Bài thuốc đông y trị bệnh loét dạ dày-hành tá tràng
Bệnh loét dạ dày- hành tá tràng là bệnh khá phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam. Ở miền Bắc Việt Nam có đến 5,6 % dân số mắc bệnh, tại Khoa Nội ở một số bệnh viện có từ 26-30 % bệnh nhân vào viện vì bệnh loét dạ dày- hành tá tràng. Bệnh loét hành tá tràng gặp nhiều gấp 4 lần bệnh loét dạ dày nhưng loét hành tá tràng, thường là loét hành tính, còn loét dạ dày ở một số trường hợp diễn biến ác tính. Trong những năm gần dây, việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn nhờ có nội soi dạ dày và phát hiện vai trò của Helicobacter pylori (HP) trong bệnh loét dạ dày- hành tá tràng đã làm cho cơ chế sinh bệnh được sáng tỏ hơn.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh loét dạ dày- hành tá tràng là đau vùng thượng vị kèm theo ợ hơi, ợ chua, buồn nôn hoặc nôn ra thức ăn, có khi nôn ra máu, đi ngoài phân đen kèm theo người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, gầy sút cân….
Nguyên nhân bệnh sinh
Bệnh loét dạ dày- hành tá tràng đã biết đến hàng nghìn năm trước đây. Trong nhiều thế kỷ qua, đã có nhiều công trinh nghiên cứu trên lâm sàng và thực nghiệm đã nêu ta nhiều thuyết về cơ chế bệnh sinh nhưng cho đến nay về nguyên nhân sinh bệnh loét dạ dày- hành tá tràng vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn. Ngày nay, người ta cho rằng bệnh loét dạ dày- hành tá tràng là do mất cân bằng giữa hai nhóm yếu tố là yếu tố gây loét và yếu tố bảo vệ.
Yếu tố gây loét:
Acid chlohydric và pepsin của dịch vị
Vai trò gây bệnh của Helicobacter pylori.
Thuốc chống viêm non steroid và steroid.
Vai trò của rượu và thuốc lá.
Yếu tố bảo vệ:
Vai trò kháng acid của muối kiềm bicarbonat.
Vai trò chất nhầy mucin để bảo vệ niêm mạc.
Mạng lưới mao mạch của niêm mạc dạ dày.
Sự phá vỡ cân bằng giữa hai nhóm yếu tố xảy ra khi nhóm yếu tố gây loét tăng cường hoạt động mà không củng cố đúng mực hệ thống bảo vệ. Ngược lại, hệ thống bảo vệ suy kém nhưng yếu tố tấn công gây loét lại không giảm tương ứng.
Ngoài ra còn có những yếu tố thúc đẩy bệnh loét tiển triển như:
Sự căng thăng về thần kinh, tâm lý, chấn thương tình cảm.
Rối loạn chức năng nội tiết.
Ăn uống không hợp lý, ăn nhiều đồ cay, chua, rượu…
Yếu tố về thể tạng di truyền.
Bệnh lý của một số cơ quan khác kèm theo: bệnh nội tiết (Basedow, cường vỏ thượng thận…), xơ gan, viêm gan mạn tính…
Tất cả các yếu tố trên thúc đầy sự tiến triển của bệnh, giải thích được một phần căn nguyên bệnh sinh bệnh loét dạ dày- hành tá tràng.
Chẩn đoán
Loét dạ dày
Lâm sàng: thường gặp ở người có trung niên, nam giới gặp nhiều hơn nữ giới. Tổn thương thường gặp ở bờ cong nhỏ hoặc hang vị, tâm vị mà môn vị.
Triệu chứng chính là đau, đau bụng có tính chất chu kỳ kèm theo ợ hơi, ợ chưa, buồn nôn, nôn.
Rối loạn dinh dưỡng ở dạ dày biểu hiện: ợ hơi, nấc và buồn nôn.
Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật; trướng bụng, đầy hơi, đại tiện táo bón, đau dọc khung đại tràng.
Thăm khám bụng trong cơn đau có thể thấy: co cứng cơ bụng ở vùng thượng vị, ấn vào vùng này cảm giác đau tăng.
Cận lâm sàng:
X quang: tìm ổ dọng thuốc trên các phim.
Nội soi dạ dày xác định vị trí ổ loét, sinh thiết xác định giải phẫu bệnh học.
Loét hành tá tràng
Lâm sàng: có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nam giới trẻ tuổi từ 18-40. Tổn thương khu trú ở hành tá tràng.
Đau bụng lúc đói (sau khi ăn từ 2-3 giờ) hoặc đau vào ban đêm. Tính chất đau thường có chu kỳ rõ rệt theo thời gian trong ngày, theo mùa trong năm.
Nôn và buồn nôn cả lúc đói.
ợ chua trong thời kỳ tiến triển, người bệnh thấy cồn cào nếu ăn một chút thấy dễ chịu hơn.
Rối loạn thần kinh thực vật; trướng bụng, đầy hơi, táo bón…
Thăm khám vụng trong cơn đau có thể thấy: co cứng cơ bụng ở vùng thượng vị lệch sang phải, tăng cảm giác đau khi sờ nắn bụng.
Cận lâm sàng:
X quang: tìm ổ đọng thuốc trên các phim.
Nội soi: soi dạ dày- hành tá tràng để xác định vị trí ổ loét, sinh thiết để xác định giải phâu bệnh học.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh loét dạ dày- hành tá tràng thuộc phạm trù vị thống; nếu kết hợp có xuất huyết, đại tiện bí kết thì thuộc về phạm vị huyết chứng, phúc thống… Chứng vị thống thì trong y văn cổ còn gọi là vị quản thống.
Những luận thuyết trước đây như “Tố vấn. Lục nguyên chính đại luận” cho rằng: mộc uất thái quá làm cho người bệnh đau tức vùng vị quản và tâm. “Linh khu tà khí tạng phủ bệnh hình” cho rằng: “Vị bệnh giả, phúc chấn trướng. Vì quản đương, tâm nhi thống”. Do vị trí của vị quản ở dưới, cận kề với tâm cho nên khi vị thống dễ làm phát sinh nhầm lẫn tâm thống, nhất là ở những người cao tuổi để phân biệt giữa vị thống và tâm thống rất khó khăn. Về sau này, các thầy thuốc thường căn cứ vào kinh nghiệm lâm sàng để phân biệt chính xác giữa vị thống và tâm thống.
Nguyên nhân sinh bệnh
Lục dâm xâm nhập: bệnh thường khởi phát vào mùa thu đông và đông xuân, thời tiết hay thay đổi là yếu tố thuận lợi cho tà khí của lục dâm như hàn tà, thấp tả dễ gây bệnh. Hàn tà tính ngưng trệ, thấp tà tính dính nhờn hoặc lâu ngày uất hóa nhiệt đều có thể gây hàn thấp nhiệt tà uất tích làm trở trệ khí cơ gây tổn thương vị; đường vận hành khí của vị bị trở trệ làm vị khí bất hòa gây nên bệnh.
Bệnh tà trở lạc: bao gồm các loại sản vật bệnh lý được sinh ra như đàm ứ, thấp trệ gây trở trệ vị lạc; đồng thời lại kết hợp với ăn uống không điều độ, ăn uống quá nhiều chất đạm, mỡ, nóng lạnh… đều làm cho trung khí trở trệ, vị khí bất hòa gây bệnh.
Tình chí thất điều: cáu gắt, giận dữ làm cho can khí uất kết, sơ tiết thất thường, đường vận hành khí bị trở trệ dẫn đến hoành nghịch phạm vị làm vị mất hòa giáng gây nên bệnh.
Chính khí hư suy: bẩm tố bất túc (không đầy đủ) hoặc lao thương quá độ hoặc tỳ vị bị tổn thương lâu ngày hoặc thận dương bất túc làm rối loạn công năng ôn ấm… đều là nguyên nhân gây nên bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Đặc điểm biện chứng
Loét dạ dày- hành tá tràng theo y học cổ truyền thì biểu hiện triệu chứng chủ yếu là vị thống (đau vùng thượng vị). Nếu nguyên nhân do cảm thụ hàn tà thì vùng thượng vị đau nhiều, chườm nóng giảm đau, bệnh phần nhiều thuộc về hàn chứng. Nếu đau nóng rát vùng thượng vị, miệng đắng và khô, đại tiện táo bón thì bệnh phần nhiều thuộc về nhiệt chứng.
Nếu đau vùng thượng vị, ăn vào đỡ đau, thích xoa nắn thì bệnh phần nhiều thuộc về hư chứng. Nếu đau vùng thượng vị, ăn vào đau tăng, không thích xoa nắn thì bệnh phần nhiều thuộc về thực chứng. nếu đau vùng thượng vị có trướng bụng, ợ hơi thì bệnh phần nhiều thuộc về khí trệ. Nếu đau vùng thượng vị như châm kim, có điểm đau cố định thì bệnh phần nhiều thuộc về huyết ứ.
Tùy vào sự phát sinh phát triển và các giai đoạn khác nhau của bệnh tật, mỗi giai đoạn của bệnh có biểu hiện chứng lâm sàng khác nhau. Thời kỳ sớm của bệnh chủ yếu thuộc về chứng can vị bất hòa, thời kỳ này chủ yếu là hàn nhiệt thác tạp, còn về giai đoạn sau của bệnh thường thuộc về chứng tỳ vị hư hàn. Loét đạ dày- hành tá tràng lâu ngày không khỏi thường là biểu hiện sự kết hợp giữa chứng tỳ vị hư hàn với đàm trọc, thấp trọc, khí trệ và huyết ứ.
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc lấy pháp điều trị theo biện chứng thể bệnh, kết hợp với lý khí hòa vị chỉ thống.
Thời kỳ sớm của bệnh thì dùng pháp sơ can lý khí thanh nhiệt chỉ thống. Giai đoạn sau của bệnh thì dùng pháp kiện tỳ dưỡng vị hoạt huyết sinh cơ.
Bài thuốc đông y trị bệnh loét dạ dày-hành tá tràng
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
1. Can vị bất hòa
Lâm sàng: can khí uất kết hoành nghịch phạm vị gây nên bệnh, thường gặp ở thời kỳ đầu của bệnh loét dạ dày- hành tá tràng. Triệu chứng chủ yếu là đau vùng thượng vị thành cơn thường có chu kì, bụng đầy trướng, ấn tức kèm ợ hơi, ợ chua, đại tiện táo bón, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.
Pháp điều trị: sơ can lý khí hòa vị chỉ thống.
Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán (Cảnh Nhạc toàn thư)
Trần bì 10g, Sài hồ 12g, Xuyên khung 12g, Hương phụ 10g, Chỉ xác 10g, Bạch thược 15g, Cam thảo 10g.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, uống thuốc trước khi ăn.
Trong bài thuốc này thì sài hồ có tác dụng sơ can giải uất. Hương phụ có tác dụng ký khí sơ can và giúp sài hồ giải can uất. Xuyên khung hành khí hoạt huyết chỉ thống và giúp sài hồ giải trừ uất trệ kinh can. Trần bì và chỉ xác đều có tác dụng lý khí hành trệ. Bạch thược và cam thảo đều có tác dụng dưỡng huyết nhu can, hoãn cấp chỉ thống. Cam thảo còn có tác dụng điều hòa các vị thuốc.
Bài thuốc này được cấu tạo từ bài Tứ nghịch tán bỏ chỉ thực, gia hương phụ, trần bì, chỉ xác, xuyên khung. Tuy bài thuốc này là bài Tứ nghịch gia vị nhưng liều lượng các vị đã có thay đổi (giảm liều cam thảo) cho nên đã tăng cường được tác dụng sơ can giải uất và hành khí chỉ thống.
Để tăng cường sơ can lý khí thì gia sa nhân 10g, diên hồ sách 10g.
Nếu đau thượng vị cảm giác nóng rát, mất ngủ, bứt rứt khó chịu, rêu lưỡi vàng mỏng thì gia chi tử 12g, hoàng cầm 12g để thanh can vị uất nhiệt.
Nếu bụng trướng, đại tiện táo bón, rêu lưỡi nhớt thì gia đại phúc bì 12g, đại hoàng 06g để hành khí thông phủ.
Kinh nghiệm của Hải Thượng Lăn Ông (Bách bệnh cơ yếu) điều trị chứng nôn ra nước chua, ợ chua thì dùng bài Nhị trần thang (trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo) gia ngô thù du 03g, hoàng liên 10g, thương truật 12g, sắc uống.
Châm cứu: châm tả các huyệt Thái xung, Tam âm giao, Túc tam lý, Trung quản, Thiên khu, Can du, Tỳ du, Vị du.
2. Tỳ hư can uất
Lâm sàng: thường gặp thì bệnh tình kéo dài không khỏi dẫn đến tỳ khí hư nhược, can uất khí trệ, hư thực thác tạp với biểu hiện: đau thượng vị từng cơn với tính chất nóng rát, bứt rứt khó chịu, hau cáu gắt, miệng khô và đắng, ợ chua nhiều, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: kiện tỳ sơ can, lý khí chỉ thống.
Phương thuốc: Tứ quân tử thang (Thái bình huệ dân hào tễ cục phương) phối hợp với Tứ nghịch tán.
Cam thảo 06g, Chỉ thực 10g, Sài hồ 12g, Bạch thược 12g, Bạch truật 15g, Phục linh 12g, Nhân sâm 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc này thì nhân sâm có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng ích khí kiện tỳ dưỡng vị. Bạch truật có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng ráo thấp kiện tỳ. Hai vị thuốc này phối hợp với nhau có tác dụng tăng cường ích khí bổ tỳ. Bạch linh có tính vị ngọt nhạt, có tác dụng thấm thấp lợi thủy giúp bạch truật. Nhân sâm có tác dụng kiện tỳ ích khí. Sài hồ nhập kinh can đờm và có tác dụng sơ can giải uất, điều thông khí cơ, thăng phát khí của thanh dương làm cho uất nhiệt đưa ra ngoài.
Bạch thược có tác dụng nhu can, dưỡng âm, hòa huyết, tăng cường khả năng sơ can giải uất của sài hồ. Chỉ thực phối hợp với sài hồ, một thăng một giáng để tăng cường sơ can lý khí. Cam thảo điều hòa tính dược các vị thuốc. Tác dụng bài thuốc đạt mục đích là kiện tỳ sơ can, lý khí chỉ thống.
Để tăng cường hành khí giải uất thì gia uất kim 12g, sa nhân 10g.
Nếu loét dạ dày- hành tá tràng mà có xuất huyết thì gia bạch truật 12g. tiên hạc thảo 12g để lương huyết chỉ huyết.
Nếu thấy có đàm thấp thì gia bạch hoa xà thiệt thảo 12g, bồ công anh 15g để thanh nhiệt tiêu độc.
Châm cứu: châm bổ các huyệt Túc tam lý, Khí hải, Tỳ du, Nội quan: châm tả các huyệt Thái xung. Tam âm giao, Can du.
3. Thể huyết ứ đình trệ
Lâm sàng: đau dữ dội vùng thượng vị, không thích xoa nắn. Thể này có hai loại thực chứng và hư chứng.
Thực chứng: đau như châm kim vùng thượng vị, có điểm đau cố định, không thích xoa nắn, buồn nôn và nôn ra máu, đi ngoài phân đen, chất lưỡi ấm tím, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Hư chứng: đau vùng thượng vị, cảm giác nón rát, người gầy, mệt mỏi vô lực, không muốn ăn, chất lưỡi bệu có ban điểm ứ huyết, mạch tế sác.
Pháp điều trị:
Với thực chứng: hoạt huyết hóa ứ, hào vị chỉ thống.
Bài thuốc: Thất tiếu tán phối hợp với Đan sâm ẩm.
Cam thảo 08g, Bồ hoàng 12g, Đan sâm 15g, Ngũ linh chi 12g, Sa nhân 06g, Đàn hương 12g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.
Trong bài thuốc này thì ngũ linh chi có vị mặn, tính ấm, chủ nhập huyết phận, có tác dụng phá huyết hành huyết, cho nên đối với các chứng ứ huyết đình trệ nó có tác dụng tương đối mạnh làm thông huyết mạch. Bồ hoàng có vị ngọt, tính bình cũng nhập huyết phận, có tác dụng hóa ứ, lại kiêm chỉ huyết. Hai vị thuốc này phối hợp với nhau đạt được tác dụng hoạt huyết khứ ứ, tán kết chỉ thống. Đan sâm có tính vị đắng hơi lạnh, có tác dụng hoạt huyết háo ứ trợ giúp bồ hoàng, ngũ linh chi tăng cường tác dụng hoạt huyết khứ ứ, tán kết chỉ thống. Đàn hương sa nhân có tác dụng ôn trung hành khí chỉ thống, giúp cho các vị thuốc trên đạt tác dụng hoạt huyết hóa ứ, hòa vị chỉ thống.
Nếu đau nhiều thì gia diên hồ sách 12g, tam lăng 12g, nga truật 12g, mộc hương 10g để tăng cường lý khí hoạt huyết chỉ thống.
Với hư chứng pháp điều trị: bổ huyết ích vị,hòa trung chỉ thống.
Bài thuốc: Nhất quán tiễn phối hợp với Thược dược cam thảo thang gia giảm.
Cam thảo 06g, Sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Thục địa 15g, Kỷ tử 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 20g, Xuyên luyện tử 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.
Trong bài thuốc này thục địa để ích thận dưỡng can, tư thủy sinh mộc. Kỷ tử có tác dụng bổ can thận, ích tinh huyết. Đương quy có tác dụng dưỡng huyết bổ can. Sa sâm, mạch môn để dưỡng âm sinh tân, nhuận táo chỉ khát ích vị. Xuyên luyện tử có tính vị đắng lạnh, có tác dụng sơ can tiết nhiệt, hành khí chỉ thống. Bạch thược, cam thảo hào trung hoãn cấp chỉ thống. Tác dụng hoàn bài đạt mục đích bổ huyết ích vị, hòa trung chỉ thống.
Nếu đau nóng rát vùng thượng vị có thể phối hợp với bài Tả kim hoàn để điều trị. Nếu bệnh mắc lâu ngày can thận âm hư có thể dùng bài Ngọc nữu tiễn hoặc bài Ích vị thang.
Khoa Y học cổ truyền- Bệnh biện 103 dùng bài thuốc HHG điều trị.
Hoàng kỳ 15g, Ô tặc cốt 20g, Hoàng liên 15g, Thục địa 15g, Bá tử nhân 06g, Đương quy 15g, Bạch thược 15g, Cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.
Châm cứu:
Thực chứng: châm tả các huyệt Can du, Tỳ du, Thái xung, Huyết hải, Hợp cốc, Thái uyên.
Hư chứng: châm bổ các huyệt Tam âm giao, Thận du, Can du, Tỳ du, Cao hoang, Cách du, Tâm du.
4. Thể tỳ vị hư hàn
Lâm sàng: đau thượng vị liên tục thường không có chu kỳ, buồn nôn và nôn, cơ thể mệt mỏi, thích xoa bóp và chườm nóng, sợ lạnh, chân và tay lạnh, đại tiện thường phân nát, cũng có khi táo, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch hư nhược.
Pháp điều trị: ôn trung kiện tỳ, hòa vị chỉ thống.
Bài thuốc: Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược)
Hoàng kỳ 10g, Bạch thược 15g, Sinh khương 09g, Đại táo 04 quả, Cam thảo chích 06g, Quế chi 10g, Di đường 20g (đường mạch nha).
Bài thuốc này sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc này thì hoàng kỳ có tác dụng bổ trung ích khí. Di đường có tác dụng ôn trung bổ hư, hòa lý hoãn cấp. Quế chi có tác dụng ôn thông dương khí, bạch thược có tác dụng dưỡng âm huyết; hai vị này phối ngũ có tác dụng điều hào âm dương. Sinh khương, đại táo có tính vị cay ngọt, có tác dụng điều hòa doanh vệ. Cam thảo có tác dụng hoãn trung bổ hư điều hòa tính dược.
Để tăng cường ôn trung hành khí thì gia bào khương 10g, hương phụ 12g, sa nhân 10g.
Nếu hàn chứng mà nặng, đau bụng kịch liệt thì bỏ bào khương và gia can khương 10g, chế phụ tử 08g để ôn trung tán hàn chỉ thống.
Nếu nôn nhiều ra dịch trong thì gia ngô thù du 08g, chế bán hạ 08g để ôn trung giáng nghịch. Nếu nôn ra dịch vị mùi chua thì bỏ di dường, đại táo và gia ô tặc cốt 15g để chế toan.
Châm cứu: thường ôn châm hoặc cứu các huyệt Trung quản, Thiên khu, Tỳ du, Vị du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý.
KẾT LUẬN
Loét dạ dày- hành tá tràng theo y học cổ truyền thuộc về phạm vị chứng vị thống, huyết chứng, phúc thống… Đối với chứng vị thống, huyết chứng, phúc thống… Đối với chứng vị thống trong y văn cổ còn gọi là vị quản thống.
Theo y học cổ truyền thì nguyên nhân gây loét dạ dày- hành tá tràng gồm:
Lục dâm xâm nhập: hàn tà, thấp tà dễ gây bệnh. Hàn tà tính ngưng trệ, thấp tà tính dính nhờn hoặc lâu ngày uất hóa nhiệt làm hàn thấp nhiệt tà uất tích, trở trệ khí cơ gây tổn thương vị; khí cơ của vị trở trệ, vị khí bất hòa gây nên bệnh.
Bệnh tà trở lạc: bao gồm các loại sản vật bệnh lý được sinh ra như đàm ứ, thấp trệ gây trở trệ vị lạc; kết hợp với ăn uống quá độ, ăn nhiều chất đạm, mỡ, nóng lạnh đều làm cho trung khí trở trệ, vị khí bất hòa gây bệnh.
Tình chí thất điều: cáu gắt, giận dữ làm can uất sơ tiết thất thường, khí cơ trở trệ, dẫn đến hoành nghịch phạm vị, vị mất chức năng hóa giáng gây nên bệnh.
Chính khí hư suy: bẩm tố bất túc (không đầy đủ) hoặc lao thương quá độ hoặc tỳ vị thụ thương lâu ngày hoặc thận dương bất túc, mất ôn ấm dẫn đến tỳ dương hư gây vị khí trở trệ dẫn đến tỳ vị hư hàn.
Về điều trị loét dạ dày- hành tá tràng theo y học cổ truyền là dựa vào nguyên tắc lấy pháp điều trị theo biện chứng thể bệnh, kết hợp pháp lý hòa vị chỉ thống. Thời kỳ sớm của bệnh, nguyên tắc điều trị dùng pháp sơ can lý khí thanh nhiệt chỉ thống; giai đoạn sau của bệnh thường dùng pháp kiện tỳ dưỡng vị, hoạt huyết sinh cơ.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com