Facebook 08h00 - 20h00 hằng ngày
Zalo 08h00 - 20h00 hằng ngày
Gọi ngay
0904 890 895 08h00 - 20h00 hằng ngày
Home

BÀI THUỐC ĐÔNG Y TRỊ BỆNH LỴ TRỰC KHUẨN

Bài thuốc đông y trị bệnh lỵ trực khuẩn

Lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella gây nên. Thể điển hình cấp tính thường có biểu hiện sốt, đại tiện nhiều lần, phân có nhầy và máu, có cơn đau quặn bụng và mót rặn khi đi đại tiện. Bệnh lây theo đường tiêu hóa và dễ phát thành dịch.

Dịch tễ học

Nguồn bệnh: là người mắc bệnh từ thể cấp tính, thể ẩn đến thể mãn tính hoặc là người mang trùng lành.

Trực khuẩn Shigella thuộc họ Enterobacteriaceae, là trực khuẩn Gram âm, có bốn nhóm huyết thanh: Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shgella boydiii, Shigella sonnei. Trong đó, nhóm Shigella dysenteriar có typ Shigella shiga gây bệnh cảnh lâm sàng nặng dễ tử vong.

Đường lây: đường tiêu hóa qua trung gian nước, thức ăn, bàn tay ô nhiễm, ruồi, nhặng.

Tính chất dịch: là một bệnh rất phổ biến, ngày càng tăng trên toàn thế giới; thành dịch lớn trong chiến trang, sau thiên tai. Ở Việt Nam, có một số đặc điểm dịch tễ sau: bệnh xảy ra tiên phát quanh năm; dịch thường xảy ra mùa hè, thu (từ tháng 4-10) hoặc nhỏ với hàng chục người mắc (2-3% dân số) hoặc lớn với hàng trăm người mắc (20-30% dân số), thời gian một vụ dịch từ 15-20 ngày đến 30-45 ngày.

Thụ cảm, miễn dịch: mọi người đều có thể mắc bệnh lỵ, nhất là trẻ em dưới 3 tuổi. Sau khi mắc bệnh, có miễn dịch nhưng yếu, không bền vững, chỉ tồn tại 1-2 năm, chỉ đặc hiệu với 01 chủng nhất định, không có miễn dịch chéo với các chủng khác.

Sinh lý bệnh

Thương tổn thường gặp trong bệnh lỵ trực khuẩn là thương tổn toàn thân nhưng cơ bản ở đại tràng, nhất là đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng.

Vai trò của vi khuẩn: không gây bệnh khi còn ở lòng ruột, chỉ gây bệnh khi đột nhập vào lớp dưới biểu mô ruột. Có thể nhập vào các hạch mạc treo đại tràng nhưng không tràn vào máu.

Vai trò của độc tố lỵ: tác động tại chỗ và toàn thân. Tại chỗ, tác động trên thần kinh vận động, cảm giác và thực vật; giải thích các triệu chứng lâm sàng như phân lỏng, đi nhiều lần, đau co thắt. Với toàn thân, gây trạng thái nhiễm khuẩn- nhiễm độc và ảnh hưởng đến các hệ thống tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu… Đặc biệt với hệ tiêu hóa gây rối loạn tiết dịch, vận động, hấp thu như dịch tiêu hóa giảm, men tiêu hóa giảm, rối loạn chức năng tiêu hóa và gan dẫn đến mất thăng bẳng nước và điện giải, rối loạn chuyển hóa đạm, bột, mỡ, vitamin.

Vai trò của cơ thể: huy động mọi cơ chể phức tạp để tự vệ, do đó thường thải vi khuẩn trong vòng 7 ngày.

Phân loại

Thể lỵ cấp tính:

Điển hình: thể nhẹ, vừa, nặng

Không điển hình: thể dạ dày, thể tiểu- đại tràng, thể tối độc.

Thể ẩn

Thể mang trùng lành

Thể lỵ mạn tính: bệnh tái phát chưa và liên tục.

Chẩn đoán

Lâm sàng

Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc: sốt 38- 39oC, kèm gai rét, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch nhanh. Đối với thể nặng, bệnh nhân có thể sốt cao hơn 40oC (gây co giật ở trẻ em), nhức đầu, mệt mỏi nhiều. Có thể li bì, ngủ gà, thậm chí hôn mê. Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

Hội chứng lỵ cấp tính: đau bụng âm ỉ quanh rốn, theo khung đại tràng, xen kẽ với các cơn đau quặn vùng hố chậu trái. Khi đi ngoài mót rặn, phân lỏng, đi nhiều lần (tới 15-20 lần/ngày có thể vượt quá 30-40 lần/ngày), có khi không đếm được, phân lỵ chảy từ hậu môn giãn nở. Lúc đầu phân sệt, lỏng nhưng vài lần sau phân hết hoặc còn ít lẫn với nhầy loãng đục như mủ trộn với máu, không có ranh giới rõ rệt, tựa như máu cá hoặc nước rửa thịt.

Hội chứng mất nước, điện giải: bệnh nhân khát nước, khô miệng, tiểu ít nhưng mạch và huyết áp vẫn bình thường; khi đại tiện nhiều thì Na+, Cl, K+… giảm.

Dịch tễ: bệnh hàng loạt, nhiều người mắc cùng một thời gian ngắn.

Cận lâm sàng

Quan trọng là xem phân trực tiếp, khi đơn vị chưa có điều kiện xét nghiệm.

Công thức máu: bạch cầu tăng cao, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

Cấy phân: tìm Shigella

Soi phân tươi: có nhiều hồng cầu, bạch cầu,

Soi trực tràng: hình ảnh viêm lan tỏa cấp tính niêm mạc trực tràng, có vết loét nóng, có thể xuất huyết.

Chẩn đoán huyết thanh: chỉ dùng từ ngày thứ 7; với Shigella shiga tỷ lệ 1/50, Shigella Flexneri tỷ lệ 1/150 có giá trị.

Chẩn đoán huyết thanh: chỉ dùng quang để phát hiện vi khuẩn trong phân.

Chẩn đoán phân biệt

Trước một trạng thái đi ngoài nhiều lần, phân lẫn nhầy máu, cần phân biệt với lỵ amip, nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn cấp tính, viêm đại tràng mạn tính hoặc viêm đại tràng do các nguyên nhân khác.

Lỵ amip cấp tính:

Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc nhẹ hoặc không rõ, toàn thân ít bị ảnh hưởng. Ngược lại, hội chứng lỵ điển hình: đau quặn bụng, mót rặn, rát hậu môn mỗi lần đi ngoài, số lần đi ngoài ít (5-10-15 lần mỗi ngày); phân không còn (hoặc có thể phân thành khuôn khi lỵ kéo dài) hoặc phân có ít nhầy, trong như nhựa chuối lẫn máu đỏ tươi, số lượng có khi chỉ như đồng tiền dính vào bô.

Soi trực tràng: thương tổn thưa, rải rác, như vết xước bằng đầu kim hoặc hạt đậu, bờ loang lổ, trên nền niêm mạc gần như bình thường.

Soi tươi nhầy máu: thấy amip ăn hồng cầu gây bệnh.

Nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn cấp tính (thể dạ dày- ruột và đại tràng):

Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc cấp: nhiều khi sốt 39-40oc, bạch cầu cao, công thức chuyển trái.

Hội chứng dạ dày- ruột nổi lên hàng dầu với nôn nhiều, đau thượng vị, đau quanh rốn, đi ngoài dễ dàng, ít khi mót rặn. Phân lỏng, số lượng nhiều và nước lẫn thức ăn lổn nhổn chưa tiêu, có thể nhanh chóng dẫn tới trạng thái mất nước ddienj giải hoặc trụy tim mạch.

Viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu:

Trạng thái toàn thân tốt, không sốt, ăn ngủ được.

Hội chứng lỵ: phân khuôn, có nhầy, mủ, máu bám quanh đoạn đầu. Bệnh thường tái phát từng đợt ngắn, mỗi lần 5-10 ngày, mỗi ngày đi 5-10 lần, liên quan đến một số loại thức ăn nhất định. Cũng có khi hội chứng lỵ kéo dài nhiều tháng.

Kiểm tra phân tìm amip, khuẩn lỵ nhiều lần âm tính.

Ngoài ra, còn phân biệt với hội chứng lỵ gặp trong:

Nhiễm độc bởi thủy ngân, chì, thạch tín… viêm loét niêm mạc miệng; tiền sử có tiếp xúc với các chất đó (ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính do nghề nghiệp)

Nhiễm độc bởi ure cao: tiền sử nặng nề về thận, là một trong những biểu hiện suy thoái thận ở giai đoạn cuối cùng.

Ung thư đại tràng: giả lỵ mạn tính, kéo dài phân khi lỏng, khi thành khuôn khi có nhầy máu, khi không đau bụng. Bệnh kéo dài dẫn tới thiếu máu, xanh vàng.

Y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh lỵ trực khuẩn thuộc phạm trù trường tích, lỵ tật. Bệnh do khí huyết, tà độc ngưng trệ ở niêm mạc của đại trướng làm chức năng chuyển đạo cảu đại trường bị rối loạn. Triệu chứng cơ bản của bệnh là đau quặn bụng, mót đi ngoài, mót rặn, đại tiện phân có nhiều nhầy máu. Đây là bệnh thường gặp và lây truyền theo đường tiêu hóa.

Sách “Nội kinh. Tố vấn” gọi bệnh này là trường tích, cho rằng quá trình phát bệnh có liên quan mật thiết với quá trình ăn uống không vệ sinh và thấp nhiệt hạ trú. Trương Trọng Cảnh gọi chung chứng tiết tả và lỵ tật là hạ lỵ. Ông không những đưa ra phương pháp điều trị lỵ thể thấp nhiệt bằng bài thuốc Bạch đầu ông thang mà còn đề xuất dùng bài Đào hoa thang để điều trị cửu lỵ thể hư hàn.

Đời nhà Tùy (năm 605), cuốn “Chư bệnh nguyên hậu luận- lỵ bệnh hậu” của Sào Nguyên Phương ghi lại nhiều tên gọi khác nhau: xích bạch lỵ, nùng huyết lỵ, lãnh nhiệt lỵ, hưu tức lỵ… Cơ chế bệnh sinh của chứng lỵ tật là do chức năng của tạng tỳ và đại trường bị suy yếu gây đại tiện ra nhầy máu. Nguyên nhân đại tiện ra máu là do nhiệt độc tích ở huyết, nhập vào đại trường gây nên.

Đời nhà Tống (năm 960), các sách thuốc đều gọi bệnh lỵ là trệ hạ.

Đến đời nhà Kim, Nguyên (năm 1211- 1277) có nhắc đến một loại bệnh lây lan thành dịch gọi là thời dịch lỵ (theo Đan Khê tâm pháp của Chu Chấn Hanh).

Ở Việt Nam, Nguyễn Bá Tĩnh trong “Tuệ Tĩnh toàn tập” có nêu 25 bệnh án về lỵ và giới thiệu 51 phương thuốc chữa bệnh lỵ bằng cây thuốc Việt Nam

Lê Hữu Trác trong “Hải Thượng y tôn tâm lĩnh” đã dành hơn 9 trang sách trong phần “Bạch bệnh cơ yếu” và “Y trung quan kiện” đề bàn về bệnh lỵ. Ông nêu ra 11 loại lỵ khác nhau: lãnh lỵ, cổn lỵ, nhiệt lỵ, cổ độc lỵ, cam lỵ, cấm khẩu lỵ, kinh lỵ, ngũ sắc lỵ, hưu tức lỵ, quát trường lỵ, hoạt trường lỵ.

Nguyên nhân gây bệnh

Ngoại cảm dịch độc: đây là nguyên nhân chủ yếu của bệnh

Chủ khí của mùa hạ và mùa thu là thử và thấp nhiệt, đây là điều kiện khí hậu thuận lợi dễ phát sinh dịch bệnh. Nếu người bệnh sống, lao động trong m ôi trường không vệ sinh, thử thấp dễ xâm nhập vào đại trường, vị. Nhiệt tà bị uất, thấp khí bị ứ trệ cùng với nhiệt độc kết hợp với nhau hóa thành máu và nhầy gây ra thể thấp nhiệt lỵ. Nếu tà khí dịch độc xâm phạm vào dương minh khí phạn, nhập vào doanh huyết, xâm nhập vào các kinh quyết âm, thiếu âm ở hạ tiêu dẫn đến thể dịch độc lỵ.

Ăn uống không điều độ hoặc thức ăn không sạch, ăn quá nhiều chất béo, ngọt làm tổn thương tới tỳ vị gây lỵ tật.

Cơ chế bệnh sinh

Chứng “truồng tích, trệ hạ” là bệnh tổn thương chủ yếu tại đại trường. Nguyên nhân gây bệnh nhân lúc chính khí của cơ thể hư nhược xâm phạm vào cơ thể làm thấp nhiệt, tà độc tích trệ gây tổn thương tới mạch đạo của đại trường dẫn đến khí trệ huyết ứ, vì vậy xuất hiện chứng đau bụng. Do tà độc nội uất, đường vận hành của khí bị ứ trệ dẫn đến đau quặn, mót quặn, đại tiện số lần tăng (lý cấp hậu trọng); dịch độc làm tổn thương khí phận gây đại tiện phân có nhiều nhầy trắng (gọi là bạch lỵ), tổn thương huyết phận gây đại tiện phân có nhiều máu (gọi là xích lỵ). Nếu tổn thương cả huyết phận và khí phận thì đại tiện phân có nhiều nhầy máu, mủ. Do tà độc tích ở đại trường không được bài xuất nên hóa hỏa, nhập vào doanh huyết, vì vậy xuất hiện sốt. Nếu nhiệt nhập vào tâm bào sẽ làm cho thần trí bị rối loạn, nếu nặng sẽ dẫn đến hôn mê. Nhiệt cực sinh phong, phong và hỏa kết hợp với nhau dẫn đến can phong nội dộng với biểu hiện: sốt cao, mê man, bất tỉnh, chân tay lạnh, sắc mặt xanh tím. Nếu chính khí hư nhược, tà khí vượng thịnh có thể xuất hiện tình trạng nguy kịch là nội bế (tà độc vượng thịnh) và ngoại thoát (chính khí hư nhược).

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ

Căn cứ biện chứng

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của lỵ trực khuẩn là đau bụng âm ỉ quanh rốn, đau dọc theo khung đại tràng, xen kẽ với các cơn đau quặn vùng hố chậu trái. Đại tiện nhiều lần (15-20 lần/ngày), đi ngoài mót rặn, đau quặn (lý cấp hậu trọng). Lúc đầu phân sệt, lỏng nhưng vài lần sau phân hết hoặc còn ít lẫn với nhầy loãng đục như mủ trộn với máu, tựa như máu cá hoặc nước rửa thịt.

Dựa vào đặc điểm của đau bụng, mót rặn, tức nặng hậu môn, tính  chất của phân thì trong quá trình phân tích cần làm rõ: bệnh tại khí hay huyết, tính chất của bệnh là hàn hay nhiệt, hư hay thực.

Biện chứng về sắc lỵ (tính chất của phân):

Đại tiện phân chủ yếu là máu (gọi là xích lỵ): bệnh thuộc nhiệt chứng, huyết chứng, bệnh tổn thương tương đối nặng. Nguyên nhân gây đại tiện ra máu là do nhiệt bức huyết vong hành.

Đại tiện phân chủ yếu là nhầy loãng đục như mủ (gọi là bạch lỵ): do bệnh tổn thương chủ yếu ở phần khí, bệnh thuộc hàn chứng, bệnh tương đối nhẹ. Bạch lỵ còn gặp trong trường hợp bệnh nhân bị khí hư. Nếu bạch lỵ mà bệnh nhân đại tiện nhiều lần, phân tự chảy (hoạt thoát) là bệnh thuộc thực chứng.

Đại tiện ra máu lẫn với dịch nhầy, đục là do khí huyết đều bị tổn thương. Nếu máu nhiều hơn mủ thì bệnh thuộc nhiệt chứng, nếu mủ nhiều hơn máu thì bệnh thuộc hàn chứng.

Đại tiện phân đen là do huyết ứ; nếu chất lưỡi tím, rêu lưỡi mỏng, miệng dính là do dương hư.

Biện chứng về lý cấp hậu trọng (đau bụng, mót rặn, tức nặng hậu môn):

Đau bụng, mót rặn, sau khi đi ngoài được thì các triệu chứng trên giảm thì bệnh thuộc thực chứng, nếu sau đi ngoài mà các triệu chứng trên không giảm thì bệnh thuộc hư chứng.

Biện chứng về đau bụng:

Đau bụng dữ dội là bệnh thuộc tà thực, đau quặn bụng kèm theo hậu môn nóng đỏ là bệnh thuộc thấp nhiệt.

Bụng đầy, trướng kèm theo đau bụng dữ dội, không thích xoa nắn là do thực tích; bụng đau âm ỉ, thích xoa ấn là bệnh thuộc hư chứng.

Giai đoạn khởi phát: đa số biểu hiện của thực chứng kiêm có biểu chứng.

Giai đoạn mạn tính thường biểu hiện của hư chứng hoặc hư chung hiệp thực.

Nguyên tắc điều trị

Giai đoạn đầu của bệnh (thực chứng) chú trọng tới trừ bỏ nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo diễn biến lâm sàng mà linh hoạt vận dụng các pháp điều trị: giải biểu, thanh nhiệt, tiêu đạo, lương huyết giải độc và thông hạ.

Giai đoạn sau của bệnh do khí hư, tỳ vị hao tổn, dương khí bất chấn, hoạt thoát không cấm. Vì vậy, điều trị chủ yếu dùng pháp điều lý tỳ vị, kiêm dùng thu kiễm cố sáp, ôn bổ trung tiêu, kiện vận tỳ vị, cố nhiếp trường phủ.

Lỵ mạn tính, bệnh tiến triển kéo dài cần chú trọng phù chính và trừ tà. Tuy nhiên,chứng lỵ tật bất luận là hư chứng hay thực chứng thì đều có tích trệ ở đại trường, khí huyết không được lưu thông. Do đó, phương pháp điều trị cơ bản của giai đoạn này là tiêu đạo, khứ trệ, điều lý, hòa huyết.

       Tóm lại, giai đoạn đầu của bệnh nên dùng pháp thông, bệnh lâu ngày nên dùng pháp sáp, đại tiện phân nhiều máu nên dùng huyết duộc, phân nhiều nhầy nên dùng khí dược. Giai đoạn khởi phát đa số thuộc thực chứng, bệnh mạn tính thuộc hư chứng, trong quá trình điều trị phải chú ý tới chức năng của vị khí.

Bài thuốc đông y trị bệnh lỵ trực khuẩn

PHÂN THỂ LÂM SÀNG

1. Thấp nhiệt

Thể thấp nhiệt gặp trong giai đoạn cấp tính hoặc đợt bùng phát của lỵ trực khuẩn mạn tính. Do thấp nhiệt ủng trệ trong đại trường làm khí cơ không được lưu thông dẫn đến rối loạn chức năng chuyển đạo của đại trường gây đau bụng, lý cấp hậu trọng; thấp nhiệt hun đốt đại trường làm tổn thương tới mạch lạc, khí trệ huyết ứ hóa thành nhầy máu gây đại tiện ra máu; do thấp nhiệt hạ trú nên hậu môn nóng đỏ, nước tiểu ít và vàng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Nhiệt nặng hơn thấp

Triệu chứng: sốt cao, khát nước, bứt rứt khó chịu, đại tiện nhiều lần, phân lỏng như nước rửa thịt, mót rặn liên tục, hậu môn nóng, tiểu tiện nước ít, nước tiểu đỏ, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, trừ thấp.

Bài thuốc:

Thời kỳ khởi phát của bệnh thường kiêm có biểu chứng, khi điều trị nên dùng bài Cát căn hoàng cầm hoàng liên thang (Thương hàn luận)

Cát căn  15g, Cam thảo  06g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 12g.

Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc này, cát căn có vị ngọt, tính mát, dùng để giải cơ thanh nhiệt, đồng thời nó còn có tác dụng thăng phát thanh dương của tỳ vị để cầm đi lỏng và sinh tân dịch làm cho tà ở phần biểu được giải và lý được hòa. Hoàng cầm và hoàng liên đều có tính đắng lạnh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm đi lỏng. Cam thảo có vị ngọt, tác dụng hòa hoãn nên có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc thì gia thêm kim ngân hoa 15g, liên kiều 12g.

Để tăng cường tác dụng hành khí đạo trệ làm giảm triệu chứng mót rặn thì gia mộc hương 10g, binh lang 10g.

Không có biểu chứng thì dùng bài Bạch đầu ông thang (Thương hàn luận)

Bạch đầu ông  15g, Hoàng bá  12g, Hoàng liên  10g, Tần bì  12g.

Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc này, bạch đầu ông có vị đắng, tính lạnh, nhập vào huyết phận; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết và cầm đi lỏng. Hoàng liên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp. Hoàng bá có tác dụng tả thấp nhiệt ở hạ tiêu. Tần bì có vị đắng, tính sáp, lạnh; có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, sáp trường chỉ lỵ.

Nếu bệnh nhân sốt cao thì gia đại hoàng 06g để tả hạ bài độc, nếu nôn nhiều thì gia trúc nhự 12g để cầm nôn.

Nếu chảy máu tươi theo phân thì gia địa du 12g, khổ sâm 12g, đan bì 12g, trắc bá diệp 15g để lương huyết chỉ huyết, hành khí chỉ thống.

2. Thấp nặng hơn nhiệt

Triệu chứng: sốt không cao, không ra được mồ hôi, miệng khát nhưng không muốn uống nước, cảm giác bồn chồn bứt rứt, buồn nôn, tức ngực, bụng đầy trướng không muốn ăn, thân thể nặng nề, đại tiện phân có nhiều nhầy mủ hơn máu, sau khi đi ngoài xong không có cảm giác dễ chịu, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt và lợi thấp, hành khí đạo trệ.

Bài thuốc: bạch đầu ông thang (Thương hàn luận) gia vị.

Bạch đầu ông  15g, Hoàng bá  12g, Hoàng liên  10g, Tần bì  12g, Thương truật         12g, Ý dĩ nhân  12g, Hậu phác  12g.

  Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Nếu người bệnh có biểu hiện của tỳ vị bất túc thì gia thêm trần bì 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g vào bào khương 06g để ôn trung kiện tỳ.

Nếu bụng đầy, trướng, đau, lý cấp hậu trọng thì gia thêm binh lang 12g, chỉ thực 10g, lai phục tử 12g để hành khí đạo trệ.

3. Thấp và nhiệt hỗ kết

Triệu chứng: đau bụng, lý cấp hậu trọng, đại tiện ra máu và nhầy mủ, hậu môn nóng, nước tiểu ít và vàng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt đạo trệ

Bài thuốc: Thược dược thang (Tố vấn- Bệnh cơ khí tuyên bảo mệnh)

Thược dược  15g, Đương quy  12g, Hoàng liên  10g, Binh lang  05g, Mộc hương  05g, Cam thảo  05g, Đại hoàng  06g, Hoàng cầm  10g, Quế nhục  05g.

Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc trên dùng hoàng liên, hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Đại hoàng, binh lang có tác dụng thanh nhiệt, trừ tích trệ. Mộc hương có tác dụng điều khí. Đương quy, nhục quế có tác dụng điều huyết. Thược dược có tác dụng hoãn cấp chỉ thống.

4. Dịch độc

    Y học cổ truyền gọi thể bệnh này là “bạo lỵ” (có nghĩa là phát bệnh nhanh), “dịch lỵ” (bệnh có tính lây nhiễm cao), “nhiệt độc lỵ” (biểu hiện của nhiễm trùng, nhiễm độc). Thể bệnh này tương ứng với thể lỵ trực khuẩn nhiễm độc nặng của y học hiện đại. Bệnh diễn biến nhanh, dễ nguy hiểm tới tính mạng, vì cậy cần kết hợp với y học hiện đại để điều trị. Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng phân thành độc tà nội bế và nội bế ngoại thoát.

5. Độc tà nội bế

Triệu chứng: khởi bệnh cấp tính, sốt cao, bứt rứt khó chịu, co giật, hoặc hô hấp ngắt quãng, trong giai đoạn đầu bệnh nhân chưa bị đi ngoài, chất lưỡi hồng tươi, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác.

Pháp điều trị: thanh trường giải độc, tiết nhiệt khai khiếu.

Bài thuốc: Hoàng liên giải độc thang (Ngoại trị bí yếu) kết hợp với Bạch đầu ông thang (Thương hàn luận) gia vị

Hoàng liên  10g, Hoàng bá  12g, Hoàng cầm  12g, Chi tử  10g, Bạch đầu ông  15g, Tần bì  12g, Cát căn 12g, Đại hoàng  06g, Thạch xương bồ  12g.

Các vị thuốc trên sắc 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc trên dùng hoàng liên, hoàng cầm, bạch đầu ông, tần bì, cát căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Đại hoàng có tác dụng trừ tích trệ. Thạch xương bồ có tác dụng phương hương khai khiếu.

Nếu bệnh nhân co giật thì gia thêm câu đằng 12g, toàn yết 05g để bình ức can phong.

Nếu sốt cao, vật vã, có ban xuất huyết dưới da thì phối hợp với bài Tê giác địa hoàng thang (Thiên kim phương): tê giác 03g, sinh địa 12g, xích thược 12g, đan bì 12g có tác dụng thanh doanh khai khiếu. Nếu hôn mê, có nhiều đờm dãi thì gia thêm uất kim 12g, trúc lịch 15g, thiên trúc hoàng 06g, đởm nam tinh 10g để trừ đàm.

6. Nội bế ngoại thoát

Triệu chứng: sốt cao, co giật, nhức đầu, mệt mỏi nhiều; có thể li bì, ngủ gà, thậm chí hôn mê; đại tiện nhiều lần, có khi không đếm được, phân tự chảy, đau bụng, rặn rát hậu môn; có thể nôn, sắc mặt xanh sạm, người hốc hác, nốt xuất huyết dưới da; chân ray lạnh, mạch nhanh, nhỏ khó bắt (mạch vi, tế muốn tuyệt), chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi vàng nhờn.

Pháp điều trị: phù chính cố thoát.

Bài thuốc: Sâm phụ thang (Trọng đính Nghiêm thị tế sinh phương).

Nhân sâm  15g, Phụ tử  30g.

Các vị thuốc trên tán bột, chia làm 03 phần, mỗi phần sắc với 10 lát gừng tươi. Uống thuốc trước khi ăn khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc trên dùng nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, cường tâm cố thoát; phụ tử có tác dụng ôn trung hồi dương.

Nếu có biểu hiện khó thở thì gia ngũ vị tử 06g, sơn thù 10g để cố thận nạp khí. Nếu môi tái xanh, có nốt xuất huyết dưới da thì xích thược 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, xuyên khung 10g để hoạt huyết hóa ứ.

7. Cửu lỵ

     Thể bệnh này tương ứng với giai đoạn lui bệnh của lỵ trực khuẩn cấp tính hoặc lỵ trực khuẩn cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng dẫn đến bệnh kéo dài. Do bệnh kéo dài làm khí huyết bị tổn thương, bệnh tình đa số từ thực chứng chuyển thanh hư chứng. Trên lâm sàng, tùy thuộc mức độ tổn thương của khí và huyết khác nhau mà phân thành hai thể: thể hư nhiệt (người bệnh bị tổn thương huyết là chủ yếu), thể hư hàn (người bệnh tổn thương khí là chủ yếu).

8. Thể hư nhiệt

Triệu chứng: ỉa chảy kéo dài không cầm, sốt nhẹ về chiều; lòng bàn tay, bàn chân nóng, người bứt rứt khó chịu, khô miệng, nóng bụng, đau bụng; tiểu tiện nước tiểu vàng mà ít; chất lưỡi hồng, khô, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, hòa huyết chỉ lỵ.

Bài thuốc: Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận)

Hoàng liên  12g, Hoàng cầm  12g, Bạch thược  15g, A giao  15g, Sinh địa  12g.

Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì hoàng liên, hoàng cầm có tác dụng tả nhiệt ở vị và đại trường; thược dược, a giao có tác dụng dưỡng âm hoạt huyết. Sinh địa để tăng cường tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt.

Nếu đại tiện phân có nhiều nhầy mủ thì gia thêm khổ sâm 15g, mã xỉ hiện 15g để bài độc và cấm đi lỏng.

Nếu ăn không tiêu thì gia biển đậu 12g, hạt sen 12g, hoài sơn 15g, sơn tra 06g để kiện tỳ hòa vị.

Nếu sa trực tràng thì gia thăng mà 15g, kha tử 10g để ích khí thăng dương, sáp trường chỉ tả.

Nếu âm hư gây đại tiện ra nhiều máu cũng có thể phối hợp với bài Địa du hoàn để cầm máu.

9. Thể hư hàn

Triệu chứng: ỉa chảy kéo dài không cầm, thận chí đi ngoài phân tự chảy (hoạt thoát), phân chủ yếu là nhầy mủ, đau bụng âm ỉ, cảm giác dễ chịu khi ấn vào vùng bụng, sắc mặt trắng xanh, chân tay lạnh, người mệt mỏi, ăn uống kém, không khát nước, chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi, mạch trầm, tế, trì.

Pháp điều trị: ôn bổ tỳ vị, tán hàn chỉ lỵ.

Bài thuốc: Chân nhân dưỡng tạng thang (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)

Nhân sâm  10g, Đương quy  12g, Bạch truật  12g, Nhục đậu khấu  06g, Nhục quế  03g, Cam thảo  06g, Bạch thược  15g, Mộc hương 06g, Kha tử  12g, Anh túc xác 15g.

Các vị thuốc trên sắc ngày 01 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Trong bài thuốc trên thì anh túc xác có tác dụng thu liễm cố sáp, sáp trường chi tả. Mộc hương có tác dụng tỉnh tỳ, sơ đạt khí cơ vì vậy có tác dụng ngăn chặn ứ trệ khí cơ do việc dùng nhiều thuốc bổ sáp. Nhục đậu khấu, kha tử có tác dụng ấm tỳ, ôn trung chỉ tả. Da tả lỵ lâu ngày làm hao thương khí huyết vì vậy dùng nhân sâm, bạch truật để kiện tỳ hòa trung; đương quy, bạch thược để dưỡng huyết hòa huyết. Bạch thược và cam thảo có tác dụng hoãn cấp chỉ thống. Nhục quế có tác dụng ôn bổ tỳ thận để tiêu tán ấm hàn.

Nếu tỳ thận dương hư nặng, chân tay không ấm có thể dùng phụ tử 04g để ôn thận ấm tỳ.

Nếu phù thũng thì gia hoàng kỳ 15g, phục linh 12g, đại phúc bì 12g để ích khí lợi thủy.

Nếu sa niêm mạc trực tràng gia hoàng kỳ 20g, thăng ma 12g, xích thạch chỉ 12g để ích khí thăng dương, sáp trường.

10. Hưu tức lỵ

Hưu tức lỵ nghĩa là lỵ mạn tính, bệnh tái phát nhiều lần xen kẽ những đợt ổn định.      

Triệu chứng: bệnh tái phát nhiều lần xen kẽ những đợt ổn đinh. Trong giai đoạn tái phát thường có biểu hiện: đau bụng, lý cấp hậu trọng, đại tiện phân có nhầy máu mũi, người mệt mỏi, sợ lạnh, ăn uống kém, chát lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm vô lực.

Do bệnh mạn tính kéo dài, hay tái phát nên đặc điểm lâm sàng của thể bệnh này là hư thực thác tạp, hàn và nhiệt đan xen. Do đó, trong quá trình điều trị phải dùng thuốc một cách linh hoạt.

Giai đoạn hoạt động

Tham khảo thể thấp nhiệt lỵ hoặc biện chứng luận trị thể cửu lỵ để điều trị.

Giai đoạn ổn định

Triệu chứng: bụng đầy, trướng, ăn ít, đại tiện phân nát hoặc có nhầy trắng, mệt mỏi, hụt hơi, sắc mặt vàng bủng; có thể có trĩ, sa niêm mạc trực tràng; chất lưỡi nhạt màu, rêu lưỡi trắng hoặc nhờn, mạch hư.

Pháp điều trị: bổ khí kiện tỳ, tiêu thực đạo trệ.

Bài thuốc: Sâm linh bạch truật tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)

Liên nhục  500g, Ý dĩ  500g, Sa nhân  500g, Cát cánh  500g, Bạch biển đậu  750g, Bạch linh  1000g, Nhân sâm  1000g, Cam thảo  1000g, Bạch truật  1000g, Hoài sơn  1000g.

Các vị thuốc trên tán nhỏ, mỗi lần uống 06g, uống cùng với nước sắc đại tiện.

Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, bạch truật, cam thảo, hoài sơn, liên nhục, bạch biển đậu, ý dĩ có tác dụng bồ khí kiện tỳ. Bạch linh, sa nhân có tác dụng điều khí đạo trệ. Cát cánh có tác dụng thăng thanh, khi phối hợp với bạch linh còn có tác dụng giáng trọc.

   Thể bệnh này cũng có thể dùng bài Dị công tán là bài thuốc có tác dụng điều lý tỳ vị để điều trị.

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Việt Nam có rất nhiều cây thuốc mà phạm vi dùng hoặc nghiên cứu trong điều trị lỵ trực khuẩn ngày càng mở rộng:

Berberin 50mg (triết xuất từ vị thuốc hoàng đẳng)

Ngày uống 8-10 viên (chia 2-3 lần), trong 7-10 ngày.

Dây hoàng đẳng: 10-15/ngày, sắc uống trong 5-7 ngày.

Lá mơ tam thể 30, 01 quả trứng gà, vài gam muối: rửa sạch lá mơ, thái nhỏ trộn với trứng và muối, sao chín hoặc hấp cơm, ăn trong 01 ngày, dùng 3-7 ngày.

Bài thuốc 1:

Cỏ nhọ nồi tươi  100g, Lá mơ lông (mơ dại)  100g, Lá phượng vĩ  100g,

Nếu chỉ có 01 vị thì dùng 200g tươi.

Các vị thuốc trên sắc vưới 03 bát nước cho đến khi còn lại 01 bát, uống nước sắc chia 2-3 lần, ngày 01 thang, dùng 03- 06 thang.

Bài thuốc 2:

Cỏ sữa lá to  100g, Ngân hoa  20g, Rau sam  100g, Búp sim  100g, Búp ổi  20g.

Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

KẾT LUẬN

Lỵ trực khuẩn là bệnh thường gặp, bệnh mang tính chất truyền nhiễm, hay gặp vào mùa hè thu. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do cảm nhiễm phải ngoại cảm dịch độc. Bệnh tổn thương tại đại trường, có quan hệ mật thiết với các tạng can, tỳ, thận.

Bệnh phân làm hai loại là cấp và mạn tính. Giai đoạn cấp tính gọi là bạo lỵ, bao gồm các thể thấp nhiệt, dịch độc, hàn thấp. Giai đoạn mạn tính gọi là “cửu lỵ” bao gồm các thể hư hàn, hư nhiệt, hưu tức lỵ.

Bệnh tình phân thành hư chứng và thực chứng. Giai đoạn cấp tính đa số là thực chứng, giai đoạn mạn tính đa số là hư chứng, cũng có thể hư chung hiệp thực.

Bệnh có khả năng phát tán và có độ lây truyền cao. Cơ chế bệnh chủ yếu là do khí huyết, tà độc ngưng trệ ở đại tràng hóa thành máu mủ.

Điều trị thấp nhiệt lỵ nên thanh nhiệt hóa thấp, điều khí hành huyết; điều trị dịch độc nên dùng thanh nhiệt lương huyết giải độc, nếu hôn mê nên phối hợp với thuốc thanh tâm khai khiếu, co giật nên bình ức can phong.

   Điều trị thể hàn thấp nên dùng pháp ôn háo hàn thấp; lỵ lâu ngày gây tổn thương khí huyết thì điều trị nên dùng pháp dưỡng âm thang trường; tỳ thận hư hàn, quan môn bất cố thì điều trị nên dùng pháp ôn bổ tỳ thận, ích khí cố thoát.

   Hữu tức lỵ thời kỳ phát tác, điều trị nên dùng pháp ôn trung thanh trường, điều khí hóa trệ; thời kỳ hoãn giải nên căn cứ vào tỳ khí hư hay tỳ dương hư, hàn nhiệt thác tạp, ứ huyết nội trở để dùng pháp bổ trung ích khí, ôn dương trừ hàn, hàn nhiệt đồng trị, hoạt huyết hóa ứ.

Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh

Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ

THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền

Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM

ĐT & Zalo: 0904 890 895

Email: thienminhyquan88@gmail.com

Webiste: www.thienminhyquan.com

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *