Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH LAO XƯƠNG

Bài thuốc đông y trị bệnh lao xương

Cũng gọi là Lưu đờm. Là chứng bệnh sinh ra ở vùng xương khớp và lân cận, hình thành áp xe, vỡ mủ lỏng như đờm nên được gọi là Lưu đờm. Về cuối kỳ, biểu hiện của bệnh là một trạng thái hư lao nên cũng gọi là “cốt lao”, giống như bệnh lao xương khớp trong y học hiện đại. Bệnh phát nhiều ở trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên. Vị trí phát bệnh phần lớn ở cột sống, sau đó là chi trên, chi dưới.

Theo y văn cổ, chứng lưu đởm thường lẫn lộn với các chứng như Âm hư, Lưu chú, Hạc tất phong. Đến đời nhà Thanh đã biết phân biệt, như sách ‘Dương khoa tâm đắc tập’ ghi: “Chứng phụ cốt đờm (chỉ chứng lưu đờm phát sinh ở mé đùi) là chứng thuần âm vô dương, trẻ nhỏ 3, 5 tuổi, tiên thiên bất túc, tam âm hư tổn, cũng do chấn thương làm cho khí không thăng, huyết không hành, ngưng trệ ở kinh lạc gây đau âm ỉ, dần dần thành chứng sang dương”. Đặc điểm của bệnh này là “Nước mủ trong lỏng hoặc như nước đậu phụ chảy ra, vẫn không hết sưng phù, nguyên khí ngày càng suy, cơ thể teo gầy, sinh chứng ngực gù, lưng ba ba, môi lưỡi khô ráo, táo bón, tiểu ít hoặc Tỳ bại tiêu chảy, chán ăn, dần dần thành lao mà chết”.

Đây được coi là loại lao thứ phát do vi khuẩn từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong xương khớp gây ra bệnh.

Đông y xếp vào loại Cốt lao, Lưu đờm.

Bệnh lao xương khớp có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Đích ngắm đầu tiên của vi khuẩn lao khi tấn công vào xương khớp chính là các khớp, nhất là khớp háng, khớp gối và cột sống. Các xương khớp xốp, càng lớn và chịu sức nặng càng nhiều thì nguy cơ mắc lao càng cao, thậm chí chúng có thể tấn công và phá hủy bộ khung nâng đỡ cơ thể. Tổn thương thường khu trú ở một vị trí, rất ít khi ở nhiều vị trí.

Trong đó lao cột sống chiếm 60 -70%, lao khớp háng chiếm 15 -20%, lao khớp gối chiếm 10 -15%, lao khớp cổ chân 5- 10%, lao khớp bàn chân 5%.

Những đối tượng dễ mắc lao xương khớp: Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng lao bằng vắc xin BCG. Có tiếp xúc với nguồn lây đặc biệt là nguồn lây chính, nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên liên tục. Đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hay một lao ngoài phổi khác. Có thể mắc một số bệnh có tính chất toàn thân như: đái tháo đường, loét dạ dày- tá tràng, cắt 2/3 dạ dày. Cơ thể suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS, suy kiệt nặng.

Trong các loại viêm khớp do vi khuẩn thì viêm khớp do vi khuẩn lao chiếm hàng đầu về tỷ lệ và mức độ gây tàn phế. Lao xương khớp được đánh giá là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất vì lứa tuổi thường mắc bệnh là từ 16 -45; nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, vì hậu quả của bệnh này la gây tàn phế nặng nề tới các xương khớp bị lao.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh là từ mối quan hệ tiếp xúc với người bênh, nhất là bệnh lao phổi. Bệnh cũng có thể do dùng sữa tươi của bò mắc bệnh lao.

Bệnh lao xương còn do sự biến chứng từ những bệnh lao khác như lao phổi, lao hạch, lao thận và bàng quang.

Người bệnh là trẻ em thì thường là hậu quả bệnh lao hạch cổ (còn gọi là bệnh tràng nhạc). Vi khuẩn từ những vùng bệnh khác theo máu đi lên các xương và gây ra bệnh lao xương.

Theo Đông y, ở trẻ nhỏ thường do tiên thiên bất túc, hậu thiên không được nuôi dưỡng tốt; Nơi thanh niên và người lớn tuổi thì do phòng lao tổn thương Thận, hoặc do đái hạ, di tính. Hoặc do ăn uống thất thường, tỳ mất chức năng kiện vận, kim không sinh được thủy khiến cho Thận khí khuy tổn, tùy bị hư, xương bị rỗng, ngoại tà thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc, vào các khớp, tả khí và đởm trọc tích tụ lại không tan. Hoặc do bị té ngã, bị đánh đập, đao thương đâm chém… làm cho khí huyết không điều hòa, ứ huyết trở trệ, tà bên trong và ngoài hợp lại gây nên bệnh.

Trong quá trình bệnh thì bắt đầu là hàn, lâu ngày sinh nhiệt; vừa là tiên thiên bất túc, Thận hư, tủy suy, vừa là khí huyết mất điều hòa, đờm trọc ngưng trệ (chứng thực). Lúc làm mủ, không những hàn hóa nhiệt, âm chứng chuyển thành dương chứng, mà thận âm hư ngày càng trầm trọng, hỏa ngày càng vượng lên, cho nên vào trung kỳ và hậu kỳ, thường xuất hiện chứng âm hư hỏa vượng, bệnh càng kéo dài, mủ càng ra nhiều (mủ là do khí huyết tân dịch hóa thành) thì khí huyết càng hư.

Triệu chứng

Bệnh lao xương thường bị tổn thương nặng ở thắt lưng. Đặc điểm lớn nhất là tình trạng đau lưng, từ nhẹ đến nặng, đi kèm với cơ thể gầy sút, suy nhược, sốt nhẹ về buổi chiều.

Sau một thời gian, có người bệnh thắt lưng lên một khối u, mềm nhưng không có cảm giác nhức. Khi khối u vỡ, chất nhầy bã đậu chảy ra, vàng tạo thành vết loét và lỗ rò rĩ không thể lạnh, gọi là hiện tượng áp xe lạnh ở ngoài cột sống.

Cùng với các dấu hiệu nhiễm khuẩn, sưng các khớp, bệnh nhân lao xương khớp sẽ thấy các hoạt động vận động khó khăn hơn do các khớp và xương đau nhẹ hoặc vừa phải. Chẳng hạn, nếu lao cột sống thì không cúi, không ngửa được; lao khớp háng thì không co duỗi được chân… Các dấu hiệu khác có thể gặp là teo các cơ vận động khớp; gù vẹo, gấp khúc cột sống trong lao cột sống, đi tập tễnh lệch người trong lao khớp háng; liệt và rối loạn cơ tròn do ổ áp xe lạnh gây chèn ép vào tủy sống…

Biện chứng

Nếu khớp xương háng bị vi khuẩn tấn công thì người bệnh sẽ bị nôi hạch ở bẹn, sưng to, đỏ và rất đau. Sau một thời gian thì hạch có lỗ rò, tiết ra dịch vàng nhờ nhờ. Nếu vệ sinh không cẩn thận, sạch sẽ thì lại là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Những tổn thương khớp xương từ giai đoạn này có thể gây ra hiện tượng teo cơ mông, cơ đùi và tổn thương khớp vai, cổ tay, khớp gối, cổ chân… Nhưng biến chứng đáng sợ thường gặp nhất trong lao xương khớp là người bệnh bị liệt hai chi dưới hoặc tứ chi (tùy theo vị trí tổn thương ở cột sống bị biến dạng, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh. Qua một thời gian, vi khuẩn lao sẽ phát triển, tấn công lan rộng đến các cơ quan, tạng phủ như não, phổi, tim, …. Khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn, nguy cơ tử vong càng cao hơn.

Điều trị

Với sự tiến bộ của y học hiện nay, bệnh lao xương, có thể chữa khỏi được hoàn toàn trong một thời gian từ 9 -12 tháng. Tuy nhiên, nếu việc điều trị tùy tiện, không dứt khoát và không đúng cách sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Điều trị cần phải đảm bảo đúng phác đồ, liệu trình chỉ định nếu không vi khuẩn kháng thuốc sẽ là nguyên nhân dẫn tới thất bại.

Trong trường hợp khớp đã bị tổn thương thì có chỉ định cố định khớp. Nếu người bị tổn thương cột sống thì tốt nhất là sử dụng giường bột. Nếu là thương khớp tay, chân thì cần dùng máng bột. Như vật có thể giúp người bệnh có thể tự sinh hoạt cá nhân không ảnh hưởng đến vị trí xương, khớp, teo cơ vì thiếu vận động.

Khi người bệnh bị tổn thương nặng ở vị trí cột sống hoặc cột sống có độ di lệch cao, có nguy cơ chèn tủy, rễ thần kinh thì cần phải bó bột trong 3 tháng.

Biện chứng Đông y

Chứng bệnh lưu đờm là âm chứng nặng nhưng thay đổi nhiều, bệnh lý phức tạp. Lúc biện chứng chú ý bệnh lý Thận hư và chú ý bổ Thận suốt cả 3 thời kỳ. Phong hàn đờm trọc ngưng tụ là nhân tố chủ yếu hình thành bệnh. Cho nên sơ kỳ chủ yếu là tán hàn hóa đờm, trung kỳ bài nùng thác độc để khu tà, phương pháp chủ yếu trị bệnh là ôn kinh tán hàn hóa đờm bổ hư.

Sơ kỳ: Tùy xương đã có thay đổi bệnh lý nhưng bên ngoài chưa sưng, mầu da bình thường, chỉ có cảm giác đau nhức âm ỉ; dần dần khớp vận động đau tăng, nhưng triệu chứng toàn thân không rõ rệt.

Điều trị: Ích thận, ôn kinh, hóa đờm tán hàn; dùng bài Dương hòa thang gia vị.

Trung kỳ: Vùng bệnh bắt đầu sưng phù, sốt sáng nhẹ, chiều nặng (hiện tượng hàn hóa nhiệt); vào lúc làm mủ chín thì da đỏ và ấn có cảm giác bập bềnh.

Điều trị: Phù chính, thác độc; dùng Thấu nừng tán.

Hậu kỳ: Mù vỡ, chảy mủ lỏng, có chất đục lợn cợn, lâu ngày miệng loét lõm xuống, màu da chung quanh tím xám, hình thành lỗ dò khó thu miệng. Nếu bệnh ở tay chân, co bắp teo dần; Nếu ở đốt sống ngực hoặc thắt lưng thì chân tay co cứng hoặc liệt, có khi tiêu tiểu không tự chủ. Bệnh lâu ngày, nguyên khí suy, cơ thể gầy mòn, tinh thần lạnh nhạt, sắc mặt kém tươi nhuận, người sợ lạnh, hồi hộp, mất ngủ, ra mồ hôi, lưỡi đỏ nhạt, rêu trắng mỏng. Tế hoặc Hư Đại là chứng khí huyết hư. Nếu sốt về chiều, đêm ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, chán ăn, hoặc ho đờm có máu, lưỡi đỏ ít rêu hoặc lưỡi mỏng, mạch tế sác là triệu chứng âm hư hỏa vượng.

Điều trị: Điều bổ khí huyết, dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh thang.

Trường hợp âm hư hỏa vượng dungf bài Thanh cốt tán, Vùng thắt lưng đau mỏi, chân yếu: thêm Tục đoạn, Cầu tích, Thô ti tử, Ngưu tất, bột Lộc giác. Ra mồ hôi nhiều thêm Hoàng kỳ, Phù tiêu mạch, Mẫu lệ nung, Long cốt, Đơn bì. Ho đờm có máu thêm Nam sa sâm, Mạch môn, xuyên Bối mẫu, Đơn bì.

Do khí huyết bất túc, đờm trọc ngưng tụ, lưu ở tủy xương lâu ngày thành bệnh.

Cách trị: Kháng lao sát trùng. Dùng Hoàng lạp ba đậu hoàn. Đa số bệnh nhân kiên trì uống thuốc trên một tháng đều có thể khỏi.

Cách chung: chủ yếu là phải kiên trì uống thuốc, vì thuốc không có phản ứng xấu. Kiên trì dùng thuốc cho đến khi khỏi.

Hoặc dùng Phụ hổ quy hỏa thang.

Dùng ngoài:

Sơ kỳ: dùng Dương đặc nội tiêu tán thêm Hắc thoái tiêu dán ngoài.

Trung kỳ: chọc hút hoặc rạch thảo mủ.

Hậu kỳ (vỡ mủ) dùng Ngũ ngũ đơn (nung Thạch cao), Thăng cơ tán để thu miệng.

Bệnh án Lao xương

(Trích trong Thiên gia diệu phương, q. hạ)

Tào XX, nam, 27 tuổi nông dân.

Khám ngày 10/3/1978. Bệnh nhân người gầy như que củi, có vẻ bệnh nặng, nằm không động đậy được, rãnh bụng chân và trước nách đều lở loét, chảy nước và mủ. Đốt sống lưng thứ 4,5 vỡ hai miệng, mủ chảy không ngừng, da thịt toàn thân khô ráp, thân lưỡi thon, chất lưỡi nhạt, mạch Tế Nhược. Bệnh nhân 10 phần khổ sở, đã qua nhiều bệnh viện Tây y điều trị, chụp X quang, chẩn đoán lao đốt sống lưng số 4-5, đã điều trị bằng nhiều cách nhưng không thấy chuyển biến, bệnh tình dần dần nặng thêm.

Sau khi chấn thương, kiên trì uống Hoàng lạp ba đậu hoàn hơn 1 tháng, khỏi bệnh. Theo dõi, thấy đã có thể tham gia lao động.

Nhận xét: Ba đậu vị cay, tính ôn, có độc, có thể bổ hư, bài nùng, tiêu thũng độc, sát trùng. Phong lạp hơi ôn, không độc, có thể bổ trung ích khí, sinh cơ, sinh huyết, bổ hư. Hai vị phối hợp, thu được hiệu quả ngay (Lâm Đại Đồng – tỉnh Hà Bắc).

Bệnh Ấn Lao Xương Sống Ngực (Hung Chùy Cốt Kết Hạch)

(Trích trong Thiên gia diệu phương,q. hạ)

Triệu XX, nữ, 46 tuổi, xã Viên hợp tác.

Tháng 10/1978 đau vùng lưng, ngày 6/11 đi bệnh viện khám, chụp X quang cho biết xương đốt sống lưng ngực 2 -5 không tròn, khe đốt tiêu mất, mặt xương sống lồi dị hình, đĩa đệm đốt thứ 5 cũng lệch, bề mặt đốt sống có hình dạng khác thường, có mủ, sưng. Chẩn đoán là bao đốt sống (ngực) thứ 2-5 sinh mủ, sưng to, đã điều trị nhưng không khỏi. Ngày 3/2/1979 đễn xin chữa trị bằng Đông y. Khám thấy mạch Trầm Huyền, thân thiệt bình thường, chứng trạng chủ yếu là cột sống lưng đau, đến đêm thì đau tăng, nằm khó dịch chuyển. Kiểm tra thấy đốt sống ngực 2-5 mờ, cạnh xương sống lồi thành khối cứng, đè rất đau, màu da bình thường, nước tiểu cứ rỉ ra cả tháng nay, ăn uống kém.

Chẩn đoán là chứng ‘cốt lưu đảm’ do dương độc nội phiếm gây nên.

Cách trị: Hóa nùng, sinh cơ, giải độc tiêu thũng, dùng Ngô tiêu tán.

Người bệnh uống liên tục 2 liều (28 ngày). Lần khám 2: Tiểu tiện bình thường, lưng còn đau nhẹ, ăn uống tăng hơn. Tiếp tục uống phương trên 2 liều nữa. Khám lần 3: Lưng hết đau, phần thịt dị hình giảm, có thể đi lại hoạt động được. Tiếp tục uống bài trên 1 liều (14 ngày). Khám lần 4: các chứng đều hết, đi, nằm đều bình thường. Bệnh viện kiểm tra thấy khỏi bệnh. Sau khi khỏi, thấy kết quả tốt. Theo dõi thấy có thể tham gia lao động lại được.

Nhận xét: Qua nhiều năm dùng Ngô tiêu tán điều trị nhiều bệnh nhân bị lao đốt sống ngực. Có thể dùng bài này trị lao xương ở vùng khác, có kết quả trên 90% (Tào Thư Khuê – tỉnh Hà Bắc).

Quách XX, nam, 35 tuổi, xã viên công xã.

Bệnh nhân cho biết 5 năm trước có một lần do gánh quá nặng, vùng lưng (ngực) đau, làm việc thì đau tăng. Gần một năm nay, bệnh đau tăng, vùng lưng bị co rút. ĐI bệnh viện chiếu X quang, đốt thứ 7-9 xương sống bị lệch, chất xương không trong, có mủ chảy ra, chẩn đoán lao đốt sống ngực, cho chích Streptomycin 4 tháng nay hai chân tê cứng, vì vậy, ngày 21/8/1973 đến Đông y khám điều trị.

Khám thấy sắc mặt vàng tối, mệt mỏi, hai chân đi lại khó khăn, ăn kém, đại tiểu tiện bình thường, chất lưỡi đỏ, rêu trắng, mạch Tế sác.

Chẩn đoán là Thận khí bất túc, tinh huyết khuy tổn, làm cho khí huyết không điều hòa, đờm trọc ngưng tụ, lưu ở xương tủy.

Cách trị: Hoạt huyết hóa ứ, giải độc tán kết. Dùng Cốt lao tán thêm Phong phòng 30g.

Uống 30 thang, hai chân bớt tê cứng, ăn uống khá hơn. Ngày 26/9 chụp X quang thấy mù có hiện tượng hấp thụ, chất xương trong hơn. Sau khi uống tiếp 1 liều thuốc nữa, chân hết tê cứng, tự xuất viện về nhà. Uống tiếp 4 liều thuốc nữa, cơ thể phục hồi, khỏe mạnh. Theo dõi thấy đã tham gia hợp tác làm công việc điều chế trong bệnh viện.

Đinh XX, nữ, 42 tuổi, thành phố Thừa Đức.

Bệnh nhân cho biết đã bị bệnh lao xương sống 4 năm, càng ngày càng nặng. Kiểm tra X quang thấy phía trên phổi bên phải bị lao, vôi hóa, đốt sống 9-10 bị biến dạng, chứ nhiều mủ, chẩn đoán là lao đốt sống ngực. Vì cơ thể suy nhược, không thể giải phẫu, phải điều trị tại nhà. Vì bệnh nhân bị dị ứng với Stretomycin, không dùng thuốc.

Ngày 3/7/1973 đến xin điều trị. Người bệnh sắc mặt ám tối, cơ thể gầy ốm, mệt nhọc, nằm tại chỗ hơn 8 tháng, đốt sống số 9-10 lồi cao, bên trái lưng có lỗ to như hạt đậu nành chung quanh màu đen tía, miệng lõm xuống, chảy mủ không ngừng, về chiều phát sốt, ăn uống kém, tiểu tiện vàng, đại tiện ít, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác.

Chẩn đoán là Thận khí bất túc, tinh huyết khuy tổn, làm cho khí huyết không điều hòa, đờm trọc ngưng tụ, lưu ở xương tủy.

Cách trị: Hoạt huyết hóa ứ, giải độc tán kết. Dùng Cốt lao tán, thêm Ban miêu.

Uống 1 liều, chỗ nhọt đỏ lên, mủ chảy ra ít, ăn uống khá. Uống tiếp 3 liều nữa, lỗ nhọt khép lại, tự đi lại được, có thể làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà. Liều thứ 4, tiếp tục uống bài thuốc trên bỏ Ban miêu. Tổng cộng đã uống 10 liều thuốc, điều trị hơn 1 năm, cơ thể hồi phục, khỏe mạnh, ngừng thuốc. Tháng 8/1974 chụp X quang kiểm tra thấy vùng bệnh đã hết mủ, chất xương đã trong trở lại. Theo dõi 7 năm, không thấy tái phát.

Nhận xét: Cốt lao tán dùng chủ yếu loại côn trùng để phá huyết trục ứ, có tác dụng ‘phá kiên trục ứ, trị vết thương, giảm đau’. Chỉ cần 1 vị thuốc có lực mạnh để phá huyết, trục ứ, tiêu trung, tán kết. Toàn trùng, Ngô công tức phong trấn kinh, giải độc tán kết, đối với các chứng nhọt lở, loa lịch có hiệu lực nhất định. Dược lý học hiện đại nghiên cứu cho biết, Ngô công có tác dụng ức chế trực khuẩn lao, xúc tiến quá trình chuyển hóa thay thế của cơ thể. Xuyên sơn giáp hoạt huyết thông kinh, tiêu sưng, trừ mủ, dẫn thuốc vào chỗ bệnh. Cốt lao tán, trên lâm sàng đã dùng trị nhiều bệnh lao xương, đều đạt hiệu quả cao (Định Thế Danh – tỉnh Hà Bắc).

Điều dưỡng

Chú ý giữ gìn tinh thần thanh thản, tránh căng thẳng, không lo âu buồn phiền, sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc điều độ để cho cơ thể khỏe giúp bệnh chóng hồi phục.

Không ăn mỡ, các chất cay nóng như tiêu, ớt cay, rượu, hạn chế ăn đường, ăn nhiều chất rau xanh, trái cây.

Cố định vùng bệnh, hạn chế hoạt động.

Chú ý tắm rửa vệ sinh lau người hàng ngày, thường xuyên thay đổi tư thế bệnh nhân, chống loét. Để đạt hiệu quả điều trị tốt, cần chú ý 3 vấn đề cơ bản: tinh thần bệnh nhân cần giữ được thanh thản thoải mái, chế độ chăm sóc vệ sinh chu đáo, chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, trái cây, rau xanh.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *