Bài thuốc đông y trị liệt dây thần kinh vii ngoại vi
Dây thần kinh VII hay dây thần kinh mặt là dây hỗn hợp (vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ), chức năng chính của nó là vận động các cơ bám da mặt (trừ cơ nhai). Ngoài ra, nó cũng là dây vị giác nhận cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi và điều khiển bài tiết nước mắt, nước mũi và nước bọt. Tùy theo vị trí tổn thương của dây thần kinh mà có triệu chứng lâm sàng khác nhau.
Lâm sàng
Giảm hoặc mất vận động các cơ bám da mặt bên liệt (nếp nhăn trán mờ, lông mày hơi sụp xuống, mắt nhắm không kín, má hơi sệ, rãnh mũi – má mờ, góc mép miệng bị sệ xuống), cơ mặt bị kéo về bên lành.
Không làm được các động tác: nhe răng, thổi lửa, huýt sáo, chau mày.
Các dấu hiệu: hở mi, Souques, Charles – Bell bên liệt đều dương tính.
Giảm các phản xạ (mũi – mi, giác mạc, thị – mi) bên liệt.
Giảm hoặc mất cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi và rối loạn bài tiết nước mũi, nước bọt, nước mắt.
Cận lâm sàng
Chụp X quang, chụp Schuller, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não để chẩn đoán nguyên nhân bệnh.
Chẩn đoán phân biệt
Liệt dây thần kinh VII trung ương:
Chỉ liệt ¼ dưới của mặt, không có dấu hiệu Charles – Bell.
Thường phối hợp với liệt nửa người cùng bên.
Không bao giờ tiến triển thành liệt cứng.
Nguyên nhân: tổn thương ở bán cầu đại não (nhũn não, chảy máu não, u não) cùng bên liệt.
Y học cổ truyền
Theo quan điểm của y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong liệt dây thần kinh VII ngoại vi thuộc phạm vi chứng trúng phong.
Nguyên nhân bệnh sinh
Do chính khí của cơ thể không đầy đủ nên nguyên nhân gây bệnh (phong tà) thừa hư xâm phạm vào kinh thái dương, sau đó vào kinh thiếu dương và kinh dương minh. Phong tà thuộc dương tà, tính đi lên, nên làm cho kinh khí của ba kinh dương ở mặt bị trở trệ không thông hoặc do bị chấn thương vùng đầu mặt làm cho cân mạch mất nuôi dưỡng gây nên bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Bệnh thường gặp ở cả trẻ em, người lớn và người gài, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Vì vậy, cần phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và thể chất của người bệnh cụ thể để biện chứng.
Nguyên tắc điều trị
Thời kỳ cấp tính: nguyên tắc lấy trừ tà là chính, dùng pháp điều trị sơ phong tán hàn hoặc thanh nhiệt, hoạt huyết thông lạc.
Thời kỳ hồi phục: dùng pháp dưỡng huyết hoạt huyết phối hợp với hóa đàm trừ phong.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1. THỂ TRÚNG PHONG HÀN KINH LẠC (LIỆT DÂY VII NGOẠI VI DO LẠNH)
Lâm sàng: bệnh xuất hiện đột ngột, đa số sau khi đi mưa bị ướt hoặc gặp gió lạnh, sáng ngủ dậy thấy mắt nhắm không kín, chảy nước mắt, miệng méo lệch sang bên lành, uống nước tràn ra mép, không huýt sáo và không thổi lửa được, khi ăn thức ăn đọng ở má bên liệt, nếp nhăn trán mờ … có thể sợ lạnh, sốt nhẹ hoặc không sốt, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
Pháp điều trị: sơ phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc.
Bài thuốc: Ma hoàng phụ tử tế tân thang (Thương hàn luận) gia vị.
Ma hoàng 06g, Phụ tử chế 03g, Tế tân 03g, Ý dĩ nhân 15g, Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 20g, Đương quy 20g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều.
Trong bài thuốc trên thì phụ tử chế, tế tân kết hợp với ma hoàng có tác dụng tán hàn, ôn thông kinh lạc. Hoàng kỳ, bạch truật có tác dụng bổ khí, kiện tỳ. Đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết. Ý dĩ nhân có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Cam thảo có tác dụng hòa hoãn độc tính của phụ tử và điều hòa các vị thuốc.
Nếu biểu hư, mồ hôi ra nhiều thì bỏ vị ma hoàng và gia phòng phong 12g để khu phong chỉ kinh, cầm ra mồ hôi.
Nếu đau đầu thì gia bạch chỉ 12g, khương hoạt 10g để khu phong gairm đau đầu. Nếu mất cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi thì gia phục linh 10g, ngũ vị tử 08g để thấm thấp, thu liễm kiện tỳ.
Nếu tai ù thì gia thạch xương bồ 12g để hành khí chỉ thống, thông khiếu.
Kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông dùng bài Phục chính thang (Hành giản trân nhu) điều trị bệnh trúng phong gây méo miệng, mắt lệch.
Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Phòng phong 12g, Kinh giới 10g, Tế tân 06g, Hoàng cầm 12g, Ô dược 08g, Thiên ma 12g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Trần bì 10g, Chỉ xác 06g, Bạch chỉ 08g, Cát cánh 06g, Cương tàm 10g, Cam thảo 10g, Sinh khương 03 lát.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Các biện pháp điều trị khác:
Dùng phương pháp ôn châm hoặc dùng mồi ngải cứu cách gừng tại các huyệt Giáp xa, Địa phương, Hạ quan, Dương bạch, Ế phong bên mặt bị liệt mỗi ngày 01 lần, mỗi lần 20 phút (chú ý tránh gây bỏng cho bệnh nhân khi dùng phương pháp cứu).
Xoa bóp vùng mặt bên bị liệt, ngày 02 lần sáng và chiều, mỗi lần 20 phút.
2. THỂ TRÚNG PHONG NHIỆT Ở KINH LẠC (LIỆT DÂY VII NGOẠI VI DO NGUYÊN NHÂN NHIỄM TRÙNG)
Lâm sàng: bên mặt bị bệnh mắt nhắm không kín, chảy nước mắt, nếp nhăn trán mờ, miệng méo lệch sang bênh lành, khi uống nước tràn ra mép, không huýt sáo, không thổi lửa được, khi ăn thức ăn đọng ở trong má; có khi còn gặp cảm giác tê nửa mặt, đau tai, ù tai bên bị liệt, sốt, sợ gió, sợ nóng, rêu lưỡi dày trắng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: khu phong thanh nhiệt, giải độc.
Bài thuốc: Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều biện).
Kim ngân hoa 15g, Liên kiều 10g, Bạc hà 12g, Cát cánh 06g, Sinh cam thảo 06g, Trúc diệp 15g, Kinh giới tuệ 12g, Đạm đậu xị 12g, Ngưu bàng tử 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì kim ngân hoa, liên kiều có tác dụng thấu biểu thanh nhiệt, giải độc. Kinh giới tuệ có tác dụng tán hàn giải biểu trừ tà. Bạc hà, đạm đậu xị, ngưu bàng tử có tác dụng khu phong thanh nhiệt, giải độc thấu chẩn. Cát cánh có tác dụng tuyên phế lợi hầu họng. Trúc diệp có tác dụng thanh tiết nhiệt ở thượng tiêu để trừ phiền, Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.
Nếu sốt cao làm tổn thương tân dịch gây khát thì gia thiên hoa phấn 15g để dưỡng âm sinh tân.
Nếu nhiệt độc gây sưng đau họng thì gia mã bột 12g, huyền sâm 12g để dưỡng âm thanh nhiệt, giải độc.
Nếu đau đầu, chóng mặt, hoa mắt thì gia câu đằng 12g, cúc hoa 10g để bình can tiềm dương chỉ thống.
Các biện pháp điều trị khác:
Điện châm các huyệt: Dương bạch xuyên Ngư yêu, Thừa khấp, Giáp xa xuyên Địa thương, Ế phong cùng bên liệt, Hợp cốc bên đối diện; mỗi ngày làm 01 lần, thời gian từ 15 – 20 phút. Một đợt điện châm từ 7 – 10 phút.
Thủy châm các huyệt: Giáp xa, Phong trì, Kiên tỉnh, Khúc trì, Túc tam lý bên liệt, Hợp cốc bên đối diện bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6; ngày 01 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt, các huyệt vùng mặt lượng thuốc thủy châm môi lần cho một huyệt là 0.5ml, các huyệt ở vùng khác mỗi lần thủy châm từ 0.5 – 1ml, thay đổi nhóm huyệt hàng ngày. Một liệu trình thủy châm khoảng từ 7 – 10 phút.
3. THỂ HUYẾT Ứ Ở KINH LẠC (LIỆT DÂY VII NGOẠI VI DO CHẤN THƯƠNG)
Lâm sàng: bên liệt nhắm không kín, chảy nước mắt, nếp nhăn trán mờ, miệng méo lệch sàng bên lành, uống nước tràn ra mép, không huýt sáo, không thổi lửa được; khi ăn, thức ăn đọng ở trong má bên liệt; đau tai, ù tai…
Bệnh xuất hiện sau một sang chấn nào đó như ngã, bị thương tích hoặc sau khi mổ vùng hàm mặt, xương chũm …
Pháp điều trị: tán phong hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác)
Xích thược 12g, Đào nhân 06g, Hồng hoa 10g, Hành già 03 cọng, Sinh khương 09g, Đại táo 05 quả, Xạ hương 0.15g, Hoàng tửu 01 cốc.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia 02 lần sáng và chiều (xạ hương mài vào rượu cho tan rồi hòa vào bát thuốc sắc để uống).
Trong bài thuốc trên thì đào nhân, hồng hoa, xích thược đều có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Xuyên khung có tác dụng hành khí hoạt huyết. Xạ hương có tác dụng khứ ứ, khai khiếu. Sinh khương, hành già có tác dụng tán phong hàn, giải biểu. Đại táo có tác dụng bổ khí kiện tỳ, dưỡng tâm an thần.
Nếu bệnh bị lâu ngày không khỏi, cơ mặt xệ xuống thì gia hoàng kỳ 30g, bạch truật 15g để bổ khí kiện tỳ. Nếu cơ mặt bên liệt bị co cứng thì gia thiên ma 12g, ngô công 02 con, ô tiêu xà 12g để bình can tiềm dương, thư cân giải cơ.
Các biện pháp điều trị khác:
Điện châm các huyệt: Dương bạch xuyên Ngư yêu, Thừa khấp, Giáp xa xuyên Địa phương, Ế phong cùng bên liệt, Hợp cốc bên đối diện; mỗi ngày làm 01 lần, thời gian từ 15 – 20 phút. Một đợt điện châm từ 7 – 10 phút.
Xoa bóp vùng mặt bị tổn thương ngày 01 lần 20 phút.
Thủy châm các huyệt: Giáp xa, Ế phong, Quyền lieu, Túc tam lý bên mặt bị liệt, Hợp cốc, Khúc trì bên đối diện bằng các thuốc như vitamin B12, B1, B6 ngày 01 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt, các huyệt vùng mặt lượng thuốc thủy châm mỗi lần cho một huyệt là 0.5ml, các huyệt ở vùng khác mỗi lần thủy châm từ 0.5 – 1 ml, thay đổi nhóm huyệt hàng ngày. Một liệu trình thủy châm khoảng từ 7 – 10 ngày.
KẾT LUẬN
Liệt dây thần kinh VII ngoại vi là một bệnh thường gặp trên lâm sàng ở cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do trúng phong hàn, phong nhiệt ở kinh lạc hoặc do bị sang chấn nào đó như thương tích hoặc sau khi mổ ở vùng hàm mặt, tai xương chũm … làm ứ trệ khí huyết ở kinh lạc gây nên.
Về mặt chẩn đoán bệnh thường không khó khăn nhưng khi biện chứng luận trị thì người thầy thuốc cần phải chú ý đến nguyên sinh bệnh, thể trạng người bệnh để đưa ra nguyên tắc điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Đối với thể trúng phong hàn kinh lạc thì dùng pháp điều trị là sơ phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc; bài thuốc thường dùng là Ma hoàng phụ tử tế tân thang (Thương hàn luận) gia vị
Thể trúng phong nhiệt ở kinh lạc thì dùng pháp điều trị là khu phong thanh nhiệt, giải độc; bài thuốc thường dùng là Ngân kiều tán (Ôn bệnh điều biện).
Thể huyết ứ ở kinh lạc thì dùng pháp điều trị tán phong, hoạt huyết thông lạc; bài thuốc thường dùng là Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác).
Ngoài ra, cần phải kết hợp với các biện pháp điều trị khác như điệm châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt để tăng hiệu quả trong điều trị bệnh.