Bài thuốc đông y trị viêm cầu thận cấp tính
Viêm cầu thận cấp tính là tình trạng viêm cấp tính, lan tỏa các tiểu cầu thận biểu hiện bằng phù, tăng huyết áp, thiểu niệu, đái máu, đái ra protein. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, hay gặp nhất là từ 2 – 6 tuổi. Chỉ có 5% trẻ dưới 2 tuổi và 5 – 10% trên 40 tuổi mắc bệnh.
Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân, do vậy về danh pháp người tà thống nhất gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp. Nguyên nhân thường gặp là do nhiễm khuẩn. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng cấp tính: viêm họng, viêm long đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn ngoài da, viêm tai. Vi khuẩn gây bệnh thường là do liên tiểu cầu tan huyết nhóm A, một số trường hợp có thể do vi khuẩn khác. Nhiễm lạnh là yếu tố thuận lợi quan trọng.
Cơ chế bệnh sinh: là bệnh nhiễm trùng dị ứng.
Có ba giả thuyết về cơ chế bệnh sinh. Tuy nhiên, giả thuyết nào cũng có chỗ hạn chế, chưa hoàn toàn thuyết phục.
Giả thuyết thứ nhất có từ những năm 1960 cho là do lắng đọng kháng nguyên liên cầu khuẩn tại cầu thận vì có những quyết định kháng nguyên tương hợp một cách đặc biệt ở những vị trí trong cầu thận bình thường. Khi kháng thể xuất hiện sẽ tương tác với kháng nguyên và khởi động viêm.
Giả thuyết thứ hai do Mc Intosh và cộng sự cho là các phụ thể Fc có mặt trên liên cầu khuẩn đã khử sialic của IgC bình thường thành IgC mang diện tích dương và bị màng nền cầu thận mang điện tích âm bắt giữ. Những IgC biến đổi mang điện tích dương này biến thành kháng nguyên bám ở cầu thận để kháng thể kháng IgC tới kết hợp, do vậy hình thành viêm.
Giả thuyết thứ ba do Lange đưa ra: có thể có sự bắt chéo nhau về kháng nguyên giữa liên cầu độc tính thận và cầu thận người bệnh. Kháng thể sinh ra chống liên cầu sẽ có phản ứng chéo với màng nền và tế bào cầu thận.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Khời phát: thường bằng những triệu chứng không đặc hiệu như mệt, sốt nhẹ, đau vùng thận sau một tuần do viêm họng và sau hai tuần do viêm da liên cầu.
Toàn phát:
Phù thường xuất hiện trước tiên ở mặt, sau lan tới toàn thân; trong trường hợp phù nhiều có thể tràn dịch ở ổ bụng, màng phổi và màng tim. Phù với tính chất phù mềm, phù trắng.
Tăng huyết áp là triệu chứng thường gặp và có giá trị chẩn đoán, huyết áp thường tăng một thời gian ngắn.
Những biến đổi về nước tiểu.
Đái ít.
Đái máu đại thể (50 – 70% trường hợp) hoặc vi thể. Màu sắc nước tiểu tùy thuộc vào số lượng hồng cầu trong nước tiểu, nếu số lượng hồng cầu nhiều thì nước tiểu có màu giống như nước rửa thịt.
Ngoài các triệu chứng cơ bản trên, bệnh nhân có thể còn có một số triệu chứng khác như nhức đầu, buồn nôn, ăn kém, mệt mỏi, đau âm ỉ vùng lưng.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm vi khuẩn học: làm phết đồ họng, cấy mủ ở vùng viêm da, viêm tai… có thể thấy liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A.
Xét nghiệm miễn dịch học:
ASLO máu tăng.
Bổ thể máu giảm (đặc biệt C3, C4, C5, C2)
Nước tiểu:
Xuất hiện protein niệu (đa số ở mức không quá 2g/24 giờ).
Trụ hình chủ yếu là trụ hồng cầu và trụ hạt.
Có nhiều hồng cầu trong nước tiểu.
Tiến triển và biến chứng
Khỏi hoàn toàn ở trẻ em với tỷ lệ cao (75 – 95%), ở người lớn với tỷ lệ thấp hơn (50 – 70%); bệnh trở thành mạn tính gặp 5 – 10% ở trẻ em và 20 – 30% ở người lớn. Biến chứng gay gặp là suy tim cấp, phù phỏi cấp và suy thận cấp.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm cầu thận cấp tính thuộc chứng thủy phũng, phong thủy, thận phong, niệu huyết. Nguyên nhân bệnh do cơ thể cảm nhiễm phải phong tà, thủy thấp hoặc thấp nhiệt làm ảnh hưởng tới chức năng thông điều thủy đạo của phế, vận hóa thủy thấp của tỳ và chức năng khí hóa bàng quang của thận, làm rối loạn quá trình chuyển hóa thủy dịch trong cơ thể, gây nên tình trạng thủy dịch bị ứ lại sinh ra chứng phù thũng.
Sách “Nội kinh” căn cứ vào triệu chứng chia chứng thủy thũng thành hai loại là phong thủy và thạch thủy.
Chu Đan Khê (đời Nguyên) qua tổng kết lý luận và kinh nghiệm của các y gia đời trước chia thủy thũng thành hai loại lớn là dương thủy và âm thủy. Dương thủy thuộc biểu, thực chứng; âm thủy thuộc lý, hư chứng. Ông cho cho rằng dương thủy do phong và thủy chống lại nhau, thủy thấp xâm lấn; còn âm thủy do tỳ thận dương hư, thủy tà lan tràn. Về điều trị, dùng ba pháp lớn là phát hãn, lợi tiểu và công trục.
Sách “Kim quỹ yếu lược” nêu hướng điều trị: phong thủy thì mạch phù, chứng biểu hiện đau khớp xương, sợ gió, bụng to như trống, điều trị nên phát hãn. Chính thủy thì mạch trầm trì, chứng biểu hiện là suyễn. Thạch thủy thì mạch trầm, chứng biểu hiện là bụng đầy mà không suyễn. Các bệnh thủy phù từu lưng trở xuống nên lợi tiểu, phù từ lưng trở nên phát hãn sẽ khỏi.
Hải Thượng Lãn Ông nêu ra nguyên tắc điều trị chi tiết như sau: thũng ở phần trên dùng pháp phát hãn, thũng ở phần dưới pháp lợi tiểu; thũng ở phần biểu dùng pháp hãn, ở phần lý dùng pháp công hạ nhưng không nên dùng thuốc quá mạnh như đại kích, nguyên hoa, cam toại. Bởi vì nếu dùng thuốc quá mạnh thì thủy tà nhân hư sẽ làm cho bệnh nặng hơn, tiểu sẽ không thông mặc dù dùng thuốc thông lợi mà tiểu lại bị bế. Đồng thời, do trung khí bị hư, mất chức năng thăng giáng, nếu dùng thuốc có tính hàn lương sẽ làm cho thủy dịch bị ngăn lại dẫn đến tiểu không thông. Vì lẽ đó, chỉ nên dùng thuốc ôn dương giáng khí như bài Trầm hương phụ tử thang thì tiểu tự thông mà suyễn đầy cũng hết.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Phong tà xâm phạm vào cơ thể làm ảnh hưởng tới chức năng túc giáng của phế, do phế chủ bì mao nên khi phong tà xâm phạm vào cơ thể thường gây tổn thương phế làm cho chức năng tuyên phát, túc giáng, thông điều thủy đạo xuống bàng quang của phế bị trở ngại. Vì vậy, thủy dịch bị ứ trệ, đi tiểu khó, nước tiểu ít dẫn đến phù thũng toàn thân. Phong là dương tà, tính hay đi lên nhưng do chức năng tuyên phát của phế bị suy giảm làm cho phong không đi lên được dẫn đến tình trạng phong bi ngăn cản. Do phong bị ngăn cản, thủy bị ứ trệ nên phong thủy cùng chống nhau, vì vậy mà thủy thũng bắt đầu phát triển xuống (phù thường xuất hiện trước tiên ở mặt sau lan tới toàn thân). Tà ở cơ biểu làm bít tắc kinh khí nên xuất hiện sốt, sợ lạnh, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù là biểu hiện của biểu chứng.
Thấp độc thâm nhiễm làm tổn thương phế, tỳ: do phế chủ bì mao nên sang thương thấp độc (nhiễm khuẩn ngoài da) ở bì phu, nếu không được điều trị sẽ làm tổn thương đến phế dẫn đến chuyển hóa thủy dịch trong cơ thể bị trở trệ, thủy dịch tràn ra ngoài bì phu gây nên thủy thũng. Tỳ chủ cơ nhục nên sang thương thấp độc phát ở cơ nhục sẽ làm tổn thương đến tỳ, ảnh hưởng tới chức năng vận hóa làm cho thủy dịch bị trở trệ, tràn ra ngoài cơ phu gây nên thủy thũng.
Do thủy thấp ngấm vào trong làm tổn thương tỳ khí: sống trong môi trường ẩm thấp, dầm mưa kéo dài làm cho thủy thấp xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương tới tỳ. Tỳ mất kiện vận làm thủy thấp không được hạ hành mà tràn ngoài bì phu gây nên thủy thũng.
Thấp nhiệt nội uẩn, tam tiêu trở trệ: thấp nhiệt xâm phạm vào cơ thể hoặc ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều thức ăn sống lạnh hoặc lao động nặng nhọc làm tổn thương tới tỳ dẫn đến thấp trọc nội sinh. Thấp nhiệt nội uẩn lâu ngày hóa nhiệt làm cho chức năng thăng thanh giáng trọc của tỳ vị ở trung tiêu bị trở ngại, chức năng khí hóa của tam tiêu bị trở trệ, thủy đạo bất lợi dẫn đến phù thũng.
Phong nhiệt xâm nhập, hạ tiêu nhiệt thịnh: phong nhiệt xâm nhập vào trong, cũng có thể do phong tà đã lui nhưng nhiệt vẫn còn tồn tại, nhiệt lưu ở hạ tiêu làm cho mạch lạc bị thương tổn dẫn đến huyết nhiệt vong hành xuất hiện niệu huyết.
Các tác nhân trên có thể đơn độc gây bệnh nhưng có thể phối hợp với nhau để gây bệnh. Nhưng tác nhân gây bệnh không ngoài phong, thấp (nhiệt), độc, ứ, hoặc cảm thụ từ bên ngoài hoặc do nội sinh gây nên. Bệnh xảy ra ở ba tạng phế, tỳ, thận.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Biện luận về tính chất bệnh: viêm cầu thận cấp tính thuộc phạm vi chứng dương thủy của y học cổ truyền; là một bệnh thuộc biểu chứng, nhiệt chứng và thực chứng cũng có lúc bệnh biểu hiện hư chứng. Xét về tổng thể bệnh thì lấy tiêu thực và tà thịnh là chính, được thể hiện bằng các triệu chứng: thủy thũng (phù), niệu huyết (đái máu) và huyễn vựng (tăng huyết áp).
Thủy thũng là chứng trạng thường gặp chiếm 80 – 90%, khởi phát đột ngột. Giai đoạn đầu thì bệnh thường nhẹ với biểu hiện phù mặt, phù hai mí mắt. Nguyên nhân gây bệnh do phong (phong hàn, phong nhiệt, phong thấp) gây nên vị trí bệnh tại phế. Giai đoạn sau thì bệnh thường nặng hơn với biểu hiện phu toàn thân, đa số do bệnh tại phế làm ảnh hưởng tới tỳ và thận.
Đái máu là chứng trạng thường gặp chiếm 40%. Nguyên nhân đái máu là do phong tà xâm nhập gây tổn thương thận lạc hoặc do thận âm của cơ thể vốn đã bị hao hư, kết hợp mắc thêm phong tà nhiễu loạn làm tổn thương thận lạc dẫn đến đi tiểu ra máu.
Tăng huyết áp chiếm 90% bệnh nhân viêm cầu thận cấp với biểu hiện lâm sàng như đau đầu, chóng mặt, đa số do thủy khí thượng nghịch dẫn tới. Thông thường, nếu phù thũng giảm thì huyết áp cũng dần khôi phục về bình thường.
Biện luận kiêm chứng: trong quá trình bệnh có thể xuất hiện hồi hộp, trống ngực, chân tay co giật hay tê buốt… Vì vậy, khi biện luận cần làm rõ quá trình bệnh thuộc tiêu hay bản, hoãn hay cấp.
Nguyên tắc điều trị
Chú trọng trừ tà: thường dùng pháp khứ phong thấu biểu, lợi thủy trừ thấp, thanh nhiệt giải độc, lương huyết hoạt huyết.
Trong giai đoạn hồi phục, tuy có biểu hiện của chính hư nhưng bệnh tà chưa được điều trị hết. Vì vậy, điều trị ngoài việc dùng là ích khí dưỡng âm, thanh nhiệt lương huyết.
PHÂN THỂ LÂM SÀNG
1.PHONG THỦY LAN TRÀN
Lâm sàng: khởi bệnh cấp tính, phù hai mí mắt, phù mặt, phù toàn thân, tiểu tiện khó, kèm theo các biểu hiện của biểu chứng:
Bệnh do ngoại cảm phong hàn (biểu chứng phong hàn): sốt, sợ lạnh, đau lưng, đau mỏi các khớp, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù tế.
Bệnh do ngoại cảm phong nhiệt (biểu chứng phong nhiệt): sốt cao, đau họng; các khớp sưng, nóng đỏ; đau lưng, nước tiểu số lượng ít, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: sơ tán phong tà, tuyên phế lợi thủy.
Bài thuốc:
Nếu bệnh do phong hàn thì dùng bài Ma quế ngũ bì ẩm (Hoa thị trung tàng kinh) gia giảm.
Ma hoàng 08g, Quế chi 15g, Bạch linh 15g, Tang bach bì 15g, Trần bì 10g, Đại phúc bì 15g, Sinh khương 05g, Xa tiền tử 20g, Ngưu tất 20g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc trên dùng ma hoàng, quế chi là những vị thuốc thuộc nhóm tân ôn giải biểu, có tác dụng khứ phong hàn. Ngoài ra, ma hoàng còn có tác dụng tuyên phế lợi thủy; quế chi có tác dụng ôn dưỡng hóa khí, phân bố tân dịch và giáng nghịch. Bạch linh có tác dụng kiện tỳ, thấm thấp lợi thủy và tiêu thũng. Đại phúc bì có tác dụng hành khí của tỳ vị, sơ thông tiểu trường, thấm lợi thủy thấp. Trần bì có tác dụng hành khí ở phế, táo thấp ở tỳ và hòa vị. Sinh khương bì có tác dụng tán thủy thấp ở tỳ vị, tuyên phát phế khí, thông điều thủy đạo. Tang bạch bì có tác dụng tuyên giáng phế khí và lợi thủy làm cho thủy thấp được đưa xuống bàng quang mà ra ngoài. Bài thuốc Ma quế ngũ bì ẩm gia xa tiền tử, ngưu tất để tăng cường tác dụng lợi thủy thấm thấp.
Nếu bệnh do phong nhiệt thì dùng bài Việt tỳ gia truật thang (Kim quỹ yếu lược) gia giảm.
Ma hoàng 08g, Sinh thạch cao 30g, Sinh khương bì 12g, Cam thảo 10g, Bạch truật 12g, Đại táo 15g.
Cách dùng: sắc trước ma hoàng với 1,4 lít nước, khi sôi vớt bỏ bọt, cho thuốc vào sắc còn 600ml, chia làm 03 làn uống trong ngày, uống xong trumg chăn mềm cho ra mồ hôi.
Sách “Đan Khê tâm pháp” viết: trị bệnh phù thũng, nếu có phát sốt là thủy tà còn ở phần biểu, nên dùng phương pháp phát hãn. Bài Việt tỳ gia truật thang dùng ma hoàng, thạch cao để tuyên phế thanh nhiệt, giải biểu; bạch truật thang dùng ma hoàng, thạch cao để tuyên phế thanh nhiệt, giải biểu; bạch truật kiện tỳ lợi thủy khiến phế khí tuyên thông, thủy thấp hạ hành làm cho thủy tự lui.
Nếu sốt không cao thì có thể bỏ thạch cao và gia khương hoạt 10g, phong phong 12g để tăng cường tác dụng khứ phong thấp.
Nếu họng sưng đỏ, đau thì gia kim ngân hoa 20g, bồ công anh 15g, bản lam căn 12g.
Nếu ho thì gia tang bạch bì 12g, tiền hồ 10g, hạnh nhân 10g.
2.THẤP ĐỘC XÂM NHIỄM
Lâm sàng: mụn nhọt toàn thân, lở loét ngoài da, phù mắt và mặt, sau đó nhanh chóng phù toàn thân, tiểu tiện ít, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: tuyên phế lợi thủy, thanh nhiệt giải độc.
Bài thuốc: Ma hoàng liên kiều xích tiểu đậu thang gia giảm.
Ma hoàng 06g, Liên kiều 15g, Xích tiểu đậu 30g, Ngưu tất 12g, Xa tiền tử 30g, Đông qua bì 15g, Hạnh nhân 06g, Sinh khương 06g, Tang bạch bì 12g, Cam thảo 06g, Đại táo 03 quả.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì ma hoàng, hạnh nhân, sinh khương có tác dụng tân ôn giả biểu, tuyên phát uất nhiệt. Liên kiều, tang bạch bì, xích tiểu đậu, ngưu tất, xa tiền tử, đông qua bì có tác dụng thanh tiết thấp nhiệt. Cam thảo, đại táo có tác dụng điều hòa tỳ vị làm cho biểu lý tuyên thông, thấp nhiệt ngoại tiết nên biểu dược giải và lý dược hòa.
Nếu thấp độc nặng, có thể dùng bài Ngũ vị tiêu độc ẩm (Y tông kim giám) phối hợp với bài Ngũ bì ẩm (Hoa thị trung tàng kinh) gia giảm để thanh nhiệt giải độc, lợi thấp tiêu thũng.
Bồ công anh 30g, Kim ngân hoa 15g, Tử hoa địa đinh 15g, Dã cúc hoa 15g, Đại phúc bì 15g, Tang bạch bì 15g, Trần bì 10g, Phục linh bì 15g, Hoạt thạch 15g, Thiên quỳ tử 15g, Bạch hoa xà thiệt thảo 30g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Ngũ vị tiêu độc ẩm là bài thuốc dùng để điều trị nhiễm trùng ngoài da. Trong bài này thì kim ngân hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Tử hoa địa đinh, bồ công anh, dã cúc hoa, thiên quỳ tử có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tán kết. Tác dụng của bài Ngũ vị tiêu độc ẩm là thanh nhiệt giải độc tán kết.
Bài Ngũ bì ẩm là bài thuốc thường dùng để điều trị chứng thủy thũng. Bài thuốc dùng năm loại vỏ của năm vị thuốc với ý tứ “bì hành bì”. Trong bài thuốc này thì trần bì có tác dụng tuyên thông sơ lợi, lý khí hóa thấp hòa trung; phục linh bì có tác dụng lợi thủy thấm thấp tiêu thũng. Hai vị thuốc trên phối hợp làm cho khí được hành, thấp được hóa.Tang bạch bì có tác dụng tả phế giáng khí, hành thủy tiêu thũng là cho phế khí được thanh túc mà thủy tự hạ hành. Đại hành bì có tác dụng hành khí tiêu thũng, lợi thủy tiêu thũng. Sinh khương bì có tác dụng khai vị kiện tỳ, lợi thủy tiêu thũng. Tác dụng toàn bào là tuyên phế, kiện tỳ, lợi thủy, tiêu thũng, làm cho khí hành tất thủy hành mà phù tự lui.
Nghiên cứu về dược lý học hiện đại của bài Ngũ bì ẩm cho thấy tang bạch bì không những có tác dụng lợi niệu mà còn có tác dụng làm hạ huyết áp, phục linh bì cũng có tác dụng lợi niệu nhất định; sinh khương bì có tác dụng kích thích tuyến mồ hôi tăng cường bài tiết, thông qua bài tiết mồ hôi có tác dụng bài trừ một lượng dịch nhất định, đồng thời sinh khương bì còn có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thong huyết dịch, có lợi cho các trường hợp bị phù thũng do tuần hoàn huyết dịch bị trở ngại; trần bì và đại phúc bì có tác dụng lợi niệu không mạnh nhưng thông qua việc cải thiện chức năng của dạ dày và đại tràng mà thúc đẩy quá trình hấp thu nước qua đường tiêu hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy bài thuốc có tác dụng lợi tiểu, tăng cường chức năng tiêu hóa, thúc đẩy quá trình lưu thông của huyết dịch và tác dụng hạ huyết áp.
3.THỦY THẤP
Lâm sàng: phù toàn thân, thân thể nặng nề, mệt mỏi, biếng ăn, đầy tức ngực; chất lưỡi nhợt màu, bè bệu, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm hoãn.
Pháp điều trị: kiện tỳ hóa thấp, thông dương lợi thủy.
Bài thuốc: Vị linh thang (Thế y đắc hiệu phương) gia giảm.
Trư linh 12g, Bạch linh 12g, Trạch tả 15g, Bạch truật 12g, Quế chi 10g, Hậu phác 10g, Trần bì 10g, Cam thảo 06g, Thương truật 12g, Xa tiền tử 20g, Đại phúc bì 15g, Ngưu tất 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài Vị linh thang là bài thuốc được cấu tạo từ bài Ngũ linh tán (trư linh, bạch linh, trạch tả, bạch truật, quế chi) và bài Bình vị tán (thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo).
Do tà khí thủy xâm nhập cơ thể, ứ đọng ở bên trong làm cản trở sự lưu thông thủy dịch của tam tiêu, khí hóa của bàng quang thất thường cho nên phù toàn thân, tiểu tiện bất lợi. Bài Ngũ linh tán có tác dụng lợi thủy thấm thấp, ôn dương hóa khí nên dùng để điều trị phù, cổ trướng, tiểu tiện bất lợi. Trong bì Bạch truật có tác dụng kiện tỳ làm tăng cường chức năng vận hóa thủy thấp. Quế chi có tác dụng ôn dương hóa khí làm tăng tác dụng lợi niệu.
Do chức năng của tỳ bị thấp làm trở ngại, dương khí không thuận cho nên thân thể nặng nề, mệt mỏi, biếng ăn, tức ngực, buồn nôn, rêu lưỡi nhớt… Bài Bình vị tán có tác dụng táo thấp kiện tỳ, hành khí hòa vị. Trong bài thuốc này thì thương truật có vị cay, tính ấm có tác dụng táo thấp kiện tỳ. Hậu phác và trần bì có tác dụng hành khí để hóa thấp. Cam thảo có tác dụng kiện tỳ hòa vị.
Việc kết hợp hai bài thuốc trên có tác dụng kiện tỳ hóa thấp, thông dương lợi thủy; lại gia thêm các vị thuốc như ngưu tất, xa tiền tử, đại phúc bì để làm tăng tác dụng lợi thủy tiêu thũng. Cách dùng thuốc này như sách “Đan Khê tâm pháp” viết: bệnh phù thũng mà người không nóng là thủy khí ngừng trệ bên trong, phải dùng phương pháp thông lợi tiểu tiện và thuận khí hòa vị.
4.THẤP NHIỆT ỦNG TRỆ
Lâm sàng: phù toàn thân, tiểu tiện số lượng ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo, miệng đắng, dính, bụng và ngực đầy trướng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch trầm sác.
Pháp điều trị: thanh lợi thấp nhiệt.
Bài thuốc: Kỷ tiêu lịch hoàng hoàn (Kim quỹ yếu lược) hoặc Tỳ giải phân thanh ẩm (Y học tâm ngữ) gia giảm.
Sách “Đan Khê tâm pháp” viết: bệnh thủy khí không có biểu chứng là bệnh ở pháp lý nên dùng pháp hạ lợi nhưng mức độ nặng nhẹ khác nhau, không nên dùng thuốc công hạ quá mạnh.
Nếu bệnh nhẹ thì dùng bài Kỷ tiêu lịch hoàng hoàn.
Phòng kỷ 20g, Tiêu mục 08g, Đình lịch tử 15g, Đại hoàng 10g, Hoạt thạch 30g, Thạch vĩ 15g, Chi tử 10g, Bạch mao căn 30g.
Bài thuốc trên, hiện này người ta cân đối liều làm thành thuốc sắc, uống ngày 01 thang.
Nếu nặng thì dùng bài Tỳ giải phân thanh ẩm (Y học tâm ngộ).
Tỳ giải 10g, Hoàng bá 12g, Thạch xương bồ 10g, Bạch linh 12g, Liên tử tâm 12g, Đan sâm 15g, Xa tiền tử 20g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
5.HẠ TIÊU NHIỆT THỊNH
Lâm sàng: phù, đái ít, đái máu; cảm giác bồn chồn, bứt rứt, khát nước, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi ít, mạch trầm sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc: Tiểu kế ẩm tử (Ngọc cơ vi nghĩa) gia giảm.
Sinh địa 30g, Tiểu kế 15g, Hoạt thạch 15g, Mộc thông 12g, Bồ hoàng 10g, Ngẫu tiết 12g, Đạm trúc diệp 10g, Đương quy 12g, Chi tử 12g, Cam thảo chích 10g, Hạn liên thảo 15g, Địa du 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm vào lúc đói.
Trong bài thuốc, sinh địa có tác dụng lương huyết chỉ huyết, dưỡng âm thanh nhiệt. Tiểu kế có tác dụng lương huyết chỉ huyết. Ngẫu tiết, bồ hoàng, hạn liên thảo và địa du có tác dụng lương huyết chỉ huyết, đồng thời có khả năng tiêu ứ làm cầm máu mà không bị lưu ứ. Hoạt thạch, trúc diệp và mộc thông có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy thông lâm. Chi tử có tác dụng thanh tiết hỏa ở tam tiêu, đứa nhiệt đi xuống dưới mà bài xuất ra ngoài. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết hòa huyết, dẫn huyết quy kinh, đồng thời có tác dụng dưỡng huyết hòa huyết, dẫn huyết quy kinh, đồng thời còn có tác dụng đề phòng tính được hàn lương thái quá của các vị thuốc khác. Cam thảo có tác dụng hòa trung, điều hòa vị thuốc. Đặc điểm của bài thuốc này là trong chỉ huyết có tác dụng hóa ứ, trong thanh lợi có tác dụng dưỡng âm.
Ngoài ra, có thể dùng:
Bạch mao căn tươi 250g, sắc uống ngày 01 thang, dùng điều trị viêm cầu thận cấp có đái máu.
Ngọc mễ tu 60g, sắc uống ngày 01 thang, dùng điều trị viêm cầu thận cấp có phù mức độ nhẹ.
KẾT LUẬN
Viêm cầu thận cấp tính là bệnh thường gặp, bệnh xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn, hay gặp nhất là từ 2 – 6 tuổi. Khởi bệnh cấp tính, thường xảy ra sau một đợt nhiễm trùng cấp như viêm họng, viêm long đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn ngoài da, viêm tai. Vi khuẩn gây bệnh thường do liên cầu tan huyết nhóm A, nhiễm lạnh là yếu tố thuận lợi quan trọng.
Y học cổ truyền nhận thức về bệnh có nhiều điểm tương đồng với y học hiện đại. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là khởi bệnh cấp tính, biến hóa nhanh, phù thũng kiêm có biểu hiện của biểu chứng, đa số bệnh nhân có biểu hiện của nhiệt chứng. Bệnh được quy về phạm vi chứng dương thủy của y học cổ truyền.
Nguyên nhân cơ bản của bệnh là do ngoại cảm lục dâm, sang thương nội công.
Bản chất của bệnh là chính hư tà thực. Vì vậy, nguyên tắc điều trị chủ yếu là trừ tà làm chính, kết hợp với pháp phương hương hóa thấp và thanh lợi. Trong giai đoạn hồi phục thì dùng pháp điều trị là phướng hóa thấp, thanh lợi, tư âm hộ tân, hoạt huyết hóa ứ và kết hợp dùng phép ôn bổ.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com