Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH VIÊM LOÉT ĐẠI – TRỰC TRÀNG CHẢY MÁU

Bài thuốc đông y trị bệnh viêm loét đại – trực tràng chảy máu

Viêm loét đại – trực tràng chảy máu (còn gọi là viêm loét đại tràng không đặc hiệu) là bệnh viêm mạn tính, có tính chất tự miễn, gây tổn thương loét và chảy máu mạn tính ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc đại- trực tràng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, ỉa lỏng, phân có máu kèm theo sốt và sút cân.

Bệnh thường xảy ra ở người trẻ, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng quá trình phát bệnh có liên quan tới yếu tối tự miễn dịch, nhiễm khuẩn và tâm thần. Viêm loét đại tràng không đặc hiệu là bệnh mạn tính, tái phát từng đợt, để lại nhiều biến chứng như áp xe hậu môn, hẹp đại tràng, chảy máu trầm trọng, ung thư hóa…

Chẩn đoán

Lâm sàng

– Triệu chứng toàn thân:

Người bệnh mệt mỏi, ăn ngủ kém, trướng bụng. Trong thể nặng có thể sốt, sút cân, thiếu máu.

Biểu hiện ngoài ống tiêu hóa: viêm khớp, hồng ban nút, loét miệng- lưỡi, gan nhiễm mỡ, thận thoái hóa dạng tinh bột…

Triệu chứng cơ năng:

Đau bụng vùng hố chậu hai bên hoặc vùng hạ sườn phải, đau lan dọc theo khung đại tràng, thường đau âm ỉ có khi quặn từng cơn kèm theo mót đi đại tiện, đi ngoài được thì đau giảm.

Rối loạn đại tiện: phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có nhầy máu.

Triệu chứng thực thể: rất nghèo nàn, có khi chỉ ấn đau dọc khung đại- trực tràng, nhất là vùng đại tràng sigma; thâm trực tràng đau, có thể có máu dính tay.

Cận lâm sàng

Nội soi đại tràng: có hai đặc điểm là tính chất dẽ chảy máu của niêm mạc đại- trực tràng, tính chất đồng đều liên tục của tình trạng viêm đỏ lan tỏa, phù nề và các ổ loét. Phân loại giai đoạn bệnh theo Baron:

Giai đoạn 0: niêm mạc nhạt màu, có mạch máu dưới niêm mạc mỏng, thưa thớt thậm chí hình ảnh nội soi bình thường.

Giai đoạn 1: niêm mạc lần sần, sung huyết, các mạch máu chỉ nhìn thấy một phần.

Giai đoạn 2: niêm mạc mất nếp ngang, có những ổ loét đặc trưng, không thấy mạch máu dưới niêm mạc, dễ chảy máu khi đèn soi chạm phải.

Giai đoạn 3: niêm mạc phù nề, sung huyết, mủn, có ổ loét lớn, chảy máu niêm mạc tự phát.

Viêm loét đại- trực tràng chảy máu ít khi có tổn thương ở hậu môn và không có tổn thương ở ruột non. Mô bệnh học chỉ thấy tổn thương ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, không tổn thương đến lớp cơ.

X quang: chụp khung đại tràng thấy hình ảnh đại tràng hình ống chì, hình ảnh polyp giả, hẹp đại tràng, phình giãn đại tràng.

Chụp ổ bụng không chuẩn bị: hình ảnh quai ruột giãn.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào phương pháp loại trừ với các bệnh viêm loét đại- trực tràng thường có ở Việt Nam như lỵ amip, lỵ trực khuẩn..

Chẩn đoán phân biệt

Viêm đại tràng mạn tính sau lỵ amip, lỵ trực khuẩn: bệnh nhân có tiền sử bị lỵ lâm sàng biểu hiện bằng hội chứng lỵ hoặc ỉa chảy tái phát nhiều lần hoặc xen kẽ lỵ, ỉa chảy, táo bón. Nội soi đại tràng trong đợt cấp tính thấy tổn thương loét như trong thể cấp tính hoặc hình ảnh u amip ở hố chậu phải. Xét nghiệm phân có ký sinh trùng amip…

Rối loạn chức năng đại tràng: đau bụng, phân táo lỏng, không có máu, xét nghiệm albumin hòa tan (-), soi và sinh thiết đại tràng không thấy tổn thương viêm và loét.

Bệnh Crohn: tổn thương sâu đến tận lớp cơ, tổn thương có thể từ miệng tới dạ dày, ruột non, đại tràng và hậu môn. Loét không liên tục, sâu nham nhở như hình bản đồ hoặc loét vòng ranh giới rõ ràng, xen kẽ là niêm mạc lành.

Y học cổ truyền

Khái niệm

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm loét đại tràng không đặc hiệu thuộc phạm trù phúc thống, phúc tả, tiện huyết…

Về phương pháp điều trị, các tác giả cho rằng trong giai đoạn đầu của bệnh do nguyên khí chưa suy nên có thể dùng pháp hạ; giai đoạn muộn, bệnh nhân tuổi cao, sức khở yếu nên dùng pháp thăng phối hợp với pháp hòa huyết để cầm máu, điều khí để điều trị chứng đau bụng và mót rặn. Nhiều bài thuốc ứng dụng điều trị như Bạch đầu ông thang. Đào hoa thang, Tứ thần hoàn, Ô mai hoàn, Cách hạ trục ứ thang.

Nguyên nhân bệnh sinh

Bệnh tổn thương tại đại trường, quá trình phát bệnh có liên quan mật thiết với sự suy giảm chức năng của tỳ vị; căng thẳng, uất ức kéo dài; ăn uống không điều độ và sự xâm nhập của ngoại tà vào cơ thể. Cũng có thể trên cơ sở tỳ vị đã bị hư nhược, tỳ thận dương hư hoặ can tỳ thận thất điều, lại kiêm có thấp nhiệt, khí trệ, huyết ứ làm rối loạn chức năng vận hóa của tỳ vị, chức năng chuyển đạo tinh thô của đại trường bị trở ngại. Bản chất của bệnh là bản hư và tiêu thực hoặc hư thực thác tạp.

Cơ thể cảm nhiễm phải thấp nhiệt hoặc thử thấp làm tổn thương tới vị, đại trường; thấp nhiệt có tính táo nhiệt, dễ làm hao khí , tổn thương huyết gây tổn thương tới huyết lạc của vị và đại trường, lâu ngày hóa thành máu mủ. Nếu cơ thể cảm nhiễm phải hàn thấp, do hàn có tính ngưng trệ làm cho huyết lưu thông không được thông thoát dẫn đến khí trệ huyết ứ ở vị và đại trường. Hàn và thấp kết hợp lâu ngày hóa nhiệt làm tổn thương tới huyết lạc của vị và đại trường dẫn đến đau bụng và đại tiện ra nhầy máu.

Ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều chất béo, ngọt, cay, nóng; uống quá nhiều rượu làm tổn thương tỳ vị, dẫn đến thấp nhiệt nội sinh, đường vận hành khí của vị và đại trường bị trở trệ, huyết lạc bị tổn thương gây nên bệnh.

Tình chí thất điều, can khí phạm tỳ: căng thẳng, uất ức kéo dài làm tổn thương chức năng sơ tiết khí cơ của can, can khí thượng nghịch ảnh hưởng tới chức năng vận hóa của tỳ làm cho can tỳ bất hòa dẫn đến đau bụng, đại tiện phân lỏng.

Tỳ vị hư nhược, thận dương hư suy: do bệnh kéo dài ảnh hưởng tới chức năng vận hóa và chuyển háo của tỳ vị nên trên lâm sàng xuất hiện đau bụng, đại tiện phân lỏng. Tỳ hư ảnh hưởng tới thận, bệnh mạn tính kéo dài, tái phát nhiều lần làm cho tỳ thận đều hư nên trên lâm sàng thấy đại tiện phân lỏng hoặc ngũ canh tiết tả.

    Tóm lại, nguyên nhân chủ yếu của bệnh là thấp tà. Do thấp có tính nặng, trọc, dính nhớp, gây bệnh với đặc điểm bệnh khởi phát từ từ, diễn biến kéo dài, tái phát nhiều lần. Bệnh tổn thương chủ yếu ở đại trường nhưng có quan hệ mật thiết với tỳ, vị, can, thận. Trên lâm sàng, giai đoạn đầu của bệnh đa số thuộc chứng đại trường thấp nhiệt, kiêm biểu hiện của chứng khí cơ trở trệ, bệnh thuộc thực chứng. Do đại trường và vị đều thuộc kinh dương minh nên bệnh kéo dài sẽ làm tổn thương tới vị và kế đến là tỳ (do vị với tỳ có tương quan biểu lý). Như vậy, bệnh của phù làm tổn thương tới tạng, bệnh tình từ thực chứng đã chuyển thành hư chứng. Trong quá trình bệnh, do tân huyết bị hao tổn sẽ ảnh hưởng tới thận, tức là bệnh chuyển từ chứng tỳ vị hư nhược sang chứng tỳ thận lưỡng hư. Do thấp nhiệt lâu ngày không được trừ bỏ nên trên lâm sàng đa số biểu hiện của hư thực thác tạp nhưng lấy hư chứng là chủ, chính hư tà biến, hư thực thác tạp.

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Biện chứng

Bệnh viêm loét đại tràng không đặc hiệu thuộc phạm vi chứng hưu tức lỵ, cửu lỵ, cửu tả, tiện huyết. Bệnh thường diễn biến kéo dài với những đợt tiến triển có chu kỳ. mổ số trường hợp có diễn biến cấp tính và tối tính với triệu chứng cơ năng và toàn thân rất nặng và rầm rộ, nhanh chóng gây các biến chứng. Đa số trường hợp thuộc chứng chính hư tà biến hoặc bản hư tiêu thực, hàn nhiệt thác tạp. Vì vậy, trong quá trình biện chứng cần chú ý làm rõ yếu tố hư hay thực, mức độ nặng hay nhẹ của bệnh và bệnh biến của tạng phủ liên quan.

Biện chứng hư hay thực, mức độ nặng hay nhẹ của bệnh

Biện chứng hư hay thực dựa vào đặc điểm phát bệnh, bệnh trình dài ngắn và mức độ đi đại tiện.

Bệnh thuộc thực chứng: khởi bệnh cấp tính, bệnh trình ngắn, đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có nhầy máu.

Bệnh thuộc hư chứng: khởi bệnh từ từ, bệnh kéo dài, đại tiện táo lỏng thất thường.

Biện chứng về mức độ nặng nhẹ của bệnh cần căn cứ vào các biểu hiện toàn thân:

Nếu tiết tả mà người bệnh vẫn ăn uống tốt, chứng tỏ chức năng của tỳ vị còn tốt thì tiên lượng bệnh nhẹ.

Ngược lại, tiết tả àm người bệnh không muốn ăn, người gầy hoặc ỉa lỏng nhiều lần, kéo dài không cầm thì tiên lượng bệnh nặng.

Biện chứng tổn thương tạng phủ

Nếu đại tiện phân lỏng tái đi tái lại nhiều lần, bệnh tăng lên khi ăn thức ăn sống lạnh hoặc khi lao động mệt mỏi quá mức, kèm theo người mệt mỏi là biểu hiện của tỳ hư.

Nếu đại tiện phân lỏng, tái đi tái lại nhiều lần có liên quan tới trạng thái tâm thần kinh căng thẳng, uất ức, tính tình dễ cáu giận là do can khí uất làm ảnh hưởng tới tỳ (can uất thừa tỳ) dẫn tới can và tỳ đều suy yếu (can tỳ đồng bệnh) thì bệnh thuộc hứng hư thực thác tạp.

Nếu bệnh nhân xuất hiện ngũ canh tiết tả, đại tiện phân sống, đau lưng, sợ lạnh, đa số thuộc thận dương bất túc, mệnh môn hỏa suy hoặc tỳ thận đồng bệnh.

Nguyên tắc điều trị

  Do thấp là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu, cơ chế của bệnh là tỳ hư, thấp thịnh và tỳ hư hiệp thấp nhiệt. Vì vậy, nguyên tắc điều trị cơ bản là kiện tỳ hóa thấp, đồng thời căn cứ vào tình trạnh hàn nhiệt để lựa chọn thuốc ôn hóa hay thanh hóa.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện của can khí uất, thận hư cũng cần phân biệt để dùng pháp sơ can hay ôn thận.

Giai đoạn cấp tính nên dùng pháp tư bổ, cố sáp.

Giai đoạn mạn tính không nên dùng pháp hạ lợi thái quá để tránh làm tổn thương chính khí và âm dịch.

Nếu có biểu hiện của ứ huyết nên phối hợp với thuốc hoạt huyết hóa ứ.

451-2404

PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ

I. Giai đoạn hoạt động

1. Thấp nhiệt nội uẩn

Lâm sàng: đau bụng, mót rặn, cảm giác muốn đi ngoài, sau đi ngoài đau bụng giảm, đại tiện nhiều lần, phân lỏng có nhiều nhầy máu; kèm theo bệnh nhân có thể có sốt, sợ lạnh, hậu môn nóng đỏ, đắng miệng, hôi miệng, đầy trướng bụng, buồn nôn, tiểu tiện nước ít và dở; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch sác hoặc hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp, lý khí chỉ thống.

Bài thuốc: Bạch đầu ông thang (Thương hàn luận) phối hợp với Cát căn cầm liên thang (Thương hàn luận) gia bạch thược, mộc hương, hoắc hương, kim ngân hoa.

Bạch đầu ông  15g, Tần bì  12g, Hoàng liên  06g, Hoàng bá  12g, Cát căn  15g, Cam thảo  06g, Bạch thược  12g, Mộc hương  08g, Hoắc hương  12g, Kim ngân hoa  15g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bạch đầu ông là bài thuốc chủ yếu để điều trị chứng huyết lỵ nhiệt độc khi nhiệt độc thâm nhập sau vào huyết phận. Trong phương dùng bạch đầu ông, kim ngân hoa có vị đắng tính hàn, nhập vào huyết phận để thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lỵ. Hoàng liên có vị đắng, tính hàn để tả hỏa giải độc, táo thấp là thuốc chủ yếu để điều trị lỵ. Hoàng bá thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu, hỗ trợ cho hoàng liên, bạch đầu ông thanh nhiệt giải độc, cũng là vị thuốc táo thấp điều trị lỵ. Tần bì có vị đắng sáp, tính hàn; tác dụng thanh nhiệt giải độc kiêm liễm sáp, chỉ lỵ. Việc kết hợp các vị thuốc trên làm cho bài thuốc có tác thanh nhiệt giải độc, lương huyết và chỉ lỵ. Cát căn là vị thuốc có vị ngọt, tính mát, tác dụng ưu tiên trên kinh tỳ vị; có tác dụng giải biểu thoái nhiệt, đồng thười còn có tác dụng làm thăng phát thanh khí của tỳ vị để điều trị hạ lỵ. Bạch thược có tác dụng dưỡng huyết điều kinh, liễm âm chỉ thống. Mộc hương, hoắc hương là những vị thuốc ôn ấm, có mùi thơm, có tác dụng ôn trung, lý khí tỉnh tỳ. Cam thảo có tác dụng bổ khí kiện tỳ, điều hòa các vị thuốc.

Nếu bệnh nhân trướng bụng, thấp nặng hơn nhiệt có thể gia thêm xích phục linh 12g, mã xỉ hiện 15g, ý dĩ 12g.

Nếu bệnh nhân sốt cao thì gia tri mẫu 12g, chi tử 12g để thanh nhiệt.

Đau bụng nhiều thì gia huyền hồ 10g, chỉ thực 10g.

Lý cấp hậu trọng thì gia sơn tra 10g (sao), đại hoàng 04g, binh lang 10g,

Phân có máu thì gia địa du 12g, trắc bá diệp 15g.

2. Khí trệ huyết ứ

Lâm sàng: đạu bụng với tính chất đau quặn từng cơn, liên tực, có điểm đau cố định, cự án, sau khi đi ngoài đau không giảm, ợ hơi, ăn kém, sắc mặt ám tím, chất lưỡi tím hoặc có ban điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc trầm.

Pháp điều trị: hành khí hoạt huyết, kiện tỳ ích khí.

Bài thuốc: Cách hạ trục ứ thang (Y lâm cải thác) gia giảm.

Ngũ linh chi  06g, Đương quy  12g, Xuyên khung  10g, Đào nhân  10g, Đan bì  12g, Xích thược  12g, Ô dược  06g, Diên hồ sách  06g, Cam thảo  10g, Hương phụ  10g, Hồng hoa  10g, Chỉ xác  10g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Bài thuốc dùng đương quy, xuyên khung, đào nhân, đan bì, xích thược để hoạt huyết. Ngũ linh chi, diên hồ sách có tác dụng hóa ứ. Dùng hương phụ, chỉ xác, ô dược có tác dụng lý khí. Cam thảo để hòa hoãn các vị thuốc. Bài thuốc dùng nhiều các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết mạnh, vì vậy có tác dụng hoạt huyết hóa ứ rất mạnh nên làm giảm đau rất tốt. Tuy nhiên, do thuốc có tác dụng hoạt huyết mạnh nên cần có cam thảo với lượng nhiều để hòa hoãn. Cách dùng thuốc này có ý nghĩa trong công phạt có chế ước.

Nếu trướng bụng nhiều thì gia hậu phác 12g, chỉ thực 10g để tăng cường tác dụng lý khí tiêu trướng.

Nếu đau nhiều thì gia tam thất 06g, bạch thược 15g, mộc hương 10g.

Nếu đại tiện phân lỏng thì gia nhục quế 04g, bổ cốt chỉ 06g.

II. Giai đoạn mạn tính

1. Tỳ thận dương hư

Lâm sàng: đau bụng âm ỉ, bụng trướng, mót đi ngoài, đi ngoài xong đau giảm, đại tiện phân lỏng kéo dài, phân có nhầy máu mũi, ăn kém, người gầy, người lạnh, chân và tay lạnh, lưng gối đau mỏi, thiện án, chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ thận, sáp trường chỉ tả.

Bài thuốc: Tứ thần hoàn (Nội khoa trích yếu) phối hợp với Phụ tử lý trung hoàn (Thái bình ý dân hòa tễ cục phương)

Nhục đậu khấu  06g, Bổ cốt chi  06g, Ngũ vị tử  08g, Ngô thù du  03g, Phụ tử  06g, Nhân sâm  08g, Can khương  08g, Cam thảo  10g, Bạch truật  15g,

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Tác dụng: ôn ấm thận tỳ, cố trường chỉ tả, ôn dương trừ hàn, bổ khí kiện tỳ.

Tác dụng chủ yếu của bài thuốc Tứ thần hoàn (nhục đậu khấu, ngũ vị tử, bổ cốt chỉ, ngô thù du) để ôn thận ấm tỳ, sáp trường chỉ tả. Phối ngũ với bài Phụ tử lý trung hoàn (phụ tử, nhân sâm, can khương, bạch truật, cam thảo) có tác dụng ôn dương trừ hàn, bổ khí kiện tỳ để tăng cường tác dụng ôn trung chỉ tả. Đây là bài thuốc chủ yếu để điều trị chứng đi ngoài vào sáng sớm (ngũ canh tiết tả).

Do thận dương hư, mệnh môn hỏa suy, hỏa không làm ấm được thổ, tỳ mất kiện vận mà dẫn tới ngũ canh tiết tả. Trong bài thuốc trên thì ngô thù du, phụ tửu, can khương có tác dụng bổ mệnh môn hỏa để ôn dưỡng tỳ thổ. Nhân sâm, bạch truật để tăng cường tác dụng ôn ấm tỳ thận và sáp trường chỉ tả. Ngô thù du ôn ấm tỳ vị để tán âm hàn. Ngũ vị tử cố thận sáp trường. Sự phối hợp hai bài thuốc trên có tác dụng ôn ấm thận tỳ, cố trường chỉ tả, ôn dương trừ hàn và bổ khí kiện tỳ.

Nếu bệnh nhân tuổi cao, thể trạng suy nhược, đại tiện phân lỏng kéo dài có thể gia hoàng kỳ 20g, thăng ma 12g, cát căn 15g để bổ khí thăng đề.  Đại tiện lỏng không cầm có thể gia anh túc xác 10g, xích thạch chi 12g để tăng cường tác dụng sáp trường chỉ tả.

Đại tiện phân có nhiều nhầy máu mũi, lý cấp hậu trọng thì gia đan sâm 15g, khổ sâm 12g.

2. Âm huyết hao hư

Lâm sàng: đau bụng vùng khung đại tràng với tính chất đau quặn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, phân nhiều nhầy máu; kèm theo đau đầu, chóng mặt, người gầy, mệt mỏi, sắc mặt xanh, tinh thần ủ rũ, bồn chồn, dễ cáu gắt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi hồng, ít rêu lưỡi, mạch tế sác hoặc trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: dưỡng huyết ích khí, dưỡng âm cố trường, kết hợp với thanh hư nhiệt.

Bài thuốc: Sinh mạch tán (Y học khải nguyên) phối hợp với Lục quân tử thang (Y học chính truyền).

Nhân sâm  06g, Mạch môn  12g, Ngũ vị tử  06g, Bạch truật  12g, Bạch linh  10g, Cam thảo  06g, Trần bì  10g, Bán hạ  05g.

Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Tác dụng chủ yếu của bài thuốc Sinh mạch tán (nhân sâm, mạch môn, ngũ vị tử) có ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn; là bài thuốc chủ yếu để điều trị chứng khí âm lưỡng hư. Bài Lục quân tử thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, trần bì, bán hạ) là bài thuốc có tác dụng ích khí kiện tỳ, táo thấp hóa đàm. Khi phối hợp với bài Sinh mạch tán sẽ làm tăng cường tác dụng ích khí kiện tỳ để bổ sung âm huyết.

Nếu thấy lòng bàn chân và tay nóng thì gia ngân sài hồ 12g, thanh cao 12g.

Nếu hoa mắt, chóng mặt thì gia thiên ma 12g, trân châu mẫu 15g.

Nếu đại tiện lỏng nát thì gia xích thạch chi 12g.

Nếu đại tiện phân nhiều máu thì gia bạch hoa xà thiệt thảo 15g.

KẾT LUẬN

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh viêm loét đại tràng không đặc hiệu thuộc phạm trù phúc thống, tiết tả và tiện huyết…

Bệnh tổn thương tại đại trường, quá trinh phát bệnh có liên quan mật thiết với sự suy giảm chức năng của tỳ, vị. Hoặc trên cơ sở tỳ, vị đã bị hư nhược, tỳ thận dương hư hoặc can tỳ thận thất điều, lại kiêm có thấp nhiệt, khí trệ, huyết ứ làm rối loạn chức năng vận hóa của tỳ vị, chức năng chuyển đạo tinh thô của đại trường bị trở ngại. Bản chất của bệnh là bản hư và tiêu thực hoặc hư thực thác tạp.

Do nguyên nhân chủ yếu của bệnh là thấp, cơ chế bệnh sinh là tỳ hư thấp thịnh và tỳ hư hiệp thấp nhiệt. Vì vậy, kiện tỳ hóa thấp lầ nguyên tắc điều trị cơ bản của bệnh, đồng thời phải căn cứ vào tình trạng hàn nhiệt để lựa chọn thuốc ôn hóa hay thanh hóa.

Nhiều bài thuốc dược ứng dụng điều trị như bài Bạch đầu ông thang, Đào hoa thang, Tứ thần hoàn, Ô mai hoàn, Cách hạ trục ứ thang.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *