Bài thuốc đông y trị viêm cầu thận mạn tính
Viêm cầu thận mạn tính là một bệnh hay gặp ở tuổi thanh niên, nam bị nhiều hơn nữ. Tổn thương của bệnh chủ yếu là ở cầu thận, bệnh tiến triển mạn tính và cuối cùng dẫn dến suy thận. Biểu hiện lâm sàng phủ từng đợt, tăng huyết áp, protein niệu, hồng cầu niệu mà không có triệu chứng khác.
Viêm cầu thận mạn tính có thể là nguyên phát không rõ nguyên nhân hay thứ phát sau viêm cầu thận cấp tính không được điều trị kịp thời và đầy đủ hoặc tự phát sau nhiễm trùng mạn tính ở mũi, họng, răng, bệnh hệ thống. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là qua trung gian phức hợp miễn dịch, gây lắng đọng phức hợp miễu dịch ở cầu thận hoặc tổn thương các mạch máu cầu thận, làm biến đổi cấu trúc màng nền cầu thận.
Điều trị viêm cầu thận mạn tính còn nhiều khó khăn do không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, mục tiêu điều trị là dự phòng các đợt tiến triển cấp tính, hạn chế tiến triển của tổn thương cầu thận, duy trì chức năng thận, điều chỉnh các rối loạn nội môi, điều trị biến chứng, điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Bệnh kéo dài trên 6 tháng.
Ở giai đoạn đầu (giai đoạn còn bù), chức năng thận chưa bị suy, biểu hiện lâm sàng chủ yếu giống nhau như trong viêm cầu thận cấp tính bao gồm phù, protein niệu, huyết áp cao nhưng không rõ ràng như trong viêm cầu thận cấp tính.
Ở giai đoạn sau, khi chức năng thận đã bị rối loạn, triệu chứng lâm sàng của viêm cầu thận mạn tính nổi lên là các triệu chứng của suy thận mạn tính (phù, protein niệu, huyết áp cao, triệu chứng toàn thân như đau đầu chóng mặt, mất ngủ, ăn kém, thiếu máu).
Cận lâm sàng
Xét nghiệm nước tiểu:
Protein niệu dao động từ 1 – 2g/24 giờ.
Cận lắng có nhiều bạch cầu, trụ hình hồng cầu, bạch cầu và trụ hình hạt.
Tỷ trọng nước tiểu giảm.
Xét nghiệm máu:
Hồng cầu, huyết cầu tố giảm.
Urê, creatinin máu cao.
Chẩn đoán phân biệt
Xơ mạch thận lành tính (do tăng huyết áp).
Xơ mạch thận ác tính (do tăng huyết áp ác tính).
Viêm thận – bể thận mạn tính.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm cầu thận mạn thuộc phạm vi chứng âm thủy trong bệnh thủy thũng, trong đợt tiến triển cấp tính thì bệnh có biểu hiện của chứng dương thủy. Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng (phù, đái máu, đái ra protein), bệnh cũng có thể quy thuộc phạm trù niệu huyết và hư lao.
Nguyên nhân bệnh sinh
Bệnh phát sinh do hai nhân tố chính là ngoại tà và nội thương (tỳ, thận), tuy nhiêu ngoại nhân phải thông qua nội nhân thì mới gây được bệnh. Vì vậy, tổn thương tỳ thận là nguyên nhân cơ bản của bệnh.
Ngoại tà xâm nhập:
Chủ yếu là các nhân phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc, thấp nhiệt làm cho tạng phủ bị tổn thương (chủ yếu là ba tạng can, tỳ, thận) dẫn đến sự phân bố thủy dịch trong cơ thể bị rối loạn.
Phong hàn xâm phạm, tổn thương phế vệ làm phế khí không được tuyên thông, chức năng thông điều thủy đạo xuống bàng quang bị trở ngại, thủy dịch bị ứ trệ. Phong tà và thủy khí có tác động lẫn nhau làm cho phong thủy tràn ra bì phu gây nên thủy thũng.
Nếu cơ thể cảm thụ phong nhiệt, nhiệt độc nội uẩn lâu ngày làm tổn thương đến khí âm.
Thường xuyên sống trong môi trường ẩm thấp hoặc lội nước dầm mưa, thủy thấp ngấm vào bên trong, thấp tà ứ đọng ở trung tiêu làm tổn thương đến tỳ. Chức năng vận hóa thủy thấp của tỳ bị trở ngại, làm cho thủy thấp không đưa xuống được mà tràn ra cơ nhục gây nên thủy thũng. Hoặc thấp tà hóa nhiệt, thấp nhiệt ứ trệ ở trung tiêu hoặc đưa xuống bàng quang làm tổn thương thận âm, bàng quang khí hóa thất điều cũng gây nên thủy thũng.
Đợt cấp của viêm cầu thận mạn tính chủ yếu có liên quan tới vai trò của phong tà, còn trong giai đoạn ổn định bệnh liên quan chủ yếu tới vai trò của yếu tố hàn và thấp.
Tổn thương tạng phủ:
Do lao động quá sức hoặc ăn uống no đói thất thường làm cho tỳ khí bị suy yếu, rối loạn chức năng kiện vận dẫn đến thủy dịch bị ứ đọng.
Vốn có tiên thiên bất túc hoặc sinh hoạt tình dục quá độ hoặc tinh thần quá căng thẳng làm tổn thương thận khí, ảnh hưởng đến việc khí hóa của bàng quang và tam tiêu, thủy dịch bị ngừng trệ, xâm ngấm ra ngoài da thịt gây nên thủy thũng.
Cơ chế bệnh sinh
Căn cứ vào quá trình phát sinh, phát triển của bệnh, hiện nay hầu hết các tác giả đều thống nhất nhận định bệnh thuộc bản hư tiêu thực. Bản hư là phế, tỳ, thận hư hao, trong đó lấy thận hư là nhân tố quan trọng; tiêu thực gồm các nhân tố do ngoại cảm, thủy thấp, thấp nhiệt và thấp trọc.
Cơ chế phù trong viêm cầu thận mạn tính có liên quan mật thiết tới chức năng của ba tạng phế, tỳ, thận và đường vận chuyển thủy dịch của tam tiêu. Quá trình chuyển hóa thủy dịch trong cơ thể có sự tham gia của ba tạng phế, tỳ và thận. Trong đó, phế có vai trò thông điều thủy đạo, tỳ có chức năng phân bố thủy dịch, thận có vai trò đóng mở bàng quang. Nếu tỳ, phế, thận bị tổn thương sẽ làm cho quá trình chuyển hóa thể dịch bị trở ngại, ảnh hưởng tới chức năng khí hóa của bàng quang, tam tiêu làm cho thủy đạo không thông, thủy dịch bị ứ trệ dẫn đến thủy thũng. Hải Thượng Lãn Ông trong “Bách bệnh cơ yếu” viết: thận hư không hành được thủy, phế hư không chế được thủy, vị hư không chuyển hóa được thủy cốc và đình tụ lại ở tỳ; tỳ không vận hóa được làm cho tam tiêu, kinh lạc đều bị ngưng trệ, lưu lại trở thành bệnh trướng, ngấm ra bì phu thành bệnh thủy thũng. Thủy khí gây bệnh nếu thành trướng phần nhiều là thực chứng, nếu phát phù thũng đa số là hư chứng. Tuy nói tạng phế có liên hệ nhưng gốc bệnh vẫn là hai tạng tỳ và thận. Vì mệnh môn hỏa hư không ôn hóa được thận khí, không ôn dưỡng được tỳ thổ làm thủy cốc lan tràn, tỳ kém vận hóa do đó tỳ dương cũng suy kém dần trở thành mạn tính.
Cơ chế đái ra protein trong viêm cầu thận mạn tính chủ yếu có liên quan mật thiết tới chức năng của tỳ và thận. Protein là vật chất “tinh vi” trong cơ thể do tỳ vị hóa sinh để nuôi dưỡng cơ thể. Tỳ khí chủ thăng, nếu tỳ hư sẽ làm cho tinh khí không thăng mà hạ giáng. Thận có vai trò “tăng tinh”, nếu thận hư làm rối loạn chức năng cố sáp cũng làm cho vât chất tinh vi hạ tiết. Do đó, đái ra protein trong viêm cầu thận mạn tính là do tỳ khí hạ hãm, thận tinh bất cố gây nên.
Cơ chế đái máu trong viêm cầu thận mạn tính có thể khái quát do ba phương diện là nhiệt, hư và ứ. Trong đó, thường gặp là chứng âm hư sinh nội nhiệt, do can thận âm hư dẫn đến huyết nhiệt vong hành gây nên xuất huyết, huyết theo các chất tinh đưa xuống dưới nên xuất hiện chứng đái máu. Tỳ thận là gốc của hậu thiên, là nguồn hóa sinh doanh huyết. Chức năng thận chủ tàng tinh, tinh và huyết cùng nguồn gốc. Khi viêm cầu thận mạn tính lâu ngày, tỳ thận tổn thương kéo dài làm rối loạn nguồn hóa sinh doanh huyết, thận khí rối loạn cố nhiếp làm cho chất tinh vi liên tục vị đào thải ra ngoài dần dần gây nên bại huyết (hội chứng thiếu máu). Mặt khác, do tỳ không thống huyết, khí không nhiếp huyết làm cho huyết không quy kinh gây chứng xuất huyết (trường hợp này thuốc tỳ thận khí hư).
Trong quá trình phát triển của bệnh thấy dương tổn cập âm, khí bệnh ảnh hưởng tới huyết. Trường hợp dương tổn cập âm mà thấy chứng can thận âm hư hoặc khí âm lưỡng hư, kết hợp với chứng âm hư dương cang thì sẽ thấy tăng huyết áp.
Trên lâm sàng, chứng tăng huyết áp nguyên nhân tại thận thường gặp là do can thận âm hư, can dương thượng cang; cũng có thể do khí âm lưỡng hư, can dương thượng nhiễu gây nên. Đó là vì can thận âm hư, điều trị lâu ngày không khỏi làm cho khí âm lưỡng hư; đồng thời lại xuất hiện chứng can dương thượng nhiễu gây nên chứng chóng mặt, đau đầu, u tai. Ngoài ra, có một bộ phận tăng huyết áp nguyên nhân do thận liên quan đến tỳ thận dương hư, thủy thấp lan tràn làm cho thủy thấp nhiễu loạn thấp phía trên gây nên hoa mắt, chóng mặt.
Tất cả các tình huống nêu trên đều có biểu hiện của huyết lạc ứ trệ do khí huyết không lưu thông gây nên.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Biện lậu về vị trí bệnh: bệnh có quan hệ mật thiết tới chức năng của ba tạng phế, tỳ, thận, mà chủ yếu là do tỳ thận hao tổn; giai đoạn sau bệnh có ảnh hưởng tới chức năng của can. Vì vậy, trong quá trình điều trị cần biện chứng làm rõ tạng phủ bị tổn thương.
Bệnh tại phế, nguyên nhân do phong hàn xâm phạm nên trên lâm sàng thường kèm theo ngoại cảm biểu chứng.
Bệnh do tỳ hư là chính thì trên lâm sàng biểu hiện phù nhẹ, người bệnh mệt mỏi, ăn uống kém, bụng đầy trướng, đại tiện phân lỏng hoặc nát.
Bệnh do thận hư là chính thì trên lâm sàng thấy phù to, đa số có biểu hiện người lạnh, sợ lạnh, đau lưng, mỏi gối.
Bệnh ảnh hưởng tới can thấy cân mạch co rút, hoa mắt, chóng mặt.
Biện luận nguyên nhân gây bệnh do ngoại tà hay nội thương: ngoại cảm gây bệnh thì trên lâm sàng có biểu hiện của biểu chứng, thường xuất hiện chứng “dương thủy”, đây là đợt cấp viêm cầu thận mạn tính, bệnh thuộc tiêu chứng và thực chứng; còn do nội thương gây bệnh thì trên lâm sàng có biểu hiện của hư chứng.
Biện luận hư và thực: viêm cầu thận mạn tính là bệnh thuộc bản hư tiêu thực.
Bản hư bao gồm phế tỳ thận hư, khí âm lưỡng hư, can thận âm hư.
Tiêu thực gồm ngoại cảm, thủy thấp, thấp nhiệt, huyết ứ, nhiệt độc.
Nguyên tắc điều trị
Phù chính trừ tà: chú trọng phù chính, sau đó mới là tà. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị phải linh hoạt vận dụng. Nếu bệnh xuất hiện chứng dương thủy hoặc có nhiệt độc nội tích thì phải vận dụng “cấp kỳ trị tiêu”, sau khi tà bệnh thoái lui thì chuyển sang nguyên tắc phù chính.
Lấy điều trị thận làm chính nhưng trong quá trình bệnh thường do thủy thấp khốn tỳ, xuất hiện tỳ mất kiện vận, do đó phải kết hợp với kiện tỳ hóa thấp để ôn vận trung kiên.
Ngoài việc coi trọng kiện tỳ cố thận, còn cần căn cứ biện chứng để kết hợp với thuốc lợi thủy tiêu thũng, trừ phong thắng thấp, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ để tăng cường hiệu quả điều trị.
Chú ý, kết hợp với thuốc bổ ích âm tinh: do lấy việc điều trị tỳ thận dương hư làm chính nên thuốc được dùng là các vị thuốc có tính ấm nóng, đồng thời kết hợp với thuốc lợi thủy hoặc do dương tổn cập âm mà xuất hiện chứng âm tinh bất túc nên khi điều trị cần chú ý bổ ích tâm tinh.

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
Hiện nay, cách phân thể lâm sàng còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Dựa vào tiêu chuẩn của Hội nghị Trung y toàn quốc chuyên đề về chứng bệnh ở thận được tổ chức tại Nam Kinh – Trung Quốc năm 1986 phân chia thành bản chứng và triệu chứng.
Bản chứng:
Phế thận khí hư: phù mặt, phù chân và tay, sắc mặt vàng tối, hụt hơi, mệt mỏi, dễ bị cảm cúm, đau lưng, mỏi gối, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhuận, có ân răng, mạch tế nhược.
Tỳ thận dương hư: phù rõ, sắc mặt trắng bệch, người lạnh, chân tay lạnh, tê buốt đầu chi, đau lưng, mỏi gối, mệt mỏi, ăn kém, đại tiện lỏng; rối loạn sinh dục như di tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, phụ nữ thấy rối loạn kinh nguyệt; chất lưỡi nhợt, nhớp, bệu, có ấn răng, mạch trầm tế hoặc trầm trì vô lực.
Can thận âm hư: mắt khô, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, ù tai, lòng bàn chân và tay nóng, miệng và họng khô, đau lưng, mỏi gối, di tinh, rối loạn kinh nguyệt, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít và khô, mạch tế hoặc nhược.
Tiêu chứng:
Ngoại cảm: có biểu hiện của chứng phong hàn hay phong nhiệt.
Thủy thấp: phù mức độ vừa hoặc nặng hoặc thấy tràn dịch ổ bụng.
Thấp nhiệt: sưng nề, mụn loét ngoài da, sưng đau họng, ăn kém, miệng khô nhưng không muốn uống, nước tiểu vàng sẫm, tiểu buốt, nóng rát, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.
Huyết ứ: sắc mặt ám tím, đau lưng cố định hoặc đau khói, da khô, tê bì chân tay, chất lưỡi ánh tím hoặc có ban ứ huyết, mạch tế sáp; xét nghiệm nước tiểu thấu urê, creatinin tăng cao; xét nghiệm huyết lưu biến học thấy độ quánh của máu, độ dính huyết tương tăng cao.
Thấp trọc: ăn kém, buồn nôn, nôn, mình mảy và chân tay cảm giác nặng nề, hoặc tinh thần uể oải; sinh hóa máu thấy urê, creatinin tăng cao.
1.PHẾ THẬN KHÍ HƯ
Lâm sàng: phù toàn thân, chủ yếu và hai chi dưới, sắc mặt vàng bủng, mệt mỏi, hụt hơi, dễ bị cảm mạo, cột sống lưng đau mỏi, chất lưỡi nhạt màu, có hằn răng, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch tế nhược.
Phế là thượng nguồn của thủy, thận là hạ nguồn của thủy. Nếu phế thận khí hư sẽ làm rối loạn sự phân bố thủy dịch làm thủy dịch tràn ra ngoài cơ phu gây nên phù thũng. Phế chủ bì mao, phế khí hư làm lỗ chân lông đóng mở không chặt nên dễ bị cảm mạo. Lưng là phủ của thận, thận khí hư sẽ làm cho cột sống lưng đau mỏi. Hụt hơi, mệt mỏi, chất lưỡi nhạt màu, có hằn răng, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch tế nhược là triệu chứng của khí hư.
Pháp điều trị: ích khí, tư thận.
Bài thuốc: Ngọc bình phong tán (Y phương loại tụ) gia vị.
Phòng phong 12g, Hoàng kỳ 20g, Bạch truật 15g, Ngưu tất 15g, Trư linh 15g, Trạch tả 15g, Quế chi 08g, Tang ký sinh 15g, Xa tiền tử 30g, Đảng sâm 15g, Sa nhân 10g, Nhục đậu khấu 10g, Đông qua bì 20g, Bạch linh 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc Ngọc bình phong tán (phòng phong, hoàng kỳ, bạch truật) là bài thuốc có tác dụng ích khí cố biểu để điều trị chứng sợ gió, tự ra mồ hôi, dễ cảm ngoại tà.
Trong bài thuốc trên thì đẳng sâm, hoàng kỳ có tác dụng bổ khí cố biểu. Bạch truật kiện tỳ ích khí giúp cho đảng sâm, hoàng kỳ tăng sức bồi bổ phế khí. Cách dùng thuốc này được gọi là bồi thổ sinh kim làm cho khí huyết có nguồn hóa sinh, đồng thời lại bổ phế khí làm cho doanh âm tuần hành đúng đường. Phòng phong tính dược hòa hoãn để khứ phong tà mà không làm lưu tà và tổn thương chính khí. Sa nhân, nhục đậu khấu để hành khí ở trung tiêu làm tăng tác dụng kiện tỳ. Trạch tả, trư linh, bạch linh, đông qua bì, xa tiền tử để lợi niệu giảm phù. Quế chi có vị cay, tính ấm; có tác dụng ôn thông kinh dương, giúp bàng quang khí hóa (khí đã hóa thì thủy phải hành và giúp cho các vị thuốc thấm thấp lợi thủy phát huy tác dụng). Ngưu tất, tang ký sinh có tác dụng bổ can thận.
2.TỲ THẬN DƯƠNG HƯ
Lâm sàng: tinh thần mệt mỏi, sắc mặt trắng nhợt, người lạnh, chân và tay lạnh, phù toàn thân; có thể có cổ trướng, tràn dịch màng phổi; khó thở, không nằm ngửa được, bụng trướng, ăn uống kém, lưng gối lạnh, đau, tiểu ít, chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng mỏng mạch trầm tế hoặc trầm trì.
Pháp điều trị: ôn dương lợi thủy.
Bài thuốc: chân vũ thang (Thương hàn luận) gia giảm.
Bạch linh 10g, Bạch thược 12g, Bạch truật 12g, Sinh khương 08g, Phụ tử 06g, Nhục quế 05g, Trạch tả 15g, Xa tiền tử 20g, Trư linh 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống khi thuốc còn ấm, ngày 01 thang.
Bài thuốc Chân vũ thang (bạch linh, bạch thược, bạch truật, sinh khương, phụ tử) là bài thuốc đại biểu để điều trị chứng tỳ thận dương hư, phù thũng tương đối nặng.
Trong bài thuốc trên thì phụ tử có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt; có tác dụng ôn thận trợ dương, hóa khí hành thủy kiêm làm ấm tỳ để ôn vận thủy thấp. Bạch linh, trư linh, xa tiền tử, trạch tả có tác dụng lợi thủy thấm thấp, lợi tiểu làm giảm triệu chứng phù thũng. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ táo thấp. Sinh khương có tính ôn tán; có tác dụng hỗ trợ cho phụ tử ôn dương tán hàn, đồng thời cùng với phục linh, bạch truật lợi thủy thấm thấp. Bạch thược có tác dụng thư cân giải cơ, hoãn cấp chỉ thống, lợi tiểu tiện đồng thời dự phòng tính táo nhiệt của phụ tử làm tổn thương âm dịch.
Nếu thiên về tỳ dương hư có thể dùng bài Thực tỳ âm gia giảm.
Bạch truật 15g, Bạch linh 12g, Hậu phác 10g, Đại phúc bì 10g, Thảo quả 06g, Xa tiền tử 30g, Mộc hương 10g, Phụ tử 06g, Can khương 06g, Cam thảo 08g, Đông qua bì 20g, Xích tiểu đậu 15g, Sa nhân 10g, Nhục đậu khấu 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống khi thuốc còn ấm, ngày 01 thang.
Nếu thiên về thận dương hư có thể dùng bài Tế sinh thận khí thang gia vị.
Sinh địa 15g, Tỳ giải 20g, Tang ký sinh 15g, Đan bì 12g, Bạch linh 12g, Nhục đậu khấu 10g, Phụ tử 06g, Trạch tả 15g, Hoài sơn 12g, Tiên linh tỳ 15g, Nhục quế 06g, Ngưu tất 15g, Sa nhân 10g, Sơn thù 10g, Xa tiền tử 20g, Tiên mao 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống khi thuốc còn ấm, ngày 01 thang.
3.CAN THẬN ÂM HƯ
Lâm sàng: sắc mặt hồng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, ra nhiều mồ hôi, đắng miệng, khô miệng, có thể có phù hoặc không phù, sưng đau họng hoặc có lở loét ngoài da hoặc có đái buốt đái rát, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, thanh lợi thấp nhiệt.
Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) gia giảm.
Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 12g, Trạch tả 12g, Đan bì 12g, Bạch linh 12g, Kỷ tử 10g, Cúc hoa 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang được cấu tạo từ bài Lục vị địa hoàng thang và giả kỷ tử, cúc hoa. Đây bài thuốc dùng điều trị chứng can thận bất túc, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, huyết áp tăng.
Trong bài này, thục địa có vị ngọt thuần âm, nhập kinh thận để tư bổ thận, trấn tinh ích tủy. Sơn thù, kỷ tử nhập kinh can thận; có tác dụng tư bổ can thận, cố sáp tinh khí. Hoài sơn có tính vị ngọt bình, nhập tỳ kinh; có tác dụng kiện tỳ bổ hư, sáp tinh cố thận, bổ hậu thiên chi bản để tăng cường cho tiên thiên. Thận là thủy tạng, thận hư làm thủy trọ tích trệ bên trong nên dùng trạch tả để lợi thấp tiết trọc, đồng thời đề phòng thục địa nê trệ làm biến tà. Âm hư không khống chế được dương cho nên dùng đan bì, cúc hoa để thanh tiết tướng hỏa, đồng thời làm giảm bớt tính ấm của sơn thù. Bạch linh có tác dụng thấm lợi tỳ thấp, giúp cho trạch tả thanh trừ trọc khí ở thận và giúp cho hoài sơn kiện vận để tăng cường tư bổ hậu thiện chi bản.
Nếu thấp nhiệt nặng thì gia hoàng bá 12g, tri mẫu 12g, nhân trần 15g.
Nếu đái máu thì gia đại kế 10g, bạch mao căn 30g, ngư tinh thảo 15g.
Nếu phù to thì gia thạch vĩ 20g, đông qua bì 12g, tây qua bì 12g, ngưu tất 15g, hạ khô thảo 15g.
4.KHÍ ÂM LƯỠNG HƯ
Lâm sàng: sắc mặt không tươi nhuận, cảm giác ngột ngạt, hụt hơi, người mệt mỏi, ngại vận động, dễ bị cảm mào, kèm theo sốt từng cơn, lóng bàn tay và bàn chân nóng, khô miệng hoặc sưng đau rát họng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch tế hoặc hư nhược.
Phân tích: khí âm lưỡng hư là thể bệnh thường gặp trên lâm sàng, biểu hiện chủ yếu của chứng tỳ thận khí âm lưỡng hư. Do khí hư không vinh nhuận được da, cơ nên sắc mặt không tươi nhuận, cảm giác ngột ngạt thiếu khí; khí hư còn làm cho vệ ngoại bất cố cho nên bệnh nhân dễ bị cảm mạo. Âm hư sinh nội nhiệt dẫn đến xuất hiện sốt từng cơn, lòng bàn tay và bàn chân nóng. Âm dịch không đầy đủ dẫn đến khô họng hoặc đau họng kéo dà, rêu lưỡi ít, mạch tế hoặc hư nhược.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm.
Bài thuốc: Sâm kỳ địa hoàng thang gia vị.
Thái tử sâm 15g, Trạch tả 15g, Hoài sơn 12g, Sinh hoàng kỳ 15g, Mã tiên thảo 30g, Nhẫn đông đằng 30g, Sinh địa 12g, Bạch linh 12g, Nữ trinh tử 10g, Sơn thù 10g, Đan bì 10g, Hạn liên thảo 15g.
Bài thuốc trên sắc, uống ngày 01 thang.
Bài thuốc trên thường dùng để điều trị chứng tỳ thận khí âm lưỡng hư. Bài thuốc được cấu tạo từ bài Lục vị địa hoàng thang có tác dụng bổ thận âm, kết hợp với thái tử sâm và sinh hoàng kỳ là các vị thuốc có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Việc kết hợp này làm cho bài thuốc có tác dụng bổ khí kiện tỳ và bổ thận âm. Tuy nhiên, do âm hư chiếm ưu thế kèm thêm huyết nhiệt, hỏa vượng nên bài Lục vị địa hoàng hoàn bỏ thục địa thay bằng sinh địa. Do thận hư dẫn đến phù thũng hoặc thấp nhiệt dẫn đến tiểu khí hoặc đái ra máu nên gia thêm nữ trinh tử, hạn liên thảo là các vị thuốc có tác dụng bổ can thận, đồng thời còn có tác dụng chỉ huyết. Mã tiên thảo, nhẫn đông đằng có tác dụng thanh trừ thấp nhiệt.
CHỨNG KIÊM HIỆP
5.HIỆP NGOẠI CẢM
Trên cơ sở phế thận khí hư, tỳ thận âm hư, người bệnh mắc thêm bệnh ngoại cảm, đa số thuộc biểu chứng phong hàn.
Biểu hiện lâm sàng: phát sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, ho có đờm, mạch huyền tế, chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng mỏng.
Pháp điều trị: phát tán phong hàn.
Bài thuốc: Nhân sâm bại độc tán (Tiểu nhi dược chứng trực quyết).
Sài hồ 30g, Tiền hồ 30g, Xuyên khung 30g, Chỉ xác 30g, Khương hoạt 30g, Độc hoạt 30g, Phục linh 30g, Cát cánh 30g, Nhân sâm 30g, Cam thảo 15g.
Các vị thuốc trên tán bột, mỗi lần uống 06g, ngày uống 2 – 3 lần.
Hoặc dùng bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang (Thương hàn luận).
Ma hoàng 05g, Phụ tử 03g, Tế tân 03g
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trên cơ sở can thận âm hư, khí âm lưỡng hư, người mắc bệnh thêm bệnh ngoại cảm, đa số thuộc biểu chứng phong nhiệt.
Biểu hiện lâm sàng: sốt không sợ lạnh, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi vàng đặc, ho có đờm vàng, mạch phù sác, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng.
Pháp điều trị: sơ phong thanh nhiệt.
Bài thuốc: Tang cúc ẩm (Ôn bệnh điều biện) hoặc Ngân kiều tán hoặc Việt tỳ thang.
Bài Tang cúc ẩm.
Tang diệp 10g, Cúc hoa 10g, Cát cánh 06g, Liên kiều 12g, Hạnh nhân 10g, Bạc hà 10g, Cam thảo 10g, Vĩ căn 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều biện).
Liên kiều 12g, Ngân hoa 15g, Cát cánh 06g, Bạc hà 12g, Trúc diệp 10g, Sinh cam thảo 06g, Kinh giới tuệ 15g, Đạm đậu xị 12g, Ngưu bàng tử 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Việt tỳ thang (Kim quỹ yếu lược)
Ma hoàng 10g, Thạch cao 20g, Sinh khương 10g, Cam thảo 06g, Đại táo 04 quả.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
6.HIỆP THẤP NHIỆT
Thấp tà là nguyên nhân chủ yếu gây viêm cầu thận mạn tính, bệnh tiến triển mạn tính kéo dài làm cho thấp uất hóa nhiệt. Hoặc do sang độc ở bì phu hoặc sau nhiễm khuẩn ở vùng hầu họng dẫn đến viêm thận, cũng có thể trong quá trình điều trị dùng thuốc ôn nhiệt quá nhiều hoặc dùng corticoid dẫn đến thấp nhiệt ủng trệ.
Lâm sàng: mụn nhọt lở loét ngoài da, viêm họng, miệng khô nhưng không muốn uống, nước tiểu vàng sẫm, tiểu nóng hoặc đái khó, đái đau, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền hoạt hoặc hoạt sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Tỳ giải phân thanh ẩm (Đan Khê tâm pháp) hoặc Tam nhân thang.
Bài Tỳ giải phân thanh ẩm.
Ích trí nhân 12g, Tỳ giải 12g, Ô dược 12g, Thạch sương bồ 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Tam nhân thang (Ôn bệnh điều biện) gia giảm.
Hạnh nhân 15g, Hoạt thạch 18g, Thông thảo 06g, Bạch đậu khấu 06g, Trúc diệp 10g, Hậu phác 10g, Ý dĩ 15g, Bán hạ 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
7.HIỆP HUYẾT Ứ
Bệnh mạn tính kéo dài làm tổn thương mạch lạc.
Lâm sàng: sắc mặt sạm đen, môi xanh tím, hai mạn sườn trướng đau, ăn kém, chất lưỡi tím, mạch trầm huyền hoặc mạch sáp.
Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang.
Đào nhân 12g, Hồng hoa 10g, Đương quy 12g, Sinh địa 12g, Xuyên khung 10g, Xích thược 12g, Ngưu tất 12g, Cát cánh 06g, Sài hồ 12g, Chỉ xác 06g, Cam thảo 08g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
8.HIỆP THẤP TRỌC
Lâm sàng: lợn giọng, buồn nôn, đắng miệng, miệng dính, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch huyền hoạt.
Bài thuốc: Hoàng liên ôn đởm thang (Tam nhân cực nhất bệnh chứng phương luận).
Bán hạ 10g, Trúc nhự 12g, Chỉ thực 10g, Trần bì 10g, Cam thảo 10g, Bạch linh 12g, Hoàng liên 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, có tác dụng giáng nghịch cầm nôn.
ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG
Viêm cầu thận mạn tính là bệnh mạn tính và tiến triển cuối cùng dẫn đến suy thận. Vì vậy, công tác điều trị dự phòng các đợt tiến triển cấp tính và chế độ điều trị dự phòng là rất quan trọng.
Dự phòng và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn: tránh nhiễm lạnh, vệ sinh răng miệng, tránh tiếp xúc với người có bệnh truyền nhiễm, phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn.
Nếu bệnh nhân xuất hiện phù, tăng huyết áp hoặc suy thận thì cần chú ý rèn luyện cơ thể, tránh lao động nặng, chú ý chế độ ăn.
Chế độ ăn:
Chỉ nên hạn chế muối khi có phù: < 3g natri chlorua/ngày.
Đảm bảo cân bằng nước: nếu không có phù thì lượng nước vào phải cân bằng với lượng nước ra, nếu có phù thì lượng nước vào phải ít hơn lượng nước ra.
Nước vào gồm ăn, uống, dịch truyền, nước sinh ra do chuyển hóa (khoảng 200 – 300ml/ngày). Nước ra gồm nước tiểu 24 giờ, nước mất qua nôn, ỉa chảy, mồ hôi và hơi thở (vào mùa hè khoảng 500ml, còn mùa đông khoảng 300ml/ngày).
Nếu có suy thận thì hạn chế ăn protein. Lượng đạm cho ăn hàng ngày tùy theo mức độ suy thận (xem bài điều trị suy thận mạn tính), đủ năng lượng, đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.
Nếu có đái ít hoặc vô niệu thì cần đề phòng tăng kali máu: không cho thức ăn có nhiều kali như nước quả khô (nước mơ, nước quả sấu), ô mai, đồ đóng hộp, khoai tây, chuối.
KẾT LUẬN
Viêm cầu thận mạn tính là bệnh mạn tính và cuối cùng dẫn đến suy thận. Bệnh thuộc phạm vi chứng âm thủy trong bệnh thủy thũng của y học cổ truyền. Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng như phù, đái máu, đái ra protein, bệnh cũng có thể quy vào chứng niệu huyết và hư lao.
Bệnh có thể nguyên phát không rõ nguyên nhân hay thứ phát sau viêm cầu thận cấp không được điều trị kịp thời và đầy đủ hoặc do các tác nhân phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc, thấp nhiệt làm cho tạng phủ bị tổn thương. Bệnh tổn thương chủ yếu ở ba tạng can, tỳ, thận dẫn đến sự phân bố thủy dịch trong cơ thể bị rối loạn.
Y học hiện đại điều trị viêm cầu thận mạn tính có nhiều khó khăn do không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Nguyên tắc điều trị bệnh của y học cổ truyền là phù chính trừ tà; trong đó lấy phù chính là chủ, trừ tà là thứ. Đồng thời phải linh hoạt vận dụng nguyên tắc “cấp kỳ trị tiêu” khi bệnh có tiến triển cấp tính. Chú ý tới công tác điều trị tự phòng và chế độ ăn khi có phù, tăng huyết áp hoặc suy thận.