Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ VÔ KINH

Bài thuốc đông y trị vô kinh

Vô kinh là hiện tượng không hành kinh trong một thời gian quy định. Vô kinh là bệnh thường gặp trong phụ khoa, diễn biến bệnh lý có ảnh hưởng không những trong lĩnh vực sinh sản mà còn trong lĩnh vực sức khỏe, tính mạn của người bệnh. Nữ giới tuổi dậy thì trên 16 tuổi mà chưa thấy kinh nguyệt hoặc đã có kinh nguyệt mà không hành kinh ba lỳ liên tiếp hoặc trên 6 tháng nếu đã từng hành kinh mà không đều trong tiền sử thì đều gọi là vô kinh.

Vô kinh được phân biệt:

Vô kinh sinh lý xảy ra trong khi có thai, trong thời gian cho con bú hoặc có tác giả còn xếp hiện tượng không hành kinh trước tuổi dậy thì và sau tuổi mãn kinh vào bế kinh sinh lý.

Vô kinh bệnh lý:

Vô kinh nguyên phát: do không có tử cung, buồng trứng; cổ tử cung bị chít hẹp hoặc màng trinh bị thủng, không có âm đạo…

Vô kinh thứ phát: do thủ thuật nạo tử cung hoặc buồng trứng, mất máu nhiều sau sinh đẻ hoặc buồng trứng có khối y hoặc người bệnh chạy tia xạ, bị bệnh lao, bệnh tự miễn dịch ở buồng trứng…

Chẩn đoán

Lâm sàng

Căn cứ vào bệnh sử, thầy thuốc có thể biết được tình trạng trước vô kinh của bệnh nhân như tuổi dậy thì, chu kỳ kinh kỳ, lượng kinh, màu sắc… Tình trạng tinh thần bệnh trước vô kinh bị căng thẳng, các thuốc dùng gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt (thuốc trấn tĩnh, giảm béo, thuốc kích thích…).

Lâm sàng: phụ nữ đến tuổi dậy thì mà trên 16 tuổi chưa thấy kinh hoặc sau dậy thì trên một năm hoặc sau khi dậy thì kinh nguyệt đều mà không thấy kinh trên 6 tháng.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm định lượng FSH, LH, PRL (prolactin)… thông qua kết quả giúp chẩn đoán bế kinh thuộc về nguyên nhân nội tiết.

Chụp CT scanner, MRI, loại trừ khối u.

Siêu âm phần phù, nội soi tử cung.

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt với thiếu nữ chậm kinh sinh lý.

Phụ nữ chậm kinh do có thai, vô kinh sau tuổi mãn kinh.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh vô kinh thuộc phạm trù kinh bế, huyết bế, nguyệt bế.

Y học cổ truyền cũng như y học hiện đại đều quan niệm vô kinh (bế kinh) là: nữ giới dậy thì trên 16 tuổi mà chưa thấy kinh nguyệt hoặc không hành kinh 3 tháng nếu đã từng hành kinh đều hoặc trên 6 tháng nếu đã từng hành kinh không đều gọi là bế kinh.

Các y gia của nhiều thời đại đưa ra rất nhiều luận thuyết về bế kinh, “Linh khu tà khí tạng phủ bệnh hình” nêu: thận mạch vi sáp tất bế kinh.

Trong sách “Tố vấn bình nhiệt bệnh luận” có nêu: có bênh phong ở thận tất bế kinh, không có kinh, tất do mạch nham đốc.

Trong cuốn “Tố vấn âm dươn biệt luận” có nêu: nhị dương bệnh phát ở tâm tỳ gây nên phụ nữ vô kinh.

Trong cuốn “Chư bệnh nguyên hậu luận” có nêu: phong hàn uất ở bào cung, tổn thương xung nhâm dẫn đến bế kinh.

Tác giả Trần Tố Am trong cuốn “Phụ khoa bổ giải. Điều kinh môn” có đưa ra luận thuyết đam trệ, thận hư, tân dịch hao tổn gây nên bế kinh, đây là cơ sở phát triển hoàn thiện về nguyên nhân cơ chế của bế kinh.

Trong cuốn “Hiệu chú phụ nhân lương phương. Điều kinh môn” có nêu: tạng phủ bị bệnh đều dẫn đến huyết hư, huyết ứ gây nên bế kinh.

Nguyên nhân bệnh sinh

Sự sản sinh kinh nguyệt là kết quả hiệp điều của cơ quan tạng phủ, thiên quý, khí huyết, xung nhâm và bào cung. Thận, thiên quý, xung nhâm, bào cung là mắt xích chủ yếu sản sinh kinh nguyệt. Trong đó, bất cứ một mắt xích nào có chức năng bị thất điều đều dẫn đến huyết hải bị trở ngại. Cho nên, nguyên nhân của bế kinh được phân thành hai loại là hư và thực.

Hư chứng: nguyên nhân chủ yếu là thận khí bất túc, xung nhâm hao hư hoặc can thận hư tổn, tinh huyết bất túc hoặc tỳ vị hư nhược, khí huyết hư nhược hoặc âm hư huyết táo, tinh hao huyết thiếu, dẫn đến xung nhâm huyết hải rỗng hư, làm mất nguồn của huyết gây bế kinh.

Thực chứng: thường do khí huyết trở trệ hoặc đàm thấp lưu trú hạ tiêu, làm huyết lưu trệ không thông, xung nhâm trở trệ, huyết hải cách trở, làm kinh huyết không hạ giáng gây bế kinh.

Khí huyết hư nhược: cơ thể bẩm thụ khí huyết không đầy đủ hoặc do ăn uống không điều độ gây tổn thương tỳ vị, sinh hóa không đầy đủ làm cho doanh huyết hư nhược hoặc sản hậu mất máu nhiều, bệnh nặng kéo dài làm tổn hại đến khí huyết… đều làm cho can thận mất nuôi dưỡng, xung quanh mất điều hòa, huyết hải trống hư, huyết mất hạ giáng gây bế kinh.

Thận khí hao hư: sư sản sinh kinh nguyệt là do thận làm chủ; ngược lại tiên thiên bẩm thụ không đầy đủ, tinh khí không đầy đủ, thiên quý hao hư, mạch xung không thịnh, mạch nhâm không thông gây nên bế kinh hoặc sinh hoạt tình dục không điều độ lâu ngày gây tổn hại thận khí làm xung nhâm hao tổn hoặc thể chất hư nhược, lao động quá nặng nhọc làm thận khí hao tổn, tinh huyết thiếu hụt làm cho xung nhâm không được nuôi dưỡng, huyết hải không đầy đủ gây bế kinh.

Âm hư huyết táo, bẩm thụ âm huyết không đầy đủ hoặc do mất máu nhiều gây thương âm hoặc bệnh nặng lâu ngày làm doanh âm hao tổn, hư hỏa thăng bốc, hỏa bức làm thủy khô cạn, tân dịch hao tổn; kinh nguyệt và huyết mạch tân dịch cũng nguồn hóa sinh cho nên tân dịch đã tuyệt, huyết hải khô cạn sẽ gây nên bế kinh.

Khí trệ huyết ứ: thất tình tổn thương làm can mất sơ tiết, khí hành thì huyết hành, khí kết thì huyết trệ làm huyết ứ ở mạch đạo hoặc khi hành kinh gặp lạnh gây huyết ngưng làm ứ trở xung nhâm, huyết không hạ giáng, huyết hải mất sự bồi đắp gây bế kinh.

Đàm thấp trở trệ: tố bẩm tỳ hư hoặc ăn uống không điều độ làm tổn hại tỳ vị, tỳ hư gây rối loạn chức năng vận hóa, thận hư rối loạn chức năng hóa khí hành thủy làm thủy thấp nội đình, thấp tụ sinh đàm hoặc bẩm thụ đàm thấp, trở trệ xung nhâm làm cho huyết không hạ giáng gây bế kinh.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Bế kinh là chứng bệnh thường gặp trong bệnh lý phụ khoa, điều trị gặp nhiều khó khăn; hơn nữa nguyên nhân bế kinh khá phức tạp, hiệu quả điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cho nên trước khi điều trị cần xác định rõ nguyên nhân. Đối với biện chứng bế kinh nên căn cứ vào triệu chứng toàn thân, kết hợp với bệnh sử, biểu hiện của mạch và lưỡi để biện chứng hư thực. Nói chung, phụ nữ trên 16 tuổi mà chưa hành kinh hoặc đã hành kinh những kỳ kinh rối loạn, lượng kinh ít, sắc kinh nhợt dần dần dẫn đến bế kinh.

Hư chứng: thường gặp nữ giới chậm phát dục, nhất là chứng lươn tính không phát dục hoặc thể chất hư nhược, sau mắc bệnh nặng lâu ngày… Lâm sàng biểu hiện đau đầu, chóng mặt, sắc mặt vàng tối, bứt rứt khó chịu hoặc sợ lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.

Thực chứng: bình thường hành kinh đều, đột nhiên mất kinh, tình chí không yên hoặc khi hành kinh gặp trời mưa, lội nước, ăn uống đồ sống lạnh gây mất kinh hoặc cơ thể béo phì, ngực sườn tức đau, mạch huyền có lực.

Nguyên tắc điều trị

Theo biện chứng của y học cổ truyền thì bế kinh là biểu hiện bệnh lý của tạng phủ, thiên quý, mạch xung, mạch nhâm và tử cung. Thận, thiên quý, xung nhâm, bào cung là mắt xích chủ yếu sản sinh kinh nguyệt, khi rối loạn chức năng ở một khâu nào đó trong mắt xích trên sẽ dẫn đến bế kinh. Cho nên, cần lấy điều lý xung nhâm, tạng phủ, khí huyết là pháp chữa chính.

Căn cứ vào biện chứn thì hư chứng lấy pháp bổ để thông, thực chứng lấy pháp tả để thông; hư thực thác tạp thì dùng pháp trong bổ có thông, trong công có dưỡng. Nghĩa là khi bệnh tình diễn biến phức tạp cần căn cứ vào biện chứng để đưa ra nguyên tắc điều trị phù hợp. Nếu là hư thực thác tạp thì dùng pháp hoạt huyết lý khí để thông kinh. Đặc biệt, nếu là hư do nguyên nhân huyết hải trống rỗng thì nguyên tắc điều trị không nên tả vì nếu tả thông khí huyết thì làm tổn thương đến tạng phủ, khí huyết, kinh lạc; chỉ nên dùng pháp bổ ích làm cho khí huyết khôi phục, tạng phủ điều hòa, huyết hải sung thịnh thì kinh nguyệt tự khôi phục. Ngược lại, nếu do bệnh nào đó gây bế kinh thì trước tiên phải điều trị bệnh nguyên phát, khi khỏ bệnh thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.KHÍ HUYẾT HƯ NHƯỢC

Lâm sàng: chu kỳ kinh nguyệt đình trệ hoặc lượng kinh ít, sắc kinh hồng nhợt, dần dần dẫn đến bế kinh không thông; cơ thể mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lo âu, hụt hơi, sắc mặt vàng tối, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm hoãn hoặc tế nhược.

Pháp điều trị: ích hí dưỡng huyết điều kinh.

Bài thuốc: Nhân sâm dưỡng vinh thang (Thái binh huệ dân hòa tễ cục phương).

Hoàng kỳ  30g, Đương quy  30g, Quế tâm  30g, Cam thảo  30g, Trần bì  30g, Bạch truật  30g, Nhân sâm  30g, Bạch thược  90g, Thục địa  20g, Ngũ vị tử  20g, Bạch linh  20g, Viễn chí  15g.

Các vị thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần uống 12g; hòa với nước sắc sinh khương 03 lát, đại táo 02 quả để uống.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, kiện tỳ hòa vị. Hoàng kỳ, bạch truật, bạch linh, chích cam thảo có tác dụng bổ trung ích khí, là nguồn sinh hóa khí huyết. Đương quy, thục địa, bạch thược có tác dụng bổ khí hòa doanh điều kinh. Trần bì có tác dụng khí hành trệ. Viễn chí, ngũ vị tử có tác dụng định tâm an thần. Quế tâm có tác dụng ôn dương hòa doanh, chấn hưng dưỡng khí. Các vị thuốc trên phối hợp với nhau đạt được mục đích là khí huyết song bổ, làm cho huyết hải sung thịnh thì kinh nguyệt tự khôi phục.

Hoặc dùng bài Thập toàn đại bổ (Truyền tin thích dụng phương).

Bạch truật  09g, Cam thảo  03g, Thục địa  12g, Nhân sâm  06g, Hoàng kỳ  12g, Xuyên khung  06g, Đương quy  09g, Bạch thược  09g, Quế nhục  03g, Bạch linh  12g.

Các vị thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần dùng 09g; hòa với nước sắc sinh khương 03 lát, đại táo 02 quả để uống.

Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Bát trân thang gia hoàng kỳ, quế nhục. Bài Bát trân thang có tác dụng điều bổ khí huyết. Trong bài thuốc này thì hoàng kỳ, đại táo có tác dụng tăng cường kiện tỳ ích khí, lấy nguyên tắc khí sinh huyết. Quế nhục có tính vị cay, ngọt, rất nóng và nhập kinh tâm, tận, can, tỳ; có tác dụng bổ hỏa trợ dương, tán hàn chỉ thống, ôn kinh thông mạch. Sinh khương có vị cay, tính ấm; có tác dụng tân ôn giải biểu thông kinh hoạt lạc, hòa trung giáng nghịch, trợ giúp nhục quế thông dương, làm tan sự ngưng trệ khí huyết để nhu dưỡng kinh mạch nên huyết hải tràn đầy. Như vậy, tác dụng chung của bài thuốc là làm cho khí huyết đầy đủ, khí huyết của hai mạch xung nhâm vận hành thông suốt thì kinh nguyệt tự thông.

Nếu bế kinh kèm theo có đau ngực sườn, hai bầu vú căng đau là do khí hư hiệp can uất thì gia xuyên luyện tử 06g, sài hồ 12g, tiểu hồi hương 12g để sơ can lý khí chỉ thông.

Châm cứu: châm bổ các huyệt Tỳ du, Cách du, Can du, Túc tam lý, Tam âm giao hoặc có thể cứu các huyệt trên.

2.THẬN KHÍ HAO TỔN

Lâm sàng: nữ giới 16 tuổi mà chưa hành kinh hoặc đã hành kinh nhưng kinh nguyệt ít dần, lúc có kinh, lúc ngừng hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, lượng kinh giảm dần cho đến kinh nguyệt đình bế hoặc cơ thể phát dục châm, chứng lưỡng tính không phát dục, đau lưng mỏi gối, tai ù, mệt mỏi, tiểu đêm nhiều, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: bổ thận ích khí, điều lý xung nhâm.

Bài thuốc: Thung dung thỏ ty tử hoàn gia giảm (Trung y phụ khoa trị liệu học).

Nhục thung dung  12g, Kỷ tử  12g, Thục địa  12g, Thỏ ty tử  09g, Ngải diệp  12g, Đương quy   12g, Phúc bồn tử  09g, Tử hà sa  09g, Dâm dương hoắc  12g, Tang ký sinh  12g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.

Trong bài thuốc trên thì nhục thung dung, dâm dương hoắc có tác dụng ôn bổ thận khí. Thỏ ty tử có tác dụng bổ dương ích âm. Ba vị thuốc này phối hợp vó tác dụng bổ thận trấn tinh, ích thận khí trợ dương. Tử hà sa, phúc bồn tử có tác dụng bổ tinh dưỡng huyết. Kỷ tử, thục địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết, bổ tinh ích tủy. Đương quy tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, điều kinh. Tang ký sinh, ngải diệp có tác dụng bổ thận thông lạc.

Nếu sắc mặt ám vàng, đới hạ lượng ít, hoa mắt, chóng mặt hoặc âm đạo khô sáp, tóc khô dễ gãy, chất lưỡi hồng, ít rêu lưỡi, mạch tế sác vô lực (biểu hiện can thận không đầy đủ) thì gia hà thủ ô 12g, a giao 10g, đan bì 10g.

Châm cứu: châm bình bổ bình tả kết hợp với cứu các huyệt Quan nguyên, Thận du, Can du, Thủy tuyền, Tam âm giao.

3.ÂM HƯ HUYẾT TÁO

Lâm sàng: hành kinh sau kỳ, lượng kinh ít, sắc kinh hồng, chất kinh đặc, lượng kinh ít dần, sau đó dẫn đến bế kinh, bứt rứt, khó chịu, hai gò má hồng, môi khô, ra mồ hôi trộm, đau nhức xương, ho khan có thể khạc ra máu, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, điều kinh.

Bài thuốc: Nhất âm tiễn gia giảm (Cảnh Nhạc toàn thư).

Thục địa  15g, Sinh địa  12g, Bạch thược  12g, Mạch đông  12g, Tri mẫu  12g, Địa cốt bì  12g, Cam thảo  12g, Hoàng trinh  12g, Hương phụ chế  12g, Đan sâm  15g, Nữ trinh tử  12g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì sinh địa, thục địa có tác dụng dưỡng thận âm, thanh giải huyết nhiệt. Địa cốt bì, tri mẫu có tác dụng dưỡng âm thoái cốt trung. Các vị thuốc này phối hợp có tác dụng tráng thủy chế hỏa. Bạch thược, nữ trinh tử, hoàng tinh có tác dụng tư bổ tinh huyết. Đan sâm có tác dụng hoạt huyết điều kinh. Chế hương phụ có tác dụng lý khí hoạt huyết điều kinh. Chích cam thảo có tác dụng kiện tỳ hòa trung, điều hòa tính dược. Bài thuốc này có tác dụng tư bổ thận âm, giáng tiết hư hỏa, xung nhâm thông thoát, kinh nguyệt được thông.

Châm cứu: châm bổ các huyệt Tam Âm giao, Thận du, Quan nguyên, Khúc trì, Huyết hải.

4.THỂ KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ

Lâm sàng: kinh nguyệt đình bế, ngực sườn căng đau, bầu vú căng tức, dễ cáu gắt, vùng hạ vị trướng đau và không thích xoa nắn, chất lưỡi ám tím, lưỡi có ban điểm ứ huyết, mạch trầm huyền sáp.

Pháp điều trị: lý khí hoạt huyết, trụ ứ thông kinh.

Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang (Phương kiến thống kinh).

Đào nhân  10g, Hồng hoa  08g, Đương quy  12g, Sinh địa  12g, Xuyên khung  12g, Xích thược  12g, Ngưu tất  12g, Cát cánh  05g, Sài hồ  12g, Chỉ xác  06g, Cam thảo  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc này được cấu tạo từ bài Đào hồng tứ vật thang hợp với Tứ nghịch tán và gia cát cánh, ngưu tất. Trong bài thuốc này thì đương quy, xuyên khung, xích thược, đào nhân, hồng hoa đều có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Ngưu tất có tác dụng khứ huyết ứ, thông huyết mạch, dẫn ứ huyết hạ hành. Sài hồ có tác dụng sơ can giải uất, thăng đạt thanh dương. Cát cánh có tác dụng khai tuyên phế khí, đưa thuốc lên trên kết hợp với chỉ xác (một thăng một giáng) để hành khí ở vùng ngực làm cho khí hành thì huyết hành. Sinh địa có tác dụng lương huyết thanh nhiệt, phối hợp với đương quy để dưỡng âm nhuận táo làm cho khứ ứ mà không thương âm huyết. Cam thảo điều hòa các vị thuốc. Tác dụng bài thuốc là hoạt huyết, dưỡng huyết hóa ứ, lý khí giải uất làm cho khí huyết lưu thông, xung nhâm ứ huyết tiêu tán, kinh bế được thông.

Nếu đau tức ngực nhiều thì gia giáng hương 12g, uất kim 08g, diên hồ sách 12g, nhũ hương 06g, một dược 06g, tam thất 06g. Nếu khí hư thì gia hoàng kỳ 30g.

Châm cứu: châm tả các huyệt Trung cực, Thái xung, Hợp cốc, Khúc tuyền, Tam âm giao.

5.ĐÀM THẤP TRỞ TRỆ

Lâm sàng: hành kinh kéo dài, kinh lượng ít, sắc kinh nhợt, chất dính nhờn, dần dần dẫn đến bế kinh, cơ thể béo phì, đau tức ngực sườn, người mệt mỏi, ăn uống kém; đới hạ lượng ít, màu trắng, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi nhớt, mạch hoạt.

Pháp điều trị: kiện tỳ, táo thấp hóa đàm, hoạt huyết điều kinh.

Bài thuốc: Tứ quân tử thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cụ phương) phối hợp với Thương phụ đạo đàm hoàn (Diệp Thiên Sỹ nữ khoa chẩn trị bí phương).

Phục linh  12g, Bán hạ chế  12g, Hương phụ  12g, Thương truật  10g, Nam tinh  12g, Trần bì  12g, Chỉ xác  12g, Cam thảo  10g, Sinh khương  12g, Đảng sâm  15g, Thần khúc  12g, Bạch truật  12g, Đương quy  12g, Xuyên khung  10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Trong bài thuốc trên thì bài Tứ quân tử thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo) có tác dụng kiện tỳ ích khí, tỳ vị được kiện vận thì đàm thấp không tự sinh. Bài Thương phụ đọa đàm hoàn (bán hạ chế, thiên nam tinh, chỉ thực, trần bì, xích linh, thương truạt, hương phụ, sinh khương) có tác dụng táo thấp kiện tỳ, hành khí tiêu đàm, đàm thấp được hóa, kinh nguyệt tự thông. Đương quy, xuyên khung có tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết, thông điều kinh mạch. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ, hóa đàm trừ thấp, hành khí hoạt huyết để điều kinh; tiêu bản đồng trị làm cho tỳ vị kiện vận, kinh mạch thông thoát thì kinh nguyệt tự hành.

Nếu thấp trệ nặng thì gia ý dĩ nhân 12g, thổ phục linh 15g để tăng cường lợi thủy thấm thấp.

Châm cứu: châm tả các huyệt Tỳ du, Túc tam lý, Hợp cốc, Khí hải, Trung cực, Tam âm giao, Phong long.

KẾT LUẬN

Bế kinh được phân thành hai loại lớn là hư chứng và thực chứng.

Hư chứng: nguyên nhân chủ yếu là thận khí bất túc, xung nhâm hao hư hoặc can thận hư tổn, tinh huyết bất túc hoặc tỳ vị hư nhược, khí huyết hư nhược hoặc âm hư huyết táo tinh hao huyết thiếu, dẫn đến xung nhâm huyết hải rỗng hư làm mất nguồn của huyết bế kinh.

Thực chứng: thường do khí huyết trở trệ hoặc đàm thấp lưu trú hạ tiêu làm cho huyết ứ không thông, xung nhâm trở trệ, huyết hải cách trở gây nên kinh huyết không hạ giáng dẫn đến bế kinh.

Nguyên tắc điều trị: điều lý xung nhâm, tạng phủ, khí huyết.

Căn cứ vào biện chứng thì hư chứng dùng pháp bổ để thông, thực chứng dùng pháp tả để thông; hư thực thác tạp thì dùng pháp trong bổ có thông, trong công có dưỡng. Ngược lại, nguyên nhân bệnh lý nào đó gây bế kinh thì trước tiên phải điều trị bệnh nguyên phát, khi khỏi bệnh thì kinh nguyệt sẽ hồi phục bình thường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *