Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ VIÊM TIỀN LIỆT TUYẾN

Bài thuốc đông y trị viêm tiền liệt tuyến

Viêm tiền liệt tuyến là một loại bệnh trong hệ thống sinh dục nam, bệnh thường kết hợp với viêm mào tinh hoàn, túi tnh. Các loại vi khuẩn gây nên bệnh này thường có tụ cầu, trực khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus thông qua đường máu, hạch lâm ba lan tỏa đến các bộ phận túi tinh, thừng tinh, tiến liệt tuyến. Trên lâm sàng thường gọi là bệnh tinh dịch đục, biểu hiện chủ yếu là chứng viêm mạn tính dẫn đến suy nhược thần kinh, suy giảm tình dục, thậm chí vô sinh.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu viêm tiền liệt tuyến do vi khuẩn thường là do một ổ viêm từ nơi khác trong cơ thể lan tỏa di chuyển đến, trường hợp này tương đối nhiều, triệu chứng chủ yếu là sốt cao, rét run, đái khó, đái buốt, nếu không điều trị đến nơi đến chốn có thể gây viêm túi tinh mạn tính, biểu hiện chính là vùng bìu cảm giác đau nhức ngoài ra còn đau vùng thắt lưng hông, đi tiểu nhiều lần, có cảm giác ngứa trong niệu đạo, tinh dịch đục, tự tiết ra. Bệnh không được chữa căn bản dẫn tới nhức đầu, mê mộng, mất ngủ và hay quên, cùng lúc có thể gây liệt dương, dương nuy tảo tiết, thậm chí vô sinh.

Nếu viêm tiền liệt tuyến do do ký sinh trùng thường lan tỏa đến đường niệu đạo trước, sau đó gây triệu chứng đái buốt, đái khó, bệnh lý lan rộng đến mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, biểu hiện là đau nhức bìu, trong tinh dịch có máu.

Cận lâm sàng

Khi khám bằng thăm tay qua trực tràng thấy tiền liệt tuyến to hơn bình thường, ấn đau, khi vuốt nhẹ thấy dịch của tiền liệt tuyến tiết ra ở đầu miệng sáo (trong viêm cấp tính) hoặc nhỏ hơn, có khi thành dải xơ sẹo, ấn thấy cộm (trong viêm mạn tính).

Xét nghiệm dịch tiền liệt tuyến thấy có hơn 10 tế bào bạch cầu trên một vi trường hoặc thành từng đám, tiểu thể Lecithin giảm một cách rõ rêt.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm niệu đạo cấp tính: sốt cao, đau nhiều ở bộ phận sinh dục ngoài, đái đau buốt, có khi đái mủ, khi xét nghiệm ở niệu đạo có thể thấy cầu khuẩn và trực khuẩn Gram âm.

Viêm niệu đạo mạn tính: thường không có sốt, bộ phận sinh dục ngoài đau vừa phải, ngứa miệng sáo, đái mủ ít. Sau uống rượu nhiều, sau giao hợp hoặc khi người mệt mỏi thì bệnh tái phát nặng hơn.

Viêm bàng quang: ngoài triệu chứng đái rắt, đái buốt, đái mủ còn thấy đái máu cuối bãi. Đa số viêm bàng quang khi xét nghiệm nước tiểu có nhiều tế bào mủ và vi khuẩn.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm tiền liệt tuyến thuộc phạm vi chứng tinh trọc, cao lâm, lao lâm. Trong sách “Đan Khê tâm pháp” chỉ ra rằng đó là chứn “xích bạch trọc”: đầu niệu đạo có giọt dịch trắng đục hay là màu máu, đái rắt, đái buốt. Sách “Y biện xích trọc môn” đưa ra khái niệm “tinh trọc tiện trọc” dẫn đến tinh suy, tiểu tiện khó khăn, nước tiểu có sợi nhầy như mủ, khi nhiều, khi ít; kèm theo đau, ngứa dương vật, thậm chí đau như dao cắt.

Nguyên nhân bệnh sinh

Nguyên nhân phát bệnh trong sách “Bệnh nguyên hậu luận” chỉ rõ lao thương thận dẫn đến thận không tàng tinh, cho nên khi đi tiểu ra tinh dịch đục; từ nguyên nhân lao thương này, thấp nhiệt đi vào bàng quang gây đái máu, đái mủ.

Phát sinh viêm tiền liệt tuyến có liên quan đến chức năng tàng tinh tại thận và điều tiết tại tâm. Thận chủ trữ tàng, can chủ sơ tiết, can thận phối hợp gọi là tướng hỏa, tâm thuộc quân hỏa. Khi xúc động thì thúc đẩy tâm hỏa động, tâm hỏa động thì tinh tự xuất. Khi tướng hỏa thiên vượng, thấp nhiệt thiên thịnh sẽ nhiễu loạn tình chí, thanh trọc hỗn loạn dẫn đến tinh tự xuất ra (tinh tự tiết như vậy gọi là tinh trọc). Bệnh kéo dài làm tổn thương đến tỳ thận, khí huyết vận hành không thông làm cho tỳ khí hạ hãm, không khống chế được thấp làm thủy dịch vận hành bị rối loạn, không tàng được ở thận.

Bệnh kéo dài dẫn đến tình chí uất kết, chức năng sơ tiết của can giảm sút gây khí trệ huyết ứ, dẫn đến khí hóa ở bàng quang bị ảnh hưởng làm cho bệnh từ thực chuyển hư, hư thực thác tạp.

Sơ đồ quy nạp bệnh lý tinh trọc:

Can mất sơ tiết              →                rối loạn khí hóa.

Thấp nhiệt hạ trú           →                ứ huyết bại tinh.

Can thận âm hư            →                tướng hỏa nhiễu tinh.

Tỳ hư khí hãm               →                tinh không nạp được.

Thận dương hư suy     →                tinh quan bất cố.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Chủ yếu là tinh dịch đục do tướng hỏa thiên thịnh, thấp nhiệt hạ trú, can mất sơ tiết làm nhiễu loạn túi tinh nên thanh trọc hỗn loạn, tiết ra tinh dịch đục.

Bệnh kéo dài thì thấp nhiệt làm tổn thương tỳ thận, khí huyết vận hành không thông suốt, tỳ hư khí hãm, thận tinh bất túc, khí trệ huyết ứ. Giai đoạn đầu của bệnh thuộc thực chứng, giai đoạn sau thuộc hư trung hiệp thực. Biện chứng cần làm rõ hư hay thực, hư thực thác tạp.

Tinh tàng ở thận và điều tiết bởi tâm. Nguyên nhân bệnh sinh gây tinh trọc ngoài nhân tố tâm hỏa và thận hư ra còn liên quan đến thấp nhiệt kết thịnh, can khí uất hết, tỳ hư khí hãm. Trong “Y tôn tất độc. Di tinh” có nêu kinh nghiệm khi điều trị: bệnh thuộc về tạng thận gây nên thì phải chữa vào thận, bệnh do tạng khác gây nên thì điều trị thận và tạng liên quan.

Nguyên tắc điều trị

Căn cứ vào nguyên nhân bệnh sinh do thận hư, bàng quang thấp nhiệt nên trong cuốn “Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương” chủ trương dùng bài Bát chính tán để thanh nhiệt tả hỏa, lợi thủy thông lâm.

Cuốn “Y học tâm ngộ” chủ trương dùng bài Tỳ giải phân thanh ẩm để ôn thận hóa khí, phân thanh biệt trọc.

Cuốn “Chính trị chuẩn thằng” chủ trương dùng bài Thủy lục nhị tiên đan để bổ thận cố tinh.

Những quan điểm này cho đến nay vẫn còn giá trị thực tế.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

1.CAN KHÍ UẤT KẾT

Lâm sàng: tinh trọc tự xuất, đau âm ỉ bụng dưới lan xuống bìu, tiểu khó, đau chướng còn kèm theo chứng tức ngực, dễ cáu gắt, ăn không thấy ngon miệng. Đây là biểu hiện của chứng tình chí uất kết, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ đậm, có ám tím, rêu lưỡi mỏng khô, trắng, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: lợi khí sơ đạo, tăng cường tán ứ.

Bài thuốc: Trầm hương tán (Kim quỹ dực).

Trầm hương  20g, Đương quy  20g, Hoạt thạch  20g, Thạch vỹ  20g, Bạch thược  20g, Cam thảo  10g, Đông quỳ tử  10g, Trâu cổ  20g, Trần bì 10g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì vị trầm hương có tác dụng giáng khí chỉ thống. Đương quy có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Hoạt thạch, thạch vỹ, đông quỳ tử có tác dụng lợi thủy thông lâm. Trần bì có tác dụng lý khí chỉ thống. Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết liễm âm. Trần cổ có tác dụng cố sáp. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu đau trướng bụng thì gia chỉ xác 12g, lệ chỉ hạch 12g để hành khí chỉ thống. Nếu tính tình dễ cáu gắt thì gia long đởm thảo 08g, hoàng liên 10g để thanh nhiệt, tả hỏa.

Nếu đại tiện táo thì gia hà thủ ô đỏ 15g, hỏa ma nhân 12g để nhuận tràng thông tiện. Nếu đau hạ vị như rùi đâm thì gia bồ hoàng 08g, ngũ linh chi 12g để khứ ứ, chỉ thống.

Phương thuốc chữa di tinh (Hải Thượng y tông tâm lĩnh): thỏ ty tử 05 lạng, bạch phục linh 03 lạng, liên nhục 01 cân. Các vị thuốc trên, tán nhỏ, dùng rượu khuấy hồ luyện viên, liều uống 50 viên với nước sôi.

2.THẤP NHIỆT Ứ ĐỌNG

Lâm sàng: tự ra tinh dịch đục, đau vùng tinh hoàn và vùng thắt lưng cùng, tiểu nhiều lần, nóng ngứa trong dương vật, sợ lạnh, sốt, bứt rứt, mất ngủ, miệng khô hay lở loét, rêu lưỡi vàng trơn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, ôn thận hóa khí.

Bài thuốc: Tỳ giải phân thanh ẩm (Đan Khê tâm pháp).

Tỳ giải  15g, Thạch xương bồ  06g, Ô dược  06g, Phục linh  12g, Ích trí nhân  10g, Cam thảo  10g,

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì vị tỳ giải có tác dụng lợi thấp mà phân biệt thanh trọc. Ích trí nhân có tác dụng ôn thận làm ấm tỳ để tán hàn thấp. Ô dược có tác dụng ôn thận tán hàn, ôn ấm bàng quang để hóa khí. Thạch xương bồ có tác dụng thông khiếu hóa thấp trọc, phân thanh biệt trọc. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

(Nếu xuất hiện chứng khí hư thì gia nhân sâm 12g, bạch truật 15g để bổ khí kiện tỳ.)

Nếu có chứng dương hư gây người lạnh, chân tay lạnh thì gia phụ tử chế 05g, nhục quế 05g, lộc giác giao 12g để ôn dương tán hàn.

Nếu thấp nhiệt nặng thì gia long đởm thảo 12g, chi tử 12g để thanh nhiệt trừ thấp.

Nếu đau thắt lưng nhiều thì gia phòng kỷ 12g, ty qua lạc 10g để trừ thấp chỉ thống.

3.ÂM HƯ HỎA VƯỢNG

Lâm sàng: dễ bị kích thích dương vật, chóng mặt, ngủ ít, hay mê mệt, di tinh, nóng bàn tay và bàn chân, rêu lưỡi ít, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, ninh tâm an thần.

Bài thuốc: Đại bổ âm hoàn (Đan Khê tâm pháp).

Hoàng bá  120g, Tri mẫu  120g, Thục địa  180g, Quy bản  180g.

Các vị trên tán nhỏ, làm thành hoàn với mật ong, ngày uống 06 – 09g.

Trong bài thuốc trên thì thục địa có tác dụng ích tủy trấn tinh. Quy bản có tác dụng bổ dưỡng tinh huyết và tiềm dương. Hoàng bá, tri mẫu có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa. Mật ong để làm viên hoàn và giúp bổ tinh tủy.

Nếu có biểu hiện của chứng sốt từng cơn, đau nhức trong xương thì gia địa cốt bì 15g, ngân sài hồ 12g để thành trừ thấp nhiệt.

Nếu khạc ra máu hoặc nôn ra máu thì gia tiên hạc thảo 12g, bạch mao căn 12g để lương huyết chỉ huyết.

Nếu phế táo nhiệt gây ho, khạc đờm nhiều, đờm khó khạc thì gia mạch môn 15g, bối mẫu 06g để nhuận phế hóa đàm giảm ho.

Nếu hỏa hun đốt tân dịch gây khát nước nhiều thì gia thiên hoa phấn 15g, hoàng liên 10g để thanh nhiệt sinh tân.

Nếu di tinh nhiều thì gia kim anh tử 15g, khiếm thực 12g, tật lê 12g để cố tinh.

Phương thuốc chữa di tinh (Hải Thương y tông tâm lĩnh): mắt ngó sen, nhị sen, củ mài, hạt củ súng, phục thần, phục linh mỗi vị dùng 02 lạng tán nhỏ, kim anh tử 01 cân giã nhỏ, nấu cao để luyện viên, cho uống với nước cơm.

4.TỲ THẬN LƯỠNG HƯ

Lâm sàng: tinh dịch đục tự chảy ra, đau mỏi thắt lưng và vùng hạ vị, hội âm túc nặng, xuất tinh sớm, đái đêm nhiều lần, mệt mỏi, đại tiện phân lỏng, chân tay lạnh, lưỡi bệu dày, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận.

Bài thuốc: Bổ trung ích khí (Nội ngoại thương biện hoặc luận) và Thận khí hoàn (Kim quỹ yếu lược).

Hoàng kỳ  20g, Cam thảo  10g, Nhân sâm  06g, Trần bì  10g, Đương quy   12g, Bạch truật  12g, Sài hồ  12g, Thăng ma  12g, Sinh địa  12g, Sơn dược  12g, Sơn thù  10g, Trạch tả  15g, Bạch linh  10g, Đan bì  12g, Quế chi  10g, Phụ tử chế  06g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.

Trong bài thuốc trên thì vị hoàng kỳ, nhân sâm có tác dụng bổ khí, kiện tỳ. Đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết. Trần bì có tác dụng lý khí. Sài hồ, thăng ma có tác dụng sơ can, thăng đề của trung khí. Sinh địa, đan bì có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt. Bạch truật, sơn dược có tác dụng bổ khí, kiện tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh. Quế chi có tác dụng kinh tán hàn, thông hành huyết mạch. Phụ tử chế có tác dụng ôn dương bổ mệnh môn hỏa. Sơn thù có tác dụng ích thận cố tinh. Bạch linh, trạch tả có tác dụng thấp chỉ tả, lợi niệu thông lâm. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Nếu xuất tinh sớm thì gia kim anh tử 15g, liên nhục 15g để cố tinh chỉ tả.

Nếu đái đêm nhiều lần thì gia ba kích 12g, kim anh tử 15g, ích trí nhân 12g để ôn dương cố nhiếp.

KẾT LUẬN

Viêm tiền liệt tuyến là một loại bệnh trong hệ thống sinh dục nam, gặp ở tuổi trung niên và người già. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp, biểu hiện lâm sàng phong phú vì khi bị viêm tiền liệt tuyến thường kết hợp với viêm các cơ quan lân cận như niệu đạo, tinh hoàn, bàng quang.

Trên lâm sàng bệnh thường diễn biến phức tạp, kéo dài, nếu không điều trị kịp thời triệt để thì có thể để lại hậu quả nặng nề như suy nhược thần kinh, suy giảm tình dục, thậm chí dẫn đến vô sinh.

Trong y học cổ truyền, các triệu chứng của viêm tiền liệt tuyến được mô tả trong phạm vi các chứng bệnh tinh trọc, lao lâm và cao lâm.

Khi điều trị, người thầy thuốc cần tiến hành biện chứng luận trị để lựa chọn phép chữa và bài thuốc thích hợp.

Đối với thể can khí uất kết thì dùng pháp điều trị lợi khí sơ đạo, tăng cường tán ứ; bài thuốc thường dùng là Trầm hương tán.

Với thể thấp nhiệt ứ đọng thì dùng pháp điều trị thanh nhiệt lợi thấp, ôn thận hòa khí; bài thuốc thường dùng là Tỳ giải phân thanh ẩm.

Với thể âm hư hỏa vượng thì dùng pháp điều trị âm giáng hỏa, ninh tâm an thần; bài thuốc thường dùng là Đại bổ âm hoàn.

Với thể tỳ thận lưỡng hư thì dùng pháp điều trị ôn bổ tỳ thận; bài thuốc thường dùng là Bổ trung ích khí hết hợp Thận khí hoàn gia vị.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *