Trĩ là những búi tĩnh mạch nhu mềm được hình thành do các hệ thống tĩnh mạch đoạn cuối trực tràng và tĩnh mạch dưới da quanh hậu môn bị giãn và thò ra ngoài.
Đặc điểm lâm sàng: đại tiện ra máu, búi trĩ thò ra ngoài, sưng nề tái phát từng đợt, đồng thời theo lứa tuổi lớn mà bệnh nặng hơn.
Bệnh trĩ là một bệnh hay gặp trong các bệnh hậu môn- trực tràng, chiếm đến 87%, bất kể tuổi nào cũng có thể phát bệnh, trong đó thường gặp ở lứa tuổi 20-40, nữ gặp nhiều hơn nam.
Chẩn đoán
Bệnh hay gặp ở tuổi trường thành. Trĩ nội và trĩ hỗn hợp hay thấy ở điểm 3,11 giờ tư thế sản khoa, trĩ ngoại do tắc mạch thường ở vị trí 3,9 giờ.
Lâm sàng
Trĩ nội chủ yếu biểu hiện là đại tiện ra máu và búi trĩ thò ra ngoài.
Trĩ ngoại chủ yếu biểu hiện là đau hậu môn, cảm giác căng tức trĩu nặng và có dị tật ở hậu môn\.
Trĩ hỗn hợp thường có biểu hiện của cả hai loại trên.
Đại tiện ra máu: đại tiện ra máu mà không có biểu hiện đau, máu và phân không lẫn lộn, thường thấy máu khi chìu giấy vệ sinh hoặc là máu chảy thành giọt. Chảy máu mang tính chất giãn cách. Các yếu tố thuận lợi như uống rượu, quá sức, táo bón, đại tiện lỏng… đều có thể gây bệnh nặng thêm. Nếu chảy máu mức độ nhiều có thể thất biểu hiện của hội chứng thiếu máu.
Búi trĩ thò ra ngoài: khi búi trĩ tương đối to thì khi đi ngoài trĩ có thể thò ra. Lúc đầu, trĩ có thể tự co lên được nhưng lâu ngày thì phải dùng tay đẩy lên hoặc bệnh nhân nằm rồi chườm nóng búi trĩ mới co lên được. Búi trĩ thò ra ngoài, nếu không kịp thời (có thể do sung huyết, thủy thũng, hình thành cục máu đông) có thể gây nên sưng, đau, loét, hoại tử…
Cảm giác căng trĩu và dị vật ở hậu môn: khi đi ngoài xong, cả trĩ nội và trĩ ngoại đều có cảm giác này, bệnh nhân nằm nghỉ thì lại thấy dễ chịu.
Đau: thường gặp ở trĩ ngoại viêm, trĩ ngoại nhồi máu. Đau có tính đặc thù khi đi ngoài đau tăng, thường kèm theo triệu chứng tiểu tiện khó và táo bón.
Thâm trực tràng nhằm xác định mức độ tổn thương của búi trĩ. Ngón tay thâm trực tràng cảm giác được những chỗ phồng mềm, ấn vào thì xẹp một cách dễ dàng, đôi khi sờ thấy cục nhỏ và cứng, ấn đau. Đó là những cục máu đông do tắc mạch gây nên. Với búi trĩ nhỏ thì cảm nhận của đầu ngón tay là khó khăn. Lúc này, ngón tay phải miết nhẹ theo hai chiều kim đồng hồ để cảm nhận rõ hơn. Qua thâm hậu môn có thể xác định tổn thương đi kèm như áp xe, nứt hậu môn, ung thư ống hậu môn, ung thư đoạn thấp bóng trực tràng.
Cận lâm sàng
Soi hậu môn: là phương pháp có giá trị nhất trong chẩn đoán trĩ nội khi chưa sa ra ngoài. Qua ống soi, nhìn thấy bên trên đường lược là những chỗ phồng lên của niêm mạc, có màu hơi tím do có nhiều tĩnh mạch nằm ở dưới.
Soi trực- đại tràng không phải là để phát hiện thương tổn của trĩ àm để phát hiện tổn thương của bóng trực tràng và đại tràng chậu hông đi kèm. Có thể phát hiện polyp có cuống hay không có cuống, ung thư bóng trực tràng, viêm loét đại- trực tràng… là những tổn thương có chung triệu chứng với bệnh trĩ là chảy máu.
Xét nghiệm máu: có thể thấy thiếu máu tùy mức độ.
Phân độ trĩ
Trĩ nội: là các búi trĩ ở phía trên đường lược, phân thành 4 độ:
Độ I: đại tiện ra máu màu sắc đỏ tươi hoặc không có biểu hiện gì, khi rặn đi ngoài búi trĩ không lòi ra ngoài, soi trực tràng thấy niêm mạch búi trĩ hồng nhạt.
Độ II: đại tiện ra máu màu sắc đỏ tươi, búi trĩ thò ra khỏi hậu môn, đi ngoài xong có thể tự co lên được, soi trực tràng thấy bề mặt trĩ màu hồng tím.
Độ III: khi đi ngoài hoặc khi tăng áp lực ổ bụng thì búi trĩ thò ra ngoài và không thể tự co lên được, cần phải dùng tay đẩy lên, kèm theo đau dữ dội, không thấy đại tiện ra máu hoặc là ra máu rất ít. Soi trực tràng thấy bề mặt búi trĩ có nhiều mảng xơ.
Đội IV: búi trĩ to, luôn sa ra ngoài, không đẩy lên được.
Trĩ ngoại: búi trĩ dưới đường lược, lòi ra khỏi ống hậu môn.
Do giãn tĩnh mạch: khi đi ngoài hoặc ngồi lâu, quanh hậu môn cảm giác không thoải mái có khi sưng nề. Kiểm tra có thể thấy da xung quanh hậu môn có hòn khối màu xanh tím, ấn vào hoặc nghỉ ngơi thì hòn khối có thể co nhỏ hoặc tiêu hết, sờ vào không đau. Loại này hay kèm theo trĩ nội.
Nhồi máu: quanh hậu môn đột nhiên đau dữ dội, vận động hoặc đi ngoài đau tăng 3-5 ngày sáu mới hết. Kiểm tra hậu môn thấy quanh hậu môn sưng nề, sờ vào tương đối đau, có một chút dịch tiết.
Xơ hóa tổ chức: cảm giác có vị vật ở hậu môn, đi ngoài không hết phân viễn quanh hậu môn căng ra, da bị thay đổi hình thể, ấn vào thấy nhu mềm không đau. Nếu thấy ở điểm 6,12 giờ thì thường do nứt hậu môn gây nên. Nếu thấy xơ hóa ở điểm 3,7,11 giờ thì thường kèm theo trĩ nội.
Trĩ hỗn hợp:
Trĩ nội, trĩ ngoại giãn và liên tiếp với nhau hình thành một búi, các triệu chứng sẽ có biểu hiện của cả trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội thường gặp ở độ II và độ III, trĩ ngoại thường là trĩ giãn tĩnh mạch và trĩ ngoại xơ hóa tổ chức.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Y học cổ truyền đã bàn về bệnh trĩ từ sớm, trong cuốn “Hoàng đế nội kinh. Tố vấn” có nêu: nguyên nhân do ăn uống không điều độ làm rối loạn cân mạch ở trường đạo mà hình thành nên trĩ. Sau đó, đến đời Thanh, trong cuốn “Ngoại khoa đại thành” có nêu: khí huyết hoành nghịch, kinh lạc giao tạp dồn ứ ở giang môn mà thành trĩ tật.
Y học cổ truyền đối với bệnh trĩ có ba hàm nghĩa:
Một là tật bệnh có tính đột ngột ở lỗ khiếu của cơ thể.
Hai là cách gọi phần lớn các bệnh của hậu môn.
Bà là tên gọi bệnh trĩ nội và trĩ ngoại.
Nguyên nhân bệnh sinh
Thường do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều chất chua cay, tửu sắc quá độ làm thấp nhiệt nội sinh đưa xuống đại tràng gây nên bệnh.
Hoặc do bệnh tả lỵ lâu ngày; những người do công việc phải ngồi lâu hoặc đứng lâu, mang vác nặng; đại tiện táo bón, phụ nữ có thai… đều gây nên âm dương bất hòa, khí huyết rối loạn, trọc khí ứ trệ lưu trú ở hậu môn gây nên bệnh.
Hoặc do tạng phủ vốn hư, tình chí rối loạn, nhiệt độc nội uẩn làm chio khí huyết ủng trệ, kết tụ ở giang môn thành bệnh trĩ.
Hoặc do nguyên nhân ngoại cảm (phong, thấp, táo, nhiệt) hạ trú ở giang môn gây nên.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Biện luận hư và thực
Thực chứng: đại tiện ra máu hoặc máu có màu hồng sâm, phân táo, bụng trướng và đau, không thích xoa nắn.
Hư chứng: sau khi đi ngoài thì búi trĩ không tự co lên được, đi ngoài ra máu sắc màu nhợt, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Nguyên tắc điều trị
Căn cứ vào nguyên nhân bệnh sinh của bệnh trĩ mà thường áp dụng nguyên tắc điều trị chủ yếu là lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết khứ ứ, bổ khí thăng đề.
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
Dùng khi trĩ nội độ I, độ II và trĩ ngoại viêm hoặc giai đoạn đầu của trĩ nhồi máu, trĩ ngoại kèm theo viêm nhiễm, người già suy nhược hoặc trĩ kèm theo bệnh mạn tính nghiêm trọng khác mà không thể dùng phẫu thuật để xử lý.
1. Chứng phong thương trường kết
Lâm sàng: đại tiện ra máu, máu chảy nhỏ giọt hay thành tia, máu có màu hồng tươi, ngứa quanh hậu môn, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt khứ phong, lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc: Lương huyết địa hoàng thang gia vị.
Sinh địa 12g, Quy vĩ ,12g, Địa du 12g, Hòe hoa 10g, Hoàng liên 08g, Thiên hoa phấn 12g, Cam thảo 06g, Thăng ma 12g, Xích thược 12g, Chỉ xác 08g, Hoàng cầm 12g, Kinh giới 16g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu xuất huyết nhiều thì gia đan bì 12g, trắc bách diệp sao cháy 12g, đại kế 12g, tiểu kế 12g.
Nếu sốt cao thì gia chi tử 12g, đại hoàng 10g.
2. Chứng thấp nhiệt hạ trú
Lâm sàng: đại tiện ra máu tươi, số lượng nhiều, niêm mạc hậu môn- trực tràng phù và thoát ra ngoài, có thể tự co lên được hoặc thành cục nổi bên ngoài, cảm giác nóng rát và đau, thấm dịch nhiều; đại tiện có thể phân thành khuôn, có thể phân lỏng; chất lưỡi hồng, mạch hoạt.
Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc: Tạng liên hoàn phối hợp với Tỳ giải hóa độc thang.
Bài Tạng liên hoàn: hoàng liên 200g, một đoạn đại tràng lợn; cho hoàng liên tán bột vào đoạn đại tràng lợn rồi buộc chặt hai đầu, cho vào nồi với 1.250ml rượu, đun nhỏ lửa đến khi hết rượu là được, đưa ra làm thành viên hoàn.
Bài Tỳ giải hóa độc thang:
Tỳ giải 12g, Quy vĩ 12g, Ngưu tất 12g, Phòng ký 12g, Mộc qua 12g, Ý dĩ 12g, Tần cửu 12g.
Bài Tỳ giải hóa độc thang sắc uống với viên Tạng liên hoàn, ngày 01 thang.
Nếu thấp nặng thì gia xa tiền tử 20g, trạch tả 20g.
Nếu đại tiện táo bón thì gia đại hoàng 06g, đương quy 15g.
3. Khí hệ huyết ứ
Lâm sàng: sa niêm mạc trực tràng, hậu môn hẹp, phần niêm mạc bị sa xuống căng đau, nếu nặng có thể hình thành tắc mạch hoặc phù thũng, sờ vào rất đau, chất lưỡi ám hồng, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch huyền tế sáp.
Pháp điều trị: lương huyết khứ phong, tiêu thũng chỉ huyết.
Bài thuốc: Chỉ thống như thần thang gia vị.
Tần cửu 12g, Đào nhân 10g, Tạo giác thích 12g, Thương truật 12g, Phòng phong 12g, Hoàng bá 12g, Quy vĩ 12g, Trạch tả 16g, Bình lang 08g, Thục địa 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu đau nhiều thì gia diên hồ sách 12g, xuyên khung 12g, ngưu tất 12g.
Nếu sa trực tràng xuống rõ thì gia thăng ma 12g, cát căn 20g.
3. Chứng tỳ hư khí hãm
Lâm sàng: cảm giác sa hậu môn, trĩ thò ra ngoài phải dùng tay để đẩy mới lên, đại tiện ra máu sắc tươi hoặc nhợt, sắc mặt không nhuận, mệt mỏi, thở yếu, ngại nói, ăn kém, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.
Pháp điều trị: bồ khí thăng đề.
Bài thuốc: Bồ trung ích khí thang
Hoàng kỳ 20g, Cam thảo 10g, Nhân sâm 06g, Thăng ma 10g, Sài hồ 12g, Trần bì 10g, Đương quy 12g, Bạch truật 15g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì hoàng kỳ nhập kinh tỳ phế; có tác dụng một mặt để bổ trung ích khí và thăng dương cử hãm, mặt khác để bổ phế thực vệ và cố biểu chỉ hãn. Nhân sâm, bạch truật và cam thảo đều có tính vị ngọt ấm và có tác dụng bổ trung khí phối hợp với hoàng kỳ để bổ khí kiện tỳ. Khí hư lâu ngày thường gây tổn thương đến huyết cho nên phối hợp với đương quy để dưỡng huyết hòa doanh. Thanh dương bất thăng làm trọc âm không giáng nên phối hợp với trần bì để điều lý khí cơ, giúp cho khôi phục thăng giáng làm cho chất thanh trọc được vận hành đúng đường, đồng thời còn có tác dụng lý khí hòa vị làm cho thuốc bổ àm không trệ. Sài hồ, thăng ma là vị thuốc có tính nhẹ, có tác dụng thăng tán nên khi phối hợp với các vị íc khí sẽ có tác dụng thăng để trung khí hạ hãm. Cam thảo điều hòa vị thuốc.
Nếu đại tiện ra máu không cầm thì gia tiên hạc thảo 10g, tông lư thán 06g.
nếu sa trực tràng rõ thì gia cát căn 20g, chỉ xác 12g.
KẾT LUẬN
Nguyên nhân bệnh sinh của bệnh trĩ liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, mắc bệnh lỵ tật lâu ngày, nhân tố ngoại cảm, lao động nặng nhọc hoặc do rối loạn chức năng cảu tạng phủ gây nên.
Nguyên tắc điều trị chủ yếu là lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết khứu ứ, bổ khí thăng để.
Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm lâm sàng khác nhau mà lựa chọn các bài thuốc cho phù hợp. Chủ yếu hay dùng các bài thuốc có tác dụng lương huyết chỉ huyết, bổ trung ích khí.
Cân nhắc mức độ bệnh để phối hợp chỉ định điều trị ngoại cảm.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com