Bài thuốc đông y trị chảy máu tiêu hóa trên
Chảy máu tiêu hóa trên là bệnh cần phải cấp cứu nội và ngoại khoa. Chảy máu tiêu hóa trên là vị trí chảy máu từ góc Treitz trở lên. Nguyên nhân chủ yếu của chảy máu tiêu hóa trên là do loét dạ dày- hành tá tràng và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Người thầy thuốc phải theo dõi sát và đánh giá đúng tình trạng mất máu, đồng thời tìm nguyên nhân gây chảy máu để điều trị kịp thời có hiệu quả tránh nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Nôn ra máu đỏ tươi, máu đen lẫn máu cục, có thể lẫn cả thức ăn.
Đi ngoài phân đen như bã cà phê, mùi khắm.
Có thể vừa nôn ra máu vừa đi ngoài phân đen hoặc chỉ đi ngoài phân đen không nôn ra máu.
Tình trạng sốc thường xảy ra sau khi nôn ra máu hoặc sau đi ngoài phân đen.
Mạch nhanh, huyết áp thấp và kẹt, da xanh tái, vã mồ hôi, khó thở, tiểu tiện ít hoặc vô niệu.
Ngoài ra, có thể thấy triệu chứng gợi ý nguyên nhân (đau vùng thượng vị…)
Cận lâm sàng
Huyết sắc tố giảm, hematocrit giảm, có thể rối loạn đông máu, xét nghiệm công thức máu có thể thấy hồng cầu giảm.
Cần làm thêm điện tim khi nghi ngờ có thêm bệnh thiếu máu cơ tim.
Nội soi xác định chẩn đoán vị trí và nguyên nhân chảy máu, tuy nhiên trong một số trường hợp nội soi có máu trong dạ dày mà không rõ nguyên nhân chảy máu.
Chẩn đoán nguyên nhân
Loét dạ dày- hành tá tràng
Lâm sàng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mạch nhanh, huyết áp tụt, đau vùng thượng vị, tiền sử có loét dạ dày- hành tá tràng hoặc dùng thuốc giảm đau chống viêm, không có triệu chứng bệnh gan mật như vàng da, cổ trướng, lách to, tuần hoàn bàng hệ, phù chân…
Cận lâm sàng: xét nghiệm máu thấy giảm hồng cầu, huyết sắc tố giảm, hematocrit giảm, nội soi xác định chẩn đoán.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây giãn vỡ tĩnh mạch thực quản
Lâm sàng: thường nặng, tỷ lệ tử vong cao. Nôn máu nhiều ồ ạt, máu đỏ tươi kèm đi ngoài phân đen hoặc máu đỏ. Xơ gan thường là nguyên nhân chủ yếu gây giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, kèm theo các triệu chứng lâm sàng của xơ gan như vàng mắt, vàng da, phù, lách to, cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ.
Cận lâm sàng: chẩn đoán chắc chắn dựa vào soi thực quản.
Các nguyên nhân khác
Viêm dạ dày- hành tá tràng cấp tính chảy máu sau uống thuốc non-steroid (aspirin, phenylutaron…), corticoid, prednisone.
Hội chứng Malloty- Weiss (hay gọi là hội chứng rách niêm mạc vùng nối thực quản- dạ dày): bệnh nhân nôn hoặc ọe nhiều, sau đó là nôn ra máu.
Ung thư dạ dày: nôn máu nhiều lần, lờ lờ máu cá, lẫn cục, lẫn thức ăn, đi ngoài phân đen, vùng thượng vị có mảng cứng, sờ thấy có khối u, cơ thể suy kiệt, chẩn đoán dựa vào chụp X quang, nội soi, sinh thiết.
Ung thư thực quản.
Polyp ở dạ dày- hành tá tràng.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như chảy máu đường mật ở bệnh nhân viêm đường mật do sỏi, bệnh tủy xương gây rối loạn đông máu chảy máu, xuất huyết do giảm tiểu cầu, dị dạng mạch máu trong dạ dày.
Chẩn đoán phân biệt
Ho ra máu: do ho ra máu rồi nuốt vào dạ dày.
Các thuốc gây đi ngoài phân đen: sắt, bismuth… hoặc ăn tiết canh…
Chẩn đoán mức độ xuất huyết tiêu hóa
Nhẹ | Vừa | Nặng | |
Huyết áp tâm thu (mmHg) | 100 | 80-90 | <80 |
Mạch | 90-100 | 100-120 | >120 |
Hồng cầu (t/l) | >3 | 2-3 | <2 |
Hematocrit (l/l) | 0,3-0,4 | 0,2-0,3 | <0,2 |
Mất máu (%V tuần hoàn) | <20 | 20-30 | >30 |
Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh chảy máu tiêu hóa trên thuộc phạm vi chứng thổ huyết, tiện huyết.
Trong “Tố vấn. Cử thống luận” có nêu: “nộ tắc khí nghịch, trọng tắc thổ huyết”.
Thời Hán, trong “Kim quỹ yếu lược. Kinh quý thổ trục hạ huyết não mãn ứ huyết bệnh mạch chứng” cho rằng: bản chất bệnh vừa có hư hàn, lại vừa có nhiệt thịnh nên bệnh chứng thác tạp và cần phân biệt để dùng phương thuốc Bách diệp thang để điều trị thể hàn, còn bài Tả tâm thang dùng để điều trị thể nhiệt và cả hai bài đều được dùng điều trị thổ huyết cho đến ngày nay.
Thời Tùy, trong “Chư bệnh nguyên hậu luận. Thổ huyết hậu” cho rằng: vị trí bệnh của thổ huyết là ở vị, phần nhiều nguyên nhân tổn thương vị khẩu, kết hợp với thể chất hư nhược, lại uống rượu lao thương quá độ gây nên. Ngoài ra, thổ huyết có thể do các tạng khác làm tổn thương vị lạc gây nên.
Thời Đường, Tôn Tư Mạc trong “Thiên kim yếu phương. Thổ huyết” đã tổng kết 30 phương thuốc về điều trị thổ huyết, trong đó có các phương thuốc nổi tiếng như Thanh nhiệt địa hoàng thang. Bột đại hoàng là những phương thuốc được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng điều trị nôn ra máu có hiệu quả.
Thời Tống, Chu Quảng trong “Hoạt nhân thư” cho rằng: nguyên nhân thổ huyết là do trúng nhiệt độc gây nên ứ huyết nội kết, điều trị nó phải dùng phương thuốc Để dương hoàn, Đào nhân thừa khí thang.. đều có tác dụng hóa ứ chỉ huyết.
Thời Nguyên, Chu Đan Khê cho rằng: “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”, trong “Đan Khê tam pháp. Thổ huyết” có nêu: “ thổ huyết hảo bệnh giả”, do dương thịnh âm hâm gây nên huyết không hạ hành, nguyên nhân hỏa thăng bốc làm tăng cường xuất huyết, điều trị dùng pháp bổ âm chế hỏa, khi hỏa phục thì bệnh lui.
Trong “Cảnh Nhạc toàn thư. Huyết chứng” có nêu những luận thuyết về chứng hậu, trị liệu đối với thổ huyết tương đối toàn diện. Nguyên nhân bệnh sinh của thổ huyết chủ yếu do âm hư, dương thắng, vị hỏa tích thịnh, can khí thượng nghịch, can hỏa tích thịnh, trung khí hao tổn không thể nhiếp huyết gây nên xuất huyết. Ngoài ra, còn đề ra ba phương pháp điều trị thổ huyết là: “Hành huyết bất khả chỉ huyết”, hành huyết chính là làm cho huyết tuần kinh, không gây ứ huyết. “Bổ can bất khả phạt can”, phạt can tức làm tổn hại can, càng làm can hư không tăng được huyết. “Giáng khí bất khả giáng hỏa”, vì khí hữu dư chính là hỏa, cho nên giáng khí tức chính hỏa. Những hiểu biết về pháp điều trị thổ huyết ở đây có sự phát triển.
Thời Thanh, trong “Huyết chứng luận. Thổ huyết” cho rằng: nôn ra máu thì phải lưu ý đến vị và để ra bốn pháp thông dụng trong điều trị chứng xuất huyết.
Chỉ huyết: đầu tiên nên chỉ huyết để huyết không thấm tiết ra ngoài mạch.
Tiêu ứ: sau khi cầm được huyết, huyết thoát khỏi mạch mà không nôn sẽ gây ứ huyết.
Ninh huyết: sau khi dùng pháp chỉ huyết và tiêu ứ, còn đề phòng huyết nhiễu động thì phải dùng các vị thuốc làm yên huyết động.
Bổ huyết: do mất huyết quá nhiều gây khí huyết hao hư.
Nguyên nhân bệnh sinh
Đối với bệnh chảy máu tiêu hóa trên thì y học cổ truyền cho rằng bản chất của chảy máu (xuất huyết) là do lạc mạch bị tổn thương, huyết tràn ra ngoài. Xuất huyết không chỉ do khí, do hỏa àm còn do ứ huyết, huyết không tuần kinh. Thông thường những nhân tố ảnh hưởng đến khí huyết ứ nội trở mạch lạc đều có thể dẫn đến xuất huyết. Hơn nữa về tạng phủ mà nói, các nhân tố thuộc về tình chí bất hòa, ẩm thực bất tiết (ăn uống không điều độ), lao thương quá độ làm cho tâm không làm chủ được huyết mạch, can không tàng huyết, tỳ không thống nhiếp huyết gây nên xuất huyết. cho nên, nguyên nhân bệnh sinh chảy máu tiêu hóa trên được phân thành ba loại sau:
Vị nhiệt thương lạc: ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu hoặc ăn nhiều chất kích thích, chua, cay, nóng… đều có thể gây nên táo nhiệt uẩn tích vị trường, hóa hỏa quấy nhiễu huyết lạc gây bức huyết vong hành dẫn đến xuất huyết. Cho nên, trong cuốn “Tố vấn. Cử thống luận” viết: “nộ tắc khí nghịch, trọng tắc thổ huyết”.
Tỳ hư bất năng nhiếp huyết: tỳ chủ thống huyết, tỳ khí vượng thịnh thì huyết vận hành trong lòng mạch bình thường. Trái lại, lao thương quá độ hoặc bệnh ở can và vị lâu ngày không khỏi làm cho tỳ vị hư nhược, mất khả năng thống nhiếp huyết, rối loạn vận hành huyết trong mạch đạo, huyết tràn ra ngoài gây xuất huyết hoặc thượng nghịch mà thổ huyết hoặc hạ hành mà đại tiện ra máu.
Vị kinh ứ trệ: can chủ tàng huyết, tính thích điều đạt sơ tiết. Nếu bệnh can lâu ngày không khỏi làm cho khí trệ huyết ứ gây nên rối loạn công năng tàng huyết và sơ tiết của can hoặc do bệnh tại vị lâu ngày không khỏi, lâu ngày nhập lạc… đều có thể là nguyên nhân làm cho huyết vận hành bị rối loạn mà tràn ra ngoài gây nên xuất huyết. Nếu nặng thì có thể gây xuất huyết không cầm.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Đặc điểm biện chứng
Bệnh chảy máu tiêu hóa ở thời kỳ đầu biểu hiện hồi hộp trống ngực, mặt đỏ, khô và đắng miệng, nôn ra máu có màu đỏ tươi, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch sác. Thời kỳ này, bệnh phần nhiều thuộc về chứng thực nhiệt.
Bệnh lâu ngày không khỏi, sắc mặt ám vàng hoặc vàng trắng, xuất huyết có màu sắc nhợt, hoa mắt chóng mặt, thích ấm sợ lạnh, tứ chi không ấm, chất lưỡi nhợt, mạch trầm nhược. Thời kỳ này, bệnh thuộc về chứng hư hàn.
Nguyên tắc điều trị
Chứng thực nhiệt thì dùng pháp thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết chỉ huyết.
Chứng hư hàn thì dùng pháp ích khí nhiếp huyết làm chủ.
Chú ý: huyết thoát trước tiên phải ích khí cố thoát, trong phương thuốc không nên dùng các vị thuốc có tính thăng, tán, táo, nhiệt vì nó làm cho huyết theo khí, hỏa thượng nghịch nên càng làm tăng cường xuất huyết.
Trong quá trình điều trị, phải kết hợp với y học hiện đại để đánh giá đúng mức độ xuất huyết, phối kết hợp với biện pháp của y học hiện đại để đạt dược hiệu quả trong điều trị, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Bài thuốc đông y trị chảy máu tiêu hóa trên
PHÂN THỂ ĐIỀU TRỊ
Vị nhiệt thương lạc
Lâm sàng: vị nhiệt thịnh làm tổn thương mạch lạc, bức huyết vong hành gây nôn ra máu màu tím, nếu nặng thì thấy máu có màu máu đỏ tươi, cảm giác như có dị vật trong miệng, miệng khô, bứt rứt khó chịu, đại tiện phân đen, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: thanh vị tả hỏa, giáng nghịch chỉ huyết.
Bài thuốc: Tả tâm thang (Kim quỹ yếu lược)
Đại hoàng 10g, Hoàng liên 05g, Hoàng cầm 05g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì hoàng cầm có tác dụng tả hỏa tâm phế ở thượng tiêu, hoàng liên có tác dụng tả hỏa tỳ vị trung tiêu, đại hoàng có tác dụng hỏa đại trường ở hạ tiêu. Ba vị thuốc này đều có tính vị rất đắng và lạnh, cho nên có thể điều trị nôn ra máu, ho ra máu, chủ yếu thông qua các tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa để đạt mục đích chỉ huyết. Huyết thuộc về ấm, gặp nhiệt thì hành tán, gặp lạnh thì ngưng trệ. Khí làm huyết thuận, khí hỏa hạ giáng thì nhiệt không bức huyết nên huyết dược an định mà không xuất ra ngoài. Cho nên, người xưa nói tả tâm tức là tả hỏa, tả hỏa tức là chỉ huyết.
Để tăng cường tác dụng giáng khí chỉ huyết thì gia giáng hương 10g, khiếm thảo 12g, địa du 09g.
Châm cứu: châm tả các huyệt Thiên đột, Cách du, Vị du; châm bình bổ bình tả các huyệt Túc tam lý, Khí hải, Thượng quản.
Can hỏa phạm vị
Lâm sàng: do can hỏa hoành nghịch phạm vị làm vị lạc tổn thương gây nên các biểu hiện nôn ra máu có màu đỏ tươi hoặc ám tím, miệng đắng, đau tức ngực sườn, cáu giận, ợ hơi, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: thanh can tả hỏa, lương huyết chỉ huyết.
Bài thuốc: Long đởm tả can thang (Cổ kim y phương tập thành)
Long đờm thảo 12g, Hoàng cầm 10g, Chi tử 10g, Mộc thông 12g, Xa tiền tử 20g, Trạch tả 20g, Đương quy 12g, Sinh địa 12g, Sài hồ 12g, Sinh cam thảo 06g.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang, chia làm 02 lần.
Trong bài thuốc trên thì long đờm thảo có tính vị rất đắng và lạnh, vị đắng có thể táo thấp, tính hàn có thể thanh nhiệt, cho nên thuốc có tác dụng vừa tả thấp nhiệt ở hạ tiêu vừa tả hỏa ở can và đờm. Hoàng cầm và chi tử đều có tính vị đắng lạnh, vào kinh đởm; có tác dụng tả hỏa giải độc, táo thấp thanh nhiệt. Trạch tả, xa tiền tử, mộc thông giúp cho long đờm thảo thanh thấp nhiệt đi ra bằng đường tiểu tiện. Nhưng can là tạng tàng huyết, tính thích nhu nhuận, chứng can kính thực hỏa dễ làm cho nó tổn thương âm huyết, hơn nữa những vị thuốc trong phương thuốc đều khô táo và thấm lợi làm thương âm. Do đó, nên dùng đương quy và sinh địa (đều có tác dụng dưỡng huyết, ích âm, tả hỏa ở can) làm cho các vị thuốc có tác dụng tả hỏa mà không tổn thương tân dịch. Sài hồ sơ thông khí của can đởm, dẫn thuốc quy về can kinh. Cam thảo điều hòa các vị thuốc.
Để tăng cường tác dụng lương huyết chỉ huyết thì gia hạ khô thảo 12g, khiếm thảo 12g, hạn liên thảo 15g, ngẫu tiết 12g.
Nếu can hỏa vượng thịnh gây đau đầu, chóng mặt, cáu gắt, mắt đỏ thì gia cúc hoa 12g, hạ khô thảo 12g để thanh can minh mục.
Châm cứu: châm tả các huyệt Kỳ môn, Can du, Hành gian; châm bổ huyệt Tam âm giao, Thái uyên.
Tỳ hư bất nhiếp
Lâm sàng: do tỳ khí hư hao mất công năng thống nhiếp nên huyết tràn lan gây ra máu, sắc ám nhợt, cơ thể mệt mỏi vô lực, hồi hộp trống ngực, khó thở, sắc mặt xanh tái, chất lưỡi nhợt, mạch tế sác.
Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí cố nhiếp.
Bài thuốc: Quy tỳ thang (Tế sinh phương).
Hoàng kỳ 20g, Nhân sâm 03g, Phục thần 12g, Viễn chí 06g, Đương quy 12g, Bạch truật 15g, Chích cam thảo 06g, Toan táo nhân 10g, Mộc hương 06g, Long nhãn nhục 06g.
Bài thuốc trên gia sinh khương 03 lát, đại táo 03 quả, sắc ngày 01 thang, uống 2-3 lần.
Trong bài thuốc trên thì nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo đều có tác dụng bổ tỳ ích khí (trên nguyên tắc ích khí sinh huyết). Đương quy, long nhãn nhục có tác dụng bổ huyết. Toan táo nhân, viễn chí, phục thần có tác dụng dưỡng tâm an. Mộc hương có tác dụng lý khí tỳ làm cho các vị thuốc bổ mà không trệ. Sinh khương, đại táo có tác dụng khai vị kiện tỳ điều hòa doanh vệ.
Để tăng cường tác dụng cố nhiếp thì gia địa du 12g, bồ hoàng 10g, huyết dư thán 10g, bạch cập 12g.
Nếu thiên về tỳ dương hư thì gia hoàng thổ 12g, bào phụ tử 06g, bào khương thán 06g hoặc dùng bài Hoàng thổ thang gia giảm.
Châm cứu: châm bổ các huyệt Túc tam lý, Tam âm giao, Tỳ du, Cách du, Cao hoang, Tâm du.
Vị lạc ứ trở
Lâm sàng: do can vị bị bệnh lâu ngày không khỏi nhập lạc làm vị lạc ứ huyết trở trệ dẫn đến huyết không tuần kinh mà tràn lan gây ra máu màu sắc ánh tím; vùng thượng vị đau, điểm đau cố định, không thích xoa nắn, sắc mặt ám tối; chất lưỡi tím hoặc có ban điểm ứ huyết, mạch tế sáp.
Pháp điều trị: khứ ứ chỉ huyết.
Bài thuốc: Thất tiếu tán (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương)
Ngũ linh chi, Bồ hoàng
Hai vị thuốc trên lấy liều bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần uống 06g với hoàng tửu hoặc có thể sắc uống.
Trong bài thuốc Thất tiếu tán thì ngũ linh chi có vị mặn, tính ấm chủ nhập huyết phận; có tác dụng phá huyết hành huyết, cho nên đối với các chứng ứ huyết đình trệ nó có tác dụng tương đối mạnh làm thông huyết mạch. Bồ hoàng có vị ngọt tính bình cũng nhập huyết phận; có tác dụng hóa ứ, lại kiêm chỉ huyết, phối hợp với hoàng tửu làm tăng cường tác dụng hành huyết tán ứ. Hai vị thuốc này phối hợp với nhau đạt được tác dụng hoạt huyết khứ ứ, tán kết chỉ thống.
Nếu tình trạng ứ huyết tương đối nặng thì gia tam thất 12g, địa du 09g, khiếm thảo 12g.
Nếu có khí hưu thì gia hoàng kỳ 12g, đảng sâm 12g.
Tình trạng xuất huyết tương đối nặng thì gia a giao 12g, tử châu thảo 12g.
Châm cứu: chẩm tả các huyệt Tam âm giao, Hợp cốc, Huyết hải, Thái xung.
KẾT LUẬN
Theo quan niệm y học cổ truyền thì bản chất bệnh chảy máu tiêu hóa trên phần lớn nguyên nhân là do vị nhiệt thương lạc, tỳ hư bất năng nhiếp huyết, vị lạc ứ trở làm cho huyết bất tuần kinh tràn ra ngoài. Ngược lại, huyết theo khí và hỏa thượng nghịch từ miệng mà nôn ra ngoài, huyết thuận theo vị khí hạ giáng nhập trường đạo. Trong huyết có chất sắt và được lưu giữ trong trường vị tác dụng làm lưu hóa sắt, theo phân ra ngoài gây hiện tượng đại tiện phân đen. Do mất huyết làm cho khí huyết không đầy đủ nên cơ thể mệt mỏi vô lực, hoa mắt, hồi hộp trống ngực; nếu nặng thì khí theo huyết thoát với biểu hiện thần chí lơ mơ tự ra mồ hôi nhiều, chi lạnh, thậm chí bất tỉnh nhân sự.
Bản chất bệnh là bản hư, tiêu thực. Trong đó, bản hư chủ yếu là tỳ vị hư nhược không thống nhiếp huyết dịch, can bệnh lâu ngày gây mất chức năng tàng huyết gây xuất huyết; chứng tiêu thực chủ yếu là tình trạng khí trệ, ứ huyết, vị nhiệt, trở trệ, huyết thoát.
Về điều trị: chứng thực nhiệt dùng pháp thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết chỉ huyết, nếu khí trệ huyết ứ lấy pháp hành khí hoạt huyết. Chứng hư lấy pháp ích khí nhiếp huyết làm chủ. Huyết thoát trước tiên phải ích khí cố thoát, trong phương thuốc không nên dùng các vị thuốc có tính thăng, tán, táo, nhiệt vì nó làm cho huyết theo khí và hỏa thượng nghịch làm tăng cường xuất huyết.
Người thầy thuốc cần nắm vững kiến thức bệnh chảy máu tiêu hóa là một cấp cứu nội ngoại khoa; phải vận dụng tốt trong chẩn đoán, tiên lượng, điều trị kết hợp với y học hiện đại để đạt được hiệu quả.
Bài thuốc mang tính chất tham khảo độc giả không được tự ý bốc thuốc uống. Khi cần nên gặp bác sĩ đông y để được tư vấn và khám bệnh
Quý khách có nhu cầu khám và tư vấn miễn phí vui lòng liên hệ
THIỆN MINH Y QUÁN – Y Học Cổ Truyền
Địa chỉ: B14/12/9 Cây Cám, Ấp 1B, Vĩnh Lộc B, TPHCM
ĐT & Zalo: 0904 890 895
Email: thienminhyquan88@gmail.com
Webiste: www.thienminhyquan.com