Gút là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa thường gặp. Bệnh được biết từ thời Hyppocrate. Năm 1683, Fydenham lần đầu tiên mô tả về lâm sàng của bệnh. Đến cuối thế kỷ XIX, Schelle, Bargman và Wollaston cho rằng bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất purin và tăng nồng độ acid uric máu; nồng độ acid uric máu có vai trò quan trọng trong nguyên nhân gây bệnh, hàng năm số người tăng acid uric máu chiếm tỷ lệ 12 – 15% dân số. Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên (95%), chiếm 1,5% các bệnh về khớp.
Nếu bị bệnh gút thì chắc chắn là có tăng acid uric máu, trái lại tăng acid uric máu chưa hẳn đã mắc bệnh gút. Lâm sàng thường thấy cơn gút cấp tính như đau khớp do lắng đọng các tinh thể urat gây viêm khớp mạn tính và biến dạng; đặc điểm là hình thành sỏi niệu quản, sỏi thận và gây suy thận. Người ta chia bệnh làm ba loại theo căn nguyên:
Tăng acid uric bẩm sinh: do thiếu men chuyển hóa chất purin HGPT (hypoxanthin guanin phosphoribosyl transferase), thể này thường rất hiếm gặp và rất nặng.
Tăng acid uric nguyên phát: liên quan đến yếu tố di truyền và cơ địa, rối loạn quá trình tổng hợp purin, làm cho purin nội sinh tăng và acid uric tăng.
Tăng acid uric thứ phát liên quan nhiều đến tác nhân phát động: ăn nhiều nội tạng động vật, tôm, cua, rượu và liên quan đến dùng thuốc liệt tế bào … gây tăng đồng thời với sự thoái giáng purin nội sinh trong một số bệnh lý như đa hồng cầu lersemi mạn tính, hogkin, sarcomlympho, đa u tủy … giảm tải acid uric qua thận gây viêm thận mạn tính và dẫn đến suy thận.
Nguồn gốc của acid uric: do hóa giáng thức ăn có nhiều purin, thoái giáng các chất có nhiều purin trong cơ thể; vì dùng thuốc chữa bệnh ác tính nên một loạt tế bào bị hủy hoại, các nhân nucleotid, nucleoazid có nhiều purin và còn do tăng quá trình tổng hợp purin nội sinh.
Chẩn đoán
Dựa vào cơ địa, các cục quanh khớp và vành tai, viêm da khớp, acid uric trong máu tăng cao, tìm thể acid uric trong dịch khớp, dựa vào hình ảnh khuyết xương trên X quang.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gút (cấp tính và mạn tính) do hai tác giả người Mỹ (Bennett và Wood) đề xuất năm 1968:
Hoặc tìm thấy tinh thể acid uric trong dịch khớp hoặc trong u cục (tôphi).
Hoặc tối thiểu có từ hai tiêu chuẩn sau đây trở lên:
Trong tiền sử hoặc trong hiện đại có tối thiểu hai đợt sưng đau của một khớp với tính chất ban đầu đột ngột, đau dữ dội và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
Trong tiền sử hoặc hiện đại có sưng đau khớp ngón bàn chân cái với các tính chất như tiêu chuẩn trên.
Tìm thấy các u cục (tôphi).
Tác dụng điều trị đạt kết quả nhanh chóng (trong vòng 48 giờ) của colchicine trong tiền sử hay hiện đại.
Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn thứ nhất hoặc hai yếu tố của tiêu chuẩn thứ hai.
Chẩn đoán phân biệt
Với bệnh viêm khớp dạng thấp, nhất là với nhiều thể hạt dưới da: dựa vào giới tính, tính chất u cục, acid uric máu và hình ảnh X quang.
Bệnh phong thể củ: cần tìm hiện tượng mất cảm giác và vi khuẩn Hansen ở nước mũi khi nghi ngờ.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh gút thuộc phạm vi chứng tý. Trong cuốn “Tố vấn. Tý luận” cho rằng: nguyên nhân gây nên chứng tý là do ba loại khí phong, hàn, thấp; hơn nữa còn có quan hệ với ăn uống phát sinh thành bệnh, cho nên nói: “ẩm thực cư trú, vi kỳ bệnh bản”. Trương Trọng Cảnh thường lấy các phương thuốc như Cam thảo phụ tử thang, Ô đầu thang, Quế thược tri mẫu thang để điều trị chứng tý.
Thời Tống, trong điều trị chứng tý do phong, hàn, thấp thường dùng các vị thuốc có nguồn gốc là động vật (đặc biệt là các vị thuốc là côn trùng).
Sau này, Lý Đông Viên, Chu Đan Khê đưa ra bệnh danh “thống phong”. Lý Đông Viên cho rằng nguyên nhân gây bệnh thống phong là do huyết hư. Chu Đan Khê lại cho rằng nguyên nhân gây thống phong là do huyết hư, huyết nhiệt, phong, thấp, hàn ứ và trên cơ sở đó ông đưa ra phương thuốc trị liệu là Thông thống phong.
Thời Minh – Thanh đã có nhiều tiến bộ trong nhận thức đối với chứng tý như “Y tông tất độc” cho rằng: nguyên nhân gây bệnh thống phong là do ba loại tà khí phong, hàn, thấp; tuy chúng có đặc điểm khác nhau nhưng trên lâm sàng nó kết hợp tác động dần dần và gây nên chứng tý. Vì thế, trong điều trị dùng pháp hành tý tán phong làm chủ, lấy khứ hàn lý thấp để trợ giúp cho hành tý tán phong và đưa ra nguyên tắc “trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tất diện”, hơn nữa còn lấy sâm râu để làm thuốc bổ huyết. Đối với thể thống tý, dùng pháp tán hàn làm chủ, kết hợp với sơ phong táo thấp; hơn nữa còn dùng sâm để bổ hỏa. Đối với thể thử tý, lấy pháp lợi thấp làm chủ, kết hợp với khứ phong tán hàn; còn dùng thêm sâm râu để kiện tỳ bổ khí, tỳ thổ vượng kiện sẽ thắng thấp. Diệp Thiên Sỹ cho rằng đối với chứng tý lâu ngày không khỏi, bệnh lâu nhập lạc và ông đã đề xuất dùng các loại thuốc có nguồn gốc côn trùng có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, tuyên thông kinh lạc.
Nguyên nhân sinh bệnh
Tý chứng có nghĩa là tắc trở bất thông. Khi chính khí hư suy; tà khí phong, hàn, thấp, nhiệt thừa cơ xâm nhập vào cơ thể gây nên khí huyết vận hành không thông, kinh lạc trở trệ hoặc đàm trọc ứ huyết làm bế tắc kinh lạc, cân cốt, khớp xương dẫn đến chứng tý.
Cơ thể hư suy cảm thụ tà: do bẩm tố hư nhược hoặc sau khi hậu sản khí huyết không đầy đủ, tấu lý sơ hở, ngoại tà thừa cơ xâm nhập và thấm sâu vào cân cốt, huyết mạch mà gây nên chứng tý.
Ngoại tà xâm nhập cơ thể: nguyên nhân do phong, hàn, thấp, nhiệt gây nên chứng tý. Cơ thể hư nhược nên dễ bị ngoại tà xâm nhập, cũng là cơ thể khỏe mạnh bình thường nhưng do sống trong điều kiện môi trường ẩm thấp hoặc do lao động nặng ra nhiều mồ hôi lại gặp phong hàn mà dẫn đến ngoại tà xâm nhập vào trong cơ thể gây nên chứng tý.
Đàm ứ trở trệ: do khí huyết vận hành không thông dẫn đến huyết ứ, thấp ngưng tụ thành đàm; đàm ứ hỗ kết cùng với ngoại tà phối hợp gây trở tắc kinh lạc, khớp xương. Giai đoạn sau của chứng tý thấp các khớp sưng đau, thậm chí biến dạng khớp, phần nhiều là do đàm ứ giao trở ở giữa các khe khớp xương mà tạo thành.
Chứng tý giai đoạn sớm chủ yếu là do tà thực, khi bệnh mắc lâu ngày phần nhiều thuộc về chính hư tà uẩn, hư thực thác tạp, lúc này bệnh tà đã thấm sâu vào cân cốt hoặc tạng phủ.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Đặc điểm biện chứng
Đặc điểm về giai đoạn sớm, muộn, hư thực: nguyên nhân gây bệnh chứng tý thời kỳ đầu thường là do nguyên nhân phong, hàn, thấp, nhiệt xâm nhập vào cơ thể làm tắc trệ kinh lạc (chủ yếu là tà khí thực). Bệnh kéo dài dẫn đến khí huyết hư, can thận hư tổn, cân cốt không được nuôi dưỡng (thời kỳ này chủ yếu là chính khí hư, tà khí nội uẩn).
Đặc điểm về bệnh tà: nguyên nhân gây chứng tý do phong, hàn, thấp, nhiệt với biểu hiện lâm sàng đặc trưng:
Phong: tính nhẹ, thuộc dương khí, thích di chuyển. Vì vậy, đau do phong thường là đau di chuyển, không có điểm đau cố định, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Hàn: tính ngưng trệ, đau cố định, co rút, đau kịch liệt như đau dao cắt, gặp lạnh đau tăng, ấm nóng đau giảm, rêu lưỡi trắng, mạch khẩn.
Thấp: tính dính trệ, đau mỏi nặng nề, bệnh thường thấy ở chi dưới, lưng gối, lâu ngày thì các khớp xương biến đổi hình thái, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoãn.
Nhiệt: thiêu đốt tân dịch, đau mỏi nặng nề, cân cốt mất nuôi dưỡng dẫn đến khớp xương sưng nóng, đỏ, đau; sốt, miệng khát, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng khô, mạch hoạt sác.
Chứng tý lâu ngày cần chú ý về những biểu hiện có hay không có các chứng làm ứ trở lạc, khí huyết hao hư và tạng phủ hư tổn.
Nguyên tắc điều trị
Thống phong có đặc điểm thuộc bản hư tiêu thực nên nguyên tắc điều trị là “trị bệnh tắc cầu kỳ bản, cấp tắc kỳ trị tiêu, hoãn tắc kỳ trị bản”.
Thời kỳ đầu, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do phong hàn thấp nhiệt thừa cơ xâm phạm vào cơ thể làm trở trệ kinh lạc nên tà thực là chủ yếu. Pháp điều trị là khứ phong tán hàn, trừ thấp chỉ thống hoặc khứu phong thanh nhiệt trừ thấp.
Bệnh lâu ngày làm tổn thương khí huyết, can thận cân cốt không được nuôi dưỡng, vì vậy hư là chính. Pháp điều trị là dưỡng huyết tức phong, thông lạc chỉ thống.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1.CHỨNG PHONG HÀN THẤP TÝ
Lâm sàng: đau kịch liệt các khớp; nếu thiên về phong thì đau có tính di chuyển; nếu thiên về hàn thì đau cố định; nếu thiên về thấp thì đau với tính chất nặng nề, tê bì cục bộ, khớp sưng, đỏ, đau; rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền khẩn.
Pháp điều trị: khứ phong tán hàn, trừ thấp, thông lạc.
Bài thuốc: Quyên tý thang (Dương thị gia tàng phương).
Khương hoạt 45g, Hoàng kỳ 45g, Cam thảo 15g, Bạch thược 45g, Phòng phong 45g, Đương quy 45g, Khương hoàng 06g.
Bài thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần 15g dùng để sắc cùng với sinh khương 05 lát, sắc uống ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì khương hoạt có tính vị cay ấm, phát tán, nhập kinh thái dương; có tác dụng khứ phong tán hàn. Phòng phong có tác dụng khứ phong thắng thấp. Hai vị thuốc này phối hợp làm cho ôn thông kinh mạch, tán hàn trừ thấp. Khương hoàng, đương quy, bạch thượng có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết hòa doanh; giúp khương hoạt, phòng phong khứ phong trừ thấp thông lạc. Hoàng kỳ, cam thảo có tác dụng ích khí kiện tỳ để bổ khí sinh huyết (trên nguyên tắc trị phong tiên trị huyết), hơn nữa cam thảo còn có tác dụng điều hòa tính dược bài thuốc. Tác dụng chung của bài thuốc là khứ phong hóa thấp tán hàn, thông lạc chỉ thống.
Hoặc dùng bài Ý dĩ nhân thang.
Khương hoạt 10g, Độc hoạt 10g, Phòng phong 10g, Thương truật 10g, Đương quy 15g, Quế chi 10g, Ma hoàng 10g, Ý dĩ nhân 20g, Chế xuyên ô 10g, Sinh khương 06g, Cam thảo 10g.
Nếu phong tà thiên thịnh, khớp chi trên đau tăng thì gia tang chi 30g, khương hoàng 10g, phòng phong 15g.
Nếu phù nề căng mà đau tăng ở chi dưới thì gia phòng kỷ 15g, thương truật 10g, ý dĩ nhân 10g, phục linh 20g, trạch tà 15g.
Châm cứu: ôn châm các huyệt Dương lăng tuyền, Tất dương quan, Lương khâu, Chiếu hải, Côn lôn.
2.CHỨNG PHONG THẤP NHIỆT TÝ
Lâm sàng: các khớp xương chân và tay sưng, nóng, đỏ đau; cảm giác bứt rứt khó chịu, tự ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng dính, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: sơ phong thanh nhiệt trừ thấp.
Bài thuốc: Bạch hổ gia quế chi thang.
Sinh thạch cao 30g, Tri mẫu 10g, Quế chi 10g, Cam thảo 10g, Ngạnh mễ 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.
Trong bài thuốc thì sinh thạch cao tính vị cay, ngọt, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt sinh tân chỉ khát. Quế chi có tính vị cay, ngọt ấm; có tác dụng ôn kinh thông dương, tán phong thấp. Do quế chi có tác dụng phát hãn, dùng lâu ngày làm hao tổn tân dịch nên phối hợp với thạch cao làm cho quế chi tấn tán mà không thương âm. Tri mẫu có tính vị đắng lạnh, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Cam thảo, ngạnh mễ có tác dụng hòa vị và điều hòa các vị thuốc. Tác dụng chung của bài thuốc là sơ phong thanh nhiệt, trừ thấp.
Nếu nhiệt thịnh thì gia liên kiều 12g, nhẫn đông đằng 15g, hoàng bá 12g.
Để tăng cường tác dụng lợi niệu trừ thấp thì gia trư linh 12g, trạch tả 15g, xa tiền tử 15g.
Nếu chi dưới đau tăng thì gia độ hoạt 12g, ngưu tất 15g, mộc qua 12g.
Châm cứu: châm tả hoặc bình bổ bình tả các huyệt: Dương khê, Uyển cốt, Ngoại quan, Dương lăng huyết, Lương khâu …
3.CHỨNG ĐÀM Ứ TÝ TRỞ
Lâm sàng: bệnh lâu ngày, tái đi tái lại nhiều lần, khớp sưng to có thể biến dạng khớp, lưỡi bè bệu hoặc có ban điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch tế sác.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, hóa đàm thông lạc.
Bài thuốc: Đào hồng ẩm phối hợp với Nhị trần thang.
Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Đương quy 15g, Xuyên khung 10g, Phục linh 15g, Trần bì 06g, Cam thảo 06g, Uy linh tiên 15g, Chế bán hạ 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì đào nhân, hồng hoa, đương quy, xuyên khung, (Đào hồng ẩm) có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết hóa ứ, khai thông huyết mạch. Uy linh tiên có tác dụng khứ phong thắng thấp làm tuyên thông kinh lạc. Kết hợp với trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo (Nhị trần thang) có tác dụng táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung. Tác dụng chung của bài thuốc là dưỡng huyết hoạt huyết hóa ứ, hóa đàm thông lạc.
Nếu đau tăng thì gia khương hoạt 12g, hải đồng bì 12g.
Nếu hiệp đàm ứ thì gia chế nam tinh 10g, bạch giới tử 15g … để tăng cường tác dụng hóa đàm trục ứ.
Viện Y học cổ truyền Quân đội nghiên cứu bài Thống phong hoàn từ nghiên cứu thực nghiệm đến nghiên cứu lâm sàng đã bào chế thành dạng viên hoàn cứng để ứng dụng điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả tốt:
Thục địa 15g, Bạch thược 12g, Đương quy 09g, Xuyên khung 06g, Đào nhân 12g, Hồng hoa 10g.
Châm cứu: châm tả hoặc bình bổ bình tả các huyệt Khúc trì, Hợp cốc, Xích trạch, Ngoại quan, Dương trì, Cách du, Âm lăng tuyền, Phong long, Huyết hải.
4.KHÍ HUYẾT HAO HƯ
Lâm sàng: bệnh lâu ngày, tái phát nhiều lần, biến dạng khớp, vận động khó khăn, lưng và gối đau mỏi, mệt mỏi vô lực, tự ra mồ hôi, mặt trắng nhợt, chất lưỡi nhợt màu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược.
Pháp điều trị: ích khí bổ huyết kiện tỳ, bổ can thận, khu phong tán hàn.
Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang (Bị cấp thiên kim yếu phương).
Độc hoạt 09g, Tang ký sinh 18g, Tần giao 09g, Phòng phong 09g, Tế tân 06g, Xuyên khung 06g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 12g, Quế tâm 1.2g, Đỗ trọng 09g, Ngưu tất 09g, Nhân sâm 12g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì độc hoạt, tế tân nhập túc thiếu âm thận kinh; có tác dụng thông ứ huyết mạch, khứ phong hóa thấp. Tần giao, phòng phong giúp độc can thận; có tác dụng khứ phong thấp, bổ ích can thận làm mạch cân cốt. Nhân sâm, quế tâm, phục linh, cam thảo có tác dụng ích khí thông dương. Thục địa, bạch thược, đường quy, xuyên khung có tác dụng điều hòa doanh huyết. Đỗ trọng, ngưu tất có tác dụng bổ can thận, mạch cân cốt. Tác dụng chung của các vị thuốc trong bài thuốc này là khứ trừ bệnh tà, bổ can thận khí huyết.
Nếu lưng và gối mỏi đau thì gia hoàng kỳ 20g, tục đoạn 12g, ba kích 15g, cẩu tích 15g, ngưu tất 15g.
Nếu khớp lạnh đau thì gia phụ tử chế 08g, can khương 12g.
Châm cứu: châm bổ hoặc bình bổ bình tả các huyệt Tỳ du, Thận du, Túc tam lý, Tam âm giao.
KẾT LUẬN
Nguyên nhân gây nên thống phong chủ yếu do chính khí cơ thể hư suy tà khí phong, hàn, thấp, nhiệt thừa cơ xâm nhập vào cơ thể gây nên khí huyết vận hành không thông, kinh lạc trở trệ hoặc đàm trọc ứ huyết làm bế tắc kinh lạc, cân cốt, khớp xương mà gây nên bệnh.
Ngoại tà xâm nhập cơ thể: nguyên nhân do phong, hàn, thấp, nhiệt gây nên chứng tý.
Đàm ứ trở trệ: do khí huyết vận hành không thông dẫn đến huyết ứ, thấp ngưng tụ thành đàm, đàm ứ hỗ kết cùng với ngoại tà phối hợp gây trở tắc kinh lạc và khớp xương gây nên chứng tý.
Thống phong có đặc điểm là bản hư tiêu thực, thời kỳ đầu chủ yếu là tà khí thực. Bệnh kéo dài dần dần đến khí huyết hao hư, can thận hư tổn, cân cốt không được nuôi dưỡng; thời kỳ này chủ yếu là chính khí hư, tà khí nội uẩn.
Nguyên tắc điều trị là “trị bệnh tắc cầu kỳ bản, cấp tắc kỳ trị tiêu, hoãn tắc trị kỳ bản”.
Thời kỳ đầu nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do phong, hàn, thấp, nhiệt thừa cơ xâm phạm vào cơ thể làm trở trệ kinh lạc nên tà thực là chủ yếu; pháp điều trị là khứ phong tán hàn, trừ thấp chỉ thống hoặc khứ phong thanh nhiệt trừ thấp.
Bệnh lâu ngày làm tổn thương khí huyết, can thận cân cốt không được nuôi dưỡng, vì vậy hư là chính; pháp điều trị là dưỡng huyết tức phong thông lạc chỉ thống.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com