trị cho phù hợp.
Khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: kinh có kinh, đau bụng tăng dần, sắc kinh tím đen, kinh ra không thông hoặc thấy thời gian có kinh kéo dài, ra rỉ rả không dứt; kết hôn lâu năm vẫn không thấy thụ thai, hòn khối trong ổ bụng không di động, đau tức tuyến vú trước khi thấy kinh; chất lưỡi ám tím, có ban điểm huyết ứ, mạch tế huyền hoặc sáp.
Phân tích: tình chí không thoải mái, can khí uất kết, khí trệ huyết đình làm ứ tích ở xung nhâm gây nên đau bụng khi thấy kinh. Xung nhân ứ trệ dần dần tích tụ, hình thành hòn khối trong ổ bụng. Đau tức tuyến vú trước khi thấy kinh, mạch huyền là biểu hiện của chứng can khí uất trệ. Sắc kinh ám tím, có huyết cục, chất lưỡi ám tím, có ban điểm huyết ứ là biểu hiện của chứng khí trệ huyết ứ.
Pháp điều trị: hành khí phá ứ, nhuyễn kiên tiêu trưng.
Bài thuốc: Đại hoàng triết trùng hoàn (Kim quỹ yếu lược) gia vị
Đại hoàng 06g, Đào nhân 10g, Cam thảo 10g, Bạch thược 12g, Sinh địa 12g, Ngưu tất 12g, Mang trùng 06g, Thủy diệt 06g, Bạch thổ tàm (ấu trùng bọ dừa) 06g, Thổ miết trùng 06g, Ô dược 12g, Hậu phác 12g.
Chú ý: bạch thổ tàm là ấu trùng con bọ dừa, tên khoa học là Holotrichia Diomphalia Bates; có tác dụng phá ứ, tán kết, chỉ thống, giải độc.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì mang trùng, thủy diệt, bạch thổ tàm, thổ miết trùng (triết trùng) có tác dụng khai thông mạch lạc, phá ứ tiêu trưng; đại hoàng, ngưu tất, đào nhân có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, gột rửa ứ trọc; sinh địa, bạch thược có tác dụng tư âm, hòa doanh âm; cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc. Bài thuốc trên gia thêm các vị ô dược, hậu phác để lý khí, hành khí.
Nếu hàn ngưng, sắc mặt xanh xạm, người lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm khẩn thì gia quế chi hoặc quế nhục, mộc hương, tiểu hồi hương để ôn kinh tán hàn.
Nếu đau bụng nhiều thì dùng bài trên phối hợp với bài Thất tiếu tán; đồng thời gia diên hồ sách, tam lăng, nga truật để tăng cường hoạt huyết hóa ứ chỉ thống.
Đàm ứ hỗ kết
Lâm sàng: đau bụng khi thấy kinh, sờ thấy hòn khối ở bụng dưới kèm theo căng tức, kết hôn lâu nhưng không có thai, đới hạ ra nhiều và dính, đầy tức bụng, đại tiện xong không thoải mái; chất lưỡi ám tím, rêu lưỡi dày nhớp, mạch tế hoạt.
Phân tích: đàm thấp và huyết kết hợp làm ứ trệ xung nhâm, bào cung nên vận hành huyết bị trở trệ gây đau bụng khi thấy kinh. Huyết bị đàm ngưng, kết tụ thành hòn khối ở bụng dưới. Đàm thấp có tính niêm trệ, trọng trọc, do ứ trọc tích trệ nên thấy căng tức. Đàm thấp nội trệ làm bế tắc mạch lạc, không thể nhiếp tinh thành thai nên kết hôn lâu mà không thấy có thai. Rối loạn chức năng vận hóa của tỳ, mạch nhâm bất cố, mạch đới không bị chế ước nên thấy đới hạ nhiều và dính, đầy tức ngực bụng, đại tiện xong không thoải mái. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng đàm ngưng huyết ứ.
Pháp điều trị: ngoan đàm trừ thấp, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Tam lăng tiễn (Phụ nhân đại toàn lương phương)
Bán hạ chế 10g, Trần bì 10g, Nga truật 12g, Tam lăng 12g, Mạch nha 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì bán hạ, trần bì, mạch nha có tác dụng táo thấp hóa đàm, hành khí tán kết, tiêu trừ tích tụ; tam lăng, nga truật có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, tiêu trưng chỉ thống.
Nếu thấy thể trạng béo bệu, đau nhức mình mẩy thì gia thạch xương bồ, thần khúc, sơn tra để phương hương hóa trọc, tiêu thực đạo trệ.
Thận hư huyết ứ
Lâm sàng: đau lạnh bụng dưới, cảm giác đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, đau lan ra sau lưng, có khối tích tụ trong ổ bụng, tức nặng hậu môn, kết hôn lâu không có thai, đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, hai mắt thâm quầng; chất lưỡi hơi bệu, ám tím hoặc có ban ứ huyết, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế sác.
Phân tích: những người thận hư, sinh hoạt tình dục quá độ hoặc sẩy thai nhiều làm tinh huyết hao hư, bảo mạch hư tổn làm huyết rời khỏi kinh mạch, tích tụ bên ngoài gây ứ trệ xung nhâm nên thấy đau bụng dưới hoặc đau dữ dội. Bào mạch ứ trệ bất thông nên không thể nhiếp tinh thành thai, vì thế, kết hôn lâu mà không có thai. Lưng là phủ của thận, thận hư nên không nuôi dưỡng được ngoại phủ gây đau lưng, mỏi gối. Chức năng của thận là chủ cốt, sinh tủy; khi tủy hải trống rỗng thì gây chóng mặt, ù tai. Mắt thâm quầng, lạnh đau bụng dưới, lưỡi hơi bệu, ám tím, có ban ứ huyết, mạch trầm tế sáp là biểu hiện của thận hư ứ trệ.
Pháp điều trị: bổ thận ôn dương, hóa ứ tiêu trưng.
Bài thuốc: Quy thận hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) phối hợp Quế chi phục linh hoàn (Kim quỹ yếu lược)
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Kỷ tử 10g, Sơn thù 10g, Bạch linh 12g, Đương quy 12g, Đỗ trọng 12g, Thỏ ty tử 12g, Quế chi 12g, Đan bì 12g, Xích thược 12g, Đào nhân 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sơn thù, thỏ ty tử, đỗ trọng, hoài sơn, quế chi có tác dụng bổ thận ôn kinh, thông dương hành khí; đào nhân, đan bì, đương quy, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ; kỷ tử, thục địa có tác dụng tư âm; bạch linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ để tiêu trừ tà khí qua đường tiểu tiện.
Nếu thiên về dương hư gây người lạnh, chân tay lạnh, nửa dưới người lạnh thì gia quế nhục, dâm dương hoắc, xuyên luyện tử để ôn thận bổ dương.
Nếu thiên âm hư gây lòng bàn chân và bàn tay nóng, chất lưỡi hồng ít tân thì gia hạn liên thảo, nữ trinh tử để tư âm thanh nhiệt.
Nếu thấy đau tức nặng hậu môn, mệt mỏi thì gia hoàng kỳ, đảng sâm, bạch truật để kiện tỳ ích khí hoặc bài thuốc trên phối hợp với bài Lý trung thang.
Hoàng kỳ 12g, Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Hoài sơn 12g, Thiên hoa phấn 12g, Tri mẫu 12g, Tam lăng 10g, Nga truật 10g, Kê nội kim 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC
Thuốc dùng ngoài: cao xạ hương thống kinh dán huyệt tam âm giao, dán trước khi thấy kinh 3 ngày hoặc khi có kinh thấy đau bụng thì dán.
Châm: quan nguyên, trung cực, khúc trì kết hợp với cứu điếu ngải.
KẾT LUẬN
Theo y học cổ truyền, căn cứ vào biện chứng để xếp lạc nội mạc tử cung thuộc phạm trù thống kinh, trưng hà, bất dục, kinh nguyệt bất điều …
Nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu của lạc nội mạc tử cung là do huyết ứ. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, có thể liên quan đến rối loạn tình chí, khí uất huyết kết, sẩy thai sớm, sẩy thai muộn, can thiệp ngoại khoa làm huyết tràn ra ngoài mạch, uẩn tuh ở bào cung; hoặc do thận khí tiên thiên bất túc, huyết ứ trở trệ ở xung nhâm làm vận hành khí huyết không thông gây nên rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, khối tích tụ, vô sinh …
Biện chứng luận trị chứng lạc nội mạc tử cung chủ yếu dựa vào thời gian đau, tính chất đau, kích thước nang tuyến; kết hợp với thời gian có kinh, số lượng kinh, màu sắc kinh, chất kinh; kèm theo các chứng về mạch, lưỡi … để phân biệt được bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, bệnh nặng hay nhẹ, tính hòa hoãn hay cấp tính.
Căn cứ theo nguyên nhân bệnh sinh do khí trệ huyết ứ, đàm ứ hỗ kết, thận hư huyết ứ để đưa ra các pháp điều trị phù hợp.
Bài thuốc đông y trị lạc nội mạc tử cung mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com