Bài thuốc đông y trị bệnh viêm túi mật mạn tính
Viêm túi mật mạn tính thường phối hợp với sỏi túi mật là hậu quả của viêm túi mật cấp hoặc bán cấp tính, do kích thích cơ học thường xuyên lên vách túi mật. Bệnh có thể ổn định trong nhiều năm, sau đó có thể bộc phát thành cơn cấp tính. Tỷ lệ bệnh gặp nhiều ở phụ nữ, thường kết hợp với giun và sỏi. Hình ảnh giải phẫu bạnh thấy túi mật bị xơ hóa, dày lên, có thể dính với các tổ chức xung quanh. Thành túi mật có thể bị vôi hóa là yếu tố thuận lợi dây ung thư túi mật.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Trong đợt cấp tương tự như viêm túi mật cấp tính.
Bệnh có đặc điểm là tái phát nhiều lần, đau âm ỉ và ấn đau vùng hạ sườn phải, đau xuyên lên vai và lưng phải, bụng đầy trướng, ngực tức, ợ hơi, ăn kém, sắc mặt kém tươi nhuận, mệt mỏi. Các triệu chứng trên không nặng nhưng dai dẳng không hết, lúc ăn các chất dầu mỡ khó tiêu vào thì đau tăng, miệng khô, họng khô. Người bứt rứt, táo bón, nước tiểu vàng đậm; nếu có sỏi ống mật thường kèm nôn, buồn nôn.
Cận lâm sàng
Trong đợt cấp có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu tăng.
Thông mật thường không có mật.
Siêu âm có hình ảnh túi mật teo, thành dày, trong có sỏi.
Chẩn đoán dựa vào tiền sử có nhiều đợt viêm túi mật cấp tính, sau đó đau tức hạ sườn phải kéo dài. Siêu âm thấy túi mật tro nhỏ, thành dày, trong có sỏi.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm túi mật mạn tính thuộc chứng đởm trường, hiếp thống. Vị trí bệnh tại can đởm nhưng có quan hệ mật thiết với tỳ, vị, thận.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Do các nguyên nhân tình chí không thư thái, ăn uống không điều độ, trùng tà gây nhiễu đởm, lục dâm xâm nhập vào cơ thể làm cho vận hành khí ở can đởm uất trệ; thấp nhiệt đàm ứ hoặc sỏi mật làm cho can đởm trở trệ gây đau trướng hạ sườn phải; can mộc khí nghịch phạm vào tỳ vị làm rối loạn vận hóa tỳ vị, sinh thấp hóa nhiệt, phối hợp với can đởm khí đởm khí uất hóa hỏa uẩn kết lại gây chứng thấp nhiệt. Khí trệ dẫn tới huyết ứ, bệnh lâu ngày làm tổn thương tân dịch, nếu không được điều trị làm cho can không được nuôi dưỡng, can âm bất túc có thể dẫn tới can hư.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Viêm túi mật mạn tính biểu hiện lâm sang đa dạng. Nếu bụng đau trướng thay đổi theo trạng thái tâm lý tinh cảm thì thường thuộc chứng can đởm khí trệ. Nếu đau âm ỉ, bụng trướng tức, đau kéo dài là do thấp nhiệt kết ở can đởm gây ra. Nếu đau nhói, vị trí đau cố định thì thuộc chứng khí trệ huyết ứ. Đau liên tục, khi mệt nhọc đau tăng thì thường do âm hư gây nên.
Nguyên tắc điều trị
Căn cứ vào biểu hiện có đợt cấp của viêm mạn tính hay không mà cách điều trị khác nhau.
Nếu biểu hiện tiêu thực là chính thì cần trị tiêu trước, nếu biểu hiện bản hư là chính thì trị bản, nếu cùng biểu hiện tiêu bản rõ thì cần kết hợp công bổ kiêm trị.
Nếu biểu hiện chứng can đởm khí trệ thì điều trị dùng phương pháp sơ can lợi đởm, kiện tỳ hòa vị.
Nếu biểu hiện chứng khí trệ huyết ứ thì dùng phương pháp thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lợi đởm
Nếu biểu hiện chứng khí trệ huyết ứ thì dùng pháp hoạt huyết hóa ứ, sơ can lý khí.
Nếu biểu hiện chứng can âm bất túc thì dùng pháp dưỡng âm nhu can, sơ can lợi đởm.
PHÂN THỂ LÂM SÀNG
1. Thể can đởm khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: đau vùng hạ sườn phải, đau lan tỏa hoặc có điểm đau cố định, bụng trướng, dễ cáu gắt, chất lưỡi hồng tối hoặc có ban điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng dính, mạch huyền tế.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là so can đởm khí trệ huyết ứ.
Pháp điều trị: sơ can giải uất, hoạt huyết khứ ứ.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán gia giảm.
Sài hồ 12g, Xuyên khung 10g, Đan sâm 12g, Bạch thược 12g, Hương phụ 10g, Hậu phác 12g, Chỉ xác 10g, Huyền hồ 10g, Cam thảo 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng sơ can giải uất. Chỉ xác có tác dụng khoan trung hạ khí. Xuyên khung có tác dụng hành khí hoạt huyết. Hương phụ có tác dụng sơ can lý khí. Huyền hồ, đan sâm có tác dụng ích âm dưỡng huyết và hạn chế các vị thuốc có tính vị cay táo gây tổn thương âm. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc.
Thực nghiệm đã chứng minh sài hồ, bạch thược, đan sâm có tác dụng ức chế quá trinh viêm túi mật; xuyên khung, huyền hồ làm tăng cường tuần hoan ở túi mật, lam giảm quá trinh viêm. Các vị thuốc phối hợp có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề túi mật.
Nếu đau vùng hạ sườn phải nhiều thì gia thanh bì 10g, phật thủ 12g, xuyên luyện tử 12g để tăng cường lý khí giải uất chỉ thống.
Bụng trướng hơi nhiều thì gia lai phục tử 12g, toàn phúc hoa 10g để thuận khí giang nghịch.
Người bứt rứt thì gia chi tử 12g để thanh tâm trừ phiền.
Nếu ợ chua thì gia hoàng liên 12g, ngô thù du 04g để thanh nhiệt tức toan.
2. Thể can đởm thấp nhiệt
Lâm sàng: đau vùng hạ sườn phải, cự án, họng khô, miệng đắng, bụng trướng, ăn ít, đại tiện phân nát khó đi hoặc táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớp, mạch huyền hoạt hoặc huyền sác.
Pháp điều trị: thanh lợi thấp nhiệt can đởm, kiện tỳ táo thấp.
Bài thuốc: Sơ tiết thanh trung thang gia giảm.
Trần bì 12g, Chi tử 10g, Thanh bì 12g, Bạch truật 12g, Đào nhân 10g, Kim tiền thảo 15g, Sài hồ 12g, Nhân trần 12g, Chỉ thực 10g, Hoàng cầm 12g, Xuyên luyện tử 12g, Phục linh 12g, Tửu quân 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì nhân trần, sài hồ có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt ở can đởm. Hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh nhiệt táo thấp và hỗ trợ cho nhân trần, sài hồ sơ can lợi đởm. Phục linh, bạch truật có tác dụng táo thấp kiện tỳ. Kim tiền thảo có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt. Thanh bì, xuyên luyện tử có tác dụng lý khí chỉ thông. Chỉ thực, tửu quân (đại hoàng sao rượu) có tác dụng phá khí đạo trệ, thông phủ tả nhiệt. Đào nhân có tác dụng hoạt huyết hóa ứ.
Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nhân trần, kim tiền thảo có tác dụng tăng cường bài tiết mật, bài xuất sỏi mật, phòng trị gây viêm đường mật. Thanh bì, đại hoàng có tác dụng ức chế quá trình viêm mạn tính. Bạch truật, phục linh có tác dụng tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Đau hạ sườn phải nhiều thì gia xuyên khung 12g, huyền hồ 12g, xích thược 12g để lý khí hoạt huyết chỉ thông.
Buồn nôn và nôn thì gia nhự 12g để thanh nhiệt giáng nghịch cầm nôn.
Nếu có sỏi mật thì gia hải kim sa 15g để bài thạch.
3. Thể can uất tỳ hư
Lâm sàng: đau vùng hạ sườn phải, bụng trướng, ăn uống kém, không ngon miệng, tinh thần uất ức, dễ cáu gắt, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc dính nhớp, mạch huyền tế.
Pháp điều trị: sơ can lợi đởm, kiện tỳ ích khí.
Bài thuốc: Tiêu dao tán gia giảm.
Sài hồ 12g, Uất kim 12g, Trần bì 10g, Cam thảo 06g, Bạch thược 15g, Bạch truật 12g, Bán hạ chế 12g, Đương quy 12g, Phục linh 12g, Sa nhân 06g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sài hồ có tác dụng sơ can lợi đởm. Bạch truật có tác dụng kiện tỳ táo thấp. Đương quy, bạch thược có tác dụng dưỡng huyết thư can. Phục linh có tác dụng thấm thấp kiện tỳ. Trần bì, sa nhân có tác dụng lý khí kiện tỳ. Bán hạ chế có tác dụng táo thấp hòa vị. Cam thảo có tác dụng ích khí bổ trung.
Nghiên cứu thực nghiệm chứng minh: sài hồ, bạch thược có tác dụng ức chế quá trình viêm mạn tính; uất kim, đương quy, bán hạ có tác dụng tăng cường bài tiết mật. Trần bì làm lợi đởm, hạn chế quá trình tạo thành sỏi mật.
Người mệt nỏi, đại tiện phân nát thì gia đảng sâm 12g, hoài sơn sao 15g, biển đậu sao 12g để ôn khí kiện tỳ hóa thấp.
Bụng trướng, thích ấm, thích ăn uống đồ ấm nông, sợ lạnh thì can khương 06g, phụ tử chế 04g để ôn trung tán hàn.
Miệng đắng, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng thì gia kim tiền thảo 20g, hoang cầm 12g để thanh nhiệt trừ thấp.
Bứt rứt, cảm giác nóng bức thì gia hoàng liên 12g, chi tử 15g để thanh tâm trừ phiền.
4. Thể âm hư khí trên
Lâm sàng: đau âm ỉ, liên tục vùng hạ sườn phải, miệng khô, họng khô, người cảm giác nóng bức, hoa mắt, chống mặt, chất lưỡi đỏ, ít rêu lưỡi, mạch huyền tế sác.
Pháp điều trị: dưỡng âm nhu can lý khí.
Bài thuốc: Nhất quán tiễn gia giảm.
Sinh địa 15g, Kỷ tử 15g, Nhân trần 10g, Đương quy 12g, Mạch môn 15g, Thanh bì 12g, Sa sâm 15g, Xuyên luyện tử 10g, Uất kim 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sinh địa có tác dụng tư âm dưỡng huyết bổ can. Sa sâm, mạch môn, đương quy, kỷ tử có tác dụng tư âm dưỡng huyết sinh tân để nhu can. Xuyên luyện tử, thanh bì, uất kim có tác dụng sơ can lý khí. Nhân trần có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Bìa thuốc có tác dụng tăng cường bài tiết mật, hạn chế căng giãn túi mật, tăng cường tuần hoàn tại túi mật, chống viêm, giảm phù nề túi mật.
Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh: đương quy có tác dụng tăng cường vi tuần hoàn, làm giãn mạch, tăng cường bài tiết mật, hạn chế căng giãn túi mật; uất kim làm tăng cường bài tiết mật.
Nếu miệng khô, bứt rứt nhiều thì gia bạch hộc 12g, chi tử 12g để dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt trừ phiền.
Nếu có khí hư thì gia thái tử sâm 08g, hoài sơn 15g, cam thảo 10g để ích khí kiện tỳ.
Nếu hoa mắt, chống mặt thì gia bạch thược 15g, nữ trinh tử 12g, cúc hoa 10g để bổ ích can thận, giảm hoa mắt chóng mặt.
Nếu đại tiện táo bón thì gia hỏa ma nhân 15g, uất quý nhân 12g để nhuận trường thông tiện.
MỘT SỐ BÀI THUỐC KHÁC
Thăng dương ích vị thang: sài hồ 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, trần bì 08g, trạch tả 12g, bạch thược 15g, đảng sâm 10g, hoàng kỳ 09g, hoàng liên 06g, khương hoạt 08g, độc hoạt 08g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang. Nếu lưỡi tím thì bỏ phục linh, trạch tả, khương hoạt, độc hoạt và gia bồ hoàng 12g, ngũ linh chi 12g, đan sâm 15g.
Sơ can lợi đởm thang: sài hồ 10g, diên hồ sách 10g, mộc hương 10g, bạch thược 15g, uất kim 15g, nhân trần 30g, hương phụ 12g, thanh bì 10g, cam thảo 05g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu có nhiệt thì gia hoàng cầm 12g, hoàng liên 12g, hoàng bá 12g.
Nếu nôn thì gia bán hạ 10g, hậu phác 12g, trúc nhự 12g.
Nếu đại tiện táo bón thì gia đại hoàng 06g. Có giun đũa thì gia sử quân tử 12g, binh lang 10g.
Huyết hư thì gia đương quy 12g để bổ huyết. Tỳ hư thì gia phục linh 12g, bạch truật 15g. Khí hư thì gia đảng sâm 12g để kiện tỳ ích khí.
Kèm thấp thì gia thương truật 12g, hậu phác 12g, trần bì 10g, bạch linh 12g để kiện tỳ thấm thấp.
Kèm ứ huyết thì gia đan sâm 15g, xuyên khung 12g để hoạt huyết hóa ứ. Kèm có hàn thì gia can khương 04g, quế chi 12g để tăng cường ôn trung tán hàn.
Lợi đởm hòa vị thang: sài hồ 10g, thanh cao 10g, chỉ thực 10g, phục linh 10g, uất kim 10g, trần bì 10g, bán hạ 10g, bạch thược 10g, uy linh tiên 15g, sinh cam thảo 03g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu nôn thì gia trúc nhự 12g, đại hoàng 05g.
Hổ nhân tam kim phương: hổ trượng căn 30g, kim tiền thảo 30g, nhân trần 30g, ngưu tất 30g, hải kim sa 30g, đại hoàng 09g, kê nội kim 09g, sài hồ 09g, uất kim 09g.
Các vị thuốc trên nấu thành cao, cho hồ vừa đủ và 15g đường cát sấy khô, chế thành dạng cốm, đóng mỗi gói 20g, ngày uống 03 lần, mỗi lần 01 gói, uống sau bữa ăn, một liệu trình 02 tuần.
Lợi đởm tiêu thạch phương: kim tiền thảo 40g, kê nội kim 15g, uất kim 15g, cát cánh 20g, ngưu tất 20g, chỉ xác 15g, tam lăng 10g, nga truật 15g, xuyên luyện tử 15g, diên hồ sách 15g, đại hoàng 10g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Thấp nhiệt thịnh thì gia nhân trần 15g, chi tử 12g. Can đởm nhiệt thì gia long đởm thảo 12g. Tỳ hư thì gia bạch truật 15g, đảng sâm 12g.
Lợi đởm phương:
Bài 1: hoàng cầm 15g, chỉ thực 15g, hổ trượng 15, đan sâm 15g, sơm tra 15g, xích thược 12g, bạch thược 12g, diên hồ sách 12g, kê nội kim 12g, uất kim 12g, sài hồ 08g, kim tiền thảo 15g, mộc hương 09g, sinh đại hoàng 09g, cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc 2: nhân trần 15g, hoàng cầm 15g, chỉ thực 15g, hổ trượng 15g, sơn chi 12g, xích thược 12g, bạch thược 12g, diên hồ sách 12g, uất kim 12g, kê nội kim 12g, sài hồ 12g, đại hoàng 06g, mộc hương 10g, kim tiền thảo 30g, hoàng liên 10g, cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
MỘT SỐ NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
Tác giả phân chia viêm túi mật mạn tính làm bốn thể:
+ Can uất khí trệ: phương pháp điều trị là Sơ can lợi đờm, lý khí hòa vị; dùng bài Sài Hồ sơ can tán gia giảm gồm các vị sài hồ 10g, hổ trượng 10g, xuyên khung 06g, trần bì 06g, hoàng cầm 06g, đại hoàng 06g (cho sau), đương quy 06g, phật thủ 06g, xuyên lượng tử 06g.
+ Thể can thận âm hư: phương pháp điều trị là dưỡng âm nhuận táo, thư can lợi đởm; dùng bài Nhất quán tiễn gia giảm gồm các vị sinh địa, thạch hộc, hà thủ ô, kỷ tử, trần bì, đại hoàng.
+ Thể tỳ vị hư nhược: phương pháp điều trị là bổ ý tỳ khí dưỡng vị lợi đởm, dùng bài Sâm linh bạch truật tán gia giảm gồm các vị thái tử sâm, phục linh, ý dĩ, hoài sơn, bạch truật, thạch hộc, biển đậu, nhân trần, đại phúc bì, hồ trượng đều 10g, trầm hương, đại hoàng 06g.
+ Thể khí hư huyết ứ: phương pháp điều trị là bổ ích khí huyết, hóa ư lợi đởm, dùng bài Nhu can lợi đởm thang, gồm các vị thục địa, hà thủ ô, đương quy, kỷ tử, hồ trượng, nhân trần, thái tử sâm, hoàng kỳ, phật thủ, xuyên khung, đại hoàng.
Có nghiên cứu dùng bài Tam kim lục quân tử thang gồm các vị kim tiền thảo 30g, hoàng kỳ 20g, đảng sâm 20g; uất kim, kê nội kim, phục linh, bạch truật, bán hạ chế, trần bì, mộc hương, chỉ xác, sài hồ đều 10g, chích cam thảo 06g để điều trị đạt kết quả tốt.
KẾT LUẬN
Viêm túi mật mạn tính thuộc chứng đởm trướng, hiếp thống của y học cổ truyền. Nguyên nhân, cơ chế gây bệnh liên quan tới các yếu tố tình chí, chế độ ăn uống, giun đũa, ngoại tà xâm nhập vào cơ thể làm cho can đởm uất trệ gây đau bụng; can khí phạm vào tỳ vị làm cho tỳ vị vận hóa bất thường, sinh thấp hóa nhiệt; khí trệ huyết ứ lâu ngày làm tổn thương tân dịch có hể gây nên can âm bất túc, dẫn tới thận hư. Điều trị cần căn cứ vào tình trạng hư thực để trị tiêu, trị bản hay công bố kiêm trị.
Giai đoạn mạn tính phân thành thể can uất khí trệ, can uất tỳ hư, can âm bất túc, khí trệ huyết ứ kết. Pháp điều trị chủ yếu là điều lý can đởm, dưỡng âm nhu can. Điều lý tỳ vị bao gồm các phương pháp kiện tỳ hòa vị, ích khí kiện tỳ. Phương pháp hoạt huyết hóa ứ được dùng trong các trường hợp có huyết ứ.
Bài thuốc thường được dùng bài Sài hồ sơ can tán, Tiêu dao tán, Sài thược lục quân tử thang, Nhất quán tiễn.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com