Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

ĐIÊN CUỒNG

Khái niệm: điên và cường là bệnh thuộc rối loạn thần chí do làm mê thần khiếu, thàn cơ nghịch loạn gây nên. Triệu chứng đặc trứng của chứng bệnh điên là tinh thần uất ức, vẻ mặt thờ ơ, nín thinh đẫn đờ, ngôn ngữ không mạch lạc, tĩnh lặng mà ít vận động. Triệu chứng đặc trưng của chứng bệnh cuồng là tinh thần hưng phấn, dễ kích động, nhiễu loạn không yên, hủy hoại đồ vật, đánh chửi người khác, tăng động mà dễ cáu giận. Chứng bệnh điên và cuồng đan xen với nhau, có thể chuyển hóa lẫn nhau nên thường hợp lại thành chứng điên cuồng.

Bệnh danh điên cuồng thấy ghi trong cuốn “Nội kinh”, phân tích tường tận về triệu chứng, nguyên nhân bệnh sinh, phương pháp điều trị.

Về phương diện mô tả triệu chứng bệnh thì cuốn “Linh khu – Điên cuồng thiên” có nêu: phát sinh chứng điên thấy buồn bã, đầu căng nặng và đau, mắt nhìn lên, mắt đỏ, phiền não; phát sinh chứng cuồng thấy không thích nằm, không thấy đói, tự cao, tự đại, thích đánh chửi người khác, cả ngày đêm không thích nghỉ ngơi.

Về phương diện nguyên nhân bệnh sinh, trong “Tố vấn – Chí chân yếu địa luận” có nêu hỏa tà nhiễu tâm có thể nên bệnh; trong “Tố vấn – Mạch giả thiên” có nêu rối loạn âm dương có thể gây nên bệnh; trong “Linh khu – Điên cuồng” có nêu rối loạn tình chí cũng có thể gây nên bệnh. Đời Hán, Trương Trọng Cảnh đã làm rõ hơn về nguyên nhân bệnh: tâm hư mà khí huyết thiếu, tà xâm nhập âm gây nên chứng điên, tà xâm nhập dương gây nên chứng cuồng. Đời Kim – Nguyên, trong “Đan khê tâm pháp – Điên cuồng” có nêu: điên thuộc âm, cuống thuộc dương, khiếu, có ý nghĩa trọng yếu trong chỉ đạo lâm sàng. Đời Minh – Thanh đưa ra thuyết đàm hỏa, phân biệt rõ chứng điên và chứng cuồng. Trong “Cảnh Nhạc toàn thư  – Điên cuồng si ngai” có nêu: bệnh cuồng thường tỉnh, hay kích động cáu giận; bệnh điên thường mê mẫn, tĩnh lặng. Vương Thanh Nhậm (đời Thanh) có nêu lên lý luận về chứng huyết ứ có thể gây nên điên cuồng và đưa ra mối quan hệ giữa chứng điên cuồng với não.

Về phương diện điều trị, trong “Tố vẫn – Bệnh năng luận” có nêu: phương pháp điều trị bệnh là điều tiết ẩm thực và uống sinh thiết lạc (Fe3O4, có tác dụng bình can trấn kinh) Chu Đan Khê đưa ra pháp trấn tâm thần, khai đàm kết: tâm kinh uẩn nhiệt thì dùng pháp thanh kim trừ phiền, đàm mê tâm khiếu thì dùng pháp hạ đàm ninh tâm, bệnh cuồng thì nên dùng pháp đại thổ đại hạ. Đời Thanh, về điều trị đã có bước phát triển, trong “Y học chính truyền” cho rắng chứng cuồng là do đàm hỏa thực thịnh, chứng điên là do tâm huyết bất túc; chứng cuồng nên dùng pháp hạ, chứng điên nên dùng pháp điều trị điên cuồng là giải uất hóa đàm, ninh tâm an thần; điều trị chứng cuồng nên điều tiết ẩm thúc, giáng hỉa, hạ đàm và nên dùng thuốc liều cao. Vương Thanh Nhậm đã sáng tạo nên bài Điên cuồng mộng tinh thang để điều trị chứng huyết ứ gây điên cuồng.

Đối chiếu với y học hiện đại, các triệu chứng mô tả trong điên cuồng thuộc bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực… gây rối loạn tâm thần đều có thể tham khảo chứng bệnh này để điều trị.

NGUYÊN NHÂN BỆNH SINH

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh điên cuống thường do tổn thương thất tìn: lo lắng không toại nguyện, đau buồn hay vui mừng quá độ, hoảng hốt kinh sợ… đều làm tổn thương tâm can tỳ thận, rối loạn chức năng tạng phủ hoặc âm dương mất cân bằng làm cho khí trệ, đàm kết, hỏa uất, huyết ứ bưng bít thanh khiếu gây nên bệnh.

Âm dương thất điều: âm dương thiên thịnh hay thiên suy là nhân tố chủ yếu gây nên bệnh. Trong “Tố vấn – Tuyên minh ngũ khí thiên” có nêu: tà nhập vào dương thì phát cuồng, tà nhập vào âm gây tắc trệ. Âm dương của cơ thể không bình hằng, không liên hệ tương hỗ làm cho âm hư phía dưới, dương cang phía trên nên tâm thần nhiễu loạn, thần cơ nghịch loạn gây nên chứng điên cuồng.

Tình chí ức uất: cáu giận thương can, kinh sợ thương thận, vui mừng quá độ thương tâm, can thận âm hư làm chi thủy hỏa không tương tế, tâm hỏa đơn độc cang thịnh làm nhiễu loạn tâm thần; hoặc do can thận âm hư, hỏa không hàm mộc, âm hư dương cang, sinh nhiệt phong hun đốt tân dịch thành đàm, đàm hỏa nhiễu loạn phía trên làm thần cơ nghịch loạn gây nên chứng điên cuồng; hoặc do lo lắng quá độ làm tổn thương tâm tỳ, khí huyết bất túc, tâm thần không được nuôi dưỡng đầy đủ, thần không có nơi trú ngụ; hoặc do tỳ vị âm hư, vị nhiệt tích thịnh làm tâm can hỏa nhiễu loạn lên trên gây nên chứng điên cuồng.

Đàm khí thưỡng nhiễu: lo lắng quá độ làm tổn thương tâm tỳ, tỳ mất kiện vận làm tụ thấp sinh đàm; hoặc do can khí uất kết khắc tỳ thổ gây rối loạn vận hóa, tụ thấp sinh đàm, đàm theo khí nghịch bưng bít tâm khiếu, nghịch loạn thần minh gây nên điên cuống.

Khí huyết ngưng trệ: tổn thương thất tình, khí uất trệ làm huyết ngưng, hoặc do ngoại thương gây huyết ứ, khí huyết ngưng trệ làm cho não khi ngưng trệ, khí huyết do tạng phủ hóa sinh không thể sung dưỡng phủ nguyên thần; hoặc do huyết ứ trở trệ mạch lạc, khí huyết không đưa lên nuối dưỡng não tủy gây nên chứng điên cuồng.

Ngoài ra, chứng bệnh điên cuồng có liên quan mật thiết đến bẩm tố tiên thiên, mạnh yếu của thể chất. Nếu vốn dĩ cơ thể có thể chất cường tráng, âm bình dương bí, mặc dù cảm thụ kích thích của thất tình thì rối loạn tình chí chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không gây nên bệnh; ngược lại, kinh sợ, đau buồn, không toại nguyện… làm thất tình nội thương, âm dương thất điều sẽ gây nên bệnh. Bệnh nhân mắc điên cuồng luôn có liên quan đến yếu tố gia đình.

Tóm lại, nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu của chứng điên cuồng là do nhân tố khí dàm hỏa ứ làm cho âm dương thất điều, tâm thần bị nhiễu loạn, thần cơ nghịch loạn gây nên. Vị trí bệnh tại não, liên quan mật thiết đến các tạng can tỳ thận, tổn thương tâm thần là chủ yếu. Chứng bệnh điên cuồng phân ra hư chứng, thực chứng, hư thực thác tạp.

CHẨN ĐOÁN

Chứng bệnh điên: nín thinh đờ đẫn, ngôn ngữ không mạch lạc, thích tĩnh tại, chứng bệnh cuồng: nhiễu loạn không yên, đập phá đồ đạc, đánh chửi người khác, tăng động mà dễ cáu giận.

Bệnh sử liên quan đến nội thương thất tình và yếu tố gia đình; hoặc mắc uất bệnh, mất ngủ mà gây nên bệnh.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, tuy vậy hay gặp ở nữ giới, tuổi thanh niên.

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Nhàn bệnh: nhàn bệnh có triệu chứng đặc trưng là đột nhiên ngã, hôn mê, hai mắt nhìn lên trên, sùi bọt mép, chân và tay co giật; so với điên cuồng thì dễ phân biệt. Đối chiếu với y học hiện đại thì các triệu chứng mô tả trong nhàn bệnh thuộc bệnh động kinh nguyên phát hoặc thứ phát.

Tạng táo: tạng táo thường gặp ở nữ giới, biểu hiện chủ yếu thấy tinh thần ức uất, cười khóc thất thường, ngáp ngủ liên tục, có thể tự mình khống chế, nói chung không tự gây tổn thương cho mình và cho người khác. Đối chiếu với y học hiện đại thì các triệu chứng mô tả trong tạng táo thuộc hội chứng phân ly.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

5.1. Căn cứ biện chứng

Biện luận về âm dương: vốn dĩ thích động, tính tính dễ cáu giận, khi bị đàm hỏa dương tà xâm nhập làm tổn thương dương gây nên bệnh cuồng; vốn dĩ thích tĩnh tại, tinh thần ức uất, khi bị đàm uất âm tà xâm nhập làm tổn thương âm gây nên chứng điên.

Biện luận chứng điên nên chú ý đến mức độ nặng nhẹ của ức uất, đờ đẫn. Triệu chứng thường gặp của chứng điên là thấy tinh thần ức uất, vẻ mặt thờ ơ, ít nói, đờ đẫn. Thời kỳ đầu thường thấy vui giận thất thường, tự nói lẩm bẩm, ngôn ngữ không mạch lạc, rêu lưỡi trắng nhớp là đàm kết chưa sâu, bệnh tình còn nhẹ. Bệnh kéo dài về sau thấy người đờ ra như tượng, mắt nhìn đờ đẫn, không còn nhanh trí, rêu lưỡi dầy nhớp là đàm kết ở sâu và lâu ngày, bệnh tình nặng. Bệnh lâu ngày làm chính khí dần hao hư, mạch chuyển từ huyền hoạt thành hoạt hoãn và sang trầm tế vô lực. Diễn biến bệnh thấy khí huyết lưỡng hư, thần chí hoảng loạn, tư duy nghèo nàn, suy giảm ý chí là bệnh nặng, khó phục hồi. 

Biện luận chứng cuồng nên chú ý phân biệt về triệu chứng chủ yếu – thứ yếu, thứ tự xuất hiện trước – sau của đàm hỏa và âm hư. Giai đoạn đầu của bệnh cuồng thì triệu chứng biểu hiện chủ yếu là ddien cuồng ngu dại, hưng phấn quá mức; nguyên nhân do đàm hỏa thực tà nhiễu loạn thần minh gây nên. Bệnh lâu ngày nên hỏa hun đốt tân dịch, dần dần gây nên chứng âm hư hỏa vượng; lúc này cần phân biệt triệu chứng chủ yếu – thứ yếu, xuất hiện trước mặt – sau để đưa ra phương pháp điều trị và lựa chọn thuốc phù hợp. Nếu chủ yếu là do đàm hỏa thì biểu hiện thấy đột  nhiên hưng phấn, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền hoạt sáp; nếu chủ yếu là âm hư thì biểu hiện thấy lo âu, bứt rứt, mất ngủ, tinh thần uể oải, chất lưỡi hồng,rêu lưỡi ít hoặc không có rêu lưỡi, mạch tế sác. Để phán đoán triệu chứng xuất hiện trước – sau của đàm hỏa và âm hư thì cần phải quan sát sự thay đổi về triệu chứng, rêu lưỡi, mạch.

5.2. Nguyên tắc điều trị

Chứng bệnh điên thường là hư chứng, bệnh thuộc âm, liên quan đến khí với đàm nên pháp điều trị chủ yếu là giải uất hóa đàm, ninh tâm an thần, bổ khí dưỡng huyết. Chứng bệnh cuồng thường là thực chứng, bệnh thuộc dương, liên quan đến đàm hỏa và huyết ứ nên pháp điều trị chủ yếu là giáng hỏa hay hạ đàm, hoặc hóa ứ; giai đoạn sau nên dùng pháp tư dưỡng âm dịch của tâm can kiêm thanh hư hỏa. Nguyên tắc điều trị tổng hợp là điều chỉnh âm dương theo đúng tinh thần trong “Tố vấn – Sinh khí thông thiên luận” có nêu: âm bình dương bí, tinh thần nại trị. Kết hợp với y học hiện đại để đánh giá và có kế hoạch điều trị.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

6.1. Bệnh điên

6.1.1. Đàm khí uất kết

Lâm sàng: tinh thần ức uất, vẻ mặt thở ơ, nín thinh đẫn đờ; kèm theo bứt rứt, mất ngủ, hay lo lắng, tự nói lầm bầm, ngôn ngữ không mạch lạc; hoặc hoạt động uể oải, không muốn ăn uống, đại tiện phân nát; rêu lưỡi trắng nhớp hoặc vàng nhớp hoặc nhớp bẩn, mạch huyền hoạt sác hoặc nhu hoạt.

Phân tích: do lo lắng quá độ, không được toại nguyện dần làm cho can khí uất kết, rối loạn kiện vận của tỳ nên sinh đàm trọc, bưng bít thần minh gây chứng ức uất, đờ đẫn hoặc ngôn ngữ không mạch lạc. Đàm nhiễu loạn tâm thần nên thấy bứt rứt, mất ngủ hoặc hay lo lắng. Đàm trọc ứ trệ gây không muốn ăn, đại tiện phân nát. Rêu lưỡi vàng nhớp, mạch hoạt là biểu hiện của chứng khí uất đàm kết. Đàm có thể là hàn đàm và nhiệt đàm nên thấy biểu hiện khác nhau về rêu lưỡi trắng nhớp, vàng nhớp hay nhớp bãn và mạch thấy huyền hoạt, hoạt sác hay nhu hoạt.

Pháp điều trị: sơ can giải uất, hóa đàm khai khiếu.

Bài thuốc:

+ Thuận khí đạo đàm thang (Nghiệm phương) gia vị

Bán hạ  10g, Trần bì 12g, Bạch linh  12g, Đởm nam tinh 12g, Hương phụ  12g, Mộc hương  10g,  Thạch xương bồ  12g, Uất kim 12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì bán hạ, trần bì, đởm nam tinh, bạch linh có tác dụng lợi khí hóa đàm; hương phụ, uất kim, mộc hương, thạch xương bồ có tác dụng giải uất khai khiếu.

+ Nếu đàm trọc ủng thịnh, đầy tức ngực, chảy nhiều đờm dãi ở miệng, mạch hoạt đại hữu lực, hình thể to khỏe thì tàm thời dùng bài Tam thánh tán (Nho môn sự tân) để gây nôn

Qua đế  90g, Phòng phong  90g,  Lê lô 10g.

Chú ý: lê lô có tên khoa học là Veratrum nigrum L.; có tác dụng thổ phong đàm. Các vị thuốc trên tán mịn, mỗi lần uống 15g đến khi đạt hiệu quả gây nôn. Sau khi gây nôn thì cơ thể sẽ mỏi mệt, nên ăn uống tốt để hồi phục sức khỏe.

+ Nếu tinh thần thẫn thờ, vẻ mặt đờ đẫn, nói năng lung tung, mắt nhìn không chớp, rêu lưỡi trắng nhớp là do đam mê tâm khiếu gây nên; điều trị trước tiên dùng bái Tô hợp hương hoàn để hành khí khai khiếu, sau đó dùng bài Tứ thất thang có tác dụng hành khí khai uất, hóa đàm lợi thủy và gia thêm các gia vị thuốc có tác dụng hóa đàm hành khí.

Tô hợp hương hoàn (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)

Tô hợp hương   30g, Long não 30g, Xạ hương   60g,  An tức hương    60g,  Mộc hương 60g, Hương phụ 60g, Đàn hương   60g, Đinh hương  60g, Trầm hương 60g, Tất bát 60g, Nhũ hương  30g, Bạch truật 60g, Kha tử  60g, Chu sa  60g, Thủy ngưu giác  60g,

Các vị thuốc trên tán nhỏ, luyện với mật ong hoàn viên, mỗi lần dùng 08g.

Bài Tứ thất thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) gia vị

Tô diệp  12g, Bán hạ chế 10g, Hậu phác 12g, Bạch linh  12g, Sinh khương  10g,  Cam thảo 10g, Đại táo 12g, Đởm tinh 12g, Xương bồ 10g, Viễn chí  10g, Uất kim  12g

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

+ Nếu thấy mất ngủ, dễ kinh sợ, bứt rứt không yên, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch hoạt sác là do đàm kết khí uất hóa nhiệt, đàm nhiệt hun đốt, đưa lên nhiễu loạn tâm thần gây nên; pháp điều trị nên thanh nhiệt hóa đàm; bài thuốc dùng Ôn đởm thang (Tam nhân cực – Bệnh chứng phương luận) phối hợp cùng với Bạch kim hoàn (Phổ tế bản sự phương) để giải uất hóa đàm

Trần bì  12g, Bán hạ  10g, Bạch linh 12g, Cam thảo 10g, Trúc nhự 10g, Chỉ thực   12g, Sinh khương  10g, Đại táo 12g, Hoàng liên  12g, Bạch phàn  03g, Uất kim   12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

+ Nếu thấy ý thức mê man thì dùng bài Chí bảo đan (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) để thanh tâm khai khiếu

Thủy ngưu giác 30g, Chu sa  30g, Đồi mồi   30g, Băng phiến  03g, An tức hương  45g, Ngưu hoàng 15g, Hùng hoàng 30g, Bạc quỳ 50 phiến, Vàng quỳ  50 phiến

Các vị thuốc trên bào chế thanh viên hoàn, mỗi lần uống 03g.

+ Nếu thấy la hét om xòm, đánh chửi người khác, đập phá đồ đạc là chứng hỏa thịnh dục cuồng, nên căn cứ chứng cuồng để luận trị, phối hopwh với y học hiện đại để có phương án điều trị thích hợp.

6.1.2. Khí hư đàm kết

Lâm sàng: thẫn thờ, ngồi im, không nói, nếu nặng thì ngồi ngây như tượng mắt nhìn đờ đẫn, nói cười ngây ngô; kèm theo chứng trạng thái bị động, không còn nhanh trí, vẻ mặt ngây ngô, ảo thanh, ảo thị, tự ám thị, sắc mặt ám vàng, ăn ít, đại tiện phân nát, nước tiểu trong; chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch tế hoạt hoặc tế nhược.

Phân tích: chứng điên lâu ngày làm chính khí hao hư, rối loạn vận hóa của tỳ làm đàm trọc tích thịnh. Đàm kết tụ lâu ngày làm bưng bít tâm khiếu gây chứng thẫn thờ, ngồi ngây như tượng, nếu nặng thì thấy ảo thanh, ảo thị, tự ám thị. Đàm thấp khốn tỳ, tỳ khí hao hư nên thấy sắc mặt ám vàng, ăn ít, đại tiện phân nát, nước tiểu trong. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng khí hư đàm kết.

Pháp điều trị: ích khí kiện tỳ, địch đàm tuyên khiếu.

Bài thuốc: Tứ quân tử thang (Thánh tế tổng lục) phối hợp Địch đàm thang (Ký hiệu lương phương) gia vị

Đảng sâm  12g, Bạch truật 12g, Bạch linh  12g, ,Cam thảo  12g ,Bán hạ 10g, Đởm nam tinh 12g, Trần bì    10g, Chỉ thực  10g, Thạch xương bồ 12g, Trúc nhự   10g,  Viễn chí  10g, Uất kim   12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì đảng sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo có tác dụng ích khí kiện tỳ để phù chính cố bản; bán hạ, đởm nam tinh, trần bì, chỉ thực, thạch xương bồ, trúc nhự có tác dụng tiêu trừ đờm dãi; viễn chí, uất kim để hành khí hóa đàm, giúp cho thạch xương bồ khai khiếu tỉnh thần.

6.1.3. Tâm tỳ lưỡng hư

Lâm sàng: tinh thần ngơ ngác, hồn vía đảo điên, buồn rầu dễ khóc; kèm theo thấy sắc mặt trắng bệch, hồi hộp, hy hoảng hốt, chân tay rã rời, ăn ít; chất lưỡi nhợt bệu, có ấn răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược vô lực.

Phân tích: chứng điên lâu ngày làm tâm huyết hư hao, tâm thần không được nuôi dưỡng đầy đủ gây chứng tinh thần ngẩn ngơ, hồn vía đảo điên, buồn rầu dễ khóc. Huyết thiếu khí suy, tỳ không được kiện vận, huyết không dưỡng được tâm gây ăn ít, chân tay rã rời, hồi hộp, dễ hoảng hốt. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện củ chứng tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết đều hư.

Pháp điều trị: ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết an thần.

Bài thuốc: Dưỡng tâm thang (Chứng trị chuẩn thằng) gia vị

Nhân sâm   06g, Hoàng kỳ   15g, Cam thảo 10g, Đương quy 12g, Xuyên khung  12g,  Bạch linh  10g, Viễn chí   10g,   Bá tử nhân 10g, Táo nhân 10g,Ngũ vị tử   10g, Nhục quế    03g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ, cam thảo có tác dụng bổ tỳ ích khí; đương quy, xuyên khung có tác dụng dưỡng tâm huyết; bạch linh, viễn chí, bá tử nhân, táo nhân, ngũ vị tử có tác dụng ninh tâm an thần; nhục quế để đưa thuốc vào kinh tâm, phát huy tác dụng dưỡng tâm an thần.

+ Nếu thận dương bất túc gây co ro, sợ lạnh, nước tiểu trong, đại tiện phân lẫn thức ăn chưa tiêu thì nên gia thêm các vị có tác dụng ôn bổ thận dương như bổ cốt chi, ba kích, nhục thung dung.

+ Nếu thấy đau buồn dễ khóc, tinh thần ngẫn ngơ thì nên phổi hợp bài thuốc trên với bài Cam mạch đại táo thang (cam thảo, phù tiểu mạch, đại táo) để tăng cường dưỡng tâm nhuận táo.

Chú ý: bệnh điên là bệnh từ phần khí xâm nhập vào phần huyết, bệnh lâu ngày thường kèm theo chứng huyết ứ. Biểu hiện lâm sàng ngoài triệu chứng chung tĩnh mạch dưới lưỡi phồng to và ím thẫm, mạch trầm sáp; khi điều trị nên dùng bài Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác)

Đào nhân  10g, Hồng hoa 10g, Đương quy 12g, Sinh địa   12g, Xuyên khung 12g, Xích thược 12g,Ngưu tất   12g, Cát cánh 10g, Sài hồ  12g, Chỉ xác  12g, Cam thảo  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Hoặc dùng bài Điên cuồng mộng tỉnh thang (Y lâm cải thác) gia hồng hoa, quy vĩ để tăng cường hoạt huyết

Đào nhân  10g, Sài hồ  12g, Hương phụ    12g, Mộc thông   12g, Xích thược 12g, Bán hạ  10g, Đại phúc bì   12g, Thanh bì 12g, Trần bì  12g, Tang bạch bì 10g,  Tô tử   12g, Cam thảo   10g, Hồng hoa  10g,  Quy vĩ  12g

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

6.2. Bệnh cuồng

6.2.1. Đàm hỏa nhiễu tâm

Lâm sàng: khởi bệnh cấp, đột nhiên thấy hung hăng điên cuồng, hai mắt trợn trừng, mặt đỏ, nói năng lung tung, chửi mắng người khác bất kể thân sơ; kèm theo thấy tính tình dễ cáu, hoặc đánh người, đập phá đồ đạc, hoặc khóc cười vô cớ, đau đầu, mất ngủ, thích uống nước mát, đại tiện phân táo, nước tiểu thẫm màu; chất lưỡi hồng bóng, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền hoạt sác.

Phân tích: ngũ chí hóa hỏa, kích thích đàm nhiệt ở dương minh, đưa lên nhiễu loạn thanh khiếu gây chứng tính tình dễ cáu, đau đầu, mất ngủ. Dương minh đơn độc cang thịnh, nhiễu loạn tâm thần làm cho thần cơ nghịch loạn gây chứng đột nhiên thấy hung hăng điên cuồng, nói năng lung tung, chửi mắng người bất kể thân sơ, uống nước mát, đại tiện táo bón, nước tiểu thẫm màu. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện củ chứng đàm hỏa ủng thịnh, xu thế tổn thương âm. Do hỏa thuộc dương, dương lại chủ về động nên bệnh khởi phát cấp tính và điên loạn không yên.

Pháp điều trị: trấn tâm địch đàm, tả can thanh hỏa.

Bài thuốc:

+ Sinh thiết lạc ẩm (Y học lâm ngộ)

Sinh thiết lạc  05g, Thiên môn 12g,  Mạch môn   12g, Bối mẫu  10g,  Đởm nam tinh 10g, Trần bì   10g, Viễn chí    10g, Liên kiều   12g, Bạch linh  10g, Phục thần 10g, Huyền sâm  12g, Câu đằng  12g, Đan sâm 12g, Thần sa  03g, Thạch xương bồ  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sinh thiết lạc (Fe3O4) có tác dụng trọng trấn giáng nghịch; đởm nam tinh, bối mẫu, trần bì  có tác dụng thanh trừ đàm trọc; thạch xương bồ, viễn chí, đan sâm, câu đằng, phụ thần, thần sa có tác dụng tuyên khiếu an thần; mạch môn, thiên môn, huyền sâm, liên kiều có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt.

Nếu thấy khát nước, thích uống nước mát thì gia sinh thạch cao, tri mẫu để tăng cường thạch nhiệt

Nếu đàm hỏa ủng thịnh gây rêu lưỡi vàng nhớp thì uống thêm viên Mông thạch cổn đàm hoàn (Dưỡng sinh chủ luận) để tả hỏa trục đàm

Mông thạch nung      30g        Hoàng cầm        250g

Đại hoàng                 250g      Trầm hương       15g

Các vị thuốc trên tán nhỏ hoàn viên, mỗi viên 06g, mỗi lần uống 01 – 02 viên, ngày 01 lần.

+ Nếu nói nhảm phát cuồng, đại tiện phân táo, nước tiểu màu vàng thì dùng pháp tả can thanh hỏa; bài thuốc dùng Đương quy long hội hoàn (Đan Khe tâm pháp)

Đương quy  30g, Long đởm thảo   15g, Chi tử 30g, Hoàng liên   30g, Hoàng cầm    30g, Hoàng bá  30g, Lô hội   15g, Đại hoàng  15g, Mộc hương  05g, Xạ hương  1,5g.

Các vị thuốc trên tán mịn, luyện với mật ong làm viên hoàn bằng hạt đậu, mỗi lần uống 0g với nước sắc sinh khương, ngày 02 lần.

Hoặc dùng viên An cung ngưu hoàng hoàn (Ôn bệnh điều biện) để thanh tâm khai khiếu

Ngưu hoàng  30g, Uất kim  30g, Xạ hương  7,5g, Thủy ngưu giác  30g,  Hùng hoàng  30g, Trân châu  15g, Chu sa  30g, Hoàng cầm 30g, Băng phiến 7,5g, Chi tử 30g, Vàng quỳ  7,5g.

Các vị thuốc trên tán nhỏ, luyện với mật ong àm viên hoàn; mỗi hoàn 30g, dùng vàng quỳ làm áo bao (vàng quy là mạt vàng tự nhiên, được dát rất mỏng thành phiến, có tính bình, vị cay đắng, có tác dụng trấn tâm an thần giải độc); nếu mạch hư thì dùng nước nhân sâm để uống; nếu mạch thực thì dùng nước sắc kim ngân hoa, bạc hà để uống. Người lớn mỗi ngày uống 01 viên, trẻ em mỗi ngày uống 1/2 viên.

+ Nếu ý thức đối tỉnh, đàm nhiệt còn chưa trừ hết, mất ngủ, bứt rứt thì dùng pháp hóa đàm an thần; bài thuốc dùng Ôn đởm thang (Tam nhân cực – Bệnh chứng phương luận) gia vị

Trần bì 10g, Bán hạ  10g, Bạch linh  12g, Cam thảo 10g, Trúc nhự  12g, Chỉ thực 10g, Sinh khương  10g, Đại táo  12g, Chu sa  03g, Hoàng cầm    12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Phối hợp với viên Chu sa an thần hoàn (Nội ngọa thương biện hoặc luận), uống trước khi đi ngủ

Chu sa    15g, Hoàng liên  18g, Cam thảo 16g, Sinh địa  08g, Đương quy 08g

Các vị thuốc trên tán nhỏ; riêng chu sa nghiền mịn rồi thủy phi để làm bao viên. Các vị thuốc làm thành viên hoàn nhỏ bằng hạt vừng, mỗi lần uống khoảng 15 hạt.

6.2.2. Âm hư hỏa vượng

Lâm sàng: cảm gác lo âu, căng thẳng, có lúc nóng nảy; kèm theo thấy cảm giác sốt ruột, mất ngủ, tinh thần uể oải, người gầy, mặt đỏ, hồi hộp, hay quên, lòng bàn chân và bàn tay nóng; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít oặc không có rêu lưỡi, mạch tế sác.

Phân tích: kích động và nóng nảy lâu ngày làm khí âm lưỡng hư. Nếu khí bất túc thì thấy tinh thần uể oải, có lúc nóng nảy quá mức. Nếu âm hao hư làm hư hỏa vượng thịnh, nhiễu loạn tâm thần gây chứng lo âu, căng thẳng hoặc cảm giác sốt ruột, mất ngủ, hồi hộp, hay quên. Người gầy, mặt đỏ, lòng bàn chân và bàn tay nóng là biểu hiện củ chứng hư hỏa thượng viêm. Chất lưỡi và mạch là biểu hiện của chứng âm hư nội nhiệt.

Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, an thần dịnh chí.

Bài thuốc: Nhị âm tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư) gia vị

Sinh địa  12g, Mạch môn   15g, Táo nhân  15g, Huyền sâm   12g, Cam thảo 10g, Phục thần 10g, Hoàng liên  12g, Mộc thông  12g, Đăng tâm thảo 10g, Trúc diệp  10g, Bạch vi 12g, Địa cốt bì 12g.

Trong bài thuốc trên thì sinh đị, mạch môn, huyền sâm có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt; hoàng liên, mộc thông, trúc diệp, đăng tâm thảo có tác dụng tả hỏa thanh nhiệt an thần; phục thần, táo nhân, cam thảo só tác dụng dưỡng tâm an thần; bạch vi, địa cốt bì có tác dụng thanh hư nhiệt.

+ Các vị thuốc trên sắc uống với viện Định chí hoàn (Ngoại đài bí yếu), có tác dụng kiên tỳ dưỡng tâm, an thần định chí

Nhân sâm              90g           Bạch linh          15g

Thạch xương bồ    15g           Viễn chí            15g

Các vị thuốc trên tán mịn, hoàn mật làm thành viên bằng hạt đậu, mỗi lần uống 05 – 06 viên.

+ Nếu thấy chứng âm hư hỏa vượng, đàm nhiệt chưa tiêu trừ thì gia qua lâu, đởm nam tinh, thiên nam tinh để tăng cường tiêu đàm.

6.2.3. Khí huyết ngưng trệ

Lâm sàng: bực dọc bất an, nổi nóng, nói nhiều; kèm theo thấy sắc mặt ám trệ, đầy tức ngực, đau đầu, hồi hộp; hoặc chán ăn, nói ít, vọng tưởng ly kyg, đa đoan; hoặc phụ nữ thấy đau bụng kinh, sắc kinh ra tím thẫm; chất lưỡi ám tím, ban điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch tế huyền, huyền sác hoặc trầm huyền trì.

Phân tích: chứng bệnh này là do khí huyết ngưng trệ làm cho khí ở não và khi ở tạng phủ không tương thông liên tục được với nhau gây nên. Nếu ứ mà kèm theo thực nhiệt, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác thì thường biểu hiện là bệnh cuồng; nếu ứ mà kèm theo hư hàn, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền mà trì thì thường biểu hiện là bệnh điên.

Pháp điều trị: ngoan đàm hóa ứ, điều thông khí huyết.

Bài thuốc:

+ Điên cuồng mộng tỉnh thang (Y lâm cải thác)

Đào nhân 10g, Sài hồ   12g, Hương phụ  12g, Mộc thông 12g,  Xích thược  12g, Bán hạ    10g, Đại phúc bì   12g, Thanh bì  10g, Trần bì    10g, Tang bạch bì 10g, Tô tử 10g, Cam thảo 10g.

Trong bài thuốc trên thì đào nhân, xích thược có tác dụng hoạt huyết ứ; sài hoog, hương phụ có tác dụng hành khí giải uất; thanh bì, trần bì, đại phúc bì, tang bạch bì, tô tử có tác dụng hành khí giáng khí; bán hạ, mộc thông có tác dụng khứ đàm hòa vị; cam thảo để hòa trung.

Nếu nhiệt uẩn kết thì tăng liều mộc thông, gia hoàng cầm để tăng cường thanh nhiệt.

Nếu kiêm hàn chứng thì gia can khương, phụ tử để trợ dương ôn kinh.

+ Các vị thuốc trên sắc uống ngày 01 thang, uống với vien Đại hoàng triết trùng hoàn (Kim quỹ yếu lượt)

Đại hoàng 75g, Đào nhân 60g, Hoàng cầm 60g, Hạnh nhân 60g, Cam thảo 90g, Xích thược  120g, ,Sinh địa 300g, Ngưu tất   30g, Mang trùng  60g, Thủy diệt  60g, Bạch thổ tàm 60g, Thổ miết trùng 30g.

Chú ý: bạch thổ tàm là ấu trùng con bọ dừa, tên khoa học là Holotrichia Diomphalia Bates; có tác dụng phá ứ, tán kết, chỉ thống, giải độc. Các vị thuốc trên tán nhỏ, hoàn mật làm viên hoàn bằng hạt đậu, mỗi lần uống 05 viên.

Trong quá trình điều trị bệnh điên cuồng thì có thể lựa chọn pháp điều trị là gây nôn (dũng thổ) và công hạ.

Pháp gây nôn có tác dụng để tiêu trừ đàm dãi ứ trệ ở hung phế, thích hợp cho trường hợp bệnh mới mắc, cơ thể còn chưa suy yếu. Để gây nôn, thường dùng qua để 06g, phòng phong 06g, lê lô 03g sắc lấy 300 – 500ml, uống từ từ đến khi thấy nôn là đạt hiệu quả. Tuy vậy, các vị này đều rất độc nên không được lạm dụng, không uống quá nhiều để tránh ngộ độc. Trường hợp bệnh cuồng mà không tuân lệnh, miệng mím chặt thì có thể cho uống qua đặt song mũi. Sau khi bệnh nhân nôn thì cơ thể mệt mỏi, nên dùng biện pháp điều dưỡng bằng liệu pháp ẩm thực: uống nước nhân sâm 10g để tăng cường phù chính.

Pháp công hạ có tác dụng tiêu trừ đàm thực tích trệ, công trục thấp nhiệt, thường dùng trong bệnh cuồng. Các vị thuốc hay dùng như đại hoàng, mang tiêu, khiêu ngưu tử, lô hội…, cũng có thể dùng cam toại 01 – 03g để cho bệnh nhân đi đại tiện ngày 03 – 05 lần là đạt yêu cầu.

Pháp gay nôn và công hạ đều không nên lạm dùng dùng kéo dài, đạt hiệu quả nên  dừng để tránh hao thương chính khí.

KẾT LUẬN

Bệnh điên cuồng chủ yếu do nội thương thất tình gây nên. Bệnh có ở não; có quan hệ mật thiết đến tâm, can, tỳ, thận. Nguyên nhân bệnh sinh chủ yếu của bệnh điên cuồng là do khí – hỏa – đàm – ứ làm rối loạn chức năng tạng phủ, rối loạn cân bằng âm dương, đàm mê tâm khiếu, thần cơ nghịch loạn gây nên.

Bệnh điên thuộc âm, biểu hiện chủ yếu là tháy ức uất; bệnh cuồng thuộc dương, biểu hiện chủ yếu là thấy căng thẳng, kích động.

Các thể bệnh của chứng điên thường gặp là đàm khí uất kết, khí hư đàm kết, tâm tỳ lưỡng hư. Pháp điều trị chủ yếu là thuận khí hóa đàm, ninh tâm an thần. Bệnh kéo dài gây nên chứng thì phối hợp dùng pháp bổ khí dưỡng huyết.

Các thể bệnh của chứng cuồng thường gặp là đàm nhiễu tâm, âm hư hỏa vượng, khí huyết ngưng trệ. Pháp điều trị trong trường hợp đàm hỏa ủng thịnh, thàn cơ nghịch lọn là tả hỏa địch đàm; giai đoạn sau thấy xuất hiện chứng thương âm thì dùng pháp tư âm dưỡng huyết kết hợp với thanh hư hỏa; nếu thấy biểu hiện khí huyết ngưng trệ thì dùng pháp hoạt huyết hóa ứ.

Bệnh điên cuồng cần kết hợp chặt chẽ cới y học hiện đại để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Ngoài việc sử dụng thuốc ra thì còn cần kết hợp với biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sốc điều dưỡng và tâm lý liệu pháp.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *