Bài thuốc đông y trị bệnh thiếu máu
Thiếu máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố (HST) lưu hành trong tuần hoàn do bệnh lý gây ra. Tuy nhiên, trong thực tế sự thiếu hụt lượng HST thường có kèm theo giảm số lượng hồng cầu (HC) nhưng không phải bao giờ cũng song hành với nhau, trước đây số lượng hồng cầu được coi là một trong những căn cứ cơ bản, chủ yếu để xác định có thiếu máu hay không, điều đó hiện tại không hợp lý nữa.
Số lượng hồng cầu không phản ánh trung thành của thiếu máu, vì theo tính chất của thiếu máu mà sự thiếu hụt sắc tố không tương ứng với giảm số lượng hồng cầu. Ví dụ: thiếu máu nhược sắc do thiếu sắt thì lượng HST thường giảm nặng hơn so với số lượng HC, đôi khi số lượng hồng cầu vẫn bình thường nhưng giảm sút đáng kể lượng HST; dân cư ở những vúng núi cao, số lượng hồng cầu thường có xu thế tăng lên trong lúc lượng HST vẫn trong giới hạn bình thường. Thực chất của hậu quả thiếu máu liên quan chủ yếu đến lượng HST chứ không phải số lượng hồng cầu. Bởi vậy, Tổ chức Y tế Thế giới lấy sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố lưu hành trong tuần hoàn nhỏ hơn 130g/lít đối với nam và 120g/lít đối với nữ được coi là thiếu máu.
Chỉ số của một người bình thường được quy định theo bảng sau:
Đối tượng | HST (g/l) | Hematocrit (%) |
Trẻ sơ sinh (đủ tháng) | 136 | 44 |
Trẻ 3 tháng | 95 | 32 |
Trẻ 10 tháng | 110 | 36 |
Trẻ 10 – 13 tháng | 120 | 38 |
Phụ nữ không mang thai | 120 – 140 | 40 – 45 |
Phụ nữ có thai | 110 – 120 | 30 – 40 |
Nam bình thường | 130 – 160 | 40 – 50 |
Tuy nhiên, cần lưu ý là trong một số trường hợp máu loãng thì lượng HST có thể thay đổi khi xét nghiệm nhưng tổng lượng HST trong máu thì vẫn có thể là bình thường.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Tùy theo nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của thiếu máu mà bảng triệu chứng lâm sàng có khác nhau. Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào, cơ chế sinh bệnh là gì cũng đều dẫn tới tình trạng thiếu oxy của tổ chức và phát sinh những triệu chứng chung tương tự nhua.
Triệu chứng chủ quan thường thấy:
Hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu, ù tai.
Ăn uống kém ngon miệng, cảm giác đầy bụng, khó tiêu hóa.
Hồi hộp, đánh trống ngực.
Khó thở (trường hợp thiếu máu nặng).
Triệu chứng khách quan:
Da xanh, có thể bợt trắng, màu sáp.
Niêm mạc nhợt.
Gai lưỡi: mất trong thiếu máu nhược sắc, thiếu máu hồng cầu lớn; trong thiếu máu đẳng sắc thì gai lưỡi thường mỏng, màu nhợt nhạt. Tuy nhiên, trong thiếu máu hồng cầu lớn, gai lưỡi có thể có màu đỏ kèm theo viêm lưỡi Hunter.
Lông tóc: thường bị rụng.
Móng khô, dễ gãy hoặc nứt nẻ.
Có thể có phù thiểu dưỡng.
Mạch nhanh.
Có tiếng thổi tâm thu cơ năng (mỏm tim).
Cận lâm sàng xét nghiệm máu ngoại vi
Lượng huyết sắc tố giảm.
Số lượng hồng cầu thường giảm.
Hematocrit giảm.
Các chỉ số hồng cầu.
Lượng HST trung bình của HC (MCH): chỉ số này thay đổi tùy tính chất của thiếu máu (giảm trong thiếu máu nhược sắc, bình thường trong thiếu máu đẳng sắc và tăng trong thiếu máu HC lớn (khổng lồ)).
Cách tính: MCH = (pg)
Nồng độ HST trung bình hồng cầu (MCHC): chỉ số này cũng thay đổi theo tính chất của thiếu máu. Trong thiếu máu nhược sắc chỉ số này giảm, trong thiếu máu đẳng sắc và thiếu máu hồng cầu lớn chỉ số này bình thường.
Cách tính: MCHC = (% hoặc g/l)
Thể tích trung bình hồng cầu (MCV): chỉ số này thay đổi tùy thuộc vào tính chất của thiếu máu (nếu thiếu máu nhược sắc thì thể tích trung bình HC sẽ nhỏ hơn bình thường, nếu thiếu máu đẳng sắc thì thể tích trung bình HC bình thường, nếu thiếu máu HC lớn thì thể tích trung bình HC tăng so với bình thường).
Cách tính: MCV = (micromet khối hoặc femtolit)
Giá trị bình thường các chỉ số như sau:
MHC: 31 ± 3pg.
MCHC: 31 ± 3%.
MCV: 80 – 100 micromet khối.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt thiếu máu ở các đối tượng khác nhau: ngoài các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng thì cần lưu ý làm rõ bệnh sử gần ra thiếu máu; trong đó làm rõ tiền sử chảy máu, tiền sử bệnh tiêu hóa, tiền sử gia đình, thói quen ăn uống, tiếp xúc hóa chất, thuốc gây ra thiếu máu; đặc biệt trường hợp thiếu máu mãn tính có liên quan đến bệnh u bướu.
Khám lâm sàng cần xem xét màu da, viêm mạc để loại trừ vàng da không do thiếu máu, hình ảnh biến đổi màu sắc và kích thước, chất lưỡi, gai lưỡi; chú ý tới triệu chứng của tim phổi, siêu âm gan lách, kiểm tra các hạch lympho, cơ bắp và móng tay chân.
Cận lâm sàng cần chú ý xét nghiệm máu thường quy, nước tiểu, phân để chẩn đoán phân biệt, đầy là xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu do cái gì. Ví dụ: thiếu máu có hồng cầu khổng lồ hay hồng cầu bình thường, số lượng bạch cầu, hồng cầu, lượng huyết sắc tố, tiểu cầu; đặc biệt là hồng cầu lưới có liên quan đến bệnh suy tủy gây thiếu máu. Việc đánh giá hình thái tế bào hồng cầu và các tế bào hồng cầu non cũng như tủy đồ là những chẩn đoán có giá trị trong xác dịnh nguyên nhân và mức độ thiếu máu, ngoài ra còn phát hiện ra bệnh lý thần kinh, rối loạn nội tiết và u ác tính cũng để loại trừ chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh thiếu máu thuộc phạm trù chứng huyết hư. Lý luận của y học cổ truyền cho rằng khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí, khí huyết có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau, cùng tồn tại. Nếu huyết hư thì khí hư, Đây là hai quá trình của bệnh thiếu máu, khí huyết suy yếu, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh và biểu hiện ra ngoài là tạng phủ, kinh mạch, tứ chi không được nuôi dưỡng đầy đủ, từ đó phát sinh ra các bệnh khác nhau, cũng làm cho chứng thiếu máu nặng thêm.
Nguyên nhân bệnh sinh
Việc hóa sinh ra huyết dịch là do dinh dưỡng, do khí hóa của thận tinh, quan điểm của y học cổ truyền quy về ba tạng là tỳ, can, thận. Bệnh tập trung ở trung tiêu là nơi chỉ huy hóa sinh và vận hành của huyết dịch. Khi chức năng của tỳ vị suy yếu làm ảnh hưởng đến việc sinh hóa của huyết. Thận chủ cốt tủy và tàng tinh, đây là yếu tố thuộc tiên thiên, bẩm thụ tiên thiên suy yếu cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh huyết dịch. Nếu hậu thiên tỳ vị bị khắc phạt quá mạnh cũng ảnh hưởng đến chức năng tàng tinh của thận, tinh không sinh được tủy nên không sinh được huyết. Trong sách “Trương thị y tông” cho rằng khí không hao tổn là nhờ thận tinh, tinh không tiết được thuộc về chức năng hóa sinh của can thận, cho rằng nên tinh hư là do tinh hư trước.
Tâm chủ huyết mạch, phế triều đi bách mạch, khi công năng của tâm phế suy yếu sẽ ảnh hưởng đến vận hành huyết mạch, đây cũng là nguyên nhân gây thiếu máu. Ngoài ra, các chứng xuất huyết bên trong hay bên ngoài cơ thể, người có thai, trẻ sơ sinh do tiến triển của cơ thể phát triển nhanh, cơ chế cung cầu không cân đối cũng gây thiếu máu.
Công năng của tạng phủ suy yếu, các bệnh ký sinh trùng cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiêu hao của huyết dịch.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Thiếu máu theo quan điểm của y học cổ truyền thuộc phạm vị chứng huyết hư, triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, thời gian mắc bệnh ngắn, mức độ nhẹ đều thuộc chứng khí huyết lưỡng hư.
Tạng phủ quy về tâm tỳ bất túc, sắc mặt trắng bệch hoặc vàng khô, môi nhạt, da vùng cổ nhẽo, tiếng nói nhỏ, đoản hơi, mệt mỏi, trống ngực, hoa mắt, lưỡi nhạt bệu, có ấn răng, mạch nhu vô lực.
Do tỳ hư nên huyết dịch không có nguồn hóa sinh. Bởi vậy, theo quy luật của ngũ hành, khi tỳ (thổ) hư sẽ làm ảnh hưởng đến can (mộc) cho nên biểu hiện của tỳ hư là da vàng khô, giai đoạn bệnh mới phát sinh thì da trắng bệch kèm theo vàng, kết mạc trắng bệch mà không vàng, phù, tóc khô và bạc, móng tay bẹt, dễ bị gãy hoặc móng tay cong ngược lại, trống ngực, hụt hơi, cơ bắp mềm nhẽo, đau đầu, chóng mặt, ù tai, một số trường hợp thấy đầu lưỡi nứt, ăn ít, đại tiện lỏng, mạch trầm tế sác.
Huyết hư thuộc âm phận, đông y gọi là âm khí bất túc, cùng với các triệu chứng của khí huyết lưỡng hư còn kèm theo ăn ít, không muốn ăn, miệng họng khô, ù tai, chóng mặt, thậm chí sốt nhẹ kéo dài, lưỡng nhạt, khô nứt, rêu ít hoặc không rêu, đại tiện lỏng hoặc táo, mạch trầm tế sác, tế nhược hoặc tế sáp.
Can tàng huyết, thận tàng tinh, tinh huyết đồng nguyên, bệnh lâu không khỏi thường làm tổn thương can thận hoặc là can huyết, thận tinh đều suy, sắc mặt trắng tái nhưng cũng có lúc biểu hiện cơn nóng bừng mặt, hoa mắt chóng mặt, người bồn chồn, cáu gắt, đầy tức ngực sườn, đau mỏi thắt lưng, lãnh dục, nam thì liệt dương hay di tinh, nữ thì kinh nguyệt không đều, khi sốt lưỡi đỏ, khi không sốt lưỡi trắng nhợt; mạch hư sáp hoặc trầm tế hoặc hư đại.
Nguyên tắc điều trị
Lấy bổ ích khí huyết, tư dưỡng can thận là chủ yếu, đặc biệt lưu tâm đến chức năng của các tạng tỳ và phế.
Coi trọng việc điều chỉnh chức năng của tỳ vị, bảo vệ vị khí, bổ mà không trệ. Vì tỳ vị là nguồn sinh hóa khí huyết, việc hấp thụ dinh dưỡng và các loại thuốc đều phụ thuộc vào chức năng vận hóa của tỳ vị.
Lưu ý, bổ sung âm dịch, vì huyết hư thuộc chứng âm hư. Ngoài việc bổ âm cần phải lưu ý chứng dương hư, nếu chỉ bổ dương sẽ ảnh hưởng đến âm dịch. Việc lựa chọn thuốc có tính ôn là chính để đạt được ôn ấm nuôi dưỡng mà không phải dùng thuốc ôn nhiệt, cho nên chú ý dùng các vị thuốc có tác dụng ôn nhuận và điều hòa như dâm hương hoắc, tiên mao, ba kích, nhục dung, câu kỷ tử…
Hóa đàm ứ, kiện vận công năng của tỳ. Khi tỳ hư sinh đàm thấp, khí hư sinh ứ trệ, đàm trệ hiệp bệnh làm trở ngại quá trình sinh huyết. Cho nên, khi sử dụng thuốc lưu ý dùng thuốc có tác dụng hóa đàm thấp kết hợp thuốc có tác dụng hành khí hoạt huyết để hóa ứ, không nên dùng thuốc phá khí quá mạnh dễ gây tổn thương chính khí.
Trong điều trị, chú ý nguyên nhân gây bệnh thiếu máu thường là bệnh thứ phát, sinh ra sau bệnh khác nên phải xuất phát từ quan điểm chỉnh thể để biện chứng, biện bệnh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.KHÍ HUYẾT LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: tinh thần mệt mỏi yếu sức, sắc mặt trắng bệch hoặc ám vàng, tiếng nói nhỏ, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tập trung trí nhớ giảm sút, khi hoạt động thể lực nhanh mệt, hồi hộp, hụt hơi, biếng ăn, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư tế nhược hoặc trầm tế vô lực.
Pháp điều trị: song bổ khí huyết.
Bài thuốc: Bát trân thang (Thụy trúc đường kinh nghiệm phương).
Đương quy 30g, Xuyên khung 30g, Bạch thược 30g, Nhân sâm 30g, Cam thảo 30g, Phục linh 30g, Thục địa 30g, Bạch truật 30g.
Các vị thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần dùng 09g, gia 05 lát gừng tươi, 01 quả táo đỏ, sắc uống. Một ngày dùng 02 lần.
Trong bài thuốc trên thì đương quy có tác dụng bổ huyết tán ứ, chỉ thống. Xuyên khung có tác dụng hoạt huyết, hành khí chỉ thống. Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết, lưỡng âm. Thục địa dưỡng âm bổ huyết. Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí. Phục linh có tác dụng thẩm thấp kiện tỳ. Bạch truật có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Cam thảo có tác dụng bổ khí, điều hòa các vị thuốc.
Nếu bệnh nhân ăn không ngon miệng, cảm giác đầy bụng thì bỏ thục địa gia sơn tra 12g, sa nhân 10g, thần khúc 12g để tiêu thực hòa vị.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện hồi hộp trống ngực, mất ngủ thì gia toan táo nhân 12g, bá tử nhân 10g để dưỡng tâm an thần.
Phương tư bổ khí huyết (Hải Thượng y tông tâm lĩnh):
Thục địa 04 đồng cân, Mạch môn 03 đồng cân, Táo nhân 04 đồng cân, Đương quy 1,5 đồng cân, Nhân sâm 03 đồng cân, Nhục quế 08 phân, Ngưu tất 03 đồng cân, Ngũ vị 06 phân, Gừng sống 03 lát, Đại táo 02 quả.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
2.TÂM TỲ LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: hồi hộp, trống ngực, hay quên, mất ngủ, mệt mỏi rã rời, sắc mặt ám vàng, người gầy, ăn uống giảm sút, đại tiện lệt sệt, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch mềm yếu.
Pháp điều trị: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ ích khí huyết.
Bài thuốc: Quy tỳ thang (Chính thể loại yếu).
Bạch truật 12g, Đương quy 12g, Phục linh 12g, Long nhãn 12g, Viễn chí 06g, Táo nhân 10g, Mộc hương 10g, Cam thảo 06g, Nhân sâm 06g, Hoàng kỳ 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng bổ ngũ tạng, an ninh thần. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ, trừ thấp, Phục linh có tác dụng thấm thấp, giúp bạch truật tăng tác dụng kiện tỳ, trừ thấp. Đương quy có tác dụng bổ huyết tán ứ, chỉ thống. Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Long nhãn có tác dụng bổ ích tâm tỳ. Viễn chí, táo nhân có tác dụng ninh tâm an thần. Cam thảo có tác dụng ích khí hòa trung và điều hòa các vị thuốc.
Nếu huyết hư trầm trọng gia thục địa 15g, a giao 12g để tư âm dưỡng huyết.
Nếu băng lậu kiêm đau lạnh bụng dưới thì gia ngải diệp 12g, bào khương 08g để ôn kinh chỉ huyết.
Nếu băng lậu mà miệng khô họng táo, hư nhiệt, ra mồ hôi trộm thì gia sinh địa 15g, a giao 12g, tông lư thán 08g để thanh nhiệt, chỉ huyết.
3.KHÍ ÂM BẤT TÚC
Lâm sàng: chân tay mỏi, hụt hơi, tiếng nói nhỏ yếu, ra mồ hôi nhiều, ngại nói, ho khan ít đờm, chóng mặt ù tai, mất ngủ hay mê, miệng và họng khô, đau lưng mỏi gối, tóc nhanh bạc, chất lưỡi hồng khô ít rêu, mạch vi tế nhược hoặc hư đại mà sác.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, bổ thân tư âm.
Bài thuốc: Sinh mạch tán (Y học khải nguyên) phối hợp với Nhị chí hoàn (Phù thọ tinh phương).
Nhân sâm 06g, Mạch môn 06g, Ngũ vị tử 06g, Đông thanh tử 06g, Hạn liên thảo 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích phế sinh tân. Mạch môn có tác dụng dưỡng âm nhuận táo. Ngũ vị tử có tác dụng ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn. Đông thanh tử có tác dụng bổ hư. Hạn liên thảo có tác dụng thanh nhiệt.
Nếu khí hư nặng thì nên dùng hồng sâm thay nhân sâm để tăng tác dụng bổ khí.
Nếu phế âm bất túc gây ho khan kéo dài, bệnh lâu ngày không khỏi thì gia sinh địa 15g, huyền sâm 12g để tư thận nhuận phế.
Nếu âm hư nội nhiệt gây ngũ tâm phiền nhiệt thì gia sinh địa 15g, tri mẫu 15g, miết giáp 12g để thanh hư nhiệt.
Nếu mồ hôi ra nhiều thì gia sơn thù nhục 12g, ma hoàng căn 06g, mẫu lệ 15g để tăng cường liễm âm, cầm ra mồ hôi.
4.CAN THẬN BẤT TÚC
Lâm sàng: đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, đau lưng, mỏi gối, nam giới thấy di tinh hoạt tiết, nữ giới thấy rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi nhiều hoặc ra mồ hôi trộm, miệng khô, chất lưỡi hồng, lưỡi khô, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
Pháp điều trị: tư bổ can thận.
Bài thuốc: Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư).
Thục địa 15g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Kỷ tử 10g, Phục linh 10g, Cam thảo chích 06g, Lộc giác giao 12g, Quy bản 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì vị thục địa có tác dụng dưỡng âm bổ thận. Hoài sơn có tác dụng kiện tỳ bổ hư, tư thận cố tinh. Sơn thù có tác dụng tư bổ can thận, cố sáp tinh khí. Kỷ tử có tác dụng bổ thận ích tinh, dưỡng can minh mục. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Lộc giác giao có tác dụng ích tinh, bổ huyết, ôn bổ thận dương. Quy bản có tác dụng bổ can thận âm. Cam thảo ích khí hòa trung và điều hòa các vị thuốc.
Nếu ra mồ hôi nhiều thì gia hoàng kỳ 20g, phù tiểu mạch 12g để ích khí cố biểu, cầm ra mồ hôi.
Nếu chân âm bất túc làm hư hỏa thượng nhiễu gay chứng nóng nhức trong xương, lòng bàn chân và bàn tay nóng và nóng bừng lên mặt thì gia nữ trinh tử 15g, trân châu mẫu 12g, long cốt 15g, mẫu lệ 15g để dưỡng âm tiềm dương.
Nếu đầy tức ngực sườn, bồn chồn phiền muộn thì gia sinh địa 12g, bạch thược 12g, cúc hoa 10g, hương phụ chế 12g để lý khí, nhu can giải phiền muộn.
Nếu liệt dương, xuất tinh sớm thì gia tiên mao 15g, tỏa dương 15g, dâm dương hoắc 10g; nữ giới thấy kinh nguyệt không đều, huyết ra nhạt màu, đau bụng kinh thì gia tử thạch anh 12g, tiểu hồi hương 05g.
5.TỲ THẬN DƯƠNG HƯ
Lâm sàng: mệt mỏi hụt hơi, đau bụng, buồn nôn, nôn chướng mà không muốn ăn, đau mỏi thắt lưng, chân tay không ấm, nam liệt dương di tinh, nữ kinh nguyệt không đều, đại tiện lỏng, tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch hư tế hoặc trầm tế.
Pháp điều trị: kiện tỳ ôn thận bổ ích khí huyết.
Bài thuốc: Dị công tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) phối hợp với Hữu quy ẩm (Cảnh Nhạc toàn thư).
Thục địa 15g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đỗ trọng 12g, Nhục quế 03g, Phụ tử chế 03g, Kỷ tử 10g, Nhân sâm 06g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo chích 06g, Trần bì 06g,
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng tư âm bổ thận. Hoài sơn có tác dụng kiện tỳ, bổ thận cố tinh. Sơn thù, kỷ tử, đỗ trọng có tác dụng tư bổ can thận, cố sáp tinh khí. Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí. Nhục quế, phụ tử chế có tác dụng trợ dương, ích hóa. Bạch truật có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Trần bì có tác dụng hành khí. Cam thảo có tác dụng ích khí hòa trung và điều hòa các vị thuốc.
Nếu bụng trướng thì giảm liều thục địa và gia mộc hương 10g, phật thủ 10g, chỉ xác 10g để hành khí, khoan hung, tiêu trướng.
Nếu vị khí không điều hòa gây buồn nôn hoặc nôn thì gia sinh khương 10g, bán hạ chế 12g để hòa vị giáng nghịch cầm nôn.
Nếu nâm giới liệt dương, tảo tiết gia tiên mao 12g, tỏa dương 15g, kim anh tử 12g để trợ dương cố tinh; nữ giới kinh nguyệt không đều, huyết ra nhạt màu, đau bụng kinh thì gia tiểu hồi hương 05g, ích mẫu thảo 20g để điều hòa kinh.
Xuân dục phương (Hải Thượng y tông tâm linh):
Thục địa 03 – 04 đồng cân, Bạch truật 02 đồng cân, Phục linh 02 đồng cân, Mạch môn 1,5 đồng cân, Ngưu tất 1,5 đồng cân, Ô dược 01 đồng cân, Phụ tử 01 đồng cân, Ngũ vị 09 hạt.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Bài thuốc này chữa tỳ thận âm dương không đủ, khí huyết đều hư. Những người hơi nóng, sợ rét, đau bụng, biếng ăn hoặc đau nhức ở các khớp xương… đều uống nước.
KẾT LUẬN
Thiếu máu là một nhóm bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, có thể do nhiều loại bệnh khác dẫn tới, biểu hiện lâm sàng phong phú. Việc chẩn đoán bệnh thiếu máu nhiều khi không khó nhưng chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu và điều trị để đạt hiệu quả tốt đôi khi còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quan điểm y học cổ truyền thì cho rằng thiếu máu thuộc phạm trù của chứng huyết hứ. Nhưng khí huyết có quan hệ mật thiết và tương hộ lẫn nhau, cùng tồn tại, nếu huyết hư thì khí cũng hư, đây là quá trình của bệnh thiếu máu. Vì vậy, khi biện chứng luận trị cần phải chú ý đến nguyên nhân sinh bệnh, thể trạng người bệnh mới để đưa ra nguyên tắc và phương thuốc phù hợp với từng thể bệnh thì điều trị mới đạt hiệu quả tốt.
Đối với thể khí huyết lưỡng hư thì dùng pháp điều trị là song bổ khí huyết, bài thuốc dùng bài Bát trân thang.
Thế tâm tỳ hư thì dùng pháp điều trị là kiện tỳ dưỡng tâm, bổ ích khí huyết; bài thuốc thường dùng là bài Quy tỳ thang.
Khí âm bất túc dùng pháp điều trị là ích khí dưỡng âm, bổ thận tư âm; bài thuốc thường dùng là bài Sinh mạch tán hợp Nhị chí hoàn.
Can thạn bất túc thì dùng pháp điều trị là tư bổ can thận; bài thuốc thường dùng là bài Tả quy hoàn.
Tỳ thận dương hư dùng pháp điều trị là tư bổ can thận; bài thuốc thường dùng là bài Tả quy hoàn.
Tỳ thận dương hư dùng pháp điều trị là kiện tỳ ôn thận bổ ích khí huyết; bài thuốc thường dùng là bài Dị công tán hợp với bài Hữu quy ẩm.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com