Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ U XƠ TỬ CUNG

Bài thuốc đông y trị u xơ tử cung

U xơ tử cung là một loại u lành tính phát triển trong lớp tử cung; phần lớn nhân xơ phát triển ở thân tử cung nhưng hãn hữu có thể gặp ở cổ tử cung, ở đây chẳng tròn hay đây chẳng rộng. Nguyên nhân gây bệnh hiện nay còn chưa được sáng tỏ. Bệnh gây nên tình trạng đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu, vô sinh hoặc sẩy thai và có thể bị ung thư hóa (chiếm khoảng 0,5%).

U xơ tử cung là bệnh thường gặp nhất trong các khối u của tử cung. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao; ở Hoa Kỳ, theo Ralph Benson, bệnh chiếm 20% phụ nữ trên 35 tuổi, phụ nữ da đen bị mắc bệnh cũng gấp ba lần phụ nữ da trắng. Ở Việt Nam, tỷ lệ u xơ tử cung chiếm 18 – 20% trong số các bệnh phụ khoa. Mặc dù nhân xơ ở thể nhỏ không có triệu chứng gì nhưng đôi khi nhân xơ cũng có thể gây ra những triệu chứng cấp cứu đòi hỏi phải xử lý ngay.

Nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay chưa rõ nhưng đã thấy oestrogen có tác động rõ ràng lên nhân xơ: nhân xơ thường phát triển trên cơ địa cường oestrogen và thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc sử dụng liều cao oestrogen làm cho nhân xơ to nhanh và mềm ra. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn chứng minh oestrogen là thủ phạm gây ra các nhân xơ tử cung và cường oestrogen là nguyên nhân hay hậu quả của các nhân xơ tử cung.

Phân loại

Theo vị trí giải phẫu có thể phân thành ba loại như sau:

Nhân xơ dưới niêm mạc: loại nhân xơ này có thể có cuống, phát triển ngay dưới niêm mạc tử cung và lớn dần về phía buồng tử cung, có khi qua cổ tử cung mọc về phía âm đạo do có cuống nên có thể bị xoắn hoặc nhiễm khuẩn.

Nhân xơ kẽ hay nhân xơ nằm trong lớp tử cung làm cho lớp cơ phì đại.

Nhân xơ dưới phúc mạc: phát triển về phía ổ bụng, đội phúc mạc lên, đôi khi có thể có cuống. Nếu nhân xơ dưới phúc mạc phát triển trong hai lá dây chằng rộng sẽ trở thành nhân xơ trong dây chằng.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Triệu chứng cơ năng: có thể không gây triệu chứng nào, nhất là ở bệnh nhân béo bệu. Tùy theo vị trí giải phẫu và khối lượng nhân xơ có thể gây ra các triệu chứng sau:

Chảy máu bất thường là triệu chứng quan trọng nhất, lúc đầu thường là rong kinh, sau đó có thể gây cường kinh (máu kinh có thể thể ra nhiều hơn bình thường) và chu kỳ kinh bị thay đổi.

Đau bụng: là triệu chứng ít gặp, thường đau bụng vùng tiểu khung do nhân xơ bị thoái hóa, bị xoắn hoặc tử cung co bóp để tống nhân xơ dưới phúc mạc ra khỏi buồng tử cung. Nhân xơ to có thể gây cảm giác nặng nề ở vùng bụng dưới, nếu phát triển trong tiểu khung có thể gây đau lan tỏa xuống chi dưới do chèn ép và các dây thần kinh.

Chèn ép: các nhân xơ trong dây chằng có thể gây chèn ép các tạng ở tiểu khung như niệu quản, bàng quang, trực tràng, tạo ra các triệu chứng tiết niệu, tiêu hóa.

Vô sinh: các nhân xơ có thể gây vô sinh hoặc gây sẩy thai, đẻ non do làm biến dạng buồng tử cung.

Khám thực thể: phát hiện nhân xơ tử cung, đồng thời có thể xác định được vị trí nhân xơ:

Nhân xơ dưới phúc mạc sẽ lồi vào trong ổ bụng làm mặt ngoài tử cung biến dạng, có thể thấy ngay dưới bàn tay đặt trên bụng.

Nhân xơ trong lớp cơ tử cung làm cho toàn bộ tử cung to lên, rất hay lầm với có thai trong tử cung.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: số lượng hồng cầu giảm, bạch cầu có thể tăng và tốc độ lắng máu thường cao.

Chụp buồng tử cung bằng thuốc cản quang: buồng trứng, tủ cung bị biến dạng, có hình khuyết (nhân xơ dưới niêm mạc), toàn bộ tử cung to ra (nhâ trong lớp kẽ). Nếu nhân xơ dưới phúc mạc thì chụp buồng tử cung vẫn thấy tử cung bình thường.

Siêu âm: có thể nhìn thấy rõ nhân xơ, buồng tử cung to hơn bình thường.

Giải phẫu bệnh: niêm mạc tử cung quá sản, các tuyến chế tiết nhiều, hình ảnh cường oestrogen.

Chẩn đoán phân biệt

Có thai trong tử cung có thể lầm với một nhân xơ trong lớp kẽ vì thấy tử cung to và mềm. Cần hỏi kỹ tiền sử và xác định bằng xét nghiệm hCG thấy dương tính.

Thái chết lưu trong tử cung có thể lầm với nhân xơ tử cung và cũng ra huyết và tử cung to hơn bình thường. Hỏi kỹ tiền sử sẽ thấy có chậm kinh, có nghén, ra huyết đen.

Khối u buồng trứng có thể lầm với nhân xơ tử cung, đặc biệt nhân xơ dưới phúc mạc. Phải thăm khám kỹ để nhận định sự di động của khối u so với tử cung. Chụp phim tử cung vòi trứng cũng có thể thấy hình ảnh vòi trứng bị kéo dãn ra quanh khối u buồng trứng.

Y học cổ truyền

U xơ tử cung là bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 30 – 50, biểu hiện lâm sàng: bụng dưới có u cục, đau bụng, trướng bụng hoặc rong kinh, băng huyết. Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh u xơ tử cung thuộc phạm trù chứng trưng hà.

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh chủ yếu là do rối loạn hoạt động tình chí (nội thương thất tình) hoặc bẩm tố khí huyết bị hư nhược (do tiên thiên bất túc) hoặc cơ thể mắc phải ngoại tà sau khi đẻ làm cho huyết bị ứ trệ trong tủ cung, lâu ngày dẫn đến u cục.

Khí trệ huyết ứ

Do tình cảm bị ức chế kéo dài làm cho can khí bị uất kết, chức năng sơ tiết của can bị trở ngại ảnh hưởng đến việc vận hành của khí và huyết trong cơ thể dẫn đến khí trệ và huyết ứ.

Trong thời kỳ kinh nguyệt hay sau khi sinh đẻ, bào cung của người phụ nữ bị trống rỗng làm cho phong hàn dễ xâm nhập vào dẫn đến khí huyết bị ngưng trệ.

Hoặc bào cung bị tổn thương do sinh hoạt tình dục quá độ, huyết dư chưa sạch ứ trệ trong bào cung thành ứ. Quá trình tích trệ kéo dài hình thành nên u cục.

Khí hư huyết ứ

Khí trong cơ thể bị hư nhược có thể nguyên nhân như cơ thể vốn đã bị khí hư (bẩm tố khí hư) hoặc do lao động quá vất vả, lo nghĩ thái quá làm tổn thương tới tỳ; hoặc mất máu nhiều, khí theo huyết thoát. Khí hư không thúc đẩy được huyết vận hành dẫn đến huyết ứ. Quá trình ứ trệ kéo dài hình thành nên u cục.

Thận hư huyết ứ

Thận khí vốn đã bị hư nhược (bẩm thụ thận khí bất túc) hoặc người bệnh mắc bệnh mạn tính kéo dài, lao động vất vả, sinh hoạt tình dục không điều độ làm tổn thương thận. Thận khí hao tổn làm cho dương khí bị suy giảm dẫn đến sự vận hành của huyết bị trở ngại, khí huyết vị tích trệ kéo dài hình thành nên u cục.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Trong quá trình biện chứng cần làm rõ: khối u tử cung to hay nhỏ, mức độ ảnh hưởng của khối u tới kinh nguyệt như chu kỳ kinh, màu sắc, khối lượng của kinh; đồng thời biện chứng các triệu chứng toàn thân của người bệnh.

Nguyên tắc điều trị

Bệnh chủ yếu là thực chứng, vì vậy pháp điều trị chủ yếu là hoạt huyết hóa ứ, tiêu u tán kết.

Nếu khối u to bằng tử cung có thai 12 – 14 tuần hoặc có biến chứng gây chèn ép và chảy máu thì tham khảo phương pháp điều trị bằng phẫu thuật của y học hiện đại.

PHÂN THỂ LÂM SÀNG

1.KHÍ TRỆ HUYẾT Ứ

Triệu chứng: kinh nguyệt bình thường hoặc bị rối loạn (kỳ kinh kéo dài, lượng kinh nhiêu hoặc rong kinh, máu kinh màu đen, có máu cục), da sạm, khô miệng nhưng không muốn uống nước; thăm khám vùng bụng dưới thấy có khối u cứng, không di động; chất lưỡi tím hoặc rìa lưỡi có điểm ứ huyết, mạch trầm sáp.

Pháp điều trị: hành khí hoạt huyết, phá ứ tiêu trưng.

Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) bỏ hồng hoa, xuyên khung và gia tam lăng, nga truật, miết giáp.

Ngũ linh chi  06g, Đương quy  15g, Hương phụ  12g, Đan bì   12g, Diên hồ sách  12g, Đào nhân  10g, Tam lăng  12g, Nga truật  12g, Miết giáp  12g, Chỉ xác  12g, Cam thảo  08g, Xích thược  12g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì đương quy, xích thược, đào nhân, ngũ linh chi, đan bì có tác dụng hoạt huyết phá ứ. Chỉ xác, hương phụ, diên hồ sách có tác dụng hành khí hoạt huyết. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc. Tam lăng, nga truật, miết giáp có tác dụng tiêu tích tán kết.

Trong thời gian kinh nguyệt, nếu lượng kinh nhiều, kinh nguyệt kéo dài thì bài thuốc trên bỏ đương quy, xích thược, đào nhân và gia bồ hoàng 12g, tam thất 06g, đại kế 12g để khứ ứ chỉ huyết.

2.KHÍ HƯ HUYẾT Ứ

Triệu chứng: kinh nguyệt bị rối loạn (kỳ kinh kéo dài, lượng kinh nhiều hoặc rong kinh, kinh màu nhạt, loãng có máu cục); thăm khám vùng bụng dưới thấy có khối u cứng, không di động; sắc mặt trắng bệch, người mệt mỏi, ngại vận động, chất lưỡi nhợt màu hoặc rìa lưỡi có điểm ứ huyết, mạch trầm tế sáp.

Pháp điều trị: ích khí hoạt huyết, hóa ứ tiêu tích trưng.

Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang (Y lâm cải thác) gia vị.

Hoàng kỳ  30g, Quy vĩ  15g, Xích thược  12g, Địa long  12g, Xuyên khung  12g, Hồng hoa  10g, Đào nhân  08g, Đảng sâm  15g, Nga truật  12g,

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Do khí và huyết có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó khí có vai trò thúc đẩy sự lưu thông của huyết dịch, khí hư sẽ dẫn đến huyết ứ. Vì vậy, bài thuốc trọng dụng hoàng kỳ và đảng sâm là các vị thuốc có tác dụng bổ khí, làm cho khí vượng để thúc đầy sự lưu thông của huyết thông qua đó trừ bỏ được tình trạng huyết ứ. Đào nhân, hồng hoa, quy vĩ, xích thược và xuyên khung có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Địa long có tác dụng hoạt huyết thông lạc. Nga truật có tác dụng hóa ứ tiêu trưng. Việc kết hợp các vị thuốc như trên làm cho bài thuốc vừa có tác dụng phù trợ chính chí (bổ khí hoạt huyết) vừa có tác dụng trừ tà (khứ ứ tiêu trưng).

Trong thời gian hành kinh, nếu lượng kinh quá nhiều thì có thể thay bài thuốc trên bằng bài An xung thang (Y học trung trung tham tây lục).

Hoàng kỳ  30g, Bạch truật  15g, Sinh địa  15g, Sinh mẫu lệ 20g, Sinh long cốt  20g, Bạch thược  12g, Tục đoạn  15g, Tang phiêu tiêu  06g, Khiếm thảo căn  12g,

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc dùng hoàng kỳ, bạch truật để bổ khí, nhiếp khí làm cho khí thông theo huyết thoát ra ngoài. Tục đoạn, sinh long cốt, sinh mẫu lệ, tang phiêu tiêu có tác dụng cố sáp ở hạ tiêu để cầm máu. Bạch thược có tác dụng nhu can, liễm khí, tàng huyết. Sinh địa, khiếm thảo căn có tác dụng lương huyết, cầm máu. Bà thuốc có tác dụng bổ khí, làm cho mạch xung nhâm được an bình thông qua đó có công hiệu liễm huyết và cầm máu.

3.THẬN HƯ HUYẾT Ứ

Triệu chứng: khó có khả năng mang thai, kinh nguyệt bình thường hoặc bị rối loạn (kỳ kinh kéo dài, lượng kinh nhiều hoặc rong kinh) hoặc bị chảy máu âm đạo ở giữa kỳ hành kinh, máu kinh màu đen và mùi hôi, lưng và gối đau mỏi, hoa mắt chóng mặt, ù tai; thăm khám vùng bụng dưới thấy có khối u cứng, không di động, chất lưỡi tím đen hoặc rìa lưỡi có điểm ứ huyết, mạch trầm tế sáp.

Pháp điều trị: bổ thận hoạt huyết, hóa ứ tiêu trưng.

Bài thuốc: Quy thận hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư) kết hợp với Quế chi phục linh hoàn (Kim quỹ yếu lược).

Thục địa  15g, Hoài sơn  15g, Câu kỷ tử  12g, Sơn thù  06g, Bạch linh  12g, Đương quy  15g, Đỗ trọng  12g, Thỏ ty tử  15g, Quế chi  06g, Đan bì  12g, Xích thược  15g, Đào nhân  10g.

Bài thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong quá trình mắc bệnh mạn tính hoặc trong giai đoạn mãn kinh của phụ nữ thường do can thận bất túc, thận âm, thận dương suy tổn gây lưng và gối đau mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, rối loạn kinh nguyệt… Vì vậy, dùng thục địa là vị thuốc có tính vị ngọt để tư âm bổ thận; sơn thù có tính vị chua, ấm để tư bổ can thận, thu sáp tinh khí. Hoài sơn có tính vị ngọt bình để kiện tỳ kiêm sáp tinh cố thận, bồi bổ hậu thiên chi bản để tăng cường cho tiên thiên. Đương quy để bổ sung tinh huyết. Kỷ tử, thỏ ty tử, đỗ trọng có tác dụng ôn dưỡng can thận, đồng thời hỗ trợ để tráng dương. Do thận là tạng thủy, thận hư làm thủy trọc tích trệ ở trong nên dùng bạch linh để kiện tỳ lợi thấp, đan bì để thanh tả tướng hỏa. Việc kết hợp các vị thuốc trên có tác dụng tư âm bổ thận. Do huyết ứ đóng thành hòn khối ở trong tử cung làm ứ trệ ở hạ tiêu, lâu ngày làm thấp đình nhiệt tích, ứ và thấp hỗ kết. Vì vậy, quế chi có tác dụng ôn thông huyết mạch để hành ứ trệ. Bạch linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Hai vị thuốc này phối hợp với nhau có tác dụng hóa khí hành thấp và giáng trọc. Đào nhân, đan bì, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, dưỡng huyết hòa doanh, làm cho huyết ứ được trừ bỏ mà không làm tổn thương đến huyết.

KẾT LUẬN

U xơ tử cung là một loại u lành tính, thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 30 – 50. Bệnh gây nên tình trạng đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu, vô sinh hoặc sẩy thai và có thể bị ung thư hóa.

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh u xơ tử cung thuộc phạm trù chứng trưng giả. Bệnh do rối loạn hoạt động tình chí hoặc bẩm tố khí huyết bị hư nhược hoặc cơ thể mắc phải ngoại tà sau khi sinh đẻ làm cho huyết bị ứ trệ trong tử cung. Trên lâm sàng gây nên ba hội chứng bệnh chủ yếu là khí trệ huyết ứ, khí hư huyết ứ, thận hư huyết ứ.

Phương pháp điều trị chủ yếu là huyết hóa ứ, tiêu u tán kết. Nếu khối u to bằng tử cung có thai 12 – 14 tuần hoặc có biến chứng gây chèn ép và chảy máu thì tham khảo phương pháp điều trị bằng phẫu thuật của y học hiện đại.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *