Bài thuốc đông y trị bệnh viêm túi mật cấp tính
Viêm túi mật là tình trạng xâm nhập của vi khuẩn vào túi mật do tắc nghẽn và nhiễm trùng ngược dòng do sỏi, nhất là sỏi cổ túi mật hoặc giun đũa chui vào đường mật. Hiếm gặp viêm túi mật do chấn thương vùng túi mật, đái tháo đường, nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn thường gặp là E. coli, Klebsiella, Streptococcus, Staphylococcus.
Viêm túi mật làm cho túi mật bị căng ra, thành túi mật phù nề sung huyết; thể hoại thư túi mật bị hoại tử, mật thấm ra gây thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Bệnh thường khởi bằng cơn đau quặn gan, sau đó dẫn đến nhiễm trùng và tắc mật. Cơn đau kéo dài sẽ lan tỏa ra cả vùng hạ sườn phải, lan lên vai phải.
Thường có nôn, buồn nôn, chán ăn.
Vàng da khi có tổn thương ống mật chủ phối hợp.
Khám vùng hạ sườn phải rất đau, túi mật to, nghiệm pháp Murphy (+), có thể có liệt ruột phải.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính tăng; bilirubin bình thường, nếu bilirubin tăng cao thì có tắc mật hoặc viêm đường mật chính; phosphatase và men gan tăng nhẹ.
Siêu âm thấy hình ảnh túi mật to, thành dày; giúp tìm nguyên nhân sỏi, giun, bệnh lý kèm theo của gan và tụy.
X quang: chụp ổ bụng không chuẩn bị nếu có sỏi mật sẽ thấy hình cản quanh bên phải, phía trước cột sống. Chụp đường mật bằng tiêm thuốc cản quang thấy hình ảnh ống mật chủ ngấm thuốc, còn túi mật không thấy. Nếu hình ảnh túi mật rõ thì không nghi tới viêm túi mật cấp tính .
Soi ổ bụng cấp cứu: thấy túi mật to và căng, sung huyết mạnh, phù nề; túi mật có thể dính với gan, mạc nối. Vùng gan gắn túi mật cũng có phản ứng viêm màu đỏ tươi.
Chụp cắt lớp vi tính cho chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán xác định: đau hạ sườn phải, sốt, bạch cầu cao, siêu âm phát hiện sỏi.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm ruột thừa thể dưới gan, sau manh tràng.
Thủng ổ loét dạ dày – hành tá tràng.
Ung thư đại tràng góc gan.
Cơn đau quặn thận, viêm thận bề thận phải.
Tiến triển, biến chứng
Thể nhẹ chưa có biến chứng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng nội khoa có thể khỏi sau vài ngày nhưng bệnh dễ tái phát.
Bệnh có thể gây nên các biến chứng:
+ Viêm đường mật: gan to mềm và đau, có thể tạo nên các ổ áp xe nhỏ trong gan, khó điều trị, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết.
+ Viêm màng bụng.
+ Rò mật với ống tiêu hóa.
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm túi mật cấp tính thuộc chứng hiếp thống, đởm trường, hoàng đản. Bệnh tại can đởm nhưng có mối liên quan tới tỳ vị. Sách “Linh Khu, Thiên trường luận” có nêu: người bệnh đởm trướng, vùng hạ sườn phải đau trướng, miệng đắng, thở gấp.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Tình chí tổn thương: can đởm có quan hệ biểu lý, lấy sơ tiết thông lợi làm thuận, khi tính thần không thoải mái, ưu tư, ức chế, cáu giận quá mức sẽ làm tổn thương tình chí, dẫn đến can đởm khí uất, sơ tiết không thông lợi, can khí hoành nghịch, khí cơ bị trở trệ gây đau mạn sườn.
Ăn uống không điều độ; ăn nhiều đồ cay, béo, ngọt, uống nhiều rượu gây tổn thương tỳ vị, làm cho vận hóa chất thường, sinh thấp hóa nhiệt, trở ngại đến sơ tiết của can đởm gây nên bệnh.
Giun đũa chui vào túi mật gây trở ngại tới sơ tiết của can đởm làm cho tỳ vị hư tổn, hàn nhiệt thác tạp, ảnh hưởng tới lưu thông dịch mật gây nên bệnh.
Lục dâm (đặc biệt là thấp nhiệt và hàn tà) qua da lông, đường hô hấp, đường tiêu hóa để xâm nhập vào cơ thể, uẩn kết thành độc phạm vào can đởm gây nên bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Căn cứ biện chứng
Can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt; đởm là phủ trung thanh, tính cương trực, tàng chứa dịch mật, lấy thông giáng sơ tiết làm thuận. Do các nguyên nhân nêu trên làm cho can đởm khí uất, khí huyết vận hành trở trệ, chức năng sơ tiết bị ảnh hưởng. “bất thông tắc thống” cho nên gây đau vùng hạ sườn phải. Can đởm và tỳ vị làm cho vị có quan hệ tương thừa và tương khắc. Can đởm khí uất hoành nghịch vào tỳ vị làm cho vị mất hóa giáng, tỳ mất kiện vận, thấp nhiệt bị uẩn kết dẫn tới can đởm thấp nhiệt. Tỳ vị thấp nhiệt nội uẩn, thổ phản khắc mộc làm cho can đởm thấp nhiệt căng nặng. Khí trệ huyết ứ không được lưu thông, thấp nhiệt không được loại trừ dẫn đến bại huyết, tổ chức hoại tử uẩn kết lại thành mủ gây ra can đởm viêm mủ độc chứng. Mủ độc có thể khu trú cục bộ hoặc phân tán toàn thân, phạm vào doanh huyết gây động huyết, hao huyết, thương âm tổn dượng, có thể dẫn tới vong âm vong dương.
Đau hạ sườn phải là do vận hành khí của can đởm không thông, khí uất, huyết ứ, thấp nhiệt gây nên. Giai đoạn cấp tính, chính khí thịnh tà thực, chính tà giao tranh kịch liệt làm chi thực tà kết tụ gây đau, sốt, vàng da, thườn kèm theo chứng vị trường thực kết. Nếu bụng trướng đau khi tình chí thay đổi thuộc can đởm khí trệ; nếu đau dữ dội, sốt cao, rét run, nôn, buồn nôn, vàng da thì thuộc chứng can đởm thấp nhiệt; nếu đau dữ dội, sờ nắn đau, vùng hạ sườn phải sờ thấy khối rắn, biểu hiện thấp nhiệt nặng, thậm chí có rối loạn ý thức là do khí trệ huyết ứ, thấp nhiệt không hết dẫn tới viêm mủ độc.
Nguyên tắc điều trị
Cấp thì trị tiêu, khứ tà phù chính. Bệnh thuộc can đởm khí trệ thì dùng pháp sơ can lợi đởm, lý khí giải uất. Bệnh thuộc can đởm thấp nhiệt thì dùng pháp sơ can lợi đởm, thanh nhiệt lợi thấp kém thông tả hạ. Bệnh thuộc can đởm viêm mủ độc thì dùng pháp giải độc lợi đởm, thanh doanh lương huyết.
Giai đoạn cấp tính chia thành thể viêm phù nề và viêm hóa mủ cấp.
Đặc điểm lâm sàng: có thể mắc bệnh ngay từ đầu, cũng có thể do viêm túi mật mạn tính dẫn tới. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng vùng hạ sườn phải, thường đau sau khi ăn no và vào buổi tối, sốt không cao (khoảng 38°C). Nếu có sốt cao, sợ lạnh, rét run thường kèm theo viêm đường mật.
Thể viêm phù nề chủ yếu là do thấp nhiệt uẩn kết ở can đởm, sơ tiết không thông lợi. Điều trị dùng pháp thanh nhiệt hóa thấp, sơ can lý khí.
Thể viêm hóa mủ có sốt cao, sợ lạnh, rét run, có thể có vàng da nhẹ, bụng trướng, ăn khó tiêu, buồn nôn. Nguyên nhân thường do thấp nhiệt uẩn kết tại can đởm, hóa hòa thành độc, xâm nhập vào phần doanh huyết, thẩm chí nhập vào tâm bào gây nhiều động thần minh. Điều trị dùng pháp thanh nhiệt lương huyết giải độc, sơ tiết can đởm. Bệnh do nhiệt kết tại dương minh nên điều trị cần dùng pháp thông ký công hạ để tả thực nhiệt.
PHÂN THỂ LÂM SÀNG
1. Thể viêm phù nề
Lâm sàng: đau vùng hạ sườn phải, đau có thể lan ra sau lưng, bụng co cứng, miệng đắng, họng khô, buồn phiền, buồn nôn, sốt, rét run; có thể vàng da, đại tiện táo két, tiểu tiện vàng; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng nhớp hoặc vàng mỏng, mạch huyền hoạt sác.
Cơ chế bệnh sinh của thể này là do can đởm thấp nhiệt, sơ tiết không thông lợi làm cho khí cơ trở trệ, dương minh nhiệt kết.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, sơ can lý khí, thông lý nhuận hạ.
Bài thuốc: Đại sài hồ thang gia giảm.
Sài hồ 12g, Đại hoang 06g, Bồ công anh 15g, Bán hạ 12g, Sinh cam thảo 06g, Hoàng cầm 10g, Hồ trượng 12g, Uất kim 12g,Xích thược 12g, Chi tử 10g, Kim tiền thảo 20g, Chỉ xác 12g, Bạch thược 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, đại hoàng cho vào sắc sau.
Trong bài thuốc trên thì hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh nhiệt ở can đởm. Sài hồ, uất kim có tác dụng sơ can lợi đởm, lý khí chỉ thống. Đại hoàng có tác dụng thông phủ nhuận hạ, tả thực nhiệt. Chỉ xác có tác dụng phá khí tán kết, trợ giúp đại hoàng làm thông tích trệ, bài tiết nhiệt kết. Hổ trượng, kim tiền thảo, bồ công anh trợ giúp hoàng cầm, chi tử thanh lợi thấp nhiệt. Xích thược có tác dụng hoạt huyết thông lạc để chỉ thống. Bán hạ có tính cay ôn táo nhưng phối hợp với thuốc có tính vị đắng lạnh, cay thì khai, đắng thì giáng nên có tác dụng khai bĩ tán kết, hỗ trợ thanh hóa thấp nhiệt, làm cho khí nghịch giáng xuống để cầm nôn. Bạch thược, cam thảo có tác dụng giảm đau, điều hòa các vị thuốc, để phóng dùng thuốc đắng lạnh thái quá gây tổn thương chính khí.
Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh các vị sài hồ, hoàng cầm, đại hoàng, kim tiền thảo, chi tử, uất kim có tác dụng kháng khuẩn đường tiêu hóa; bồ công anh có tác dụng ức chế vi khuẩn, giải độc; bạch thược, chỉ xác có tác dụng ức chế quá trình viêm. Tổng hợp bài thuốc trên có tác dụng kháng khuẩn, ức chế quá trình viêm túi mật.
Nếu có nấc, đau mạn sườn nhiều thì gia thanh bì 10g, xuyên luyện tử 12g, huyền hồ 12g để tăng cường tác dụng lý khí hoạt huyết chỉ thông.
Sốt cao thì gia ngân hoa 20g, liên kiều 12g để thanh nhiệt giải độc.
Bụng trướng đau, cự án thì gia đan bì 12g, đan sâm 15g, đào nhân 08g để hoạt huyết khứ ứ, giảm đau.
Nôn, buồn nôn thì gia hoàng kiên 12g, trúc nhự 12g để thanh vị nhiệt, giáng nghịch cầm nôn.
Nếu triệu chứng thiền về thấp nhiều thì gia hậu phác 12g, thương truật 12g để hóa thấp tạo trọc. Nếu vàng da thì gia nhân trần 15g để lợi đởm, thoái hoàng.
Có giun gây bí đại tiện thì gia xuyên tiêu 08g, ô mai 12g.
Có sỏi mật thì gia kê nội kim 12g, hải kim sa 15g để bài thạch.
2. Thể viêm hóa mủ
Triệu chứng: bụng đau, cứng; sốt cao, rét run, phiền táo vật vã; nước tiểu màu sẵm như nước chè, số lượng ít; đại tiện táo bón, cơ bụng co cứng, cự án, sờ có thể thấy túi mật to, chất lưỡi đỏ giáng, rêu vàng khô, mạch huyền sác.
Bệnh do nhiệt độc tích thành ở can đởm, xâm nhập vào dinh huyết.
Pháp điều trị: thanh tả can đởm, lương huyết giải độc, thông lý trận hạ.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang hợp với Đại thừa khí thang gia giảm.
Long đởm thảo 12g, Sài hồ 12g, Liên kiều 15g, Bản lam căn 12g, Mang tiêu 10g, Hoàng cầm 12g, Sinh địa 12g, Bồ công anh 15g, Mộc hương 06g, Đan bì 12g, Chi tử 10g, Kim ngân hoa 15g, Tử hoa địa đinh 15g, Đại hoàng 10g,
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì long đởm thảo có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, tả thực hóa ở can đởm. Đại hoàng có tác dụng thông phủ đạo trệ, tả nhiệt giải độc. Đan bì có tác dụng lương huyết tán huyết giải độc. Hoàng cầm, chi tử có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa giải độc, tăng cường tác dụng của long đởm thảo. Mang tiêu có tác dụng hạ nhiệt kết, làm tăng cường tác dụng của đại hoàng. Sinh địa, bản lam căn có tác dụng lương huyết giải độc. Kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh, tử hoa địa đinh có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Mộc hương có tác dụng hành khí chỉ thống. Sài hồ có tác dụng sơ can thanh nhiệt dẫn thuốc vào can đởm.
Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh long đởm thảo, chi tử, hoàng cầm, sài hồ, liên kiều, ngân hoa, bồ công anh, tử hoa địa đinh, bản lam căn, đại hoàng,đan bì có tác dụng ức chế vi khuẩn, chống viêm, giải độc; đại hoàng, mang tiêu có tác dụng làm cho túi mật thu nhỏ lại; mộc hương, đan bì ức chế sự kết tập tiểu cầu. Các vị thuốc phối hợp với nhau vừa có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm đường mật, vừa có tác dụng tăng bài tiết dịch mật và tăng cường tuần hoan ở túi mật.
Nếu có hôn mê có thể dùng viên An cung ngưu hoàng hoàn, ngày uống 01 viên để thanh tâm khai khiếu.
MỘT SỐ BÀI THUỐC KHÁC
Nhị công nhân đởm chấp thang: nhân trần 60g, kim ngân hoa 60g, bồ công anh 40g, liên kiều 40g, xích thược 30g, sài hồ 10g, kê nội kim 10g, sinh đại hoàng 10g ( sắc sau), hoàng cầm 10g, bán hạ chế 10g, sinh cam thảo 10g, mật lợn 2 ml.
Các vị thuốc trên sắc uống, mỗi ngày 01 thang.
Quán trường phương: sinh đại hoàng 30g (sắc sau), chỉ thực 30g, hậu phác 30g, mang tiêu 30g, lai phục tử 30g.
Các vị thuốc trên sắc lấy 200ml, thụt giữ đại trường, ngày 01 lần.
Hoạt huyết lợi đởm phương: xuyên luyện tử 15g, tam lăng 05g, nga truật 05g, nhũ hương 12g, một dược 12g, long đởm thảo 12g, đại hoàng 10g (sắc sau), cam thảo 03g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Thanh đởm thang: sài hồ 15g, uất kim 15g, đại hoàng 15g, hoàng cầm 15g, nhân trần 25g, kim tiền thảo 25g, hoàng liên 15g, chi tử 15g, kim ngân hoa 25g, bồ công anh 20g, mang tiêu 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Hoàng kim linh thang: đại hoàng 05-10g, hoàng cầm 15g, khương hoàng 10-20g, uất kim 20-30g, kim tiền thảo 20-40g, kim ngân hoa 15-30g, kê nội kim (tán nhỏ uống với nước thuốc sắc) 12g, uy linh tiên 20-30g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Thanh nhiệt lợi đởm thang: kim tiền thảo 15g, bại tương thảo 15g, bản lam căn 15g, nhân trần 15g, hoàng cầm 10g, uất kim 10g, kê nội kim (tán bột, uống với nước thuốc) 10g, đan sâm 15g, xa tiền tử 15g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Lợi đởm khoan hung ẩm: bồ công anh 15g, nhân trần 15g, xích phục linh 15g, qua lâu bì 10g, phỉ bạch 10g, chỉ xác (sao) 10g, sơn tra 30g, đan sâm 15g, trầm hương (cho vào sau) 0,3g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Sài hồ thang gia giảm: sài hồ 18g, đại hoàng 09g, bạch thược 09g, chỉ thực 09g, hoàng cầm 09g, bán hạ 09g, uất kim 09g, sinh khương 12g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Thanh đởm chỉ thống thang: sài hồ 12g, hoàng cầm 10g, bán hạ 10g, bách thược 12g, đại hoàng 12g (sắc sau), chỉ thực 12g, nguyên hồ 10g, mộc hương 10g, trạch lan 12g, sinh khương 06g, đại táo 03 quả, tam thất bột 05g (chia 02 lần chiêu với nước thuốc).
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Sau khi hết đau, dùng bài Phức phương kim linh tử tán: xuyên luyện tử 30g, nguyên hồ 30g (tẩm dấm nướng), uất kim 60g, bồ công anh 60g, kê nội kim 30g. Các vị thuốc trên, tán bột mịn, mỗi lần uống 06g, ngày 03-04 lần.
KẾT LUẬN
Viêm túi mật là tình trạng xâm nhập của vi khuẩn vào túi mật làm cho túi mặt bị căng ra, thành túi mật phù nề, sung huyêt hoặc túi mật bị hoại tử. Bệnh thuộc chứng hiếp thông, đởm trướng, hoàng đản của y học cổ truyền.
Nguyên nhân, cơ chế bệnh do tình chí tổn thương, ăn uống không điều độ; ăn nhiều đồ cay, béo, ngọt; uống nhiều rượu hoặc giun đũa chui vào túi mật gây trở ngại tới sơ tiết cảu can đởm, làm cho thấp nhiệt và hàn tá xâm nhập vào cơ thể, uẩn kết thành độc phạm vào can đởm gây nên bệnh.
Nguyên tắc điều trị là cấp thì trị tiêu, khứ tà phù chính. Thể viêm phù nề chủ yếu là do thấp nhiệt uẩn kết ở can đởm, sơ tiết không thông lợi; điều trị dùng phương pháp thanh nhiệt hóa thấp, sơ can lý khí. Thể viêm hóa mủ thường do thấp nhiệt uẩn kết tại can đởm, hóa hỏa thành độc; điều trị dùng phương pháp thanh nhiệt lương huyết giải độc, sơ tiết can đởm.
Chú ý: kết hợp với y học hiện đại để chẩn đoán và phối hợp điều trị.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com