Bài thuốc đông y trị bệnh xơ gan
Xơ gan là một bệnh mạn tính và do nhiều nguyên nhân gây ra. Tổn thương giải phẩu bệnh gồm viêm và thoái hóa ngoại tử tế bào gan, tái tạo và tăng sinh tế bào gan dạng nốt, xơ hóa tổ chức liên kết.
Chẩn đoán
Trên lâm sàng, phân biệt ba thể: xơ gan tiềm tàng, xơ gan còn bù, xơ gan tiến triển và mất bù.
Thể lâm sàng | Lâm sàng | Cận lâm sàng | |
Triệu chứng cơ năng | Triệu chứng thực thể | ||
Xơ gan tiềm tàng | Không có triệu chứng lâm sàng | Nghèo nàn | Ít thay đổi |
Xơ gan còn bù | -Rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi. -Tức nhẹ vùng hạ sườn phải -Chảy máu cam không rõ nguyên nhân -Nước tiểu thường vàng sẫm -Suy giảm tình dục |
-Gan hơi to và chắc, lách to quá bờ sườn -Có sao mạch, bàn tay son -Lông lách và sinh dục thưa thớt -Móng tay khô trắng -Nam giới có tinh hoàn teo và nhẽo, vú to |
-Điện di protein: albumin giảm, gamma globulin tăng
-Maclagan tăng trên 10 đơn vị -Nghiệm pháp BSP dương tính -Siêu âm gan: có sự thay đổi hình thái gan, nhu mô gan thô không thuần nhất. -Soi ổ bụng và sinh thiết có giá trị quyết định chẩn đoán: có hình ảnh của xơ gan. |
Xơ gan mất bù | -Toàn thân: gầy sút nhiều, chân tay khẳng khiu, huyết áp thấp.
-Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn không tiêu, ỉa lỏng, sống phân -Mệt mỏi thường xuyên, mất ngủ, giảm, trí nhớ -Chảy máu cam, chảy máu chân răng |
-Da sạm (do sắc tố melanin lắng đọng)
-Bàn tay son, sao mạch. -Phù hai chân -Gan teo hoặc to, chắc, bờ sắc, mặt gan có u cục -Cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to. |
-Điện di protein: albumin giảm, gamma globulin tăng cao
-Maclagan tăng trên 10 đơn vị. -Nghiệm pháp BSP dương tính -Billrubin máu, men transaminase tăng cao trong các đợt tiến triển. -Xét nghiệm màu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu thường giảm -Siêu âm: có sự thay đổi hình thái gan, nhu mô gan thô không thuần nhất; có hình ảnh giãn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách -Soi ổ bụng và sinh thiết có giá trị quyết định chẩn đoán: có hình ảnh của xơ gan, lách to, có dịch ổ bụng |
Nguyên nhân dẫn đến xơ gan
Xơ gan do viêm gan virus: virus gây viêm gan B, C
Xơ gan rượu.
Xơ gan do nhiễm độc hóa chất và do thuốc.
Xơ gan do ứ mật.
Xơ gan do ứ máu tại gan kéo dài: suy tim, hội chứng Pick, hội chứng Budd Chiari.
Xơ gan do rối loạn chuyển hóa sắt, đồng, glycogen, porphyrin.
Xơ gan do thiểu dưỡng, nhiễm ký sinh trùng sán máng.
Tiền lượng, biến chứng và khả năng điều trị
Xơ gan là giai đoạn cuối cùng của nhiều bệnh viêm và thoái hóa gan, thương tổn không hồi phục được, tiêu lượng dè đặt. Để đánh giá tiên lượng trong xơ gan dựa vào bảng tiêu chuẩn của Child- Pugh:
Tiêu chuẩn đánh giá | 1 điểm | 2 điểm | 3 điểm |
Billirubin huyết thanh (μmol/l) | <35 | 35-50 | >50 |
Albumin huyết thanh (g/l) | >35 | 28-35 | <28 |
Prothrombin (%) | >60 | 40-60 | <40 |
Hội chứng não gan | Không có | Tiền hôn mê | Hôn mê |
Cổ trướng | Không có | Có ít | Nhiều |
Tiên lượng tốt khi Child- Pugh: 5-7 điểm.
Tiên lượng dè dặt khi Child –Pugh B: 8-12 điểm.
Tiên lượng xấu khi Child –Pugh C: 13-15 điểm.
Biến chứng của xơ gan
Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là biến chứng hay gặp và rất nguy hiểm.
Xơ gan ung thư hóa.
Hội chứng não gan dẫn đến hôn mê gan.
Hội chứng gan thận: do giảm sự nuôi dưỡng thận dẫn đến suy thận cùng với suy gan.
Các nguy cơ nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu…
Điều trị xơ gan còn rất nhiều khó khăn, thuốc chủ yếu mới chỉ cải thiện chuyển hóa tế bào gan và điều trị biến chứng.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh xơ gan thuộc phạm trù hiếp thống, cổ trướng, tích tụ.
Nguyên nhân bệnh sinh
Do ăn uống: ăn uống không điều độ, uống rượu quá nhiều làm tổn thương tới tỳ, vị; tỳ mất kiện vận làm cho thấp nhiệt nội sinh; rượu, thấp, thực tích là những trọc khí bị uất trệ lâu không hóa làm cho thanh dương không thăng lên được; trọc âm không giáng xuống được mà ủng trệ ở trung tiêu. Tỳ thổ ủng trệ ảnh hưởng tới chức năng xơ tiết của can dẫn đến khí huyết uất trệ, thủy thấp đình lưu gây nên “Cổ trướng”, “tích tụ”.
Do tình chí: chức năng của can là tàng huyết, thích điều đạt, sợ uất ức. Tinh thần căng thẳng uất ức kéo dài làm ảnh hưởng tới chức năng sơ tiết khí cơ của can, làm cho can khí uất kết dẫn tới khí trệ huyết ứ. Can uất hoành nghịch phạm vào tỳ vị làm cho chức năng vận hóa của tỳ vị bị trở ngại dẫn đến thủy thấp đình lưu và huyết ứ uất kết, ủng trệ ở trung tiêu lâu ngày thành bệnh.
Do lao dục quá độ: lao động mệt mỏi quá sức, sinh hoạt tình dục quá độ làm tổn thương tỳ thận. Tỳ bị tổn thương không vận hóa được thủy cốc dẫn tới khí huyết bất túc, đồng thời làm cho thủy thấp tích trệ, khí huyết ủng trệ mà phát sinh bệnh.
Do cảm nhiễm dịch độc xâm nhập vào tạng can, can mất sơ tiết làm cho khí trệ huyết ứ.
Do hoàng đản tích tụ kéo dài không điều trị được (hoàng đản là do thấp nhiệt gây nên). Nếu bệnh nhân được điều trị không đúng hoặc không được điều trị thì bệnh lâu ngày sẽ làm tổn thương tỳ làm cho khí huyết ngưng trệ, mạch lạc ứ trệ, tích tụ do khí uất và đàm ứ ngưng kết, lâu ngày dẫn đến khí huyết ủng trệ gây bệnh.
Ngoài ra, bệnh kéo dài có thể xuất hiện thận âm hao hư dẫn đến can thận âm hư, hư hỏa thăng bố làm tổn thương huyết, động huyết hoặc hôn mê.
Tóm lại, nguyên nhân của bệnh là do ăn uống không điều độ, uống rượu quá nhiều; tình chí bị tổn thương, cảm nhiễm phải dịch độc, lao dục quá độ và do hoàng đản tích tụ lâu ngày điều trị không tốt. Bệnh tổn thương chủ yếu ở ba tạng can, tỳ, thận. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh là chứng khí trệ, huyết ứ, thủy tích. Cơ chế bệnh sinh là do chính khí hao hư, thấp trọc trùng độc xâm nhập vào tạng can, can mất sơ tiết dẫn đến khí trệ huyết ứ; đồng thời can khí hành nghịch phạm vào tỳ, tỳ mất kiện vận làm cho thủy thấp nội đình. Xơ gan giai đoạn đầu đa số thuộc khí trệ huyết ứ ở can tỳ; khi có cổ trướng là do khí huyết ngưng trệ, trở trệ mạch lạc của can tỳ làm cho thủy thấp đình tích không hóa thuộc chứng “bản hư tiêu thực”. Giai đoạn sau bệnh tổn thương tới thận tức là ba tạng can, tỳ, thận đều hư và phân thành hai thể là tỳ thận dương hư và can thận âm hư.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Phân biệt hư chứng và thực chứng:
Thực chứng: bệnh trình ngắn, thể chất người bệnh còn thương đối tốt, đa số có biểu hiện của khí trệ, huyết ứ, thủy thấp thiện thịnh. Triệu chứng lâm sàng: bụng trướng to, cứng, ấn đau, cự án, nước tiểu vàng sẫm, đại tiện bí, táo, sao mạch, tuần hoàn bàng hệ nổi rõ, mạch thực có lực.
Hư chứng: bệnh kéo dài, thể chất người bệnh suy nhược, đa số thấy biểu hiện của tỳ thận dương hư hoặc can thận âm hư. Triệu chứng lâm sàng: bụng trướng không nặng, ấn đau nhẹ, sao mạch nhỏ, tuần hoàn bàng hệ ít, thần sắc mệt mỏi, nước tiểu trong, địa tiện phân nhão, mạch trầm vô lực.
Phân biệt mức độ thiên thịnh của khí, huyết, thủy:
Khí trệ: do can uất khí trệ với biểu hiện lâm sàng bụng đầy trướng, nặng lên sau khi ăn, ấn mềm, gõ vang.
Huyết ứ: do can tỳ huyết ứ với biểu hiện lâm sàng bụng trướng to, cứng, sao mạch nổi rõ, tuần hoàn bàng hệ, tĩnh mạch cổ nổi, gan to ấn đau, chất lưỡi tím, mạch sáp.
Thủy định: do tỳ hư thấp thịnh gây nên với biểu hiện lâm sàng phù, cổ trướng to.
Nguyên tắc điều trị
Giai đoạn đầu, bệnh tổn thương chủ yếu ở hai tạng can, tỳ. Trên lâm sàng thường thấy biểu hiện của chứng can uất tỳ hư, kiêm có khí trệ huyết ứ.
Giai đoạn sau ảnh hưởng tới tạng thận, vì vậy lâm sàng xuất hiện chứng tỳ thận dương hư và can thận âm hư.
Bản chất bệnh xơ gan thuộc bản hư tiêu thực, hư thực thác tạp. Do vậy, nguyên tắc điều trị cơ bản là tiêu bản đồng trị, công bổ kiêm thi: dùng pháp hành khí, hóa ứ, tiêu thủy để trị tiêu; dùng pháp điều bổ can, tỳ; thận để trị bản.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1. Can uất tỳ hư
Lâm sàng: người bệnh ăn uống giảm sút, trướng bụng, ợ hơi, đau tức hai mạn sườn, người mệt mỏi, địa tiện phân nát, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế.
Pháp điều trị: sơ can giải uất, kiện tỳ hành khí.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư) phối hợp với Tứ quân tử thang (Thánh tế tổng lục).
Sài hồ 12g, Bạch thược 12g, Chỉ xác 10g, Cam thảo 10g, Xuyên khung 12g, Chế hương phụ 12g, Phục linh 12g, Bạch truật 12g, Uất kim 10g, Thái tử sâm 15g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Chứng bệnh này do can khí uất hoành nghịch phạm tỳ hoặc do tỳ hư, doanh huyết bất túc, can mất sơ tiết dẫn đến mạn sườn trướng đau, đau bụng, người mệt mỏi, ăn uống kém, đại tiện phân nát. Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng thăng phát dương khí, sơ can giải uất. Bạch thược liễm âm dưỡng huyết nhu can, kết hợp với sài hồ có tác dụng bổ dưỡng can huyết, điều đạt khí cơ đồng thời hạn chế tác dụng lý khí giải uất, tiết nhiệt tán kết. Chỉ xác và xài hồ, một thăng một giáng phối ngũ với nhau càng làm tăng tác dụng thông thoát đường vận hành của khí, thăng thanh giáng trọc. Việc kết hợp sài hồ, bạch thược, chỉ xác còn có tác dụng bổ khí. Phục linh có tác dụng kiện tỳ thấm thấp. Phối ngũ bạch truật bới phục linh có tác dụng kiện tỳ trừ thấp. Cam thảo có tác dụng ích khí hòa trung, điều hòa các vị thuốc.
Nếu bụng trướng nặng, rêu lưỡi dày và nhớp thì gia thương truật 12g, hậu phác 12g, kê nội kim 15g, sơn tra 12g để tăng cường tác dụng hành khí tiêu đạo.
2. Khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: bụng trướng căng, gan to, lách to, đau tức hạ sườn phải, tuần hoàn bàng hệ, bàn tay son, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi nhờn hoặc vàng, mạch huyền tế.
Pháp điều trị: hành khí hóa ứ, hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: Hóa ứ thang gia giảm (Hội ước y kính).
Đương quy 15g, Đan sâm 15g, Uất kim 12g, Đào nhân 10g, Hồng hoa 10g, Miết giáp 15g, Mẫu lệ 15g, Bạch truật 12g, Xích thược 12g, Xuyên sơn giáp 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì đương quy, đào nhân, hồng hoa, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Mẫu lệ, miết giáp, xuyên sơn giáp có tác dụng nhuyễn kiên tán kết. Đan sâm, đương quy vừa bổ huyết vừa hoạt huyết. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ. Uất kim có tác dụng sơ can giải uất, kiêm hoạt hóa ứ.
3. Thủy thấp nội trở
Lâm sàng: cổ trướng to, ấn đau tức, tức ngực, buồn nôn, tiểu tiện ít, rêu lưỡi trắng, mạch huyền khẩn hoặc huyền tế.
Pháp điều trị: vận tỳ hóa thấp, lý khí hành thủy.
Bài thuốc: Vị linh thang gia vị (Giới y đắc hiệu phương)
Thương truật 12g, Bạch truật 12g, Hậu phác 10g, Phục linh 12g, Trạch tả 15g, Trư linh 12g, Trần bì 10g, Mộc hương 10g, Thanh bì 10g, Hô lô ba 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc trên được tạo thành từ bài Ngũ linh tán (trư linh, trạch tả, bạch truật, bạch linh, quế chi) phối hợp với bài Bình vị tán (thương truật, hậu phác, trần bì, cam thảo) bỏ vị quế chi và gia mộc hương, thanh bì, hồ lô ba; có tác dụng lý khí hòa vị, hành khí lợi thủy; dùng để điều trị chứng thủy thũng, cổ trướng, tiểu tiện bất lợi.
Trong bài thuốc trên thì trạch tả, trư linh có tác dụng thấm thấp lợi tiểu. Bạch truật, phục linh có tác dụng kiện tỳ để làm tăng cường vận hóa thủy thấp. Thương truật có tác dụng táo thấp kiện tỳ. Hậu phác có tác dụng hành khí để hóa thấp làm cho khí trệ được hành. Trần bì, mộc hương, thanh bì có tác dụng lý khí hòa vị, hỗ trợ cho hậu phác và thương truật để táo nhiệt thấp kiện tỳ. Hồ lô ba có tác dụng ôn thận trợ dương. Tác dụng của toàn bài thuốc là lợi thủy thấm thấp, kiện tỳ trừ thấp.
Nếu thể trạng bệnh nhân còn tốt có thể dùng bột cam toại 01g để trục thủy.
4. Tỳ thận dương hư
Lâm sàng: cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, sắc mặt vàng tối hoặc trắng sáng, sợ lạnh, chân tay lạnh, người mệt mỏi, đại tiện phân nát; chất lưỡi bè, bệu, ,nhợt màu, rêu lưỡi trắng hoạt, mạch trần tế vô lực.
Pháp điều trị: kiện tỳ ôn thận, hóa khí hành thủy.
Bài thuốc: Phụ tử lý trung hoàn (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương) phối hợp với Ngũ linh tán (Thương hàn luận) gia giảm.
Phụ tử 06g, Nhân sâm 08g, Bạch truật 12g, Cam thảo 08g, Can khương 06g, Nhục quế 04g, Trạch tả 12g, Phục linh 12g, Xa tiền tử 15g, Đại phúc bì 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc Phụ tử lý trung hoàn (nhân sâm, can khương, bạch truật, phụ tử, cam thảo chích) có tác dụng ôn dương trừ hàn, bổ khí kiện tỳ; dùng để điều trị tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư. Biểu hiện lâm sàng đau bụng, đại tiện phân sống, lợm giọng, buồn nôn, sợ lạnh, chân tay lạnh. Do người bệnh kiêm có phù, cổ trướng, tiểu tiện khó nên kết hợp với bài Ngũ linh tán (bạch truật, trạch tả, phục linh, trư linh, quế chi) nhưng bỏ trư linh, quế chi và gia đại phúc bì, xa tiền tử để lợi thủy thấm thấp, trừ cổ trướng.
5. Can thận âm hư
Lâm sàng: cổ trướng, sắc mặt sạm đen, khô miệng, bứt rứt, sốt từng cơn, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chất lưỡi hồng, mạch huyền tế.
Pháp điều trị: tư dưỡng can thận, dục âm lợi thủy.
Bài thuốc: Nhất quán tiễn (Tục danh y loại tán) phối hợp với Trư linh thang (Thương hàn luận) gia giảm.
Sa sâm 15g, Mạch môn 15g, Sinh địa 15g, Kỷ tử 12g, Đương quy 15g, Trạch tả 15g, Trư linh 10g, A giao 12g, Hoạt thạch 15g.
Bài thuốc trên sắc, uống ngày 01 thang.
Bài thuốc trên được cấu tạo từ bài Nhất quán tiễn (sa sâm, mạch môn, sinh địa, kỷ tử, đương quy, xuyên luyện tử) bỏ vị xuyên luyện tử, phối hợp với bài Trư linh thang (Trư linh, bạch linh, trạch tả, hoạt thạch, a giao) bò bạch linh. Trong bài thuốc này thì sinh địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết, bổ ích can thận với ý nghĩa “tư thủy để hàm mộc”. Đương quy, kỷ tử có tác dụng dưỡng huyết tư âm, nhu can. Sa sâm, mạch môn có tác dụng tư dưỡng phế vị, dưỡng âm sinh tân với ý nghĩa “tả kim bình mộc, phù thổ chế mộc”. Trư linh, trạch tả để lợi thủy thấm thấp. Hoạt thạch thanh nhiệt lợi thủy. A giao tư âm nhuận táo.
DỰ PHÒNG
Xơ gan là giai đoạn cuối cảu nhiều bệnh viêm và thoái hóa gan, thương tổn không hồi phục được. Do đó, dự phòng bệnh xơ gan là vấn đề quan trọng. Những biện pháp ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân xơ gan như:
Phòng viêm gan virus B và C bằng các biện pháp tiêm phòng vaccin cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh, vô trùng và khử trùng thật tốt trong tiêm truyền và châm cứu, loại bỏ nguồn máu có virus viêm gan B và C.
Ngừng uống rượu
Chế độ ăn uống đủ chất.
Phòng nhiễm sán lá gan nhỏ: không ăn gỏi cá sống.
Điều trị các bệnh đường mật.
Thận trọng khi dùng các thuốc có thể gây hại cho gan.
Dự phòng và điều trị các bệnh viêm gan mạn tính.
THAM KHẢO CÁC NGHIÊN CỨU CỦA TRUNG QUỐC
Nghiên cứu về biện chứng luận trị
Nghiên cứu về biện chứng
Biện chứng phân thể lâm sàng tương đối phức tạp, hiện nay chưa có tiêu chí thống nhất. Có tác giả quy về tám thể: khí trệ huyết ứ, thấp nhiệt uẩn kết, hàn thấp khổn tỳ, can tỳ huyết ứ, can uất tỳ hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư, khí trệ thấp trở. Tại Trung Quốc, qua công tác tổng kết điều trị 1.496 bệnh nhân xơ gan từ năm 1985-1991 thấy bệnh chủ yếu biểu hiện ở sáu thể lâm sàng là: can uất tỳ hư, thấp nhiệt uẩn kết, khí trệ huyết ứ, thủy thấp nội đình, tỳ thận dương hư, can thận âm hư.
Năm 1993, Hội nghị Trung Tây y kết hợp chuyên đề tiêu hóa tại Hà Nam- Trung Quốc thống nhất chia bệnh thành sáu thể: can khí uất kết (gồm can tỳ thất điều, can vị bất hóa), tỳ hư thấp thịnh, thấp nhiệt nội trở, can thận âm hư tỳ thận dương hư, huyết ứ. Trong đó, giai đoạn xơ gan còn bù thì thường gặp thể can uất tỳ hư, khí trệ huyết ứ. Giai đoạn gan mất bù thì thường gặp thể can thận âm hư, hàm thấp khốn tỳ, tỳ thận dương hư.
Nghiên cứu về điều trị
Thời kỳ đầu (xơ gan còn bù) bệnh thuộc “bản hư tiêu thực”:
Biểu hiện chủ yếu ở hai thể: can uất tỳ hư và khí trệ huyết ứ.
Pháp điều trị chủ yếu là xơ gan kiện tỳ, lý khí hóa ứ, nhuyễn kiên tán kết.
Các bài thuốc thường dùng như: Hoàng kỳ ngan truật thang, Quy thược lục quân tử thang, Cách hạ trục ứ thang.
Giai đoạn xơ gan mất bù:
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là can thận âm hư, tỳ thận dương hư hoặc hàn thấp khốn tỳ, đồng thời xuất hiện cổ trướng là triệu chứng xuyên suốt của các thể lâm sàng.
Điều trị trong giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn do “thực bất năng công hư bất thụ bổ”. Phương pháp điều trị ở giai đoạn này là công bổ kiêm thi nhưng cần chú ý công tà mà không làm tổn thương tới chính khí, bổ hư mà không làm cho tà khí bị luuw trệ. Trị bản cần chú trọng ôn bổ tỳ thận hoặc tư dưỡng can thận, song song tiến hành trị tiêu bằng hành khí, hóa ứ và tiêu thủy.
Bài thuốc: thể can thận âm hư dùng Nhất quán tiễn hợp với Trư linh thang gia giảm (huyền sâm, sa sâm, sinh địa, hoài sơn, sơn thù, bạch thược, mao căn, thủy diệt, đan sâm, xích tiểu đậu, trạch tả, miết giáp, chi tử, trư linh). Thể tỳ thận dương hư dùng Chân vũ thang hợp Thực tỳ ẩm gia giảm (bạch truật, phục linh, trạch tả, đại phúc bì, thủy diệt, can khương, phụ tử, ba kích, hồ lô ba, mộc hương).
Trong những năm gần đây, qua tổng kết điều trị thấy các bài thuốc hay được ứng dụng là:
Thể can uất tỳ hư: Hương sa lục quân tử thang kết hợp với Tiêu dao tán, Sài bình tiễn, Sài thược quân tử hoàn, Sài hồ xơ can tán kết hợp với Bình vị tán.
Thể khí trệ huyết ứ: Tiêu dan tán kết hợp với Cách hạ trục ứ thang, Sài hồ sơ can tán kết hợp với Đan sâm ẩm, Cách hạ trục ứ thang kết hợp với Miết giáp tiễn.
Thể thấp nhiệt nội uẩn: Đan chi tiêu gian tán kết hợp với Nhân trần ngũ linh tán, Nhân trần cao thang kết hợp với Cam lộ ẩm, Chi tử bá bì thang kết hợp với Nhân trần thang, Bát chính tán.
Huyết ứ thủy đình: Huyết phủ trục ứ thang.
Can thận âm hư: Miết giáp tiễn hoàn kết hợp với Nhất quán tiễn, Tri bá địa hoàng hoàn, Lục vị địa hoàng hoàn, Nhất quấn tiễn kết hợp với Tứ linh tán gia ích mẫu.
Tỳ thận dương hư: Kim quỹ thận chí hoàn kết hợp với Sâm linh bạch truật tán, Lý trung hoàn kết hợp với Chân vũ thang, Tế sinh thận khí hoàn, Phụ tử lý trung hoàn.
Nghiên cứu về phương dược và các vị thuốc
Trong xơ gan vàng da thấy hàm lượng thromboxan B2 (TxB2) trong máu tăng. Đây là chất gây co mạch, co cơ trơn dẫn đến rối loạn vi tuần hoàn trong gan, gan bị ứ máu, dịch mẩ bị tích trệ do mật được tăng cường bài xuất nhưng đường mật bị co thắt. Các tác giả tại Bệnh viện 302 Bắc Kinh- Trung Quốc dùng xích thược để điều trị thấy có tác dụng cải thiện vị tuần hoàn trên bệnh nhân xơ gan, làm tăng cường lưu lượng máu tới gan, giảm các triệu chứng viêm gan, giảm áp lực của tĩnh mạch cửa. Vì vậy, có thể kết luận xích thược có tác dụng ức chế TxB2.
Các nghiên cứu về thuốc hoạt huyết cho thấy thuốc hoạt huyết hóa ứ có khả năng cải thiện tuần hoàn vi mạch trong gan, giảm sự phát triển của mô liên kết, giảm quá trình xơ gan. Các bài thuốc được nghiên cứu như Miết giáp tiễn hoàn, Phục nguyên hỏa huyết thang, Đào hồng tứ vật thang, Huyết phủ trục ứ thang, Bố dương hoàn ngũ thang đều có tác dụng bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy tế bào gan tái sinh, khôi phục chức năng gan, ức chế tổ chức xơ phát triển.
Nghiên cứu tác dụng dược lý của các vị thuốc hoạt huyết cho thấy đào nhân có tác dụng làm giãn tĩnh mạch cửa, thúc đẩy quá trình tuần hoàn trong gan, tăng cường hoạt tính của tổ chức liên kết, thúc đẩy quá trình phân hủy collagen, làm chậm quá trình xơ gan. Nữ trinh tử, hoàng tinh có tác dụng bảo vệ bào gan, ức chế phản ứng viêm và quá trình hình thành tổ chức liên kết, vì vậy có tác dụng chống xơ gan. Sài hồ dùng với cam thảo có tác dụng dự phòng thoái hóa mỡ của tế bào gan, thúc đẩy quá trình hấp thu collagen chống xơ gan. Thuốc y học cổ truyền còn có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào gan, khống chế sự phát triển cảu virus viêm gan, tăng cường quá trình thải độc và chống viêm. Vì vậy, thuốc y học cổ truyền có tác dụng dự phòng và chống xơ gan.
KẾT LUẬN
Xơ gan là giai đoạn cuối cùng của nhiều bệnh viêm và thoái hóa gan, thương tổn không hồi phục được, tiên lượng dè dặt. Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh xơ gan thuộc phạm trù hiếp thống, cổ trướng, tích tụ.
Nhận thức về nguyên nhân gây bệnh của y học cổ truyền có nhiều điểm tương đồng với nguyên nhân bệnh sinh theo y học hiện đại như xơ gan do rượu, xơ gan thiểu dưỡng hoặc xơ gan là hiệu quả của bệnh viêm gan truyền nhiễm…
Tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà các triệu chứng đặc trưng như chứng can uất tỳ hư, khí trệ huyết ứ hoặc thủy thấp nội đình. Bản chất bệnh là bản hư tiêu thực, hư thực thác tạp. Do vậy, nguyên tắc điều trị cơ bản là tiêu bản đồng trị, công bổ kiêm thi: trị tiêu dùng pháp hành khí, hóa ứ, tiêu thủy; trị bản dùng pháp điều bổ can, tỳ, thận.
Điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn, vì vật ngoài việc dùng thuốc còn cần phải hướng dẫn bệnh nhân làm tốt công tác phòng chống bệnh.