Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y ĐÔNG TRỊ BỆNH VẨY NẾN

Bài thuốc đông y đông trị bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến là bệnh viêm ngoài da mạn tính, dễ tái phát và thường gặp ở khao da liễu. Tổn thương ngoài da chủ yếu của bệnh là những ban đỏ, nốt sẩm; trên đó thường bao phủ bởi nhiều lấy vẩy trắng, nhỏ, mỏng, dễ bong khi gãi và khi cạo. Ban, sần thường có ranh giới rõ ràng, hay phát sinh ở vùng da hay tiếp xúc và co giãn nhiều ở tay, chân; thường có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ, chiếm tỳ lệ từu 3- 5% trong tổng số các bệnh ngoài da của khoa da liễu.

Đặc điểm giải phẫu bệnh lý chủ yếu của bệnh là tăng sản nhanh lớp tế bào thượng bì do tăng nhanh quá trình phân nhân và tổng hợp AND của tế bào đáy (thường nhanh hơn tế bào bình thường 08 lần). Chu kỳ tế bào rút ngắn 12 lần, chu kỳ chuyển tế bào từ đáy lên lớp tế bào sừng rút ngắn 08 lần so với tế bào bình thường và có sự rối loạn biệt hóa tế bào sừng, do đó dẫn đến xuất hiện nhiều vẩy á sừng và bong vẩy.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẩy nến cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ nhưng liên quan mật thiết đến một số yếu tố sau:

Yếu tố di truyền: qua phân tích người ta nhận thấy bệnh nhân vẩy nến có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Phân tích 2.700 bệnh nhân vẩy nến phát hiện thấy có 335 trường hợp trong 3-5 thế hệ gần đây đều có mắc bệnh vẩy nến; đặc biệt là ở những người sinh đôi, nếu một người bị bệnh thì người kia cũng thường mắc bệnh. Ở bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến, tỳ lệ kháng nguyên HLA-B37, HLA-A1 tăng cao rõ rệt; kháng nguyên HLA-B40, HLA-BW35 giảm rõ rêt.

Có giả thuyết cho rằng bệnh vẩy nến phát sinh do rối loạn sinh trưởng lớp tế bào biểu bì, khả năng là do quá trình tự khống chế bị tổn thương gây nên. Ngày nay đã chứng minh quá trình điều tiết sinh trưởng tế bào thượng bì liên quan mật thiết với cGMP, sự tăng tỷ lệ cGMP/cAMP và hormon tiền liệt tuyến (PGE2), arachidonic acid, polymine.

Nhiễm virus và liên cầu khuẩn: khi quan sát trên lâm sàng phát hiện thấy bệnh nhân phát bệnh vẩy nến cấp tính thể giọt và thể mảng đỏ da thường có tiền sử cảm nhiễm đường hô hấp trên, xét nghiệm kháng thể kháng “O” thường tăng cao và khi dùng kháng sinh điều trị thì tổn thương giảm đi rõ rệt.

Rối loạn chức năng miễn dịch: có tác giả cho rằng nguyên nhân cơ bản của bệnh vẩy nến là do khuyết hãm lysosomal memebrane gây nên; lớp tế bào đáy tăng cường phân chia, từ đó làm cho lysosomal giải phóng men không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sinh lý gây nên hiện tượng sừng hóa không hoàn toàn

Chẩn đoán

Lâm sàng

Tổn thương cơ bản của bệnh giai đoạn đầu chỉ lầ những ban, điểm, giọt hoặc sần có màu hồng; trên đó phủ nhiều lớp vẩy màu trắng dễ bong trọc; sau đó phát triển lớn dần, các tổn thương liên kết lại hoặc phát triển to ra nhưng vẫn có ranh giới rõ ràng. Dùng dao cạo nhẹ lên bề mặt tổn thương thấy có nhiều vẩy trắng nhỏ li ti bay ra, nếu cạo hết lớp vẩy thì lộ ra đáy tổn thương có màu hồng, ướt, bóng (dấu hiệu hạt sương máu); đó là sự tăng sinh lớp tế bào đáy và lớp mao mạch nhú.

Tổn thương có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ở những vùng da hay tỳ đè, co giãm ở tay chân như khuỷu tay, đầu gối, vùng da đầu và cánh xương chậu. Móng tay, chân cũng có thể thấy tổn thương như những vết lõm bằng đầu tăm hoặc những nếp nhân trên bề mặt móng hoặc móng tăng dày, khô, bề mặt lồi lõm. Một số trường hợp lòng bàn tay, bàn chân cũng bị sừng hóa; nam giới da đầu dương vật thấy có ban, mảng đỏ có ranh giới rõ ràng nhưng rất ít vẩy tiết và bề mặt ít khi tiết dịch.

Trong thời kỳ phát bệnh, thường là do cơ thể bị tổn thương, bỏng, chà xát hoặc sau khi phẫu thuật… gây nên những khích thích cục bộ làm bệnh bùng phát. Thời kỳ ổn định, tổn thương thường chuyển sang màu trắng, bề mặt thu nhỏ, vẩy tiết ít dần. Bệnh vẩy nến rất dễ tái phát, thời tiết lạnh hoặc khi tinh thần căng thẳng thường nặng thêm hoặc tái phát; mùa xuân, hè thường giảm nhẹ hoặc tiêu mất.

Cận lâm sàng

Khi cần có thể làm sinh thiết giải phẫu bệnh lý để chẩn đoán.

Một số thể vẩy nến đặc biệt nên làm các xét nghiệm bệnh hệ thống để chẩn đoán phân biệt.

Phân thể

Vẩy nến thể điểm: tổn thương là những sẩn tản mát từng điểm to như hạt gạo hoặc hạt đậu.

Vẩy nến thể giọt nước: tổn thương hình dạng như giọt nước và bắt đầu phát tán sau đó phát triển to dần thành ban, khối.

Vẩy nên thể nang lông: tổn thương như giọt nước to, vị trí ở miệng các nang lông.

Vẩy nến thể đồng tiền: tổn thương thành từng phiến trong to như đồng tiên, ranh giới rõ.

Vẩy nến thể vành khăn: tổn thương hình tròn tương đối to, ở giữa thường nhẹ tạo thành hình vành khăn.

Vẩy nến thể bản đồ: tổn thương có xu thế phát tán ra ngoại vi, trung tâm thoái biến, kết hợp với nhau như hình bản đồ.

Vẩy nến thể vỏ sò: quá trình phát bệnh tổn thương xuất tiết nhiều, sau khô dần đóng vẩy nên bề mặt tổn thương xù xì như vỏ sò.

Vẩy nến thể lan tỏa: da toàn thân đều có tổn thương thành từng mảng, nhất là ở ngực, lưng và tứ chi.

Một số thể đặc biệt

Vẩy nến thể khớp: ngoài những tổn thương điển hình ngoài da như đã mô tả ở trên xòn xuất hiện các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, tổn thương thường ở các khớp lớn như khớp đầu gối, khuỷu tay; cũng có khi xuất hiện ở cả những khớp nhỏ như khớp bàn ngón. Tổn thương khớp thường có biểu hiện sưng, đau, dần dần gây hạn chế vận động khớp; lâu ngày có thể dẫn đến cứng khớp, biến dạng khớp. Xét nghiệm kiểm tra yếu tố thấp thường âm tính. Bệnh tiến triển rất chậm, lúc nặng lúc nhẹ, khó điều trị khỏi.

Đỏ da dạng vẩy nến: đây là thể vẩy nến tương đối nặng, thường do vẩy nến biến chứng tạo thành hoặc trong đợt cấp tính của bệnh vẩy nén dùng các thuốc bôi ngoài da không thích hợp gây nên kích ứng mạnh. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng da toàn thân phát đỏ, bong vẩy, thường không có vẩy trắng nhỏ và sẩn tổn thương. Có những bệnh nhân chuyển biến tốt sau vài tuần nhưng cũng có những trường hợp ngoan cố sau vài năm vẫn không khỏi.

Vẩy nến mụn mủ: thể này ít gặp, tổn thương thường kèm theo những mụn mủ, hay gặp ở tay chân. Tổn thương ban đầu là những mảng cộm màu đỏ, trên đó có những mụn mủ nhỏ, những mụn này không vỡ; sau 1-2 tuần đóng vẩy khô, sau đó mụn mủ lại phát triền thành từng đám rất lâu khỏi. Vẩy nến mụn mủ không phải là bệnh vẩy nến bị bội nhiễm, các mụn mủ này không có vi khuẩn. Còn có loại vẩy nến mụn mủ toàn thân, phát bệnh cấp tính, toàn thân có nhiều mụn mủ, kèm theo có sốt cao, bạch cầu tăng nhưng mụn mủ không có vi khuẩn bệnh hay tái phát.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm da đa dầu.

Giang mai dạng vẩy nến.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh vẩy nến thuộc phạm trù chứng bạch ni, ngưu bì tiên, tùng bì tiên, khô tiên, ngân tiên phong.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Do ngoại tà: phong hàn, phong thấp, phong nhiệt từ bên ngoài xâm phạm vào làm cho dinh vệ mất điều hòa mà gây nên bệnh.

Do thất tình nội thương: tinh thần căng thẳng làm cho khí cơ ứ trệ hoặc do ăn uống không điều dộ làm cho chức năng tỳ vị mất điều hòa, khí cơ vận hành không thông suốt, uất lại hóa nhiệt; nhiệt nhập vào dinh, huyết lâu ngày làm hao tinh và tổn thương tân dịch dẫn đến huyết táo, dịch khô; da cơ mất nuôi dưỡng mà thành bệnh.

Do ứ trệ ở da cơ làm cho khí huyết mất điều hòa cũng gây nên bệnh.

Can thận bất túc, xung nhâm mất điều hòa.

Tóm lại, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh không ngoài phong, nhiệt, thấp, hàn, huyết nhiệt, huyết táo, huyết ứ và liên quan mật thiết với can, thận bất túc.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Bệnh vẩy nến thuộc bản hư tiêu thực; tiêu thực biểu hiện thấp tích thịnh, khí trệ huyết ứ; bản hư chủ yếu là can thận âm hư. Biện chứng cần phân biệt rõ tiêu hay bản, thực hay hư.

Nếu do huyết nhiệt là thuộc thực hỏa, pháp điều trị dùng thanh nhiệt lương huyết; nếu do huyết ứ thì phải dùng lấy hoạt huyết hóa ứ làm chính: hư hỏa chủ yếu là do can thận âm hư nên khi điều trị phải lấy bổ can thận là chính…

Ngoài ra, bệnh vẩy nến biểu hiện trên lâm sàng rất đa dạng và phong phú, bệnh tiến triển mạn tính, kéo dài và hay tái phát, nên khi biện chứng cần xem xét bệnh trong từng giai đoạn ở từng bệnh nhân cụ thể.

Nguyên tắc điều trị

Bệnh vẩy nến có đặc điểm là bệnh kéo dài có thể vài năm hoặc vài chục năm, hay tái phát nhất là khi giao mùa thu đông hoặc đông xuân, nên điều trị bệnh vẩy nến cần căn cứ vào từng thời kỳ của bệnh.

Thời kỳ phát bệnh cần căn cứ vào biện chứng luận trị phân thể điều trị. Thời kỳ ổn định phải điều trị chống tái phát, cần kiên trì uống các thuốc hoạt huyết, nhuận táo, trừ phong hoặc khi giao mùa thu đông nên uống thuốc để phòng bệnh tiến triển.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.HUYẾT NHIỆT HIỆP PHONG

Triệu chứng: tổn thương là những nốt sần hình giọt nước, trên có vẩy mỏng, đáy tổn thương màu đỏ, nếu dùng dao cạo sạch vẩy thì đáy tổn thương rởm máu, nốt sần phát triển nhanh; thường kèm theo có cảm giác khát nước, mũi khô, họng đau, ngứa, đại tiện táo, nước tiểu đỏ; chất lưỡi đỏ hoặc đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác hoặc huyền hoạt.

Thể này đa phần là ở thời kỳ toàn phát hoặc thuộc thể đỏ da dạng vẩy nến.

Pháp điều trị: thanh nhiệt sơ phong, lương huyết giải độc.

Bài thuốc: Thanh lương sơ phong thang gia giảm.

Tang diệp  10g, Hồng hoa  10g, Sinh địa  30g, Bạch mao căn  30g, Đan bì  15g, Tử thảo  15g, Đại thanh diệp  30g, Bản lam căn  30g, Ngưu bàng tử  10g, Hoàng cầm  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì tang diệp, ngưu bàng tử có tác dụng thanh nhiệt, sơ phong giải biểu. Đại thanh diệp, bản lam căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt táo thấp giải độc chỉ huyết. Sinh địa, hồng hoa, bạch mao căn, đan bì, tử thảo có tác dụng lương huyết hoạt huyết kiêm thanh nhiệt.

Nếu phong thịnh gây ngứa nhiều thì gia bạch tiên bì 12g, khổ sâm 12g, địa phu tử 15g, sà sàng tử 12g, bạch tật lê 10g, thương nhĩ tử 12g.

2.PHONG NHIỆT HUYẾT TÁO

Triệu chứng: tổn thương cơ bản là những ban cộm từng khối, đáy tổn thương màu đỏ ướt tương đối rõ, bề mặt phù nhiều lớp vẩy mỏng, các nốt sần mới sinh không nhiều, cảm giác khát thích uống nước, đại tiện phân khô, chất lưỡi hồng hoặc ám hồng, rêu lưỡi ít, mạch huyền hoặc huyền tế.

Thể này thường gặp ở bệnh vẩy nến thời kỳ ổn định.

Pháp điều trị: dưỡng huyết hoạt huyết, sơ phong nhuận táo.

Bài thuốc: Nhuận táo sơ phong thang (bài thuốc kinh nghiệm).

Đương quy  10g, Đan sâm  15g, Đào nhân  10g, Kê huyết đằng  30g, Dạ giao đằng  30g, Sinh địa  15g, Uy linh tiên  15g, Bạch tật lê  30g, Huyền sâm  15g, Sa sâm  15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, đan sâm có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết. Đào nhân có tác dụng bổ huyết hoạt huyết nhuận táo. Kê huyết đằng, dạ giao đằng có tác dụng hoạt huyết, dưỡng huyết, nhuận phu. Uy linh tiên, bạch tật lê có tác dụng khư phong thông lạc hoạt huyết. Huyền sâm, sinh địa, sa sâm có tác dụng tư âm thanh nhiệt sinh tân.

3.THẤP NHIỆT UẨN CHỨNG

Triệu chứng: tổn thương thường ở những vùng da kín như dưới nách, nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân. Tổn thương cơ bản là những ban đỏ, tiết dịch, bề mặt có vẩy màu vàng, vầy không nhiều, cảm giác ngứa từng lúc; miệng khô và đắng, buồn bực, mắt đỏ, người cảm giác mệt mỏi nặng nề, đại tiện táo, nước tiểu sẫm màu, chất lưỡi đỏ, rêu  lưỡi vàng nhầy hoặc trắng nhầy, mạch hoạt hoặc huyền hoạt.

Pháp điều trị: thanh lợi thấp nhiệt, lương huyết khứ phong.

Bài thuốc: Long đởm tả can thang (Ngọc cơ vi nghĩa) hợp với Tỳ giải thẩm thấp thang gia giảm.

Long đởm thảo  10g, Hoàng cầm  10g, Chi tử  10g, Sinh địa  15g, Xa tiền tử  15g, Trạch tả  15g, Đương quy  12g, Tỳ giải  15g, Ý dĩ  15g, Đan bì  15g, Bạch tật lê  30g, Bạch mao căn  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Xa tiền tử, trạch tả, tỳ giải, ý dĩ có tác dụng lợi thấp kiêm thanh nhiệt. Đan bì, bạch mao căn có tác dụng thanh nhiệt lương huyết hoạt huyết. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết hòa huyết. Bạch tật lê có tác dụng khu phong hoạt huyết.

4.TÂN HUYẾT HAO HƯ

Triệu chứng: thường gặp ở giai đoạn ổn định của bệnh, ban sẩn thường có màu nhạt, đáy tổn thương kết mảng cứng, da khô; trên bề mặt tổn thương có nhiều lớp vẩy tiết màu trắng bao phù và bám chắc, không có nốt sẩn mới tăng sinh; có thể ngứa hoặc không, miệng môi khô, váng dầu hoa mắt, sắc mặt không tươi; chất lưỡi hồng nhạt ích dịch, rêu lưỡi mỏng khô, mạch trầm tế hoặc tế sác.

Pháp điều trị: tư âm nhuận táo, ích huyết nhuận phu.

Bài thuốc: Tư âm dưỡng huyết thang (bài thuốc kinh nghiệm).

Sa sâm  15g, Thiên môn  10g, Mạch môn  10g, Đương quy  15g, Đan sâm  15g, Hoàng tinh  15g, Sinh địa  12g, Thục địa  12g, Xích thược  15g, Bạch thược  15g, Đào nhân  10g, Hồng hoa  10g, Kê huyết đằng  15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì sa sâm, thiên môn, mạch môn có tác dụng tư âm thanh nhiệt. Đương quy, xích thược, bạch thược, đan sâm có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết. Hoàng tinh, sinh địa, thục địa có tác dụng bổ huyết tư âm. Đào nhân, hồng hoa, kê huyết đằng có tác dụng hoạt huyết, nhuận táo, khứ phong.

5.HUYẾT Ứ PHONG TÁO

Triệu chứng: bệnh lâu ngày điều trị không khỏi, tổn thương có màu thâm, vẩy tiết tương dối dày, đáy tổn thương cộm rõ, chất lưỡi ám tím hoặc tím đen, mạch huyền sáp hoặc trầm. Thể này thường gặp ở thời kỳ lui bệnh.

Pháp điều trị: hoạt huyết tiêu phong, tán ứ hành khí.

Bài thuốc: Tán ứ tiêu phong thang (bài thuốc kinh nghiệm)

Ô tiêu xà  10g, Uy linh tiên  15g, Ngưu tất  10g, Đan sâm  15g, Lăng tuyết hoa  10g, Quỷ tiễn vũ  15g, Tam lăng  10g, Nga truật  10g, Trần bì  10g, Chỉ xác  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì ô tiêu xà, uy linh tên có tác dụng khứ phong thông lạc. Ngưu tất, đan sâm có tác dụng hoạt huyết khứ ứ. Lăng tuyết hoa, quỷ tiễn cũ, tam lăng, nga truật có tác dụng phá huyết hành khí tán kết, thông lạc. Trần bì, chỉ xác có tác dụng lý khí, hành khí hòa trung.

6.THẤP NHIỆT HIỆP PHONG

Triệu chứng: tổn thương có màu đỏ hoặc đỏ tím, bề mặt phủ nhiều lớp vẩy tiết dày như vỏ sò, các khớp co duỗi khó khăn và thường rõ ở những khớp nhỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy, mạch trầm hoạt. Thể này thường gặp ở vẩy nến thể khớp.

Pháp điều trị: trừ thấp thanh nhiệt, tán phong thông tý.

Bài thuốc: Tán phong thông tý thang (bài thuốc kinh nghiệm)

Tần bì  15g, Phòng kỷ  10g, Mộc qua  10g, Hy tiêm thảo  15g, Kê huyết đằng  30g, Lô thạch đằng  30g, Nhẫn đông bằng  30g, Tang chi  15g, Ngưu tất  15g, Thổ phục linh  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì tần cửu, phòng kỷ, hu thiệm thảo, tang chi, lộc thạch đằng, kê huyết đằng có tác dụng khứ phong thấp, thanh nhiệt lương huyết thông lạc. Ngưu tất có tác dụng hoạt huyết khứ ứ. Nhẫn đông đằng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông kinh thông lạc. Mộc qua có tác dụng thư cân hoạt lạc. Thổ phục linh có tác dụng giải độc lợi thấp.

7.THẤP NHIỆT UẨN CHỨNG

Triệu chứng: khởi phát tương đối cấp tính, tổn thương là những ban, dát lớn màu đỏ, trên đó có những mụn mủ hoặc nước nhỏ như đầu kim tụ thành từng đám, chảy nước đóng vẩy; kèm theo có sốt cao, khát nước, buồn bực dễ cáu giận; chất lưỡi đỏ, bề mặt nứt nẻ, rêu lưỡi vàng xanh, mạch sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết hộ tân.

Bài thuốc: Tán phong thông tý thang (bài thuốc kinh nghiệm)

Đại thanh diệp  30g, Bản lam căn  30g, Bạch mao căn  30g, Bại tương thảo  30g, Dã cúc hoa  15g, Xa tiền thảo  15g, Thảo hà xa  30g, Sinh địa  15g, Huyền sâm  15g, Mộc qua  12g, Thổ phục linh  15g, Bạch hoa xà thiệt thảo  30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đại thanh diệp, bản lam căn, bạch hoa xà thiệt thảo, bại tương thảo, dã cúc hoa, thảo hà xa có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Bạch mao căn, sinh địa có tác dụng tư âm thanh nhiệt lương huyết. Huyền sâm, sinh địa có tác dụng tư âm thanh nhiệt. Xa tiền thảo có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt. Mộc qua có tác dụng thư cân hoạt lạc. Thổ phục linh có tác dụng giải độc lợi thấp.

8.NHIỆT ĐỘC NHẬP DOANH

Triệu chứng: hầu hết da toàn thân nổi đỏ lan tỏa, phù nề, tạm thời chưa rõ biểu hiện tổn thương đặc thù của bệnh vẩy nến nhưng có một lượng lớn da bong dạng vẩy trấu, phát sốt, sợ lạnh, khát nước, muốn uống nước, buồn bực dễ tức giận, chất lưỡi đỏ bóng mà khô, không có rêu lưỡi, mạch sác. Thể này thường gặp ở vẩy nến dạng đỏ da.

Pháp điều trị: lương huyết giải độc, thanh doanh háo ban.

Bài thuốc: Lương huyết hóa ban thang (bài thuốc kinh nghiệm).

Đồi mồi sống  10g, Kim ngân hoa  10g, Liên kiều  10g, Đạm trúc diệp  10g, Sinh địa  30g, Đan bì  15g, Xích thược  15g, Bạch thược  15g, Bạch mao căn  30g, Tử thảo  15g, Thanh địa diệp  30g, Bản lam căn  30g, Huyền sâm  15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì đổi mới, bản lam căn, thanh đại hiệp có tác dụng thanh nhiệt lương huyết giải độc. Kim ngân hoa, liên kiều có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Sinh địa, xích thược, bạch mao căn, đan bì, tử thảo có tác dụng thanh nhiệt lương huyết. Huyền sâm, bạch thược có tác dụng lương huyết tư âm. Trúc diệp có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp.

9.TỲ MẤT KIỆN VẬN, THỦY THẤP BẤT HÒA.

Triệu chứng: da toàn thân màu hồng nhạt, phù nề rõ, da bong nhiều vẩy màu trắng, sốt nhẹ, đầu cảm giác nặng, cảm giác khát nước nhưng không muốn uống nước, người mệt mỏi, không muốn ăn, chất lưỡi nhợt bè, rêu lưỡi trắng, mạch trầm hoạt. Thể này thường gặp ở giai đoạn sớm của thể vẩy nến dạng đỏ da.

Pháp điều trị: kiện tỳ táo thấp, hành khí lợi thủy.

Bài thuốc: Táo thấp hành thủy thang (bài thuốc kinh nghiệm)

Bạch truật  10g, Phục linh  15g, Hậu phác  15g, Trần bì  10g, Đại phúc bì  15g, Đông qua bì  15g, Phục linh bì  15g, Tang bạch bì  15g, Địa cốt bì  15g, Ý dĩ  15g, Chỉ xác  10g, Thanh đại diệp  30g, Huyền sâm  15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bạch truật, trần bì, hậu phác có tác dụng kiện tỳ táo thấp, lý khí. Phục linh có tác dụng kiện tỳ, táo thấp lợi thủy. Ý dĩ có tác dụng kiện tỳ lợi thấp. Đông qua bì có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy thấm thấp tiêu thũng. Đại phúc bì, phục linh bì có tác dụng hành thủy dẫn trệ. Chỉ xác có tác dụng lý khí tỉnh tỳ trừ thấp. Tang bạch bì có tác dụng tả phế hành thủy. Địa cốt bì, huyền sâm có tác dụng thanh nhiệt lương huyết. Thanh đại diệp có tác dụng thanh nhiệt giải độc lương huyết tiêu ban.

Chú ý vận dụng gia giảm chung cho các thể:

Nếu phong thịnh gây ngứa nhiều thì gia bạch tiên bì 12g, khổ sâm 12g, địa phu tử 15g, sà sàng tử 12g, bạch tật lê 10g, thương nhĩ tử 12g.

Nếu tỳ hư thấp thịnh gây đại tiện lỏng loãng, sợ lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt vàng tối, rêu lưỡi trắng nhờn thì gia thương truật 12g, bạch truật 15g, bạch biển đậu 15g, ý dĩ nhân 20g, sa nhân 08g, phục linh 15g để kiện tỳ trừ thấp.

Nếu bệnh dai dẳng, kéo dài không khỏi có thể gia toàn yếu 05g, ngô công 02 con, địa long 10g, ô tiêu xà 05g, bạch hoa xà 05g để tức phong.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Phương pháp bôi ngoài (tham khảo)

Thời kỳ đầu dùng nước sắc hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm để ngăm rửa vùng tổn thương.

Dùng cao mềm đậu đen nồng độ 2,5 -25% nôi tại vùng tổn thương hoặc dùng cao ngũ sa thủy tiên bôi ngoài.

Châm cứu

Thể châm: mỗi ngày châm 01 lần các huyệt: Khúc trì, Huyết hải, Túc tam lý, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.

Mai hoa châm: đầu tiên châm vào xung quanh vùng tổn thương, châm sao cho xuất huyết li ti là được, sau đó dùng bông cầu tẩm cồn sát trùng; kết hợp với châm các du huyệt, huyệt Bát liêu, châm đỏ da là thích hợp.

Cứu: dùng điếu ngải đốt rồi hơ trên vùng tổn thương khoang 10-20 phút, mỗi ngày hơ 01 lần.

KẾT LUẬN

Bệnh vẩy nến là bệnh mạn tính hay tái phát, dai dẳng và khó điều trị. Bệnh liên quan mật thiết đến yếu tố miễn dịch và di chuyển. Bệnh không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người nhưng làm cho người bệnh ngứa ngáy khó chịu và ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý.

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh vẩy nến thuộc phạm trù chứng bach ni, ngưu bì tiên, tùng bì tiên, khô tiên, ngân tiên phong.

Cơ chế bệnh ính của bệnh vẩy nến cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ, bởi vậy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Mục tiêu trọng yếu của điều trị bệnh vẩy nến là rút ngắn thời gian điều trị trong thời kỳ phát bệnh, kéo dài thời gian tái phát.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu của bệnh vẩy nến theo y học cổ truyền là phong, nhiệt, táo, hư và cũng nêu rõ huyết nhiệt, huyết ứ, huyết hư là cơ chế bệnh sinh chủ yếu. Trên cơ sở đó tiến hành biện chứng luận trị giai đoạn của bệnh và thể bệnh. Trong điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp, vừa dùng thuốc uống trong kết hợp với các thuốc bôi ngoài, châm cứu để đạt được kết quả tốt.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *