Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài thuốc đông y trị bệnh đái tháo đường

Ủy ban Chẩn đoán và Phân loại bệnh đái tháo đường của Hoa Kỳ tháng 1 năm 2003 đã đưa ra định nghĩa: Bệnh đái tháo đường là một nhóm các bệnh chuyển hóa có đặc điểm là tăng glucose máu; hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin, khiếm khuyết trong hoạt động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính thường kết hợp với sự hủy hoại, rối loạn chức năng và sự suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Đái tháo đường là bệnh thường gặp trong những năm gần đây do mức sinh hoạt ngày càng được cải thiện, tỷ lệ người già tăng cao, phương thức sống có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nên tỷ lệ phát hiện đái tháo đường tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, trên thế giới ước khoảng 25 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự đoán đến năm 2025 có khoảng hơn 38 triệu người mắc bệnh này, trong đó 95% là đái tháo đường týp 2. Tỷ lệ tử vong do bệnh đái tháo đường và biến chứng của nó chỉ đứng sau bệnh ung thư và tim mạch. Do hiểu biết về bệnh đái tháo đường còn hạn chế nên có tới 40% số người bệnh không được chẩn đoán kịp thời, số người đã được chẩn đoán xác định là đái đường thì có tới hơn 60% không khống chế được đường máu trong giới hạn cho phép. Đường máu cao mạn tính có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về tim, thận, não, đáy mắt, mạch máu ngoại vi… tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Phân loại

Đái tháo đường týp 1: bệnh đái đường phát sinh do tế bào B tuyến tụy bị hủy hoại do tự thân miễn dịch.

Đái tháo đường týp 2 gồm hai loại:

Đái tháo đường do đề kháng insulin là chính, kèm theo có suy giảm bài tiết insulin.

Đái tháo đường do duy giảm chức năng bài tiết insulin là chính, kèm theo có đề kháng insulin.

Một số thể đái đường đặc biệt:

Đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường khởi phát ở người trẻ.

Đái tháo đường thể Mody.

Đái tháo đường do bệnh lý tuyến tụy.

Đái tháo đường do các bệnh nội tiết khác.

Trong bài này, chỉ nêu đái tháo đường týp 2.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Bệnh điển hình trên lâm sàng biểu hiện hội chứng “ba nhiều một ít” gồm ăn uống, uống nhiều, đi tiểu nhiều và gầy sút. Nhưng đa số các trường hợp đái tháo đường týp 2 có triệu chứng thường không điển hình. Đặc biệt là ở người già thường chỉ có cảm giác khát nước, người hơi mệt mỏi; rất nhiều bệnh nhân không có hiểu hiện trên lâm sàng, chỉ khi khám sức khỏe hoặc khi có biến chứng hoặc có nhu cầu phẫu thuật phải kiểm tra đường huyết mới phát hiện ra bệnh…

Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng tạo các mạch máu lớn và nhỏ; các tổn thương bệnh lý ở tim, thận, mắt, thần kinh, khớp, ngoài da… từ đó mà xuất hiện các biểu hiện lâm sàng tương ứng như hồi hộp trống ngực, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, mắt nhìn mờ, ngứa hoặc tê bì ngoài da; có thể thấy đau, lở loét hoặc hoại tử đầu ngón chân; đại tiện phân táo lỏng thất thường, đái đêm nhiều lần… bệnh nặng có thể xuất hiện nhiễm độc ceton chuyển hóa.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, do sức đề kháng giảm sút nên dễ mắc bệnh viêm nhiễm kết hợp như viêm phổi, viêm đường mật, viêm thận – bể thận, viêm hoại tử ngoài da và thiếu máu…

Cận lâm sàng

Xét nghiệm nước tiểu: glucose (+) là một trong những yếu tố quan trọng chẩn đoán đái tháo đường. Tuy nhiên, do ngưỡng thận ở mỗi người khác nhau nên nồng độ đường niệu không tương đồng với nồng độ đường huyết, do đó không thể lấy đường niệu làm tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.

Xét nghiệm đường máu:

Đường máu lúc đói ≥ 7,0mmol/l (126mg/l).

Đường máu bất kỳ thời điểm nào ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl).

Nghiệm pháp dung nạp đường huyết bằng đường uống (OGTT), sau 2 giờ đường máu ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl).

Xét nghiệm đường hóa hemoglobin (HbA1c): tình trạng đường huyết trong 8 – 12 tuần gần đây cũng là chỉ tiêu đánh giá mức độ khống chế đường huyết trong 2 – 3 tháng trở lại trong quá trình điều trị (bình thường HbA1c là 4 – 6%).

Fructosamin (FA): là chỉ tiêu phản ánh đường huyết trong 2 – 3 tuần gần đây, bình thường là 1,7 – 2,8mmol/l.

Định lượng peplit C: gián tiếp đánh giá chức năng tuyến tụy tiết insulin, bình thường là 5 – 25U/l.

Ngoài ra, khi cần thiết có thể làm thêm các xét nghiệm mỡ máu, glucagon…

Tiêu chuẩn chẩn đoán mới theo IDF-WPR:

Có triệu chứng của BĐĐ, theo đường máu bất kỳ >= 11,1mmol/l (200mg/dl).

Đường máu lúc đói ≥ 7,0mmol/l (126mg/l).

Nghiệm pháp dung nạp đường huyết bằng đường uống (OGTT), sau 2 giờ đường máu ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl).

Một trong ba tiêu chuẩn trên chỉ cần có một tiêu chuẩn là có thể chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường, tuy nhiên cần phải làm các xét nghiệm trên thêm một lần nữa ở thời điểm khác và cho kết quả tương ứng.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh đái tháo đường thuộc phạm trù chứng tiêu khát. Bệnh phát sinh do có tố chất cơ thể bẩm thụ bất túc (di truyền) kết hợp với các yếu tố như tinh thần căng thẳng, ăn uống không điều độ, ngoại tà xâm nhập, làm việc quá sức, sinh hoạt không điều độ… Bệnh thuộc bản hư tiêu thực: âm hư thuộc bản, tải nhiệt thuộc tiêu. Biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng là ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút nhiều và trong nước tiểu có vị ngọt.

Bệnh đái đường được mô tả từ rất sớm, trong “Hoàng đế nội kinh” đã mô tả bệnh đái đường trong chứng tiêu đan, phế tiêu, cách tiêu, tiêu trung… Về sau, trong “Tố vấn”, “Linh khu” đã nêu lên cơ chế bệnh sinh và nêu ra nhiều phương pháp điều trị cũng như các vị thuốc cụ thể.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Bẩm thụ bất túc (yếu tố di truyền):

Do tiên thiên bẩm thụ bất túc, ngũ tạng suy nhược, đặc biệt là cơ thể vốn thận hư. Do thận là gốc của tiên thiên, chủ về tàng tinh. Tinh là âm dịch của cơ thể có tác dụng nuôi dưỡng tất cả các tạng phủ trong cơ thể. Ngược lại, thận cũng nhận tinh khí của các tạng phủ khác để tàng trữ. Ngũ tạng suy nhược thì tinh khí bất túc, khí huyết suy nhược, thận mất bế tàng và điều nhiếp nên dẫn đến tỉnh hao, tân dịch suy kiệt gây bệnh “tiêu khát”.

Tình chí mất điều hòa:

Tinh thần căng thẳng quá độ hoặc tức giận, uất ức thái quá làm cho can khí uất kết, can khí uất lâu ngày hóa hỏa, hỏa nhiệt tích thịnh, thiêu đốt vị âm và thận là tổn thương tân dịch và hao tổn tinh huyết. Mặt khác, can sơ tiết thái quá, chức năng bế tàng của thận mất điều hòa; lại thêm ưu tư quá độ, tâm hỏa cang thịnh làm tổn thương đến tâm huyết và thận âm. Âm hư thì hỏa vượng, thủy, không kiềm chế và điều hòa được hỏa gây bệnh tiêu khát. Do xã hội ngày càng phát triển, nhịp điệu cuộc sống ngày càng khẩn trương, áp lực công việc ngày càng gia tăng… vượt quá khả năng chịu đựng của con người gây nên tinh thần căng thẳng, rối loạn điều tiết hệ thần kinh nội tiết dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết mà phát sinh ra bệnh.

Ăn uống không điều độ:

Ăn uống nhiều chất béo, ngọt hoặc chất cay nóng là tổn thương đến chức năng vận hóa của tỳ, vị. Tỳ, vị vận hóa thất thường, trong vị tích nhiệt làm nhanh tiêu hóa thức ăn và tổn thương tân dịch nên các tạng phủ, kinh lạc đều mất nuôi dưỡng mà phát sinh thành bệnh tiêu khát.

Lục dâm xâm phạm:

Nguyên nhân phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa đều có thể xâm phạm gây tổn thương cho cơ thể; đặc biệt là ba loại tà thử, táo , nhiệt. Nếu cơ thể vốn đã âm hư hoặc hỏa vượng, lại thêm hỏa tà xâm phạm, hai loại nhiệt trong và ngoài kết hợp thiêu đốt tân dịch làm tổn thương tân dịch mà phát sinh thành bệnh.

Lao động hoặc sinh hoạt tình dục quá sức, không điều độ, đặc biệt là sinh hoạt tình dục quá độ làm cho thận tinh hao tổn, âm hư thì hỏa vượng thiêu đốt âm tinh và tân dịch dẫn đến thận hư, phế nhiệt, vị táo mà phát sinh thành bệnh tiêu khát.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Những điểm trọng yếu trong biện chứng

Bệnh tiêu khát do rất nhiều nguyên nhân kết hợp làm cho ngũ tạng suy nhược nhưng trong đó chủ yếu là ba tạng phế, tỳ, thận. Trong suốt quá trình phát sinh và phát triển của bệnh thì tổn thương tân dịch và âm tinh hư tổn là biểu hiện cơ bản. Âm hư thì sẽ sinh ra nội nhiệt, nội nhiệt thì sinh ra táo, táo lâu thì hỏa thịnh, hỏa thịnh lâu lại thiêu đốt âm tạo thành vòng xoắn bệnh lý. Mắc bệnh lâu ngày, âm hư hao khí, khí âm bất túc, kinh mạch bất hòa dẫn đến âm tổn cập dương kết hợp với đàm ứ, cuối cùng dẫn đến âm dương lưỡng hư. Cho nên, bản chất bệnh thời kỳ khí âm lưỡng hư, chủ yếu là thận âm hư, phế âm hư, phế táo, vị nhiệt. Thời kỳ giữa là khí âm lưỡng hư, chủ yếu là thận âm hư, phế âm hư, tỳ thận khí hư. Thời kỳ cuối là âm dương lưỡng hư, chủ yếu là can thận âm hư, tỳ thận dương hư. Trong quá trình biện chứng luận trị cần căn cứ vào biểu hiện lâm sàng để phân thể và định ra pháp điều trị cho phù hợp.

Nguyên tắc điều trị

Bản chất bệnh lý cơ bản của bệnh tiêu khát là âm hư táo nhiệt, trong đó âm hư là bản và táo nhiệt là tiêu. Cho nên, pháp điều trị cơ bản là thanh nhiệt sinh tân, ích khí dưỡng âm. Tuy nhiên, tùy tứng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tổn thương chủ yếu của người benehjlaf do phế, vị, tỳ, thận âm hư là chính hay táo nhiệt là chính để phối hợp các vị thuốc thanh nhiệt tả hỏa, kiện tỳ ích khí, tư hổ tỳ thận… một cách hợp lý. Nếu bị bệnh lâu ngày, âm dương khí huyết đều hư tổn thì nên đồng thời bổ cả khí huyết âm dương. Nếu có đàm ứ kết hợp thì phải hóa đàm hoạt huyết khứ ứ.

Ngoài việc dùng thuốc còn cần kết hợp tâm lý liệu pháp, vận động liệu phát, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho người bệnh.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.PHẾ VỊ TÁO NHIỆT

Triệu chứng: cảm giác buồn bực, miệng khô, khát nước, thích uống nước, ăn nhiều, mau đói, cơ thể gầy sút; đi thiểu nhiều lần, số lượng nhiều, nước tiểu màu vàng đục, có vị ngọt; chất lưỡi đỏ, khô, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt sinh tân chỉ khát.

Bài thuốc: Bạch hổ gia nhân sâm thang (Thương hàn luận) hợp với ích vị thang gia giảm.

Thạch cao   30g, Tri mẫu   10g, Cam thảo   06g, Đảng sâm   12g, Sa sâm   12g, Mạch môn   12g, Sinh địa   15g, Ngọc trúc   10g, Thiên hoa phấn   12g, Ngạnh mễ   15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài Bạch hổ thang (thạch cao, tri mẫu, cam thảo) có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát. Trong đó, thạch cao phối hợp với tri mẫu vừa có tác dụng thanh nhiệt khí thận, vừa có tác dụng tư âm bảo vệ tân dịch; cam thảo phối hợp với ngạnh mễ có tác dụng ích vị, bảo vệ tân dịch. Bài ích vị thanh có tác dụng kiện tỳ ích khí, dưỡng vị âm, sinh tân chỉ khát. Hai hài phối hợp đạt được mục tiêu điều trị nêu ra.

Nếu khát nước nhiều thì tăng liều thiên hoa phấn để sinh tân chỉ khát.

Nếu đại tiện phân khô, cứng, khó đi thì gia đại hoàng 06g (cho vào sau), hỏa ma nhân 10g để tả hạ thanh nhiệt.

Nếu tân dịch tổn thương gây bí đại tiện thì gia huyền sâm 30g, quyết minh tử 30g để nhuận tràng thông tiện.

Nếu đau răng, sưng quanh răng thì gia chi tử 12g, bồ công anh 15g để thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.

2.THẬN HƯ THƯỢNG TINH

Triệu chứng: đi tiểu nhiều, số lượng nhiều, nước tiểu đục vàng như có mỡ hoặc nước tiểu có vị ngọt, lưng đau, gối mỏi, di tinh, mất ngủ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư âm, cố thận, điều tinh.

Bài thuốc: Tri bá địa hoàng hoàn (Y tông kim tiềm).

Tri mẫu   10g, Hoàng bá   10g, Đan bì   10g, Sinh địa   20g, Trạch tả   10g, Phục linh   10g, Sơn thù   15g, Hoài sơn   15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên dùng tri mẫu có tác dụng thanh nhuận, tư âm, bổ thận. Hoài sơn có tác dụng dưỡng tỳ âm để nhiếp vật chất dinh dưỡng. Sơn thù có tác dụng cố thận âm, ích thận tinh làm chi vật chất dinh dưỡng không hạ trú. Sinh địa có tác dụng dưỡng tân của phế. Trạch tả có tác dụng tả hỏa hạ tiêu. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Đan bì có tác dụng dưỡng âm, thanh hư nhiệt.

Nếu bệnh nhân có cảm giác buồn bực, khát nước nhiều thì gia thiên hoa phấn 30g, mạch môn 15g để sinh tân chỉ khát.

Nếu mất ngủ thì gia bách hợp 12g để dưỡng tâm an thần.

Nếu thị lực giảm, nhìn không rõ thì gia kỳ tử 12g, cúc hoa 10g để thanh can sáng mắt.

3.KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ

Triệu chứng: mệt mỏi như không có sức, người gầy gò, tự ra mồ hôi, đi tiểu nhiều, nước tiểu trong, chóng mặt, hoa mắt, miệng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, đại tiện táo chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng ít, mạch tế vô lực.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, kiện tỳ tư thận.

Bài thuốc: Sinh mạch tán (Bị cấp thiên kim yếu phương) phối hợp với Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi được chứng trực quyết) gia giảm.

Sa sâm   15g, Mạch môn   15g, Ngũ vị tử 06g, Đan bì   10g, Trạch tả   10g, Phục linh   10g, Sơn thù   15g, Hoài sơn   20g, Sinh địa   30g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài thuốc Sinh mạch tán (nhân sâm, mạch môn, ngũ vị tử) có tác dụng ích khí, liễm hãn, ích âm sinh tân. Bài thuốc Lục vị địa hoàng (thục địa, hoài sơn, đan bì, trạch tả, phục linh) có tác dụng tư bổ can thận. Hai bài thuốc này phối hợp sẽ tăng cường tác dụng ích khí sinh tân, kiện tỳ ích thận để đạt được mục đích điều trị.

Nếu mô hồi tiết ra quá nhiều thì gia hoàng kỳ 30g để bổ khí cố biểu.

Nếu khô miệng nhiều thì gia thiên hoa phấn 20g, thiên môn 10g để dinh tân chỉ khát.

4.MẠCH LẠC Ứ TRỆ

Triệu chứng: khát nước, muốn uống nước, đau tức ngực, hồi hộp, trống ngực, liệt nửa người, đau đầu, chóng mặt, tai ù hoặc mờ mắt, chất lưỡi ánh tím, mạch sáp hoặc kết đại.

Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, sơ thông mạch lạc.

Bài thuốc: Tứ vật thang (Hòa tễ cục phương) gia vị.

Xuyên khung   12g, Đương quy   12g, Xích thược   12g, Ích mẫu   20g, Thục địa   20g, Đan sâm   15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì bài Tứ vật thang (đương quy, xuyên khung, thục địa, bạch thược) có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, hàng huyết để khứ, khứ được ứ thì sẽ thông được mạch. Đan sâm để tăng cường tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, ích mẫu vừa có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, vừa có tác dụng tiêu sưng nề nên có tác dụng giảm đau.

Nếu đau ngực nhiều thì gia huyền hồ 10g để hoạt huyết giảm đau.

Nếu có liệt nửa người thì gia ngô công 02 con, địa long 10g hoặc thủy diệt 05g để sơ thông lạc mạch.

Nếu thấy lơ mơ, tai ù thì gia hồng hoa 06g, thạch quyết minh 30g để hoạt huyết khứ ứ, thanh can minh mực.

Nếu mắt mờ thì gia cúc hoa 10g, mật mông hoa 10g, kỷ tử.

5.THẤP NHIỆT TRUNG TRỞ

Triệu chứng: khát nước, uống nhiều nước; bụng đầy, tức, trướng; toàn thân tê mỏi như không có sức; đầu cảm giác căng tức, âm u; rêu lưỡi vàng nhớp, mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: thanh nhiệt hóa thấp, giáng đường chỉ khát.

Bài thuốc: Hoàng cầm hoạt thạch thang (Trung y phương dược học) gia giảm.

Hoàng cầm   10g, Phục linh   12g, Trư linh   10g, Đại phúc bì   12g, Bạch đậu khấu   05g, Hoạt thạch   15g, Cát căn   15g, Thiên hoa phấn   20g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì hoàng cầm, hoạt thạch có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp. Phục linh, trư linh có tác dụng kiện tỳ trừ thấp. Đại phúc bì có tác dụng lợi thủy tiêu thũng. Bạch đậu khấu có tác dụng phương hương hóa thấp. Cát căn, thiên hoa phấn để tăng cường tác dụng tỉnh tỳ, sinh tân, chỉ khát, giáng đường.

Nếu toàn thân đau nhức nặng thì gia thương truật 12g để táo thấp giảm đau.

Nếu khát nước nhưng miệng có vị ngọt thì gia nhân trần 10g, bạch truật 10g để thanh nhiệt lợi thấp.

Nếu nôn nhiều thì gia hoắc hương 10g, trúc như 12g để phương hương hóa thấp, hòa vị chỉ nôn.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÁC

Châm

Tỳ du, Cách du, Thận du, Túc tam lý, Tam âm giao làm huyết chính: phối hợp thêm các huyết Phế du, Vị du, Can du, Trung quân, Quan nguyên, Dương lăng tuyền.

Phương pháp: châm bình bổ bình tả, lưu kim 15 – 20 phút, cách ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình, mỗi liệu trình cách nhau 3 – 5 ngày.

Cứu

Khí hải, Quan nguyên, Liệt khuyết, Chiếu hải, Thủy đạo, Mệnh môn, Thận du, Hội âm, Ủy dương.

Phương pháp: mỗi lần cứu 15 – 20 phút, cách ngày cứu một lần, 10 lần là một liệu trình.

KẾT LUẬN

Bệnh đái tháo đường là bệnh chuyển hóa mạn tính và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc khống chế đường máu ở giới hạn cho phép không khó nhưng duy trì đường máu ở giới hạn bình thường trong thời gian dài không phải là điều dễ dàng.

Y học hiện đại có nhiều thuốc có tác dụng làm hạ nhanh đường huyết nhưng các thuốc đều có tác dụng phụ không mong muốn, dùng lâu dài có hại cho chức năng gan và thận, khi ngừng thuốc đường máu lại nhanh chóng tăng trở lại.

Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc và bài thuốc có tác dụng cải thiện tốt triệu chứng lâm sàng, làm hạ đường huyết, phòng ngừa và làm giảm các biến chứng.

Việc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh đái tháo đường ngày nay đang được nghiên cứu ứng dụng một cách phổ biến và đem lại kết quả rất khả quan; đặc biệt là trên phương diện cải thiện triệu chứng lâm sàng nâng cao chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa và làm giảm nhẹ biến chứng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *