Bài thuốc đông y trị bệnh viêm tụy mạn tính
Viêm tụy mạn tính là một bệnh lý mạn tính của tuyến tụy ngoại tiết, biểu hiện bằng sự phá hủy, xơ hóa tụy, tổn thương lan tỏa hoặc khu trú thành từng ổ, xơ hóa và calci hóa lan tỏa, calci hóa ở ống Wirsung làm hẹp lòng ống tụy tạo u nang giả tụy dẫn đến làm giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy.
Nguyên nhân viêm tụy mạn tính do rượu, suy dinh dưỡng kéo dài, cường tuyến cận giáp, viêm đường mật do sỏi, viêm chít cơ Oddi, tắc nghẽn ống tụy sau chấn thương, phẫu thuật khối u đè ép gây xơ hóa quanh ống tụy, viêm loét tá tràng thủng vào tụy, do di truyền.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Đau bụng vùng thượng vị lan ra sau lưng, đau tăng sau khi ăn; đau từng đợt, về sau đau kéo dài và liên tục, cường độ mạnh; có thể biểu hiện những đợt đau cấp tính nhưng phần lớn là đau âm ỉ liên tục hoặc ngắt quãng.
Gầy sút cân, cơ thể suy kiệt.
Rối loạn tiêu hóa: thường là tiêu chảy, phân lỏng có mỡ chưa tiêu hết.
Vàng da từng đợt, thường đi kèm với đợt đau, vàng da nhẹ thoáng qua.
Đái tháo đường.
Cận lâm sàng
Amylase và lipase máu thương cao gấp 2-3 lần bình thường trong đợt tiến triển viêm, ngoài đợt viêm có thể bình thường.
Đường máu tăng, HbA1c tăng thường kèm theo với tiểu đường týp 1.
Bilirubin máu và photphatase kiềm máu có thể tăng khi có nghẽn đường mật.
Các xét nghiệm thăm dò chức năng tuyến tụy cho thấy có sự suy tiết dịch tụy, trypsin máu thường giảm.
Chụp ổ bụng không chuẩn bị: có thể thấy sỏi.
Siêu âm: thường thấy sỏi, tụy teo nhỏ, tăng câm hoặc hỗn hợp, ống tụy giãn hoặc chít hẹp, hình ảnh nang tuyh, các tổn thương đường mật phối hợp.
Siêu âm nội soi: xác định hình thái nhu mô tụy thường không đồng đều, có tổn thương ổ hoại tử, ống tụy hẹp giãn xen kẽ nhau, bờ tụy mấp mô không đều.
Chụp MRI xác định tổn thương nhu mô quỵ và ống tụy.
Chẩn đoán phân biệt
Đợt tái phát của viêm tụy cấp.
Ung thư tụy: đau nhiều vùng tụy, gầy sút cân nhanh, siêu âm và CT scanner phát hiện khối u tụy, xét nghiệm CA 19 -9 tăng cao, chọc hút tế bào y tụy cho chẩn đoán chính xác.
Loét dạ dày- hành tá tràng.
Cơn đau bụng do thiếu máu mạc treo.
Biến chứng
Nang giả tụy, lúc đầu nhỏ, sau càng lớn và có thể vỡ vào ổ bụng.
Tổn thương gan và đường mật như gan nhiễm mỡ, xơ gan.
Tổn thương dạ dày- hành tá tràng: giãn tính mạch dạ dày, loét dạ dày- hành tá tràng.
Chảy máu tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cử, chảy máu ống tụy, tổn thương mạch máu.
Hoại tử mỡ dưới da và xương khớp, ung thư hóa.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm tụy mạn tính thuộc chứng hiếp thống, phúc thống, kết hung, tiết tả. bệnh thường kéo dài, giai đoạn bùng phát thuộc bản hư tà thực, giai đoạn ổn định thuộc bản hư là chính.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Ăn uống không điều độ: ăn uống quá mức, ăn nhiều đồ cay béo ngọt, nhiều chất đạm, uống nhiều rượu… làm cho thấp nhiệt uẩn kết ở trung tiêu. Ăn nhiều thức ăn sống lạnh sinh ra hàn thấp bên trong, tỳ vị bị tổn thương làm rối loạn chức năng vận hóa, vận hành khí không điều hòa gây nên bệnh.
Can uất khí trệ: lo lắng, tức giận quá mức làm cho tình chí uất ức, can bị tổn thương làm sơ tiết thất thường gây can khí uất kết, khí cơ trở trệ.
Tỳ vị thực nhiệt: cơ thể thiên về dương thịnh, khi uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ cay nóng gây nên thực nhiệt ở bên trọng, nhiệt kết làm chi khí cơ trở trệ, phủ khí không được thông gây đau bụng nhiều, nhiệt tà làm tổn thương tân dịch gây đại tiện táo kết.
Khí trệ huyết ứ: do cảm thụ ngoại tà hoặc nội thương tình chí không thư thái, kết hợp với ăn uống không điều độ làm cho khí cơ trở trệ. Khí là soái của huyết khí hành thì huyết hành, khí trệ thì huyết ứ. Khí huyết ứ trệ gây đau, khí huyết trở trệ lâu ngày gây kết khối ở ổ bụng.
Tỳ vị hư nhược lại ăn nhiều đồ sống lạnh, làm việc quá sức nên tỳ vị càng hư nhược làm mất chức năng thu nạp và vận hóa, thức ăn bị ứ trệ, không phân tách được thanh và trọc gây đại tiện phân lỏng nát. Bệnh có quan hệ mật thiết với chức năng của can, đởm, tỳ, vị.
Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh chủ yếu do can tỳ khí cơ uất trệ làm cho các nhân tố nhiệt, ứ, thấp uẩn kết tại trung tiêu. Khi ăn uống không điều độ, có nhiễm giun đũa, tinh thần uất ức dễ cáu giận gây rối loạn chức năng của can, đởm, tỳ, vị. Can không điều đạt làm chức năng sơ tiết thất thường. Tỳ mất chức năng vận hóa, thăng giáng thất thường nên vận hành khí bị trở trệ gây khí hệ huyết ứ, sinh thấp, sinh nhiệt. Tà nhiệt uẩn kết, biểu hiện bằng can khí uất trệ, tỳ vị thấp nhiệt uẩn kết, đau bụng, đại tiện lỏng nát. Nếu chính khí không thắng được tà khí sẽ gây chứng thoát, tình trạng bệnh rất nặng.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Viêm tụy mạn tính thường do viêm tụy cấp tính dẫn đến, bệnh kéo dài lâu ngày không khỏi, bệnh tà không được thanh tà, thường biểu hiện chính là chứng hư. Đợt cấp của viêm tụy mạn tính biểu hiện chính là tà thực, hư thực thác tạp, chính hư và tà thực đan xen. Khi biện chứng cần phân biệt rõ hàn hay nhiệt, hư hay thực.
Tỳ vị hư nhược: rối loạn chức năng vận hóa gây nên bụng tức trướng, đại tiện táo lỏng thất thường, ăn uống kém, người gầy sút, rêu lưỡi nhớp, mạch trầm nhược.
Thực hàn kết trệ: bụng đau nhiều, căng trướng, buồn nôn và nôn, sắc mặt nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch huyền khẩn (thường gặp trong giai đoạn cấp của viêm tụy mạn tính).
Khí huyết ứ trệ: bụng trướng đau, đau vị trí cố định không di chuyển.
Nguyên tắc điều trị
Đợt cấp của viêm tụy mạn tính: theo nguyên tắc cấp thì trị tiêu. Do có tà khí thực cho nên nguyên tắc lấy khứ tà làm chính; pháp điều trị là sơ can lý khí, tiêu thực đạo trệ, thông phủ công hạ, hành khí hoạt huyết, thanh đởm lợi thấp, hóa ứ tán kết.
Giai đoạn viêm mạn tính thì nguyên tắc điều trị chủ yếu lấy phù chính hoặc phù chính khứ tà; pháp điều trị là kiện tỳ hóa thấp, kiện tỳ bổ thận.
PHÂN THỂ LÂM SÀNG
I. Đợt cấp của viêm tụy mạn tính
1. Can uất khí trệ
Lâm sàng: đau bụng vùng thượng vị lan xuyên ra sau lưng hoặc lên ngực, vai, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền tế hoặc trầm tế.
Pháp điều trị: sơ can giải uất, lý khí chỉ thống.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán gia giảm.
Sài hồ 12g, Bạch thược 12g, Trần bì 10g, Hương phụ 12g, Xuyên khung 10g, Chỉ xác 12g, Uất kim 12g, Huyền hồ 12g, Chích cam thảo 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng sơ can giải uất. Bạch thược có tác dụng ích âm nhu can hòa lý. Trần bì, chỉ xác, hương phụ có tác dụng hành khí giải uất, sơ thông khí trệ. Xuyên khung, uất kim, huyền hồ có tác dụng lý khí chỉ thống. Chích cam thảo có tác dụng điều hòa trung khí, cùng dùng với bạch thược có tác dụng thư can hòa can.
Nếu đau bụng nhiều thì gia xuyên luyện tử 12g, hồng hoa 10g.
Nếu buồn nôn và nôn thì gia toàn phúc hoa 12g, hậu phác 12g ddeerr thuận khí giáng nghịch.
2. Can đởm thấp nhiệt
Lâm sàng; tức ngực, ăn ít, bụng trướng đau, buồn nôn và nôn, miệng khô đắng, nước tiểu vàng, đại tiện táo lỏng thất thường, da, niêm mạc vàng; chất lưỡi đỏ, rêu vàng dính, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, sơ can thanh đởm.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang.
Long đởm thảo 12g, Chi tử 12g, Xa tiền tử 15g, Cam thảo 06g, Sài hồ 12g, Mộc thông 12g, Sinh địa 15g, Hoàng cầm 12g, Trạch tả 12g, Đương quy 12g.
Các vị thuốc trên sắc thuốc, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo có tác dụng thanh can đởm thực hỏa, trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu. Hoàng cầm, chi tử hỗ trợ thêm tác dụng thanh can đởm thực hỏa. Trạch tả, xa tiền tử, mộc thông có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt. Đương quy, sinh địa có tác dụng dưỡng âm huyết hòa can, phối hợp thuốc trong tả có bổ để cho tẩ hỏa không có hại cho chân âm. Sài hồ có tác dụng sơ thông can đởm. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc. Các vị thuốc phối hợp có tác dụng chung là thanh lợi thấp nhiệt, sơ can thanh đởm.
Nếu đại tiện táo thì gia đại hoàng 10g, mang tiêu 08g.
Nếu vàng da thì dùng kết hợp với bài Nhân trần cao thang để thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng.
Nếu buồn nôn và nôn thì gia trúc nhự 12g, tô diệp 15g, hoàng liên 10g; nếu đau bụng nhiều thì gia xuyên luyện tử 12g, uất kim 12g.
II. Giai đoạn ổn định
Biểu hiện lâm sàng: đau bụng âm ỉ hoặc không có đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, đường niệu (+).
Bệnh thuộc bản hư tiêu thực: bản hư là tỳ vị hư nhược; tiêu thực là can uất, huyết ứ, thấp thịnh.
Điều trị dùng pháp hoạt huyết hóa ứ.
1. Thể can uất tỳ hư, khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: đau vùng bụng trên, đau hai mạn sườn, ăm kém, đại tiện phân nát; ăn dầu mỡ, chất béo thì đi ngoài phân lỏn; chất lưỡi ám tím, rêu vàng mỏng, mạch huyền tế nhược.
Pháp điều trị: sơ can kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Tứ nghịch tán phối hợp với Dĩ công tán gia giảm.
Sài hồ 12g, Cam thảo 06g, Phục linh 12g, Mạch nha 15g, Bồ công anh 15g, Bạch thược 15g, Đảng sâm 15g, Trần bì 12g, Thần khúc 15g, Xuyên khung 10g, Chỉ xác 12g, Bạch truật 12g, Uất kim 12g, Sơn tra 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên dùng sài hồ, bạch thược, uất kim, xuyên khung để hành khí hoạt huyết, khứ ứ chỉ thống. Bồ công anh có tác dụng thanh giải uất nhiệt. Nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng bạch thược có tác dụng ức chế quá trình viêm mạn tính; đảng sâm, cam thảo có tác dụng kiện tỳ đồng thời điều hòa của trường vị, cải thiện chức năng tiêu hóa; mạch nha, sơn tra, thần khúc làm tăng cường chức năng tiêu hóa thức ăn. Các vị thuốc đó phối hợp với nhau có tác dụng hồi phục quá trình viêm tụy mạn tính, cải thiện chức năng tiêu hóa.
Nếu đau bụng nhiều, biểu hiện can uất rõ, tỳ hư không nhiều thì bỏ đảng sâm để đề phòng khí cơ uẩn trệ; dùng uất kim, bạch thược liều lượng lớn; đồng thời gia thanh bì 10g, huyền hồ 10g để tăng cường tác dụng hành khí chỉ thống.
Nếu đau bụng không nhiều, bụng trướng, đại tiện nát, biểu hiện tỳ hư rõ thì bỏ chỉ xác và gia hoài sơn 15g, biển đậu 12g để kiện tỳ chỉ tả.
Nếu sợ lạnh, thích ấm do tỳ dương hư tổn thì gia cao lương khương 12g để ôn bổ tỳ dương.
Nếu sờ bụng thấy có khối rắn là biểu hiện huyết ứ trở trệ thì gia xích thược 12g, hồng hoa 10g, tam lăng 12g, nga truật 12g để hoạt huyết hóa ứ, tiêu tích.
2. Thể tỳ hư thấp thịnh
Lâm sàng: đau bụng lâm râm không rõ rết, đại tiện phân lỏng, ăn xong bụng trướng, ăn đồ dầu mỡ gây rối loạn tiêu hóa càng nặng, sắc mặt vàng nhợt, người gầy sút; chất lưỡi nhợt bệu, có vết ấn răng, rêu trắng nhớp, mạch nhu hoãn.
Pháp điều trị: ích khí kiện tỳ, thẩm thấp chỉ tả, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán gia giảm.
Đảng sâm 15g, Hoài sơn 15g, Thương truật 12g, Sơn tra 12g, Đan sâm 12g, Phục linh 12g, Biển đậu 12g, Trần bì 12g, Xa tiền tử 12g, Cam thảo 06g, Bạch truật 15g, Ý dĩ 15g, Kê nội kim 15g, Hoàng liên 10g, Sa nhân 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Tỳ ưa táo ghét thấp, chủ vận hóa thủy thấp. Tỳ hư làm cho thủy thấp đình trệ gây nên đại lỏng nát nên pháp điều trị phải kiện tỳ ích khí, hóa thấp tỉnh tỳ. Trong bài thuốc trên thì đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo có tác dụng ích khí kiện tỳ. Biển đậu, ý dĩ, xa tiền tử, thương truật, hoài sơn có tác dụng thấm thấp, kiện tỳ chỉ tả. Sa nhân có tác dụng ký khí kiện tỳ, khứ thấp tiêu thũng. Kê nội kim, sơn tra có tác dụng tiêu thực hóa tích. Đan sâm có tác dụng hoạt huyết háo ứ. Hoàng liên có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng kê nội kim có tác dụng tăng cường bài tiết dịch tiêu hóa, tăng cường chức năng của tỳ vị, làm giảm quá trình viêm tụy mạn tính.
Nếu có phù, lưng và gối lạnh đau, tiểu tiện trong dài là biểu hiện chứng tỳ thận dương hư thì bỏ hoàng liên, xa tiền tử và gia phụ tử chế 06g, can khương 08g để ôn bổ tỳ thận dương hoặc dùng bài Phụ tử lý trung thang gia giảm để ôn thận kiện tỳ.
Nếu ăn uống không tiêu, tiết tả nặng thì dùng bài Tứ tuần hoàn để ôn bổ tỳ thận, sáp trường chỉ tả.
Nếu có đau bụng thì gia xích thược 12g để thông tỳ lạc chỉ thống.
KẾT LUẬN
Viêm tụy mạn tính thuộc chứng hiếp thống, phúc thống, vị quản thống, tiết tả của y học cổ truyền. Bệnh có quan hệ mật thiết với can, đởm, tỳ, vị.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do can tỳ khí cơ uất trệ dẫn tới nhiệt, ứ, thấp uẩn kết tại trung tiêu. Do ăn uống không điều độ, có giun đũa, tinh thần uất ức làm cho chức năng của can đởm tỳ vị mất điều hòa dẫn tới khí cơ bị trở trệ, khí trệ huyết ứ, sinh nhiệt.
Điều trị viêm tụy mạn tính cần căn cứ vào biện chứng luận trị, dùng thuốc phù hợp với từng thể bệnh.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com